Đời Sống Và Sinh Mệnh Của Ca Dao Hiện Đại Qua Các Thời Kì Lịch Sử

1.2.1. Khái niệm ca dao cổ truyền

Về cơ bản mọi vấn đề liên quan đến ca dao cổ truyền đều đã được minh định.

Cũng như các sự vật hiện tượng khác, cách hiểu thế nào là ca dao cũng đã có sự vận động, biến đổi trong tiến trình lịch sử.

Theo nghĩa gốc thì “ca là bài hát có khúc điệu, dao là bài hát không có khúc điệu” [50. 26], cũng có thời gian người ta đồng nhất ca dao với dân ca khi cho rằng “ca dao là danh từ chung chỉ toàn bộ những bài hát lưu hành phổ biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu” [50. 26]

Trải qua tiến trình vận động của lịch sử, ca dao ngày càng xa rời với nghĩa gốc ban đầu và ngày nay, nội hàm khái niệm ca dao dần dần đã có sự thu hẹp. Ca dao được hiểu chủ yếu là phần lời của những tác phẩm dân ca và như vậy là ca dao đã tách ra môi trường sáng tạo ra nó một cách độc lập tương đối. Thí dụ:

Ba quan một chiếc thuyền nan, Có về với hội gái ngoan tầm chồng.

Ba quan một chiếc thuyền rồng, Có về với hội có công đi tìm.

Lời ca dao trên được xem là rút từ bài quan họ Bắc Ninh “Mời trầu” với những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi như sau: Ba quan(i) một chiếc (là chiếc) thuyền nan (i), có về (là về) với hội có gái ngoan (gái ngoan); Ba quan (i) một chiếc (là chiếc) thuyền rồng, có về (là về) với hội có cái công (cái công) đi tìm.

Như vậy, ca dao cổ truyền (hay ca dao cổ) là khái niệm chỉ riêng thành phần nghệ thuật ngôn từ (phần lời thơ) của dân ca (không kể tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi) được sáng tác và sưu tầm chủ yếu từ Cách mạng tháng Tám trở về trước. Chúng tôi tán đồng với ý kiến của nhà nghiên cứu văn học dân gian Hoàng Tiến Tựu khi ông đưa ra một định nghĩa về ca dao một cách khá đầy đủ và cập nhật: “Ca dao là bộ phận chủ yếu và quan trọng nhất của thơ dân gian, là loại thơ dân gian truyền thống có phong cách riêng, được hình

thành và phát triển trên cơ sở của thành phần nghệ thuật ngôn từ trong các loại dân ca trữ tình ngắn và tương đối ngắn (đoản ca) của người Việt.” [50. 139-140]

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

1.2.2. Vấn đề ca dao hiện đại

Văn học dân gian hiện đại đã từng là vấn đề gây nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu nước ta cũng như giới nghiên cứu ở nhiều nước khác trên thế giới. Bên cạnh một số ý kiến phân vân, thậm chí phủ nhận sự tồn tại của văn học dân gian hiện đại còn có nhiều ý kiến khẳng định sự tồn tại tự nhiên và vai trò quan trọng của nó trong đời sống xã hội hiện đại. Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi vấn đề văn học dân gian hiện đại trong đó có ca dao hiện đại được chính thức nêu ra tranh luận với tư cách là một thông tin khoa học mang tính thời sự, ca dao hiện đại vẫn tồn tại, vận động và phát triển theo quy luật vốn có của nó. Điều đó đã được chứng minh trong thực tế bằng sự xuất hiện một số cuốn sách sưu tầm, nghiên cứu và những bài viết quan tâm tới thể thơ dân gian này. Như vậy, những ý kiến khẳng định sự tồn tại của văn học dân gian hiện đại trong đó có ca dao hiện đại đã được thử thách qua thời gian.

Nhận diện ca dao người Việt từ 1945 đến nay - 3

Một điểm đáng lưu ý là vấn đề ranh giới giữa một số thể loại văn học dân gian cổ truyền và văn học dân gian hiện đại trong đó có ca dao cổ truyền và ca dao hiện đại nhiều khi chưa có sự phân định rõ ràng. Bởi, mặc dù chúng ta đã thống nhất lấy mốc lịch sử là Cách mạng tháng Tám 1945 để phân biêt hai bộ phận ca dao cổ truyền và ca dao hiện đại nhưng nếu chúng ta quan niệm những lời ca dao cổ truyền đã sưu tầm ở dạng tĩnh, những lời ca dao cổ truyền vẫn được lưu truyền trong đời sống nhân dân ở dạng động thì sẽ xảy ra hai tình trạng. Thứ nhất là chúng vận động trong môi trường sinh hoạt và những đặc điểm của truyền thống nghệ thuật cũ đã được cải biên. Thứ hai là chúng vận động trong môi trường sinh hoạt nhưng không có sự biến đổi. Vì bộ phận ca dao ở tình trạng thứ hai mặc dù vẫn phát huy sức sống của nó trong môi trường sinh hoạt dân gian đương đại nhưng vẫn giữ nguyên toàn bộ đặc điểm nội dung, hình thức nghệ thuật như nó vốn có trước Cách mạng tháng Tám nên chúng ta không xếp nó vào ca dao hiện đại.

Như vậy, những lời ca dao cổ truyền mang những truyền thống nghệ thuật cũ, những lời ca dao hiện đại mang những truyền thống nghệ thuật cũ nhưng đã được cải biên và những truyền thống nghệ thuật mới được định hình trong thời hiện đại.

Bên cạnh vấn đề ranh giới giữa ca dao cổ truyền – ca dao hiện đại, ranh giới giữa ca dao hiện đại với thơ của các tác giả chuyên nghiệp và thơ ca trong các phong trào sáng tác văn nghệ quần chúng cũng là một vấn đề đáng lưu ý.

Khác với thơ ca của các tác giả chuyên nghiệp, thơ ca nảy sinh trong các phong trào quần chúng thường mang phong cách nghệ thuật riêng, ca dao hiện đại với tư cách là một bộ phận của thể loại sáng tác dân gian nên nó sẽ vận động theo quy luật riêng, mang những truyền thống nghệ thuật của thể loại trữ tình này. Với tư cách là sáng tác dân gian, những lời ca dao hiện đại sẽ mang đặc trưng tập thể. Với tư cách là một phạm trù thẩm mỹ, những lời ca dao hiện đại sẽ mang những đặc điểm nghệ thuật dân gian truyền thống và vận động theo quy luật của sáng tác dân gian như quy luật kế thừa truyền thống, quy luật chọn lọc tập thể, hay những quy luật vận động biến đổi của lịch sử xã hội. Những lời thơ sau đây mặc dù chưa mang đầy đủ các đặc trưng của sáng tác dân gian truyền thống, nhưng người ta có thể xác định nó là tác phẩm ca dao hiện đại bởi nó mang tâm lý sáng tác tập thể, mang dấu ấn nghệ thuật dân gian truyền thống:

Anh đi anh nhớ quê nhà Nhớ em mảnh đất giá ba tỉ đồng.


Lời hứa chẳng mất tiền mua Thôi thì cứ hứa cho vừa lòng nhau.


[6]


[6]

Ca dao hiện đại cho tới nay vẫn duy trì một số đặc điểm nghệ thuật của ca dao truyền thống như thể thơ lục bát, cách diễn đạt giản dị, mộc mạc… Tuy nhiên giữa ca dao hiện đại và ca dao cổ truyền cũng tồn tại một điểm khác đó là

nội dung phản ánh. Ở bộ phận ca dao cổ truyền, hiện thực đời sống được phản ánh trong các tác phẩm chủ yếu là những vấn đề riêng tư trong cuộc sống lứa đôi. Còn ở bộ phận ca dao hiện đại, tác giả dân gian lại tập trung nhiều hơn vào các vấn đề liên quan tới xã hội, đất nước như vận mệnh dân tộc, xây dựng, Tổ Quốc, các hiện tượng tiêu cực, những thói hư tật xấu trong đại bộ phận quan chức cũng như trong nhân dân.

Chúng tôi tán đồng với ý kiến của tác giả cuốn chuyên luận Sự chuyển đổi thi pháp từ ca dao cổ truyền đến ca dao hiện đại khi tác giả đưa ra một số “dấu hiệu” để trên cơ sở đó, chúng ta có thể nhận diện ca dao hiện đại:

“Thứ nhất, ca dao hiện đại là những lời thơ mang đặc điểm nghệ thuật dân gian truyền thống, phù hợp với quan niệm nghệ thuật mới và hiện thực đời sống của nhân dân ta trong thời kì hiện đại.

Thứ hai, ca dao hiện đại là những tác phẩm ca dao mang tâm lý sáng tác tập thể. Đối tượng được phản ánh trong các tác phẩm là những hiện tượng đời sống gây tác động vào một tập thể nhất định chứ không chỉ ảnh hưởng vào từng cá nhân.

Thứ ba là ca dao hiện đại có thể ra đời từ nhiều nguồn khác nhau như: từ những lời thơ mô phỏng các sáng tác của các tác giả chuyên nghiệp, của các phong trào văn hóa văn nghệ nghiệp dư, trong sinh hoạt văn hóa dân gian. Điều quan trọng là những lời thơ ấy phải được lưu truyền rộng rãi trong dân gian bằng các phương thức truyền miệng, mang ý nghĩa thẩm mỹ của tính truyền miệng, thích hợp với nghệ thuật diễn xướng dân gian.” [32. 87-88]

Ba “dấu hiệu” trên cũng chính là những tiêu chí chúng tôi sử dụng khi sưu tầm và phân loại ca dao hiện đại.

Như ở trên chúng tôi đã đề cập, ca dao hiện đại là ca dao ra đời sau 1945 – năm đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử nước nhà và cũng là năm đánh dấu sự thay đổi lớn lao của văn học viết, văn học dân gian nói chung

cũng như ca dao nói riêng về các phương diện hoàn cảnh sáng tác, lực lượng sáng tác, hệ thống đề tài, chủ đề cùng các phương thức, phương tiện sáng tác, lưu truyền.

Ca dao cổ truyền chủ yếu là những lời của sáng tác dân ca với đề tài và chủ đề khá phong phú, ra đời trong các cuộc sinh hoạt ca hát dân ca với lực lượng tham gia sáng tác chủ yếu là tầng lớp nông dân và vai trò “cầm càn” của những người trí thức; phương thức sáng tác tập thể và phương tiện lưu truyền bằng miệng chiếm ưu thế. Khác với ca dao cổ truyền, ca dao hiện đại ra đời và tồn tại trong một giai đoạn lịch sử hoàn toàn mới chính vì vậy mà giữa hai bộ phận này có sự khác nhau trên nhiều phương diện.

Từ 1945 đến mùa xuân 1975, đất nước ta tiếp tục phải đương đầu với hai kẻ thù sừng sỏ bậc nhất của thế giới lúc bấy giờ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Văn học là tấm gương lớn phản ánh thời đại, để làm tròn sứ mệnh của mình, văn học viết, văn học dân gian trong đó có ca dao cũng tiếp tục ra đời. Ca dao ra đời mọi lúc: từ trong các cuộc bộ đội hành quân, trong các cuộc dân công đi tiếp vận, trong các cuộc sinh hoạt câu lạc bộ, trong những cuộc thi sáng tác ca dao… Ca dao ra đời mọi nơi: từ hậu phương tới tiền tuyến. Ca dao lúc này không chỉ là phần lời của những làn điệu dân ca mà còn là những lời thơ cất lên trong các sinh hoạt văn hóa văn nghệ đa dạng của quần chúng: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hiện nay, cũng như trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây, ca dao phát triển rất mạnh. Có thể nói nơi nào có những hoạt động của quần chúng là nơi đó có thơ ca. Giờ đây lời thơ không những chỉ vang lên trong câu lạc bộ của các hợp tác xã, trong các buổi liên hoan văn nghệ hoặc nơi xóm làng có tiếng ru của các bà mẹ, mà còn vang lên cả trên những mâm pháo và các chiến hào còn sặc mùi thuốc súng sau mỗi trận chiến đấu ác liệt.” [49. 108]. Ca dao hiện đại không chỉ được sáng tác và lưu truyền bằng hình thức truyền miệng mà còn lưu truyền thông qua văn tự. Phạm vi đề tài được mở rộng, bên cạnh những đề tài truyền thống quen thuộc là những đề tài mới mang hơi thở thời đại, chủ đề cũng hết sức đa dạng, phong

phú. Lực lượng sáng tác và lưu truyền ca dao có thêm sự góp mặt của bộ đội, dân công, công nhân… Chính những sự thay đổi ở các phương diện trên đã làm nên sự khác biệt giữa ca dao truyền thống và ca dao hiện đại và chứng tỏ thể loại ca dao đã có sự vận động, biến đổi mạnh mẽ trong tiến trình lịch sử.

Tác giả cuốn chuyên luận Sự chuyển đổi thi pháp từ ca dao cổ truyền đến ca dao hiện đại đã đưa ra khái niệm ca dao hiện đại một cách khá hoàn chỉnh: “Ca dao hiện đại (hay ca dao mới) là khái niệm chỉ thành phần nghệ thuật ngôn từ của các loại dân ca (không kể những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi) và những lời thơ mang truyền thống nghệ thuật dân gian, ra đời và tồn tại trong thời kì hiện đại”. [32. 91]

1.3. Đời sống và sinh mệnh của ca dao hiện đại qua các thời kì lịch sử

Có hay không có văn học dân gian hiện đại, ca dao hiện đại là vấn đề đã được đặt ra từ nhiều thập kỉ trước, ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Ở Việt Nam vấn đề này cũng đã làm tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu cũng như của báo chí.

Trước đây khi bàn về vấn đề này các nhà nghiên cứu đã chia ra thành ba luồng ý kiến khác nhau:

Một số học giả quan niệm rằng từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, văn học dân gian đã dần mất đi và thay vào đó là văn học thành văn phát triển rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Như vậy, ý kiến này phủ nhận việc có văn học dân gian hiện đại, ca dao hiện đại.

Một số nhà nghiên cứu khác không tán đồng với ý kiến trên, tuy nhiên họ lại khẳng định rằng trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử mới không thể có một loại hình văn học dân gian riêng biệt mà nó phát triển hòa cùng với văn học thành văn.

Đại đa số các nhà nghiên cứu nghiêng về luồng ý kiến thứ ba khẳng định sự tồn tại tự nhiên của văn học dân gian hiện đại với tư cách là một loại hình văn học nghệ thuật riêng biệt. “Có nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng từ sau Cách mạng, nhân dân ta vẫn không quên, không ngừng sáng tạo trong lĩnh vực văn

học dân gian với những thể loại và hình thức sinh hoạt truyền thống của nó.” [23. 36]. Theo GS. Trần Quốc Vượng “Bao giờ còn dân thì bấy giờ còn Phôncơlo, “dân vạn đại” thì Phôncơlo cũng vạn đại” [52. 76]. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh còn đưa ra những lý giải về sự tồn tại, phát triển của thơ ca kháng chiến cũng như ca dao hiện đại thời kì này: “Dân tộc ta từ xưa vốn thích làm thơ, ngâm thơ. Từ sau Cách mạng tháng Tám, số người thích làm thơ, ngâm thơ lại càng thêm nhiều. Một mặt, hàng triệu người thoát nạn mù chữ, tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; Một mặt khác, cuộc sống kháng chiến gian nan và phong phú. Con người kháng chiến lo lắng, hồi hộp, chờ đợi, hy vọng, phấn khởi, sống còn trong một hai năm, nhiều hơn những cuộc sống kéo dài trong hàng thế kỉ. Do đó càng thấy cần phải có thơ, các nhà thơ làm thơ, anh cán bộ chính trị, anh bộ đội quân sự, anh công an, anh bình dân học vụ, anh thông tin, anh đội viên binh nhì, các chị phụ nữ, các em thiếu nhi hết thảy đều biết làm thơ… Trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta tiếng súng, tiếng nhạc, tiếng thơ cùng hòa điệu.” [51. 63]. Tán đồng với ý kiến có sự tồn tại của văn học dân gian hiện đại, học giả Đinh Gia Khánh còn khẳng định văn học dân gian còn phát triển hơn trước kia “Ngày nay, khi quần chúng bắt tay vào lao động với ý thức mới, với niềm vui phấn khởi chưa từng có thì văn học xuất phát từ đời sống của quần chúng, văn học do quần chúng sáng tác tức là văn học dân gian lại có điều kiện phát triển hơn trước kia.” [29. 470].

Ngày nay, đại đa số các nhà nghiên cứu thống nhất quan điểm có văn học dân gian hiện đại, có ca dao hiện đại. Ca dao hiện đại do chịu nhiều yếu tố chi phối vẫn tiếp tục tồn tại, có giai đoạn phát triển, có giai đoạn chững lại.

Do đặc điểm dễ nhớ, dễ thuộc, linh động, phản ánh chân thực, nhanh chóng và khách quan các hiện tượng của hiện thực cuộc sống mà ca dao hiện đại ngày càng khẳng định được vị trí và vai trò của nó trong đời sống xã hội. Cùng với sự thay đổi của hoàn cảnh, ca dao hiện đại cũng có sự vận động trong tiến trình lịch sử. Việc phân chia các giai đoạn phát triển của ca dao hiện đại

cũng chỉ mang tính chất tương đối. Có thể phân kì các giai đoạn phát triển của ca dao hiện đại như sau:

Ca dao hiện đại từ 1945 đến 1975 Ca dao hiện đại từ 1975 đến nay.

Trong từng giai đoạn, ca dao hiện đại có sự tồn tại và phát triển khác nhau.

1.3.1. Ca dao người Việt từ 1945 đến 1975

Ca dao từ 1945 đến 1975 được chia thành hai bộ phận: Ca dao từ 1945 đến 1954 và ca dao từ 1954 đến 1975.

Từ 1945 đến 1954, thực hiện chủ trương “cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt” do Đảng phát động, các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ trong những đợt đi thâm nhập thực tế “đã có dịp được chứng kiến một sự phát triển rầm rộ và phong phú của phong trào văn nghệ quần chúng”. [23.87]

Do ra đời trong hoàn cảnh lịch sử mới, với điều kiện sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu mới nên ca dao thời kì này có nhiều điểm khác về nội dung phản ánh, phương thức sáng tác cũng như lưu truyền so với ca dao trước đó.

Nếu như trước đây lực lượng sáng tác chính của ca dao là đại đa số quần chúng nhân dân lao động mà chủ yếu là nông dân thì đến thời kì này lực lượng sáng tác lại hùng hậu và phong phú hơn bao giờ hết. Từ người nông dân, công nhân, trí thức đến anh vệ quốc quân, chị thanh niên xung phong, từ các em nhỏ đến các cụ già ai ai cũng tham gia vào việc sáng tác ca dao. Công việc chính của họ là lao động, sản xuất, học tập nhưng với phẩm chất nghệ sĩ đã thấm đượm trong tâm hồn, mà cảm hứng thi ca đã đến với họ ngay cả trong những công việc hàng ngày đó. Họ đọc lên những câu thơ, ngân nga những câu ca để giãi bày cảm xúc, bộc lộ tâm trạng. Nội dung của những lời thơ, câu hát ấy cũng giản dị, mộc mạc nhưng lại hết sức nhân văn như chính cuộc đời họ đó là: tình hình sản xuất, sinh hoạt của quần chúng, sự chịu đựng gian khổ, bền bỉ và dũng cảm trong chiến đấu, yêu lao động, yêu tự do, những mối tình nồng thắm, lành mạnh giữa nam nữ, tình yêu quê hương, đất nước…

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 31/10/2023