Đầu tiên phải nhắc đến Lưu Trọng Lư trong bài “Các bậc đàn anh” đăng trên Tao Đàn số 4, năm 1939, khi viết về một kỷ niệm với Phan Khôi đã cho rằng Phan Khôi là một nhà Nho đặc biệt, và cách mà ông đi thẳng đến mọi vấn đề một cách trực diện trong các bài phê bình là kết quả của tấm lòng “trực – tiệt”.
Thanh Lãng, trong Phê bình văn học thế hệ 1932, (tập 2) khi đánh giá về Chương Dân thi thoại đã nhận định rằng Phan Khôi đã khá thành công về nghệ thuật bình thơ lẫn cách dùng từ ngữ, cụ thể là có sự biến hóa về từ: “từ lối văn trang trọng, điều hòa, thanh lịch, Phan Khôi đi đến cái lối văn chất phác, cộc lốc, thật thà, làm ra ngớ ngẩn và không ngần ngại dùng đến các tiếng thô tục”[82, tr 262]. Ngoài ra Thanh Lãng còn chỉ ra đặc điểm tư duy và phê bình văn chương của Phan Khôi “có tư cách một nhà toán học hơn là một thi gia (...), “trong tư tưởng, cũng như trong văn cách, ông lúc nào cũng có thái độ của một nhà toán học” [82 ,tr 264]. Trong bài viết về “Phan Khôi”, qua điểm lược, phân tích những cuộc tranh luận của Phan Khôi về các vấn đề quốc học, thơ cũ, thơ mới, duy tâm và duy vật, Thanh Lãng nhận thấy Phan Khôi “là người có tư tưởng rất mới” (...), “đã khơi ngòi cho cuộc chiến tranhthơ mới thơ cũ” (...), “sửa chữa những hư đốn, đồi bại đặt được trật tự xã hội văn học” [82, tr 270-273].
Mộng Bình Sơn và Đào Đức Chương trong cuốn khảo cứu văn học Việt Nam (thời kỳ 1932-1945) Nhà văn phê bình ((1996) đã xác định Phan Khôi là một nhà phê bình luôn luôn làm chủ bản ngã của mình, đồng thời đã có những khảo cứu sơ lược về sự nghiệp phê bình trên báo chí của ông.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân trong bài giới thiệu cho tập Chương Dân
thi thoại của Phan Khôi, khi đề cập đến tính cách và tinh thần luôn hướng đến đổi mới của Phan Khôi đã khẳng định rằng: “Nêu cái gương sáng của một người thức thời, biết cựu học không đủ để thực hiện công cuộc đổi mới nên
đã ra sức học Pháp văn và nhờ đó theo kịp Tân trào (....). Để củng cố tư duy mới, ông đã dấn bước vào đường luận lý học khúc mắc, xa lạ nhưng có thể thích hợp với bản tính “Quảng Nam hay cãi”... [73, tr 14].
Về “Phong cách nghị luận, bút chiến của Phan Khôi”, Nguyễn Đăng Mạnh khẳng định rằng: “Ủng hộ tân học, hướng hẳn về phương Tây hiện đại” [137, tr 113] là đặc trưng của ngòi bút Phan Khôi.
Nguyễn Ngọc Thiện trên Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (2009) qua bài “Thử nhìn lại quan niệm văn học của Phan Khôi qua một bài báo” đã cho rằng “ông rất trực tính cảnh báo về nguy cơ hạn chế sự phát triển văn nghệ” [176, tr 64]. Vấn đề mà Nguyễn Ngọc Thiện đề cập là bài báo “Phê bình lãnh đạo Văn nghệ” ở Giai phẩm mùa Thu, tập 1 cho thấy sự nhìn nhận rất khách quan về phong cách phê bình thiên về lý, rất thẳng thắn, cầu thị của Phan Khôi.
Có thể bạn quan tâm!
- Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 2
- Những Đánh Giá, Nghiên Cứu Khái Quát Về Thân Thế Và Sự Nghiệp Phan Khôi
- Những Đánh Giá, Nghiên Cứu Về Ảnh Hưởng Của Phan Khôi Đối Với Ngôn Ngữ Dân Tộc
- Hoạt Động Báo Chí – Con Đường Nhập Thế, Dấn Thân Của Phan Khôi
- Viết Cho “Phụ Nữ Tân Văn”, “Phụ Nữ Thời Đàm” (Những Năm 30 Thế Kỷ Xx) - Giai Đoạn Đỉnh Cao, Làm Nên Tên Tuổi Phan Khôi
- Đề Cao Tư Tưởng Bình Đẳng Giới Và Nữ Quyền Ở Việt Nam
Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.
Năm 2014, Nguyễn Thị Thanh Xuân trong bài viết “Phan Khôi làm văn học” sau khi chỉ ra những điểm khá độc đáo trong tư duy tiếp cận ở Phan Khôi trong các thể loại văn chương như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình, dịch thuật... đã khẳng định rằng: Phan Khôi thường xuyên cổ vũ tinh thần tự do, tinh thần “khai phóng” và dân chủ (...); (...) không mong chờ, không để mình lệ thuộc vào ngoại cảnh,... từng cá nhân nên kỳ vọng vào chính mình” [137, tr 426-427].
* Đánh giá Phan Khôi trên phương diện đề xuất lý thuyết và thực hành sáng tác tiểu thuyết:
Những người cùng thời với Phan Khôi đã có những ý kiến khá trái chiều, có ý kiến đề cao Phan Khôi song ngược lại cũng có những ý kiến phản bác gay gắt.
Cụ thể là năm 1932, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã kiên quyết “Bài trừ cái nạn Phan Khôi ở Nam Kỳ” trên An Nam tạp chí, số 29. Theo Tản Đà, cần phải bỏ Phan Khôi ra khỏi diễn đàn ngôn luận, và còn muốn đưa Phan Khôi ra
tòa án công luận quốc dân trong ba kỳ về tội: “dám lạm dụng bốn chữ “ con Rồng cháu Tiên” làm quảng cáo cho cuốn tiểu thuyết kia” [51, tr 4], tức là tác phẩm Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh. Tản Đà cho rằng Phan Khôi có ý đại bất kính với dân tộc và kết tội chém đầu.
Năm 1933, trên Văn học tạp chí, số 16, Chất Hằng đã có một bài viết dài kỳ với tiêu đề “Ấm Hiếu không thể làm Tú Khôi hay là... Một cái tỉ hiệu luận giữa Phan Khôi và Nguyễn Khắc Hiếu” thuật lại những tranh luận của Tản Đà về các bài báo của Phan Khôi và cho rằng đó là do mâu thuẫn khuynh hướng về văn chương, xã hội, luân lý. Chất Hằng đánh giá Phan Khôi có “bộ óc cũ pha mới, hay nói là bộ óc đã “phóng thích” (affranchi) (...), Phan Khôi do lò Khổng Mạnh đào tạo nên, nhưng khi bị phong trào kích thích, liền biết tiếp thu ngay lấy cái học mới ở trong sách Tàu nên có khuynh hướng về khoa học” [46, tr 423]. Chính vì khuynh hướng ấy nên Chất Hằng nhận ra: “về hình thức, văn ông thoát ly được cái thế lực của Hán văn mà chịu ảnh hưởng Pháp văn (...), câu rõ ràng, sáng sủa, gẫy gọn” [46, tr 423]. Nhưng Chất Hằng đánh giá người có óc thực nghiệm như Phan Khôi tất nhiên là ít tình cảm nên cảm giác về cái bản ngã cũng kém nên không hay làm thơ mà ưa nghiên cứu thơ. Nếu có làm thơ thì thơ ông cũng “hùng hổ” như ông hay là khắc khổ như văn xuôi của ông, hoặc nhạt nhẽo vô duyên như hình dáng ông.
Năm 1942 trong Nhà văn hiện đại, bên cạnh khẳng định bút chiến là sở trường của Phan Khôi, Vũ Ngọc Phan còn đánh giá cao việc sử dụng nhiều ngôn từ địa phương, góp phần làm giàu có cho tiếng Việt trong tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra.
Sang những năm đầu thế kỷ XXI, Phan Mạnh Hùng khi bàn đến vấn đề “Phan Khôi viết tiểu thuyết”, qua trường hợp tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra đã cho rằng “sự hấp dẫn của tác phẩm trước hết thể hiện qua việc tác giả sử dụng ngôn ngữ gần với khẩu ngữ. Một thứ khẩu ngữ mang đậm sắc thái vùng
miền...” [137, tr 321]. Nhà nghiên cứu cũng cho rằng tinh thần hiện đại của tiểu thuyết này là vấn đề cổ xúy nữ quyền.
Những phát biểu như vậy cho thấy, Phan Khôi trong giai đoạn trước 1932 chắc chắn có những ảnh hưởng đối với ý hướng tôn chỉ và sáng tác của văn nhóm theo xu thế đổi mới.
Bên cạnh đó, trên phương diện đề xuất quan điểm lý thuyết và thực hành sáng tác truyện ngắn của Phan Khôi cũng có một số nhận định như:
Hoàng Thị Huế, khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế với bài viết “Truyện ngắn Phan Khôi trong tiến trình hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam” (2014) đã cho rằng nhìn từ ngôn ngữ và nghệ thuật trần thuật, Phan Khôi đã có một số đóng góp cho công cuộc hiện đại hóa văn hóa lẫn văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Tác giả đã chỉ ra bản thân nhan đề truyện ngắn Ông Năm Chuột đã phản ảnh tính chất cầu nối – giao thời sâu sắc (lấy tên nhân vật làm tên tác phẩm là sự tiếp thu thể tài vốn có của văn học trung đại, nhưng đồng thời vẫn mang dấu ấn hiện đại do cách đặt tên nhân vật mang mang màu sắc nửa hài hước, nửa nghịch dị). Bên cạnh đó điều đáng quan tâm hơn, tác giả cho rằng qua truyện ngắn này, đóng góp của Phan Khôi trên phương diện ngôn ngữ là rất lớn. Ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, lời trữ tình ngoại đề... văn phong gãy gọn, dễ hiểu dễ gần với ngôn ngữ đời sống hàng ngày thoát hẳn hệ thống ngôn ngữ nặng nề ước lệ, bác học trước đó. Do đó, tác giả bài viết cho rằng lối viết này mở ra khuynh hướng mới cho ngôn ngữ văn xuôi Việt Nam – ngôn ngữ của đời sống hiện đại.
Hà Ngọc Hòa với bài viết “Sáng tác của Phan Khôi trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX” (2014), đã cho thấy Phan Khôi có vai trò rất quan trọng trong quá trình đổi mới khi lấy báo chí làm phương tiện để tuyên truyền, cổ súy tân học, cổ súy đời sống mới để rồi từ đó tạo ảnh hưởng lan tỏa đến những đổi mới trong văn học. Ở bài viết này tác giả đưa ra
rất nhiều dẫn chứng phân tích như những bài tranh luận của Phan Khôi với Trần Trọng Kim khi bàn về Tống Nho, Khổng Tử, về các thuật ngữ được dùng trong triết học... và kết luận đây “không phải là lối viết quen thuộc của một nhà nho vốn ưa chuộng điêu trùng tiểu kĩ, mà là lối viết của một con người thấm nhuần văn phạm, cốt cách phương Tây thích lập luận, thuyết phục. Việc học tập, tiếp thu văn học phương Tây để viết nên những bài báo hùng hồn, lay động người đọc không những đã đem lại cho Phan Khôi sự nổi tiếng “vọt lên hàng đầu văn đàn, báo giới ở một vị trí đặc biệt” (Lại Nguyên Ân) mà sâu sa hơn – đem lại cho công chúng thói quen thưởng thức báo quốc ngữ trong thời buổi ‘tái cấu trúc tâm lí xã hội” (N.Konrat) [137, tr 445].
Tựu trung, các bài viết đã lược dẫn ra đã đề cập một cách khá toàn diện về vai trò của Phan Khôi với các hình thức văn chương hiện đại như thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình. Đây là những tư liệu quý giá để góp phần đánh giá khách quan hơn về vị trí của Phan Khôi trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Trong đó đáng chú ý hơn cả là những bài viết của Lưu Trọng Lư, Thiếu Sơn, Mộng Bình Sơn, Nguyễn Ngọc Thiện, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Hữu Sơn và Hà Ngọc Hòa.
Tiểu kết chương 1
Nhìn lại tình hình nghiên cứu Phan Khôi có thể thấy sau nhiều thập kỷ bị lãng quên, Phan Khôi đã trở lại với đời sống văn hóa, văn chương Việt Nam. Theo chúng tôi, Thanh Lãng là người có công đầu trong việc cung cấp một hồ sơ về Phan Khôi, trong đó có nguồn dữ liệu độc đáo là các bài báo mà tại thời điểm đó hầu như đã bị thời gian và thiên kiến che lấp. Thanh Lãng cũng là người đầu tiên nhận diện được hiện tượng Phan Khôi và định vị Phan Khôi trong lịch sử văn học dân tộc. Đây là những chỉ dẫn quan trọng cho các nhà sưu tầm và nghiên cứu sau này tiếp tục hành trình phục chế di sản Phan
Khôi. Kế tiếp, Nguyễn Ngọc Thiên và các cộng sự cũng đã sưu tầm rất nhiều bài báo của Phan Khôi, đặc biệt là những bài viết liên quan đến phê bình văn học. Tuy nhiên người có công hoàn thiện quá trình này, chính là Lại Nguyên Ân. Dựa vào việc công bố một lượng lớn các bài báo, tác phẩm của Phan Khôi này mà hàng loạt nghiên cứu về ông được tiến hành. Sự nghiệp báo chí đồ sộ của Phan Khôi, vai trò của Phan Khôi với thơ mới, phong cách viết văn xuôi và lối phê bình của ông cũng như đóng góp của ông cho công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX thành những chủ đề được quan tâm. Ngoại trừ công trình của Vu Gia, hầu hết các nghiên cứu về Phan Khôi cho đến nay là những tiểu luận, và tập trung tìm hiểu một vấn đề trong toàn bộ sự nghiệp của Phan Khôi.
Lần đầu đặt vấn đề nghiên cứu đóng góp của Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, luận án của chúng tôi may mắn được kế thừa tất cả những kết quả tìm tòi nói trên và sẽ bàn luận, phân tích hệ thống tác phẩm của Phan Khôi một cách toàn diện và hệ thống, cho phép nhìn nhận ông như một chủ thể can dự, kiến tạo các xu thế và trào lưu văn hóa dân tộc.
CHƯƠNG 2
PHAN KHÔI - TỪ KHÁT VỌNG CANH TÂN XÃ HỘI ĐẾN HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, VĂN HỌC
Thực hiện chương này chúng tôi bắt đầu từ việc đưa ra cách hiểu về khái niệm hiện đại hóa, tính hiện đại và tái hiện khái quát tiến trình hiện đại hóa văn hóa, văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ, với sự xuất hiện của những mô hình trí thức mới; tiếp đó là xác định vị trí của Phan Khôi (với những đóng góp ở phương diện tư tưởng) trong tiến trình hiện đại hóa văn hóa, văn học nửa đầu thế kỷ XX.
2.1. Hiện đại hóa và sự xuất hiện của mẫu hình trí thức duy tân
2.1.1. Quá trình hiện đại hóa ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
Tìm hiểu về quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, trước hết cần làm sáng tỏ một số các khái niệm: hiện đại hóa, tính hiện đại trong văn học. Về những vấn đề này có nhiều ý kiến đóng góp, trong đó chúng tôi chú ý đến công trình của Trần Đình Hượu, Trần Đình Sử, Mã Giang Lân, Phong Lê, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Đăng Điệp, Đỗ Lai Thúy. Những công trình này đã đề cập đến nhiều mặt của vấn đề hiện đại hóa, tính hiện đại trong văn học và trở thành điểm tựa quan trọng cho quá trình tiếp cận, nghiên cứu của luận án.
Hiện đại hóa (modernization) là “một khái niệm xã hội học chỉ quá trình một xã hội từ trạng thái trung cổ phong kiến đi qua giai đoạn công nghiệp hóa, đô thị hóa trở thành tư sản, tư bản. Quá trình xã hội hóa này sẽ dần dà tác động và khiến cho cuộc sống của mỗi cá nhân thay đổi theo” [dẫn theo 47, tr.31]. Như vậy khi nhắc đến hiện đại hóa là nhắc đến những cách tân, thay đổi từ đời sống xã hội đến con người theo những mô hình và tính chất của thời đại mới gắn liền với kinh tế công nghiệp và tầng lớp tư bản.
Trong lĩnh vực văn học, hiện đại hóa là quá trình biến đổi để văn học
bước ra khỏi thời trung đại, mang hình thức mới, được biểu đạt bằng những phương tiện mới và thể hiện quan niệm mới về văn chương; đồng thời được mở rộng không gian từ khu vực ra thế giới. Cụ thể hơn, trong phạm vi vận động văn học, tính hiện đại (modernity) “không nhằm biểu đạt giá trị mà biểu đạt đẳng cấp giá trị, trình độ phát triển tư duy của nghệ thuật” [194, tr 92] mà bao hàm một quan niệm mới đối với con người và thế giới, một quan niệm mới về nghệ thuật, khác hẳn với các quan niệm tương ứng trong văn học cổ điển hay là văn học truyền thống nói chung. Theo cách lý giải này của Trần Đình Sử, tính hiện đại của văn học từ nét chung là sự quan tâm, ưu tiên về thời hiện tại đã đi đến những yêu cầu cụ thể như:
“- đòi hỏi khám phá về thời khắc hiện tại của sự sống, của cảm giác hiện tại của con người qua mọi khía cạnh
- ...đòi hỏi một ngôn ngữ nghệ thuật mới mẻ...
- ...đòi hỏi một tinh thần sáng tạo táo bạo...” [194, tr 101,102]
Như vậy, có thể nhận thấy “tính hiện đại không phải là sự tráo đổi qua lại của các giá trị mà là sự phá vỡ cấu trúc của tất cả các giá trị cũ; đồng thời nó cũng có thể hiểu là sự diễn dịch lại thói quen tín ngưỡng, cách sống thường nhật bằng một hình thức khác, hoặc mục đích khác” [47, tr 33].
Ở Việt Nam, cuộc chạm trán giữa hai nền văn minh Á–Âu (đánh dấu bằng sự hiện diện của người Pháp) đã tạo nên những biến chuyển sâu sắc trên mọi phương diện. Từ một quốc gia phong kiến có chủ quyền, chịu ảnh hưởng văn hóa Đông Á, Việt Nam đã tiếp xúc và bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây. Cần có một lưu ý rằng trong lần dịch chuyển văn hóa từ Đông Nam Á sang Đông Á trước đây (có thể gọi là lần dịch chuyển thứ nhất), nước ta đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa. Trong Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Đăng Điệp cho rằng sự dịch chuyển đầu tiên này chỉ mang tính khu vực và dẫu đã “đem đến cho văn hóa và văn học Việt Nam