Nhận diện ca dao người Việt từ 1945 đến nay - 5

Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn

Cho nên được gọi là khôn hơn người.


Em xinh đâu bởi nụ cười

Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn.

[6]

Tuy nhiên, đúng như lời nhận xét của ông về chính bản thân mình “Làm thơ anh chỉ nghiệp dư”, hiện thời chúng ta vẫn nên gọi Nguyễn Bảo Sinh là nhà thơ không chuyên. Chỉ khi nào những sáng tác của ông được công chúng không những đón nhận mà còn lưu truyền, gìn giữ theo quy luật của sáng tạo văn học nghệ thuật dân gian thì khi ấy chúng ta hãy gọi Nguyễn Bảo Sinh với tư cách là nhà thơ dân gian.

Trong thời đại ngày nay, ca dao hiện đại nói riêng, văn học dân gian nói chung vẫn ít nhiều mang tính tự phát. Chính vì vậy mà bên cạnh những âm điệu chủ đạo tích cực, ca dao hiện đại vẫn tồn tại nhiều tác phẩm mang nội dung tiêu cực, mâu thuẫn trong tư tưởng để kẻ xấu có thể lợi dụng. Song, điều đó cho chúng ta thấy được đầy đủ hơn về diện mạo của ca dao ngày nay và hiểu được chính xác quần chúng nhân dân ta “đang nghĩ gì và muốn gì?” [23. 440]

Tiểu kết

Bằng việc tìm hiểu những nét cơ bản về bối cảnh lịch sử, đưa ra các khái niệm ca dao truyền thống, ca dao hiện đại, khái quát diện mạo và sự vận động của ca dao hiện đại trong từng giai đoạn lịch sử, chương viết đã cho thấy: Ca dao cũng như những thể loại văn học khác đều chịu sự chi phối của những yếu tố như hiện thực lịch sử, nhu cầu sáng tạo, thưởng thức văn nghệ của quần chúng. Trong ba mươi năm đất nước có chiến tranh (1945 - 1975), ca dao người Việt vẫn tồn tại và phát triển một cách hết sức mạnh mẽ trong nhân dân. Tuy nhiên, do hoàn cảnh sống, lao động, chiến đấu hết sức khẩn trương của dân tộc ta lúc bấy giờ mà việc gọt rũa, trau chuốt ca dao chưa được chú trọng, nhiều bài còn mang nặng tính tuyên truyền, hô khẩu hiệu mà mất đi chất thơ vốn có của ca dao. Ca dao từ 1975 đến nay, ngoài những bài đã được sưu tầm thiên về

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

âm hưởng ngợi ca: ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi cuộc sống mới, ca ngợi những con người dũng cảm trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược… còn có không ít những bài chứa đựng nội dung hài hước, châm biếm, phê bình giáo dục đậm chất thời sự. Một trong những hiện tượng đáng chú ý của ca dao thời kì này là sự xuất hiện của một số người làm thơ “theo kiểu dân gian” giống như nhà thơ Bút Tre Đặng Văn Đăng trước đây. Nguyễn Bảo Sinh cũng là một hiện tượng sáng tác theo kiểu dân gian đáng chú ý.

Như vậy, ca dao hiện đại đã tồn tại trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh và đang tiếp tục tồn tại trong xã hội ngày nay như một tất yếu khách quan. Do nhu cầu sáng tạo, thưởng thức văn nghệ của nhân dân là bất tận cùng với những đặc trưng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc, phản ánh rất sâu sắc và sinh động đời sống tâm hồn của con người nên dù trong giai đoạn lịch sử nào, ca dao vẫn như một mạch ngầm xuyên suốt trong đời sống dân gian và giữ một vai trò nhất định trong văn học nước nhà.

Nhận diện ca dao người Việt từ 1945 đến nay - 5

Chương 2

CA DAO NGƯỜI VIỆT TỪ 1945 ĐẾN 1975


Văn học nói chung và văn học dân gian nói riêng bao giờ cũng tồn tại, vận động và tiến hóa, vừa phụ thuộc vào quá trình lịch sử, xã hội, vừa tuân theo những quy luật riêng. Khi xem xét một thể loại văn học bất kì, chúng ta bao giờ cũng nhìn nhận nó trong tiến trình tồn tại, vận động để thấy được sự phát triển cũng như ý nghĩa của sự phát triển của thể loại.

Sự tồn tại, vận động của ca dao người Việt từ 1945 đến nay có thể tạm chia thành hai giai đoạn: ca dao từ 1945 đến 1975 và ca dao từ 1975 đến nay. Sự phân chia ở đây chỉ mang tính chất tương đối bởi đôi khi ranh giới những bài ca dao ở các giai đoạn rất khó xác định. Dù tồn tại, vận động và phát triển như thế nào, ca dao người Việt từ 1945 đến nay vẫn là ca dao, vẫn mang diện mạo của thể loại ca dao. Tuy nhiên, nó đã có sự biến đổi về nội dung và một số yếu tố thi pháp như đề tài, cảm hứng chủ đạo, nhân vật trữ tình, ngôn ngữ, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, diễn xướng…

Văn học là tấm gương phản ánh thời đại. Trước sự thay đổi lớn lao của lịch sử nước nhà, ca dao và các thể loại văn học nghệ thuật khác cũng nhanh chóng chuyển mình để theo kịp nhu cầu của xã hội.

2.1. Đề tài trung tâm

Để tìm hiểu đề tài trung tâm của ca dao người Việt từ 1945 đến 1975 chúng ta cần quan tâm tới khái niệm đề tài, đề tài trung tâm.

Theo các tác giả của cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, “đề tài là khái niệm chỉ loại các hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học. Đề tài là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm” [30. 96]. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức cũng đồng tình với ý kiến trên khi khẳng định “Thực chất đề tài là một khái niệm về loại của hiện thực được miêu tả. Có bao nhiêu loại hiện tượng đời sống thì có bấy nhiêu đề tài”. [26. 116]. Đề tài là phương diện nội dung và có mối liên hệ mật thiết với hiện thực cuộc sống trong

những giai đoạn lịch sử, xã hội nhất định bởi “khái niệm loại hình của đề tài không chỉ bắt nguồn từ bản chất xã hội của tính cách mà còn gắn liền với loại hiện tượng lịch sử xuất hiện trong đời sống và có âm vang trong đời sống tinh thần một thời.”[49. 194].

Đối với một nền văn học, mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc đều có những đề tài trung tâm tương ứng, những đề tài đó xuất hiện do có sự đổi mới trong những quan hệ xã hội, nhất là trong những quan hệ giai cấp, bên cạnh đó là do nhiệm vụ của văn học là phải nhận thức và phản ánh kịp thời những bước biến chuyển lớn lao của đời sống. Từ đó “khái niệm đề tài trung tâm được hiểu là một khái niệm lớn hơn, bao quát hơn những đề tài cụ thể của từng tác phẩm; nó chính là mảng hiện thực tập hợp những sự kiện, những hiện tượng, những diễn biến quan trọng nhất của đời sống xã hội, nó thể hiện những nét bản chất nhất của thời kì lịch sử đó.” [26. 117]

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, dân tộc ta đã giành được nền độc lập, cuộc sống và vị thế của nhân dân đã thay đổi từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước. Tuy nhiên, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ vừa ra đời đã phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, tình hình kinh tế kiệt quệ, ngừng trệ, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi. Trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Đảng và nhà nước ta những năm đó đã đưa ra những kế sách thích hợp để bảo vệ chính quyền non trẻ, khắc phục hậu quả kinh tế xã hội. Đứng trước hiện thực cuộc sống mới, đề tài ca dao mang diện mạo mới.

Trên cơ sở cách hiểu thuật ngữ đề tài, đề tài trung tâm của GS. Hà Minh Đức, chúng tôi khảo sát 1.159 bài ca dao và đi đến kết luận 333 bài về đề tài đấu tranh cách mạng (chiếm khoảng 28,73%), 282 bài về đề tài lãnh tụ (chiếm khoảng 24,33%), 122 bài về đề tài sản xuất xây dựng (chiếm khoảng 10,53%), 126 bài về đề tài tình yêu (chiếm khoảng 10, 09%), 81 bài về đề tài gia đình (chiếm khoảng 6,98%), 57 bài về đề tài Tổ quốc, đất nước (chiếm khoảng 4,92%).

Như vậy, đề tài đấu tranh cách mạng, đề tài lãnh tụ, đề tài sản xuất xây dựng chiếm tỉ lệ khá cao trong ca dao từ 1945 đến 1975.

2.1.1. Đề tài đấu tranh cách mạng

Đề tài đấu tranh cách mạng là một trong những đề tài trung tâm của ca dao từ 1945 đến 1975, chiếm 333/1.159 (khoảng 28,73%) bài ca dao được khảo sát.

Hòa vào không khí của cuộc chiến đấu chung của dân tộc, ca dao giai đoạn này chứa chan tinh thần yêu nước, khí thế cách mạng:

Lòng dân như hoa hướng dương, Trăm ngàn đổ lại một phương mặt trời.

Dù cho vật đổi sao dời, Nguyện cùng non nước một lời sắt son.

[46. 536]

Tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu có từ ngàn xưa của dân tộc ta. Đứng trước hai kẻ thù sừng sỏ bậc nhất thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, truyền thống ấy lại được phát huy đến tận độ, tạo thành một sức mạnh to lớn bởi dân tộc ta sẵn sàng hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Điều này đã được phản ánh hết sức chân thực và sinh động trong ca dao từ 1945 đến 1975. Ngay cả những bài ca dao về đề tài tình yêu và gia đình cũng mang tinh thần và khí thế ấy:

Em tôi vừa chẵn đôi mươi

Tôi đùa: “Con út có người yêu chưa?” Nó rằng: “Anh thiệt là xưa

Nếu còn giặc Mỹ, em chưa kia mà…” Má tôi nghe nói cười xòa:

“Rể tao phải là chiến sĩ Khe Sanh.” Nó cười mắt sáng long lanh:

“Chọn rể tài tình nhất má đó nghe!”

[46. 528]

Mặc dù đang ở tuổi “cập kê” nhưng đối với cô gái trong lời ca dao trên nếu còn giặc Mỹ thì việc có người yêu “thiệt là xưa” bởi cô đâu chỉ có nghĩ tới hạnh phúc riêng tư khi đất nước còn có chiến tranh. Nếu có nghĩ tới thì “tiêu chuẩn” chọn người yêu, chọn người bạn đời của cô gái cũng phải là người

chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì nền độc lập, tự do của nước nhà. Tình yêu lứa đôi lúc này đã gắn với tình yêu dân tộc, hạnh phúc lứa đôi đã gắn với nhiệm vụ đấu tranh vì Tổ quốc.

Đề tài đấu tranh cách mạng trong ca dao từ 1945 đến 1975 được thể hiện chủ yếu ở hai nội dung: Thái độ khinh bỉ, lòng căm phẫn lũ bán nước và cướp nước; tinh thần và ý chí quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

Khảo sát 1.159 bài ca dao, chúng tôi thống kê được 47 bài ca dao có nội dung châm biếm, đả kích thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như bè lũ tay sai. Qua những vần thơ dân gian, nhân dân ta đã thẳng thừng vạch trần bộ mặt độc ác, xảo trá của thực dân Pháp:

Mồm thì nào nghĩa nào ơn

Tay thì nào súng, nào gươm trực kề.

[9]

Lấy tư cách là “mẫu quốc”, thực dân Pháp rêu rao đến Việt Nam để khai hóa văn minh cho thuộc địa, dùng những chiêu bài “bình đẳng”, “tự do”, “bác ái” để lừa bịp dân ta. Nhưng trước những hành động vơ vét của cải, tài nguyên thiên nhiên, bóc lột nhân dân với những thủ đoạn dã man, tàn ác, nhân dân ta đã vạch trần bộ mặt thật của chúng và thể hiện sự phản kháng của mình rất quyết liệt.

Đối với thực dân Pháp là vậy, đối với đế quốc Mỹ nhân dân ta cũng bày tỏ thái độ khinh bỉ, sự phản kháng mãnh liệt trước những kế hoạch xâm lược mà chúng thực hiện ở Việt Nam:

Thằng chết cứ cãi thằng khiêng: “Vì quân yểm trợ tồi tèng như ai” Thằng khiêng nói bảo: “thưa ngài

Những ông biết sớm chạy dài hóa khôn” Rõ ràng quan, lính Giôn xơn

Thi môn “rút chạy” còn hơn ngụy nhiều.

[9. 26]

Dưới con mắt của nhân dân ta, lũ xâm lược chỉ là “một lũ tanh hôi”, là phường “chó săn” chỉ biết ăn cướp và bắt nạt những người yếu đuối:

Thừa cơ bẻ bí, bắt gà

Hăm he trẻ nhỏ, hành hung bà già.

[12.151]

Nhân dân ta tỏ rõ thái độ coi thường trước những phương tiện, vũ khí tối tân hiện đại của chúng:

Mày khoe súng đạn tối tân

Chúng ông đây có lòng dân anh hùng.

[12.160]

Bởi vũ khí của chúng dù hiện đại đến đâu, kế hoạch của chúng dù tỉ mỉ đến mức nào cũng phải bất lực trước những chông tre, gậy tầm vông, giáo mác và lòng dũng cảm của một dân tộc anh hùng với truyền thống yêu nước nồng nàn.

Nhân dân ta cũng thể hiện sự khinh bỉ, phẫn nộ đối với những hành động tàn bạo, độc ác mà bè lũ bán nước trong đó có những kẻ đứng đầu chính quyền nhà nước bảo hộ và ngụy quyền Sài Gòn gây ra cho đồng bào:

Thằng Diệm còn quá chó săn

Chuyên đi hút máu, ăn gan đồng bào.

[12. 150]

Mỉa mai làm sao khi những đội quân tinh nhuệ của địch mang những biệt danh rất dũng mãnh như “trâu điên”, “cọp đen”, “mãnh hổ” nhưng trên chiến trường chúng lại lộ nguyên hình là lũ người hèn nhát:

Thằng quan thì hét “nhào dô” Thằng lính thì lại cứ bò như sên Dù mang biệt hiệu “trâu điên”

Gặp quân giải phóng lính liền bỏ qua Vứt giầy, vứt súng, cởi trần

“Trâu điên” đã hóa vịt đàn vỡ tung.

[12. 151]

Cái tâm lý hoang mang, ham sống sợ chết ấy không phải chỉ thấy ở các nhân các binh sĩ mà còn là tâm lý của cả một đơn vị, một tập thể và cả các quan chức cấp cao của địch:

“Quốc gia” vừa nói ba hoa

Nào đâu “tử thủ”, nào là “phản công” Bỗng đâu nghe súng đùng đùng

Nghe hô “Việt Cộng” đã rung thần hồn.

[9. 25]

Thật đáng coi thường cho cái gọi là “Quân đội quốc gia hùng mạnh” của chính quyền Sài Gòn!

Bằng việc vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa và tội ác dã man của bè lũ bán nước và cướp nước, có thể nói ca dao từ 1945 đến 1975 là một vũ khí lợi hại để đánh địch trên mặt trận văn nghệ làm cho địch không ngóc đầu lên được; đồng thời làm cho quân dân ta thêm ý chí quyết tâm và lòng căm thù để chiến đấu đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi nước nhà.

Bên cạnh việc tỏ thái độ khinh bỉ, lòng căm phẫn lũ bán nước và cướp nước, ca dao cũng nói lên tinh thần và ý chí quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Điều này được thể hiện rõ nét qua một số nhân vật như anh bộ đội, người dân quân du kích, người dân công tiếp vận.

Trong ca dao từ 1945 đến 1975, cuộc sống sinh hoạt của các chiến sĩ được khắc họa một cách khá cụ thể. Mặc dù thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc đến cả những giấc ngủ, phải hành quân đường dài đầy gian khổ, phải chiến đấu với kẻ thù hiểm nguy và nhiều khi phải đối mặt với cả cái chết nhưng các anh vẫn luôn vui vẻ và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc chiến đấu:

Ba người một cái chăn bông

Nằm thẳng cũng khổ, nằm cong cũng phiền Đắp dọc thì hở hai bên

Đắp ngang thì… lạnh như tiền hai chân…

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 31/10/2023