Các Hoạt Động Hướng Tới Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng Bền Vững


tỉnh trong phát triển du lịch bền vững tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, nghiên cứu còn chỉ ra sự cần thiết trong phối hợp giữa các bên liên quan như tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp, chính quyền các cấp. Ngoài ra, còn có các nghiên cứu về các loại hình phát triển du lịch bền vững tại địa phương, cụ thể là nghiên cứu của Đinh Thị Thanh Mai và Nguyễn Thị Bé Ba (2013) về phát triển du lịch bền vững ở Phú Quốc và Dương Hoàng Hương (2017) về phát triển du lịch bền vững ở Phú Thọ.

2.1.2. Du lịch cộng đồng

Lịch sử phát triển và khái niệm

Thuật ngữ du lịch dựa vào cộng đồng (Community Based Tourism - CBT) xuất hiện vào giữa những năm 70 khi mà chính phủ các nước và một số học giả tạo ra mối liên hệ giữa du lịch và giảm nghèo ở các nước đang phát triển đặc biệt thông qua các chiến lược như du lịch bền vững (Ashley và Mitchell, 2009). Các phong trào du lịch bền vững và sự ra đời của các sản phẩm du lịch sinh thái, quy mô nhỏ được cho là giải pháp thay thế cho loại hình du lịch đại chúng không bền vững, mở đường cho sự phát triển của du lịch cộng đồng và đây thường là công cụ do các NGOs thiết lập nhằm giải quyết các vấn đề xã hội (Pawson và cộng sự, 2017).

Trên phạm vi quốc tế, có nhiều thuật ngữ mô tả hoạt động du lịch này, như “Du lịch cộng đồng (Community Tourism - CT)”, “Du lịch dựa vào cộng đồng (Community Based Tourism - CBT)”, “Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (Community Based Ecotourism - CBET)” và “Sự tham gia của cộng đồng trong du lịch (Community Participation in Tourism - CPT)”. Tại Việt Nam, Tổng cục Du lịch năm 2017 xác định là “Du lịch cộng đồng (Community Tourism - CT)”. Và tác giả cũng thống nhất sử dụng thuật ngữ “Du lịch cộng đồng - Community Tourism” trong toàn luận án khi trình bày đến loại hình du lịch này.

Khái niệm du lịch cộng đồng đã được đề cập bởi nhiều tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới. Tổ chức Pachamama (Tổ chức hướng đến việc giới thiệu và bảo tồn văn hóa bản địa khu vực Châu Mỹ) đưa ra khái niệm rất cơ bản: “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mà du khách từ bên ngoài đến với cộng đồng địa phương để tìm hiểu về phong tục, lối sống, niềm tin và được thưởng thức ẩm thực địa phương” (Pachamama, 2019). Đề cập tới vai trò của cộng đồng, Hall (1996) cho rằng: “Du lịch cộng đồng là hình thức du lịch trong đó tập trung vào sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc lập kế hoạch và duy trì sự phát triển du lịch nhằm tạo ra một ngành công nghiệp bền vững hơn”. Và "Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch, trong đó cộng đồng địa phương được tham gia quản lý, có quyền kiểm soát đáng kể quá trình phát triển và lợi ích kinh


tế từ du lịch phần lớn đọng lại trong cộng đồng”, Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF, 2001: 2).

Đề cập tới mục tiêu phát triển, Choi và Sirakaya (2006) đề xuất khái niệm du lịch cộng đồng bền vững. Họ cho rằng, du lịch cộng đồng để đạt được bền vững cần chú trọng đến mục tiêu tối đa hoá lợi ích kinh tế, ổn định cuộc sống cho cộng đồng dân cư và bảo vệ các nguồn tài nguyên hữu hình, vô hình của cộng đồng và cung cấp trải nghiệm giáo dục chất lượng cao cho du khách.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 217 trang tài liệu này.

Du lịch cộng đồng có vai trò rất quan trọng với người nghèo, Tổ chức mạng lưới du lịch cộng đồng vì người nghèo đã nêu: “Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch bền vững thúc đẩy các chiến lược vì người nghèo trong môi trường cộng đồng. Các sáng kiến của du lịch cộng đồng nhằm vào mục tiêu thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc vận hành và quản lý các dự án du lịch nhỏ như một phương tiện giảm nghèo và mang lại thu nhập thay thế cho cộng đồng. Các sáng kiến của du lịch cộng đồng còn khuyến khích tôn trọng các truyền thống và văn hóa địa phương cũng như các di sản thiên nhiên”.

Đối với công tác bảo tồn môi trường tự nhiên và nhân văn, tác giả Võ Quế (2006) cho rằng, “Du lịch dựa vào cộng đồng là phương thức phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư tổ chức cung cấp các dịch vụ để phát triển du lịch; tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường văn hoá; được hưởng quyền lợi về vật chất, tinh thần từ phát triển du lịch và bảo tồn tự nhiên”.

Phát triển du lịch cộng đồng bền vững từ góc nhìn lý thuyết các bên liên quan – Nghiên cứu điển hình ở khu vực Tây Bắc Việt Nam - 4

Luật Du lịch năm 2017 chỉ rõ, du lịch cộng đồng “là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”. Như vậy, theo mục tiêu và phạm vi nghiên cứu của luận án, du lịch cộng đồng được hiểu là “là loại hình du lịch được phát triển trên nền tảng các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi, đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa địa phương”.

Nội hàm du lịch cộng đồng

Phát triển du lịch cộng đồng có nghĩa là cộng đồng có quyền kiểm soát du lịch với vai trò chủ đạo trong sáng tạo sản phẩm, cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch. Từ đó, có thể tối đa hoá lợi ích cho người dân địa phương và giảm thiểu các tác động tiêu cực do du lịch mang lại. Mặt khác, du lịch cộng đồng thường nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức trong đào tạo người dân địa phương có năng lực phù hợp để làm du lịch (Muhanna, 2007).


Sự tham gia của cộng đồng địa phương được xem là yếu tố trung tâm trong phát triển du lịch cộng đồng bền vững (Timothy và Tosun, 2003). Swarbrooke (1999) cho rằng cộng đồng địa phương nên tham gia tích cực vào việc lập kế hoạch, quản lý và các hoạt động khác có liên quan trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương. Theo quan điểm này, cộng đồng địa phương cần được thúc đẩy tham gia vì sẽ (i) hỗ trợ cho quá trình ra quyết định phù hợp hơn, gia tăng động lực phát triển kinh tế cho địa phương (Hall, 1999), (ii) gắn chặt trách nhiệm của địa phương với các hoạt động bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, (iii) gia tăng sự hài lòng của du khách khi có sự tham gia của người dân trong các hoạt động du lịch với niềm tự hào, nhiệt huyết (Hall, 1999).

Cộng đồng địa phương cần được tham gia với vai trò là bên liên quan tham gia tích cực, nơi văn hóa và di sản địa phương đang được thiết lập trong hoạt động du lịch cộng đồng (Milne và Ewing, 2004). Sự tham gia của cộng đồng cũng đảm bảo tính dân chủ vì những người địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất từ du lịch được tiếp cận, sử dụng giá trị địa phương đối với việc phát triển du lịch trong giới hạn cho phép (Swarbrooke, 1999; Pavlovich, 2001). Tosun (2000a) đã cho rằng, sự tham gia của cộng đồng địa phương là một mô hình phù hợp với các điểm du lịch có mức độ phát triển khác nhau. Mô hình này cho phép người dân được tham gia vào quá trình chia sẻ lợi ích, xác định loại hình du lịch và quy mô phát triển du lịch của địa phương. Sự tham gia của cộng đồng không chỉ thể hiện qua các quá trình lập kế hoạch, mà còn hướng đến việc đạt lợi ích chung, trong đó có sự tham gia của các bên vào một hoạt động và mang lại hiệu quả cao Arai và Pedlar (2003). Đồng quan điểm đó, Wilson và Baldassare (1996) cho rằng, việc có sự tham gia tích cực của người dân địa phương đã cung cấp cho các bên nhận thức về việc sống trong một cộng đồng thống nhất và chia sẻ cùng một mục tiêu chung. Bên cạnh sự tham gia tích cực của người dân địa phương, tác giả Bùi Thị Hải Yến (2012) cho rằng còn có sự hợp tác chặt chẽ của bên liên quan như các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, của chính quyền địa phương các cấp, trong đó phần lớn lợi nhuận thu được từ du lịch được dành cho phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm chất lượng cao của du khách.

Mức độ tham gia của cộng đồng địa phương gắn liền với đặc điểm riêng của mỗi điểm đến. Arnstein (1969) cho rằng, người dân được tham gia ở 3 mức độ: ít tham gia, tham gia và tham gia hiệu quả. Tại mức “ít tham gia”, cộng đồng địa phương chỉ giữ vai trò được tiếp cận và tham gia ở giai đoạn được các bên liên quan chỉ định, từ đó có thể được đào tạo, hiểu biết thêm về du lịch cộng đồng. Ở mức “tham gia”, cộng đồng địa phương được cung cấp thông tin, được ưu tiên trong các quyết định về phát triển du lịch và được tham vấn về một số vấn đề liên quan. Ở mức độ cao nhất “tham gia hiệu


quả”, cộng đồng địa phương có quyền lực, chủ động hoàn toàn trong xây dựng các quan hệ đối tác và cùng với các bên liên quan đưa ra quyết định then chốt về phát triển du lịch tại địa phương. Pretty (1995) đề xuất hai mức độ tham gia của cộng đồng địa phương, đó là tham gia thụ động và tham gia chủ động. Ở mức độ cao nhất, cộng đồng địa phương tham gia có tính mức độ ảnh hưởng đến các tổ chức bên ngoài, đến các nguồn lực địa phương vì người dân được phép đưa ra các sáng kiến một cách độc lập trong quá trình thực hiện.

Du lịch cộng đồng được xem là sự phối hợp thực hiện của các bên liên quan, là công cụ phát triển được thực hiện bởi một nhóm bên trong và bên ngoài, tuy nhiên, cộng đồng địa phương thường bị loại ra khỏi giai đoạn đầu lập kế hoạch du lịch vì tính dễ bị tổn thương và thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Do vậy, cộng đồng cần phải đóng vai trò kiểm soát du lịch, đây là chìa khóa để thực hiện thành công du lịch cộng đồng (Buccus và cộng sự, 2008; Manyara và Jones, 2007).

Cộng đồng địa phương tham gia tích cực sẽ được nhận lợi ích nhất định, lợi ích này được tạo ra từ quá trình phát triển du lịch, quá trình đó bao gồm sự hoà nhập của người dân địa phương, sự ra quyết định trong khai thác vào bảo tồn tài nguyên du lịch.

Bên cạnh các điểm tích cực, sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển du lịch cũng có những hạn chế. Một trong số những hạn chế được nhắc đến bao gồm: vấn đề thiếu chuyên môn và đào tạo của các cơ quan quản lý quy hoạch du lịch; thiếu kinh phí, thiếu sự quan tâm hoặc cam kết của các bên liên quan; có sự cạnh tranh trong sử dụng các nguồn lực; thiếu kế hoạch dài hạn hoặc chiến lược và thiếu sự thống nhất về các cấu trúc, quy trình cụ thể (Butler, 1999; Milne, 1998; Selin và Beason, 1991; Timothy, 2002).

Sản phẩm phù hợp với mô hình phát triển du lịch cộng đồng thường đi kèm với việc sử dụng tài nguyên phi tự nhiên như di sản văn hoá, văn hoá truyền thống. Tài nguyên này cần phải được bảo vệ, bảo tồn, tạo nên môi trường sống lành mạnh cho cư dân, giúp giảm ô nhiễm môi trường... từ đó mang lại lợi ích cho xã hội địa phương. Như vậy, du lịch cộng đồng giúp bảo tồn các tài sản văn hóa thông qua việc định giá chúng về mặt tài sản du lịch (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, 2016).

Nghiên cứu về du lịch cộng đồng tại vùng Tây Bắc

Các nghiên cứu về phát triển du lịch cộng đồng hướng tới bền vững tại vùng Tây Bắc trong những năm gần đây nói chung đều cho rằng, cộng đồng địa phương cần được trao quyền trong các hoạt động quản lý du lịch để có thể mang lại sự thịnh vượng cho nguời dân. Khả năng thích ứng của cộng đồng địa phương được thể hiện rõ trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng ở vùng này, ví dụ được thể hiện qua việc tham


gia, truyền tải bản sắc (quan hệ và ảnh hưởng) của cộng đồng người Thái trong mối giao lưu đa văn hoá với các dân tộc khác ở vùng Tây Bắc, từ đó, phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc Thái, đảm bảo phát triển bền vững trong mối quan hệ với các cộng đồng cùng sinh sống trong vùng (Phạm Văn Lợi, 2017). Tuy nhiên, trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế xã hội của một số tỉnh Tây Bắc còn thấp, còn gặp nhiều khó khăn thì việc tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch còn gặp nhiều hạn chế, từ đó có ảnh hưởng đến việc đạt mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương trong phát triển du lịch bền vững. Trong quá trình phát triển, du lịch cộng đồng phát triển không chỉ liên quan đến sự mối quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng để mang lại lợi ích cho cả hai bên, mà còn liên quan đến sự hỗ trợ của người dân trong và ngoài cộng đồng đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Dựa trên tinh thần đó, các doanh nghiệp sẽ cam kết hỗ trợ phát triển cho các dự án của cộng đồng địa phương (Trần Thị Bích Hằng, 2015). Từ đó sẽ xác lập cho du lịch cộng đồng phát triển theo hướng bền vững dựa trên điều kiện tự nhiên và các di sản phù hợp của vùng Tây Bắc mang tính đặc thù gắn với bảo tồn các giá trị di sản và xóa đói giảm nghèo của địa phương (Tô Ngọc Thanh, 2016).

2.1.3. Các hoạt động hướng tới phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Các thuật ngữ sáng tạo giá trị, chia sẻ giá trị, và bảo tồn nguồn gốc giá trị chưa được sử dụng nhiều trong các nghiên cứu về du lịch bền vững. Tuy nhiên, nội dung và ý nghĩa đã từng được đề cập ở một số nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực liên quan, ví dụ như tinh thần doanh nhân (entrepreneurship), phát triển bền vững, hay phát triển du lịch. Các tác giả có thể sử dụng các thuật ngữ gần với các thuật ngữ trên. Do vậy, phần này tác giả sẽ tổng quan một số nghiên cứu có sử dụng các thuật ngữ có ý nghĩa gần với các thuật ngữ ở trên.

2.1.3.1. Sáng tạo giá trị

Sáng tạo giá trị là khái niệm đã được đề cập đến trong các nghiên cứu về phát triển nói chung và phát triển du lịch hướng tới bền vững trước đây nhưng thể hiện ở các khía cạnh và nội dung khác nhau. Cụ thể,

Bowman và Ambrosini (2000) cho rằng, sáng tạo giá trị là những đề xuất mới được khách hàng đánh giá cao và trao đổi dưới hình thức đầu tư và sử dụng dịch vụ. Sáng tạo giá trị còn được biểu hiện thông qua các hoạt động giới thiệu sản phẩm mới hoặc phương thức sản xuất mới, tạo ra thị trường mới và khám phá các nguồn cung cấp mới (Schumpeter, 1934). Sáng tạo giá trị là kết quả hoặc lợi ích khách hàng cảm nhận liên quan đến tổng chi phí đã sử dụng, thể hiện năng lực của sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu hoặc cung cấp lợi ích cho khách hàng trong quá trình sử dụng (Baier, 1966).


Sáng tạo giá trị trong phát triển du lịch được biểu hiện qua việc gia tăng số lượt khách đến, thời gian lưu trú và chi tiêu bình quân của khách du lịch; từ đó dẫn đến tăng tổng chi tiêu của du khách tại điểm đến hay tăng doanh thu từ hoạt động du lịch cho địa phương (Ceron và Dubois, 2003). Trọng tâm của sáng tạo giá trị trong phát triển du lịch là để đảm bảo các hoạt động phát triển du lịch dựa trên mục tiêu phát triển của cộng đồng, lợi ích chính của sản phẩm du lịch đảm bảo tính bền vững lâu dài (Timmer và Juma, 2005). Sáng tạo giá trị của hoạt động du lịch còn biểu hiện qua việc quy hoạch phát triển du lịch theo khu vực, mở rộng thị trường cho du lịch và tăng trưởng số lượng khách qua các năm (Kelly và Moles, 2000); (Ying và Zhou, 2007).

Sự phát triển du lịch gắn liền với hoạt động sáng tạo giá trị trong phát triển du lịch được ghi nhận trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương để tăng cường cơ hội việc làm, đa dạng hóa các nguồn thu nhập cho người dân và giảm bớt sự di cư tìm việc làm (Naipinit và Maneenetr, 2010; Schneider và Vaught, 1993). Sự đa dạng về văn hóa trong cộng đồng là một thách thức đối với giao tiếp và hợp tác, nhưng nó giúp tăng chất lượng và cải tạo chất lượng của sản phẩm du lịch (Cottrell và cộng sự, 2007; Suntikul và cộng sự, 2010).

Sáng tạo giá trị của hoạt động du lịch bền vững dựa trên việc sử dụng các nguồn lực hiện có để tạo ra một sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng và hướng đến phát triển cộng đồng (Choi và Sirakaya, 2005). Một số nghiên cứu cho rằng, số lượng khách tăng sẽ làm tăng lưu lượng và hao mòn môi trường, điều này sẽ ảnh hưởng đến tiện nghi môi trường sống cho cư dân, cũng như trải nghiệm du lịch (Johnston và Tyrrell, 2007). Đối với du lịch cộng đồng, sự thay đổi là không thể tránh khỏi khi có sự thúc đẩy từ phát triển du lịch, hoạt động sáng tạo giá trị được duy trì và mục tiêu phát triển tiếp tục hỗ trợ đảm bảo tính bền vững của hoạt động du lịch (Shaw và Ismail, 2006).

2.1.3.2. Chia sẻ giá trị

Trong các nghiên cứu về phát triển du lịch hướng tới bền vững, hoạt động chia sẻ giá trị thường đề cập đến sự tham gia của các bên liên quan và phân bổ lợi ích đạt được từ quá trình phát triển và duy trì hoạt động du lịch. Như vậy, chia sẻ giá trị gắn liền với sự tham gia trong các hoạt động sáng tạo giá trị - hay nói cách khác là chia sẻ công việc và trách nhiệm trong phát triển du lịch bền vững.

George và Henthorne (2007) cho rằng, chia sẻ giá trị trong phát triển du lịch là hoạt động gắn kết cộng đồng và chia sẻ nguồn thu từ hoạt động du lịch cho các bên liên quan. Sự chia sẻ giá trị của cộng đồng rất quan trọng và là một phần của sự bền vững trong phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao sản phẩm du lịch. Sự gắn kết và chia sẻ giá


trị cũng giảm thiểu rủi ro về tác động tiêu cực đến việc thực hiện du lịch cộng đồng (Briedenhann và Wickens, 2004).

Việc triển khai hoạt động chia sẻ giá trị từ du lịch cộng đồng nhằm sử dụng cách tiếp cận từ dưới lên, xuất phát từ việc phân chia trách nhiệm và phân bổ lợi ích từ hoạt động du lịch, tạo điều kiện cho cộng đồng kiểm soát du lịch (Ayala-carcedo và González-Barros, 2005). Thực tế cho thấy rằng các tổ chức phi chính phủ hoặc chính quyền địa phương thường chiếm vị trí quan trọng và định hướng việc phân chia trách nhiệm các bên liên quan đối với các điểm du lịch cộng đồng nhỏ (Arthur và Mensah, 2006; Byrd và Gustke, 2007). Lợi ích kinh tế thu được từ du lịch sẽ được sử dụng để đóng góp và tái tạo sản phẩm, để đạt được các mục tiêu phát triển bằng hành động tăng thu nhập cho cộng đồng (Arthur và Mensah, 2006; Byrd và Gustke, 2007).

Phát triển du lịch cung cấp cơ hội cho lợi ích kinh tế nhờ bổ sung thu nhập chính cho người tham gia du lịch (Kusakabe, 2006). Lợi thế của việc thực hiện du lịch cộng đồng bao gồm lập kế hoạch và quảng cáo du lịch khu vực tốt hơn. Ngoài ra, vai trò của chính quyền địa phương cho phép các cộng đồng được hưởng lợi từ việc tiếp cận các nguồn lực tự nhiên và phân chia lợi ích công bằng hơn, bên cạnh những thách thức về kỹ năng người lao động và nguồn lực hạn chế (Carbone, 2005; Tak-chuen, 2005; Van Fossen và Lafferty, 2001).

Du lịch đã cung cấp cơ hội gia tăng cho giáo dục, tăng nhận thức trong cộng đồng, thông qua trao đổi văn hóa, tương tác với khách du lịch và văn hóa của các bên liên quan (Suntikul và cộng sự, 2010). Du lịch đã mang lại lợi ích cho người dân địa phương trong việc đa dạng hóa các lựa chọn sinh kế và xóa đói giảm nghèo ở các nước nghèo (Nicolau, 2008). Lợi ích này được thể hiện thông qua bốn lĩnh vực chính: lợi nhuận kiếm được và phân phối cho các bên có liên quan; thu và nộp thuế, tiền lương và việc làm được tạo ra; và mua vật tư và nguyên liệu sản vật địa phương.

2.1.3.3. Hoạt động bảo tồn nguồn tài nguyên tạo ra giá trị

Phát triển du lịch gắn liền với hoạt động bảo tồn nguồn tài nguyên tạo ra giá trị được đề cập đến trong một số nghiên cứu trước đây, trong đó, bảo tồn được xác định trên 2 khía cạnh là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn tài nguyên văn hóa.

Choi và Sirakaya (2005) xác định các thành phần chính của du lịch bền vững là nhu cầu cung cấp một số lợi ích từ du lịch không gây hại cho hệ thống xã hội, văn hóa và sinh thái. Bảo tồn nguồn tài nguyên tạo ra giá trị trong phát triển du lịch là hoạt động gắn kết giữa phát triển du lịch với trách nhiệm bảo tồn tài nguyên tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì sự thịnh vượng của người dân địa phương (Amanda L Stronza và cộng sự, 2019). Bảo tồn nguồn gốc giá trị cho hoạt động du lịch là sự hợp nhất của du lịch


sinh thái, du lịch cộng đồng, theo đó các hoạt động khai thác tài nguyên để phát triển du lịch gắn liền với hoạt động gìn giữ, tái tạo trên nền tảng các giá trị vốn có (Cousins và cộng sự, 2009).

Phát triển du lịch là một công cụ quan trọng để bảo tồn văn hóa và tập quán truyền thống thể hiện qua sự hiện diện của các khía cạnh văn hóa độc đáo trong quá trình phát triển du lịch và đời sống hàng ngày của người dân địa phương (Mbaiwa, 2004). Giá trị kinh tế liên quan đến việc bảo tồn các tài sản văn hóa này làm tăng giá trị của cộng đồng, trao quyền cho cộng đồng, cho phép cộng đồng tương tác với các bên liên quan trong các hoạt động du lịch (Mbaiwa, 2011; Ruiz-Ballesteros và Hernández-Ramírez, 2010). Du lịch góp phần bảo vệ và tôn tạo môi trường; Lợi tức thu được trong các hoạt động du lịch (thuế, phí, khoản hỗ trợ,...) sẽ được tái đầu tư, sử dụng để cho công tác bảo vệ môi trường và cải thiện cơ sở vật chất du lịch (UNEP, 1999).

Hoạt động bảo tồn nguồn tài nguyên tạo ra giá trị hướng đến việc ưu tiên bảo vệ môi trường trong sự phát triển của du lịch cộng đồng (Gilmore và Simmons, 2007). Môi trường đại diện cho một phần lớn của văn hóa, của giá trị và niềm tự hào được gán cho tài sản văn hóa, là giống nhau đối với tài sản môi trường. Việc bảo tồn môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là trung tâm của văn hóa cộng đồng cũng như sự bền vững của du lịch (Binns và Nel, 2002; Gössling và cộng sự, 2004). Lợi ích của phát triển du lịch cộng đồng đối với bảo tồn môi trường và văn hóa có tác động tích cực đến tính bền vững của sản phẩm du lịch, cũng như mang lại lợi ích cho cộng đồng. Trường hợp cộng đồng sử dụng các tài nguyên tự nhiên và văn hóa truyền thống cho du lịch, việc bảo tồn các tài sản này là bảo vệ tài nguyên của cộng đồng cũng như bảo vệ sản phẩm du lịch và nâng cao niềm tự hào cộng đồng (Mbaiwa, 2011; Liu, 2012). Vai trò của nhận thức về hoạt động du lịch và bảo tồn nguồn gốc giá trị có ảnh hưởng một cách ý nghĩa đối với nhận thức về du lịch, vì các cá nhân sử dụng sự kết hợp giữa kinh nghiệm tích cực và tiêu cực cá nhân và hiểu biết về du lịch để thể hiện thái độ chung đối với du lịch (Suntikul và cộng sự, 2010).

2.2. Cơ sở lý thuyết

2.2.1. Lý thuyết các bên liên quan

Lý thuyết các bên liên quan được áp dụng trong phát triển du lịch bền vững thông qua việc xác định các bên liên quan và vai trò của các bên trong phát triển du lịch. Cụ thể như sau.

Xem tất cả 217 trang.

Ngày đăng: 11/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí