Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 2


4.2. Phương pháp cụ thể

Luận án sử dụng nhiều phương pháp trong nghiên cứu chuyên ngành triết học - chính trị xã hội như: lôgic - lịch sử, phân tích, thống kê, so sánh, tổng hợp… Ngoài ra luận án đã sử dụng phương pháp thu thập thông tin, gồm:

Thông tin thứ cấp: thu thập tư liệu, tài liệu, các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, báo cáo, thống kê của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và kết quả của các công trình nghiên cứu đã công bố về vấn đề gia đình, giá trị GĐTT và xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH, ở Việt Nam hiện nay.

Luận án sử dụng phương pháp điều tra xã hội học thông qua phiếu hỏi đối với một số chỉ tiêu đánh giá như: thực trạng nội dung, cách thức tuyên truyền, giáo dục và chủ thể phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay… Đối tượng hỏi là những người đã qua giáo dục phổ thông, đủ điều kiện nhìn nhận, đánh giá quá trình nhận thức những giá trị GĐTT của bản thân từ khi sinh ra đến tuổi trưởng thành ở vùng ĐBSH. Điều tra 06 tỉnh đại diện cho vùng như đã nêu trong phạm vi nghiên cứu. Tổng số 900 phiếu chia đều cho 6 tỉnh, mỗi tỉnh 150 phiếu hỏi. Thời gian thực hiện khảo sát từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2016.

5. Đóng góp mới của luận án

- Góp phần làm rõ thực trạng phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH và những vấn đề đang đặt ra hiện nay.

- Đề xuất một số giải pháp chủ yếu, khả thi nhằm thực hiện tốt phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH trong giai đoạn hiện nay.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

- Góp phần cung cấp một số luận cứ lý luận, thực tiễn cho việc hoạch định các chính sách liên quan đến xây dựng GĐVH ở Việt Nam nói chung và vùng ĐBSH nói riêng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.

- Làm tư liệu tham khảo phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy những chuyên đề liên quan đến vấn đề gia đình, xây dựng GĐVH ở Việt Nam trong chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học và các chuyên ngành liên quan như: xã hội học, chính trị học, văn hoá học, phụ nữ học…

7. Kết cấu của Luận án

Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 2

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án được kết cấu thành 4 chương, 9 tiết.


Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI


1.1. TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài

William J. Goode, World Revolution and Family Patterns (Cách mạng thế giới và các dạng thức gia đình), The Free Press [164]. Tác giả đã đề cập đến sự thay đổi trong mô hình gia đình ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Tiểu vùng Sahara và các nước Ả rập trong nửa thế kỷ 20 với những thay đổi của thể chế chính trị của mỗi quốc gia cũng như sự biến đổi trong khu vực. Theo đó, tác giả đã khảo sát, nghiên cứu quá trình công nghiệp hóa (CNH), đô thị hóa tác động đến mọi mặt của đời sống gia đình, làm biến đổi về quy mô, cấu trúc, vấn đề hôn nhân và các mối quan hệ trong gia đình… từ đó, đưa ra các mô hình gia đình mới phù hợp với từng quốc gia, khu vực.

Michael Anderson, Family structure in nineteeth century Lancashir (Hình thái gia đình người Lancashir thế kỷ 19), Cambridge University press [163]. Nội dung cuốn sách đề cập đến tác động của CNH, đô thị hóa đến mối quan hệ họ hàng của các tầng lớp lao động thế kỷ 19 ở Lancashir và tại sao mọi người nên quan tâm, duy trì mối quan hệ họ hàng hơn là đối với những người khác trong đời sống xã hội của họ. Tác giả đã trình bày về cơ cấu hộ gia đình, mô hình cư trú, doanh thu dân số trong các thị trấn, mô hình di cư, tỷ lệ đói nghèo, vai trò của gia đình trong tìm nhà và việc làm cho người thân. Ông cũng đề cập đến tuổi kết hôn, xung đột giữa cha mẹ và con cái, chăm sóc trẻ con khi các bà mẹ đi làm. Ông đã tiến hành khảo sát, so sánh các tình huống cụ thể tại vùng nông thôn Lancashire trước và trong khi xảy ra nạn đói ở Ai Len, đồng thời đưa ra phát hiện của mình về sự biến đổi gia đình trong bối cảnh văn hóa, lịch sử đa dạng ấy. Ông cũng khẳng định, cuộc sống của các cư dân Lancashire được đáp ứng tốt nhất khi có sự giúp đỡ của họ hàng.


Jessie Bernard, The future of marriage (Tương lai của hôn nhân), Yale University Press [162]. Cuốn sách luận bàn về hôn nhân, giới tính, những thay đổi trong hành vi hôn nhân, quan điểm, kiến thức, sự chênh lệch giữa hôn nhân của nam giới và nữ giới. Jessie Bernard cũng đưa ra dự đoán các cặp vợ chồng ngày nay đang phải đấu tranh để cải thiện cuộc sống hôn nhân bằng cách cùng nhau làm việc, chia sẻ việc nuôi dạy con cái, kết hợp hài hòa trách nhiệm liên kết trong gia đình với quyền tự chủ cá nhân…

Janet Finch, Family obligations and social change (Gia đình và đời sống gia đình), Cambrige: Polity Press [161]. Cuốn sách luận bàn về bản chất của cuộc sống gia đình, đặc biệt là các khái niệm về trách nhiệm, nhiệm vụ và nghĩa vụ. Tác giả đã xem xét các cuộc tranh luận chính trị phổ biến trong lĩnh vực này từ tập hợp các tài liệu nghiên cứu trong các khoa học xã hội. Bà dựa vào quan điểm lịch sử, sử dụng các bằng chứng thực nghiệm về các gia đình đương đại, nêu bật những khoảng trống trong nghiên cứu về những chủ đề này. Toàn bộ luận bàn được đặt ra trong bối cảnh những thay đổi kinh tế, xã hội ở thế kỷ 20 bao gồm chính sách xã hội, các điều khoản về an sinh xã hội đã tạo ra áp lực bên ngoài đối với cuộc sống gia đình. Tác giả cho rằng điều này ảnh hưởng đến nhu cầu hỗ trợ và năng lực của các thành viên trong gia đình để thực hiện chúng.

Charles L.Jones, Lorne Tepperman, Susannach J.Wilson, The futures of the Family (Tương lai của gia đình) [20]. Nội dung cuốn sách bàn về sự biến đổi của gia đình, những vấn đề của gia đình đương đại và dự báo gia đình trong tương lai dựa vào sự nghiên cứu vấn đề hôn nhân, vấn đề nữ quyền, bình đẳng giới... Các tác giả đã chỉ ra rằng, gia đình dựa trên cơ sở hôn nhân nhưng không chỉ dừng lại ở đó, nó còn bao gồm cả mối liên hệ với các thế hệ trong gia tộc, dòng họ. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại, toàn cầu hóa (TCH) và hội nhập quốc tế đã tác động ngày càng sâu, rộng đến gia đình, làm biến đổi cấu trúc, thậm chí là bản chất của nhiều gia đình trên thế giới. Qua nghiên cứu, các tác giả cũng dự báo tương lai sẽ tồn tại nhiều loại mô hình gia đình khác nhau, trong đó đáng lưu ý là gia đình đồng tính (phá vỡ bản chất, chức năng của GĐTT).


Elaine Leeder, The Family in Global Prespective - A Gendered Journey (Gia đình theo quan điểm toàn cầu - Hành trình giới tính), Sage Publications [160]. Tác giả Elaine Leeder đã sử dụng nhiều quan điểm lịch sử, lý luận, so sánh khác nhau để mở rộng sự hiểu biết liên văn hóa về cuộc sống gia đình. Cuốn sách khảo sát sự đa dạng cuộc sống gia đình ở các nước phương Tây đối chiếu chúng với những câu chuyện gia đình ở các vùng của Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Sau khi so sánh lịch sử của gia đình ở nhiều nơi trên thế giới, Elaine Leeder đã phân tích sự tác động của TCH đến cấu trúc gia đình, hành vi giới tính, các mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình, dân tộc, tôn giáo, sắc tộc và các vấn đề về giáo dục, bạo lực, chính sách xã hội liên quan đến đời sống gia đình. Cuốn sách đã được đánh giá là một cuốn sách giáo khoa hỗ trợ, bổ sung lý tưởng cho các khóa học về hôn nhân, gia đình, đồng thời là nguồn tài liệu quý phục vụ cho nghiên cứu gia đình, công tác xã hội, xã hội học, tâm lý và nghiên cứu phụ nữ…

1.1.2. Các công trình nghiên cứu trong nước

1.1.2.1. Các công trình nghiên cứu về gia đình và giá trị gia đình truyền thống

Mai Huy Bích, Xã hội học gia đình [8]. Tác giả tiếp cận gia đình từ góc độ nghiên cứu xã hội học với những nội dung chia làm bảy chương bàn về: định nghĩa gia đình; quan điểm xã hội học về gia đình; sự đa dạng của các hình thái gia đình; hôn nhân và gia đình theo quan điểm giới; đường đời và sự phát triển, biến đổi của gia đình theo đường đời; biến đổi gia đình và các cách tiếp cận lý thuyết về gia đình. Qua nội dung cuốn sách, có thể thấy tác giả đã luận giải nhiều vấn đề vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn quan trọng về gia đình. Cuốn sách đã góp phần làm cho việc nghiên cứu bức tranh về gia đình ngày càng mang tính tổng thể, khái quát nhưng lại rõ nét và sáng tỏ hơn.

Lê Trọng Ân, Tìm hiểu tác phẩm: Nguồn gốc gia đình của chế độ tư hữu và của nhà nước [3]. Tác giả đã giới thiệu, định hướng cho người đọc nghiên cứu một cách toàn diện, có kết quả về tác phẩm kinh điển quan trọng này. Trên cơ sở phân tích tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tác giả đã khẳng định: những chỉ dẫn lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin chính là lý luận cơ sở và cần thiết cho việc nghiên cứu gia đình hiện đại, GĐVH ở Việt Nam hiện nay.


Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý, Gia đình học [60]. Cuốn sách là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, hệ thống. Các tác giả đã làm nổi bật một số nội dung nghiên cứu lý thuyết hướng vào việc xây dựng, phát triển chuyên ngành gia đình học; làm rõ được những đặc điểm của gia đình Việt Nam trong truyền thống và những đặc trưng của quá trình hình thành, phát triển của gia đình Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại; làm rõ được khía cạnh giới trong gia đình và xã hội; những vấn đề về quản lý nhà nước về gia đình và nêu lên những định hướng, giải pháp cũng như điều kiện để thực hiện những giải pháp xây dựng gia đình Việt Nam phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay.

Cuốn sách của Lê Thị Quý, Quản lý nhà nước về gia đình: lý luận và thực tiễn [101] đã viết và tập hợp bài viết của một số nhà nghiên cứu về lĩnh vực quản lý Nhà nước về gia đình. Đây là tài liệu hữu ích, cung cấp cho tác giả luận án những kiến thức cơ bản của lý luận quản lý nhà nước về gia đình, đồng thời nó là tài liệu thực địa ở một số địa phương để phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH trong giai đoạn hiện nay, cụ thể như: nghiên cứu mô hình can thiệp và địa chỉ tin cậy phòng chống bạo lực gia đình tại tỉnh Thái Bình [101, tr.317, 326]; nghiên cứu vấn đề quản lý gia đình ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng…[101, tr.338].

Gia đình truyền thống và giá trị GĐTT là vấn đề được nhiều tác giả quan tâm, nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau. Qua tổng quan các công trình nghiên cứu, có thể chia thành ba nhóm nghiên cứu sau:

Thứ nhất, nhóm nghiên cứu về các nghi thức, nghi lễ, những tập tục, ứng xử trong gia đình cụ thể: thờ cúng tổ tiên trong gia đình, cưới xin truyền thống, giao tiếp vợ chồng… chủ yếu với mục đích hướng dẫn thực hiện, thực hành. Ví dụ như:

Lê Minh, Những tình huống ứng xử trong gia đình [85]. Cuốn sách đề cập đến những điều thường gặp trong gia đình như ứng xử giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái, giữa ông bà với cháu chắt, giữa anh chị em với nhau và giữa gia đình với dòng họ, cộng đồng, xã hội. Tác giả phân tích những tình huống ứng xử diễn ra trong gia đình của người Việt Nam trong lịch sử đã tác động rất lớn, quyết định đến việc hình thành nhân cách trẻ thơ. Từ đó, giúp người đọc rút ra


bài học, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho con người trong mỗi gia đình hiện nay.

Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói (phong tục Việt Nam) [64]. Tác giả đã thông qua 12 chương viết với các phân đoạn nhỏ và sử dụng nhiều câu ca dao, tục ngữ, thơ, vè… để thể hiện về văn hoá, phong tục Việt Nam. Cuốn sách đã được các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Nội dung của nó thể hiện khá đầy đủ và sâu sắc về phong tục của Việt Nam. Cuốn sách được coi như một bách khoa toàn thư thu nhỏ về văn hóa và phong tục cổ truyền Việt Nam. Thông qua nội dung cuốn sách, người đọc sẽ thấy đất lề, quê thói còn tồn tại lâu dài, nó đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm thức của người Việt.

Bùi Xuân Mỹ, Lễ tục trong gia đình người Việt Nam [90]. Cuốn sách được kết cấu thành 9 chương nội dung bao gồm: Chương 1 - Sơ sinh, thơ ấu; chương 2 - Trưởng thành; chương 3 - Hôn nhân; chương 4 - Về già; chương 5 - Tang ma; chương 6 - Quan hệ; chương 7 - Thờ phụng tổ tiên; chương 8 - Tín ngưỡng dân gian và chương 9 - Các lễ tết trong năm. Cuốn sách đã phân tích các lễ tục trong gia đình Việt Nam để thấy rõ được cách lý giải thế giới, những suy nghĩ, khát vọng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn của con người Việt Nam trong lịch sử để từ đó tiếp tục kế thừa những điểm hợp lý, đồng thời xoá bỏ được những hủ tục, mê tín dị đoan trong thực hiện lễ tục của gia đình người Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, nhóm nghiên cứu đầy đủ về văn hoá GĐTT trên tất cả các phương diện, điển hình như:

Toan Ánh, Nếp cũ, con người Việt Nam, phong tục cổ truyền - Thành phố Hồ Chí Minh [2]. Cuốn sách đã giúp người đọc tìm hiểu phong tục Việt Nam qua những tục lệ trong gia đình như sinh con, nuôi nấng, dạy dỗ con, việc gây dựng tương lai cho con cái…, đồng thời thông qua lễ, tết, hội hè... tác giả góp phần tô đậm thêm bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam của tập hợp tác giả Đặng Văn Lung, Nguyễn Sông Thao và Hoàng Văn Thụ [71]. Cuốn sách giúp người đọc biết và hiểu sâu hơn về các phong tục, tập quán thông qua lễ, tết, tục hội, tang ma, hôn nhân… của dân tộc Việt và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.


Thứ ba, nhóm nghiên cứu về văn hoá truyền thống của người Việt, trong đó văn hoá gia đình là thành tố cấu thành quan trọng nhất. Các công trình nghiên cứu tiêu biểu như:

Chương trình KX-07-02: Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay của Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang [67]. Ở công trình này, dưới quan điểm khách quan, tinh thần khoa học, các tác giả đã nghiên cứu và trình bày một cách cụ thể về quá trình hình thành, phát triển và sự biến đổi của các giá trị truyền thống Việt Nam trong lịch sử. Đồng thời, với quan điểm lịch sử cụ thể, công trình đã nêu lên những truyền thống của con người Việt Nam (bao gồm cả truyền thống của gia đình), ở đó có cả những mặt mạnh và mặt yếu. Từ đó, các tác giả đã mạnh dạn đưa ra những phương hướng, giải pháp nhằm phát huy những giá trị, khắc phục những hạn chế của truyền thống Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Công trình: Giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam của Trần Văn Giàu [42]. Nội dung của cuốn sách đã khái quát cơ bản các khái niệm về giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc như: tinh thần yêu nước, đoàn kết, tấm lòng nhân ái, đức tính trung thực, cần cù, sự sáng tạo, lạc quan, khiêm tốn, giản dị… trong cuộc sống và những ảnh hưởng của lịch sử đối với sự phát triển các giá trị ấy trong quá khứ, hiện tại. Thông qua cuốn sách, giúp tác giả có cái nhìn toàn diện, chính xác hơn về cơ sở hình thành, cũng như nội dung, biểu hiện của những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam trong đó có giá trị GĐTT. Những giá trị tinh thần ấy, đều thấm đượm trong các mối quan hệ từ trong gia đình, dòng họ, làng xã đến cộng đồng, xã hội và trở thành sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm [157]. Cuốn sách là một trong những công trình mang tính tổng hợp, “tập đại thành” đối với những người làm công tác nghiên cứu văn hóa. Mỗi chương sách thực sự là một khám phá chứa đựng những ý tưởng khoa học mới, độc đáo, khác lạ và sâu sắc giúp gợi mở những hướng nghiên cứu mang tính liên ngành, đa ngành cho văn hóa học hiện nay nói chung và cho các nhà nghiên cứu văn hóa khi tiếp cận nghiên cứu văn hóa Việt Nam xưa - nay, giá trị GĐTT… nói riêng cả về nội dung lẫn


phương pháp tiếp cận. Trong cuốn sách, tác giả luận án quan tâm đến phần “những vấn đề chung”, “văn hóa dân gian”, “ứng xử” và đặc biệt là nội dung “tâm thức văn hóa cư dân châu thổ Bắc Bộ” từ trang 487 đến trang 500. Ở phần nội dung này, Giáo sư đã lý giải việc gọi châu thổ Bắc Bộ, phân tích những điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế, xã hội để hình thành nên văn hóa ứng xử của cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ trong xã hội nông nghiệp cổ truyền.

Phạm Xuân Nam, Gia đình Việt Nam - các giá trị truyền thống [92]. Trong cuốn sách này, tác giả đã khẳng định: trải qua nhiều thế hệ gia đình Việt Nam đã được hình thành, phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng nên bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời, trên cơ sở phân tích thực tiễn đất nước, tác giả cũng đưa ra dự báo về xu hướng vận động, biến đổi của các giá trị truyền thống trước sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường (KTTT) và quá trình hội nhập quốc tế.

Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Văn Huyên, Giá trị truyền thống trước thách thức của toàn cầu hóa [22]. Cuốn sách đã đề cập đến các giá trị truyền thống (trong đó có cả giá trị truyền thống trong gia đình) và những vấn đề liên quan đến TCH. Qua đó, luận bàn đến những thách thức, khó khăn cũng như những cơ hội do TCH mang đến với việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Đặng Cảnh Khanh, Gia đình, trẻ em và sự kế thừa các giá trị truyền thống [59]. Tác giả Đặng Cảnh Khanh đã biên soạn cuốn sách với mục đính cung cấp kiến thức và nhận thức lại một cách nghiêm túc, sâu sắc đối với người học, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến gia đình, đặc biệt là tầm quan trọng của gia đình và cộng đồng trong việc giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp, phát huy tính ưu việt của tinh hoa văn hóa dân tộc, xây dựng GĐVH, hạnh phúc trên cơ sở gìn giữ, tiếp thu các giá trị văn hóa trong GĐTT Việt Nam. Nội dung cuốn sách đã giải quyết được các vấn đề cơ bản như: khái quát cơ sở lý luận về vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống; Phân tích thực trạng việc giáo dục các giá trị truyền thống trong gia đình và cộng đồng; rút ra một số nhận định và khuyến nghị. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho tác giả

Xem tất cả 204 trang.

Ngày đăng: 05/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí