Phan Khôi Và Việc Đề Xuất Quan Niệm Mới Về Thơ


Thứ ba, một vấn đề đáng lưu ý trong Chương Dân thi thoại là cách bình thơ. Thanh Lãng cho rằng khi bình thơ, Phan Khôi “không chịu ảnh hưởng của ai mà chỉ vâng theo cái thẩm mỹ quan đã phát triển đến cực độ ở nơi ông! ... Ông là một thí dụ của lối phê bình giáo điều, cổ điển. Nhưng với một óc thẩm mỹ chắc chắn, với một lương tâm đứng đắn, với một lòng vô tư tột bực, Phan Khôi đã đạt tới một phương pháp phê bình giáo điều kiểu mẫu; về trước chưa có ai, về sau cũng ít ai bằng” [86]. Nhắc đến một bài, đôi lúc Phan Khôi chỉ dẫn một vài câu, và đưa ra những lời bình ngắn gọn nhưng lại thâu tóm được hồn cốt của mỗi bài, mỗi câu. Chẳng hạn, khi bàn về việc so sánh thơ Tú Xương và thơ Tam Nguyên, Phan Khôi chỉ viết mấy dòng bình phẩm để đi đến kết luận rất khéo:

“Có người phẩm bình rằng thơ Tú Xương hay như thơ Yên Đổ, mà lại tự nhiên hơn nữa. Sự so sánh thơ của các nhà thơ mà muốn định đoạt rằng ai hơn ai kém, sự đó thật khó quá. Bởi vì cái hay mỗi người một lối, mỗi người một vẻ, đem mà so sánh với nhau làm sao được? Nhưng nói rằng thơ Tú Xương tự nhiên hơn thơ Yên Đổ thì có lẽ; chúng ta muốn so sánh cũng chỉ so sánh đến mực đó là cùng” [73, tr 122].

Cái đặc sắc của từng tác giả đã được Phan Khôi chỉ ra theo cách riêng. Cùng với nhiều dẫn chứng hợp lí bạn đọc sẽ nhận ra rằng, thơ Nguyễn Khuyến không có liễu buông, không có sóng Tiền Đường, Xích Bích cao kỳ, xa xôi khó hiểu mà là những khung cảnh đơn sơ, giản dị, gần gũi với con người xứ Việt: ao thu, ngõ trúc, tiếng dế và ánh sáng lập lòe của đom đóm... Ngoài ra, Tú Xương, Tản Đà cũng xuất hiện trong các câu chuyện thơ của Phan Khôi với những phát hiện rất lạ, rất mới, rất đời.

Bên cạnh đó, dõi theo Chương Dân thi thoại còn có thể thấy phong cách bình thơ độc đáo của Phan Khôi. Để cuốn hút độc giả đi tìm đến tận cùng cái hay, cái đẹp trong mỗi câu chữ, Phan Khôi viết như đang nói chuyện phiếm với bạn bè – không cao giọng, không dạy đời mà cực kỳ hóm hỉnh. Với câu thơ: Thôi đừng điếu tráp nghênh ngang nữa/Thằng tiểu Phù Luông nó


“chửi” mầy, Phan Khôi đã bình rằng: “Xin độc giả cho phép tôi bất lịch sự một chút mà giải câu ấy như vầy: chữ “chửi” ấy bằng với chữ “đéo mẹ; Thằng tiểu Phù Luông nó chửi mầy tức là thằng tiểu Phù Luông nó đéo mẹ mầy! Mô phật! Mang tội lỗ miệng” [73, tr 66]. Hóm hỉnh đúng chỗ, đúng cách là kiểu thẩm bình rất đặc trưng ở Phan Khôi.

Mặt khác, trong phê bình, Phan Khôi còn làm công việc biên khảo, chỉ xuất xứ của bài thơ nhắc đến để làm thỏa mãn trí tò mò và tạo cảm giác thú vị của cho người đọc. Khi bình về bài thơ Qua đền Châu Chấu của Nguyễn Công Trứ, Phan Khôi đã kể rằng:

“Khi ông làm quan đi ra ngoài Bắc, đi ngang đền Châu Chấu là đền thờ vị nữ thần mà không rõ ở về tỉnh nào. Thổ nhân ở đó đón rước ông mà nói rằng đền ấy linh lắm, bất luận ai đi ngang qua cũng phải xuống võng. Ông không nghe, nói rằng “Ta đi đây là vâng mệnh vua, nữ thần nào lại lớn bằng ta được?” Rồi cứ ngồi luôn trên võng, vừa đi ngang qua trước mặt đền, bỗng một con chim bay đến đậu trên đòn võng, ông giang tay ra bắt thì võng triềng một cái, nhờ ông khéo gượng không thì té xuống. Thổ nhân nói rằng ấy là vị thần xui như vậy để tỏ sự linh hiển, ông bèn làm bài thơ tứ tuyệt” [73, tr 63-64].

Kiểu phê bình này chắc chắn tạo hứng thú thêm cho người đọc thơ, thể hiện nghệ thuật lôi kéo bạn đọc trong thẩm bình thơ của Phan Khôi.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.

Trong quá trình bình thơ, Phan Khôi còn chú trọng đến mối quan hệ chặt chẽ giữa nội dung và hình thức. Đây là vấn đề thuộc về bản chất của cái đẹp, cái hay. Ông cho rằng:

“Bài thơ hay không cốt ở lời mà thôi, cốt ở ý nữa. Cái ý ấy hàm súc trong bài thơ mà không lộ ra. Song cũng không kín đáo mắc mỏ quá; phải làm thế nào cho ngâm qua thì thấy ý liền, và càng ngâm lại càng thấy nó dồi dào. Cái ý của bài thơ hay sau khi ngâm hay đọc, thấy cái có hậu như cái hậu của trà ngon, đằm thắm mà đậm đà, uống vào khỏi cổ rồi mà lưỡi vẫn còn muốn nhắp” [73, tr 113].

Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 12


Quan điểm để thẩm định một bài thơ như thế nào là hay của Phan Khôi thật ra không mới, thậm chí rất truyền thống. Chúng ta thường vẫn xao động trước một câu thơ Đường vừa đẹp vừa hay bởi vì nó hài hòa giữa nội dung và hình thức, ý tại ngôn ngoại, lời đã hết mà ý vị còn mênh mang. Ở đây quan điểm Phan Khôi khá độc đáo khi cho rằng đánh giá một bài thơ tất nhiên không thể bỏ qua các yếu tố ý ngoài lời nhưng cũng phải tránh để khỏi rơi vào tình trạng mắc mỏ kiểu hũ nút, nghĩa là không cá biệt hóa thơ, không làm khó người đọc. Thơ hay là ở vẻ đẹp hài hòa lời ý chứ không phải do cố tình làm cho khác đi khiến cho người thưởng thức rơi vào tình trạng khó hiểu.

Như vậy, mặc dù vẫn còn những hạn chế như: cách trình bày tản mạn, không theo một logic định sẵn nên khó theo dõi nắm bắt nội dung; một số quan điểm còn bảo thủ và chưa thật sự chân xác nhưng Chương Dân thi thoại là một công trình phê bình thơ có tính chất khởi đầu và mở ra một thể loại mới trong văn học quốc ngữ nước ta. Cái đáng quí nhất mà Phan Khôi đã đóng góp được qua công trình này là tinh thần nhập thế của một nhà nho luôn say sưa với cái mới, là ý thức sâu sắc về giá trị của thơ ca dân tộc để rồi bằng tất cả tâm huyết ông đã chỉ ra vẻ đẹp đích thực của văn chương. Đúng như nhận định của Thanh Lãng:

“Phan Khôi không chủ trương dùng phê bình để dốc bầu tâm sự chan hòa trên giấy như phái ấn tượng, vậy mà Phan Khôi cũng để lòng ông gào ra rất nhiều qua những ký thác của ông. Còn nhiều tính cách cổ điển, cho nên Phan Khôi gìn giữ lắm. Vậy mà vẫn bắt gặp ông lắm lúc hở cơ đem phơi cả tâm sự cho thiên hạ thấy” [86, tr 27].

Có thể thấy, qua công trình này Phan Khôi đã cung cấp cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc hơn về thơ Việt để sau này các nhà thơ hiện đại rấtthành công khi vừa vận dụng truyền thống, vừa tiếp thu cái mới để có được những tác phẩm thơ rất thành công trong phong trào Thơ mới... Ngay từ rất sớm, Phan Khôi đã tha thiết mong muốn cần có gì đó phải thay đổi để thơ không bị gò bó. Ông công kích thơ đời Đường và thơ cử tử ở Việt Nam. Để


“phá vỡ cái mu cứng của câu thơ cũ mà còn muốn thổi vào đấy một luồng khí mới, mới từ nội dung đến hình thức, Phan Khôi nhấn mạnh cần phải:

- Mới trong triết điệu (Chương Dân thi thoại, tr.128)

- Chống sáo trong văn (Chương Dân thi thoại, tr.118)

- Chống sáo trong tư tưởng (Chương Dân thi thoại, tr.125)

- Chống sáo trong luận lý (Chương Dân thi thoại, tr.47)” [86, tr 272].

Như vậy, qua phân tích cho thấy Chương Dân thi thoại đã cung cấp những gợi dẫn về nguyên tắc cho thi học Việt Nam hiện đại. Bài “Tiểu dẫn” với lời mở mạch lạc thể hiện rõ quan niệm về thơ của Phan Khôi cùng khát vọng về một tác động lớn của những bài mình viết đối với thi giới nước nhà:

“Thi là gì? Thi thoại là gì? Thi là một lối văn có vần theo thanh âm từ điệu của một thứ tiếng màlàm ra. Thi thoại là một lối trứ thuật chuyên nói về chuyện làm thi. Trong một quyển Thi thoại thường góp nhặt những bài những câu thi hay và thường có kèm theo ít nhiều lời bình phẩm, cốt để lưu truyền những câu đắc ý của tao nhân mặc khách phong nhân mà mong rằng thi giớinhờ đấy cũng có phần phát đạt” [73. NCS nhấn mạnh]

Sau này, công trình phê bình thơ ca Những kiếp hoa dại (1939) của Trương Chính và Thi nhân Việt Nam (1942) của Hoài Thanh đã rất thành công trong việc giới thiệu, sưu tập và thẩm bình từ những tác phẩm dân gian cho đến phác họa cả một thời đại trong thi ca Việt Nam hiện đại, nhưng Chương Dân thi thoại của Phan Khôi vẫn thể hiện một lối viết rất độc đáo, duy lý mà không giáo điều. Tập phê bình bộc lộ sự quan sát tinh tế và xu hướng tiếp nhận văn chương khách quan của Phan Khôi. Chính vì vậy, đánh giá về tiến trình lịch sử văn học Việt Nam cũng như lịch sử lý luận phê bình văn học Việt Nam không thể không nhắc đến công trình này của Phan Khôi như một chứng tích cho sự giao hòa của hai nguồn tri thức Đông-Tây, và như một gợi dẫn để trên nền tảng ấy thơ Việt phát triển, đạt những thành tựu rực rỡ vào những năm 1930.


3.2. Tuyên ngôn về Thơ mới của Phan Khôi

3.2.1. Phan Khôi và việc đề xuất quan niệm mới về thơ

Xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX nhiều biến chuyển. Môi trường văn hóa thay đổi tất yếu sẽ dẫn đến những thay đổi về quan niệm, tư tưởng, tình cảm. Thơ ca truyền thống mất dần ưu thế vì lối tư duy sáo mòn cùng những thị hiếu thẩm mĩ lỗi thời không còn phù hợp với thời đại. Trước những bế tắc đó, một yêu cầu đặt là phải đổi mới thi ca. Thật ra nguồn gốc sâu sa cho việc đổi mới thơ xuất phát từ nửa cuối thế kỷ XIX bởi nhà canh tân Nguyễn Lộ Trạch. Ông là người giương cao ngọn cờ thoát khỏi ràng buộc chật hẹp của quy phạm văn chương trung đại; phá bỏ sự câu thúc của những ước lệ để tự do sáng tạo, giải phóng cá tính. Ông đã thổ lộ tâm sự về mong muốn “phá cách vứt luật lệ” đối với văn chương trong Phục Hoa hữu Trình mỗ thư rằng: “Văn chương tôi không theo mẫu mực nào cả, mênh mông phóng túng, lúc thì vầng dương trên biển, như mây ráng trời quang; lúc thì quanh co như ruột dê, cheo leo như đường chim, tạp nhạp, ngông cuồng có khi không thành chương bài gì cả”. Tiếp theo đó, các nhà nho duy tân là lực lượng có công trong việc tạo nên một không khí mới trong dòng thơ ca cổ động tuyên truyền, thay đổi hình thức biểu đạt cũ. Song do bị giới hạn trong sở học, đồng thời với mục tiêu dùng văn chương làm phương tiện tuyên truyền cho tư tưởng yêu nước mới (họ không chủ trương mạnh mẽ vào cách tân văn chương) nên những nỗ lực đổi mới của họ chỉ dừng lại ở đó. Cho đến những năm đầu thế kỷ XX, dưới ánh sáng của phong trào Tân thư và văn hóa Pháp, các tầng lớp trí thức càng nhận thấy sự khủng hoảng của nền văn học dân tộc. Nhu cầu cần đổi mới cho thơ ca vì thế trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Phạm Quỳnh là người đầu tiên nhận thấy sự phiền phức gò bó của thơ cũ. Trong bài viết Bàn về thơ Nôm đăng trên Nam Phong tạp chí (số 5 tháng 11.1917) ông đã bộc lộ mong muốn phá tung những ràng buộc, khắc nghiệt


của thơ cũ rằng: “Người ta thường nói thơ là tiếng kêu thiên nhiên của con tâm. Người Tàu định luật nghiêm cho nghề thơ thật là muốn chữa lại, sửa lại tiếng kêu ấy cho nó hạp hơn, nhưng cũng nhân đó mà làm mất cái giọng thiên nhiên đi vậy” [82, tr 169]. Ông so sánh thơ Việt và thơ Pháp (bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan với bài Soir en montagne (Buổi chiều chơi núi) của Leson Depont) nhằm chỉ ra sự tự do trong diễn tả ý tình của lối diễn đạt trong thơ Pháp qua đó bộc lộ khao khát hướng đến cái mới cho thơ.

Sau đó, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch một bài thơ viết theo lối tự do của La Fotanine là Con ve và con kiến. Bài thơ này được đăng trên báo Trung Bắc tân văn (năm 1928) như là một biểu hiện cho sự mong muốn hướng đến sự cách tân thơ Việt.

Tiếp theo, năm 1929 trên Phụ nữ tân văn số 29, Trịnh Đình Rư cũng đã mạnh dạn bộc lộ quan điểm khi cho rằng: “Lối thơ Đường luật bó buộc người làm thơ phải theo khuôn phép tỉ mỉ, mất cả hứng thú tự do, ý tưởng dồi dào. Nếu ngày nay, ta cứ sùng bái lối thơ ấy mãi thì làng văn Nôm ta không có ngày đổi mới được”...

Trên thực tế, từ năm 1918, Phan Khôi đã nhìn thấy những vấn đề tồn tại cần thay đổi của thơ cũ nên đã có những phân tích, kiến giải khá cởi mở, dân chủ trong các bài viết có tính chất điểm duyệt thơ in trên mục Nam âm thi thoại ở các tờ báo khác nhau, sau tập hợp thành tập Chương Dân thi thoại. Và như đã phân tích ở trên, Chương Dân thi thoại phản ánh khá trung thực quá trình chuyển biến của thơ Việt từ trung đại sang hiện đại. Và cũng từ kết quả bình duyệt hết sức nghiêm túc trong công trình này mà Phan Khôi càng nhận thấy nhất định phải làm mới thơ Việt. Ông cho rằng:

“thơ là để tả cảnh tự tình mà hoặc tình hoặc cảnh cũng phải cho quý cho chơn. Lối thơ cũ của ta, ngũ ngôn hay thất ngôn, tuyệt cú hay luật thể thì nó bị câu thúc quá. Mà dầu có phóng ra theo lối thất cổ vẫn bị câu thúc. Hễ bị câu thúc thì nó mất cái chơn đi, không mất hết cũng già


nửa phân. Tôi nhìn thấy trong thơ ta có một điều đáng bỉ, là bài nào cũng như bài nấy. Cứ rủ nhau khen hay thì nó hay, chớ nếu lột tận xương ra mà xem thì chẳng biết cái hay ở đâu...” [13, tr 180].

Trên cơ sở nêu rõ tiến trình phát triển thơ ca Việt Nam, Phan Khôi khẳng định các thể thơ vốn có hoặc đã cũ mòn hoặc đánh mất sự tự nhiên của việc làm thơ. Ông nhận định khá gay gắt về những cuốn sách dạy làm thơ Đường luật rằng:

“Thấy có một vài cuốn sách quốc ngữ tự xưng dạy phép làm thi mà cũng dạy theo lối khoa cử ấy, thì thật là tục quá. Thi quý cho nhã; mà đã tục thì còn dạy ai? Bọn thanh niên bây giờ nếu muốn làm thi mà không biết chữ nho thì học vào đâu? Túng thế tức phải học những sách quốc ngữ dạy thi một cách tục tằn hủ bại ấy, thì trách nào chẳng đưa thơ mình vào con đường tối tăm dốt nát?” [73, tr 73].

Theo ông, việc không thể tiếp tục làm thơ cũ được nữa xuất phát từ hai nguyên nhân, một vì nội dung nghèo nàn, hai vì hình thức bó buộc:

“Thơ chữ Hán ư? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư? Thì cụ Tiên Điền, bà huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi, làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại, nghe như họ nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói, mình muốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ quanh quẩn trong lòng bàn tay họ hoài, thật là dễ tức!” [13, tr 178-179].

Song ông cũng không ảo tưởng thái quá về thay đổi của mình mà chỉ như là một đề xuất nhằm hướng đến cái khác hơn, tìm hướng đi mới, thoát khỏi những ràng buộc cho thơ mà thôi. Phan Khôi đã bộc bạch rất thành thật như thế này khi đưa ra một lối thơ mới:

“Chẳng phải là tôi hiếu sự, nhưng vì tôi hết chỗ trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm đất mới, mà miếng đất tôi kiếm được đó chẳng biết có được không, nên mới đem ra trình chánh giữa làng thơ... Tôi tin


rằng cái lối thơ của ta đã hết chỗ hay rồi, dường như một nơi đế đô mà vượng khí đã tiêu trầm rồi, ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô. Tôi cầm chắc cái việc đề xướng ra đây sẽ thất bại lần nữa, nhưng tôi tin rằng sau này sẽ có người làm như tôi mà thành công” [13, tr 181].

Quan điểm này đã thể hiện khá rõ tinh thần trách nhiệm của một học giả luôn ý thức sâu sắc và đầy tâm huyết rằng cần phải có những thử nghiệm táo bạo để mong tìm cách đổi mới cho thơ. Không chấp nhận cái cũ, lỗi thời, khao khát hướng đến cái mới, cái khác luôn là tinh thần của nhà học giả chân chính.

3.2.2. Phan Khôi “trình chánh” một lối thơ mới

Và có lẽ vì muốn thể nghiệm về một lối thơ khác trước, năm 1928, Phan Khôi đã làm một bài thơ không tuân luật cũ là Dân quạ đình công. Bài thơ mới về cảm hứng đề tài, về cách gieo vần, giọng điệu và cả cách đặt tiêu đề (không dùng “dân đen” mà dùng “dân quạ”). Lời thơ không còn trang trọng như lời thơ chữ Hán mà bình dân, suồng sã:

Mồng bảy tháng bảy năm Canh Thân, Chiếu lệ bắc cầu sang sông Ngân Hằng hà sa số cu li quạ

Bay bổng về trời dường trảy quân...

Dường như khi viết bài thơ này Phan Khôi đã cố diễn tả chân thật nhất những xúc cảm về hiện thực cuộc sống bằng những hình ảnh rất sống động, giọng thơ trúc trắc, chất chứa tâm trạng mệt mỏi của “dân quạ” rệu rã với đình công:

Hai bên bờ sông đậu lóc ngóc Con thì kêu đói, con kêu nhọc...

Tuy Dân quạ đình công “được nhiều người hoan nghênh, kể cũng đáng cho là một ngôi sao chổi giữa trời thơ” [13, tr 180], song bản thân Phan Khôi chưa hài lòng vì nó vẫn còn sáng tác theo lối thất cổ, ít nhiều vẫn gò bó chưa thật sự bộc lộ được cái chân tình.

Xem tất cả 179 trang.

Ngày đăng: 18/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí