Nhập khẩu vàng của Việt Nam năm 2008 và ảnh hưởng tới vấn đề an ninh tiền tệ - 9

ẩn những nguy cơ tác động xấu đến các vấn đề an ninh tiền tệ: việc vay và trả nợ nước ngoài, quản lý sử dụng ODA, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại tệ… Đặc biệt, các cuộc khủng hoảng tiền tệ trong quá khứ và hiện nay là khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đang ảnh hưởng mạnh đến ổn định kinh tế - tiền tệ của đất nước.

Vàng với vai trò của một loại hàng hóa đặc biệt, vừa là một loại hàng hóa có giá trị cao, vừa là tài sản tích lũy được ưa chuộng. Thị trường vàng biến động sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều thị trường tài chính - tiền tệ khác như thị trường đô la Mỹ khi mà đô la Mỹ cùng với vàng đang là hai kênh dự trữ chính của các chủ thể kinh tế trong nước, thị trường bất động sản khi nhiều giao dịch về bất động sản vẫn được ấn định dựa trên giá vàng, và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán khi mà thị trường chứng khoán cùng với thị trường đầu tư vàng đang là hai kênh đầu tư chủ yếu, tuy nhiên, chứng khoán dường như đang lép vế khi mà chỉ số VN- Index và HASTC – Index liên tục mất điểm. Rõ ràng, nhập khẩu vàng đã và đang có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tê nước ta.

Đánh giá vai trò của nhập khẩu vàng đối với vấn đề an ninh tiền tệ của Việt Nam chúng ta cần trả lời được một số câu hỏi sau:

- Nhập khẩu vàng có ảnh hưởng như thế nào tới cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam;

- Vàng nhập khẩu có ảnh hưởng như thế nào tới thực trạng đô la hóa;

- Nên xem xét vàng như một loại hàng hóa hay một loại ngoại tệ;

- Chính phủ có nên xem xét việc cho phép nhập khẩu vàng trở lại trong năm 2009;

- Có nên cho phép xuất khẩu vàng khối để cân bằng thị trường và đảm bảo cán cân thanh toán;

Về vấn đề này, từ thực tế và một vài phân tích lý thuyết ở trên, ta có thể rút ra một vài ảnh hưởng của việc nhập khẩu vàng tới vấn đề an ninh tiền tệ của Việt Nam như sau

Thứ nhất, ảnh hưởng tới cán cân thanh toán quốc tế

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.

Nhập khẩu vàng đã góp phần làm tăng thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam. Đây cũng là nhận định của NHNN, nhập khẩu vàng là một nguyên nhân quan trọng làm tăng thăm hụt cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam. Khi mà chính phủ Việt Nam vẫn quy định chỉ cho phép xuất khẩu vàng trang sức và vàng theo các hợp đồng gia công quốc tế thì số lượng vàng đã nhập khẩu vào Việt Nam có thể coi như không được xuất khẩu ra bên ngoài nữa. Tính đến tháng 7 năm 2008, tức là tới tời điểm chính phủ tạm ngừng cấp phép nhập khẩu vàng, thì chúng ta đã nhập khẩu khoảng 62 tấn vàng, theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới. Lượng nhập khẩu này bằng tổng lượng nhập khẩu của năm 2007. Nếu tính theo giá thị trường vào thời điểm ngày 07/08/2008 là 885 USD/ounce, thì 62 tấn vàng nhập vào Việt Nam trị giá khoảng 1,8 tỉ USD. Nếu đem so với con số dự trữ ngoại hối chính thức 20,7 tỷ USD được công bố lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2008 (hiện nay dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 21.9 tỷ USD – từ tháng 9 năm 2008) thì con số 1,8 tỷ dùng để nhập khẩu vàng chiếm 8.6%. Còn nếu đem so sánh với con số nhập siêu tính đến hết tháng 6 năm 2008 – thời điểm NHNN ra quyết định tạm ngừng cấp phép nhập khẩu vàng là 14.7 tỷ USD (Tổng Cục Thống kê) thì giá trị nhập khẩu vàng chiếm khoảng 12,24%. Cả hai con số này đều xấp xỉ 10%, rõ ràng là không nhỏ và không thể làm ngơ.

Đối phó với tình trạng này, để giảm nhập siêu, NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp từ quản lý hành chính tăng mức thuế nhập vàng lên 1%, thay cho mức 0,5% như trước; đến biện pháp mạnh là tạm ngừng không cấp thêm quota nhập vàng. Với hai quyết định này, mối liên hệ duy nhất

Nhập khẩu vàng của Việt Nam năm 2008 và ảnh hưởng tới vấn đề an ninh tiền tệ - 9

giữa thị trường vàng Việt Nam và thị trường vàng thế giới đã bị cắt đứt. Việt Nam cần giảm tỷ trọng nhập siêu, và ngừng nhập khẩu vàng sẽ phần nào hạn chế được điều này, nhưng những biện pháp NHNN đưa ra có thật sự tối ưu?

Thực chất của nhập siêu chính là việc tiêu dùng quá khả năng của đất nước. Tuy nhiên, nhập siêu vẫn có thể khắc phục được nếu cán cân thanh toán bảo đảm ở mức dương. Cán cân thanh toán bao gồm cán cân thương mại và các phần chênh lệch của xuất nhập khẩu hàng dịch vụ, du lịch, đầu tư, kiều hối, trợ cấp... Như vậy, dẫu cán cân thương mại âm nhưng nếu được bù đắp bởi phần dương của du lịch, kiều hối, đầu tư... thì nền kinh tế hoàn toàn có thể khắc phục được ảnh hưởng của nhập siêu và tự chủ về ngoại tệ.

Mục đích của việc tạm ngừng cấp phép nhập khẩu vàng, theo giải thích của NHNN là để giảm căng thẳng về nguồn cung ngoại tệ. Tuy nhiên, phân tích kỹ tình hình hiện nay thì có thể thấy Quyết định này chỉ là một giải pháp mang tính ngắn hạn, đối phó với những hậu quả khó khăn do chính NHNN (góp phần) tạo ra.

Một số lý do khiến cung ngoại tệ khan hiếm có thể kể ra như:

1. Tiền đồng thực tế đã lên giá quá nhiều so với USD do chênh lệch lạm phát quá lớn ở Việt Nam và Mỹ. Mà lạm phát cao ở Việt Nam có nguyên nhân là hệ quả tất yếu của việc liên tục tăng cung tiền và chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN trong thời gian qua. Tiền đồng lên giá đồng nghĩa với tăng nhập siêu, lên tới 7,5 tỷ USD trong quý I năm 2008. Nhu cầu USD khổng lồ như vậy đã làm suy kiệt nguồn cung USD ở Việt Nam.

2. Trong khi lạm phát tăng cao và người dân có kỳ vọng lạm phát cao trong tương lai thì NHNN lại áp đặt trần lãi suất tiền gửi là 12%, và thậm chí còn thông qua Hiệp hội Ngân hàng vận động các ngân hàng áp dụng trần lãi suất 11%, thấp xa so với mức lạm phát dự kiến trong năm. Lãi suất

thực âm đã khuyến khích người gửi tiền rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng, chuyển sang các hình thức tích trữ khác như mua vàng để bảo toàn tài sản. Do đó, chỉ riêng trong quý I năm 2008, lượng vàng nhập khẩu về đã lên tới 40 tấn, tương đương với khoảng 1,5 tỷ USD ngoại tệ phải bỏ ra để nhập khẩu vàng. Bất cân đối cung cầu về ngoại tệ càng vì thế mà trầm trọng.

3. Chính sách tỷ giá của NHNN khá cứng nhắc trong khi chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD ở mức lớn (5-6%), nhiều người đổ xô vay ngoại tệ, chuyển ra tiền đồng để gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao hơn.

Thứ hai, vai trò cất trữ giá trị của vàng

Cho đến nay chưa có con số thống kê chính thức đã có bao nhiêu vàng được nhập vào Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu vàng lớn trên thế giới, gồm cả nhập chính thức và không chính thức. Trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 50-60 tấn vàng. Nếu tính theo mức 30 triệu USD/tấn thì mỗi năm số tiền chi ra để nhập vàng khoảng 1,5-1,8 tỉ USD. Theo tỉ giá hiện hành thì số tiền để mua vàng hằng năm vào khoảng 26.700-32.000 tỉ đồng.

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung - tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), lượng vàng trong dân hiện nay có thể lên tới 800 tấn. Trong đó có khoảng 500 tấn nhập khẩu chính thức, còn lại là nhập qua đường không chính thức và vàng có sẵn trong dân từ nhiều năm trước. Nếu tính theo thời giá hiện hành thì số vàng này trị giá khoảng 24 tỉ USD (tương đương 427.000 tỉ đồng).

Cũng có thể ước lượng số vàng trong dân thông qua số vàng miếng đã được bán ra thị trường. Theo số liệu của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), từ khi nơi này ra mắt thương hiệu vàng miếng SJC năm 1988 đến nay, đã có khoảng 11,7 triệu lượng vàng miếng được tung ra thị trường, tương đương khoảng 450 tấn vàng. Ngoài ra, theo ước tính của các công ty

vàng, có khoảng 200 tấn vàng được dùng để chế tác nữ trang. Chưa kể còn nhiều thương hiệu vàng miếng khác cũng được người dân mua để cất giữ.

Giới kinh doanh vàng cho rằng nếu trừ đi một lượng vàng đã được xuất lậu ngược qua biên giới, số vàng trong dân còn khoảng 700 tấn thì trị giá không dưới 21 tỉ USD, theo thời giá hiện nay là 374.000 tỉ đồng.

Như vậy, vàng nhập khẩu về đã trở thành một kênh tích trữ rất lớn trong dân. Với đặc điểm dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt khi có nhu cầu, lại không bị mất giá trước áp lực lạm phát, vàng rõ rang là một kênh tích trữ rất hiệu quả, góp phần bình ổn thị trường tiền tệ.

Nếu như trước đây, vàng nhập khẩu về chủ yếu để tích trữ trong dân thì hiện nay, trong số vàng nhập khẩu vào Việt Nam, phần lớn trong đó được sử dụng để đầu tư. Đầu tư vàng đã trở thành một kênh đầu tư quan trọng.

Tuy nhiên, có một thức tế trái chiều vẫn đang diễn ra trên thị trường đầu tư vàng Việt Nam. Không ở đâu trên thế giới, khi nhà đầu tư muốn rút vàng vật chất khỏi giao dịch lại phải nộp một khoản phí rút vàng, hay khi nộp vào họ lại phải nộp thêm một khoản gọi là phí nộp vàng như ở Việt Nam. Thực tế này đã diễn ra tại sàn giao dịch vàng của Ngân hàng Thương mại Á Châu. Và thực tế này xảy ra chính là do quyết định ngừng cấp phép nhập khẩu vàng của NHNN. Quyết định này đã cắt đứt nguồn cung vàng từ nước ngoài, làm cho giá vàng vật chất tại Việt Nam và trên thị trường thế giới diễn biến trái chiều và luôn có một biên độ chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới. Trong khi các giao dịch vàng tại các trung tâm giao dịch lại luôn bám sát theo những biến động của giá vàng thế giới. Những quyết định trên của các trung tâm giao dịch vàng về bản chất cũng giống như những quyết định thay đổi hạn mức rút vàng, chính là để hạn chế nhà đầu tư rút vàng khỏi tài khoản khi mức giá trên sàn thấp hơn so với mức giá giao dịch vàng vật chất bên ngoài.

Thứ ba, tình hình nhập lậu vàng


Tình trạng nhập lậu vàng diễn biến khó lường không những làm nhà nước thất thu một khoản thuế lớn mà còn làm cho thị trường vàng trở nên không lành mạnh, làm ảnh hưởng tới tất cả các chủ thể tham gia. Trước khi các quyết định tăng thuế và tạm ngừng cấp phép nhập khẩu vàng được đưa ra, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có sự liên thông với nhau và khi hạn ngạch nhập khẩu bị giảm hoặc ngừng cấp phép nhập khẩu vàng thì đã xảy ra tình trạng mất cân đối cung-cầu trong nước tại một số thời điểm. Những lúc đó, khi nhu cầu tăng mà không có nguồn cung đáp ứng, giá vàng trong nước bị đẩy lên cao và người chịu thiệt là người tiêu dùng.

Khi giá vàng trong nước lên quá cao so với giá thế giới, có thể lấy ví dụ ngày 14/11/2008, tại thị trường vàng vật chất, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết trong khoảng 16,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 16,49 triệu đồng/lượng (bán ra). Cùng thời điểm, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 729,75 - 730,25 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá USD/VND là 16.985 đồng thì giá vàng thế giới tương đương mức 15,316 - 15,327 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới là 1,163 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch trên thật sự rất hấp dẫn để những nhà kinh doanh tìm mọi cách đề đẩy nguồn cung tăng lên và dẫn đến nhập lậu vàng.

Nhìn lại cả quá trình lịch sử, Việt Nam bắt đầu cho nhập khẩu vàng từ năm 1990 và từ đó cho đến cuối năm 1996 thì có một khoảng thời gian 4-5 năm ngừng cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng. Hậu quả là vàng nhập lậu ồ ạt đổ về và giá vàng trong nước đã cao hơn so với giá thế giới.

Trong khoảng thời gian 4-5 năm mà Việt Nam ngừng nhập khẩu vàng, theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới thì nhu cầu tiêu thụ vàng của Campuchia tăng vọt (có năm, vàng nhập từ Singapore vào Campuchia lên

mức 50 đến 60 tấn). Và trong thực tế thời gian đó, từ Campuchia, vàng đã chảy vào Việt Nam theo đường nhập lậu.

Việc nhập lậu vàng sẽ làm cho một khối lượng ngoại tệ trong nước chảy ra ngoài và làm cho thị trường ngoại tệ chợ đen hoạt động mạnh mẽ để hút ngoại tệ trôi nổi phục vụ cho việc nhập lậu vàng; giá đô la Mỹ ở thị trường chợ đen và trong các ngân hàng sẽ có chênh lệch lớn.

Điều này chỉ tạo ra lợi nhuận cho những người buôn lậu hoặc buôn ngoại tệ ở thị trường không chính thức trong khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng hợp pháp và các ngân hàng thương mại thì khó khăn.

Với những phân tích ở trên chúng ta thấy, với việc tạm ngừng cấp phép nhập khẩu vàng, tuy bảng danh mục các mặt hàng nhập khẩu sẽ được giảm bớt và có thể làm giảm nhập siêu danh nghĩa, nhưng trên thực tế thì vàng vẫn chảy vào bằng con đường nhập lậu, và làm cho thị trường vàng, một thị trường rất nhạy cảm, có những diễn biến trái chiều.

Vậy, khi vàng đang trở thành vấn đề nóng trên thị trường thế giới và cả ở trong nước, và sự chênh lệch giá vàng cũng biến động từng giờ, từng phút, thì nhu cầu khai thông thị trường vàng bằng cách cho phép nhập

– xuất phải chăng là điều cần thiết? Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi liệu Việt Nam có nên cho phép xuất khẩu vàng trở lại ra thị trường nước ngoài.

Phân tích rạch ròi hơn, cho phép xuất khẩu vàng sẽ giúp cho thị trường kinh doanh vàng lưu thông tốt hơn. Hiện nay, Việt Nam mới cho xuất vàng trang sức, chưa cho xuất vàng ký. Bảy tháng đầu năm 2008, Việt Nam xuất được bốn tấn vàng trang sức.

Trên thực tế, từ đầu năm nay (2009), NHNN đã bắt đầu cấp phép xuất khẩu vàng miếng cho một vài doanh nghiệp chủ chốt. Với quyết định này, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, giá trị xuất khẩu nhóm hàng kim loại quý, đá quý và các sản phẩm có liên quan đã tăng vọt, từ mức chỉ vào

khoảng 130 triệu USD trong tháng 2/2008 đến tháng 2/2009, con số đã vọt lên đến mức đáng kinh ngạc khi kim ngạch xuất khẩu loại hàng này ước tính lên đến trên 800 triệu USD. Việc này không chỉ làm kim ngạch tăng đột biến mà còn giúp các doanh nghiệp kiếm được một khoản lãi lớn nhờ tái xuất được một lượng vàng miếng đáng kể đã nhập khẩu với giá thấp hơn từ nửa đầu năm ngoái.

Sự gia tăng đột biến kim ngạch xuất khẩu vàng cũng xuất phát từ thực tế giá vàng quốc tế đột ngột leo thang, trong khi giá vàng trong nước tuy có lên theo nhưng luôn có khoảng cách thấp hơn giá quốc tế từ 300.000 -

800.000 đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch giá trong và ngoài nước khá lớn này cộng với những dòng người đổ xô đi bán vàng chốt lãi đã khiến việc xuất khẩu vàng trong nhiều ngày qua mang lại một nguồn lợi nhuận không nhỏ cho các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vàng đều cho rằng việc xuất khẩu vàng có ý nghĩa rất lớn, giúp lưu thông hàng hoá, khiến giá cả vàng trong nước ngang bằng với giá thế giới.

Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay, việc xuất khẩu vàng cũng giúp thu về một khoản ngoại tệ lớn góp phần ổn định tỷ giá và cán cân thanh toán. Quyết định cho xuất khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước diễn ra kín đáo và rất nhanh chóng đã mang lại hiệu quả và được đánh giá rất cao trong việc điều hành. Bởi vì, quyết định đúng thời điểm để doanh nghiệp xuất khẩu được giá, lượng ngoại tệ mạnh thu về đã bù đắp vượt mức nguồn thiếu hụt do giải ngân FDI đạt thấp, kiều hối chuyển về giảm và nguồn vốn đầu tư gián tiếp có dấu hiệu chảy ngược ra nước ngoài.

Bên cạnh những mặt “được” kể trên thì xuất khẩu vàng cũng chứa đựng nhiều “nguy cơ” bất lợi. Xuất khẩu vàng nhiều không hẳn đã là dấu hiệu tốt, bởi sau này khi có nhu cầu, Việt Nam sẽ lại phải nhập khẩu. Và khi đó, nếu quản lý không tốt thì cầu ngoại tệ sẽ gia tăng cùng với việc giá

Xem tất cả 99 trang.

Ngày đăng: 11/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí