việc hiển linh trong giấc mộng còn thỏa mãn những mong muốn mang tính chất cá nhân của thần linh như yêu cầu thờ cúng, kiện tụng, sum họp lứa đôi... Sự hiển linh trong truyền kì mang đậm chất trần thế. Trong truyền kì, mô típ hiển linh nhấn mạnh sự li kì, phi thường của nhân vật: nhân vật thường hiển linh để thực hiện những mục đích cao đẹp của đời thường. Mô típ này thể hiện niềm tin rằng thần linh chi phối, điều khiển cuộc sống con người. Điều này thể hiện sự rạn nứt của niềm tin được xác lập trong truyền thống. Con người đã không hoàn toàn tin tưởng sự ổn định của trật tự hiện hành nên đã gửi gắm niềm tin vào lực lượng siêu nhiên.
4.1.2. Mô típ biến hình
Khảo sát thần thoại Việt Nam và Trung Hoa, chúng tôi nhận thấy mô típ biến hình bao gồm hai dạng chủ yếu: dạng vật biến thành người và dạng người biến thành vật. Dạng mô típ vật biến thành người là sự thay đổi từ dạng vật (bao gồm động vật, thực vật, vật thể) sang dạng người. Dạng mô típ người biến thành vật là sự thay đổi từ dạng người dạng vật (bao gồm động vật, thực vật, vật thể).
Mô típ vật biến thành người, người biến thành vật có nguồn gốc từ quan niệm vạn vật hữu linh trong tư duy huyền thoại. Con người nguyên thủy chưa hiểu rò về vạn vật, chưa tách mình khỏi tự nhiên nên gán cho các khách thể tự nhiên những thuộc tính của bản thân mình. Họ quan niệm con người có linh hồn, thể xác và tin rằng vạn vật cũng như thế. Từ quan niệm vạn vật hữu linh, người nguyên thủy tin rằng người có thể biến thành vật và ngược lại. Nhà nghiên cứu người Anh E.B.Taylor đã đặt tên cho lòng tin này là vật linh luận.
Đối với dạng vật biến thành người trong thần thoại, chủ thể biến hình là vật hoặc thần mang dáng vật còn đối tượng biến hình là người. Trong truyện thần thoại Ông Trời ở Việt Nam, ông Trời dùng đất sét nặn thành tượng hình người. Sau đó, tượng đất đã hóa thành người thật. Truyện về thần Đất ở nước ta cũng kể rằng thần Đất vốn có mình rồng nên cũng có tên là Thổ địa long thần. Tuy nhiên, thần thường hiện ra với hình dáng một cụ già, thâm nhập vào cuộc sống con người. Trong truyện Thần Sét, yêu quái kì đà đã hóa thành đứa bé để ngăn cản thần Sét. Trong truyện Thần Nước, rồng, cá, rắn, thuồng luồng đi lên cạn với hình dạng con người. Trong mo Đẻ đất đẻ nước, thời kì mặt đất chưa có dấu vết con người, một đôi chim bay ra từ cây
si, đẻ 100 trứng, đôi chim ấy hóa thành người – hai con người đầu tiên trên mặt đất. Trong thần thoại Trung Hoa, Bàn Cổ là nhân vật thần thoại được người Miêu, người Dao ở đất nước họ coi là thủy tổ. Vị thần này từ hình dạng con sâu biến thành con chó toàn thân như gấm vóc, sặc sỡ năm màu, sáng chói lấp lánh. Sau khi được úp trong chiếc chuông vàng 7 ngày, toàn thân thần đã biến thành người. Trong truyện về Nữ Oa, những hòn đất đã hóa thành người - những con người đầu tiên trên mặt đất.
Đối với dạng mô típ người biến thành vật trong thần thoại, chủ thể biến hình là thần mang hình dáng người và đối tượng biến hình là vật. Ở Việt Nam, thần thoại kể rằng con trai thần Gió nghịch ngợm, quạt ngọn gió thần, hất tung bát gạo của cặp vợ chồng nghèo khó. Ngọc Hoàng tức giận, biến con trai thần Gió thành cây ngải báo tin gió cho thiên hạ để cậu ta tự chuộc lại lỗi lầm. Mỗi lần cây ngải cuốn bông, cuốn lá, con người lại bảo với nhau rằng trời sắp nổi gió mưa. Trong thần thoại Trung Hoa, thần Bàn Cổ sau khi kiến thiết vũ trụ thì cơ thể thần biến thành sông, suối, đất đai, mặt trời, mặt trăng… Nàng Dao Cơ – con gái của thần Nông đến tuổi xuất giá thì chết. Nàng chết rồi biến thành cỏ dao. Cỏ dao mọc rậm rạp, xanh rì, nở hoa vàng, kết thành quả nhỏ, ai ăn vào thì được người ta yêu say mê. Một người con gái khác của thần Nông sau khi chết đuối thì hóa thành chim tinh vệ hằng ngày gom đá, cành cây lấp biển. Nàng Hằng Nga vì phản bội chồng nên bị phạt nhốt ở cung trăng, hóa thành một con cóc. Kiểu mô típ người biến thành vật cũng xuất hiện dày đặc trong thần thoại các nước khác. Thần Zeus – vị thần cai trị tất cả các thần trong thần thoại Hi Lạp, oai nghiêm, dũng mãnh nhưng cũng rất đa tình. Vợ của thần rất hay ghen nên thần từng phải biến thành thiên nga đi tán tỉnh hoàng hậu Leda xinh đẹp tuyệt trần hay biến thành con đại bàng bắt cóc cậu thiếu niên đẹp nhất còi tục là Gany…
Điểm giống nhau của mô típ biến hình trong thần thoại là chủ thể biến hình thường là các vị thần. Các vị thần có năng lực siêu nhiên, có quyền lực vạn năng nên chủ thể thường tự biến hình, thỉnh thoảng mới xuất hiện tác nhân gây biến hình (cũng là các vị thần). Sự biến hình trong thần thoại mang tính chất vạn năng, không hề có một giới hạn nào có thể ngăn cản được năng lực siêu nhiên của các vị thần. Mô típ biến hình thể hiện ý muốn, khả năng siêu nhiên, tính cách của các vị thần. Qua đó,
Có thể bạn quan tâm!
- Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 14
- Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 15
- Truyền Kì Việt Nam Thời Trung Đại – Nhìn Từ Phương Diện Nghệ Thuật Biểu Hiện Huyền Thoại (Đối Chiếu Với Truyền Kì
- Không Gian Huyền Thoại Trong Truyền Kì Việt Nam Thời Trung Đại
- Không Gian Đồng Hiện Thực Giới Và Hư Giới
- Không Gian Đồng Hiện Trung Tâm Thần Thiêng Và Ngoại Vi Thế Tục
Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.
chúng chủ yếu thể hiện cảm quan của con người về thế giới và giải thích nguồn gốc các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ.
Trong truyền kì Việt Nam, mô típ biến hình chủ yếu bao gồm hai dạng: vật biến thành người và người biến thành vật. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, hai dạng biến hình này xuất hiện trong 46/104 truyện truyện kì tiêu biểu của Việt Nam. Dạng mô típ vật biến thành người là sự thay đổi từ dạng vật (bao gồm động vật, thực vật, vật thể) sang dạng người. Dạng mô típ người biến thành vật là sự thay đổi từ dạng người sang dạng vật (bao gồm động vật, thực vật, vật thể).
Trong truyền kì Việt Nam, nhiều loài vật có khả năng biến hóa thành người như hổ, lợn, bướm, cá, dê, chuột, cọp, chồn, vượn, cáo, rùa, giải, hạc, rắn… Thực vật cũng có khả năng biến hóa thành người như cây kim tiền, thạch lựu, cúc... Đặc biệt, các vật thể tưởng chừng vô tri vô giác cũng có khả năng biến hóa thành người như chuông vàng, đàn tì bà, chổi, thỏi vàng, chày gỗ. Trong truyền kì, linh hồn người chết cũng có thể biến hóa, mượn thân xác con người để xâm nhập vào thế giới trần tục.
Trong đó, tác nhân gây biến hình thường không tồn tại vì chủ thể biến hình trong truyền kì có năng lực siêu nhiên, có khả năng tự biến hình theo ý muốn của mình. Trong truyền kì Việt Nam, Truyện tinh hoa cúc kể về người con gái đẹp (là tinh hoa cúc) nhiều lần hiện ra rồi biến mất khiến chàng Đỗ Sinh bàng hoàng. Về sau Đỗ Sinh không lấy vợ, dành cả cuộc đời chăm sóc cho hoa.
Chủ thể biến hình của truyền kì thường là động vật, thực vật, vật thể còn đối tượng biến hình chủ yếu là người. Trong truyền kì, mô típ vật biến thành người có chức năng giúp các nhân vật ảo quá đam mê cuộc sống trần gian có được một lớp vỏ bọc là người, có hình dạng người để giao du, xen lẫn vào thế giới của con người. Các nhân vật ảo này thường hiện ra trong lốt của những người con gái xinh đẹp, tươi trẻ và thường đi tìm kiếm tình yêu lứa đôi. Có lẽ nhà văn không tìm thấy một người con gái nào trong đời thực lại dám chủ động, mạnh bạo tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi cho mình. Vì thế, nhà văn phải xây dựng các nhân vật ảo mạnh dạn tìm kiếm, bảo vệ tình yêu chính đáng của bản thân. Bên cạnh đó, sự ưu ái nữ giới còn bắt nguồn từ nguyên lí tính Mẫu trong huyền thoại. Ở cả phương Đông và phương Tây, người phụ nữ vốn được xem là biểu tượng của sự khởi thủy và quyền lực tối thượng.
Tuy nhiên, các nhân vật ảo biến hình còn để thực hiện những âm mưu đen tối. Trong truyền kì Việt Nam, Truyện tinh chuột (Thánh Tông di thảo) kể về tinh chuột hóa thành người để hoang dâm. Trong Đánh ma (Lan Trì kiến văn lục), tác giả đã nói rằng “Rổ tàn chổi rách, quần áo rách bươm, đội lốt mặt đen để dọa người, lấy trộm cá chờ khi mặt trời sắp lên lại trở về với bản chất vốn có của nó” (Trần Nghĩa, 1997a, tr.859).
Mô típ người biến thành vật trong truyền kì tuy xuất hiện không nhiều bằng mô típ vật biến thành người nhưng cũng để lại những ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Trong truyền kì Việt Nam, truyện Cây ngải trăm ngày (Vân nang tiểu sử) kể về người ngậm ngải rồi hóa thú. Lá cây ngải được niệm thần chú liên tục trong một trăm ngày thì sẽ có sức mạnh thần kì. Người ngậm ngải vào rừng thì thú dữ phải tránh xa, mắt có thể nhìn xuyên vào lòng đất để tìm trầm. Nhưng nếu quá trăm ngày mà người ngậm ngải chưa trở về nhà thì sẽ khiến người hóa thú.
Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, 57/118 truyện truyền kì tiêu biểu của Trung Hoa có sự xuất hiện của mô típ biến hình. Trong truyền kì Trung Hoa, nhiều loài động thực vật như chồn, chó sói, rùa, chuột, vượn, thạch sùng, gà trống, cá, ba ba, mãng xà, khỉ, cua, ễnh ương, quạ, chim, ong, cúc, hoa mẫu đơn, sen… thậm chí ma quỷ cũng có thể biến thành người. Các nhân vật này có khả năng tự biến hình, không cần sự trợ giúp của thần linh. Truyện Hà hoa Tam nương tử kể về sĩ nhân Tống Dương Nhược chèo thuyền đuổi theo cô gái vốn là tinh hoa sen hóa thành. Cô gái có bím tóc buông rũ, áo lụa trắng như băng, tươi đẹp tuyệt trần. Khi bị đuổi gấp, nàng biến thành một bông hoa sen cuống ngắn. Chàng trai họ Tống đem bông hoa ấy về hơ qua ngọn nến buộc cô gái phải biến hình thành mỹ nhân. Trong truyền kì Trung Hoa, sự biến hình chủ yếu giúp nhân vật thỏa mãn những giấc mộng trần tục như tình yêu, vật chất, công danh… Thậm chí, một số nhân vật vì quá tham lam, ích kỉ nên hại người khác. Truyện Chết vì mê gái (Liêu trai chí dị), hồ ly nữ có kim đan hại Đổng sinh rồi suýt nữa hại chết luôn bạn của Đổng là Vương Cửu Tư. Sự biến hình từ vật thành người ở đây mang tính chất khuyến thiện trừng ác. Dạng biến hình từ người thành vật tuy chiếm số lượng ít ỏi nhưng thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Trong truyện Trúc Thanh (Liêu trai chí dị) của truyền kì Trung Hoa, chàng Ngư Dung (trong lúc đói khát) yết
kiến Ngô Vương rồi được biến thành quạ bay đi kiếm ăn thỏa thích. Đàn quạ đã gả cho Ngư Dung một con quạ mái tên là Trúc Thanh sống vô cùng hạnh phúc vì cả hai đều rất chung tình. Được biến thành chim, chàng học trò đã được thỏa mãn giấc mộng áo cơm, tình yêu tri kỷ, hôn nhân tự do.
Cho dù mô típ biến hình trong truyền kì đa dạng như thế nào, từ người biến thành vật hay vật biến thành người thì sự biến hình cũng diễn ra hết sức nhanh chóng chỉ trong chớp mắt. Chủ thể biến hình hầu như không cần sự trợ giúp của các lực lượng siêu nhiên. Hơn nữa các nhân vật biến hình đều vì những lý do hết sức trần tục như tìm người yêu, tìm bạn tri kỉ… đã làm cho các yếu tố ảo – thực trong truyện đan xen vào nhau. Sự biến hoá nhanh nhạy của nhân vật ảo đã tạo nên không khí vừa thực vừa hư của truyện truyền kì. Trong khi thần thoại xây dựng các sự kiện siêu nhiên thống trị mạch truyện và truyện cổ tích xây dựng các yếu tố ảo – thực phân biệt rạch ròi thì truyền kì đã đan xem các yếu tố ảo và thực. Mô típ biến hình không còn có chức năng gốc là giải thích nguồn gốc, đặc điểm của sự vật, hiện tượng. Bên cạnh chức năng khuyến thiện trừng ác, các mô típ này trong truyền kì chủ yếu thể hiện hiện thực xã hội, ước mơ của con người. Tác giả dùng mô típ vật biến thành người, người biến thành vật làm phương tiện chuyển tải tư tưởng của mình một cách kín đáo. Nhà văn khẳng định tình yêu lứa đôi, cuộc sống trần gian là hạnh phúc để cho nhiều nhân vật ảo phải biến hình để sống với con người. Nhà văn cũng phê phán, phủ định xã hội bấy giờ khi để cho một số nhân vật là người phải biến thành vật để thực hiện ước mơ của mình.
4.1.3. Mô típ chinh phục cái chết
Chinh phục cái chết nghĩa là sự đấu tranh để cố gắng chiến thắng cái chết, kéo dài sự sống cho các cá nhân. Khát vọng kéo dài sự sống là ước mơ của nhân loại từ xưa đến nay. Vì vậy, không chỉ thần thoại Việt Nam mà thần thoại nhiều nước trên thế giới đã hình thành nên mô típ chinh phục cái chết.
Trong thần thoại, mô típ chinh phục cái chết thể hiện qua hai cấp độ. Thứ nhất là sự trường sinh bất tử của các vị thần tiên. Thứ hai là sự kéo dài tuổi thọ của chúng sinh nhờ quá trình tu luyện, uống đan dược, được thần ban thưởng…
Trong thần thoại Việt Nam, các vị thần luôn trường sinh bất tử. Sau khi hiện ra và sáng tạo nên mọi vật trong vũ trụ, các thần vẫn luôn luôn tồn tại chi phối thế giới này. Tuy nhiên, con người không được đặc ân trường sinh bất tử như các thần. Thần thoại Việt Nam kể về nhiều nhân vật được kéo dài tuổi thọ nhờ sự ban thưởng của thần linh. Trong Truyện thần đất bị đánh, dân làng thương một anh chàng nhân hậu nên cầu xin Ngọc Hoàng cho anh ta sống đến 100 tuổi. Ngọc Hoàng đã chấp nhận lời cầu xin ấy. Trong truyện Thần Sét, người thợ săn giúp thần sét diệt yêu tinh, được Ngọc Hoàng ban thưởng cho sống thêm 12 năm. Thần thoại Việt Nam cũng khẳng định ước mơ trường sinh của con người qua nhiều câu chuyện về thuốc trường sinh. Truyện Sự tích chú Cuội cung trăng của người Kinh kể rằng con người từng tìm được thuốc trường sinh – một loại lá cây có thể chữa lành mọi vết thương, có thể khiến người chết sống lại. Vì vợ Cuội không làm đúng lời chồng dặn nên cây đã bay về trời. Ngày hôm nay, nhìn lên cung trăng, con người vẫn thấy bóng dáng chú Cuội và cây trường sinh. Trong thần thoại dân tộc Mường Thằng Cuội Mường với cây trường sinh, sau khi phát hiện lá cây cải tử hoàn sinh, Đạo Kha giúp cho nhiều người sống lại. Các thần sợ con người cũng trường sinh bất tử như các thần nên đã đưa Đạo Kha và cây trường sinh về trời. Từ đó, con người không còn vị thuốc trường sinh. Cùng cảm hứng thể hiện khát vọng trường sinh, thần thoại Rắn già rắn lột, người già người tuột vào săng giải thích lí do vì sao con người khi già đi lại không được lột da để cải từ hoàn sinh như loài rắn. Đó là do mưu kế của loài rắn nên thiên thần đã làm sai lời dặn của Ngọc Hoàng.
Thần thoại Trung Quốc cũng ghi nhận các vị thần tồn tại vĩnh hằng như thần mặt trời, thần mặt trăng, thần gió, thần mưa, thần sông, thần biển… Thần thoại nước này cũng nhiều lần nhắc đến những vị thuốc trường sinh. Truyện về Khoa Phụ, Hình Thiên đề cập đến vị đạo sĩ luyện đan dược. Trong truyện về người cá, các vị thần ngự trên núi Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu có thuốc trường sinh. Tây Vương Mẫu ở núi Côn Luân cũng có cây trường sinh. Vì những ngọn núi này sát biển nên về sau nhiều vua chúa vẫn sai người vượt biển tìm phương thuốc quý.
Như vậy, thần thoại Việt Nam và Trung Hoa đều ghi nhận các vị thần trường sinh bất tử. Các thần luôn sống trong không gian vô tận và thời gian vĩnh hằng. Bên
cạnh đó, thần thoại cũng kể rằng con người từng có thuốc trường sinh (cây trường sinh) nhưng rồi không còn loại thuốc quý đó nữa. Tuy nhiên, con người không cam tâm, vẫn đi tìm hoặc tự luyện các loại thuốc trường sinh để chinh phục cái chết.
Trong truyền kì, mô típ chinh phục cái chết thể hiện qua hai cấp độ. Thứ nhất là sự trường sinh bất tử của các vị thần tiên trên trời và các còi khác. Thứ hai là sự kéo dài tuổi thọ của chúng sinh nhờ tu luyện, ăn được thuốc quý, được thần tiên ban cho tuổi thọ…
Theo khảo sát của chúng tôi, mô típ chinh phục cái chết (sự kéo dài tuổi thọ của chúng sinh) xuất hiện trong 23/104 truyện truyền kì tiêu biểu của Việt Nam. Truyền kì Việt Nam vẫn ghi nhận sự tồn tại của các vị thần như thần mặt trời, thần mưa, thần gió, thần sông, thần biển, thần đền… Sự trường sinh bất tử là một trong những đặc tính của thần linh. Bên cạnh đó, truyền kì kể về nhiều cách kéo dài tuổi thọ của chúng sinh. Phổ biến nhất trong số đó là con đường tu luyện để thành tiên. Trong Người mặc áo vỏ cây (Vân nang tiểu sử), người tu hành trên núi đã hóa tiên. Trong Sớ hặc hồ tiên (Vân nang tiểu sử), hai vị tiên hình dáng kì vĩ, đi đứng nhẹ nhàng như khói mây kể rằng họ đã tu hành hàng vạn năm. Cũng trong truyện này, vị đạo sĩ ở núi An Sơn tu hành hơn 70 năm mà diện mạo chỉ như người 30 tuổi. Bên cạnh cách thức cầu tiên học đạo, truyền kì còn kể về trường hợp con người được thần linh ban thưởng tuổi thọ hoặc cho uống thuốc thần. Trong Chuyện gã trà đồng giáng sinh (Truyền kì mạn lục), Dương Đức Công được Thượng Đế truyền lệnh cho sống thêm hai kỉ vì ông vốn là người lương thiện, nhân hậu. Sau này, ông cũng trở thành tiên. Trong Chuyện chồng dê (Thánh Tông di thảo), chàng trai (vốn là thần) cho người yêu uống thuốc thần để hai người cùng nhau bay lên trời, sống tiếp cuộc đời của thần linh - không sinh không diệt.
Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, mô típ chinh phục cái chết xuất hiện trong 44/118 truyện truyện kì tiêu biểu của Trung Hoa. Sự xuất hiện của mô típ này trong truyện truyền kì Trung Hoa nhiều hơn truyện truyền kì Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của điều này là sự ảnh hưởng của Đạo giáo rất mạnh mẽ ở Trung Hoa. Sự xuất hiện của các đạo sĩ, của khát vọng học đạo tu tiên, của quá trình tìm thuốc luyện đơn… trong truyền kì Trung Hoa đã tạo nên những thế giới
phiêu diêu thoát tục. Truyền kì Trung Hoa nhiều lần đề cập đến những nhân vật đi tu đạo, trở thành tiên như trong Anh đào thanh y (Đường đại truyền kỳ); Tiệc mừng dưới thủy cung, Thăm người ở ẩn chốn Thiên Thai, Đêm chơi thuyền trên Giám hồ (Tiễn đăng tân thoại)… Đặc biệt, truyện Thăm người ở ẩn chốn Thiên Thai (Tiễn đăng tân thoại) kể về một đạo sĩ đắc đạo thành tiên, đã sống hơn 140 tuổi. Truyền kì Trung Hoa cũng kể về những viên linh đơn có thể giúp con người thành tiên. Trong truyện Đỗ Tử Xuân (Đường đại truyền kỳ), đạo sĩ luyện được ba viên linh đơn, đưa cho Đỗ Tử Xuân uống để chàng được thành tiên. Tuy nhiên, cuối cùng chàng không thành tiên được do không từ bỏ được chữ “ái” trong tâm mình. Trong truyện Con gái nhà trời, Chuyện ở đảo Thần Tiên (Liêu trai chí dị), nhân vật sau khi thành tiên đã gửi thuốc quý giúp kéo dài tuổi thọ về cho người thân của mình chốn hạ giới. Trong truyện Vợ bé là chồn (Liêu trai chí dị), một người con gái sau khi chết đã được chồn làm phép cho sống lại. Như vậy, bên cạnh những cách thức mang đậm ảnh hưởng của Đạo giáo như luyện đan, tu tiên; thế giới này còn có nhiều cách thức bí ẩn để có thể cải tử hoàn sinh mà con người chưa nắm bắt được. Truyền kì Trung Hoa cũng kể về nhân vật có công giúp thần linh diệt trừ yêu quái nên được thưởng thọ thêm một kỉ (truyện Ngôi miếu hoang ở Vĩnh Châu (Tiễn đăng tân thoại)).
Khát vọng kéo dài tuổi thọ, trường sinh bất tử là một trong những khát vọng lớn nhất của loài người. Ở Việt Nam và Trung Hoa, được Đạo giáo cổ vũ, khát vọng này càng thể hiện mạnh mẽ. Tiếp nối thần thoại, truyền kì đã thể hiện mô típ chinh phục cái chết ở nhiều hình thức đa dạng. Không có đặc tính trường sinh bất tử như các vị thần, con người có thể uống linh đơn, tu tiên, sống thiện lương để có thể kéo dài tuổi thọ. Kế thừa mô típ huyền thoại: chinh phục cái chết, truyền kì Việt Nam và Trung Hoa thời trung đại đã tạo nên những câu chuyện nói về những vấn đề mà cộng đồng quan tâm như sự sống và cái chết. Mô típ chinh phục cái chết đã tạo nên điểm tựa tinh thần cho con người rằng sự sống có thể được kéo dài sau khi chết. Mô típ này còn thể hiện tư tưởng khuyến thiện trừng ác - khuyên con người sống thiện lương để được hóa thần hoặc được ban thưởng tuổi thọ.