Các Công Trình Nghiên Cứu Về Gia Đình Vùng Đồng Bằng Sông Hồng


được tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình, chỉ ra được tác động của đổi mới và hội nhập đến gia đình Việt Nam hiện nay làm cho nhiều giá trị đạo đức trong gia đình bị mai một, những chuẩn mực tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận bị đảo lộn… từ đó, đề xuất các giải pháp khả thi nhằm xây dựng gia đình Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

1.1.2.4. Các công trình nghiên cứu về gia đình vùng đồng bằng sông Hồng

Mai Huy Bích, Đặc điểm gia đình đồng bằng sông Hồng [7]. Tác giả nghiên cứu đặc điểm, cấu trúc, chức năng của các gia đình vùng ĐBSH từ góc độ dân tộc học và xã hội học. Trên cơ sở đó, làm rõ giữa tính cộng đồng và chức năng tái sinh sản, chức năng xã hội hoá trẻ em, mục đích của hôn nhân trong gia đình Việt Nam truyền thống và hiện đại.

Khuất Thu Hồng, Gia đình truyền thống - Một số tư liệu nghiên cứu xã hội học [49]. Cuốn sách đã làm rõ vấn đề hôn nhân truyền thống ở Đồng bằng sông Hồng, đồng thời hướng dẫn một số phương pháp phỏng vấn cá nhân và đưa ra kết quả nghiên cứu vấn đề này tại Đại Đồng - Hà Tây cũ và Hà Nội.

Tô Duy Hợp, Sự biến đổi của làng - xã Việt Nam hiện nay (ở Đồng bằng sông Hồng) [50]. Tác giả đã phân tích sự biến đổi của làng liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có đề cập đến biến đổi văn hóa gia đình và dòng họ. Cũng trong cuốn sách, tác giả cho rằng, gia đình nông thôn ở vùng đồng bằng sông Hồng đang có một số biến đổi như: tính bình đẳng giữa vợ chồng được khẳng định hơn so với truyền thống; tính áp chế của các thế hệ trước đối với thế hệ sau có xu hướng giảm trong các quyết định quan trọng; xu hướng thống nhất những giá trị chung trong gia đình được duy trì nếu nó không lệch chuẩn…

Phan Hồng Giang, Đời sống văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long [40]. Cuốn sách đã phân tích rất nhiều vấn đề trong đó có phân tích thực trạng một số lĩnh vực của đời sống văn hóa nông thôn (qua nghiên cứu định lượng), thực trạng các thiết chế và hoạt động văn hóa mới, vai trò truyền thông đại chúng, dư luận xã hội trong đời sống văn hóa nông thôn ở vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.

Lê Thị Thanh Hương, Ứng xử của người dân vùng Đồng bằng sông Hồng trong gia đình [56]. Các tác giả cho rằng, việc ứng xử trong quan hệ gia đình ở


khu vực Đồng bằng sông Hồng hiện nay đã có những thay đổi nhất định như: vợ chồng đã có sự sẻ chia, bàn bạc trong tổ chức sinh hoạt gia đình; ứng xử của cha mẹ với con cái hiện nay có tính chất “mở” hơn, đã có phần tôn trọng “cái tôi” của thế hệ con cái; và mặc dù đã có sự thay đổi về không gian sống, mô hình sống (gia đình hạt nhân) sau khi kết hôn nhưng nhìn chung giữa cha mẹ và con cái đều mong sao con cái có điều kiện tốt nhất để chăm sóc cha mẹ già còn cha mẹ già có điều kiện hỗ trợ con cái.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.

Nguyễn Hữu Minh, Đời sống văn hóa của cư dân Hà Nội [87]. Nội dung cuốn sách gồm tám chương tập trung phân tích về thực trạng và xu hướng phát triển một số khía cạnh trong đời sống văn hóa của người dân Hà Nội hiện nay, trong đó có mức độ hưởng thụ các hoạt động văn hóa và giải trí. Thực trạng đời sống văn hóa của người dân Hà Nội được trình bày chủ yếu trên các bình diện: loại hình văn hóa giải trí; phong tục, tập quán liên quan đến việc hiếu, hỷ; quan hệ trong gia đình và họ hàng; sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo; sinh hoạt cộng đồng…

Vũ Thị Huệ, Sự biến đổi của văn hóa gia đình đô thị ở Hà Nội từ 1986 đến nay [51]. Tác giả đã phân tích sự biến đổi văn hóa gia đình ở các khía cạnh như: biến đổi về giá trị; về quy mô và loại hình gia đình; về thể chế - lối sống; về hệ thống biểu hiện của văn hóa gia đình. Trong luận án, tác giả cũng chỉ ra bốn yếu tố tác động đến văn hóa gia đình cần nghiên cứu kỹ là yếu tố chính trị - xã hội, yếu tố kinh tế, yếu tố văn hóa và yếu tố quốc tế…

Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 4

Nguyễn Thị Ngân, Sự biến đổi của chức năng gia đình ở vùng Đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh hiện nay [94]. Đề tài đã làm rõ thực trạng biến đổi các chức năng của gia đình ở vùng ĐBSH và phân tích các yếu tố tác động đến sự biến đổi các chức năng của gia đình như: chức năng sinh đẻ; chức năng nuôi dưỡng và giáo dục; chức năng kinh tế; chức năng tổ chức đời sống, cân bằng tâm-sinh lý. Trên cơ sở phân tích đó, tác giả đã đưa ra những khuyến nghị về việc thực hiện chức năng gia đình vùng ĐBSH trong bối cảnh hiện nay.

Lê Văn Thư, Các tỉnh ủy ở đồng bằng sông Hồng lãnh đạo phát triển văn hóa - xã hội trong giai đoạn hiện nay [134]. Luận án góp phần làm rõ khái niệm, nội dung và phương thức lãnh đạo của các tỉnh ủy ĐBSH đối với sự phát triển văn


hóa, xã hội ở địa phương. Đánh giá thực trạng công tác lãnh đạo và đề xuất một số giải pháp có tính khả thi nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh ủy đối sự phát triển văn hóa - xã hội ở ĐBSH đến năm 2025 như: nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo; nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan chuyên trách về công tác văn hóa - xã hội tỉnh; nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền tỉnh và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị trong phát triển văn hóa - xã hội ở địa phương; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết và sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm lãnh đạo phát triển văn hóa - xã hội.

Như vậy, có thể thấy, qua thu thập tài liệu tổng quan nghiên cứu và theo hiểu biết của cá nhân, Tác giả nhận thấy chưa có đề tài nào nghiên cứu trực tiếp việc phát huy giá trị gia đình truyền thống trong việc xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay.

1.2. GIÁ TRỊ CỦA CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ ĐƯỢC TỔNG QUAN VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU TRONG LUẬN ÁN

1.2.1. Giá trị của các công trình nghiên cứu luận án cần tham khảo

Thứ nhất, những tác phẩm nước ngoài nghiên cứu về gia đình như trên đã nêu, giúp cho tác giả luận án có thêm nguồn tài liệu phong phú để hiểu sâu hơn về gia đình, cấu trúc gia đình, hôn nhân cũng như sự tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa tới đời sống gia đình, các quan hệ họ hàng và xu hướng biến đổi của gia đình trong tương lai. Các kiến thức thu được góp phần giúp tác giả luận án có cách nhìn khách quan, tương đối toàn diện khi nghiên cứu về gia đình và các nhân tố ảnh hưởng đến phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH vùng ĐBSH hiện nay.

Thứ hai, đối với tài liệu nghiên cứu trong nước

(i) Những công trình nghiên cứu về gia đình và gia đình truyền thống về cơ bản các tác giả đã làm rõ được cơ sở lý luận chung về gia đình và những vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình, gia đình truyền thống. Kết quả của các công trình nghiên cứu này sẽ là những cơ sở lý luận chỉ dẫn cho tác giả luận án nghiên cứu về vấn đề liên quan đến gia đình trên thực tiễn tốt hơn.


Mặc dù có cách tiếp cận khác nhau nhưng về cơ bản các tác giả đều nhìn nhận giá trị gia đình, trong đó cốt lõi là văn hoá gia đình truyền thống dưới góc độ đề cao như là những chuẩn mực mà con người hiện nay cần hướng tới. Kết quả nghiên cứu theo hướng này đã tạo ra những cơ sở, nền tảng xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn của GĐVH Việt Nam hiện nay, đồng thời giúp cho tác giả luận án tham khảo trong khi giải quyết nhiệm vụ đề tài đặt ra, nhất là trong đề xuất các giải pháp nhằm phát huy tốt giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH nói riêng và ở Việt Nam nói chung hiện nay.

(ii) Những công trình nghiên cứu về thực trạng và xu hướng biến đổi của gia đình đã mang lại cho chúng ta cái nhìn tổng thể, khách quan về bức tranh gia đình Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng về gia đình và biến đổi gia đình cùng những dự báo xu hướng vận động, biến đổi gia đình trong tương lai của các nhà nghiên cứu, giúp cho Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan cũng như toàn thể nhân dân ta thấy được việc xây dựng gia đình văn hóa trong giai đoạn hiện nay là công việc tất yếu, thường xuyên, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, các đơn vị cơ quan, đoàn thể và cá nhân, của mọi gia đình nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, hình thành nhân cách cao đẹp và nếp sống có văn hoá, phát triển con người toàn diện, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là những tài liệu quan trọng để luận án tham khảo đi sâu phân tích thực trạng phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở vùng ĐBSH hiện nay.

(iii) Những công trình nghiên cứu về gia đình văn hóa và xây dựng gia đình văn hóa, các tác giả đã làm cho bức tranh về GĐVH và xây dựng GĐVH ở Việt Nam hiện nay dần sáng hơn cả về mặt lý luận và thực tiễn. Các kết quả nghiên cứu theo hướng này sẽ tiếp tục làm cho công cuộc tuyên truyền, vận động xây dựng GĐVH trên thực tiễn phát triển mạnh, đồng thời thông qua tổng kết thực tiễn lại quay trở lại bổ sung và làm sáng tỏ lý luận về xây dựng GĐVH Việt Nam trong thời gian tới; Nghiên cứu tài liệu theo hướng này, giúp cho luận án có cơ sở để đưa ra đề xuất, kiến nghị, giải pháp có tính khoa học và có thể thực thi


trên thực tế nhằm phát huy tốt giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay.

(iv) Những công trình nghiên cứu về gia đình vùng ĐBSH về cơ bản đã: khái quát được đặc điểm cấu trúc, chức năng gia đình ĐBSH; làm rõ được vấn đề về hôn nhân, các nghi lễ thực hiện trong GĐTT; phân tích được sự biến đổi của văn hóa làng, văn hóa gia đình, dòng họ và nghiên cứu ứng xử của cư dân đồng bằng sông Hồng nói chung, ứng xử văn hóa của cư dân Hà Nội nói riêng… Đây chính là tài liệu tham khảo trực tiếp giúp tác giả có những căn cứ thực tiễn để phân tích về gia đình, thực trạng phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguồn tài liệu cùng với kết quả nghiên cứu thực tiễn của tác giả để luận án hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

1.2.2. Hướng nghiên cứu tiếp theo đặt ra cho luận án

Ngoài mặt giá trị của những công trình nghiên cứu nêu trên, tác giả nhận thấy, các công trình vẫn còn có những khoảng trống bỏ ngỏ nhất định do cách tiếp cận khác nhau, cụ thể như:

Thứ nhất, nghiên cứu cơ sở lý luận về việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở Việt Nam hiện nay vẫn còn mang tính riêng biệt, chưa hệ thống.

Thứ hai, chưa làm rõ, đầy đủ và thống nhất nội dung giá trị GĐTT của người Việt trên phạm vi cả nước nói chung, ở vùng ĐBSH nói riêng.

Thứ ba, chưa phân tích sâu sắc về việc cần thiết phải phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH nói riêng và Việt Nam hiện nay nói chung.

Thứ tư, việc phân tích thực trạng phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH nói riêng và Việt Nam hiện nay nói chung chưa có tính bao trùm, hệ thống.

Thứ năm, các giải pháp đề ra còn mang tính chất riêng biệt và đặc biệt có rất ít công trình nghiên cứu dưới góc độ chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù có được những giá trị thông qua các công trình nghiên cứu như vừa phân tích ở trên và về cơ bản các công trình nghiên cứu đều ít, nhiều đề cập đến giá trị truyền thống, văn hoá truyền thống và coi nó như là


một trong những cơ sở để xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn của gia đình văn hóa, nhưng qua thu thập tài liệu tổng quan nghiên cứu và theo hiểu biết của cá nhân, tác giả nhận thấy chưa có đề tài nào nghiên cứu trực tiếp về việc: phát huy giá trị gia đình truyền thống trong việc xây dựng gia đình văn hóa ở vùng Đồng bằng sông Hồng hiện nay dưới góc độ của chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học. Vì vậy, trên cơ sở tiếp cận từ góc độ lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học, kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những thành quả của các nhà nghiên cứu trước và bám sát yêu cầu thực tiễn của khu vực, của đất nước hiện nay, tác giả luận án muốn làm sáng tỏ hơn nữa về giá trị gia đình truyền thống, việc cần thiết phải phát huy giá trị GĐTT và chúng ta phải làm gì, làm như thế nào để giữ gìn, phát huy giá trị GĐTT trong việc xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay. Để làm tốt mục tiêu đề ra, luận án phải triển khai và làm rõ các vấn đề sau:

Một là, hệ thống hoá cơ sở lý luận, thực tiễn về việc phát huy những giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay, bao gồm: khái quát về gia đình, GĐTT, giá trị GĐTT, GĐVH; làm rõ sự cần thiết phải phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH; chỉ ra những nội dung, phương thức, chủ thể phát huy cũng như phân tích các yếu tố tác động đến phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay.

Hai là, phân tích, làm rõ thực trạng phát huy giá GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH ở cả nội dung, phương thức, chủ thể phát huy. Trên cơ sở phân tích thực trạng, chỉ ra những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của thành tựu, hạn chế, luận án nêu bật những vấn đề đặt ra hiện nay cần phải giải quyết.

Ba là, trên cơ sở lý luận, thực tiễn nghiên cứu và phân tích thực trạng phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH cùng những vấn đề đặt ra đòi hỏi phải giải quyết, tác giả luận án đề xuất các quan điểm, giải pháp chủ yếu có tính khả thi cao nhằm phát huy những giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay.


Chương 2

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN PHÁT HUY GIÁ TRỊ

GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG TRONG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY

2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN

2.1.1. Quan niệm, đặc trưng và giá trị gia đình truyền thống

2.1.1.1. Gia đình truyền thống

Gia đình được coi là một tế bào của xã hội, là một xã hội thu nhỏ. Mỗi con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành đều xuất phát, gắn bó từ một gia đình nên gia đình luôn là cội nguồn, là cái nôi, điểm tựa vô cùng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của con người và cho toàn xã hội. Gia đình tồn tại trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử xã hội lại có những đặc trưng riêng. Vì vậy, nhiều nhà tư tưởng, cá nhân, tổ chức, ngành khoa học nghiên cứu với những cách tiếp cận phong phú, đa dạng đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về gia đình (xem phụ lục 1). Luật Hôn nhân và Gia đình ở Việt Nam, trong Điều 8 đã ghi rõ: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền lợi giữa họ với nhau theo luật định” [100, tr.6]. Dưới góc độ chính trị - xã hội, theo giáo trình môn Chủ nghĩa xã hội khoa học đã định nghĩa: “Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt được hình thành và phát triển trên cơ sở các mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng, đồng thời có sự gắn kết về kinh tế - vật chất, qua đó nảy sinh những nghĩa vụ và quyền lợi giữa các thành viên” [47, tr.203]. Tác giả luận án cũng coi đây là định nghĩa chính thức về gia đình.

Dù tiếp cận ở góc độ nào, về cơ bản, gia đình được nhận diện ở ba khía cạnh: Một là, gia đình là một cộng đồng người, một thiết chế xã hội được hình thành trên cơ sở của quan hệ hôn nhân; Hai là, gia đình dựa trên quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng; Ba là, các thành viên trong gia đình gắn bó chặt chẽ với nhau vì trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi nhằm đảm bảo phát triển toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần được họ hàng, pháp luật, xã hội thừa nhận và bảo vệ.

Gia đình truyền thống là một trong những hình thức gia đình để phân biệt với gia đình hiện đại về quy mô, cấu trúc, hình thức tổ chức, nhận thức và quan niệm sống… Truyền thống theo cách hiểu thông thường nhất đó là tập hợp những thói quen trong tư duy, lối sống, cách ứng xử của một cộng đồng người nhất định, được


hình thành trong lịch sử và dần trở nên ổn định, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống có ba đặc tính cơ bản là tính cộng đồng, tính ổn định và tính lưu truyền, nên GĐTT cũng mang những đặc trưng cơ bản đó [157]. Vì vậy, có thể hiểu GĐTT là một khái niệm được dùng để chỉ loại gia đình đã hình thành, tồn tại, phát triển trong quá khứ, nó chứa đựng nhiều yếu tố bền vững, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những yếu tố đó phản ánh nền văn hóa bản địa, tạo nên nét đặc sắc văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, GĐTT là một khái niệm mang nhiều hàm nghĩa khác nhau, rất dễ gây ra tranh luận giữa những người sử dụng nó, cụ thể: Khi nghiên cứu về GĐTT, có ý kiến cho rằng: “Gia đình Việt Nam truyền thống là hình thái gia đình gắn liền với xã hội nông thôn - nông nghiệp. Nói cách khác, nó là con đẻ của xã hội nông nghiệp, ít biến đổi qua nhiều biến thiên của lịch sử” [154, tr.75]. Một cách hiểu khác cũng quan niệm: “Gia đình truyền thống chắc hẳn là hình thái gia đình ở nông thôn, là gia đình ở những xã hội Á Đông đã tồn tại lâu đời và gần như bất biến trên nhiều khía cạnh” [37, tr.72]. Dựa trên tiêu chí địa vị xã hội, tác giả khác quan niệm “cổ truyền phân ra ba loại gia đình theo đẳng cấp và địa vị xã hội: gia đình bình dân, gia đình kẻ sĩ, gia đình quyền quý” [55, tr.22]. Tương tự, tác giả Khuất Thu Hồng cũng phân chia GĐTT thành hai kiểu:

Kiểu thứ nhất là gia đình theo Nho hoặc hướng Nho bao gồm gia đình của tầng lớp quan lại, tư bản, công chức và một số gia đình thị dân giàu có ở đô thị, của giới chức sắc, nho sĩ và một số ít gia đình nông dân khá giả ở nông thôn, số lượng gia đình này không nhiều. Đại bộ phận nhân dân còn lại là tầng lớp lao động thuộc kiểu gia đình thứ hai, ít chịu ảnh hưởng của Nho giáo, chủ yếu ứng xử theo phong tục, tập quán lâu đời [49, tr.14]...

Như vậy, có thể thấy, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về GĐTT. Mỗi cách tiếp cận và đưa ra khái niệm đều có những điểm hợp lý nhất định của nó. Từ góc độ nghiên cứu, trong luận án, tác giả đề cập đến GĐTT Việt Nam theo cách hiểu: Là sản phẩm của xã hội nông nghiệp cổ truyền, tồn tại, phát triển cả ở thành thị, nông thôn, có thể theo tư tưởng Nho gia hoặc ít ảnh hưởng của Nho gia, trong đó chứa đựng nhiều yếu tố tương đối ổn định, bền vững phản ánh văn hóa bản địa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên nét đặc sắc của văn hóa dân tộc.

Xem tất cả 204 trang.

Ngày đăng: 05/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí