Đề Cao Tư Tưởng Bình Đẳng Giới Và Nữ Quyền Ở Việt Nam


không phải phiếm nhiên. Đã gọi là người, thì người nào cũng vậy, ai ai cũng có cái địa vị cái tư cách đối với thế giới đối với quốc gia... Bởi đó mới có sự tự do... bởi đó mới có sự bình đẳng... có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau” [3, tr 105]. Chính từ tính tự chủ ở mỗi cá nhân này mà xã hội phương Tây phát triển, thực hành được dân trị, tức chế độ dân chủ - một việc còn rất khó đối với xã hội phong kiến Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Bởi muốn tự chủ, muốn đi theo chủ nghĩa cá nhân thì mỗi cá thể phải độc lập suy nghĩ, phải biết đưa ra những phán đoán hợp lý, đồng thời cần chủ động trong mọi vấn đề.

Chính vì thế, trong bài “Cá nhơn chủ nghĩa” (Trung lập, ngày 28.11. 1931) Phan Khôi đã chỉ ra sự liên hệ của chủ nghĩa cá nhân với tư tưởng dân chủ. Ông không tin tưởng vào khả năng thực hành, áp dụng tư tưởng dân chủ của người Việt bởi trong môi trường xã hội từ xưa đến giờ khái niệm này chưa được đề cập và còn khá xa lạ đối với nhiều người. Theo Phan Khôi, sự khác nhau căn bản giữa tính “thống thuộc” của người phương Đông và tính tự chủ của người phương Tây chính là nguyên nhân làm cho quá trình tiếp thu tư tưởng dân chủ của người Việt khá khó khăn. Bên cạnh đó, sự cấm đoán bộc lộ cái tôi trong xã hội phong kiến Á Đông hàng ngàn năm qua cũng là rào cản đáng kể trong việc tiếp cận cái mới.

Ngoài ra, Phan Khôi cũng viết bài để “Bác cái thuyết văn minh vật chất và văn minh tinh thần” (Phụ nữ thời đàm, 1933). Phan Khôi cho rằng hai khái niệm văn minh vật chất và văn minh tinh thần phản ánh cùng một thực thể - chúng gắn liền nhau. Tinh thần là tri thức khoa học còn vật chất là sản phẩm do khoa học sáng chế ra. Bằng việc đưa ra hàng loạt những dẫn chứng rất xác thực, Phan Khôi đã thẳng thắn khuyên người Việt “phải tỉnh ngộ lại, phải thành thật nhận mình là thua kém, thua kém về vật chất bởi thu kém về tinh thần, tức là thua kém về các sản phẩm khoa học bởi vì ta thua kém về tri thức


khoa học. Ta nên biết cái trình độ của ta ước chừng nằm vào khoảng Trung thế kỷ (moyen àge) của Âu châu, còn tối tăm lắm, còn vụng dại lắm, chẳng có tinh thần gì đâu mà làm phách” [15, tr 133].

Như vậy, qua việc so sánh sự khác nhau căn bản về tư tưởng của hai nền văn hóa Đông–Tây, Phan Khôi đã nhìn nhận, khẳng định tính ưu việt của tư tưởng Tây phương. Đó là tinh thần tự do và bình đẳng, đề cao quyền con người, khuyến khích khám phá chinh phục thiên nhiên, phát triển khoa học để phục vụ cho lợi ích của con người.

2.2.3. Đề cao tư tưởng bình đẳng giới và nữ quyền ở Việt Nam

Mặc dù bình đẳng giới liên quan đến tư tưởng chống Nho giáo nhưng thực tế nhiều người chống Nho mà vẫn khắt khe với phụ nữ, nhất là không hề khuyến khích phụ nữ học hành và tham gia hoạt động xã hội. Về điểm này Phan Khôi đã triệt để hơn và xứng đáng là người mở đường cho phong trào nữ quyền Việt Nam trong bước khởi đầu hiện đại. Mặt khác, bình đẳng giới là một hiện trạng xảy ra ở cả những xã hội không mang tư tưởng Nho giáo – tức là một vấn đề mang tính nhân loại, vì thế việc đề cao tư tưởng bình đẳng giới của Phan Khôi việc làm có ý nghĩa gắn hoạt động văn hoá bản địa với xu thế chung của thế giới.

Trong vòng tám năm (từ 1928 đến 1935) Phan Khôi đã có gần 77 bài báo đề cập đến những vấn đề liên quan đến phụ nữ. Con số này cho thấy ông đặc biệt chú trọng đến tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ. Những nội dung cơ bản về vấn đề nữ quyền được Phan Khôi đề cập ở các bài báo là: tư tưởng bình đẳng giới, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Hơn nữa ông còn nhấn mạnh khả năng tri thức của phụ nữ và khẳng định họ có thể tham gia, thậm chí rất thành công ở các vấn đề văn hóa – xã hội.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.

Trước hết, Phan Khôi muốn xóa bỏ định kiến cổ hủ coi thường phụ nữ, trọng nam khinh nữ. Một loạt bài trên Phụ nữ Tân văn như “Theo tục ngữ


Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 8

phong dao xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta” (số 5, ngày 30.5.1929), “Chuyện một bà hoàng hậu vì mắc oan mà bị tử hình” (số 50, ngày 1.5.1930), “Xóa một cái án trong lịch sử: thân oan Võ Hậu” (số 53, ngày 22.5.1930), “Trời vua với đàn bà con gái” (số 121, ngày 3.3.1932).... Phan Khôi đã công khai bênh vực cho những người đã mất và cả những người hiện thời. Theo ông, xuất phát từ tư tưởng nam quyền nên xã hội dồn ép người phụ nữ vào vị trí thấp kém, chỉ biết chấp nhận, thuần phục và nín nhịn. Xã hội muốn phát triển hướng đến văn minh cần thay đổi lối nghĩ này, mà đặc biệt bản thân phụ nữ phải tự nhận thức và tìm mọi cách để thay đổi tình trạng của chính mình.

Đồng thời với việc khẳng định quyền bình đẳng giới, Phan Khôi cũng cho rằng người phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng trong gia đình. Họ không những phải gánh vác rất nhiều phần việc để duy trì đời sống kinh tế (lao động sản xuất nông nghiệp, buôn bán...) mà còn có trách nhiệm trong việc giáo dưỡng con cái. Trong các bài viết trên Phụ nữ tân văn như “Việt Nam phụ nữ liệt truyện” (số 7, ngày 13.6.1929), “Một cái gương sáng cho người mẹ” (số 9, ngày 5.9.1929)... Phan Khôi đề cập rất cụ thể về khía cạnh này. Người mẹ như là một tấm gương sáng để hướng đến sự hình thành nhân cách đạo đức cho những đứa con. Nếu chỉ xem phụ nữ như là những “chiếc máy đẻ”, là trò tiêu khiển cho đàn ông thì thật sự sai lầm. Chức năng giáo hóa của họ trong gia đình, đặc biệt là đối với những đứa con là rất lớn. Quan điểm này của Phan Khôi gắn liền với tư tưởng nhân văn sâu sắc trong dân gian “phúc đức tại mẫu”. Từ đây, ông quyết liệt đả phá chế độ đa thê, hôn nhân cưỡng bức, và chia sẻ với phụ nữ về việc không nhất thiết phải thủ tiết thờ chồng mà chôn vùi tuổi trẻ cùng khát vọng hạnh phục chính đáng. Với ông đó là “sự nhẫn tâm, vô đạo”. Trong bài “Tống Nho với phụ nữ” đăng trên Phụ nữ tân văn (số 95, ngày 13.8.1931), Phan Khôi đã mạnh mẽ chỉ trích “cái phong tục man rợ


mà người ta xưng tụng là thủ tiết trong xã hội Trung Hoa và Việt Nam” [74, tr 130] và hô hào chị em phụ nữ hãy nên “phế trừ” cái tục “trái tính trời” ấy đi:

“Trong phụ nữ ta có rất nhiều người chồng chết, ở trong cảnh ngộ rất đáng thương, buồn rầu đủ một trăm thứ, vậy mà nói đến truyện cải giá, sợ mang tiếng, nhất định không thì thôi. Có người bóp bụng cắn răng cũng giữ được trót đời; nhưng có người khôn ba năm dại một giờ, thì ra mang cái xấu lại còn hơn cải giá. Lại thường thấy bà góa nào có máu mặt thì bọn điêu ngoa trong làng trong họ lập mưu mà vu hãm cho, để mong đoạt lấy gia tài. Những sự đó đều là chịu ảnh hưởng của cái luật cấm cải giá mà ra; vậy thì nó chỉ lại hại cho phong hóa thì có chớ có bổ ích gì đâu? Bởi vậy ta nên phế trừ cái luật ấy đi; từ rày về sau, trong óc chúng ta, cả đàn bà và đàn ông Việt Nam đừng có cái quan niệm ấy nữa” [8, tr142-143].

Quan trọng và tích cực hơn trong cách nhìn nhận của Phan Khôi về phụ nữ là khẳng định vai trò của họ đối với xã hội. Theo ông trước hết phụ nữ phải có “quyền tri thức”, nghĩa là phải được đi học. Qua viện dẫn và phân tích ở một số bài báo trên Phụ nữ tân văn như “Về văn học của phụ nữ Việt Nam” (số 1, ngày 2.5.1929), “Văn học với nữ tánh” (số 2, ngày 9.5.1929), “Văn học của phụ nữ nước Tàu về thời kỳ toàn thạnh” (số 3, 16.5.1929), Phan Khôi đã chỉ ra mối liên hệ giữa phụ nữ và văn học bởi hai phạm trù này có điểm tương đồng là đều biểu hiện cho cái đẹp. Và cũng từ quan điểm này ông rút ra nhận xét rằng với tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc và giàu lòng trắc ẩn phụ nữ sẽ dễ dàng thành công ở hai lĩnh vực, cụ thể là hai nghề là viết văn và làm thuốc.

Không chỉ vậy Phan Khôi cũng rất ủng hộ nữ giới tham gia vào các hoạt động chính trị, diễn thuyết, khiêu vũ, thể thao, thời trang... Quan điểm này được thể hiện qua loạt bài trên Phụ nữ tân văn như “Cuộc vận động ở nước Triều Tiên” (số 138, ngày 6.6.1932 và 144, ngày 16.6.1932), “Câu


chuyện thú vị trong nghị viện có đàn bà” (số 161, ngày 28.7.1932), “Vì sao chúng tôi không bài trừ cái dịch khiêu vũ” (số 14, ngày 17.12.1933), “Vấn đề cải cách cho phụ nữ” (số 118, ngày 28. 1.1932)...

Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX cuộc vận động cho quyền lợi giới nữ đã được phát động bởi các phụ nữ trí thức Việt Nam như Đạm Phương nữ sử, Sương Nguyệt Anh, Huỳnh Thị Bảo Hòa, bà Nguyễn Đức Nhuận... Trong khung cảnh đó, các bài báo và quan điểm của Phan Khôi có vai trò tiếp sức cho cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho phụ nữ. Hiệu ứng tích cực của nó có thể quan sát qua sự lan truyền nhanh chóng của cuộc đấu tranh đòi nữ quyền, qua việc trở thành đề tài văn học hấp dẫn cho nhiều cây bút, trong đó có nhóm Tự lực văn đoàn.

Như vậy, có thể nhận thấy, từ xu hướng nhân đạo khi viết về phụ nữ trong văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX đến phong trào nữ quyền đầu những năm 20–30 của thế kỷ XX, cuộc đấu tranh cho nữ quyền do Phan Khôi đề xuất trên báo giới là một bước tiến trong cách nhìn nhận, đánh giá về phụ nữ. Đây thực chất là một phần của việc thúc đẩy văn hóa và văn học dân tộc tiến vào con đường hiện đại hóa.

2.3. Hoạt động văn hóa, văn chương của Phan Khôi

Xuất thân là một trí thức cựu học nhưng rất nhạy bén để nhận ra giá trị của những cái mới, Phan Khôi đồng thời cũng thừa hưởng sự tự nhiệm của nhà nho. Chính vì thế từ khi cầm bút Phan Khôi đã có ý thức viết về những vấn đề có tác động đến xã hội, trong đó có sinh hoạt văn chương. Nói cách khác, Phan Khôi là kiểu trí thức coi trọng tác động của tri thức đối với những đổi thay xã hội. Trong bài báo “Thanh niên với tổ quốc” đăng trên Phụ nữ tân văn số 172 năm 1932, Phan Khôi đã tự xác định trách nhiệm bản thân đối với xã hội và trong việc làm báo qua việc đặt vấn đề: thanh niên tân học nước ta muốn giúp ích cho Tổ quốc thì nên làm thế nào? Điều này lí giải vì sao Phan


Khôi tuy không chuyên tâm cho hoạt động văn chương mà chỉ chú trọng ở việc làm báo nhưng khi nội dung các bài báo đề cập đến những vấn đề liên quan đến văn chương thì lại có sức ảnh hưởng rất lớn. Và ảnh hưởng từ hoạt động báo chí của Phan Khôi đến văn hoa, văn chương Việt Nam có thể được nhìn nhận qua những vấn đề sau.

2.3.1. Thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ Việt

Như đã đề cập ở phần đầu, từ khi tiếp xúc với văn minh phương Tây xã hội Việt Nam đã diễn ra những biến động, thay đổi mạnh mẽ ở nhiều phạm vi và chạm đến chiều sâu nhất của đời sống tinh thần. Quá trình biến đổi này đã được chuyên chở và phổ cập bởi báo chí.

Trước hết Phan Khôi, qua hoạt động báo chí đã cổ động mạnh mẽ cho việc dùng chữ quốc ngữ. Sự xuất hiện của chữ quốc ngữ được xem là dấu hiệu quan trọng của quá trình hiện đại hóa về văn hóa, văn học trong xã hội Việt Nam. Trạng thái đồng hiện của các văn tự: Hán, Nôm, Quốc ngữ, Pháp là đặc điểm nổi bật của văn tự Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Thậm chí mãi cho đến những năm đầu thế kỷ XX, một số tờ báo vẫn còn dùng chữ Hán như Đăng cổ tùng báo Nam Phong tạp chí ở một số chuyên mục dành riêng cho chữ Hán với một vài số phát hành thời kỳ đầu. Điều đó chứng tỏ bước đầu chữ quốc ngữ không hề dễ dàng chen chân vào đời sống văn hóa, văn học Việt Nam mặc dù trong chính sách đồng hóa của thực dân Pháp (đặc biệt là ở Nam Kỳ) chủ trương khuyến khích dùng chữ quốc ngữ theo mẫu La tinh. Với tâm thế của kẻ đi khai hóa và mong muốn đồng hóa nhanh chóng người Việt, chính quyền thực dân đã dùng nhiều biện pháp khác nhau vừa khuyến khích, vừa cưỡng bức dùng chữ quốc ngữ như là một công cụ chuyển tiếp trong “thời kỳ quá độ tiến lên chữ Pháp”. Pháp mong muốn thay thế chữ Nôm và chữ Hán bằng chữ quốc ngữ với mục đích tách người dân An Nam hoàn toàn, vĩnh viễn ra khỏi những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa; đồng thời với ưu


thế ghi âm giản tiện, dễ đọc, dễ nhớ chữ quốc ngữ cũng sẽ là công cụ thuận lợi để Pháp truyền bá văn hóa, dễ dàng hơn trong chính sách đồng hóa của mình. Một số trí thức thời kỳ đầu như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản,... sau đó là các nhà nho duy tân như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp,... Phan Khôi đã sớm nhận ra ưu thế của loại chữ dễ đọc, dễ viết này và đã tìm cách phổ biến chữ quốc ngữ như một công cụ kiến thiết xã hội, trở thành “linh hồn” đưa xã hội hướng đến văn minh. Chính vì vậy, Phan Khôi kiên quyết không tán đồng với quan điểm bảo thủ của một số nhà cựu học khi cho rằng dùng chữ quốc ngữ là đồng nghĩa với việc thỏa hiệp với giặc ngoại xâm, đồng thời cũng không ủng hộ phương án dùng chữ Pháp làm quốc văn của các trí thức Tây học như Hồ Quý Kiên. Trong bối cảnh văn hóa khá phức tạp lúc bấy giờ cùng những thiên kiến chính trị khá biệt nhau, việc quyết tâm sử dụng và phổ biến chữ quốc ngữ để trở thành chữ viết của dân tộc là một thức nhận sáng suốt, đầy bản lĩnh của Phan Khôi cũng như các nhà nho duy tân và trí thức Âu học mang tinh thần dân tộc.

Bên cạnh việc cổ súy, vận động toàn dân học chữ quốc ngữ, Phan Khôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc chỉnh đốn chính tả. Là một văn tự mới nên trong quá trình sử dụng, chữ quốc ngữ lúc bấy giờ đã bộc lộ không ít những hạn chế và đôi chỗ vẫn còn lạ lẫm với người dùng. Khi bàn về quá trình phát triển “đi về phương Nam” của văn nghệ dân tộc, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã chỉ ra một hạn chế của tình trạng đa phương ngữ vào những năm đầu thế kỷ XX – thời điểm chữ quốc ngữ được khuyến khích sử dụng, và in ấn xuất hiện: “Tiếng Việt phổ biến trong toàn dân tộc Việt, nhưng thổ âm thì lại quá nhiều. Những thổ âm còn tệ hơn điển tích…” [204, tr 592]. Có lẽ ý thức rất rõ về điều này nên trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình, đặc biệt là trong khoảng thời làm việc cho báo chí Sài Gòn từ năm 1928-1933, Phan Khôi đã thường xuyên đề cập đến vấn đề chỉnh huấn chữ quốc ngữ,


nghiên cứu so sánh với tiếng Pháp, chữ Nôm, chữ Hán chỉ ra những chỗ khả thủ, khắc phục những vấn đề còn tồn tại với ý thức trách nhiệm “làm cho tiếng ta tiến đến bậc hoàn mĩ”, dành một phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng đối với việc sử dụng đúng chữ quốc ngữ - ngôn ngữ dân tộc. Những bài viết mang tinh thần phản biện sâu sắc của Phan Khôi về vấn đề chữ quốc ngữ (sử dụng như thế nào là đúng sai, cách dùng quán từ, danh từ, động từ ra sao...) trong thời kỳ Phan Khôi góp mặt với báo chí Sài Gòn (từ 1928 đến 1933) gắn với Đông Pháp thời báo (1928), Thần chung (1929-1930), Phụ nữ Tân văn (1929-1933), Trung lập (1930-1933) rất có ý nghĩa, bởi khi ấy nước ta đang trong quá trình hoàn thiện chữ quốc ngữ, và dùng nó làm phương tiện cho cuộc vận động canh tân văn hoá xã hội.

Mặc dù lý luận về ngôn ngữ tại thời điểm này còn rất sơ khai nhưng Phan Khôi đã sớm nhận ra được những vấn đề mang tính nguyên tắc của ngôn ngữ và chỉ rõ đặc điểm của ngôn ngữ tiếng Việt. Một loạt các bài báo đề cập đến chữ quốc ngữ được đăng trên báo chí Sài Gòn những năm từ 1928 đến 1933 cho thấy sự đóng góp của Phan Khôi đối với Việt ngữ học trên phương diện nghiên cứu về ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm của tiếng Việt; đồng thời thể hiện ý thức mong muốn phổ biến ngôn ngữ dân tộc như: “Cách xưng hô của người mình” (Thần chung, số 208,17-1-1929), “Trả lời cho một độc giả hỏi về chữ quốc ngữ” (Thần chung, số 115, 7-6-1929), “Lại trả lời cho một độc giả hỏi về chữ quốc ngữ” (Thần chung, số 115, 7-6-1929), “Mẹo tiếng An Nam mới” (Thần chung, số 185, ngày 31-8-1929, “Chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ với thế lực phụ nữ” (Phụ nữ tân văn, số 28, ngày 7-11-1929), “Viết chữ quốc ngữ phải viết đúng” (Phụ nữ tân văn, số 31, ngày 5-12-1929), “Dấu hỏi ngã cũng cần phải phân biệt” (mục Nói chuyện viết quốc ngữ) (Thần chung, số 273, ngày 17-12-1929 và Trung lập, số 6038, ngày 27-12-1929), “Đính chánh lại những chữ mà người ta hay dùng sai nghĩa” (Phụ nữ tân văn, số 43, ngày 13-

Xem tất cả 179 trang.

Ngày đăng: 18/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí