Khái Niệm Bảo Vệ Quyền Và Lợi Ích Hợp Pháp Của Con Khi Cha Mẹ Ly Hôn

Cha mẹ bất hòa luôn ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của con về mặt tâm lý. Những cảnh cãi vã nhau, những câu chì chiết, những câu chửi hay những lần đánh nhau trước mặt con lúc nào cũng có hại và sẽ rất khó xóa nhòa trong ký ức tuổi thơ của con. Trẻ rơi vào tình trạng luôn lo lắng, bất an, có cảm giác bị bỏ rơi. Cũng có trường hợp trẻ tự kết tội mình có phần nào trách nhiệm trong sự chia ly của bố mẹ. Sự buồn bã, sự suy nhược, sự cách ly, sự mất ngủ, những cơn ác mộng và những nỗi sợ hãi, ám ảnh ban đêm… đều có khả năng chế ngự trong đời sống tinh thần của đứa trẻ. Kết quả học tập cũng có phần sụt giảm. Đôi khi đứa trẻ chuyển sự thô bạo trong gia đình sang những quan hệ xã hội. Trong những trường hợp khác, chúng chọn thái độ của một người lớn trưởng thành sớm, chúng già giặn và không còn sự hồn nhiên như bạn bè cùng lứa.

Trẻ sống trong các gia đình ly hôn thường rất mặc cảm trong cuộc sống, ngại tiếp xúc, kín kẽ khi nói về bản thân và gia đình không trọn vẹn của mình. Nhìn xa hơn ở những trường hợp cha mẹ ly hôn mà cả hai đều chạy theo cuộc sống riêng tư của mình, những đứa trẻ bỗng dưng bị bỏ rơi, lạc lõng giữa cuộc đời. Và một thực tế là những trẻ đó rất dễ vướng vào những cạm bẫy của cuộc đời và rơi vào con đường phạm pháp.

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu không được sự quan tâm của xã hội, sự bảo vệ của pháp luật thì những mầm non của hôm nay không thể trở thành những công dân có ích cho xã hội mai sau được. Những trẻ có cha mẹ ly hôn phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn bè đồng lứa, hơn nữa, chúng vẫn còn chưa thể tự lo được cho mình, vì vậy, rất cần có sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng này. Mặt khác, chúng đang trong quá trình phát triển về nhân cách và nhận thức, rất cần được dạy dỗ, chỉ bảo, định hướng của những người đi trước. Đây cũng là lứa tuổi dễ bị lợi dụng, dễ sa vào cạm bẫy nên sự quan tâm, sự định hướng của người lớn lại càng cần thiết.

1.2. KHÁI NIỆM BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA CON KHI CHA MẸ LY HÔN‌

1.2.1. Khái niệm

Trong trường hợp cha mẹ ly hôn, việc bảo vệ quyền lợi của con được đặt ra đối với con chưa thành niên, con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình. Bởi lẽ khi cha mẹ ly hôn, những người con đã thành niên đã phát triển toàn diện về nhận thức và nhân cách, đồng thời họ cũng có đủ khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân nên không bị ảnh hưởng nhiều do việc ly hôn của cha mẹ. Ngược lại, những người con chưa thành niên, chưa phát triển toàn diện về mặt nhận thức và nhân cách nên dễ bị chấn động tâm lý khiến chúng bị phát triển lệch lạc về đạo đức, nhân cách. Những người đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài chính để tự nuôi sống bản thân sẽ không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ từ cha mẹ. Chính vì vậy những đối tượng này cần được đặc biệt quan tâm và bảo vệ khi cha mẹ ly hôn.

Quyền của con khi cha mẹ ly hôn là một bộ phận của quyền con người, do đó để tìm hiểu một cách toàn diện về quyền của con khi cha mẹ ly hôn, cần tìm hiểu khái niệm về quyền con người.

Quyền con người là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên trong các văn bản pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia chưa có một định nghĩa chính thức nào về quyền con người. Các nhà nghiên cứu luật học khi nghiên cứu về vấn đề này có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Dựa trên những quy định của luật pháp quốc tế và các nghiên cứu khoa học về quyền con người, có thể hiểu: Quyền con người là những đặc quyền (quyền tự nhiên) của con người được pháp luật công nhận, điều chỉnh, do cá nhân con người nắm giữ trong mối liên hệ với Nhà nước và cá nhân con người khác.

Bảo vệ quyền của con khi cha mẹ ly hôn là bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em khi cha mẹ chúng ly hôn. Đó chính là việc "che chở", "giữ gìn", ngăn ngừa, hạn chế hoặc chống lại những hành vi xâm phạm các quyền của trẻ em đặc biệt trong hoàn cảnh cha mẹ ly hôn. Bảo vệ quyền của con khi cha mẹ ly hôn được thể hiện qua hệ thống các biện pháp, cách thức nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của con được thực hiện trên thực tế, ngăn chặn mọi khả năng có thể xâm phạm đến quyền trẻ em của con và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm gắn với việc ly hôn của cha mẹ.

Từ những phân tích trên, có thể hiểu: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn là hệ thống các biện pháp, cơ chế, cách thức được pháp luật quy định nhằm đảm bảo thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của con trên thực tế, đảm bảo cho các quyền cơ bản của con không bị xâm phạm, hạn chế hoặc bị ảnh hưởng xấu do việc ly hôn của cha mẹ gây ra, cũng như đảm bảo việc xử lý nghiêm khắc, kịp thời mọi hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của con.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.

1.2.2. Sự cần thiết của việc điều chỉnh bằng pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn

Trong xã hội xưa và nay, trẻ em luôn đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong gia đình mà đối với toàn xã hội. Tuy nhiên trẻ em cũng là đối tượng dễ bị lạm dụng, bóc lột sức lao động và lạm dụng tình dục, đặc biệt khi trẻ là con của các cặp vợ chồng ly hôn càng có nguy cơ cao hơn. Chính vì vậy, Nhà nước cần phải ban hành các quy phạm pháp luật ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của cha mẹ đối với con khi ly hôn. Tổ chức lao động Quốc tế trong một báo cáo cho thấy, trong 215 triệu trẻ em trên thế giới thì có khoảng 115 triệu trẻ em đang tham gia vào những công việc nguy hiểm. Ước tính trên thế giới, cứ mỗi phút trôi qua là có một trẻ em bị tai nạn, bệnh tật hoặc chấn thương lao động. Ở Việt Nam, theo thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện nay cả nước còn khoảng

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 - 3

25.000 trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Bên cạnh nạn lạm dụng lao động, trẻ em còn phải đối mặt với nhiều tệ nạn xã hội khác như nạn xâm hại tình dục, nạn bạo hành… Tại Nam Phi, trong năm 2009 có khoảng 21.000 trường hợp các em nhỏ bị lạm dụng tình dục bị báo cáo và trong tổng số những đứa trẻ ra đời trong một ngày thì có 961 em là kết quả thụ thai của các nạn nhân bị hãm hiếp [9]. Còn tại Việt Nam, số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) năm 2011 cho thấy, cả nước có 1.453 trẻ bị xâm hại tình dục, tính trung bình 5 năm gần đây thì mỗi năm có khoảng gần 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó, riêng số vụ hiếp dâm trẻ em lên tới 80%. Nạn nhân bị xâm hại tình dục không chỉ là trẻ em gái, mà đã xuất hiện nạn nhân là trẻ em trai. Mặc dù sự thật thì số vụ phát hiện được chỉ như "phần nổi của tảng băng chìm" nhưng đó cũng là con số đáng báo động.

Những đứa trẻ đang trong quá trình phát triển về nhận thức cũng như nhân cách lại phải đối mặt với nhiều tệ nạn xã hội nghiêm trọng nên cần được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục. Trong lời mở đầu của Công ước Liên hợp Quốc về quyền trẻ em khẳng định:

Gia đình với tư cách là nhóm xã hội cơ bản và môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của mọi thành viên, nhất là trẻ em, cần có sự bảo vệ và giúp đỡ cần thiết để có thể đảm đương được đầy đủ trách nhiệm của mình trong cộng đồng. Công nhận rằng, để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được trưởng thành trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và thông cảm [14].

Khi cha mẹ ly hôn, sự chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục ấy sẽ bị thiếu hụt con của những gia đình có cha mẹ ly hôn phải chịu thiệt thòi hơn rất nhiều so với những đứa trẻ cùng trang lứa nên các quyền trẻ em của con càng dễ bị xâm hại. Chính vì vậy những đối tượng này càng cần được sự quan tâm, bảo vệ của Đảng, Nhà nước và xã hội.

Không chỉ trẻ chưa thành niên mà những đứa con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có sức lao động và không có tài sản để tự nuôi sống bản thân, họ đã thiệt thòi hơn những người bình thường. Vậy mà họ còn có cha mẹ ly hôn thì hoàn cảnh càng khó khăn hơn do đó họ cũng cần được Nhà nước và xã hội bảo vệ.

Mặt khác, khi cha mẹ ly hôn, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con có sự thay đổi - bên cha hoặc mẹ sẽ không có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con nên cần sự điều chỉnh của pháp luật để bảo vệ các quyền cơ bản của con. Khi cha mẹ ly hôn, trẻ thiếu đi sự giáo dục đầy đủ của cả cha và mẹ nên dễ có nguy cơ rơi vào các tệ nạn xã hội hoặc thực hiện các hành vi phạm tội do sự khủng hoảng tâm lý. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thống kê con số 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đúng mực. Một nghiên cứu của Bộ Công an chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ [19]. Vì vậy, việc quy định ràng buộc trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của cả cha và mẹ đối với con là cần thiết để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ đó.

Khi cha mẹ ly hôn, cuộc sống của trẻ sẽ bị xáo trộn, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con sẽ đảm bảo sự thăng bằng, ổn định nhất có thể cho trẻ về tâm lý, các điều kiện sống… Vì vậy, pháp luật cần quy định rõ ràng, cụ thể quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn và cách thức thực hiện các quyền đó

Từ những lập luận nêu trên cho thấy, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn vì vậy trở nên hết sức cần thiết đặc biệt trong xã hội ngày nay, khi mà tệ nạn ngày càng nhiều và tình hình ly hôn đang diễn biến gia tăng.

1.2.3. Ý nghĩa của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn‌

Con chưa thành niên, con đã thành niên tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản nuôi sống bản thân vốn đã cần được bảo vệ nhưng việc bảo vệ ấy càng có ý nghĩa hơn khi chúng phải sống trong hoàn cảnh có cha mẹ ly hôn.

Thứ nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn cao hơn.

Cha mẹ là người sinh thành ra các con, cho con sự sống cũng là người có trách nhiệm nuôi dưỡng con. Dù cuộc sống khó khăn hay đầy đủ, cha mẹ có hạnh phúc hay không thể sống chung với nhau thì cũng không được chối bỏ trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, khi mục đích của hôn nhân không đạt được, vợ chồng kết tội cho nhau về sự tan vỡ của gia đình thì những kết quả của tình yêu đã chết đó cũng rất dễ rơi vào tình trạng bị bỏ rơi hoặc chỉ nhận được một nửa sự yêu thương. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho trẻ pháp luật đã quy định nuôi con không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của cha mẹ. Nuôi con là một nghĩa vụ luật định nhằm ràng buộc ý thức trách nhiệm của người làm cha, mẹ, đặc biệt là khi họ đã ly hôn. Đó cũng là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho con khi người làm cha mẹ không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Thứ hai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn là đảm bảo cho tương lai của trẻ cũng là đảm bảo an ninh xã hội.

"Tương lai bắt đầu từ ngày hôm nay", các trẻ em chính là đại diện cho tương lai, là nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội trong tương lai. Bảo vệ trẻ em luôn được xã hội quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Cả xã hội luôn cố gắng tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển một cách toàn diện. Nhà nước đã đưa ra rất nhiều chủ trương, chính sách và nâng lên

thành luật. Rất nhiều quyền lợi của trẻ được pháp luật bảo vệ như quyền được cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, được học hành, được vui chơi và phát triển toàn diện… Trẻ em có cha mẹ ly hôn có hoàn cảnh đặc biệt hơn những đứa trẻ khác nhưng không vì thế mà vị trí, vai trò của chúng với tương lai bị thay đổi. Chính vì vậy việc quan tâm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng càng có giá trị đối với việc bảo vệ và phát triển tương lai của đất nước.

Hơn nữa, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn đặc biệt là quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đầy đủ sẽ hạn chế được số lượng trẻ em rơi vào các tệ nạn xã hội, thực hiện các hành vi phạm pháp, do đó góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Thứ ba, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn là thể hiện tính công bằng, dân chủ, nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Khi có đủ căn cứ để ly hôn, việc duy trì một cuộc hôn nhân đã chết chỉ làm cho tình trạng gia đình càng trầm trọng thêm, và tất nhiên sẽ ảnh hưởng xấu đến con cái thì việc ly hôn của cha mẹ ở một khía cạnh nào đó cũng tốt hơn cho những đứa con. Quy định về giao con cho ai nuôi cũng thể hiện tính nhân đạo của pháp luật. Việc giao con cho ai nuôi là vì lợi ích của con chứ không phải dựa vào lỗi của cha mẹ.

Khi cha mẹ ly hôn, các con dễ rơi vào những tình huống xấu, bị xâm hại về thể chất và tinh thần. Vì vậy việc quan tâm, bảo vệ quyền của trẻ em có cha mẹ ly hôn là thể hiện bản chất nhân đạo của Nhà nước, thể hiện sự tiến bộ trong pháp luật bảo vệ quyền trẻ em.

Không chỉ trẻ em mà người đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình cũng thuộc đối tượng được pháp luật bảo vệ khi cha mẹ ly hôn vừa thể hiện tính công bằng vừa thể hiện tính nhân đạo của pháp luật nước nhà.

1.3. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ ĐẶC ĐIỂM VIỆC BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA CON KHI CHA MẸ LY HÔN‌‌

1.3.1. Cơ sở pháp lý của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn có nội dung xuất phát từ quyền con người hay cụ thể hơn là quyền cơ bản của trẻ em được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong các văn bản pháp luật quốc tế và của từng quốc gia.

Trong phạm vi quốc tế, nhân loại đã nỗ lực lớn để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em bằng hàng loạt những hoạt động cụ thể. Công ước Liên hợp Quốc về quyền trẻ em (Công ước) thông qua ngày 20/11/1989 đã đề cập một cách toàn diện về mặt pháp lý quyền của trẻ em theo hướng tiến bộ, đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em được thực hiện. Ngay sau được thông qua, ngày 20/02/1990, Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước này. Theo Điều 1 Công ước: "Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn" [14]. Như vậy theo quy định của Công ước trẻ em là người chưa thành niên. Công ước đã đưa ra những nguyên tắc bảo vệ trẻ em như "đảm bảo cho trẻ em được bảo vệ khỏi mọi hình thức phân biệt đối xử" [14, Điều 22] hay "trong mọi hoạt động đối với trẻ em, dù của cơ quan phúc lợi xã hội của nhà nước hay của tư nhân, tòa án, nhà chức trách hành chính hay cơ quan lập pháp, những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu" [14]. Tại Điều 7 Công ước, bên cạnh việc công nhận trẻ em sinh ra có quyền khai sinh, có họ tên, có quốc tịch, còn công nhận trong chừng mực có thể trẻ em có quyền được biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc. Cũng theo Công ước, trẻ em không bị buộc cách ly cha mẹ trừ trường hợp luật định và vì lợi ích của chính đứa trẻ, nếu phải cách ly thì sự cách ly đó phải do nhà chức trách có thẩm quyền quyết định. Công ước cũng quy định, quyền của trẻ em bị buộc phải cách ly

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/09/2023