Quỳnh làm chủ bút phần chữ Quốc ngữ, Nguyễn Bá Trác làm chủ bút phần chữ Hán). Từ đây ông bắt đầu đi hẳn vào con đường làm báo chuyên nghiệp. Nam Phong tạp chí ra đời trong thời điểm giao tranh quyết liệt giữa văn hóa dân tộc truyền thống với văn hóa phương Tây. Đây cũng là thời điểm khá nhạy cảm và phức tạp về chính trị và văn hóa của nước ta. Với mong muốn nhanh chóng đồng hóa dân tộc Việt Nam người Pháp đã nghĩ đến vai trò của lớp trí thức Tây học để làm công cụ kết dính và trao đổi mọi hoạt động của họ ở Đông Dương. Do vậy, Nam Phong tạp chí ra đời nằm trong sự tính toán có chủ đích rõ rệt về chính trị của Pháp; và Phạm Quỳnh với vai trò chủ bút là sự lựa chọn tối ưu vì thực dân Pháp cho rằng có thể lợi dụng ông để làm phát ngôn cho chính sách cai trị An Nam. Ông tốt nghiệp thủ khoa trường trung học Bảo hộ, ra làm thông ngôn tại trường Pháp quốc Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. Trí thức Bắc Hà thời đó suy tôn “Tràng An tứ hổ”, gồm bốn học sinh xuất sắc nhất trường Thông ngôn Hà Nội là: “Vĩnh-Quỳnh-Tố-Tốn”. Người Pháp trong việc lựa chọn này quả là đã có “con mắt xanh” nhưng Phạm Quỳnh cũng có dụng ý của riêng mình: dùng tờ báo như là phương tiện để cổ súy xây dựng một nền văn hóa mới, phát huy chủ nghĩa quốc gia. Cộng tác với Nam Phong tạp chí Phan Khôi chắc hiểu và tán thưởng tinh thần ấy. Thế nhưng, dường như chính vì những sự kiểm soát chặt chẽ của người Pháp với tờ tạp chí và cũng vì một số bất đồng với Phạm Quỳnh nên một năm sau Phan Khôi đã không thể tiếp tục cộng tác làm việc với Nam Phong tạp chí. Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, việc từ bỏ Nam Phong tạp chí là “bước quyết định của Phan Khôi trong việc biến ông từ một nhà nho cổ điển, một nhà nho Duy tân thành một nhà nho Tây học, một nhà văn hiện đại, đồng thời tạo ra một dấu mốc trên hành trình xây dựng văn hóa dân tộc” [137, tr 43]. Chủ trương kiên quyết không dính líu đến các hoạt động chính trị, Phan Khôi công khai, độc lập trong hoạt động học thuật. Thời gian này ông chuyên tâm nghiên cứu luận lí học và đã bộc lộ lối viết gãy gọn, tư tưởng sáng rõ lôi cuốn
độc giả. Đây cũng là thời điểm văn học Trung Quốc nổi lên với những cuộc vận động đổi mới về văn hóa, văn học: từ văn ngôn bác học chuyển sang cổ vũ cho lối văn bạch thoại của các nhà tư tưởng, nhà văn như Hồ Thích, Lỗ Tấn. Phan Khôi đã đón nhận và say mê tìm hiểu những vấn đề mang tính cách cách mạng này.
Năm 1919, Phan Khôi vào Nam làm việc cho Lục tỉnh tân văn. Những bài viết của Phan Khôi ở tờ báo này thường là loạt bài đăng nhiều kỳ về đề tài thường thức xã hội (như mục “Làm dân phải biết”) và ngôn ngữ (như mục “Ghi chép tiếng An Nam”). Tuy nhiên thời gian Phan Khôi cộng tác với Lục tỉnh tân văn rất ngắn, chưa đến vài tháng. Theo dẫn liệu của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, trong bài viết “Giải đại ý bài diễn thuyết của quan Toàn quyền Sarraut về cuộc Đông Dương tự trị” đăng hai kỳ trên Lục tỉnh tân văn, Phan Khôi đã đưa ra những ý kiến quá “kịch liệt” nên (trước sức ép của chính quyền thực dân) chủ bút buộc phải chấm dứt việc hợp tác với Phan Khôi.
Mặc dù hiện diện trong khoảng thời gian rất ngắn song nếu làm phép thống kê sơ bộ về nội dung các bài báo đăng trên các số của Lục tỉnh tân văn sẽ nhận thấy khá rõ tinh thần phản biện xã hội rất tích cực của Phan Khôi. Ông quan tâm đến những vấn đề về văn hóa, ngôn ngữ dân tộc. Một loạt bài như “Nước mẹ đẻ”, “Địa dư nước Nam”, “Chính trị nước Nam”, “Phong tục nước Nam”, “Dân phải nộp thuế”... cũng như các bài trong mục “Ghi chép tiếng An Nam” từ 12/5/1919 đến 25/6/1919 đã chứng minh được điều này. Như vậy, đến với nghề báo với Phan Khôi là cách ông thể hiện quan điểm mạnh mẽ của mình về các vấn đề xã hội.
Trở ra lại Hà Nội vào năm 1920 sau khi thôi cộng tác với Lục tỉnh tân văn, Phan Khôi cộng tác với Thực nghiệp dân báo và tạp chí Hữu Thanh. Cùng thời gian này ông cũng phối hợp với hội thánh Tin lành dịch Kinh Thánh. Tuy nhiên giai đoạn này báo chí miền Bắc khá hạn chế trong việc tiếp
thu những tư tưởng cách tân mà đây lại là một vấn đề khó thể chấp nhận đối với tính cách Phan Khôi. Chính vì thế ông lại quay trở vào Nam.
2.1.3.3. Viết cho “Phụ nữ tân văn”, “Phụ nữ thời đàm” (những năm 30 thế kỷ XX) - giai đoạn đỉnh cao, làm nên tên tuổi Phan Khôi
Có thể bạn quan tâm!
- Những Đánh Giá, Nghiên Cứu Về Ảnh Hưởng Của Phan Khôi Đối Với Ngôn Ngữ Dân Tộc
- Hiện Đại Hóa Và Sự Xuất Hiện Của Mẫu Hình Trí Thức Duy Tân
- Hoạt Động Báo Chí – Con Đường Nhập Thế, Dấn Thân Của Phan Khôi
- Đề Cao Tư Tưởng Bình Đẳng Giới Và Nữ Quyền Ở Việt Nam
- Giới Thiệu Văn Học Nước Ngoài Qua Dịch Thuật
- Tạo Ra Các Tranh Luận Về Văn Chương Và Bằng Văn Chương (Hay Là Đóng Góp Của Phan Khôi Cho Đời Sống Phê Bình Văn Chương)
Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.
Vào Nam năm 1928 Phan Khôi tham gia viết bài cho các tờ báo Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ tân văn, Trung lập, và một số ít các tờ Quần báo hoặc Hoa kiều nhật báo chữ Hán ở Chợ Lớn. Đây là lần thứ hai Phan Khôi góp mặt với báo chí Sài Gòn và cũng là thời gian sung sức nhất trong nghề báo của ông.
Đông Pháp thời báo (1927) từ khi Diệp Văn Kỳ tiếp quản đã thu hút rất nhiều độc giả vì mở ra nhiều phụ trương phong phú, như phụ trương thể thao, phụ nữ trẻ em, trong đó phụ trương văn chương do Phan Khôi góp mặt đã có rất nhiều bài gắn với văn học như: “Cấm sách, sách cấm”, “Thi văn với thời đại”, “Văn chương và văn chương của nhà báo”, “Cái thế lực của nhà văn hào”, “Hồ Thích với quốc dân Đảng” ...
Sau khi Diệp Văn Kì chấm dứt Đông Pháp thời báo để bắt đầu lại với Thần chung, Phan Khôi đã tiếp tục cộng tác và có loạt bài hai mươi mốt kỳ với cuộc tranh luận sôi nổi về “Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta”.
Đặc biệt khi đến với Phụ nữ tân văn, năm 1928 (tờ báo đã ghi đậm dấu ấn lịch sử của một thời kỳ: phụ nữ Sài Gòn trên diễn đàn yêu cầu “niêm phong cái gói tam tùng” do ông bà Nguyễn Đức Nhuận sáng lập cùng chủ bút là Đào Duy Nhất), Phan Khôi cũng đã góp hàng loạt bài viết về văn học và phụ nữ như “Về văn học của phụ nữ Việt Nam”, “Văn học với nữ tánh”, “Theo tục ngữ phong dao xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta”, “Cái tánh ghen cùng dật sự thi văn bởi nó mà ra”...; đồng thời còn có những bài mang tính khái quát về thể loại và hiện tượng văn học như “Văn học chữ Hán của nước ta”, “Sử dụng từ điển trong thơ văn và sự chú thích”, “Sử với tiểu thuyết”, “Lối văn học của bình dân”.... Những bài viết này châm ngòi cho các
cuộc luận chiến văn chương, như cuộc tranh luận về Nho giáo, về duy tâm – duy vật; lôi kéo Phạm Quỳnh vào “vụ án Truyện Kiều”; dấy lên cuộc tranh luận về quốc học...và đặc biệt làm Tản Đà lên cơn thịnh nộ muốn là một đao phủ lấy đầu Phan Khôi.... Tất cả những vấn đề này xét ở một phương diện nào đó, có tính chất dọn đường tư tưởng cho văn học Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại.
Đến với Trung lập, năm 1930, tờ nhật báo lớn nhất Sài Sòn mà chủ bút là Bùi Thế Mỹ, Phan Khôi cũng đóng góp một lượng bài khá nhiều (nhiều nhất so với lượng bài đăng ở bất cứ tờ báo nào trong các tờ báo Sài Gòn mà ông đã cộng tác), trong đó với vấn đề nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh đã gây nhiều tranh luận trong giới học thuật bấy giờ và thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của độc giả. Đặc biệt mục hài đàm “Những điều nghe thấy” mà tòa soạn dành riêng cho ông với bút danh lúc đầu là Tha Sơn và sau đó là Thông Reo đã tạo dấu ấn và phong cách riêng.
Có thể nhận thấy rằng tất cả những tờ báo mà Phan Khôi tham gia giai đoạn này đều là những tờ báo tư nhân. Chủ đích mà các báo hướng đến là quyền được tự do ngôn luận, và đặc biệt luôn tìm cách thoát khỏi những ràng buộc của các tổ chức chính trị. Nội dung được đề cập chủ yếu liên quan đến những vấn đề có tính chất tiến bộ, thúc đẩy xã hội phát triển, đề cao tinh thần phản biện dân chủ... Như vậy, trong khoảng thời gian từ 1918 đến 1939, Phan Khôi không chỉ thành công với tư cách một nhà báo chuyên nghiệp mà còn được xem như là một khuôn mặt học giả phản biện duy nhất của Việt Nam đầu thế kỷ XX [208].
2.2. Những vấn đề cơ bản trong canh tân tư tưởng, xã hội, văn hóa của Phan Khôi
2.2.1. Công kích cái cũ (Nho giáo)
Mặc dù xuất thân là một nhà nho, được vỡ lòng bằng sách thánh hiền song Phan Khôi sớm có những thức nhận mới, trở thành một nhà tân học (nhờ
tự học), theo kịp xu hướng tư duy khoa học của Tây phương. Do vậy, khi đề cập đến vấn đề Nho giáo, Phan Khôi đã có một điểm nhìn khá toàn diện vừa từ bên trong (của một nhà cựu học), vừa từ bên ngoài (của một nhà tân học). Ông đã đặt ra vấn đề về sự cần thiết phải đánh giá lại Nho giáo trong xã hội hiện đại qua hàng loạt các bài báo thể hiện tư duy lí luận sắc sảo và mang tính phản biện cao như: “Khổng tử với thuyết Chánh danh hay luận lý học”, “Tác hại của thuyết Tam cang và luật Cấm cải giá”; loạt bài đăng trên 21 số báo Thần chung (từ số 213 đến 249/1929) với tên gọi “Ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta”; 2 bài phê bình về quyển sách Nho giáo của Trần Trọng Kim gồm “Đọc cuốn sách Nho giáo của ông Trần Trọng Kim” (Phụ nữ tân văn, số 54/1930) và “Về bài phê bình sách Nho giáo” (Phụ nữ tân văn, số 63/1930). Trong loạt bài viết này, ngoài mục đích để cho đại đa số công chúng hiểu hơn về Nho giáo - một học thuyết gần như ăn sâu bám rễ trong xã hội Việt Nam, Phan Khôi còn kịch liệt phê phán những mặt tiêu cực của học thuyết này.
Thứ nhất, Phan Khôi đã chỉ rõ sự lỗi thời và lạc hậu của Nho giáo trong xu thế phát triển của các quốc gia phương Đông ở đầu thế kỷ XX (khi xã hội từ chế độ quân chủ chuyển sang chế độ dân chủ). Ông cho rằng, “cái đạo của ngài chẳng những không hợp thời, không dụng trong thời nay, mà lại, những chỗ không hợp thời ấy, những chỗ không dụng ấy, nếu còn vướng víu trong óc chúng ta, là kẻ cần kiểm cách “sanh hoạt mới” ở đời này, thì cũng còn là không lợi cho ta vậy” [5, tr 42-43]. Học thuyết Nho giáo hỗ trợ tích cực cho sự bình ổn của một thiết chế xã hội mà quyền lực tập trung gần như tuyệt đối ở tầng lớp thống trị. Khi mọi mối quan hệ xã hội được quy định theo những định chế khắt khe và tất yếu sẽ dẫn đến bóp chết quyền lợi của mỗi cá nhân. Nho giáo không chú trọng sự tự do phát triển con người cá nhân mà chú trọng đào tạo và chăn dắt con người phận vị. Mỗi cá nhân muốn tiến thân thì trước
hết phải tu thân và chấp nhận cách sống khắc kỷ theo lễ nghĩa. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ trong xã hội.
Thứ hai, với Nho học, Phan Khôi phản đối tư tưởng học cốt để thuộc nhiều sách, học để làm bài thi cho hay, để đỗ đạt, để thành danh chứ không cốt để vận dụng kiến thức vào thực tế đời sống. Ông cho rằng, “đặt ra khoa cử để làm cái lồng nhốt sĩ phu và kết quả là làm cho tâm trí của người ta trở nên hèn yếu và tri thức hẹp hòi. Mà, muốn nói rằng kết quả của nó là mất nước, cũng không phải là quá đáng” [5, tr 52]. Lối học khoa cử, tầm chương trích cú làm lu lấp trí khôn và nô lệ học vấn thì làm sao mà phát triển tư duy độc lập, làm sao tự chủ được. Chính vì trong xã hội đã hình thành quan niệm rất ấu trĩ là khi không cho thi nữa thì các nho sĩ không cần phải học, đốt sách cho xong. Theo Phan Khôi, giáo dục kiểu này đã “làm tối tắt lòng người” [5, tr 51].
Thứ ba, Việt Nam nói riêng và các nước phương Đông nói chung là những nước sống nhờ vào nông nghiệp. Thế nhưng Nho giáo lại có ý “khinh nông”. Đây là một điểm bất hợp lý trong thuyết giáo của Khổng Tử. Tư tưởng này ảnh hưởng đến quan niệm sống của con người. Phan Khôi đã phê phán tư tưởng này của Nho giáo và qui kết đó là lí do vì sao người người đua nhau học để làm quan chứ nhất định không muốn làm dân, “người An Nam mình vì chịu ảnh hưởng của cái thuyết khinh nông ấy, nên người nào ôm cuốn sách đi học là cố chịu kiếm ăn trong sự học đó chớ không lo sanh lý gì cả, một nghề gì cũng không biết”. Thậm chí họ sẵn sàng chọn lựa những nghề phỉnh dụ người khác (coi bói, coi tướng, ...) để lấy tiền thiên hạ mà vẫn thấy mát mặt hơn lao động nông nghiệp. Ấy thế mà xã hội vẫn tôn họ lên bằng danh xưng là “thầy”! Sự ảnh hưởng tai hại của thuyết khinh nông này mãi cho đến tận ngày nay vẫn còn tồn tại trong tư duy của người dân Việt. Và tất nhiên nó kéo theo hàng loạt những hệ lụy cho xã hội.
Thứ tư, Phan Khôi đã chỉ ra tác hại của thuyết tam cang và luật cấm cải giá. Từ đời nhà Hán, thuyết Ngũ luân (gồm năm mối quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè) được đổi thành Tam cang (gồm ba mối quan hệ vua tôi, cha con, chồng vợ). Kéo theo đó sự bình đẳng giữa hai đối tượng trong mỗi mối quan hệ bị tước mất, tạo nên sự phụ thuộc giữa tôi và vua, con và cha, vợ và chồng. Mầm mống của sự bất công xã hội bắt nguồn từ đây và cũng là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng nam nữ trong xã hội. Sau Tam cang của Hán nho, Tống nho lại đề xuất thêm một bước nữa khi đưa ra luật cấm cải giá để ràng buộc người phụ nữ. Hàng loạt bi kịch nảy sinh từ những quy định bất hợp lý này. Phan Khôi đã có hàng loạt những bài viết đấu tranh cho vấn đề nữ quyền và gián tiếp lên án luật lệ khắc nghiệt của Tống nho.
Như vậy, khi đặt ra vấn đề phân biệt giữa Tống nho với Hán nho hay Nho nguyên thủy (của Khổng Tử), Phan Khôi đã thể hiện tinh thần hết sức khách quan khi luận bàn về một học thuyết có sức ảnh hưởng sâu rộng đối với các nước phong kiến phương Đông, trong đó có Việt Nam. Ngoài loạt bài viết về “Cái ảnh hưởng của Khổng giáo tại nước ta” (in trên Thần chung, Sài Gòn, năm 1929), Phan Khôi còn có 4 bài viết về “Đôi điều nên biết về Nho giáo” (in trên Đông Tây, Hà Nội, năm 1931) đã phân tích rành mạch và lên án Tống nho về những tác hại mà học thuyết này đã gây ra; kiên quyết cho rằng Khổng giáo không thể dung được với Tây học ngày nay, Khổng giáo không thể áp dụng cho một thể chế dân chủ.
2.2.2. Khẳng định cái mới của văn minh phương Tây
Cuộc tiếp xúc Đông–Tây diễn ra ở Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trên phương diện văn hóa đã xảy ra những “đụng độ”. Tính bảo thủ ăn sâu trong tiềm thức của giới sĩ phu người Việt nên chấp nhận thay đổi là việc hết sức khó khăn. Thêm vào đó, với suy nghĩ thay đổi nghĩa là đi theo giặc, là phản quốc, đã khiến rào cản ấy càng khó vượt qua. Thấu hiểu
sự lưỡng lự này của sĩ phu người Việt nên Phan Khôi đã có những phân tích, lý giải ráo riết để hối thúc họ có sự lựa chọn phù hợp.
Thực tế, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, trường Đông kinh nghĩa thục đã nêu rõ tinh thần nền học mới mà trường dự định thực hiện trong tác phẩm Văn minh tân học sách. Các nhà nho tiến bộ của phong trào lúc này đã có quan điểm tiến bộ khi nhận thức rằng văn minh bắt nguồn từ sự thay đổi tư tưởng và do đó cần phải có cạnh tranh. Họ cho rằng đặc tính của văn minh phương Tây là luôn luôn động, bởi phương Tây có một thiết chế xã hội coi trọng dân chủ, đề cao tinh thần phản biện để hướng đến điều chỉnh và hoàn thiện mọi hoạt động xã hội, bởi có một đường lối giáo dục chuyên nghiệp và hướng đến đào tạo thế mạnh ở mỗi cá nhân để có thể phát huy được thế mạnh ấy ở những lĩnh vực khác nhau trong đời sống; Động khi luôn coi trọng tính thực tế của việc lĩnh hội kiến thức; Động bởi người Tây không ngại “di chuyển”, họ thích đi du lịch, thích thám hiểm đến nhiều vùng đất khác nhau và vì thế rất dễ hấp thụ cái mới. Chính vì thế để có thể hướng đến văn minh thì cần phải nâng cao dân trí. Hay có thể đặt ra ngược lại vấn đề rằng dân trí cao là biểu hiện của văn minh [94, tr 205].
Phan Khôi có nhiều chia sẻ với quan điểm duy tân đó. Trên Đông Pháp thời báo (số ra ngày 27/9/1928 và 2/10/1928) với bài viết “Tư tưởng của Tây phương và Đông phương”, Phan Khôi đã chỉ ra sự khác biệt giữa Đông phương và Tây phương là: Đông phương chuộng huyền học/Tây phương chuộng khoa học; Đông phương quý an phận/Tây phương quý tấn thủ; Đông phương trọng thống thuộc/Tây phương trọng tự chủ. Và trong cái nhìn của Phan Khôi, hệ quả quan trọng của khác biệt này là vấn đề liên quan đến chủ nghĩa cá nhân (individualisme). Ông giải thích: “chữ tự chủ ở đây có nghĩa là mỗi người làm chủ lấy mình, cũng tức là cá nhân chủ nghĩa. Ở phương Tây, nói rằng “một người”, nghĩa là đối với thế giới, đối với quốc gia mà nói, chớ