Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 12


Cát gắn liền với lễ hội Giỗ mẹ ở Phủ Giày – Hà Nam, đền Sòng – Thanh Hóa, phủ Tây Hồ - Hà Nội và khắp các đền phủ thuộc đạo mẫu thậm chí cả chùa chiền trong cả nước.

Nhiều nhân vật lịch sử được nhắc tới trong các truyện truyền kì với sự kính trọng, ngưỡng vọng như vua Lê Thái Tổ (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu – Truyền kì mạn lục), nhà thơ Sái Thuận (Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa – Truyền kì mạn lục), bà Trưng (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu – Truyền kì mạn lục), Mỵ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương – Truyền kì mạn lục)... Các nhân vật vẫn tồn tại trong niềm tin của con người, vẫn luôn phò trợ con người trong cuộc sống.

Nhiều tác phẩm truyền kì thường đề cập đến thời gian, địa điểm cụ thể, chỉ ra rằng con cháu của nhân vật hiện tại vẫn còn, truyện do một người nào đó quen biết với nhân vật kể lại... Điều này có thể làm tăng độ xác thực của câu chuyện đồng thời dấy lên trong lòng người đọc hoài nghi về vấn đề các câu chuyện này có thể đã từng là truyền thuyết dân gian trong thời đại của các tác giả truyền kì.

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, các truyện truyền kì tiêu biểu của Trung Hoa hầu như không thể hiện cảm hứng tôn vinh các nhân vật lịch sử. Truyền kì Trung Hoa chủ yếu quan tâm những kì tình, kì ngộ… của con người trong cuộc sống đời thường. Cảm hứng tiêu biểu của truyền kì Trung Hoa là cảm hứng thế sự. Truyền kỳ Trung Hoa là sản phẩm của văn hóa thành thị với nhiều tác phẩm miêu tả cuộc tình của những chàng thư sinh và những nàng kĩ nữ. Trong truyền kì Việt Nam, sự tôn vinh các nhân vật lịch sử là một trong những cảm hứng tiêu biểu. Cảm hứng tôn vinh không chỉ đến từ người dân mà còn đến từ triều đình (sự công nhận, sắc phong, lập các công trình thờ phụng). Sự thần thánh hóa các nhân vật lịch sử thể hiện sự đồng nhất các phạm trù con người và siêu nhiên của tư duy huyền thoại. Sự thần thánh hóa các nhân vật lịch sử đã cung cấp góc nhìn khác mang đầy tính thẩm mĩ bổ sung cho cho sự khách quan, chính xác của những tư liệu lịch sử. Các câu chuyện này đã thể hiện góc nhìn của nhân dân đối với các nhân vật lịch sử của dân tộc. Truyền kì đã thần thánh hóa các nhân vật lịch sử - nhìn thấy sự phi thường ở những con người cụ thể, phong cho nhân vật những quyền uy tối thượng, tạo nên vầng hào quang lung linh cho nhân vật. Sự thần thánh hóa các nhân vật lịch sử thể hiện tâm thức dân tộc


luôn yêu mến, tin tưởng đối với các nhân vật lịch sử, tự hào đối với các giá trị truyền thống của dân tộc.

3.1.2. Nhân vật tôn giáo

Theo nhiều nhà nghiên cứu, lí thuyết huyền thoại là nơi tập hợp của tôn giáo, huyền thoại vẫn được duy trì mãi mãi trong tâm thức của nhân loại. Đối với Tylor, Frazer, Harrion, Hooke… tôn giáo là khởi đầu của khoa học và huyền thoại là một phần của tôn giáo miêu tả thế giới, hoặc một phần của tôn giáo kiểm soát thế giới. Đối với Bultmann, huyền thoại là một phần của thế giới quan tôn giáo, nó vĩnh cửu chứ không chỉ nguyên thủy. Theo Eliade, huyền thoại nguyên thủy là tôn giáo nhưng huyền thoại hiện đại là thế tục. Theo Tylor, Frazer, huyền thoại hoàn toàn được thay thế bởi khoa học. Trái lại, theo Eliade, Campbell, huyền thoại là không thể thay thế. Nó là con người. Theo Lévi Strauss “huyền thoại như khoa học nguyên thủy. Khoa học nguyên thủy là khoa học của sự trừu tượng, khác biệt với khoa học hiện đại, vì vậy không hoàn toàn bị thay thế “ (Vickery, 1966, tr.2).

Khảo sát truyền kì Việt Nam thời trung đại, chúng tôi nhận thấy những nhân vật tiêu biểu nhất của tôn giáo, tín ngưỡng dân gian xuất hiện trong truyền kì là nhà sư, đạo sĩ. Nhân vật nhà sư, đạo sĩ là những nhân vật quan trọng của tôn giáo, tín ngưỡng dân gian. Hình tượng này đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa con người và lực lượng siêu nhiên giống như hình tượng cây vũ trụ trong huyền thoại. Các nhân vật trung gian này mang một số đặc điểm của các vị thần, thực hiện một số chức năng của thần linh. Sự thần thánh hóa các nhân vật này thể hiện sự kế thừa sự đồng nhất phạm trù con người và siêu nhiên của tư duy huyền thoại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.

Theo nhà nghiên cứu E.M.Melentinsky, cây vũ trụ là cây “có khả năng giữ được mối liên hệ giữ con người và thần linh, giữa trời và đất để hoàn thành nhiệm vụ của kẻ trung gian” (Meletinsky, 2004, tr.284). Cũng theo công trình Thi pháp của huyền thoại của nhà nghiên cứu này, cây vũ trụ được cho rằng có hai loại. Thứ nhất là “Các thần hình người thường hòa trộn với hình cây vũ trụ” (Meletinsky, 2004, tr.282). Thứ hai, liên thông giữa đất và trời có thể là “một con đường theo một thân cây mọc thẳng lên cao, theo một cái cột, một ngọn núi, theo những mắt xích của các mũi đầu cuối nối nhau, theo cầu vồng, theo một tia sáng, theo một cái thang…” (Meletinsky, 2004,


Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 12

tr.286). Trong công trình Từ ký hiệu đến biểu tượng, nhà nghiên cứu Trịnh Bá Đĩnh xác định về cây vũ trụ:

Trong thần thoại các dân tộc thiểu số Việt Nam, biểu tượng cây vũ trụ hay còn gọi là cây thế giới là cách gọi tên một số loại cây được miêu tả với sự đồ sộ, kì vĩ, khổng lồ. Các loài cây ấy được gọi là cây vũ trụ / thế giới bởi lẽ rễ cây chìm khuất trong đất và cành thì vươn lên trời, khắp nơi cây được xem như là một biểu tượng về những quan hệ đã thiết lập giữa đất và trời (Trịnh Bá Đĩnh, 2018, tr.196).

Đối với loại cây vũ trụ chính là cơ thể của thần khổng lồ, chúng ta có thể tìm thấy trong thần thoại Thần trụ trời ở Việt Nam. Trong khoảng không hỗn độn của vũ trụ nguyên thủy, thần trụ trời đã đầu đội trời, chân đạp đất để chống đỡ màn trời. Ở Trung Hoa, thần thoại về thần Bàn Cổ đã miêu tả thần này sinh ra từ quả trứng vũ trụ, tách trời và đất làm hai, “vị thần khổng lồ này trông giống như một cột trụ to lớn dựng đứng giữa trời và đất, không cho trời và đất nhập lại với nhau để trở lại cảnh hỗn độn u ám nữa” (Đinh Gia Khánh, 2008, tr.16).

Đối với loại hình cây vũ trụ không phải là những vị thần khổng lồ, chúng ta thấy nó được thay thế bằng nhiều sự vật, hiện tượng khác. Thần trụ trời, thần Bàn Cổ sau khi lấy thân mình làm trụ thì đều đắp một cột chống trời. Ở Việt Nam, trong chuyện Ả Chức chàng Ngâu, nàng Chức Nữ từng thả thang dây xuống cho chồng con bám vào rồi kéo lên trời rồi lại hạ thang dây cho chồng con xuống hạ giới. Vào đêm 7 tháng 7 âm lịch hằng năm, đàn quạ phải đội đá bắc cầu ngang sông Ngân Hà cho người trần (chàng Ngâu) và tiên nữ (ả Chức) gặp nhau. Trong Đẻ đất đẻ nước của người Mường, đất trời buổi hỗn mang cứ mưa tầm tã, tự nhiên mọc lên một cây xanh có chín mươi cành, có một cành cao chọc trời biến thành ông Thu Tha, bà Thu Thiên… Trong sử thi Đăm Săn của dân tộc Ê đê, chàng Đăm Săn vượt qua ranh giới giữa trời và đất là một cánh núi ngăn một dòng nước đục để tới nơi ở của nữ thần Mặt Trời.

Trong thần thoại Trung Hoa, cây vũ trụ là núi Bất Chu ở phía Tây (thần thoại Nữ Oa luyện đá vá trời); dãy núi Côn Luân, núi Triệu Sơn, cây kiến mộc, dây cây bầu thần kì (thần thoại về Chuyên Húc, Toại Nhân)… Thần thoại của Trung Hoa


cũng kể rằng thần Chuyên Húc đã sai hai thần là Trang và Lê cắt đứt cây vũ trụ - con đường giao thông giữa trời và đất, để thần và người không hỗn cư, để thần không xui người làm loạn…

Như vậy, theo thần thoại Việt Nam và Trung Hoa, trời và đất có mối liên hệ chặt chẽ thông qua cây vũ trụ. Cây vũ trụ có thể là cơ thể của một vị thần khổng lồ. Cây vũ trụ có thể là cột chống trời, thang dây, ngọn núi… giúp cho trời và đất dễ dàng kết nối với nhau. Đặc biệt, con người có thể dễ dàng lên trời để gặp gỡ thần linh. Tuy nhiên, về sau cây vũ trụ đã bị phá vỡ hoặc bị cắt đứt. Từ đó, thần linh vẫn có thể xuống còi trần nhưng con người thì rất khó có thể có mối liên lạc với các thần.

Theo nhà nghiên cứu E.M.Meletinsky, khi cây vũ trụ không còn, một số người có năng lực siêu nhiên có thể làm thay chức năng liên thông trời – đất của cây vũ trụ “Vai trò đặc biệt của các thầy cúng trong việc làm trung gian giữa trời và đất là một bằng chứng: sau khi hết liên kết với đất và trời, con người chỉ còn là con người trần thế. Các thầy phù thủy sẽ đóng vai trò trung gian giữa đất và các chủ nhân của bầu trời” (Meletinsky, 2004, tr.236). Một số nhân vật như thầy cúng, đạo sĩ, nhà sư, thầy bói… giữ nhiệm vụ liên thông trời – đất bằng cách di chuyển từ mặt đất lên trời, quay trở lại hoặc có thể thấu hiểu, truyền đạt những thông điệp của con người đến thần linh, ma quỷ và ngược lại. Truyền kì Việt Nam thời trung đại không còn hình tượng những cây vũ trụ bằng vật thể (người khổng lồ, cột chống trời…) phân chia trời và đất. Thần còn có thể xâm nhập vào cuộc sống con người nhưng con người rất khó khăn để có thể tiếp xúc với thần. Các biểu tượng đóng vai trò trung gian kết nối không gian các còi trong truyền kì trở nên rất hiếm hoi. Thay vào đó, truyền kì xuất hiện nhiều nhân vật có khả năng thực hiện chức năng của cây vũ trụ. Trong đó, tiêu biểu nhất là nhà sư, đạo sĩ.

Nhà sư là những người tu hành theo đạo Phật ở chùa. Theo công trình Đại cương văn hóa phương Đông, Phật giáo ra đời ở Ấn Độ từ thế kỉ VII – V trước công nguyên, do Thích Ca Mâu Ni sáng lập. Tư tưởng căn bản của Phật giáo nguyên thủy là tứ diệu đế bao gồm khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế. Khổ đế là bản chất của mọi sự đau khổ trên đời. Tập đế là sự tích hợp những nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là dục vọng. Diệt đế là cách thức diệt trừ mọi nguyên nhân của đau khổ;


cụ thể là trừ khử ái dục và vô minh, từ bỏ tham, sân, si trong cuộc sống. Khi đó, con người sẽ tới được Niết Bàn. Không phải ở một còi nào cao xa hay kiếp sau, Niết Bàn là trạng thái an lạc tuyệt đối của tinh thần. Đạo đế là con đường tu dưỡng để thoát khỏi dục vọng và lầm lạc.

Đạo sĩ là những người tu hành theo Đạo giáo. Theo Đại cương văn hóa phương Đông, Đạo giáo ra đời ở Trung Quốc vào thế kỉ II do Trương Đạo Lăng sáng lập. Vào thời Đông Hán, Trương Đạo Lăng chủ xướng tôn Lão Tử làm Thái thượng Lão quân; cổ vũ con người tu luyện, uống đan để trường thọ. Tác phẩm tiêu biểu của Lão Tử là Đạo đức kinh. Theo Lão Tử, đạo là cái ban đầu của vạn vật, có trước cả trời đất. Đạo không chỉ có trước mà còn nằm trong sự vật. Vạn vật đều là kết quả biến hóa của đạo. Ông chủ trương “vô vi” có nghĩa là không áp đặt, phải thuận tự nhiên. Học thuyết của Lão Tử được Trang Tử phát triển nên còn gọi là tư tưởng Lão Trang. Trang Tử cũng chủ trương từ bỏ mọi danh lợi, sống tiêu dao cùng sông núi, cỏ cây. Ông đề ra triết học nhân sinh “tề vật” tức là đối xử như một đối với mọi vật, xóa bỏ ranh giới giữa chúng. Ông cũng quan niệm cuộc đời ngắn ngủi như bóng câu qua cửa sổ, nhân sinh như mộng. Nhìn chung, Phật giáo và Đạo giáo có ảnh hưởng sớm đến người Việt Nam, hình tượng nhà sư, đạo sĩ là những hình tượng quen thuộc trong văn hóa Việt.

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, 16/104 truyện truyền kì Việt Nam thể hiện sự thần thánh hóa các nhân vật tôn giáo, tín ngưỡng của dân gian. Tiêu biểu nhất cho các nhân vật này là nhà sư và đạo sĩ. Trong truyền kì Việt Nam thời trung đại, nhà sư không chỉ là người am hiểu tinh thông mà còn có khả năng liên thông trời đất. Tiêu biểu nhất cho dạng nhà sư nhập thế cứu đời là sư Pháp Vân trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị (Truyền kì mạn lục). Khi sư Vô Kỷ nhận nàng Hàn Than vào chùa, sư Pháp Vân không đồng ý vì ông cho rằng người con gái này không có căn tu. Ông dời lên tận đỉnh núi Phượng Hoàng. Về sau, sư Vô Kỷ dan díu với Hàn Than rồi cả hai đều mất. Họ đầu thai làm 2 con trai nhà quan Ngụy Nhược Chân để trả thù. Một nhà sư đã nhìn ra yêu khí và tìm ra 2 yêu quái trong nhà Ngụy Nhược Chân nhưng không đủ năng lực để tiêu diệt chúng. Nhược Chân đã cầu xin sư Pháp Vân giúp đỡ. Nhà sư dựng một đàn tràng trên núi, treo đèn bốn mặt, lấy bút son vẽ bùa dấu. Bỗng nhiều đám mây đen vây xung quanh đàn, gió thổi ghê rợn, trên không có tiếng khóc rồi gió


ngừng, mây tạnh. Nhược Chân trở về và thấy 2 con trai đã chết, xác hóa thành con rắn vàng. Ông làm đúng như lời sư Pháp Vân dặn, lấy phiến đá ném vào chúng thì chúng nát như tro.

Truyền kì Việt Nam thời trung đại cũng nhiều lần đề cập đến hình tượng đạo sĩ. Trong Giấc mộng non thiền (Vân nang tiểu sử), một chàng thư sinh nằm mộng thấy một đạo sĩ tay cầm ngọc, cử chỉ nhẹ nhàng như mây khói báo cho ông biết việc kết duyên của ông với người đẹp 10 năm nữa mới thực hiện được. Truyện Treo mo cau bán ba ba (Vân nang tiểu sử) kể về một người bắt ba ba rất giỏi. Anh ta treo nhiều hình mo cau lớn nhỏ khác nhau. Khi người mua chọn một hình mo cau, anh ta sẽ lặn xuống đầm bắt được con ba ba kích cỡ đúng như vậy. Người đạo sĩ thấy thế cảnh báo anh ta rằng tham lam vật của Hà Bá thì chắc chắn sẽ gặp tai họa. Anh ta không tin, đạo sĩ cười nhạt bỏ đi. Mấy năm sau, người làng chài ấy quả nhiên bị chết đuối khi đang bắt ba ba trong đầm. Cũng trong Vân nang tiểu sử, truyện Sớ hặc hồ tiên kể về một đạo sĩ tu hành hơn bảy chục năm mà diện mạo như người 30 tuổi. Đạo sĩ đã làm giúp hai vị tiên bài Sớ hặc hồ tiên để tố cáo tội ác của loài hồ ly.

Con người trung đại thường có niềm tin vào mệnh trời – số phận mà trời quy định sẵn cho từng người “đạo trời công minh như cái cân cái gương, có thần minh để gây dấu vết, có tạo hóa để giữ công bằng…” (Trần Nghĩa, 1997a, tr.213). Dĩ nhiên, con người rất khó để có thể biết trước số phận của mình nên nhiều nhân vật trung gian khác như thầy bói, thầy cúng, … có mối liên hệ bí ẩn với thế giới siêu nhiên sẽ hé lộ cho con người biết được những chuyện “thiên cơ”. Trong Cổ quái bốc sư truyện, thầy bói Cổ Quái Tiên Sinh có thể biết được “mệnh trời” của tất cả mọi người, của vận mệnh đất nước.

Một trong những nội dung chủ yếu của truyền kì là sự kết duyên của con người (thường là các nam sinh) với nhân vật kì ảo (ma, tiên, tinh động vật…). Một trong những nguyên nhân khiến các cuộc tình này không thể lâu bền là sự gần gũi với các nhân vật kì ảo sẽ làm cho con người bị suy giảm nguyên khí và thần sắc, có khi nguy hiểm đến tính mạng (một cách vô tình hoặc cố ý). Thông thường các nam sinh không thể nhận ra điều này, chỉ có các thầy bói, đạo sĩ, nhà sư… am hiểu về các lực lượng siêu nhiên mới có thể nhận ra được. Họ sẽ cảnh báo các nam sinh và thường ngăn


chặn các mỹ nữ kì ảo này làm hại các nam sinh. Trong nhiều trường hợp, các nhà sư, đạo sĩ… đã nhờ cậy thần linh để diệt trừ yêu quái. Trong Chuyện cây gạo (Truyền kì mạn lục), đạo sĩ đã nhờ cậy thần linh trừng phạt hồn ma quấy nhiễu dân lành.

Trong truyền kì Trung Hoa, hình tượng nhà sư, đạo sĩ cũng thường xuyên được đề cập. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, 30/118 truyện truyền kì Trung Hoa thể hiện sự thần thánh hóa các nhân vật tôn giáo, tín ngưỡng. Nhà sư xuất hiện trong các truyện Lão Tàn (Đường đại truyền kỳ), Anh đào thanh y (Đường đại truyền kỳ), Vợ dữ hơn cọp (Liêu trai chí dị)… Đạo sĩ xuất hiện trong các truyện Câu chuyện trong chiếc gối (Đường đại truyền kỳ), Đỗ Tử Xuân (Đường đại truyền kỳ), Truyện Vô Song (Đường đại truyền kỳ), Thăm người ở ẩn chốn Thiên thai (Tiễn đăng tân thoại), Con gái nhà trời (Liêu trai chí dị)… Họ đều có khả năng tiên đoán, phép thuật cao cường. Trong Chiếc đèn mẫu đơn (Tiễn đăng tân thoại), đạo sĩ Thiết Quân ở đỉnh núi Tứ Minh đã gọi thiên tướng nhà trời xuống trần gian trừng phạt hồn ma của Kiều Sinh và Nhị Khanh… Hình tượng đạo sĩ xuất hiện trong 19 trong tổng số 30 truyện đề cập đến các nhân vật tôn giáo, tín ngưỡng. Điều này chứng tỏ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Đạo giáo đối với văn hóa Trung Hoa.

Trong truyền kì Việt Nam và Trung Hoa, sự thần thánh hóa các nhân vật tôn giáo, tín ngưỡng là sự thể hiện đặc điểm của tư duy huyền thoại: sự đồng nhất phạm trù con người và siêu nhiên. Các nhân vật là nhà sư, đạo sĩ thường có khả năng tiên đoán, khả năng biến hóa, khả năng diệt trừ yêu quái. Họ thay thế hình tượng cây vũ trụ để làm nhiệm vụ liên thông giữa trời và đất, giữ mối liên lạc với thần linh để bảo vệ con người. Sự tôn vinh các nhân vật tôn giáo, tín ngưỡng là sự thần thánh hóa các nhân vật này – đằng sau vẻ ngoài bình dị của nhân vật là những khả năng xuất chúng. Điều này thể hiện sự yêu mến, kính trọng những con người có trí tuệ, tình cảm cao đẹp và hành động phi phàm. Các nhân vật tôn giáo, tín ngưỡng trong các truyện truyền kì đã phản ánh sự ảnh hưởng của các tôn giáo đối với người Việt và tình cảm thẩm mĩ của con người Việt Nam.

Sự đồng nhất phạm trù con người và siêu nhiên (theo hướng thần thánh hóa con người) được thể hiện rất ít ỏi, mờ nhạt trong thần thoại. Tuy nhiên, đến các thể loại truyện dân gian khác như sử thi, truyền thuyết…; sự thần thánh hóa các nhân vật (vốn


là con người) được thể hiện mạnh mẽ để gia tăng quyền lực cho nhân vật, để thể hiện sự tôn vinh đối với nhân vật. Quá trình khảo sát các nhân vật lịch sử, tôn giáo trong truyền kì Việt Nam (so sánh với truyền kì Trung Hoa) cho thấy nhiều truyện truyền kì kế thừa các truyện dân gian, kế thừa sự đồng nhất phạm trù con người và siêu nhiên trong tư duy huyền thoại. Điều khác biệt giữa truyền kì và các truyện dân gian là các tác giả truyền kì đã gia tăng yếu tố miêu tả và yếu tố trữ tình cho tác phẩm của mình. Vì thế, nhân vật lịch sử, tôn giáo cũng như các nhân vật khác của truyền kì được khắc họa rò hơn về ngoại hình, cử chỉ, đời sống nội tâm nhân vật. Bên cạnh đó, nhiều truyện truyền kì thể hiện sự dung hợp của thơ và văn xuôi khiến truyền kì được gia tăng vấn đề khắc họa nội tâm của nhân vật và cảm xúc thẩm mĩ.

3.2. Tái sinh các cổ mẫu

Cổ mẫu là những biểu tượng chung của nhân loại, đã có từ thời nguyên thủy và tồn tại cho đến ngày nay “Chúng là một thành phần quan trọng của cơ cấu tâm thần và đóng một vai trò chính yếu trong sự xây dựng xã hội loài người” (Jung, 2007, tr.136), “đóng vai trò liên kết và tiếp thêm sinh lực cho cá nhân và cộng đồng” (Monneyron và Thomas, 2002, tr.100). Nhà nghiên cứu C.G.Jung nhận định các cổ mẫu tiêu biểu là the innocent (người ngây thơ), everyman (người bình thường), hero (người anh hùng), outlaw (người phá cách), explorer (người khai phá), creator (người sáng tạo), ruler (người kiểm soát), magician (người phi thường), lover (người yêu mến), caregiver (người bảo vệ), jester (người hài hước), sage (người khôn ngoan). Bên cạnh đó, ông còn đề cao sự hiện diện của cổ mẫu shadow (cái bóng), anima/animus (tính nữ/tính nam), persona (mặt nạ) đặc biệt là cổ mẫu water (nước “nước cũng là biểu tượng phổ biến nhất dành cho vô thức” (Đào Ngọc Chương, 2009, tr.93). C.G.Jung cũng khẳng định rằng cổ mẫu là những kinh nghiệm tâm linh của nhân loại nên sự hiện diện của các cổ mẫu là không giới hạn. Sự hiện diện của một cổ mẫu sẽ kéo theo sự vẫy gọi của các cổ mẫu khác theo mối quan hệ liên tưởng. Sự nhận biết cổ mẫu không chỉ diễn ra bằng lí trí mà còn bằng năng lực tinh thần.

Khảo sát các biểu tượng – cổ mẫu trong truyền kì Việt Nam (tham khảo truyền kì Trung Hoa), chúng tôi nhận thấy rất nhiều các cổ mẫu như thần, yêu ma, nước, đêm, mộng, trăng, lửa, đất, núi, mây, mộ, đảo, gió, thuyền, người mẹ, các phương

Xem tất cả 271 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí