Giai Cấp Nông Dân Việt Nam Trong Bối Cảnh Cách Mạng Công Nghiệp Lần Thứ Tư

37


Thứ nhất, cuộc CMCN 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể.

Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đều dựa trên những công nghệ đặc trưng của nó: cách mạng công nghiệp 1.0 dựa trên cơ khí hóa với động cơ hơi nước, cách mạng công nghiệp 2.0 dựa trên điện khí hóa và sản xuất dây chuyền, cách mạng công nghiệp 3.0 dựa trên máy tính và tự động hóa.

CMCN 4.0 diễn ra trên ba lĩnh vực chính: kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Những yếu tố cốt lõi của lĩnh vực kỹ thuật số bao gồm: trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Inteligence), vạn vật kết nối (IoT - Internet of Things), dữ liệu lớn (Big Data), dữ liệu nhanh (Fast Data), công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing)…. Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cuộc cách mạng này tập trung nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng, trong lĩnh vực vật lý, những thành tựu cơ bản gồm có: robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano [183]. Ba lĩnh vực trên không tồn tại và phát triển đơn lẻ, mà thâm nhập lẫn nhau, hỗ trợ nhau, tạo nên sợi dây liên kết giữa thế giới thực và thế giới ảo, thế giới số. Trong đó, nền tảng công nghệ của CMCN 4.0 chính là sự tích hợp của dữ liệu lớn dạng số hóa (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối vạn vật (IoT). Bản thân ba công nghệ này khi đứng riêng lẻ đã có những ứng dụng của chúng, nhưng khi tích hợp lại chúng tạo nên một nền tảng công nghệ mới hiệu quả cao hơn rất nhiều do hiệu ứng khuếch đại và cộng hưởng giữa các công nghệ, làm cho ứng dụng trở nên thông minh hơn. Có thể nói, sự tích hợp cao độ của Big Data, AI và IoT là chính là công nghệ nền tảng của CMCN 4.0.

Thứ hai, tốc độ phát triển nhanh chóng và phạm vi ảnh hưởng rất rộng lớn.

Tốc độ phát triển của CMCN 4.0 là không có tiền lệ trong lịch sử. Nếu như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây diễn ra với tốc độ theo cấp số cộng thì tốc độ phát triển của CMCN 4.0 là theo cấp số nhân. Để đo tốc độ lan truyền của công nghệ, một số chuyên gia sử dụng tiêu chí thời gian mà sản phẩm công nghệ đạt ngưỡng 50 triệu người sử dụng. Theo tiêu chí này, tốc độ lan truyền công nghệ tăng mạnh trong giai đoạn gần đây: nếu như trước đây để đạt được con số 50 triệu người sử dụng, điện thoại cần 75 năm, radio cần 38 năm, tivi cần 13 năm thì gần đây Internet chỉ cần 4 năm và Facebook chỉ cần 3,5 năm [41, tr.45]. Thời gian từ khi các ý tưởng về công nghệ và đổi mới sáng tạo được phôi thai, hiện thực hóa các ý tưởng đó trong các phòng thí nghiệm và thương mại hóa ở qui mô lớn các sản phẩm và quy trình mới được tạo ra trên phạm vi

38


toàn cầu được rút ngắn đáng kể. Những đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực với tốc độ rất nhanh và tương tác thúc đẩy nhau đang tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa và ngày càng trở nên hiệu quả và thông minh hơn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 214 trang tài liệu này.

Về phạm vi ảnh hưởng, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng có phạm vi rộng lớn nhất trong lịch sử. Nó ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội); tất cả các ngành sản xuất và dịch vụ; các giai cấp, tầng lớp xã hội và tất cả các quốc gia - dân tộc trên thế giới. Các tác động của CMCN 4.0 theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực song tích cực là cơ bản. Nếu như hơn “… 17% thế giới chưa được hưởng thành quả từ cách mạng công nghiệp lần thứ hai, khi gần 1,3 tỷ người chưa được tiếp cận điện lưới. Tình trạng với cách mạng công nghiệp lần thứ ba cũng vậy, khi có hơn một nửa dân số thế giới, tức là 4 tỷ người, phần lớn ở các nước đang phát triển, chưa được sử dụng internet. Chiếc cọc xe sợi (biểu trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất) phải mất gần 120 năm để phổ biến khắp châu Âu. Ngược lại, trong chưa đầy một thập niên, internet đã lan khắp toàn cầu” [183; tr.23] điều này cho thấy, sức lan tỏa của cuộc CMCN 4.0 là rất rộng lớn.

Thứ ba, cuộc CMCN 4.0 dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

Nông dân vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư - 6

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng: “Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hóa công cụ sản xuất, do đó cách mạng hóa những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hóa toàn bộ những quan hệ xã hội” [102, tr.572]. Trong quá trình tồn tại và phát triển, giai cấp tư sản luôn tìm cách phát triển lực lượng sản xuất, dẫn đến sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử. Cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, CMCN 4.0 đã dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội.

Về lực lượng sản xuất: Khi phân tích đến các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất, C.Mác không chỉ nêu lên hai yếu tố cơ bản là tư liệu sản xuất và người lao động mà còn dự đoán: “Đến một trình độ phát triển nào đó thì “tri thức xã hội phổ biến” (khoa học) biến thành “lực lượng sản xuất trực tiếp”” [104, tr.372-373]. Luận điểm trên của C.Mác cho thấy điều kiện để khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp là những tri thức khoa học được vật hóa thành máy móc, thành công cụ sản xuất của con người và được người lao động sử dụng trong quá trình sản xuất. Cuộc CMCN 4.0 đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hình thành lực lượng sản xuất mới mà khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Do tri thức khoa học mang tính toàn cầu nên lực lượng sản xuất

39


ngày nay cũng mang tính toàn cầu hoá. Có thể nói lực lượng sản xuất dưới sự tác động của CMCN 4.0 đã có những sự phát triển vượt bậc, vượt xa so với thời C.Mác.

CMCN 4.0 đã tác động mạnh mẽ đối với người lao động trên bốn phương diện. Một là, nó làm biến đổi nội dung và tính chất của lao động. Về nội dung, lao động đang chuyển dần từ lao động thủ công, lao động cơ khí sang lao động thông tin, lao động trí tuệ; về tính chất, lao động đang biến đổi theo hướng ngày càng mang tính xã hội hoá sâu sắc. Do đó, CMCN 4.0 đã và đang phá vỡ cấu trúc thị trường lao động truyền thống ở nhiều quốc gia. Hai là, CMCN 4.0 tác động đến số lượng việc làm thông qua sự thay thế sức lao động bằng máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin đối với một số ngành, nghề đang diễn ra nhanh chóng. Xu hướng chuyển từ sản xuất sử dụng nhiều lao động sang sử dụng tri thức và công nghệ là chủ yếu. Ba là, sự tác động đến chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0. Ngoài yêu cầu cứng về kỹ năng, kỹ thuật (mức trung bình và cao) bao gồm những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt nhằm thực hiện công việc cụ thể thì người lao động cần phải có những kỹ năng mềm như: khả năng tư duy sáng tạo và tính chủ động trong công việc, kỹ năng sử dụng máy tính, internet, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng an toàn và tuân thủ kỷ luật lao động, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tập trung... Bốn là, sự thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động, xóa bỏ biên giới cứng của thị trường lao động giữa các quốc gia trong khu vực.

Về thu nhập của người lao động, CMCN 4.0 làm cho sự bất bình đẳng về thu nhập có xu hướng tăng nhanh. Nhóm lao động chịu tác động mạnh nhất là lao động giản đơn, ít kỹ năng, rất dễ bị thay thế bởi người máy nên nhóm lao động này đứng trước nguy cơ mất việc làm. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng trên toàn cầu, làm gia tăng mức độ chênh lệch về thu nhập và tài sản giữa một bên là lao động ít kỹ năng hay có kỹ năng dễ bị người máy thay thế chiếm tuyệt đại bộ phận người lao động, và bên kia là những người có ý tưởng hay kỹ năng bổ trợ cho quá trình tự động hóa và số hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh. Cuộc CMCN 4.0 có thể mang lại tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Tài năng, tri thức sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất, hơn là yếu tố vốn. Thị trường việc làm ngày càng tách biệt, phân đoạn thành “kỹ năng thấp - lương thấp” và “kỹ năng cao - lương cao”, dẫn đến gia tăng căng thẳng về việc làm và thu nhập trong xã hội, nhất là ở các quốc gia, vùng lãnh thổ không chuẩn bị tốt.

Về quan hệ sản xuất: cuộc CMCN 4.0 không chỉ làm thay đổi cơ bản lối sống,

40


phong cách làm việc mà còn thay đổi cả cách thức giao tiếp trong quá trình sản xuất, xuất hiện xu hướng: con người ngày càng ít quan hệ trực tiếp với nhau, chuyển từ xu hướng quan hệ trực tiếp sang quan hệ gián tiếp trong quá trình sản xuất (qua công nghệ số hóa). Khả năng hàng triệu người kết nối với nhau qua điện thoại thông minh, với sức mạnh xử lý, dung lượng lưu trữ và sự tiếp cận tri thức chưa từng có tiền lệ, là không giới hạn.

Về quan hệ sở hữu, trước đây khi đề cập đến đối tượng sở hữu, C.Mác chủ yếu mới nói đến sở hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu (người nô lệ, ruộng đất, hầm mỏ…). Đối tượng sở hữu trong bối cảnh CMCN 4.0 không dừng ở tư liệu sản xuất, mà đã xuất hiện những dạng mới thời C.Mác chưa hề có, đó là: năng lượng, thông tin, trí tuệ, kinh nghiệm, sở hữu số.... Quan hệ sở hữu ngày càng mở rộng, tính công hữu (sở hữu cộng đồng) ngày càng gia tăng, nhất là công nghệ siêu hiện đại (Dữ liệu lớn, Internet vạn vật kết nối, Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây …).

Về quan hệ quản lý: trong bối cảnh CMCN 4.0, năng lực, chứ không phải nguồn vốn, trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất. Hệ thống phân công lao động thế giới ngày nay được chuyên môn hóa. Lao động kỹ thuật số là xu hướng mới nhất trong phân công lao động quốc tế hiện nay.

Về quan hệ phân phối, sự đột phá cũng đang xuất hiện từ những nhà cạnh tranh linh hoạt và sáng tạo, những người được hưởng lợi từ việc tiếp cận các phương tiện số toàn cầu để tiến hành nghiên cứu, phát triển, tiếp thị, bán hàng và phân phối. Thuận lợi đó giúp họ cải thiện chất lượng, tốc độ và giá cả cho phù hợp với giá trị của hàng hóa được phân phối, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Những thay đổi lớn về nhu cầu cũng đang diễn ra khi tính minh bạch ngày một cao, sự tham gia của người tiêu dùng và những hành vi mới của người tiêu dùng (ngày càng được xây dựng trên cơ sở tiếp cận mạng lưới và dữ liệu di động) buộc các công ty phải điều chỉnh phương thức thiết kế, tiếp thị và phân phối sản phẩm và dịch vụ của mình. Những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sáng tạo sẽ là những nhà cung cấp vốn tri thức, tài chính (nhà sáng chế, cổ đông và đầu tư).

Thứ tư, CMCN 4.0 mở ra kỷ nguyên số với ba trụ cột kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.

Theo cách hiểu phổ biến nhất mà phần lớn các quốc gia và tổ chức quốc tế sử dụng thì kinh tế số là nền kinh tế hoạt động trên công nghệ và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên Internet. Kinh tế số bao gồm ba cấu phần: (1) Kinh tế số ICT: là lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; (2) Kinh tế số Internet: gồm các hoạt động kinh tế dựa hoàn toàn vào mạng Internet như dịch vụ số,

41


kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, kinh tế thuật toán, kinh tế chia sẻ, kinh tế việc làm tự do (Gig), và các hình thức kinh doanh trên Internet khác; (3) Kinh tế số ngành: là các hoạt động kinh tế dựa trên việc chuyển đổi số ngành, lĩnh vực, áp dụng các công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực truyền thống nhằm tăng năng suất lao động, tối ưu hóa vận hành, tạo giá trị kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới, gồm các hoạt động như: quản trị điện tử, thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, du lịch thông minh....

Chính phủ số được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa là việc sử dụng các công nghệ số, như một phần thiết yếu trong các chiến lược hiện đại hóa chính phủ để tạo ra các giá trị công. Quá trình này dựa trên một hệ sinh thái chính phủ số bao gồm các tác nhân liên quan đến chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân, thúc đẩy sự tạo ra và truy cập dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua sự tương tác với chính phủ.

Xã hội số là xã hội hiện đại được áp dụng và tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống, làm thay đổi thói quen học tập, làm việc, giao tiếp, mua sắm, giải trí... của tất cả mọi người dân, hình thành nên công dân số và văn hoá số. Xã hội số giúp xoá nhòa khoảng cách, mọi người dân đều bình đẳng trong tiếp cận thông tin số và dịch vụ số (y tế từ xa, giáo dục trực tuyến, dịch vụ công số, giao dịch số...), nâng cao chất lượng cuộc sống, an toàn và hạnh phúc nhờ áp dụng công nghệ số. Các tiêu chí cơ bản để đánh giá mức độ phát triển xã hội số gồm: (1) Danh tính số và hệ thống định danh, xác thực điện tử; (2) Khả năng kết nối mạng; (3) Phương tiện số của người dân; (4) Mức độ sử dụng dịch vụ trên Internet của người dân; (5) Mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân; (6) Kỹ năng số, nhân lực số và giáo dục điện tử; (7) Mức độ phổ cập của y tế điện tử, dịch vụ tư vấn sức khoẻ, khám chữa bệnh từ xa.

Tóm lại, cuộc CMCN 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Cách mạng công nghiệp lần này với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức sản xuất của xã hội. Chính vì thế, tất cả các quốc gia trên thế giới cần tiếp tục nghiên cứu, định hình CMCN 4.0, để tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức mà cuộc cách mạng này mang lại.

42


2.2. GIAI CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

Để tìm hiểu giai cấp nông dân Việt Nam trong bối cảnh cách mạng CMCN 4.0, trước hết chúng ta cần làm rõ quan niệm về “bối cảnh CMCN 4.0”. Theo Từ điển Tiếng Việt, “bối cảnh” được hiểu là những hình ảnh phụ xung quanh đối tượng chính, làm nền cho đối tượng chính nổi bật. Bối cảnh làm rõ địa điểm, không gian, thời gian mà đối tượng chính (con người, sự kiện, vật thể...) xuất hiện và cho thấy rõ mối quan hệ tác động qua lại giữa đối tượng chính với hoàn cảnh cụ thể xung quanh nó. Trên cơ sở đó, “bối cảnh” được hiểu là tổng thể những điều kiện, nhân tố hình thành môi trường tồn tại, phát triển cho các chủ thể xã hội. “Bối cảnh CMCN 4.0” được hiểu là bối cảnh mà CMCN 4.0 là yếu tố cốt lõi tạo nên xu hướng vận động, phát triển mới; tạo nên động lực thúc đẩy mạnh mẽ tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển; tác động toàn diện đến các giai cấp, tầng lớp trong xã hội; ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở tất cả các cấp - toàn cầu, khu vực và trong phạm vi từng quốc gia. Sự vận động và phát triển của CMCN 4.0 đặt ra định hướng, và yêu cầu phát triển đối với các giai cấp, tầng lớp trong xã hội; đồng thời nó cũng là giải pháp hữu hiệu để giải quyết nhiều vấn đề nan giải mà thực tiễn đặt ra.

CMCN 4.0 đã tác động sâu sắc đến tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, trong đó có giai cấp nông dân. Khi xem xét tác động của CMCN 4.0 đối với nông dân, cần phải thấy được tác động toàn diện của cuộc cách mạng này đối với nông nghiệp - ngành sản xuất chính tạo việc làm và thu nhập cho nông dân; tác động đến đời sống chính trị, đời sống văn hóa - xã hội và môi trường sống của nông dân. Cuộc cách mạng này mang đến cho nông dân nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển song cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn.

2.2.1. Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với giai cấp nông dân Việt Nam

2.2.1.1. Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với sản xuất nông nghiệp của nông dân

Nông nghiệp là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, là ngành sản xuất chính tạo việc làm và thu nhập cho nông dân. Hiện nay, CMCN 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nông nghiệp, qua đó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế của nông dân.

Trong lịch sử, sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp luôn kéo theo sự phát triển của các cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiệp hội Máy Nông

43


nghiệp châu Âu (European Agricultural Machinery, 2017) đã khái quát lịch sử phát triển các cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm: Nông nghiệp 1.0 chủ yếu dựa vào sức lao động và điều kiện tự nhiên, năng suất lao động thấp, qui mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu tự cung, tự cấp nông sản. Nông nghiệp 2.0 được bắt đầu vào những năm 50-60 của thế kỷ XX, là giai đoạn mà con người đã tiến hành 5 “hóa” trong nông nghiệp: cơ khí hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa, điện khí hóa và sinh học hóa nông nghiệp. Nông nghiệp 3.0 diễn ra vào khoảng năm 1990, là giai đoạn sản xuất nông nghiệp trên cơ sở khoa học, phù hợp với các quy luật khách quan của tự nhiên, của các hệ sinh thái nông nghiệp, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Nông nghiệp 4.0 bắt đầu từ khoảng năm 2011 đến nay, gắn liền với sự phát triển của CMCN 4.0, trên nền tảng công nghệ cảm biến kết nối vạn vật (IoT), công nghệ thông tin, công nghệ số, khai thác tối ưu công nghệ sinh học gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu để sản xuất nông nghiệp hàng hóa với yêu cầu năng suất tối ưu, chất lượng tốt nhất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nông nghiệp 4.0 hiện nay được sử dụng tương đối phổ biến hàm ý chỉ hệ thống các hoạt động nông nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0. Nông nghiệp 4.0 còn có nhiều tên gọi khác như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp số… Ở Việt Nam, thuật ngữ “nông nghiệp công nghệ cao” được sử dụng phổ biến để chỉ sự phát triển của nông nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0. Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ [156, tr.42-43]. Mục tiêu của phát triển nông nghiệp công nghệ cao là ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại để đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất tối ưu, chất lượng tốt nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá thành hạ, tăng tính cạnh tranh, có hiệu quả kinh tế cao, trên cơ sở đảm bảo môi trường sinh thái bền vững. Hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu khách quan, giúp giải quyết những thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt: i) Điều kiện sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn hơn (diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ; lực lượng lao động trong nông nghiệp có xu hướng giảm do chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tình trạng gia tăng và già hóa dân số; biến đổi khí hậu khiến cho việc canh tác theo

44


lối truyền thống ngày càng khó khăn và bấp bênh…); ii) Mức thu nhập của người tiêu dùng ngày càng tăng nên nhu cầu về chất lượng của nông sản ngày càng cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng, tính đa dạng, phong phú và thân thiện với môi trường sống.

Nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại cho nông dân nhiều lợi ích to lớn:

Một là, nông nghiệp công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, thương hiệu của nông sản, qua đó, nâng cao thu nhập và mức sống của nông dân.

Hiện nay, nhiều công nghệ 4.0 đang được áp dụng phổ biến trong ngành nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, công nghệ nhà kính là một trong những loại công nghệ được áp dụng phổ biến nhất trong nông nghiệp, giúp tránh được điều kiện khí hậu bất lợi, đảm bảo luôn giữ được môi trường ổn định cho cây trồng vật nuôi, chống côn trùng, bệnh tật lây lan. Công nghệ canh tác bao gồm: kỹ thuật thủy canh (cung cấp dinh dưỡng qua nước), kỹ thuật khí canh (cung cấp dinh dưỡng dưới dạng phun sương mù) và kỹ thuật trồng cây trên giá thể - dinh dưỡng chủ yếu được cung cấp chủ yếu ở dạng lỏng thông qua giá thể trơ (sỏi nhỏ, tro trấu, xơ dừa…). Công nghệ tưới với hệ thống tưới nhỏ giọt là biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước nhất, giảm đến 30-60% lượng nước so với phương pháp tưới tiêu truyền thống. Công nghệ sinh học đã góp phần tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao hơn. Công nghệ bảo quản và chế biến nông sản đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và tổ chức sản xuất, góp phần quan trọng trong việc quản lý và tổ chức sản xuất, góp phần quản lý tốt hơn chất lượng nông sản, tăng giá trị nông sản. Công nghệ thông tin nhằm kiểm soát tự động hóa tất cả các khâu của quá trình sản xuất, làm tăng khả năng thích ứng và tiếp cận của nông dân trước những biến động về thời tiết và thị trường.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, công nghệ cao được ứng dụng toàn diện trong: lai tạo giống; sản xuất thức ăn chăn nuôi; vắcxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín; chế biến sản phẩm chăn nuôi… Về sản xuất thức ăn chăn nuôi: công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học probiotic chứa nhiều vi sinh vật có lợi cho vật nuôi nhằm kiểm soát dịch bệnh, bổ sung các chất kháng khuẩn, loại trừ vi khuẩn gây bệnh, cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi, phân hủy chất độc trong nước, kích thích hệ miễn dịch của vật nuôi. Về công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín được áp dụng phổ biến cho nuôi gà, lợn ở các trang trại chăn nuôi lớn. Hệ thống chuồng trại khép kín được làm mát bằng nước, quạt hút gió, máng ăn tự động, hệ thống tự điều chỉnh nhiệt độ không khí bên trong, đệm lót sinh học. Nhiệt độ ở các chuồng lạnh luôn đảm bảo phù hợp cho sự phát triển của vật nuôi. Với hệ thống chuồng trại được làm khép

Xem tất cả 214 trang.

Ngày đăng: 27/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí