Nội Dung Cơ Bản Của Pháp Luật Hiện Hành Về Bảo Vệ Quyền Của Con Khi Cha Mẹ Ly Hôn

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN CỦA CON KHI CHA MẸ LY HÔN


2.1. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ BẢO VỆ QUYỀN CỦA CON KHI CHA MẸ LY HÔN

2.1.1. Pháp luật bảo vệ quyền lợi của con khi xem xét quyền yêu cầu ly hôn

Quyền yêu cầu ly hôn

Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam công nhận “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn” [31]. Theo đó, Luật HN&GĐ của Nhà nước ta đã ghi nhận nguyên tắc hôn nhân tự nguyện là một trong những nguyên tắc cơ bản, trên cơ sở này, vợ chồng bình đẳng trong việc thực hiện quyền yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật. Trong suốt thời kì hôn nhân, vợ chồng đều có quyền ly hôn như nhau, không thể cấm hoặc đặt ra những điều kiện nhằm hạn chế quyền tự do ly hôn, không ai được cưỡng ép, lừa dối, cản trở vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng trong việc thực hiện quyền yêu cầu ly hôn.

Hiện nay, người thân thích có thể xin ly hôn hộ cho vợ chồng, đây là một quy định mới liên quan tới quyền yêu cầu ly hôn. Cụ thể tại Khoản 2, Điều 51 trong Luật HN&GĐ năm 2014 có quy định như sau:

Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai người mới có quyền yêu cầu tòa án

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

giải quyết ly hôn như Luật HN&GĐ trước đây thì kể từ luật năm 2014 hiện hành; căn cứ để cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn hộ với các lý do nêu trên. Quy định này đã tháo gỡ cho nhiều trường hợp bức xúc muốn xin ly hôn thay cho người thân bị mất năng lực hành vi mà không được vì luật HN&GĐ năm 2000 chỉ quy định việc ly hôn phải do chính đương sự (vợ, chồng) yêu cầu, trong khi họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự nên không thể tự mình nộp đơn xin ly hôn, bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này không đảm bảo công bằng, có khả năng gây thiệt thòi cho người vốn có quyền lợi đối lập với người kia trong vụ ly hôn. Bên cạnh đó, đối với trường hợp này các nhà làm luật yêu cầu cha, mẹ, người thân thích khác của vợ hoặc chồng cần phải chứng minh được việc người chồng hoặc vợ bị mất năng lực hành vi dân sự phải là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Ví dụ: Ông A và bà B kết hôn năm 1988 và có 1 người con là anh C (sinh năm 1990). Ông A là người rất gia trưởng, thường xuyên đánh đập hai mẹ con bà B và anh C một cách vô lý. Năm 2014, do tai biến mạch máu não bà B bị liệt một nửa người và không biết gì. Ông A không những không chăm sóc mà còn lăng mạ, đánh đập bà B không có khả năng chống trả khiến bà B phải nhập viện. Bất bình thay cho mẹ, sau khi tham khảo ý kiến luật sư, anh C đã nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn cho bố mẹ mình.

Pháp luật về bảo vệ quyền của con khi cha mẹ ly hôn - 8

Căn cứ khoản 19, Điều 3, Luật HN&GĐ năm 2014 giải thích về người thân thích thì người đặc biệt nhất có thể xin ly hôn hộ cha mẹ mình ở đây chính là những người con. Giống như ví dụ trên, anh C đã thực hiện quyền của mình yêu cầu ly hôn thay cho mẹ. Theo quan điểm của cá nhân tôi, điều này gần như tương đồng với Điều 1496, BL DS&TM Thái Lan quy định về việc con cái có thể yêu cầu Tòa án ra phán quyết về tính vô hiệu của cuộc hôn

nhân giữa cha mẹ mình. Các quy định này đảm bảo quyền lợi cho người vợ, người chồng khi phải chịu thương tổn, không có khả năng yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn được thực hiện. Bằng quyền của mình, người con có thể tìm ra lối giải thoát cho cuộc sống ngột ngạt, không hạnh phúc của cha mẹ theo quy định của pháp luật.

Hạn chế quyền yêu cầu ly hôn

Tuy pháp luật Việt nam không đặt ra điều kiện ngăn cấm quyền yêu cầu ly hôn của vợ chồng. Nhưng xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ bà mẹ, trẻ em, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người vợ và con chưa thành niên, phụ nữ có thai, thai nhi cũng là bảo vệ lợi ích của xã hội Luật HN&GĐ 2014 quy định về vấn đề hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.” (Khoản 3 Điều 51). So với Luật HN&GĐ năm 2000, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định bổ sung trường hợp người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn khi người vợ “sinh con”. Việc bổ sung trường hợp này là hết sức phù hợp, nhằm khắc phục “lỗ hổng” về thời gian thực hiện chức năng sinh đẻ của người phụ nữ ngoài giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Do đó, việc bổ sung như trên là hết sức cần thiết, bảo đảm về mặt lý luận, tuy nhiên lại ít có ý nghĩa thực tiễn. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp người vợ sinh con, sau đó đứa trẻ qua đời vì một lý do nào đó khi chưa đủ 12 tháng tuổi. Trường hợp này, người vợ về tâm sinh lý và thể chất đều trong hoàn cảnh hết sức nhạy cảm, yếu thế, việc xin ly hôn của người chồng vào thời điểm này dễ ảnh hưởng đến người vợ, có thể gây suy giảm sức khỏe về cả thể xác lẫn tinh thần, có khả năng ảnh hưởng tính mạng. Nhiều người cho rằng chỉ khi đứa con đó là con của người chồng hiện tại thì người chồng mới không có quyền yêu cầu ly hôn còn nếu đứa con của người vợ là con của một người đàn ông khác người chồng hiện

tại thì người chồng vẫn có quyền ly hôn. Cách nghĩ đó hoàn toàn không đúng, Ðiều luật được áp dụng, ngay cả trong trường hợp người vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi là con của người khác mà không phải người chồng hiện tại. Quy định này nhằm bảo vệ bà mẹ, đặc biệt là bảo vệ thai nhi và trẻ nhỏ, tránh những tác động tiêu cực đến bà mẹ, gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ nhỏ. Khoa học pháp lý gọi đây là trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng. Theo đó, quy định này chỉ được áp dụng cho người chồng. Trong mọi khoảng thời gian, dù người vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu xét thấy mâu thuẫn gia đình đến mức sâu sắc nếu duy trì sẽ bất lợi, ảnh hưởng tới sức khỏe của người vợ hoặc thai nhi hay trẻ sơ sinh mà người vợ có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện theo thủ tục chung.

Quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn tại Khoản 3 Điều 51 luật hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ đặt ra đối với người chồng mà không áp dụng đối với người vợ. Trong thời gian người vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu xét thấy mâu thuẫn vợ chồng đã quá sâu sắc, mục đích của hôn nhân không đạt được, việc tiếp tục duy trì hôn nhân sẽ gây bất lợi cho quyền lợi của người vợ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người vợ, thai nhi hoặc trẻ sơ sinh mà người vợ có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện theo thủ tục chung. Đây là một trong những quy định thể hiện tính nhân đạo sâu sắc của pháp luật hôn nhân và gia đình. Quyền lợi của trẻ em và phụ nữ có thai được pháp luật tôn trọng, đề cao và bảo vệ chặt chẽ.

Những phân tích trên đây cho thấy quy định có ý nghĩa pháp lý to lớn và ý nghĩa đạo lý. Bởi cần phải xác định rằng, trong quan hệ vợ chồng, việc sinh đẻ không phải đơn thuần là việc riêng của người vợ, đó là việc chung, là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng. Mặt khác, sinh đẻ là chức năng xã hội

của gia đình. Vì vậy, phải thấy được trách nhiệm chung đó để giải quyết vấn đề ly hôn cho thoả đáng, hợp lý, hợp tình nhằm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và của con cái, bảo vệ lợi ích của gia đình và xã hội.

2.1.2. Pháp luật bảo vệ quyền lợi của con khi xem xét căn cứ ly hôn theo pháp luật hiện hành

Nhằm bảo vệ cho mối quan hệ vợ chồng bền chặt, không thể coi việc ly hôn là một việc dễ dàng, vì vậy pháp luật phải quy định chặt chẽ các căn cứ để tòa án xem xét cho ly hôn. Căn cứ ly hôn là các tình tiết, điều kiện pháp lý do pháp luật quy định, và chỉ khi có những tình tiết, điều kiện đó, thì Tòa án mới quyết định cho vợ chồng ly hôn. Đó là điều kiện cần và đủ được quy định một cách thống nhất trong pháp luật, dựa trên các điều kiện đó thì Tòa án cho phép vợ chồng ly hôn. Luật HN&GĐ năm 2014 không quy định căn cứ cho ly hôn thành một điều luật riêng như Luật HN&GĐ năm 2000 mà chuyển quy định về căn cứ ly hôn vào trong quy định về thuận tình ly hôn (Điều 55) và ly hôn theo yêu cầu của một bên (Điều 56). Về bản chất, việc giải quyết ly hôn cho hai vợ chồng khi thuận tình hoặc khi một trong hai bên yêu cầu là như nhau. Một là bắt buộc phải tiến hành thủ tục hòa giải đoàn tụ (trừ trường hợp bên không có yêu cầu ly hôn đã được triệu tập đến lần thứ hai vẫn cố tình vắng mặt và trường hợp bên còn lại là người mất năng lực hành vi dân sự). Hai là, theo nguyên tắc, Tòa án chỉ xem xét cho ly hôn khi quan hệ vợ chồng đã ở vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Ba là, khi xét xử án về ly hôn, quyền lợi của người vợ và đặc biệt là người con sẽ được pháp luật ưu tiên bảo đảm.

Thuận tình ly hôn

Thuận tình ly hôn là trường hợp cả hai vợ chồng cùng yêu cầu chấm dứt hôn nhân, tự nguyện đồng ý ly hôn, cùng ký vào đơn xin ly hôn.

Điều 55 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về căn cứ để thuận tình ly hôn: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Theo quy định của pháp luật, muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân một cách hợp pháp, ngoài việc bày tỏ thực sự tự nguyện; không bị cưỡng ép; không bị lừa dối trong việc thuận tình ly hôn, các bên còn phải có sự thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con, nếu vợ chồng không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định giải quyết việc ly hôn này.

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn, khi giải quyết ly hôn đồng thuận, tòa án vẫn phải tiến hành hòa giải đoàn tụ. Tòa án sẽ giải thích, phân tích đúng sai trong quan hệ của họ, người làm công tác hòa giải khuyên họ nên bỏ qua những lỗi lầm, tha thứ cho nhau để quay lại chung sống với nhau. Nếu họ đã hiểu ra và quay lại đoàn tụ chung sống với nhau, khi đó Tòa án cũng không phải giải quyết các vấn đề kéo theo như con và tài sản. Nếu hòa giải thành tức là vợ chồng rút đơn thuận tình ly hôn thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành, sau 15 ngày kể từ ngày Tòa án lập biên bản hòa giải thành mà các bên đương sự không thay đổi ý kiến thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Nếu hòa giải không thành, các bên không thỏa thuận được việc chia tài sản hoặc việc trông nom, chăm

sóc nuôi dưỡng giáo dục con thì Tòa án lập biên bản về việc đồng thuận ly hôn và hòa giải không thành. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày hòa giải không thành, nếu hai bên đương sự không thay đổi nội dung yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Những vấn đề không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa xét xử theo thủ tục chung. Như vậy, pháp luật sẽ đảm bảo và ưu tiên cho quyền lợi của người con ngay cả khi cha mẹ của chúng cùng thuận tình ly hôn.

Ly hôn theo yêu cầu của một bên

Luật HN&GĐ năm 2014 quy định ly hôn theo yêu cầu của một bên là căn cứ ly hôn tại Điều 56. Theo đó, khi ly hôn theo yêu cầu của một bên thì Tòa án cần dựa vào một trong ba căn cứ sau đây:

Một là, căn cứ ly hôn trong trường hợp vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Luật HN&GĐ năm 2014 đã bổ sung điểm mới khi cho ly hôn khi có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng.

Qua đó, có thể thấy rằng việc đưa ra những nguyên nhân của hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được để cụ thể hóa căn cứ cho ly hôn “vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” trong Luật HN&GĐ năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho Tòa án khi giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của một bên. Đây là một quy định rất tiến bộ mang ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về

quyền con người và bảo vệ quyền con người trong tiến trình hội nhập quốc tế và tiếp thu quy định của một số nước trên thế giới. Cụ thể, đó là Điều này cũng tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật khi giải quyết việc ly hôn trong cả nước. Nạn nhân chủ yếu của nạn bạo lực gia đình là người phụ nữ và con cái trong gia đình. Tình trạng bạo lực xuất hiện ở các cặp vợ chồng tuổi tứ tuần phổ biến hơn các nhóm tuổi khác bạo hành gia đình để lại một hậu quả nghiêm trọng về cả tinh thần và thể xác những đứa trẻ, những bà mẹ. Ngoài việc yêu cầu ly hôn để bảo vệ quyền và lợi ích của mình và con cái, nạn nhân hoặc người chứng kiến hành vi bạo lực gia đình còn có thể khiếu nại hoặc tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tùy vào mức độ, tính chất của hành vi bạo lực gia đình, người có hành vi đó sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Trong căn cứ ly hôn này, quyền lợi của người con vẫn luôn được pháp luật bảo vệ thực hiện.

Hai là, căn cứ ly hôn trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trường hợp đồng thời yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích và yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, thì tòa sẽ không giải quyết bởi vì Tòa án chỉ giải quyết cho ly hôn có bằng chứng chứng minh được chồng hoặc vợ đã biệt tích từ hai năm trở lên kể từ ngày có tin tức cuối cùng về chồng (vợ), mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.

Việc tuyên bố cá nhân mất tích có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó góp phần bảo vệ lợi ích của cá nhân cũng như các chủ thể có liên quan. Việc xác định đúng điều kiện và hậu quả pháp lý của các tuyên bố này là cơ sở bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể, đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả nhưng quy định của pháp luật trong tuyên bố các cá nhân mất tích. Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, việc chồng hoặc vợ bị mất tích đã ảnh hưởng sâu sắc

Xem tất cả 132 trang.

Ngày đăng: 29/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí