Xác định hàm cầu nhập khẩu vật tư nông nghiệp của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới lấy ví dụ phân bón Urê - 17


Hàng năm cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan: Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp & PTNN, Bộ thương mại, Hải Quan, Hiệp hội phân bón Việt Nam, Hội nông dân Việt nam … phối hợp đánh giá lại những thay đổi về chính sách nông nghiệp, môi trường trong và ngoài nước, điều kiện sản xuất nông nghiệp để đưa ra những kế hoạch tổng thể và dự báo tiêu dùng phân bón, có các phương án can thiệp kịp thời kể cả hạn chế sản lượng phân bón sản xuất trong nước.


4.6.5 Tăng cường quản lý sản xuất, sử dụng phân bón & bảo vệ môi trường

1. Về quản lý sản xuất phân bón


Chiến lược phát triển ngành sản xuất phân bón nói chung, urê nói riêng, là nhằm cung cấp đủ phân bón cho nông nghiệp để nâng cao sản lượng, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Urê là sản phẩm của ngành công nghiệp đòi hỏi công nghệ cao và đầu tư lớn nhưng dùng làm đầu vào cho sản xuất nông nghiệp với đầu ra là nông phẩm có giá trị kinh tế không cao. Nghịch lý này đòi hỏi chúng ta phát triển ngành sản xuất phân urê một cách thận trọng. Nói chung, rất khó có một nước nào có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất urê. Nhu cầu phân bón lại theo mùa vụ, do đó phát triển sản xuất phân urê ngoài đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước cũng cần đặt ra mục tiêu xuất khẩu ra khu vực.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh, ngành sản xuất phân vô cơ nói chung và urê nói riêng cần đáp ứng yêu cầu:

- Đầu tư công nghệ hiện đại, tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu đầu vào và năng lượng, giảm chi phí sản xuất sản phẩm trung gian như amôniắc, giảm khí thải co2 trên mỗi đơn vị N; cải tiến công tác hậu cần, vận chuyển, phân phối sản phẩm, giảm chi phí trung gian nhằm giảm giá bán, giá thành và tăng lợi nhuận cho nhà sản xuất phân bón.

- Hoàn thiện thị trường phân bón trong nước, đây là cở sở sống còn cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón. Sử dụng các nghiên cứu của Viện thổ nhưỡng Nông hóa về nhu cầu chất dinh dưỡng của đất và cây trồng Việt Nam để đánh nhu cầu tiêu dùng phân bón các loại: phân vô cơ, phân hỗn hợp, phân hữu cơ. Từ đó xác định năng lực các nhà sản xuất và lên kế hoạch phát triển ngành

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.


công nghiệp này. Điều hoà, cân đối lại thuế giá trị gia tăng theo hướng giảm dần, loại dần sự mất chính xác trong thương mại do thuế VAT gây ra.

Xác định hàm cầu nhập khẩu vật tư nông nghiệp của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới lấy ví dụ phân bón Urê - 17

- Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường giám sát để đưa Nghị định 113/2003/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón đi vào cuộc sống. Tăng cường kiểm tra chất lượng phân bón, nhất là phân NPK đang được bung ra sản xuất ở nhiều địa phương. Đưa ra yêu cầu tối thiểu về sản phẩm phân bón như: tỉ lệ chất dinh dưỡng cơ bản đạm lân, kali như đã công bố, các chất dinh dưỡng phụ như canxi, magiê, natri và lưu huỳnh, các thành phần hóa học khác, các nhân tố kèm theo và sản phẩm phụ của nitơ; Qui định chất lượng và an toàn sản phẩm để bảo vệ người tiêu dùng; kiểm soát phân loại sản phẩm, đóng gói, nhãn mác có ghi rõ tính chất sản phẩm, tác hại đối với sức khoẻ, môi trường và trách nhiệm pháp lý của nhà sản xuất. Cơ quan quản lý đưa ra bộ số liệu tiêu chuẩn cho các loại sản phẩm phân bón. Đảm bảo lượng dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng theo qui định cho từng loại phân bón; phân chất lượng cao cần được kiểm tra trong quá trình sản xuất về cỡ hạt, độ cứng và nồng độ, có các tính chất cho phép vận chuyển tự do, cất trữ hoặc đóng gói với khối lượng lớn và rải phân chính xác trên cánh đồng bằng máy móc hiện đại như máy bay. Với loại phân bón dễ hút ẩm cần bảo vệ đặc biệt bằng bao bì, chất chống ẩm. Cơ sở sản xuất phân bón phải có bộ phận phân tích kiểm nghiệm chất lượng phân bón.

2. Về quản lý sử dụng phân bón


Cần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong nông nghiệp. Tư vấn sử dụng phân bón cho người sử dụng biết cách sử dụng an toàn, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Nội dung tư vấn sử dụng dựa trên từng loại đất, cây trồng, trạng thái dinh dưỡng của đất và khí hậu từng địa phương. Cung cấp các số liệu về thời tiết, loại bệnh cây trồng, thâm canh chuyển vụ, hoạt động canh tác cũng như các nhân tố mang tính địa phương khác cho công ty tư vấn và nông dân. Chỉ dẫn chi tiết về quá trình tác động của phân vô cơ đến đất đai và cây trồng như quá trình lọc nitơ, quá trình khử nitơ, quá trình khoáng hóa, các dư lượng của cây trồng và phân vô cơ cũng như sự phân rã phốt phát trong đất và cây trồng; Kỹ thuật bón phân cải tiến làm tăng hiệu quả dinh dưỡng và giảm ô nhiễm môi trường; khuyến khích nông dân


bón phân có tính đến tổng lượng dinh dưỡng đầu vào kể cả phân hữu cơ lẫn vô cơ; hướng dẫn về phân vô cơ giúp nông dân giám sát lượng dinh dưỡng đưa vào cánh đồng; ứng dụng công nghệ thông tin để điều chỉnh chất dinh dưỡng cần thiết và tăng năng suất cây trồng. Hiệu quả dinh dưỡng được cải thiện nếu kết hợp giữa liều lượng tối ưu, loại phân, kỹ thuật và thời gian bón phân.

3. Về bảo vệ môi trường


Coi chi phí cho bảo vệ môi trường, an toàn, sức khỏe người lao động và cộng đồng là một tiêu chí thể hiện khả năng cạnh tranh của sản phẩm phân bón. Việc sử dụng phân hóa học gây sức ép lên môi trường đất và môi trường sống; hàng giả kém chất lượng tiêu thụ tràn lan không những ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và lợi ích nông dân mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và ô nhiễm môi trường. Hiệu quả sử dụng phân bón thấp và sử dụng phân hữu cơ không xử lý tốt cũng gây ô nhiễm. Kinh tế phát triển, ngành sản xuất phân bón cũng không ngừng lớn mạnh, làm tăng sử dụng phân vô cơ. Vì vậy cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ sản xuất, lưu thông đến sử dụng phân bón nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường. Coi ngành sản xuất phân bón vô cơ là ngành sản xuất có điều kiện; tuân thủ nghiêm ngặt qui định của Chính phủ về quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón.

Với nhà máy sản xuất phân vô cơ phải sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến ít ô nhiễm, thu gom chất thải, nước thải và xử lý tập trung trước khi đưa ra môi trường; đạt chất lượng theo qui định. Thu thập thông tin đầy đủ chính xác về quan trắc, kiểm tra, xác định và cảnh báo nguy cơ ô nhiễm của các nhà máy; sử lý nghiêm minh đúng pháp luật với các cơ sở gây ô nhiễm.

Với cơ quan quản lý Nhà nước, cần thường xuyên khảo nghiệm và công nhận chất lượng phân bón; Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng qui trình kỹ thuật; Tuyền truyền giáo dục, vận động người tiêu dùng tuân thủ qui định sử dụng phân bón; Nghiên cứu và quảng bá các loại phân bón vi sinh ít gây ô nhiễm; Khuyến cáo nông dân bón phân theo kết quả phân tích môi trường đất, cân đối tỉ lệ N:P:K và số lần bón, sử dụng giống cây thích hợp; Áp dụng các biện pháp theo hướng thay thế dùng phân bón vô cơ như chương trình “Ba giảm, Ba tăng”, chương trình IPM …


TÓM TẮT CHƯƠNG 4

Trong chương này tác giả đã nghiên cứu:


- Cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập WTO; Phương hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp của Việt Nam cũng như khả năng phát triển ngành công nghiệp sản xuất urê.

- Phân tích các giả thiết và các biến giải thích được đưa vào mô hình cầu nhập khẩu urê.

- Xác định các nhân tố ảnh hưởng mạnh đến hàm cầu nhập khẩu urê là: giá thực của urê, sản lượng lương thực, cung urê trong nước và chính sách đổi mới kinh tế; với các độ co giãn của cầu nhập khẩu urê theo giá thực của urê, sản lượng lương thực, mức cung urê sản xuất trong nước tương ứng là (-0.54); (2,41) và (–0,25); và mức đóng góp biên của chính sách đổi mới đối với cầu nhập khẩu urê (ln) là 0,82.

- Dự báo lượng cầu nhập khẩu urê năm 2007, 2008 và 2009. Thành công trong việc đưa biến cung urê trong nước vào mô hình cầu NK urê với ý nghĩa thống kê cao, góp phần dự báo chính xác dòng cầu urê NK qua hàm:

URE = e9,295.P - 0,538.(LT)2,41.S - 0,253

Đánh giá thực trạng cung-cầu phân đạm VN qua hàm cầu NK urê; mức độ phụ thuộc vào urê NK của SXNN VN.

- Kiến nghị một số giải pháp nhằm ổn định, hoàn thiện và phát triển thị trường urê của Việt Nam trong thời gian tới.


KẾT LUẬN


Thành quả của ngành nông nghiệp Việt Nam không những có ý nghĩa lớn lao trong nước mà còn góp phần vào sự phát triển và chống nạn đói của thế giới. Việc đảm bảo cung cấp phân vô cơ, đặc biệt là urê để nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững là hết sức quan trọng. Ngành sản xuất urê của Việt Nam còn rất non trẻ, sản lượng chưa đáp ứng đủ cầu trong nước, hàng năm còn phải nhập khẩu khoảng 1,0-1,1 triệu tấn, ứng với 60% lượng cầu urê trong nước. Thị trường urê thế giới những năm gần đây lại mất ổn định, giá urê tăng liên tục. Thị trường urê trong nước bất ổn và xấu đi nghiêm trọng. Sự yếu kém, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không khoa học trong công tác dự báo và quản lý cung-cầu urê của các ban ngành chức năng có liên quan làm cho thị trường thêm hỗn loạn. Tình hình đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp và thiệt hại cho nông dân.

Nhằm giúp các cơ quản lý Nhà nước có thể đánh giá chính xác, khách quan thực trạng cung-cầu urê và xây dựng một module dự báo thống nhất, mang tính khoa học về cầu nhập khẩu urê, tác giả đã tập trung xây dựng mô hình kinh tế lượng dựa trên lý thuyết cầu nhập khẩu để xác định hàm cầu nhập khẩu không gộp cho urê. Để đạt được mục đích đề ra, tôi đã hoàn thành luận án này với những kết quả sau:

- Phân tích một số nhân tố cơ bản tác động tới cầu nhập khẩu urê như: Các chính sách kinh tế vĩ mô và việc áp dụng để điều tiết lượng cầu nhập khẩu urê; Các sản phẩm thay thế urê như phân hữu cơ, phân vi sinh cố định đạm và phân hỗn hợp; Kỹ thuật & công nghệ canh tác nông nghiệp với các chương trình bón phân hợp lý, “Ba giảm ,ba tăng”, IPM để giảm mức sử dụng phân urê.

- Phân tích thực trạng tiêu dùng và sản xuất urê của Việt Nam; Giá cả, thực trạng nhập khẩu và hoạt động dự trữ lưu thông urê thời gian qua.

- Xây dựng mô hình hàm cầu nhập khẩu urê của VN. Sử dụng phần mềm EVIEW tính toán để xác định hàm cầu nhập khẩu urê của Việt Nam với nhân tố ảnh hưởng mạnh đến cầu nhập khẩu urê là: giá urê thực, sản lượng lương thực, mức cung urê sản xuất trong nước và chính sách đổi mới kinh tế. Thành công trong việc


đưa biến cung urê trong nước vào mô hình cầu NK urê với ý nghĩa thống kê cao góp phần phản ánh chính xác những biến động của tình hình cung-cầu cũng như cầu nhập khẩu urê của Việt Nam trong thời gian qua và dự báo lượng cầu nhập khẩu urê trong các năm tới với dòng cầu urê NK được xác định qua hàm:

URE = e9,295.P - 0,538.(LT)2,41.S - 0,253

- Kết quả cho thấy cầu nhập khẩu urê- một đầu vào của sản xuất nông nghiệp- tuy cũng không co giãn theo giá (độ co giãn bằng - 0,54) phù hợp với cầu nhập khẩu gộp hàng hoá nói chung, nhưng lại có độ co giãn theo thu nhập thực tế của sản xuất nông nghiệp lớn hơn 2 (bằng 2,41); tức là chúng ta dành thu nhập thực tế của sản xuất nông nghiệp cho tiêu dùng phân đạm urê nhập khẩu với mức cao hơn so với việc dành thu nhập thực của nền kinh tế cho tiêu dùng hàng hóa nhập khẩu gộp nói chung. Urê NK có ít hàng hóa thay thế, mức độ thay thế của chúng thấp và chất lượng thay thế rất khác nhau; SXNN VN phụ thuộc vào urê NK còn ở mức độ cao và chi phí cho urê NK của SXNN còn lớn.

- Kiến nghị một số giải pháp nhằm ổn định & phát triển thị trường urê của VN trong thời gian tới.


KIẾN NGHỊ VỀ NHỮNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO


Theo tác giả có thể tiến hành các nghiên cứu tiếp theo như:


- Xác định hàm cầu nhập khẩu cho một hàng hoá hoặc một nhóm hàng hóa được nhập khẩu nhiều vào Việt Nam trong những năm qua.

- Xác định hàm cầu nhập khẩu gộp của Việt Nam


DANH MỤC CÁC BÀI BÁO CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU


1. Nguyễn Thế Hòa & Nguyễn Đức Bảo (2006), “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp bằng phân tích hồi qui”, Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thuỷ lợi & Môi trường, (12), tr. 48-52.

2. Nguyễn Thế Hòa (2006), “Xác định hàm cầu nhập khẩu urê của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, (113), tr.52-56.

3. Nguyễn Thế Hòa (2007), “Thực trạng cung, cầu phân bón vô cơ của Việt Nam thời gian qua và giải pháp phát triển thị trường”, Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thuỷ lợi & Môi trường, (16), tr. 100-104.

4. Nguyễn Thế Hòa (2007), “Một số giải pháp đổi mới quản lý cung-cầu phân bón ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, (121), tr.17-20.

Xem tất cả 168 trang.

Ngày đăng: 09/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí