Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 13


(Đông, Bắc, Tây, Nam)… Các cổ mẫu này không chỉ gây ấn tượng đặc biệt đối với nhân vật mà còn với cả tác giả, với người đọc. Các cổ mẫu này không chỉ được con người nhận thức mà còn được cảm nhận bằng những giác quan đặc biệt, đặc biệt là bằng xúc cảm.

Chúng tôi đã dựa vào các quan niệm về các cổ mẫu trong tác phẩm văn học. Từ đó, chúng tôi đã khảo sát các cổ mẫu tiêu biểu trong truyền kì Việt Nam. Qua quá trình khảo sát các tác phẩm, chúng tôi nhận thấy các tác phẩm truyền kì Việt Nam thể hiện cảm hứng trải nghiệm các biểu tượng của vô thức tập thể (cổ mẫu), tiêu biểu nhất là cổ mẫu thần, cổ mẫu yêu ma, cổ mẫu nước, cổ mẫu đêm. Các cổ mẫu này là sự thể hiện trong tác phẩm văn học của các cổ mẫu tiêu biểu do C.G.Jung đã đề xuất. Cổ mẫu thần là sự hiện thân của nhân vật anh hùng (hero), của sự sáng tạo (creater), phi thường (magician), của luật lệ (ruler) và sự chở che (caregiver). Cổ mẫu yêu ma là hiện thân của những gì phi thường (magician), phá cách (outlaw) và đặc biệt còn là sự yêu mến (lover). Cổ mẫu nước là hiện thân của sự chở che (caregiver). Cổ mẫu đêm có thể đánh thức và tạo điều kiện cho con người có thể trở thành người phá cách (outlaw) đối với những gì họ thể hiện trong những khoảng thời gian khác. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, đó là sự tìm về với những khao khát bản năng của con người bình thường (everyman). Các cổ mẫu này là những biểu tượng không chỉ xuất hiện với mật độ cao trong truyền kì mà còn thể hiện rò tâm thức của nhân vật. Cảm quan của con người đối với các cổ mẫu này cũng là cách nhìn, cách nghĩ về những hình tượng rất thiêng liêng. Đứng trước cổ mẫu, con người trở về với bản thể của mình, bộc lộ những xúc cảm sâu lắng nhất trong tâm hồn mà con người hiếm khi bộc lộ.

Do sự phát triển nội tại của văn học trong nước, sự ảnh hưởng của văn học Trung Hoa, nhu cầu phản ánh hiện thực và bộc lộ tư tưởng trước thời cuộc của bản thân tác giả, nhu cầu đáp ứng sự “hiếu kì” của độc giả; truyền kì Việt Nam đã ra đời đánh dấu quá trình sáng tác mang tính chất chủ động của nhà văn. Truyền kì thuộc dòng văn học kì ảo; chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của huyền thoại, của văn học dân gian. Bên cạnh đó, các nhà văn đã có ý thức biến hiện thực trở thành hạt nhân của tác phẩm. Vì thế, các cổ mẫu tiêu biểu của truyền kì Việt Nam thời trung đại vừa thể hiện cảm quan của loài người nói chung vừa biểu hiện cảm quan của con người thời đại.


3.2.1. Cổ mẫu thần

Theo nhiều nhà nghiên cứu, lí thuyết huyền thoại là nơi tập hợp của tôn giáo, huyền thoại vẫn được duy trì mãi mãi trong tâm thức của nhân loại. Đối với Tylor, Frazer, Harrion, Hooke… tôn giáo là khởi đầu của khoa học và huyền thoại là một phần của tôn giáo miêu tả thế giới, hoặc một phần của tôn giáo kiểm soát thế giới. Đối với Bultmann, huyền thoại là một phần của thế giới quan tôn giáo, nó vĩnh cửu chứ không chỉ nguyên thủy. Theo Eliade, huyền thoại nguyên thủy là tôn giáo nhưng huyền thoại hiện đại là thế tục. Theo Tylor, Frazer, huyền thoại hoàn toàn được thay thế bởi khoa học. Trái lại, theo Eliade, Campbell, huyền thoại là không thể thay thế, nó là con người. Theo C.L.Strauss:

Huyền thoại như khoa học nguyên thủy. Khoa học nguyên thủy là khoa học của sự trừu tượng, khác biệt với khoa học hiện đại, vì vậy không hoàn toàn bị thay thế (Vickery, 1966, tr.2).

Khảo sát truyền kì Việt Nam thời trung đại, chúng tôi nhận thấy một trong những cổ mẫu tiêu biểu nhất của dân gian xuất hiện trong truyền kì là thần. Nhân vật thần trong truyền kì là sự kế thừa hình tượng thần trong thần thoại với những biến thể phong phú, đa dạng.

Nhà nghiên cứu M.Eliade cho rằng thần linh là:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.

Kẻ sáng tạo vũ trụ và bảo lãnh sự phồn vinh của đất (nhờ những trận mưa mà thần trút xuống). Những sinh thể như vậy được phú một năng lực tiên tri và một trí hiền minh vô tận, những luật lệ luân lí và nhiều khi các nghi điển của bộ lạc đã được họ dựng lập nên trong thời gian lưu trú ngắn ngủi của họ trên mặt đất, họ coi sóc sự tuân thủ của các luật lệ và sét đánh kẻ nào vi phạm (Eliade, 2018, tr.65).

Thời nguyên thủy, con người chưa có hiểu biết đáng kể về tự nhiên, cảm thấy vô cùng lo sợ trước tự nhiên đầy bí ẩn, chưa phân biệt mình với tự nhiên. Họ tin rằng cả vũ trụ được sinh ra bởi các lực lượng siêu nhiên có quyền hành vô hạn. Từ thời nguyên thủy, con người đã có niềm tin rằng mình được sinh ra từ những đấng sáng tạo.

Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 13


Truyện Thần Trụ Trời ở Việt Nam kể rằng thần Trụ Trời vốn ở trong khoảng hỗn độn, mờ mịt của vũ trụ nguyên thủy. Thần đã xây cây cột chống trời. Khi trời và đất đã ổn định thì thần phá cây cột ấy đi. Chỗ mà thần lấy đất đá để xây cột chống trời thì giờ trở thành sông, biển. Sau khi thần phá cột chống trời, đất đá văng đi khắp nơi trở thành núi, đồi… Trong truyện thần thoại Ngọc Hoàng tu bổ các giống vật, Ngọc Hoàng dùng đất sét nặn thành muôn vật. Ở Việt Nam, chúng ta tự hào rằng mình là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trong đó, Lạc Long Quân là con trai của thần Long Nữ và Âu Cơ là con gái của Thần Nông.

Ở Trung Hoa, thần thoại kể rằng thần Bàn Cổ sinh ra từ quả trứng vũ trụ; đầu đội trời, chân đạp đất để phân chia vũ trụ. Khi thần chết, toàn thân biến hóa. Hơi thở thành gió, mây; mắt biến thành mặt trăng, mặt trời; máu biến thành sông, biển… Trong một thần thoại khác của Trung Hoa, thần Nữ Oa đã nặn đất sét thành con người. Bàn Hồ là nhân vật thần thoại được người Miêu, người Dao ở đất nước họ coi là thủy tổ. Vị thần này từ hình dạng con chó toàn thân như gấm vóc, sặc sỡ năm màu, sáng chói lấp lánh. Sau khi được úp trong chiếc chuông vàng bảy ngày, toàn thân thần đã biến thành người.

Việt Nam và Trung Hoa đều có nhiều thần sáng tạo khác như thần Mưa, thần Gió, thần Biển, thần Sét, thần Lửa, thần Sông, thần Núi… Cũng như các bậc tiên tổ của loài người, các đấng sáng tạo này đều có sức mạnh vô biên, phép thuật cao cường. Sau khi sáng tạo ra thế giới, các vị thần kiểm soát, chi phối tất cả các sự vật,

hiện tượng trên mặt đất:

Thần phát hiện cho loài người những quy tắc thần thánh trong hoạt động của con người. Việc coi thường lời răn bảo của thần sẽ gây ra tình trạng hỗn độn, rối loạn nghiêm trọng vì thần đã ấn định những mẫu mực trong các quan hệ thường xuyên phải được duy trì giữa muôn loài và đặc biệt là con người với nhau (Chevalier và Gheerbrant, 2002, tr.879).

Vì vậy, những ai chống lại thần, chống lại trật tự mà thần đã phân định thì sẽ bị trừng phạt nặng nề. Trong truyện Cường Bạo đại vương của cổ tích Việt Nam, chàng Cường Bạo chống lại Ngọc Hoàng, thần Sét nên phải chết. Trong chuyện Ngưu Lang


– Chức Nữ của Trung Hoa, thần Vương Mẫu đã trừng phạt Ngưu Lang, Chức Nữ nặng nề vì bà không muốn người trần và tiên nữ kết hôn với nhau…

Nhà nghiên cứu Monneyron, Thomas đã nhận định về thái độ của con người đối với các lực lượng siêu nhiên trong thần thoại:

Trong lĩnh vực huyền thoại, ở nơi đầu tiên, sẽ là nguồn gốc của con người, mối quan hệ của anh ta với những thứ vô hình, nỗi sợ hãi và số phận của anh ta. Mặt khác, huyền thoại xác định các quy tắc của xã hội loài người (Monneyron và Thomas, 2002, tr.87).

Trong thần thoại, bậc tiên tổ, đấng sáng tạo là những vị thần đầu tiên, tạo ra con người và tự nhiên. Họ có sức mạnh vô biên, phép thuật cao cường. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là sáng tạo ra thế giới. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ sáng tạo, họ vẫn dòi theo cuộc sống của con người. Cái nhìn của con người đối với ông Trời và các vị thần là cái nhìn kính sợ và biết ơn “Con người tin có đạo trời, nhờ trời, cho là trời sinh, trời dưỡng, và đến khi chết thì về chầu trời” (Viện văn học, 1999, tr.91).

Theo thống kê của chúng tôi, 44/104 truyện truyền kì Việt Nam thể hiện cảm hứng tôn vinh các vị thần. Trong truyền kì Việt Nam, các vị thần của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên vẫn luôn tồn tại như thần mưa, thần sét, thần gió, thần sông, thần biển... Các thần vẫn luôn hiển linh và biến hóa bằng cách điều khiển các hiện tượng tự nhiên. Những gì diễn ra vào lúc khởi đầu sẽ là sự giải thích cho tất cả những gì diễn ra về sau. Đó là biểu hiện của sự đồng nhất phạm trù khởi đầu và nguyên nhân trong tư duy huyền thoại.

Trong truyền kì Việt Nam, ngoài các vị thần đại diện cho các lực lượng tự nhiên còn có nhiều vị thần (bao gồm cả các vị tiên) khác. Nhiều nhân vật tài năng, đức độ, chính trực đã trở thành các vị thần như trong các truyện Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên, Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Chuyện tướng Dạ Xoa (Truyền kì mạn lục); Một dòng chữ lấy được gái thần (Thánh Tông di thảo)… Đặc biệt là các nhân vật lịch sử đã trở thành các vị thần, tồn tại trong không gian vô tận, thời gian vĩnh hằng. Nhiều nhân vật lịch sử đi vào truyền kì trước hết bằng sự ngưỡng mộ, kính trọng. Trong Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi Thiên tào (Truyền kì mạn lục), ông Tô Hiến Thành triều Lý, ông Chu Văn An triều Trần sau khi mất được mời lên ngự ở


“Cửa Nho thần” chốn thiên tào, trở thành một vị thần bất tử. Bà Trưng (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu – Truyền kì mạn lục), dù đã về trời từ rất lâu vẫn luôn phò trợ cho con người.

Cho dù được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều truyện truyền kì Việt Nam thời trung đại khẳng định khả năng định đoạt, chi phối, giúp đỡ của các vị thần này đối với hạ giới. Trong Truyện hai thần hiếu đễ (Thánh Tông di thảo), Nguyễn Tử Khanh một đêm ở lại trong miếu thấy 5 thần hội tụ ngâm thơ. Trong năm người đó có một người anh đã mất của chàng. Người anh này đã trở thành thần, bảo rằng Thiên Đình đã treo bảng kết quả kì thi Hương ở hạ giới. Vị thần này cũng dặn dò em đưa thư cho cháu đọc kĩ. Tử Khanh làm theo lời anh và con trai đã đỗ đạt. Trong Người trần ở thủy phủ (Thánh Tông di thảo), người ông vốn có tính cách chính trực, sau khi chết được phong thần chốn thủy cung. Tình cờ gặp lại người cháu của mình, ông đã đưa cho cháu tờ cung mệnh ghi rằng: “Lìa trần ba năm/ Lấy vợ thủy phủ/ Rễ tội đã trừ/ Hoàn hồn như cũ/ Tuổi ba mươi tám/ Mới được thành danh/ Đầy sân lan quế/ Phúc trạch còn dành” (Trần Nghĩa, 1997b, tr.580). Cuộc đời người cháu diễn ra theo đúng như những gì được ghi trong tờ cung mệnh. Trong Một dòng chữ lấy được gái thần (Thánh Tông di thảo), người vợ là con của thần núi. Trước khi lìa trần, nàng hẹn với chồng 9 năm sau sum họp. Đúng 9 năm sau, chồng nàng mất để sum họp gia đình ở chốn thượng giới.

Trong truyền kì Việt Nam thời trung đại, thần cũng có lúc cần tới sự giúp đỡ của con người và thần luôn trả ơn. Chuyện người con gái Nam Xương (Truyền kì mạn lục) kể rằng chàng Phan Lang nằm mộng thấy một người con gái áo xanh đến xin tha mạng. Sáng dậy, một người biếu anh một con rùa mai xanh. Phan Lang mang đi phóng sinh. Về sau, khi chàng bị đắm thuyền, chết đuối, được vợ của Nam Hải Long vương cứu mạng. Hóa ra, con rùa mai xanh chính là một thủy thần.

Vì thần có nguồn gốc xuất thân và khả năng phi phàm nên cái nhìn của con người đối với thần chủ yếu là cái nhìn kính trọng và biết ơn. Con người trong truyền kì vẫn mang theo niềm tin thần luôn dòi theo cuộc sống của con người. Truyền kì miêu tả những khoảnh khắc con người đối diện với thần luôn gắn liền với cảm xúc kính sợ. Trong Một dòng chữ lấy được gái thần (Thánh Tông di thảo), thư sinh khi


biết mình đang gặp gỡ thần núi thì chàng đã vô cùng hoảng sợ. Trong Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên (Truyền kì mạn lục), Tử Văn căm ghét tên tướng giặc phương Bắc. Chàng quyết định đốt đền tà để hồn ma tên tướng giặc ấy không còn chỗ nương tựa. Trước khi châm lửa đốt đền, chàng đã khấn trời chứng giám cho thành ý và việc làm của chàng. Trong Truyện lạ nhà thuyền chài (Thánh Tông di thảo), sau khi phải hiện nguyên hình để cứu gia đình chồng, tinh cá Ngọa Vân rất sợ sự trừng phạt của Thượng đế. Nàng đã khóc và từ biệt chốn trần gian. Thái độ của các nhân vật trong truyền kì đối với các vị thần cũng là cảm quan của con người đối với thần linh. Thái độ của con người đối với thần linh còn thể hiện thông qua các nghi lễ, các công trình thờ phụng. Các nghi lễ và công trình thờ phụng không chỉ nhắc nhở con người phải nhớ ơn các vị thần mà còn duy trì mối quan hệ giữa người và thần.

Thái độ của con người với các lực lượng siêu nhiên được thể hiện rò trong Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc (Thánh Tông di thảo). Khi thấy tiên thổi địch phóng thuyền như tên bay, tiếng địch trong gió vẫn thoảng qua; tác giả đã “kinh rợn, lạnh toát người, ta bèn sai tiểu tốt quay thuyền về phủ nằm nghỉ” (Trần Nghĩa, 1997, tr.593). Tuy nhiên, sau đó, ông vẫn không thể chợp mắt, mơ ước một cuộc sống tự do tự tại và mong ngày tái ngộ:

Ta ở địa vị đông cung là bậc quý, sau sẽ lên ngôi nam diện là bậc tôn, cả thiên hạ cung phụng một người, giàu sang còn gì bằng nữa ? Tại sao chỉ nửa thuyền trăng tỏ, khúc địch véo von, đã làm cho ta thay đổi, coi thường mọi vị trân cam không bằng bầu mây nước. Nỗi lòng này là do từ đâu (Trần Nghĩa, 1997b, tr.593).

Trong truyền kì Việt Nam thời trung đại, bên cạnh những vị thần đức độ, công minh; cũng có những vị thần nhũng nhiễu dân lành. Chuyện đối tụng ở Long cung (Truyền kì mạn lục) kể rằng thần thuồng luồng đi bắt cóc vợ của quan thái thú. Khi bị quan thái thú kiện, hắn vẫn ngoan cố chối tội. Nhờ có nhiều người làm chứng, hắn mới chịu nhận tội và bị Long Vương trừng phạt nặng nề. Trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Truyền kì mạn lục), tên tướng giặc phương Bắc chiếm đền của thổ địa, làm yêu làm quái trong dân gian. Sau khi Tử Văn đốt đền tà, hắn kiện chàng ở âm phủ. Cuối cùng, hắn bị phạt nặng. Chuyện ngôi chùa hoang ở Đông Triều (Truyền


kì mạn lục), hai thần hộ pháp cùng với thủy thần đi ăn trộm thức ăn, rượu ngon trong làng và làm nhiều điều xằng bậy.

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, 46/118 truyện truyền kì Trung Hoa thể hiện cảm hứng tôn vinh các vị thần. Trong truyền kì Trung Hoa, nhiều vị thần trong thần thoại vẫn luôn hiện diện. Các vị thần này hiện diện trong truyền kì không phải để sáng tạo mà là để giám sát, điều chỉnh… trật tự xã hội. Truyền kì Trung Hoa đề cập đến sự tồn tại của Hoàng đế trên trời (Ghi chép về chiếc gương cổ – Đường đại truyền kì), thần núi (Truyện vượn trắng và Giang tổng – Đường đại truyền kì), thần đầm (Truyện linh ứng – Đường đại truyền kì), thần gương (Ghi chép về chiếc gương cổ – Đường đại truyền kì), thần biển (Tiệc mừng dưới thủy cung – Tiễn đăng tân thoại, Vợ bé là chồn – Liêu trai chí dị)… Bên cạnh đó, truyền kì Trung Hoa còn đề cập đến một số nhân vật tài năng, đức hạnh đã được chọn để trở thành thần trong sự ngưỡng vọng của con người như đạo sĩ trong Ngôi miếu hoang ở Vĩnh Châu (Tiễn đăng tân thoại), Đại Dị trong Chức Tư pháp ở điện Thái Hư (Tiễn đăng tân thoại), Thu Tiên trong Hộ hoa sứ giả (Tam ngôn)… Theo khảo sát của chúng tôi, truyền kì Trung Hoa hiếm khi đề cập đến những vị thần vốn là các nhân vật lịch sử. Điều này chứng tỏ truyền kì Trung Hoa đề cao tính chất thế sự. Trong truyền kì Trung Hoa, một số vị thần nhũng nhiễu, hãm hại dân lành. Tuy nhiên, nhìn chung các vị thần luôn đức độ, luôn phò trợ cho cuộc sống của dân lành. Cái nhìn của con người đối với các vị thần nhìn chung vẫn là cái nhìn ngưỡng vọng, biết ơn.

Nhìn chung, trong truyền kì, các vị thần không chỉ bao gồm các vị thần sáng tạo, có công khai thiên lập địa hay các vị thần tự nhiên như trong thần thoại. Trong truyền kì, nhiều vị thần vốn là các nhân vật tài năng, đức độ hoặc là các nhân vật lịch sử có công lớn đối với dân tộc. Cổ mẫu thần cho thấy sự kế thừa đặc điểm tư duy huyền thoại: sự đồng nhất phạm trù con người và tự nhiên; con người, tự nhiên và siêu nhiên; sự đồng nhất khởi đầu và nguyên nhân... Các vị thần luôn dòi theo, phò trợ cho cuộc sống con người. Cái nhìn của con người đối với các vị thần là cái nhìn ngưỡng vọng, kính sợ và biết ơn. Điều này không chỉ được thể hiện qua thái độ, suy nghĩ mà còn thể hiện qua các nghi lễ, các công trình thờ phụng cụ thể mà con người đã xây dựng để suy tôn các vị thần. Như vậy, trong truyền kì, cổ mẫu thần giúp tác


phẩm thể hiện những trải nghiệm của con người về thế giới siêu hình. Sau khi tạo ra thế giới, thần linh vẫn luôn chi phối con người. Con người luôn mong được thần che chở. Cổ mẫu thần giúp nhân vật khám phá và lí giải những bí ẩn của cuộc sống. Niềm tin về thần đã giúp con người vượt qua những gian khó, trở ngại trong cuộc đời này.

3.2.2. Cổ mẫu yêu ma

Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh của người nguyên thủy, con người tin rằng vạn vật đều có linh hồn. Theo nhà nghiên cứu Jean Chevalier, Alain Gheerbrant; hồn là “một yếu tố tinh thần có thể xuất hiện một cách độc lập đối với thể xác làm nơi nương náu của nó, hành động theo sự suy xét của mình, như thể là đại diện cho chủ nhân của mình… một linh hồn lưu động của một sinh thể, có khả năng hoạt động vật chất” (Chevalier và Gheerbrant, 2002, tr.448), “hình ảnh hồn hiện về cụ thể hóa theo một kiểu nào đó và biểu trưng đồng thời sự sợ hãi những người đang sống trong một thế giới khác” (Chevalier và Gheerbrant, 2002, tr.453). Phân tâm học thì cho rằng hồn hiện về là sự quay trở lại của cái bị đẩy lùi – cái vô thức “Hồn hiện về cũng có thể là một sự hiện hình của cái tôi, một cái tôi không quen biết, hiện lên từ trong vô thức, gây một sự sợ hãi gần như kinh hoàng mà người ta cố đẩy lùi vào trong bóng tối” (Chevalier và Gheerbrant, 2002, tr.453). Trong thần thoại Việt Nam, hình tượng linh hồn của người chết trở về trần gian (ma) hầu như vắng bóng nhưng hình tượng các động vật, thực vật có linh hồn thì khá phổ biến. Cái nhìn của con người đối với các sinh vật luôn là cái nhìn về vạn vật hữu linh. Mỗi sinh vật đều có thể xác, linh hồn; có suy nghĩ, tính cách, tình cảm như con người. Vì thế, thần thoại Việt Nam kể về hạt lúa có suy nghĩ, tiếng nói như con người (truyện Nữ thần lúa), kì đà biến thành người (truyện Thần Sét), cá hóa người (truyện Con thần nước lấy chàng đánh cá)… Thần thoại Trung Hoa cũng có đặc điểm tương tự.

Truyền kì Việt Nam thời trung đại có sự xuất hiện tần số cao của biểu tượng yêu ma (39/104 truyện đề cập đến các nhân vật yêu ma). Trong đó, ngoài các nhân vật ma (linh hồn người chết), nhân vật yêu ma còn gồm các nhân vật là tinh động vật bao gồm chồn, vượn, hạc, chó, dê, chuột, cá chép, cua, rắn, ễnh ương, hổ, heo, rắn, khỉ…; tinh thực vật bao gồm cúc, thạch lựu, kim tiền...; tinh vật thể bao gồm cái chuông, đàn tì bà, chổi, thỏi vàng...

Xem tất cả 271 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí