Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 14


Trong truyền kì Việt Nam thời trung đại, các nhân vật kì ảo có khả năng biến hóa phi phàm như các vị thần trong thần thoại. Trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang (Truyền kì mạn lục), hồn ma hóa thành một người con gái tuổi mười bảy, mười tám, nhan sắc xinh tươi, rạng rỡ. Trong Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang (Truyền kì mạn lục), vượn và cáo muốn ngăn những chuyến đi săn của vua và tùy tùng. Vượn và cáo biến thành hai người đàn ông. Sau khi đàm đạo rồi từ biệt Hồ Quý Ly, họ hiện nguyên hình rồi biến mất.

Bên cạnh khả năng biến hóa phi phàm, các nhân vật yêu ma còn mang trong mình tình yêu lứa đôi rất táo bạo, phóng túng. Truyền kì có nhiều truyện viết về tình yêu từ buổi đầu gặp mặt, viết về sự rung động của hai người khác phái, bất chấp “môn đăng hộ đối”, bất chấp là người, tiên hay ma quỷ. Đặc biệt, tất cả các câu chuyện viết về tình yêu trong truyền kì đều để cho các nhân vật chính đắm chìm trong ân ái, hoan lạc. Truyền kì có rất nhiều những cụm từ “bèn cùng nhau giao hoan”, “bèn dắt nhau lên giường”, “ân ái mười phân thỏa nguyện”… Các chàng thư sinh, các cô gái xinh đẹp rất giỏi thơ phú thường xuyên làm thơ tả cảnh hoan lạc. Trong Chuyện cây gạo (Truyền kì mạn lục), Trình Trung Ngộ trên đường đi liếc thấy một nàng ma tuyệt sắc thì xao động tâm hồn, người đẹp cũng đáp lại tình yêu của chàng; biết nàng là ma, chàng nguyện chết theo nàng. Truyền kì xem tình yêu đôi lứa là thứ tình cảm bản năng của mỗi con người. Nhiều nhân vật ảo như ma quỷ, tinh hoa, tiên cũng xen lẫn vào thế giới của con người để kiếm tìm tình yêu lứa đôi. Các nhân vật ảo này thường hiện ra trong lốt của những người con gái xinh đẹp, tươi trẻ, lúc nào cũng tràn đầy sinh lực, khát khao yêu đương, chủ động đi tìm người đàn ông của cuộc đời mình.

Cũng như cổ mẫu thần, cổ mẫu yêu ma mang lại cho con người những phức cảm. Yêu ma có nguồn gốc xuất thân, khả năng kì lạ không khỏi khiến con người cảm thấy e dè, thậm chí hoảng sợ khi tiếp xúc với chúng. Với sự định hướng của Nho giáo, với tâm thức người Việt trọng thực tiễn; yêu ma thường bị xem như những những nhân vật luôn quấy nhiễu, gây hại tới cuộc sống con người. Trong Truyện yêu nữ Châu Mai (Thánh Tông di thảo), người địa phương rất sợ nữ yêu tinh “khi nó hiện ra người đầu to bằng bánh xe, hoặc hai đầu sáu mình, ai trông thấy cũng chết khiếp” (Trần Nghĩa, 1997b, tr.507). Với sự định hướng của Nho giáo, yêu ma càng trở nên


đáng sợ, đáng ghét trong con mắt Nho sĩ. Trong Truyện hai thần nữ (Thánh Tông di thảo), khi thấy hai người con gái bước xuống từ ngọn cây, nho sinh tưởng là ma, định giết. Sau khi biết đó là hai thần nữ đi tìm người chồng đã thất lạc nhiều năm, ông đã vô cùng thương cảm và giúp đỡ tận tình. Trong nhiều truyện truyền kì, ma quỷ hiện lên quấy rối cuộc sống con người nên con người thường tránh đi chỗ khác. Những ngôi nhà hoang đầy ma quái trong Truyện một giấc mộng (Thánh Tông di thảo), Xương cốt gái hiệp dưới gốc hồng mai (Vân nang tiểu sử)… thường không ai dám ở. Chuyện cây gạo (Truyền kì mạn lục) đã miêu tả chân thực thái độ của con người khi tiếp xúc với ma quỷ. Khi phát hiện người yêu là ma, Trình Trung Ngộ nổi gai ốc, dựng tóc gáy, vội chạy ra khỏi nhà. Nàng ma chạy theo nắm vạt áo chàng. May là vạt áo đã cũ, chàng giật rách mà chạy thoát. Sau đó, chàng như kẻ mất hồn, không nói được nữa. Trong nhiều tác phẩm truyền kì, những nhân vật ma quái hại người đều bị tiêu diệt.

Văn học trung đại thường xây dựng các nhân vật loại hình tức là các nhân vật thể hiện tập trung một loại phẩm chất, tính cách, đạo đức của một loại người nhất định của xã hội. Nhân vật loại hình có khả năng khái quát cao nhưng mang tính chất giản đơn, chung chung. Tuy nhiên, truyền kì đã xây dựng các nhân vật yêu ma là kiểu nhân vật cá tính. Nhân vật yêu ma là những nhân vật hiện thân của tự do, khoáng đạt. Nhân vật yêu ma thường giúp đỡ con người cả về tinh thần lẫn vật chất khiến con người không khỏi biết ơn. Nhiều nhân vật là yêu ma mang tình yêu táo bạo, phóng túng. Dẫu những cuộc tình giữa người và yêu ma không thể có kết cục lâu dài nhưng nhiều cuộc chia tay vẫn diễn ra trong lưu luyến khôn nguôi như Chuyện nghiệp oan của Đào Thị, Chuyện kì ngộ ở trại Tây, Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên (Truyền kì mạn lục), Chuyện chồng dê (Thánh Tông di thảo)… Trong tác phẩm Chuyện cây gạo (Truyền kì mạn lục), giây phút ban đầu phát hiện người yêu là ma, chàng thư sinh Trình Trung Ngộ hoảng sợ cực độ. Tuy nhiên, sau đó, chàng đã chết theo nàng để bảo vệ tình yêu của mình. Như vậy, những quan điểm khắt khe của Nho giáo vẫn không thể ngăn cản được cảm tình của con người đối với những nhân vật kì ảo tự do, phóng túng.


Theo các nhà phân tâm học, ma quái là sự phóng chiếu của vô thức con người. Hơn nữa, nhân vật yêu ma là kiểu nhân vật cá tính. Nhân vật yêu ma có tính cách mạnh mẽ, phức tạp như chính con người trần tục. Trong nhiều truyện truyền kì, cái nhìn của con người đối với nhân vật ma quái có sự đồng cảm. Nhà văn viết nhiều về thế giới ma quỷ không chỉ để thỏa mãn sự hiếu kì của người đọc mà còn như là sự tìm hiểu, sẻ chia về một thế giới bí ẩn nhưng lại gắn liền với cuộc sống con người. Truyện Đánh ma (Lan Trì kiến văn lục) nói rằng “trên đời chưa bao giờ không có ma quỷ” (Trần Nghĩa, 1997a, tr.859). Trong Rồng đánh nhau (Vân nang tiểu sử), nhân vật nói rằng “người ở trọ, ma cũng ở trọ” (Trần Nghĩa, 1997b, tr.808). Trong Chuyện cây gạo (Truyền kì mạn lục), “nghĩ đời người ta thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa” (Trần Nghĩa, 1997a, tr.205). Trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị (Truyền kì mạn lục), nhân vật cũng nói rằng “sống chưa được thỏa yêu đương, chết sẽ cùng nhau quấn quýt” (Trần Nghĩa, 1997b, tr.235). Hồn ma Đào Thị làm hại người nhưng vẫn khiến người đọc thương cảm bởi nàng luôn mang theo nỗi đau thân phận. Các nhân vật yêu ma thoải mái vẫy vùng ở chốn trần thế trong ánh mắt ngưỡng mộ và khát khao của con người mà không bị bất cứ một thế lực nào có thể kết tội được. Nhà văn miêu tả các nhân vật ảo luôn phải tả xung hữu đột đấu tranh vì tình yêu tự do, vì chính nghĩa trong một thế giới đầy rẫy cái xấu, cái ác là để gián tiếp phản ánh cuộc sống thời bấy giờ vô cùng bất công. Nếu nguồn gốc của các nhân vật yêu ma cho nhân vật một vỏ bọc bí ẩn, an toàn thì hình dáng, khả năng, tính cách của nhân vật yêu ma giúp cho họ thực hiện được những gì họ muốn vượt qua những trở ngại của xã hội, những giới hạn của bản thân con người. Đó là những tấm gương để con người soi vào nhìn thấy chính bản thân mình nếu không bị các lễ giáo khắt khe ràng buộc, khi chưa bị tiền tài che phủ mất lương tâm. Như vậy, các tác giả truyền kì, khi xây dựng các nhân vật kì ảo, không hề muốn giải thích về vũ trụ mà chỉ muốn thể hiện những gì thuộc cuộc sống của con người thời đại mình.

Trong truyền kì Trung Hoa, nhiều nhân vật là ma, tinh động vật, thực vật, vật thể. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, 55 truyện (trong tổng số 118 truyện truyền

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.


kì tiêu biểu được khảo sát) viết về nhân vật yêu ma. Trong đó, tinh động vật bao gồm chồn, chim câu, chim anh vũ, thuồng luồng, cá, quạ, ong… Tinh thực vật gồm mẫu đơn, cúc… Do một số đặc điểm khác biệt về văn hóa, nhân vật kì ảo tiêu biểu nhất của truyền kì Trung Hoa là chồn (hồ ly) nhưng nhân vật này lại xuất hiện rất ít trong truyền kì Việt Nam. Các nhân vật là ma, yêu tinh có khả năng biến hóa khôn lường. Sự biến hóa phổ biến nhất là những nàng ma, hồ ly… biến thành những người con gái trẻ trung, xinh đẹp. Nhân vật yêu ma xuất hiện nhiều trong truyền kì Đường như một kiểu nhân vật cá tính – khác hẳn với các kiểu nhân vật truyền thống. Theo Lỗ Tấn, đến đời Đường, các văn nhân mới có ý thức viết tiểu thuyết. Điều này có thể lí giải bằng sự hội tụ nhiều yếu tố. Một trong các yếu tố tiêu biểu nhất là đời Đường có sự thịnh trị về kinh tế, sự tự do về tư tưởng nên các văn nhân có điều kiện đi ngao du và thể hiện quan điểm của mình. Bên cạnh đó, các kì thi tổ chức thường xuyên tạo điều kiện cho các sĩ tử lên kinh thành ứng thí. Các tác phẩm truyền kì trở thành hành quyển của các văn nhân. Để từ đó, sự trẻ trung, lãng mạn của các sĩ tử gia nhập chốn thị thành sẽ tạo nên những kì sự, kì duyên… Hình tượng yêu ma đóng góp đáng kể để truyền kì dần dần khẳng định được phong cách và sự ảnh hưởng của thể loại.

Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 14

Trong truyền kì Trung Hoa, các nhân vật yêu ma cũng có khả năng biến hóa phi phàm như các vị thần. Trong truyện Chết vì mê gái (Liêu trai chí dị), Đổng Sinh nhìn thấy trong nhà mình một nàng hồ ly có đuôi, mình phủ đầy lông. Nhìn lại, chàng chỉ thấy một người con gái xinh đẹp, không hề có một chút dấu vết của hồ ly. Trong truyện Tinh cúc nghề hoa (Liêu trai chí dị), một anh chàng uống rượu say biến thành cây cúc cao ngang đầu người, mang hơn một chục hoa, mỗi đóa to bằng nắm tay. Chị gái của chàng nhổ cây cúc đặt trên mặt đất, phủ chiếc áo lên, cây cúc biến trở lại thành người. Trong truyền kì Trung Hoa, các nhân vật kì ảo như ma, yêu tinh cũng thường mượn thân xác con người để đi tìm kiếm tình yêu lứa đôi tri kỉ. Chuyện tình của các nhân vật này rất táo bạo, phóng túng. Với tâm lí ưa chuộng sự lãng mạn, kì ảo; nhân vật là người trong truyền kì Trung Hoa giữ thái độ bình thản, không hề e sợ khi tiếp xúc với các nhân vật yêu ma. Cái nhìn của con người trần tục đối với nhân vật yêu ma cũng đầy sự cảm thông và chia sẻ. Trong truyện Chồn quỷ tranh chồng (Liêu trai chí dị), lời nói của nàng ma họ Lý khiến các nhân vật khác (là người) không khỏi xót


xa “trông thấy người nào cũng đầy lòng thèm muốn, ao ước làm sao mình được sống làm người như họ” (Bồ Tùng Linh, 2008, tr.424), “hai con ma gặp nhau, tịnh không có chi vui sướng. Nếu được vui sướng, thì dưới suối vàng há phải thiếu hạng trai tráng ư?” (Bồ Tùng Linh, 2008, tr.418).

Qua sự khảo sát về các cổ mẫu yêu ma trong thần thoại, truyền kì Việt Nam và Trung Hoa, chúng tôi nhận thấy truyền kì không chỉ kế thừa mà còn rất chú ý đến cổ mẫu yêu ma. Truyền kì đã xây dựng kiểu nhân vật cá tính là nhân vật yêu ma. Các nhân vật yêu ma xuất hiện liên tục trong truyền kì đánh dấu sự định hình của thể loại truyền kì nói riêng, văn học viết nói chung. Nhân vật yêu ma không chỉ bao gồm các nhân vật là ma mà còn bao gồm các nhân vật là tinh động vật, tinh thực vật, tinh vật thể. Điều này thể hiện đặc điểm của tư duy huyền thoại: sự đồng nhất con người và tự nhiên. Các nhân vật yêu ma có đời sống tư tưởng, tình cảm, hành động phức tạp như chính bản chất con người. Đặc biệt, truyền kì đã để các nhân vật yêu ma (thường là nữ) đi tìm kiếm tình yêu tự do, mãnh liệt. Khi đối diện với yêu ma, con người trong truyền kì vừa sợ hãi vừa yêu mến, đồng cảm. Cổ mẫu yêu ma – một trong những kinh nghiệm vĩnh cửu của nhân loại – không chỉ thỏa mãn tính “hiếu kì” mà còn tạo nên sự đồng cảm của người đọc. Nhân vật yêu ma có khả năng biến hóa như các vị thần trong thần thoại. Điều này thể hiện sự kế thừa đặc điểm đồng nhất phạm trù tự nhiên và siêu nhiên từ tư duy huyền thoại. Trong truyền kì, cùng với cổ mẫu thần, cổ mẫu yêu ma thể hiện những trải nghiệm của con người về thế giới siêu hình. Cổ mẫu yêu ma là biểu tượng sống động, cá tính, tạo nên một làn gió mới lạ đối với người đọc vốn quen với kiểu nhân vật loại hình trong văn học trung đại. Cổ mẫu này thể hiện sự rạn nứt của quan niệm “đời là bể khổ”, “sinh kí tử quy” trong tâm thức của con người trung đại. Cổ mẫu yêu ma với những thân phận sau khi chết, với những sự vật không được quyền làm người cho thấy con người trung đại thấu hiểu giá trị của cuộc sống, vẻ đẹp của con người. Đó là một trong những lí do giúp các truyện truyền kì được dân chúng đón nhận nồng nhiệt dù nó bị Nho giáo xem thường.

3.2.3. Cổ mẫu nước

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, cổ mẫu nước mang nhiều ý nghĩa:


Những ý nghĩa tượng trưng của nước có thể quy về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh. Ba chủ đề này thường gặp trong những truyền thuyết cổ xưa nhất và hình thành những tổ hợp hình tượng đa dạng nhất và đồng thời cũng chặt chẽ nhất (Chevalier và Gheerbrant, 2002, tr.709).

Công trình Bàn về nguồn gốc các tôn giáo cũng xác định:

Sự chìm trong nước là biểu trưng cho sự thoái lui vào cái tiền hình thức, sự tái sinh toàn phần, sự sinh nở mới, bởi một sự chìm xuống tương đương với sự tan rã của các hình thức, với một sự tái tích hợp vào trong phương thức lạnh lùng của cái tiền hiện tồn; và sự ra khỏi nước lặp lại vũ trụ khai sinh của sự biểu hiện hình thức (Eliade, 2018, tr.212).

Biểu tượng nước thường chia thành nhiều hình thái rò rệt như biển, sông, suối, đầm, rạch, giếng, mưa, mây… Dù trong hình thái nào, nước có thể mang lại sự sống, sự sinh sôi nảy nở. Mô típ lấy nước thần để chữa bệnh rất phổ biến trong truyện dân gian thế giới và:

Việc dìm xuống nước có tác dụng tái sinh, làm cho con người ra đời một lần nữa, theo ý nghĩa nước vừa là sự chết vừa là sự sống. Nước xóa hết lịch sử, nó khôi phục con người trong một trạng thái mới. Việc dìm mình trong nước ví như việc chôn Chúa Ki tô xuống mộ: sau khi bị hạ xuống dưới lòng đất, Chúa đã phục sinh (Chevalier và Gheerbrant, 2002, tr.713).

Ở khắp mọi nơi trên thế giới, mưa được xem là tác nhân làm cho đất sinh sản, đất trở nên phì nhiêu, màu mỡ. Những nghi lễ cầu mưa đã trở nên quá quen thuộc với con người từ cổ chí kim.

Trong thần thoại Việt Nam, nước chủ yếu mang ý nghĩa là sự sống. Trong thần thoại Cóc kiện Trời của Việt Nam, chàng Cóc đã lặn lội lên đến tận trời để xin mưa, cứu sống cả thế gian. Trong truyện Thần nước, mỗi khi trời hạn hán, con người lại xin thần nước làm mưa. Truyện Thần mưa kể về công việc của thần mưa. Trong truyện Thần biển, nữ thần biển đã cứu sống các anh em của mình, thường hiện ra để trừng trị bọn cướp biển, cứu dân lành. Tuy nhiên, nước cũng ẩn chứa những nguy hiểm khó lường như bão tố làm cho sóng to gió lớn (Truyện thần biển); thủy thần bắt cóc con gái trần gian về làm vợ (Truyện Lý Vỹ đốt nhà của bộ hạ thần nước; Truyện


ông Dài, ông Cụt). Thần thoại của Trung Hoa cũng nhiều lần đề cập đến nước. Trong thần thoại về Phục Hy, Toại Nhân; thần Sét (Lôi thần) đã dâng nước lên cao. Người cha bước vào chiếc thuyền sắt. Nghe lời thần, hai người con chui vào quả bầu khô. Cha và con lên đến tận trời. Khi thủy thần được lệnh rút nước, thuyền bằng quả bầu không bị vỡ nhưng thuyền sắt bị vỡ tan tành. Hai người con buộc phải kết hôn với nhau để duy trì nòi giống. Người cha dũng cảm - dám bắt sống thần Sét, đập cổng nhà trời - giờ đây đã chết. Trong thần thoại về thần Nông (Viêm đế), Nữ Ai – con gái của Viêm đế, du ngoạn đến biển Đông. Không may biển nổi cơn sóng to, nàng bị chết đuối, không trở về được nữa. Linh hồn nàng biến thành một con chim gọi là chim Tinh vệ. Đầu như hoa mơ trắng, chân màu hồng. Nàng tiếc cho thân phận con người nên ngậm đá núi, cành cây thả xuống biển nhằm lấp biển.

Như vậy, trong thần thoại Việt Nam và Trung Hoa, nước vừa mang ý nghĩa là nguồn sống của vạn vật vừa ẩn chứa sự thanh tẩy, sự tái sinh. Tuy nhiên, khi nước tồn tại ở quy mô lớn như sông, biển; nước lại hàm chứa những thử thách, những bí ẩn khiến con người lo sợ. Con người vừa cảm thấy gắn bó vừa cảm thấy e dè, lo sợ khi đối diện với cổ mẫu nước.

Trong truyền kì Việt Nam thời trung đại; các trạng thái của cổ mẫu nước như mây, mưa, sông, biển, ao, hồ, đầm, khe… là những hình tượng được nhắc đến nhiều lần. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, 34/104 truyện truyền kì Việt Nam viết về cổ mẫu nước. Thậm chí, biểu tượng nước còn hình thành nên thế giới “thủy cung”. Thế giới này được giới hạn giữa mặt nước và đáy nước nhưng nhờ năng lực siêu nhiên, các nhân vật có thể dâng nước lên để mở rộng không gian. Văn hóa sông nước đã giúp người Việt có hình dung rất phong phú về thủy phủ.

Với đặc điểm địa lí nhiều sông nước, nhiều người Việt mưu sinh bằng nghề chài lưới – cả cuộc đời gắn bó với sông nước. Họ luôn cảm thấy nhỏ bé, thậm chí hoảng sợ khi đối diện sự mênh mông của tạo hóa “không biết đâu là bờ, trập trùng trăm trượng, trời cao sóng vỗ mui thuyền” (Trần Nghĩa, 1997a, tr.550). Không chỉ mang lại nguồn sống vật chất, cổ mẫu nước còn chứa đựng những sức mạnh linh thiêng phò trợ cho cuộc sống con người. Trong Truyện yêu nữ Châu Mai (Thánh Tông di thảo), nhân vật đã được sự phò trợ của “mạch tốt sông Nhị, khí thiêng hồ Tây” (Trần Nghĩa,


1997b, tr.508). Từ rất sớm, truyền kì đã bộc lộ rò những quan điểm sinh thái mà hiện nay con người đang cố gắng theo đuổi. Đó là quan niệm cho rằng con người và tự nhiên có mối quan hệ bình đẳng, hài hòa. Những kẻ khai thác cạn kiệt tự nhiên, đối xử bất công với tự nhiên thì sẽ bị trừng phạt nặng nề (Treo mo cau bán ba ba (Vân nang tiểu sử)).

Cổ mẫu nước còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Nước có thể gột sạch mọi hiểu lầm, tội lỗi; có thể chứng giám, chở che cho những con người lương thiện. Trong Chuyện người con gái Nam Xương (Truyền kì mạn lục), nàng Vũ Thị Thiết đã tự trầm để chứng minh nàng vô tội. Mặt nước đã chở che cho nàng và nàng đã trở thành một nữ thần ở chốn thủy cung. Trong Cá thần, Hang núi giữa biển (Lan Trì kiến văn lục), các nhân vật rơi xuống biển đã trôi dạt vào đảo hoặc được cá thần cứu để trở về với trần gian. Biểu tượng nước đại diện cho những gì thanh cao, trong sạch – luôn là nơi mà những chàng thư sinh muốn tìm về để sống cuộc đời tự do tự tại. Tâm sự của Hồ Sinh (Chuyện con chó và con mèo đối thoại (Tân truyền kỳ lục)) cũng là ước mơ của nhiều người:

Hồ Sinh ngắm một lượt, rồi phóng nhìn về dòng sông mênh mông. Dòng sông ấy, đứng ở đỉnh núi này mà trông thì lặng lẽ lắng trong. Nhưng khi tới bên bờ nhìn nó thấy nước cuồn cuộn chảy xiết vàng đục một màu, Hồ Sinh đọc hai câu thơ Đường luật để nói lên chí hướng của mình… (Trần Nghĩa, 1997a, tr.894).

Được sự ủng hộ của Đạo giáo, lối sống thanh nhàn nơi sông xanh núi thẳm trở thành cuộc sống lí tưởng, là ước mơ của rất nhiều người.

Trong tâm thức người Việt, nước còn chứa đựng những thử thách, âm mưu gây hại cho cuộc sống con người. Hơn nữa, cổ mẫu nước nhiều khi tồn tại trong những trạng thái to lớn như sông, biển không khỏi khiến con người cảm thấy rợn ngợp khi đối diện. Với cái nhìn vạn vật hữu linh, con người thấy trong các trạng thái tồn tại của nước là các vị thần, các sinh vật có linh hồn. Vì vậy, con người không khỏi e dè, sợ hãi khi đối diện với cổ mẫu nước. Trong Truyện hai Phật cãi nhau, Truyện lạ nhà thuyền chài (Thánh Tông di thảo); Rồng đánh nhau (Vân nang tiểu sử); Chuyện gã trà đồng giáng sinh (Truyền kì mạn lục), những trận lụt do thần Hà Bá gây ra khiến con người khốn khổ. Trong truyện Con giải (Lan Trì kiến văn lục), ba con giải sống

Xem tất cả 271 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí