Pháp Luật Bảo Vệ Quyền Và Lợi Ích Của Con Khi Cha Mẹ Ly Hôn Ở Một Số Quốc Gia Trên Thế Giới

1.5. PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CỦA CON KHI CHA MẸ LY HÔN Ở MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

1.5.1. Pháp luật Cộng hòa Pháp về bảo vệ quyền và lợi ích của con khi cha mẹ ly hôn

Dựa trên nền tảng của bộ luật Napoleon trứ danh (Luật hoàng gia được soạn dưới thời Vua Louis XIV), Pháp là đại diện tiêu biểu sử dụng hệ thống tư pháp Dân luật (Civil Law). BLDS Pháp khẳng định tính ổn định, khả năng vượt thời gian và có tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với pháp luật dân sự thế giới. Dù không có một điều luật nào trực tiếp quy định nhưng nội dung các điều luật liên quan đến HN&GĐ trong BLDS Pháp đã cơ bản phản ánh nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, một vợ một chồng, bình đẳng trước pháp luật.

BLDS Pháp ghi nhận hai vấn đề ly hôn và ly thân mang nét tương tự như quy định pháp luật thời thuộc địa ở Việt Nam mà Pháp áp dụng. Hệ thống các quy định liên quan đến quyền của các bên trong quan hệ HN&GĐ được thể hiện rất rõ ràng, chi tiết, đặc biệt là các quy định đảm bảo quyền lợi của con cái khi cha mẹ ly hôn.

Ly hôn được quy định tại Chương I, Thiên VI, Quyển thứ nhất BLDS Pháp. Đối với trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn, thẩm phán có thể từ chối phê chuẩn thỏa thuận của các bên và không giải quyết ly hôn nếu thỏa thuận này không đảm bảo đầy đủ lợi ích của con hoặc một trong hai bên [2]. Đối với các trường hợp ly hôn không phải thuận tình, tại đây thẩm phán sẽ quyết định các biện pháp cần thiết trên cơ sở xem xét thỏa thuận của các bên nhằm đảm bảo cuộc sống của mỗi bên và của con cho đến khi quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật.

Biện pháp có liên quan đến bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của con có thể là: Khi nhận được đơn yêu cầu ly hôn đầu tiên, thẩm phán có thể có quyết định cho phép nguyên đơn được ở riêng cùng với con chưa thành niên;

Con cái được bảo vệ một cách tuyệt đối, cha mẹ không được viện dẫn các vấn đề liên quan đến con để làm căn cứ yêu cầu ly hôn hoặc làm căn cứ bào chữa [2].

Sau ly hôn, vợ hoặc chồng vẫn có thể được sử dụng họ của người kia nếu chứng minh được việc sử dụng đó liên quan đến lợi ích đặc biệt của bản thân hoặc của các con và với điều kiện là người kia đồng ý hoặc thẩm phán cho phép. Trường hợp nơi ở của gia đình là tài sản riêng của một bên thì thẩm phán có thể quyết định cho thuê nơi ở đó cho người vợ hoặc ngươi chồng thực thi một mình hoặc thực thi cùng với người kia quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, với điều kiện con vẫn thường sống tại nơi đó và quyết định cho thuê là cần thiết để bảo vệ lợi ích của con. Thẩm phán quy định thời hạn cho thuê và có thể gia hạn cho đến khi người con nhỏ nhất đến tuổi vị thành niên [2].

Hệ quả của việc ly hôn đối với con được quy định một cách cụ thể tại các Điều 373-2 (từ Điều 373-2 đến Điều 373-2-13), Điều 373-3, Điều 373-4 (luật số 2002-305 ngày 4-3-2002) Chương I, Thiên IX, Quyển thứ nhất BLDS Pháp. Về việc bảo vệ quyền của con khi cha mẹ ly hôn, một số điểm BLDS Pháp quy định giống với quy định của Luật HN&GĐ Việt Nam như: Cha mẹ ly hôn không làm ảnh hưởng đến các quy định chung liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con; việc đóng góp để nuôi dưỡng và giáo dục con được thực hiện dưới hình thức cấp dưỡng; thẩm phán về hôn nhân gia đình đưa ra quyết định xét xử dựa trên cơ sở bảo vệ lợi ích của con chưa thành niên, ...

Một số điểm quy định khác nhau giữa hai bộ luật, trong đó BLDS Pháp quy định cụ thể hơn như:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

- Trong trường hợp vì lợi ích cần thiết của con, thẩm phán có thể giao việc thực hiện của cha mẹ cho người cha hoặc người mẹ. Người còn lại có thể bị từ chối cho việc thực hiện quyền thăm nom và quyền đón con đến sống với mình nếu có lý do chính đáng.

- Quyền hạn của thẩm phán ở Pháp rộng hơn thẩm phán ở Việt Nam, họ có thể áp dụng các biện pháp để mối quan hệ giữa con với mỗi bên cha mẹ được đảm bảo duy trì liên tục trên thực tế. Đặc biệt, thẩm phán có thể yêu cầu ghi chú vào hộ chiếu của cha mẹ việc cấm đưa con ra khỏi lãnh thổ Pháp khi không có sự đồng ý của cả hai bên cha mẹ.

Pháp luật về bảo vệ quyền của con khi cha mẹ ly hôn - 7

- Trong trường hợp cần thiết vì lợi ích của con, đặc biệt là khi một trong hai bên cha mẹ không được thực hiện quyền của cha mẹ đối với con, thì một trong số các trường hợp ngoại lệ, tại Pháp, thẩm phán có thể quyết định giao con cho người thứ ba; người này được ưu tiên lựa chọn trong số họ hàng của con và có thể bị thẩm phán yêu cầu tổ chức giám hộ.

Tóm lại, những quy định về đảm bảo quyền lợi của con cái khi cha mẹ ly hôn trong BLDS Pháp cũng như các điều luật khác được pháp điển hóa đặc trưng đã làm cho BLDS Pháp đáp ứng nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân. Thêm nữa, nhờ tính mềm dẻo và tính thích ứng với thực tế của tòa án đã khiến cho Bộ luật được trường tồn, đây là điều mà các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam cần tiếp tục học hỏi và vận dụng. Từ những khác biệt cơ bản của Pháp luật hai nước, giá trị tham khảo đối với Việt Nam đối với các quy định tiến bộ của Pháp đó là ghi nhận vấn đề ly thân và đưa nó là một trong những căn cứ để ly hôn. Thêm nữa, để đảm bảo yêu cầu cần thiết, cấp bách của thực tế có thể trao thêm quyền cho thẩm phán khi quyết giao con cho ai chăm sóc trong thời gian thụ lý và giải quyết vụ việc trước khi có phán quyết chính thức của Tòa.

1.5.2. Pháp luật Thái Lan về bảo vệ quyền và lợi ích của con khi cha mẹ ly hôn

Thái Lan là một nước trong khu vực ASEAN và có nhiều nét tương đồng về văn hoá so với Việt Nam. Ở Thái Lan không có Luật HN&GĐ riêng biệt mà HN&GĐ được quy định chung trong Bộ luật Dân sự và Thương mại

(DS&TM) Thái Lan. Phần về HN&GĐ cũng như về đảm bảo quyền của con khi cha mẹ ly hôn được quy định tại Phần III Quyển 5 của Bộ luật này.

Pháp luật Thái Lan quy định: Việc ly hôn chỉ có thể được tiến hành với sự đồng ý của hai vợ chồng hoặc theo phán quyết của toà án. Việc ly hôn được tiến hành có sự đồng ý của hai bên phải được làm bằng văn bản và có ít nhất hai chữ ký xác nhận của hai người làm chứng [3]. Quyền tự do ly hôn là quyền gắn với nhân thân của bên vợ, bên chồng. Khi các bên vợ chồng không cùng đồng ý ly hôn thì quyền yêu cầu ly hôn được pháp luật ghi nhận bình đẳng cho các bên vợ, chồng. Pháp luật Thái Lan quy định khá cụ thể các căn cứ để một bên có thể kiện đòi ly hôn với bên chồng hay vợ của mình.

Về mặt học thuật, các căn cứ ly hôn trong pháp luật Thái Lan có những điểm khác biệt căn bản so với pháp luật Việt Nam. BL DS&TM Thái Lan quy định căn cứ ly hôn dựa trên cơ sở lỗi của các bên vợ chồng, căn cứ ly hôn này có thể dễ dàng áp dụng trong thực tiễn thi hành luật. Căn cứ ly hôn trong Luật HN&GĐ Việt Nam phản ánh bản chất của cuộc hôn nhân mà không dựa trên cơ sở lỗi. Vì vậy, việc áp dụng căn cứ ly hôn theo pháp luật Việt Nam không dễ dàng song lại thường phản ánh được đúng nhất bản chất của hôn nhân.

Pháp Luật Việt Nam ghi nhận việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng khi người phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hoặc nguyên tắc bảo vệ quyền phụ nữ và con khi chia tài sản chung trong trường hợp ly hôn nhằm bảo vệ quyền phụ nữ trẻ em. Tuy nhiên, pháp luật Thái Lan không dự liệu vấn đề này. Ngoài ra các quy định điều chỉnh vấn đề hôn nhân còn chịu sự chi phối của luật Hồi giáo vì ở một số vùng lãnh thổ của Thái Lan có những người Hồi giáo sinh sống áp dụng luật này. Việc Thái Lan thừa nhận áp dụng luật Hồi giáo cũng là một điểm khác biệt lớn của pháp luật Thái Lan so với pháp luật Việt Nam.

Về việc đảm bảo quyền lợi của con cái khi cha mẹ ly hôn, Luật Thái Lan có một quy định khá hay đó là con cái của cặp vợ chồng đó có thể yêu cầu Tòa án ra phán quyết về tính vô hiệu của cuộc hôn nhân [3], điều này cho thấy người con có thể sử dụng quyền của mình để giải thoát cho cuộc hôn nhân bế tắc của cha mẹ chúng. Một số quy định khác có điểm tương đồng với luật HN&GĐ Việt Nam:

+ Trường hợp đồng thuận ly hôn, hai vợ chồng phải có thỏa thuận với nhau cùng thống nhất ý kiến và ghi vào văn bản bản thỏa thuận ly hôn về việc ai hay hay cả hai sẽ đóng góp vào việc nuôi dưỡng con cái và đóng góp bao nhiêu, đóng góp như thế nào, thời gian cụ thể. Nếu không có bản thỏa thuận này, không ghi nhận gì về việc nuôi dưỡng con cái hoặc không thể đạt được sự thỏa thuận nào về việc nuôi con, thì Tòa án sẽ quyết định vấn đề đó. Trường hợp ly hôn theo phán quyết của Tòa án, nếu trong quá trình xét xử nhận ra rằng cần tước quyền bố mẹ của người vợ hoặc người chồng theo Điều 1582 quy định thì Tòa án có thể ra quyết định tước bỏ quyền bố mẹ của người vợ hoặc người chồng đó và chỉ định một người thứ ba làm người giám hộ, có tính đến hạnh phúc và quyền lợi của đứa trẻ [3].

+ Khi bố hoặc mẹ bị tước đoạt một phần hoặc toàn bộ quyền bố mẹ, thì không vì đó mà được miễn trách nhiệm nuôi dưỡng vị thành niên theo quy định của pháp luật [3].

+ Về việc nuôi dưỡng theo Tiêu đề III BL DS&TM Thái Lan thì việc trợ cấp nuôi dưỡng cho con có thể được khiếu nại, tranh chấp khi con không nhận được sự nuôi dưỡng hoặc không được nuôi dưỡng đầy đủ theo điều kiện sinh sống của mình. Tòa án sẽ quyết định mức, phạm vi trợ cấp nuôi dưỡng hoặc sửa đổi việc nuôi dưỡng căn cứ điều kiện thực tế cụ thể của mỗi bên nếu xét thấy thích hợp.

BL DS&TM Thái Lan còn có một quy định đặc biệt liên quan đến việc

thực thi quyền của người con mà pháp luật Việt Nam chưa đề cập đến đó là “Quyền được nuôi dưỡng không thể bị từ chối, ràng buộc hoặc chuyển nhượng và không chịu cưỡng chế thi hành” [3]. Vì lợi ích đáng có của người con, pháp luật đưa ra quy định cụ thể này để tránh trường hợp nào đó người con chối bỏ quyền lợi đương nhiên này.

Từ những phân tích trên, có thể thấy được về việc bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn pháp luật thì Thái Lan có những điểm tương đồng nhưng cũng có điểm chưa cụ thể như pháp luật Việt Nam. Những quy định bảo vệ quyền của con khi cha mẹ ly hôn ở Thái Lan đã được cụ thể hóa tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

1.5.3. Pháp luật một số quốc gia khác về bảo vệ quyền của con khi cha mẹ ly hôn

Ngoài pháp luật Pháp và pháp luật Thái Lan thì đề tài còn nghiên cứu và so sánh một số điểm chung cũng như khác biệt cơ bản đối với pháp luật về bảo vệ quyền của con khi cha mẹ ly hôn của Nhât Bản, Nga.

Pháp luật Nhật Bản về bảo vệ quyền của con khi cha mẹ ly hôn

Vấn đề cấp dưỡng sau khi ly hôn giống quy định của pháp luật Việt Nam mặc dù không được quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự Nhật Bản, song "những vấn đề cần thiết khác đối với việc chăm sóc" đã bao hàm rất nhiều nội dung liên quan đến việc cha mẹ có nghĩa vụ đóng góp tài chính, cùng nhau nuôi dưỡng, dạy bảo con cái họ sau khi ly hôn. Tuy nhiên, pháp luật dân sự Nhật Bản lại dành một chương riêng (Chương VI) quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng, áp dụng đối với những người thân theo huyết thống trực hệ và anh chị em hoặc trong hoàn cảnh nhất định Tòa án có thể buộc những người thân trong phạm vi ba đời có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau. Quy định này cũng bao gồm việc cấp dưỡng của cha mẹ đối với con cái sau khi ly hôn, song không cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên có thể thấy nghĩa vụ cấp

dưỡng được pháp luật ghi nhận và là cơ sở vững chắc để giải quyết vấn đề nuôi dạy con cái khi hôn nhân tan vỡ. Tóm lại, vấn đề nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái sau khi ly hôn hầu hết được pháp luật các nước tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng, nếu không thỏa thuận được Tòa án sẽ ra phán quyết có tính đến yếu tố thuận lợi nhất cho sự phát triển của con trẻ. Những quy định này được áp dụng trong mọi trường hợp xin ly hôn nói chung và ly hôn giữa công dân nước sở tại với người nước ngoài nói riêng.

Theo Điều 766 Bộ luật dân sự Nhật Bản thì trong trường hợp có con chung chưa đủ 20 tuổi thì các bên phải thỏa thuận các vấn đề về quyền nuôi con, thăm nom, nghĩa vụ cấp dưỡng và mọi vấn đề liên quan khác căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu bố mẹ không thỏa thuận được thì có thể yêu cầ Tòa án giải quyết. Kể cả khi bố mẹ đã đạt được thỏa thuận thì Tòa án vẫn có quyền thay đổi nếu thấy nội dung về quyền nuôi con do các bên thỏa thuận không hợp lý.

Pháp luật ly hôn ở Nhật đặc biệt bảo vệ người phụ nữ và trẻ em bằng việc ưu tiên quyền nuôi con dành cho người mẹ và hạn chế quyền thăm con của bố để tránh xảy ra bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, những người đàn ông Nhật rất bận rộn, phải đi làm cả ngày nên ít có thời gian chăm sóc và dạy dỗ con cái và nếu để bố gặp con thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng tới cách giáo dục con của người mẹ.

Luật quy định người bố có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đến khi con trưởng thành. Mức cấp dưỡng tùy thuộc vào thu nhập của bố. Tuy nhiên, một tình trạng xảy ra phổ biến ở Nhật đó là sau khi ly hôn rất nhiều người mẹ đe con đi biệt tích khiến người bố không bao giờ có cơ hội được gặp con mình và vì thế không thể thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Như vậy, Việt Nam có thể học hỏi Nhật Bản việc đưa thêm quy định người thân cũng có thể có nghĩa vụ cấp dưỡng khi bố hoặc mẹ không có đủ điều kiện cấp

dưỡng cho con thì những người thân thiết theo huyết thống trực hệ và anh chị em có nghĩa vụ cấp dưỡng để đứa con có cuộc sống thuận lợi hơn.

Pháp luật Nga về bảo vệ quyền của con khi cha mẹ ly hôn

Luật Gia đình Nga ưu tiên quyền nuôi con cho người mẹ bởi các nhà làm luật cho rằng con cái sẽ được chăm sóc tốt hơn khi sống với mẹ. Tuy nhiên, người chồng cũng có quyền giành quyền nuôi con tại Tòa án. Luật Gia đình cho phép trẻ em trên 10 tuổi được làm chứng trong các vấn đề quyền nuôi con trong trường hợp ly hôn tư pháp. Điều này cũng có điểm tương đồng với Tòa án Việt Nam khi phán quyết quyền nuôi con. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 Việt Nam quy định trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên phải được hỏi nguyện vọng về việc muốn sống chung với ai. Trong khi đó, pháp luật Nga quy định là con phải trên 10 tuổi mới được làm chứng trong các vấn đề về quyền nuôi con khi ly hôn tư pháp.

Cha mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đến khi đứa trẻ thành niên. Tuỳ thuộc vào số lượng con cái mà mức cấp dưỡng là khác nhau. Nếu cặp vợ chồng chỉ có 01 con, người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải cung cấp khoản tiền tương ứng với 25% thu nhập cá nhân, trường hợp có 02 con thì mức cấp dưỡng là 33% thu nhập cá nhân và trong trường hợp có từ 03 con trở lên thì mức cấp dưỡng là 50% thu nhập cá nhân. Theo quan điểm của tôi, cũng nên học hỏi quy định này tại Việt Nam để việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được dễ dàng hơn, có những tiêu chuẩn cụ thể về số tiền cấp dưỡng, không nên quy định chung chung.

Các bên có thể thỏa thuận về quyền nuôi con cũng như cấp dưỡng trước khi đưa vấn đề ra Tòa. Các bên cần phải thực sự cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua tư vấn hoặc hòa giải và có những nỗ lực hợp lý để trao đổi với bên kia. Nếu 2 bên không tìm được tiếng nói chung, tòa án sẽ phán xét dựa trên luật ly hôn quyền nuôi con.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/03/2024