Nhận diện ca dao người Việt từ 1945 đến nay - 2

hướng ưu tiên sử dụng thể thơ lục bát. Với những phân tích bước đầu về nghệ thuật và khối lượng lời ca dao đáng kể, cuốn sách này là một trong những cơ sở đáng tin cậy để nghiên cứu ca dao hiện đại trong tiến trình tồn tại, vận động của thể loại.

Chuyên luận Sự chuyển đổi thi pháp từ ca dao cổ truyền đến ca dao hiện đại [32] của tác giả Nguyễn Hằng Phương đã đặt ra vấn đề nghiên cứu các yếu tố thuộc thi pháp trong trạng thái động và đưa ra những phân tích, lý giải quy luật cơ bản chi phối sự chuyển đổi thi pháp ca dao trong tiến trình lịch sử. Đây thực sự là những đóng góp khoa học quý báu giúp chúng tôi có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn đối tượng nghiên cứu.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài

- Một số bài ca dao người Việt từ 1945 đến nay được biên soạn, xuất bản dưới dạng văn bản viết và những lời ca dao do chúng tôi sưu tầm từ trong đời sống dân gian.

- Những đối tượng khác được nhắc đến trong luận văn chỉ nhằm mục đích liên hệ, so sánh làm nổi bật lên đặc điểm của đối tượng nghiên cứu.

3.2. Phạm vi nghiên cứu của đề tài

Một số cuốn sách về ca dao có ghi rõ nguồn gốc, cách thức sưu tầm biên soạn. Cụ thể:

- Kho tàng ca dao người Việt (11825 lời) (Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội.)

- Ca dao Việt Nam 1945 -1975 (745 lời) (Nguyễn Nghĩa Dân, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

- Ca dao sưu tầm (từ 1945 đến nay) (400 lời) (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.)

- Ca dao chống Mỹ cứu nước, tập ba (100 lời) (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội.)

Nhận diện ca dao người Việt từ 1945 đến nay - 2

- Cụ Hồ ở giữa lòng dân (200 lời) (Lê Tiến Dũng, Trần Hoàng sưu tầm, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.)

- Ngoài ra, chúng tôi cũng chọn sử dụng 594 lời ca dao từ 1945 đến nay do tác giả luận văn sưu tầm.

4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Chúng tôi thực hiện đề tài Nhận diện ca dao người Việt từ 1945 đến nay

nhằm mục đích:

- Tìm hiểu một số đặc điểm của ca dao người Việt trong tiến trình tồn tại, vận động của thể loại.

- Chỉ ra những điểm kế thừa và phát triển của ca dao người Việt từ 1945 đến nay so với ca dao người Việt cổ truyền.

- Trên cơ sở đó, bước đầu nhận diện ca dao người Việt từ 1945 đến nay trên một số phương diện nội dung, thi pháp.

Để đạt được những mục đích nêu trên, chúng tôi xác định những nhiệm vụ sau:

- Tìm hiểu những vấn đề lí luận và thực tiễn có liên quan đến đề tài làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu.

- Dựa trên cơ sở lí luận của đề tài, người nghiên cứu tiến hành khảo sát, thống kê các bài ca dao hiện đại đã được sưu tầm và biên soạn; phân tích, so sánh, đối chiếu để rút ra được một số yếu tố thuộc thể loại của ca dao người Việt truyền thống và ca dao người Việt hiện đại, từ đó thấy được đặc điểm và bước đầu nhận diện ca dao người Việt thời kỳ hiện đại.

5. Phương pháp nghiên cứu

Căn cứ vào mục đích, đối tượng nghiên cứu của đề tài, luận văn sử dụng các phương pháp sau:

- Phương pháp thống kê: Với phương pháp này, chúng tôi sử dụng để tiến hành khảo sát các bài ca dao người Việt từ 1945 đến nay đã được sưu tầm và biên soạn. Sau đó lập bảng thống kê số lời, tỉ lệ % làm cơ sở nghiên cứu đề tài.

- Phương pháp phân tích – tổng hợp: Với phương pháp này, chúng tôi tiến hành phân tích những tài liệu lí thuyết về thể loại, thể loại văn học, vấn đề ca dao hiện đại và những lời ca dao hiện đại… trên cơ sở phân tích đó, chúng tôi

có thể tổng hợp lại những đặc điểm cơ bản thành hệ thống. Qua đó, giúp chúng tôi có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn những vấn đề có liên quan đến đề tài và bản thân đối tượng nghiên cứu.

- Phương pháp so sánh, đối chiếu: Sử dụng phương pháp này, chúng tôi tiến hành so sánh, đối chiếu các đặc điểm thuộc thể loại của ca dao từ 1945 đến nay với ca dao trước đó từ đó làm nổi bật lên ý nghĩa, vai trò của ca dao từ 1945 đến nay trong tiến trình tồn tại, vận động của thể loại.

- Phương pháp điền dã văn học: Bằng việc tìm hiểu thực tế, trao đổi trực tiếp với người dân trong những lần điền dã ở một số địa phương, chúng tôi đã sưu tầm được những lời ca dao hiện đại đang được lưu truyền trong đời sống nhân dân chưa được sưu tầm và biên soạn thành sách. Phương pháp này giúp cho người thực hiện luận văn thấy được sự tồn tại, phát triển của ca dao người Việt trong cuộc sống đương đại và có thêm tư liệu mới để triển khai vấn đề nghiên cứu.

6. Đóng góp của luận văn

- Nghiên cứu một cách tương đối đầy đủ, hệ thống về nội dung và thi pháp của ca dao người Việt từ 1945 đến nay.

- Bước đầu chỉ ra sự vận động của đề tài, cảm hứng chủ đạo cũng như một số đặc điểm thuộc thi pháp của bộ phận ca dao truyền thống so với bộ phận ca dao từ 1945 đến nay.

7. Bố cục của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung luận văn được thể hiện trong 3 chương:

Chương 1: Một số vấn đề chung liên quan đến đề tài Chương 2: Ca dao người Việt từ 1945 đến 1975

Chương 3: Ca dao người Việt từ 1975 đến nay

NỘI DUNG

Chương 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI


Có thể khẳng định rằng trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ca dao là thể loại tiêu biểu và mang nhiều giá trị. Điều đó được thể hiện trong quá trình phát triển của văn học Việt Nam từ xưa đến nay, ca dao luôn giữ một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tiếng nói của dân tộc. Bên cạnh đó, ca dao còn phản ánh các sinh hoạt, biểu hiện những nhận xét, những ý nghĩ của nhân dân về mọi lĩnh vực của cuộc sống thông qua hệ thống những phương thức, biện pháp, phương tiện nghệ thuật truyền thống đặc thù. Vì vậy, nghiên cứu ca dao là tiếp cận một vấn đề khoa học thực sự có giá trị và thú vị.

Để tiến hành nghiên cứu khoa học cũng như nghiên cứu khoa học văn học một cách thuận tiện và đạt hiệu quả tốt cần dựa trên cơ sở lý luận và thực tế của chuyên ngành. Thực hiện đề tài Nhận diện ca dao người Việt từ 1945 đến nay chúng tôi cũng cần phải quan tâm tới những vấn đề trên. Trong chương này, chúng tôi xin nêu ra bối cảnh lịch sử, các khái niệm đã được thống nhất và một số vấn đề có liên quan đến đối tượng nghiên cứu.

1.1. Bối cảnh lịch sử nước ta từ 1945 đến nay

Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, ngay sau khi giành được độc lập và trong năm năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, đất nước ta lâm vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” với muôn vàn khó khăn thử thách: Nhân dân ta vừa xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, giải quyết nạn đói, nạn dốt và giải quyết những khó khăn về tài chính, vừa tiến hành đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài để bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Từ cuối năm 1946, toàn dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp trên phạm vi cả nước. Cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) được tiến hành trong điều kiện chúng ta đã giành được độc lập và chính quyền. Vì vậy,

vừa kháng chiến vừa kiến quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong thời kì này.

Đến năm 1950, Đế quốc Mỹ nhảy vào can thiệp cuộc chiến tranh giữa nhân dân ta với thực dân Pháp. Bằng những chủ trương đúng đắn của Đảng cùng với tinh thần đoàn kết của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn như: Chiến thắng Việt Bắc thu - đông năm 1947, chiến thắng Biên giới thu - đông năm 1950, chiến thắng Đông - Xuân 1953-1954. Trong đó, Điện Biên Phủ là trận thắng quyết định và vang dội nhất “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” dẫn tới việc Thực dân Pháp buộc phải ký kết hiệp định Giơnevơ về Đông Dương năm 1954, kết thúc chiến tranh.

Mặc dù trên mặt trận quân sự không ngừng nổ tiếng súng nhưng suốt từ sau thành công của Cách mạng tháng Tám, công cuộc kiến quốc nhằm xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh luôn được Đảng ta quan tâm, chăm lo xây dựng. Điều đó cũng tạo tiền đề quan trọng để đất nước ta tiến lên Chủ nghĩa xã hội sau khi chiến tranh kết thúc.

Sau khi hiệp định Giơnevơ được kí kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền và mỗi miền lại tiến hành những nhiệm vụ khác nhau: miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Xuất phát từ tình hình đó, Đảng đề ra nhiệm vụ cho cách mạng từng miền với hai chiến lược khác nhau, đưa ra nhiệm vụ chung cho cách mạng hai miền là “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, đồng thời Đảng cũng xác định mối quan hệ giữa cách mạng hai miền, xác định vị trí và vai trò của cách mạng từng miền.

Nhân dân miền Bắc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng trong thời kì quá độ lên Chủ nghĩa xã hội là thực hiện các đợt cải cách ruộng đất, các kế hoạch nhà nước tức là vừa sản xuất vừa lao động xây dựng. Khi Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trong cả hai đợt

(đợt 1 từ năm 1965 đến năm 1968, đợt 2 từ năm 1972 đến năm1973) thì miền Bắc kết hợp chiến đấu với sản xuất. Không những thế, miền Bắc còn làm nhiệm vụ to lớn là hậu phương chi viện cả về sức người lẫn sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ngoài ra miền Bắc còn thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Lào và Campuchia. Kết quả là miền Bắc đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ trong cả hai đợt. Với những thành quả đó của miền Bắc cùng với những thắng lợi trên chiến trường miền Nam đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán trong hội nghị Paris.

Nhân dân miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh chính trị phát triển lên khởi nghĩa (từ năm 1959-1960) rồi chiến tranh giải phóng (từ giữa năm 1961), kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh trải qua năm giai đoạn, lần lượt đánh bại chiến lược thống trị và xâm lược thực dân mới của Đế quốc Mỹ. Từ năm 1954 đến năm 1960, nhân dân miền Nam đã đánh bại chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Aixenhao, từ năm 1965 đến năm 1968 đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Giônxơn, từ năm 1969 đến năm 1973 đánh bại về cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Níchxơn khiến “ Mỹ cút”; từ năm 1973 đến năm 1975 đánh bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Níchxơn và Pho làm cho “Ngụy nhào”.

Mùa xuân năm 1975 đất nước ta đã đánh đuổi được Đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai, giành được những thắng lợi to lớn. Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, đất nước hoàn toàn độc lập và thống nhất. Đến đây cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kì mới – thời kì Cách mạng Xã hội chủ nghĩa trong cả nước.

Trong mười năm đầu tiên (1976-1986), nhân dân ta thực hiện hai kế hoạch nhà nước 5 năm từ 1976 đến năm1980 và từ năm 1981 đến năm 1985 do đại hội IV (12/1976) và đại hội V (3/1982) của Đảng đề ra. Bên cạnh những thành tựu và ưu điểm, ta gặp không ít khó khăn, khuyết điểm. Khó khăn của ta ngày

càng lớn, sai lầm chậm được sửa chữa đã đưa đất nước đến khủng hoảng về kinh tế - xã hội.

Để khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và đẩy mạnh cách mạng Xã hội chủ nghĩa tiến lên, Đảng và nhân dân ta phải tiến hành đổi mới. Bên cạnh đó những đổi thay của tình hình thế giới do tác động của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật, cuộc khủng hoảng toàn diện, trầm trọng ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác cũng đòi hỏi Đảng và nhà nước ta phải tiến hành đổi mới. Như vậy đổi mới là vấn đề cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với chủ nghĩa xã hội nước ta và đường lối đổi mới của Đảng đã được đề ra từ đại hội VI (1986). Đến năm 2000, năm cuối của thập kỷ XX, nhân dân ta đã thực hiên thắng lợi ba kế hoạch nhà nước năm năm do đại hội VI (12/1986), đại hội VII (6/1991) và đại hội VIII (6/1996) của Đảng đề ra. Từ năm 2000 đến nay nước ta vẫn đang trong thời kì công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhân dân ta đã và đang đạt được những thành tựu rất quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Mặc dù trong mỗi lĩnh vực còn tồn tại những mặt yếu kém, hạn chế tuy nhiên những gì nhân dân ta đạt được trong thời gian qua đã khẳng định đường lối của Đảng là đúng đắn, bước đi của công cuộc đổi mới là phù hợp. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, vững bước tiến lên Chủ nghĩa xã

hội mang đậm bản sắc Việt Nam.

Văn học là tấm gương phản ánh thời đại. Từ 1945 đến nay, đất nước ta có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, tác động sâu sắc tới toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc trong đó có văn học nghệ thuật.

Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, ý thức được vai trò quan trọng của văn hóa, văn nghệ đối với đời sống nhân dân nên trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, Đảng và nhà nước đã đưa ra những đường lối văn nghệ với những

chủ trương đúng đắn như “văn hóa hóa kháng chiến”, “cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt”… góp phần khơi nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà văn cũng như của nhân dân và tạo nên những thành tựu đặc sắc của văn nghệ kháng chiến.

Sau khi giành được nền độc lập, tự do và thống nhất nước nhà, đất nước ta lại gặp những khó khăn, thử thách mới nhất là khó khăn về kinh tế - hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài suốt ba mươi năm. Tình hình đó đòi hỏi đất nước ta phải đổi mới. Từ năm 1986, với công cuộc đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo, kinh tế nước ta từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường, văn hóa cũng có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với văn hóa nhiều nước trên thế giới. Đất nước bước vào công cuộc đổi mới thúc đẩy nền văn học cũng phải đổi mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cũng như quy luật phát triển khách quan của văn học.

Văn học viết nói chung, văn học dân gian nói riêng trong đó có thể loại ca dao luôn bám sát những sự kiện lịch sử dân tộc. Trong ba mươi năm đất nước có chiến tranh (1945 - 1975), ca dao đã hoàn thành nhiệm vụ của nó bằng việc cổ vũ, ngợi ca cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân, ngợi ca công ơn của Đảng và Bác đối với sự nghiệp giải phóng nước nhà… Ngày nay, khi đất nước đã giành lại được hòa bình, văn học nghệ thuật chuyên nghiệp có điều kiện phát triển mạnh mẽ, ca dao vẫn tiếp tục tồn tại và thực hiện nhiệm vụ phản ánh đời sống của mình theo một cách riêng.

1.2. Khái niệm ca dao cổ truyền và vấn đề ca dao hiện đại

Cho đến thời điểm hiện nay, đa số các nhà nghiên cứu đều đã đi đến thống nhất lấy mốc lịch sử tháng Tám 1945 để phân chia văn học dân gian nói riêng và ca dao người Việt nói chung thành hai bộ phận: ca dao người Việt từ 1945 trở về trước (còn gọi là ca dao truyền thống, ca dao cổ truyền) và ca dao người Việt từ 1945 đến nay (hay ca dao mới, ca dao hiện đại). Trong khuôn khổ của luận văn, xin độc giả lưu ý khi tác giả nhắc tới thuật ngữ ca dao đồng nghĩa với thuật ngữ ca dao người Việt.

Xem tất cả 161 trang.

Ngày đăng: 31/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí