Lễ hội truyền thống còn là kết quả quá trình sân khấu hoá đời sống xã hội, là sự mô phỏng, tái hiện lại hình ảnh của các nhân vật của sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ dưới hình thức diễn xướng dân gian, các trò diễn dân gian. Điển hình như lễ hội "Rước Chúa Gái” ở Lâm Thao, Phú Thọ là quá trình tái hiện truyền thuyết lễ thời Hùng Vương về tích truyện Sơn Tinh đón Ngọc Hoa công chúa đưa về núi Tản Viên và phản ánh cả các phong tục tập quán sinh hoạt thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Vì vậy có thể nói lễ hội truyền thống là một “bảo tàng lịch sử sống” một “kho báu sống” về lịch sử dân tộc.
Giá trị giáo dục của lễ hội cũng được thể hiện trong tính hướng về cội nguồn "Tất cả mọi lễ hội cổ truyền đều hướng về nguồn cội. Đó là nguồn cội tự nhiên mà con người vốn từ đó sinh ra và nay vẫn là một bộ phận hữu cơ, nguồn cội cộng đồng, như dân tộc, đất nước xóm làng, tổ tiên, nguồn cội văn hoá… Hơn thế nữa hướng về nguồn đã trở thành tâm thức của con người Việt Nam”.[73, tr.343] "uống nước nhớ nguồn”, "ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, "chim có tổ người có tông, như cây có cội như sông có nguồn” Điều đó giúp nhắc nhở mọi người trong cộng đồng những bài học về đạo lý của ông cha về lịch sử của làng, lịch sử của dân tộc và truyền thống ông cha…
Lễ hội truyền thống là hoạt động văn hoá tinh thần thể hiện tình cảm con người với tổ tiên, thần thánh để cầu mong mọi lực lượng siêu nhiên che chở phù hộ cho con người. Cũng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên giúp con người không bao giờ quên cội nguồn, con người đến với lễ hội là đến với lòng thành kính tổ tiên và các bậc tiền nhân, nhắc nhở mọi người nhớ đến bổn phận và trách nhiệm của mình với ông bà, tổ tiên, dòng tộc… Do vậy lễ hội truyền thống có giá trị lớn trong việc giáo dục đạo đức giáo dục truyền thống lịch sử của làng bản quê hương đất nước đối với mọi thành viên tham gia lễ hội.
1.2.3. Giá trị văn hoá tâm linh
Con người luôn có nhu cầu lớn về đời sống vật chất và tinh thần. Bên cạnh cuộc sống vật chất, cuộc sống hiện thực thì các yếu tố thuộc về lĩnh vực tinh thần là nhu cầu không thể thiếu, nó giúp con người cân bằng trong đời sống thực tại. Trong cuộc sống thế tục, con người đôi khi bất lực trước sức mạnh tự nhiên, có lúc họ bế tắc trong sự giải thoát và phải tìm đến nguồn sức mạnh tinh thần, tìm đến sự che chở phù hộ của tổ tiên
dòng tộc, của thành hoàng, của các vị thần, từ đó giúp họ có niềm tin tạo nên động lực, sức mạnh để vượt qua khó khăn trong lao động sản xuất và cuộc sống. Họ cầu mong và tin tưởng vào sự che chở của tổ tiên và thần linh cho cuộc sống bình an, mùa màng bội thu, dân khang vật thịnh. Trong các lễ hội truyền thống Việt Nam, các yếu tố tâm linh được ẩn chứa khá sâu sắc từ việc chuẩn bị đồ cúng tế, các nghi lễ tế, lễ rước, các bài tế… cầu nguyện thần linh đến các trò diễn đều chứa đựng giá trị văn hoá tâm linh.
Bên cạnh đó, giá trị văn hoá tâm linh của lễ hội trong đời sống xã hội hiện nay còn thể hiện ở chỗ con người luôn hướng tới cái chân- thiện- mỹ, cái cao cả mà con người luôn ước vọng tôn thờ, trong đó có cả niềm tin tôn giáo tín ngưỡng. Một điều chắc chắn rằng đứng trước tổ tiên, thần linh không một người nào cầu mong ước nguyện điều xấu sa có hại cho người khác, có hại cho cộng đồng. Khi trở về thế giới tâm linh, họ luôn mong muốn và tin tưởng vào sự chứng giám và phù hộ của thần linh vì sự trung thực, thành tâm của họ. Vì vậy, những nghi lễ, tín ngưỡng trong lễ hội đã giúp con người thoả mãn nhu cầu về đời sống tâm linh.
Trong xã hội hiện đại, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và công nghệ thông tin, đời sống vật chất có thể đầy đủ, đời sống tinh thần cũng có thể được nâng lên do hệ thống thông tin, các hoạt động vui chơi, giải trí, phim ảnh, thể thao, nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, các hoạt động trên vẫn không thể tạo ra sức mạnh cộng đồng, sự “cộng cảm”, "cộng mệnh’’; không thể có “thời điểm mạnh”, "không gian thiêng” như ở hoạt động lễ hội. Chỉ khi nào trở về với văn hoá dân tộc, lễ hội cổ truyền, con người hiện đại mới được tắm mình trong dòng nước mát đầu nguồn của văn hoá dân tộc, tận hưởng những giây phút thiêng liêng, ngưỡng vọng những biểu tượng siêu việt cao cả chân- thiện - mỹ, được sống những giờ phút giao cảm hồ hởi đầy tinh thần cộng đồng. “Con người có thể phô bày tất cả những gì tinh tuý đẹp đẽ nhất của bản thân qua các cuộc thi tài, qua các hình thức trình diễn nghệ thuật, cách thức ăn mặc lộng lẫy đẹp đẽ khác hẳn ngày thường… tất cả đó là trạng thái thăng hoa từ cuộc sống hiện thực, vượt lên trên đời sống hiện thực. Nói cách khác, lễ hội đã thuộc về phạm trù cái thiêng liêng của đời sống tâm linh, đối lập và cân bằng với cái trần tục của đời sống hiện thực’’ [72, tr.8].
Đối với người dân Việt Nam, lễ hội là một trong những loại hình văn hoá lâu đời nhất, lễ hội có sức lôi cuốn, hấp dẫn và trở thành nhu cầu, khát vọng của người dân cần
được đáp ứng, thoả nguyện qua mọi thời đại "Thông qua những hình thức biểu hiện của mình, lễ hội không phải là mê tín dị đoan mà là cách ứng xử thông minh, khôn ngoan của con người đối với sức mạnh vô hình hay hữu hình mà họ chưa nhận thức được. Lễ hội trở thành một hiện tượng văn hoá tổng hợp làm thoả mãn nhu cầu văn hoá tâm linh và tâm lý vật chất của con người. Bản chất của lễ hội là sự tổng hợp và khái quát cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã hội ở từng giai đoạn lịch sử ”[62, tr.89].
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở Phú Thọ hiện nay - 1
- Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở Phú Thọ hiện nay - 2
- Giá Trị Của Lễ Hội Truyền Thống Trong Đời Sống Xã Hội Hiện Nay
- Các Tác Động Của Du Lịch Đối Với Lễ Hội Truyền Thống
- Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở Phú Thọ hiện nay - 6
- Thực Trạng Bảo Tồn Và Phát Huy Di Sản Lễ Hội Để Phát Triển Du Lịch Ở Tỉnh Phú Thọ
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
1.2.4. Giá trị bảo tồn nền văn hoá dân tộc
Nền văn hoá Việt Nam bắt nguồn từ nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước, cộng đồng làng xã là cái nôi sản sinh ra nền văn hoá phong phú và độc đáo, đồng thời làng xã cũng là cái nôi bảo tồn nền văn hoá ấy không bị đồng hoá. Dân tộc ta phải trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc nhưng chúng ta không bị đồng hoá, nền văn hoá Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển nhờ văn hoá làng xã, với phương thức sinh hoạt cộng đồng. Các phong tục, tập quán, tín ngưỡng gắn với ngôi đình, mái chùa cùng với lễ hội là cái nôi giữ gìn bảo tồn văn hoá Việt Nam. Đúng như GS.TSKH Tô Ngọc Thanh nhận xét: “Không có làng xã Việt Nam thì không có văn hoá Việt Nam” [72, tr.8].
Lễ hội là một hình thức tái hiện cuộc sống quá khứ thông qua các hoạt động tế lễ, các trò diễn. Đó là cuộc sống lao động sáng tạo và khát vọng chống lại thiên tai địch hoạ. Cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân được thể hiện dưới các hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần vô cùng sinh động hấp dẫn như các hoạt động tế lễ, rước, các trang phục truyền thống, các bài văn tế, các trò diễn dân gian, các điệu dân ca, dân vũ, hát xoan, hát ghẹo… Các hoạt động ấy trong lễ hội không những tái hiện cuộc sống mà nó góp phần giữ gìn và bảo tồn nền văn hoá dân tộc, được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Nói một cách khác lễ hội truyền thống là kết quả của quá trình lịch sử hoá quá khứ và hiện tại, kết hợp quá trình huyền thoại hoá những nhân vật là sự kiện lịch sử được nhân dân thờ phụng. Đồng thời còn là kết quả của quá trình sân khấu hoá đời sống xã hội và quá trình xã hội hoá trong tiến trình lịch sử. Quá trình mô phỏng tái hiện cuộc sống quá khứ và những nhân vật sự kiện lịch sử trong lễ hội đã đạt đến tính xã hội hoá cao. Hình thức và nội dung của lễ hội phản ánh khá đầy đủ và sinh động đời sống vật chất là tinh thần xã hội trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Đồng thời qua quá trình hình thành và tồn tại, lễ hội đã tác động mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu sắc tới toàn thể cộng đồng trong một
khu vực làng xã, một vùng, một dân tộc, một quốc gia, tuỳ theo tính chất và mức độ của lễ hội ấy. Và như vậy lễ hội truyền thống góp phần bảo tồn văn hoá dân tộc ngay trong chính tâm thức của cộng đồng.
Đặc trưng của lễ hội là tính truyền miệng, những sự kiện lịch sử, đời sống xã hội được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua dịp lễ hội hàng năm. Nói một cách khác lễ hội truyền thống là “bảo tàng sống” về văn hoá dân tộc được hồi sinh sáng tạo và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Lễ hội là bảo tàng sống về văn hoá dân tộc được thể hiện ở hai phương diện:
Thứ nhất, lễ hội là sinh hoạt cộng đồng mô phỏng tái hiện lại hình ảnh các nhân vật sự kiện lịch sử được nhân dân thờ phụng thông qua các hoạt động tế lễ, diễn xướng, các trò diễn dân gian; Hoạt động này có sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, được nhân dân lưu giữ trong trí nhớ và được chính nhân dân tái hiện mô phỏng một cách sinh động hấp dẫn và sáng tạo…
Thứ hai, toàn bộ nội dung lễ hội, hình thức lễ hội, ý nghĩa và các giá trị văn hoá của lễ hội được tồn tại trong lòng cộng đồng. Nó xâm nhập vào đời sống xã hội, trở thành nhu cầu tinh thần, thành mong ước, trở thành tiềm thức trong nhân dân. Như vậy, lễ hội được bảo tồn ngay trong lòng cộng đồng, vừa là môi trường sản sinh ra văn hoá, vừa là môi trường tốt nhất để bảo tồn làm giàu thêm và phát huy nó trong đời sống xã hội.
Vì vậy, muốn bảo tồn văn hoá trong đời sống cộng đồng, phải đưa nó trở lại trong đời sống nhân dân và xã hội hoá nó, cụ thể là phải đưa lễ hội, khôi phục lễ hội trong đời sống nhân dân, nó phải được gắn với đời sống tinh thần nhân dân, gắn với phong tục tập quán, tín ngưỡng của nhân dân. Do vậy không thể tách lễ hội truyền thống ra khỏi đời sống nhân dân, ra khỏi cộng đồng, cái nôi hình thành và đã sản sinh ra nó. Đây là đặc trưng mà trong quá trình nghiên cứu lễ hội cần xem xét để bảo tồn lễ hội một cách phù hợp.
Nếu đem so sánh các hình thức bảo tồn văn hóa giữa trạng thái "bảo tàng sống" của lễ hội với “Bảo tàng tĩnh” trong các viện Bảo tàng thì sẽ thấy rõ điểm khác biệt. Hầu hết các hiện tượng văn hóa vật thể (hiện vật, bảo vật, cổ vật…) được lưu giữ bảo tồn trong nhà bảo tàng đều là bảo tàng tĩnh có thể lưu trữ lâu và quá trình hao mòn mất đi dễ nhìn thấy và có thể phục chế gần như nguyên bản. Tuy nhiên, Bảo tàng tĩnh ít có tác động
đến đời sống tinh thần cộng đồng. Nhưng khác với văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể nói chung và lễ hội nói riêng được bảo tồn trong trạng thái động là chủ yếu. Lễ hội mô phỏng đời sống xã hội, lịch sử… ngay trong hoạt động cộng đồng do đó cơ hội tác động trực tiếp vào giác quan con người qua lễ tế, lễ rước, trò diễn, đồng thời hình thành thái độ, tình cảm, cảm xúc mới trước các sự kiện của lễ hội, tạo ra hình ảnh mới, vì thế lễ hội được bảo tồn ngay trong đời sống, tâm thức cộng đồng, trong mỗi người dân. Sự hao mòn của văn hoá phi vật thể và lễ hội không dễ nhìn thấy, nó lặng lẽ âm thầm mai một, thậm chí mất đi (thất truyền) mà không dễ phục hồi. Vì vậy, cần đưa lễ hội trở về đời sống cộng đồng, trở thành nhu cầu tinh thần không thể thiếu của nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá lễ hội góp phần bảo tồn nền văn hoá dân tộc.
1.2.5. Giá trị kinh tế
Lễ hội là hoạt động văn hoá tinh thần của nhân dân, giá trị to lớn của lễ hội không chỉ ở phương diện văn hoá mà còn có giá trị kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Lễ hội vừa là sản phẩm độc đáo đặc biệt của ngành kinh tế du lịch, vừa là tài nguyên du lịch nhân văn phong phú và có giá trị. Lễ hội truyền thống là một "bảo tàng sống” về văn hoá, là nơi sản sinh, nuôi dưỡng, bảo tồn, phát huy nền văn hoá dân tộc, là nơi sáng tạo lưu giữ những hình thức sinh hoạt văn hoá nghệ thuật đặc sắc và độc đáo, tạo nên những nét văn hóa riêng của từng vùng, từng cộng đồng người, ẩn chứa trong tầng sâu các lễ tế, trò diễn, các hoạt động cộng đồng phong phú và hấp dẫn. Bên cạnh đó, lễ hội với những giá trị tâm linh giúp giải thoát con người khỏi bế tắc và khó khăn cuộc sống, tạo nên niềm lạc quan giúp con người giải quyết nhu cầu cầu mong cho bản thân gia đình và cộng đồng một cuộc sống bình an… tạo nên sức hút du lịch mạnh mẽ.
Lễ hội cũng chứa đựng truyền thống văn hoá phong phú kết hợp với hệ thống di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ kỳ thú của làng quê Việt Nam là những lời mời gọi thiết tha khách du lịch đến với lễ hội. Ngành du lịch không thể không khai thác lễ hội truyền thống với tư cách là một nguồn tài nguyên du lịch nhân văn, một sản phẩm du lịch văn hoá đặc biệt mang lại nguồn thu lớn cho ngành kinh tế du lịch. Thế giới đang hướng đến một sự phát triển bền vững, một nền công nghiệp sạch, trong đó du lịch chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Bản chất của du lịch là khám phá, tìm hiểu văn hoá, nhu cầu du lịch là do nhu
cầu văn hoá quyết định, trong đó sự mong muốn hiểu biết văn hoá, giao lưu, tìm hiểu phong tục tập quán, các giá trị văn hoá lại chứa đựng chủ yếu trong lễ hội truyền thống, vì thế lễ hội là động lực thúc đẩy hoạt động du lịch.
Lễ hội truyền thống không phải chỉ là tiềm năng du lịch nội địa mà còn là tiềm năng du lịch quốc tế, lễ hội cùng với hệ thống di sản văn hoá và cảnh quan thiên nhiên đã là một nguồn lực cho phát triển kinh tế du lịch. Đúng như một nhà kinh doanh Pháp về tiềm năng du lịch Việt Nam, ông Jean Cois Dugard đã nói: "Các bạn nằm ngủ trên một di sản văn hoá lớn, một tiềm năng kinh tế khổng lồ, các bạn chưa đánh giá đúng, chưa khai thác hết sức mạnh và lợi nhuận mang lại từ lăng tẩm, cung điện kia” [28, tr.11].
Đất nước ta với gần 9.000 lễ hội cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hoá của mấy ngàn năm dựng nước với những cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, hệ thống di sản văn hoá thế giới, những kỳ quan thiên nhiên, hệ thống lăng tẩm, bờ biển… đã tạo môi trường tốt cho du lịch. Do vậy chỉ sau mấy năm đổi mới du lịch Việt Nam đã mang lại nguồn thu lớn: Năm 1994 du lịch Việt Nam đón 1 triệu khách nước ngoài, 3,6 triệu du khách trong nước, thu hơn 4000 tỷ đồng; Năm 2005 đã có 3,43 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam thu 30.000 tỷ đồng, đến năm 2008 khách quốc tế đến Việt Nam là 4,3 triệu lượt người, khách nội địa là 20 triệu lượt, thu 60.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lễ hội cùng với hệ thống di sản văn hoá góp phần tạo lập các mối quan hệ kinh tế với nước ngoài, thông qua du lịch, việc tìm hiểu các phong tục tập quán, truyền thống văn hoá tạo nên sự hiểu biết tin cậy lẫn nhau, tạo lập mối quan hệ ngoại giao với đối tác nước ngoài gia tăng. Đồng thời hệ thống lễ hội truyền thống và di sản văn hoá Việt Nam là một tiềm năng du lịch để thu hút đầu tư nước ngoài phát triển tại Việt Nam.
Có thể nói di sản văn hoá thông qua hoạt động du lịch là nguồn thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt nhất với sức hút đặc biệt của nó. Trong số 1000 dự án đầu tư vào Việt Nam đã được cấp phép với số vốn 10,23 tỷ đô la thì du lịch chiếm 117 dự án với số vốn 1,95 tỷ đô la. Như vậy du lịch Việt Nam chiếm 20% số vốn đầu tư vào Việt Nam… ngoài ra còn hàng chục triệu đô la của các tổ chức quốc tế đầu tư vào việc tôn tạo bảo tồn các di sản văn hoá… nguồn vốn này không chỉ tạo điều kiện cho ngành kinh tế du lịch phát triển mà còn tác
động đến sự tăng trưởng của các ngành kinh tế khác và toàn bộ nền kinh tế đất nước [28, tr.12].
Vì vậy, lễ hội truyền thống cùng với di sản văn hoá Việt Nam mang trong mình giá trị kinh tế đặc biệt.
1.3. Mối quan hệ biện chứng giữa lễ hội và du lịch
Lễ hội và du lịch là hai lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại và thúc đẩy nhau cùng phát triển. Thực chất mối quan hệ giữa lễ hội và du lịch là mối quan hệ giữa kinh tế văn hoá. Các thành tố của văn hoá (trong đó có lễ hội) là những hình thái ý thức xã hội. Triết học Mác Lê nin khẳng định tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, còn ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội, phụ thuộc vào tồn tại xã hội và tác động trở lại tồn tại xã hội. “Nguồn gốc sâu xa dẫn đến sự thay đổi và phát triển của văn hoá là do sự thay đổi của nền kinh tế. Mọi sự thay đổi của kinh tế sớm hay muộn sẽ dẫn đến sự thay đổi của văn hoá” [47, tr.182]. Tuy nhiên văn hoá có tính độc lập tương đối và văn hoá không phải cái đuôi của nền kinh tế. Vấn đề này Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định: "Kinh tế và văn hoá gắn bó với nhau hết sức chặt chẽ. Kinh tế không tự mình phát triển nếu thiếu nền tảng văn hoá và văn hoá không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế. Phát triển trên cơ sở kết hợp hài hoà kinh tế văn hoá là sự phát triển năng động, có hiệu quả và vững chắc nhất” [31]. Trong thực tế lãnh đạo đất nước, Đảng ta cũng đã vận dụng đúng quy luật và mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá: "Văn hoá là nền tảng tinh thần vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội”. [20]. Văn hoá là mục tiêu của phát triển kinh tế vì mục tiêu của kinh tế xét đến cùng là vì con người, nâng cao mức sống con người cả về vật chất và tinh thần với mức sống cao và lối sống đẹp, vừa an toàn và bền vững, không chỉ cho một người mà cho cả cộng đồng, không chỉ cho thế hệ hiện nay mà cho cả thế hệ mai sau. Không những thế văn hoá còn là hệ điều tiết cho phát triển kinh tế, có vai trò định hướng điều chỉnh nền kinh tế. Khẳng định vai trò mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hoá với kinh tế UNESCO cũng cho rằng: “Hễ nước nào tự đặt ra cho mình mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà tách rời môi trường văn hoá thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng cả về mặt kinh tế lẫn văn hoá và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ mất đi rất nhiều…” [84, tr.19-22].
Mối quan hệ giữa lễ hội và du lịch là mối quan hệ biện chứng, những giá trị văn hoá đặc sắc của lễ hội truyền thống sẽ có tác động thúc đẩy du lịch phát triển, còn các yếu tố tiêu cực, phản giá trị thì sẽ cản trở hoặc kìm hãm sự phát triển du lịch. Ngược lại sự phát triển của du lịch sẽ tác động trở lại đối với việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá của lễ hội truyền thống hoặc cũng có thể có ảnh hưởng tiêu cực làm biến đổi lễ hội truyền thống.
1.3.1. Tác động của lễ hội truyền thống đối với phát triển du lịch
* Những tác động tích cực
Lễ hội truyền thống với các giá trị văn hoá Việt Nam tiêu biểu là nguồn tài nguyên đặc biệt cho phát triển du lịch, đồng thời lễ hội truyền thống là sản phẩm độc đáo của hoạt động du lịch. Các lễ hội lớn như lễ hội Đền Hùng, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Đền Trần, lễ hội Bà Chúa Kho, lễ hội Đền Và… là nguồn tài nguyên vô tận cho ngành du lịch khai thác để phát triển một cách bền vững. Khác với các loại hình du lịch khác, du lịch lễ hội với ý nghĩa tâm linh, các giá trị văn hoá cội nguồn độc đáo đã trở thành lời mời gọi mãnh liệt, là sức mạnh thu hút khách du lịch mà các loại hình du lịch khác không thể có được.
Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, một “ngành công nghiệp không khói” chỉ có thể phát triển khi khai thác giá trị văn hóa của lễ hội. Với đặc thù của tính mùa vụ, lễ hội chủ yếu vào mùa xuân, là lúc “nông nhàn” tạo điều kiện cho sự phát triển các tua, tuyến du lịch liên hoàn để du khách khai thác, khám phá các giá trị văn hoá truyền thống được chứa đựng trong kho tàng lễ hội mùa xuân, từ đó du khách được “hoà mình trong một không gian văn hoá đặc sắc cô đọng của từng địa phương, được tắm mình trong tình cảm cộng đồng sâu sắc, thẩm nhận các giá trị văn hoá của mỗi địa phương được chung đúc và kiểm nghiệm qua thời gian” [62, tr.285].
Lễ hội truyền thống trong xã hội phát triển là một trong những nhân tố kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước từ hoạt động du lịch, mang lại nguồn thu cho các hoạt động dịch vụ kèm theo các hoạt động du lịch như dịch vụ ăn uống, dịch vụ khách sạn, vận tải hành khách, dịch vụ hàng lưu niệm… Đây là một nguồn thu rất lớn cho địa phương và các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ và hoạt động dịch vụ. Đồng thời lễ hội cũng tạo ra công ăn việc làm cho cư dân địa phương thông qua các các dịch vụ phục vụ lễ hội.