Truyền Kì Việt Nam Thời Trung Đại – Nhìn Từ Phương Diện Tư Duy Huyền Thoại (Đối Chiếu Với Truyền Kì Trung Hoa


Tiểu kết

Huyền thoại được nhiều nhà nghiên cứu xem xét như là thể loại văn học đầu tiên của nhân loại, là kết quả của phương thức tư duy huyền thoại. Tư duy huyền thoại cùng với tư duy lí tính vẫn luôn tồn tại trong con người cho đến tận ngày hôm nay. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn của lịch sử nhân loại, tư duy huyền thoại lại có những biến thể khác nhau.

Kế thừa nghiên cứu của những người đi trước, khảo sát trường hợp thần thoại Việt Nam, thần thoại Trung Hoa… chúng tôi nhận thấy tư duy huyền thoại có sự đồng nhất các yếu tố trong các cặp phạm trù. Tiêu biểu nhất là sự đồng nhất các yếu tố trong cặp phạm trù: tự nhiên – siêu nhiên, con người – siêu nhiên, con người – tự nhiên, khởi đầu – nguyên nhân. Bên cạnh đó, huyền thoại còn có sự dung chứa các cổ mẫu. Thần thoại thể hiện các đặc trưng nghệ thuật huyền thoại như cách xây dựng nhân vật, mô típ huyền thoại, không gian và thời gian đồng hiện... Tư duy huyền thoại và nghệ thuật huyền thoại được kế thừa trong các thể loại văn học về sau.

Khi khảo sát sự kế thừa huyền thoại trong văn học Việt Nam, chúng tôi nhận thấy huyền thoại có nhiều biểu biện đa dạng, phong phú trong văn học. Các thể loại tự sự của văn học dân gian như truyền thuyết, sử thi anh hùng, cổ tích… là sự kế thừa sâu sắc tư duy huyền thoại và thi pháp huyền thoại. Đặc biệt, các thể loại này kế thừa quan niệm vạn vật hữu linh, thuyết vật tổ… từ trong huyền thoại. Đối với văn học trung đại, sự chuyển hóa các yếu tố huyền thoại vào tác phẩm văn học thể hiện nhiều nhất ở các truyện “thần linh, quái dị, anh tú” và truyện truyền kì. Vì thế, huyền thoại trong các tác phẩm này thể hiện ở cả mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Đặc biệt, các tác phẩm này góp tiếng nói suy nguyên luận về thực thể tự nhiên, thực thể xã hội và bộc lộ sự ngưỡng vọng đối với các nhân vật đã dương trợ âm phù cho cuộc sống của người dân. Đối với các tác phẩm văn học thế kỉ XX, sự kế thừa huyền thoại thể hiện nhiều nhất ở truyện ngắn và tiểu thuyết trong giai đoạn sau đổi mới (1986). Các tác phẩm này không chỉ thể hiện sự huyền thoại hóa các nhân vật tôn giáo, tín ngưỡng; huyền thoại hóa các biểu tượng mà còn thể hiện vấn đề giải huyền thoại – giải thiêng đối với nhiều nhân vật, sự kiện lịch sử văn hóa. Các mô típ huyền thoại, thời gian và không gian hư ảo, tâm linh của huyền thoại cũng được kế thừa trong các tác phẩm


văn học hiện đại để bộc lộ rò hơn cuộc sống hiện thực, nội tâm của con người. Đối với văn học Trung Quốc, các yếu tố huyền thoại cũng đã có sự thể hiện đa dạng trong các tác phẩm văn học theo từng thời kì lịch sử.


Chương 3. TRUYỀN KÌ VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI – NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN TƯ DUY HUYỀN THOẠI (ĐỐI CHIẾU VỚI TRUYỀN KÌ TRUNG HOA

THỜI TRUNG ĐẠI)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.

Sự di chuyển của huyền thoại trong tác phẩm văn học là một hành trình mang tính tất yếu của huyền thoại và văn học. Quá trình di chuyển này như một cuộc tái sinh. Mật độ, hình thái và ý nghĩa của các yếu tố huyền thoại xuất hiện trong tác phẩm văn học phụ thuộc vào thời đại, văn hóa bản địa, tâm thức và ý đồ nghệ thuật của tác giả. Nhà nghiên cứu F.Monneyron, J.Thomas khẳng định “nghiên cứu văn học của chúng ta bao gồm việc thể hiện sự hiện diện của huyền thoại trong tác phẩm văn học” (Monneyron và Thomas, 2002, tr.57), “Sự tinh tế của diễn ngôn văn học – quan điểm của nó, chiều kích thẩm mĩ, tính đặc thù của nó, gắn liền với đời sống nội tâm của tác giả - không còn là trở ngại cho việc thiết lập một hình thức huyền thoại, có thể tham gia diễn ngôn của huyền thoại” (Monneyron và Thomas, 2002, tr.50).

Chúng tôi đã dựa vào các quan niệm về sự huyền thoại hóa các nhân vật lịch sử, tôn giáo; về sự tái sinh cổ mẫu trong tác phẩm văn học. Từ đó, chúng tôi đã khảo sát hệ thống nhân vật lịch sử, tôn giáo trong truyền kì Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi khảo sát các cổ mẫu tiêu biểu trong truyền kì Việt Nam. Qua quá trình khảo sát các tác phẩm, chúng tôi nhận thấy các tác phẩm truyền kì Việt Nam có sự thần thánh hóa các nhân vật lịch sử; nhân vật tôn giáo. Đồng thời, truyền kì Việt Nam còn thể hiện sự tái sinh các biểu tượng của vô thức tập thể (cổ mẫu), tiêu biểu nhất là cổ mẫu thần, cổ mẫu yêu ma, cổ mẫu nước, cổ mẫu đêm.

Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 11

3.1. Thần thánh hóa các nhân vật của dân gian

Công trình Văn học dân gian Việt Nam (do nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh chủ biên) nhận định thần thoại đã nảy sinh từ cuộc sống của người nguyên thủy và phát triển theo yêu cầu của xã hội Lạc Việt “tư duy của người nguyên thủy dầu ấu trĩ thì cũng đã sản sinh trên cơ sở phản ánh những mối liên hệ giữa các hiện tượng ấy với loài người thông qua lao động sản xuất” (Đinh Gia Khánh, 2001, tr.275). Một trong những nguyên nhân hình thành nên thần thoại là “dần dần thành tích và công lao của


những nhân vật kiệt xuất không những được kể lại hoặc diễn lại đúng với sự thực mà còn được tô điểm theo óc tưởng tượng chất phác và phong phú của mọi người” (Đinh Gia Khánh, 2001, tr.275), “ai mà hấp thụ được ý muốn của con người và có nhiều năng lực hơn tự nhiên, dần dần được xây dựng tầm nhìn của cá nhân toàn năng” (Vickery, 1966, tr.96). Như vậy, các nhân vật có những thành tích kiệt xuất trong lao động và chiến đấu bảo vệ cộng đồng sẽ được thần thánh hóa thành các vị thần.

Các tác phẩm truyền kì bắt nguồn từ tác phẩm văn học dân gian, từ quan niệm tôn giáo, tín ngưỡng của dân gian. Trong đó, nổi bật là nhiều nhân vật lịch sử khi đi vào truyền kì thì được thần thánh hóa, được tô điểm cho toàn vẹn. Các nhân vật tôn giáo, tín ngưỡng cũng hiện lên trong truyền kì với những khả năng siêu nhiên. Họ có mối giao cảm với tự nhiên, sự phò trợ của họ đối với nước, với dân kéo dài vô tận, được nhân dân tôn vinh bằng những đền thờ, nghi lễ cho đến tận ngày hôm nay. Sự tôn vinh các nhân vật lịch sử, nhân vật tôn giáo trong các tác phẩm truyền kì là sự thể hiện tư duy huyền thoại trong hình thức văn học. Nhà nghiên cứu Trần Ích Nguyên khi nghiên cứu về Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ đã nhận định rằng nguồn gốc hình thành tác phẩm này là từ sự ảnh hưởng của “Tiễn đăng tân thoại” của Cù Hựu (Trung Hoa); cải biên từ thần thoại, chí quái Việt Nam; ghi chép lại truyền thuyết dân gian địa phương.

3.1.1. Nhân vật lịch sử

Trong truyền kì Việt Nam, nhân vật được thần thánh hóa từ nhân vật lịch sử hiện lên rất phong phú, đa dạng. Điều này thể hiện sự kế thừa đặc điểm tư duy huyền thoại: đồng nhất các phạm trù con người và siêu nhiên. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, trong các tác phẩm truyền kì tiêu biểu của Việt Nam, 11/104 truyện truyền kì thể hiện sự thần thánh hóa các nhân vật lịch sử. Nhân vật lịch sử ở đây có thể là vua, hiền tài, liệt phụ, kì nữ… Nhân vật có thể đóng vai trò là nhân vật chính trong cốt truyện của truyền kì, hoặc có thể là nhân vật chỉ được đề cập tới. Khi khảo sát các nhân vật lịch sử trong truyền kì, chúng tôi dựa vào các tiêu chí: nhân vật được ghi chép trong các tài liệu lịch sử và nhân vật được đề cập gắn liền với các chi tiết thời gian, địa điểm mang tính xác thực về lịch sử, địa lí. Qua đó, chúng tôi nhận thấy nhiều tác phẩm truyền kì viết về các nhân vật lịch sử như Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào,


Người con gái Nam Xương, Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa (Truyền kì mạn lục); Truyện đền thiêng ở cửa bể, Truyện người liệt nữ ở An Ấp, Truyện nữ thần ở Vân Cát, Cuộc gặp gỡ kì lạ ở Bích Câu (Truyền kì tân phả); Truyện yêu nữ Châu Mai, Truyện tinh chuột (Thánh Tông di thảo)… Trong bài viết “Truyền kì tân phả” và lễ hội dân gian, nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh, Bùi Thị Thiên Thai nhận định Truyền kì tân phả có nhiều câu chuyện được phát triển từ truyền thuyết. Truyện đền thiêng ở cửa bể là câu chuyện về bà cung phi của vua Trần Duệ Tông, được thờ ở thôn Hải Khẩu, huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh. Truyện người liệt nữ ở An Ấp là chuyện về người vợ thứ của tiến sĩ Đinh Nho Hoàn. Sau khi ông bị chết trên đường đi sứ, bà đã chết theo, được triều đình cho lập đền thờ. Truyện nữ thần ở Vân Cát kể về một người con gái vốn là con gái Ngọc Hoàng giáng trần. Sau khi chết, nàng hiển thánh, trở thành một trong tứ bất tử của Việt Nam. Từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, các nhà nghiên cứu này nhận định nguyên mẫu của Truyện nữ thần ở Vân Cát là một người thật quê quán ở Thiên Bản, sống vào đời Lê, bà chết trẻ, không con cái, phải đặt ruộng hậu để người đời cúng lễ. Sau đó, sự linh thiêng của bà cùng với nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa... đã dẫn tới sự hóa thân của bà thành “thiên hạ mẫu nghi”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na so sánh Truyện đền thiêng ở cửa bể với những ghi chép trong Đại Việt sử kí toàn thư và kết luận “Mọi chi tiết trong truyện “Đền thiêng cửa bể” của Đoàn phu nhân nửa đầu thế kỉ XVIII đều “khớp” với lịch sử, chính xác đến từng năm, từng tháng và kể cả thời tiết... của thế kỉ XIV – XV” (Nguyễn Đăng Na, 2006, tr.365). Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng Nhị Nương trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu (“Truyền kì mạn lục”) là một nhân vật có thật, ngày nay dân Khoái Châu vẫn còn truyền tụng câu chuyện về nàng. Vũ Thị Thiết (Chuyện người con gái Nam Xương – Truyền kì mạn lục) cũng là một nhân vật có thật trong lịch sử, đền thờ nàng ở Lí Nhân – Hà Nam...

Những nhân vật lịch sử này được các nhà văn di chuyển vào truyền kì bằng cảm hứng tôn vinh – ca ngợi tài năng, đức hạnh của các nhân vật. Nhà nghiên cứu Trần Ích Nguyên đã nhận định về vấn đề Truyền kì mạn lục kế thừa truyện dân gian “khai thác từ truyền thống, đồng thời phát huy tài tình của cá nhân, biến những chuyện cũ nát thành truyền kì, viết nên trang này đến trang khác những truyện làm cảm động


lòng người” (Trần Ích Nguyên, 2000, tr.212). Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn đã nói rò hơn về vấn đề biến nhân vật của văn học dân gian thành nhân vật của truyền kì thông qua lời nhận định về Truyền kì mạn lục: “Nguyễn Dữ đã gia tăng các lời đối thoại, độc thoại, chuyển hóa lời kể chuyện trong chuyện dân gian thành lời đối thoại tham dự vào biến cố, biểu lộ rò tính cách nhân vật, tăng lớp từ ngữ đời thường trong câu đối thoại” (Nguyễn Hữu Sơn, 2010, tr.39). Nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn nhận định:

Theo quan niệm Nho gia, một trong những dấu hiệu bộc lộ tài năng thiên phú, khiến nhân vật ấy khác thường là tài thơ văn… Do vậy, các mô típ về tài thơ văn được sử dụng rộng rãi trong truyện trung đại. Có nhiều truyện nhắc đến tài sáng tác thơ văn, kể lại khả năng ứng đối nhanh nhẹn, xuất khẩu thành thơ… của các nhân vật lịch sử. Ghi chép thơ văn, câu đối cũng là một hình thức minh chứng cho nét phi thường của nhân vật. Thơ văn không chỉ là để nói chí, bộc lộ khát vọng, hoài bão chính trị mà còn là phương tiện giúp cho một nhân vật nào đó đỗ đạt cao, tham gia vào triều chính. Bởi lẽ qua thơ văn của một nhân vật, người xưa cho là có thể đánh giá được phẩm chất, năng lực hoạt động chính trị

- xã hội của nhân vật đó (Trần Nho Thìn, 2008, tr.153).

Vì vậy, tác giả truyền kì còn tăng cường việc kết hợp các bài thơ vào truyền kì để khắc họa rò hơn tình cảm, tính cách, tài năng của nhân vật.

Sự tôn vinh biến các nguyên mẫu lịch sử không còn là những con người xuất chúng của hạ giới mà trở nên giống với hình tượng các vị thần. Truyền kì không còn là sự ghi chép những sự kiện, nhân vật của lịch sử; truyền kì đã kể các câu chuyện hấp dẫn, bay bổng về nhân vật lịch sử. Một trong những nguyên nhân góp phần nên sự thành công này của truyền kì là sự chi phối của tư duy huyền thoại tới các tác giả khi xây dựng truyền kì.

Cụ thể, các nhân vật lịch sử trong truyền kì có mối giao cảm mạnh mẽ đối với tự nhiên nói riêng, vạn vật nói chung. Thậm chí, truyền kì có những nhân vật còn có khả năng chi phối tự nhiên, liên hệ được với thần linh. Trong bài viết Tương đồng mô hình cốt truyện dân gian và những sáng tạo trong “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn nhận định rằng:


Khác với các biến cố làm nên sự vận động của thế giới nhân vật và cốt truyện trong truyện dân gian thường có sự tham dự, tác động của lực lượng siêu nhiên (trời, bụt, thần tiên, ma quỷ, phù thủy, đạo sĩ...), các nhân vật trong “Truyền kì mạn lục” trước hết là con người, sau đó mới tham dự hoặc tự biến mình trở thành nhân vật siêu nhiên, đồng đẳng với các nhân vật siêu nhiên, giữ vai trò chủ động để tự mình làm nên sự kiện và cốt truyện giữa thế giới kì ảo (Nguyễn Hữu Sơn, 2010, tr.39).

Theo nhà nghiên cứu Quảng Văn Ngọc, “kẻ hiền tài có tài năng vượt trội, thậm chí có cả những biểu hiện phi phàm, rất gần với thần thánh” (Quảng Văn Ngọc, 2018, tr.24). Trong Chuyện người con gái Nam Xương (“Truyền kì mạn lục”), khi bị chồng hiểu lầm và ruồng rẫy, nàng Vũ Thị Thiết hướng về thần linh, tự nhiên như chỗ dựa tinh thần duy nhất và cuối cùng của cuộc đời nàng

Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu may buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, cam chịu hết mọi điều phỉ nhổ (Trần Nghĩa, 1997a, tr.290).

Sau đó, nàng đã được cứu, trở thành một nàng tiên chốn thủy phủ. Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu (Truyền kì mạn lục), nàng Nhị Khanh thường cưỡi mây đi làm mưa. Hình tượng vua Lê Thánh Tông được khắc họa trong nhiều truyện của tập Thánh Tông di thảo. Ông là người có thể nghe được tiếng nói của tượng Phật đất, Phật gỗ, Phật Thích ca (truyện Hai Phật cãi nhau), nghe được tiếng khóc của cỏ hoa (Truyện một giấc mộng), giúp cho tinh chuông vàng và tinh đàn tì bà thỏa ước nguyện được trở lại trần thế sau hơn hai trăm năm bị giam giữ trong lòng đất (Truyện một giấc mộng), nhờ Đổng Thiên Vương chỉ cách để bản thân diệt trừ yêu quái (Truyện yêu nữ Châu Mai, Chuyện tinh chuột).

Nhà Kierkegaard nhận định rằng “Huyền thoại bao gồm việc duy trì ý tưởng về sự vĩnh hằng trong phạm trù thời gian và không gian” (Monneyron và Thomas, 2002, tr.54). Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cũng khẳng định:


Chú trọng đến việc hiển thánh chứng tỏ người kể quan tâm tới tương lai như là di sản của người đã mất, một tương lai do người đã mất đảm bảo. Đây cũng chính là một hình thức kết thúc có hậu của các thần tích: tiếp tục hiển linh và được thờ phụng. Người mất mà uy linh vẫn còn mãi. Nhưng điều này chứng tỏ trong cảm quan của tác giả thời gian âm dương nối liền một mạch. Chết không phải là hết, mà thời gian các kiếp nối nhau. Kiếp thần là bất diệt, vĩnh hằng (Trần Đình Sử, 2005, tr.317).

Trong truyền kì, nhiều nhân vật lịch sử tồn tại trong không gian vô tận, thời gian vĩnh hằng như các vị thần trong thần thoại. Trong Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi Thiên tào (Truyền kì mạn lục), ông Tô Hiến Thành triều Lý, ông Chu Văn An triều Trần sau khi mất được mời lên ngự ở “Cửa Nho thần” chốn thiên tào, trở thành một vị thần bất tử. Trong Chuyện tinh chuột, Truyện yêu nữ Châu Mai (Thánh Tông di thảo), Đổng Thiên Vương dù đã về trời từ rất lâu vẫn luôn phò trợ cho con người, sẵn sàng giúp dân diệt yêu trừ loạn…

Trong công trình Myth and literature – Contemporary theory and practice (Thần thoại và văn học - Lý thuyết và thực hành đương đại), nhà nghiên cứu J.B.Vickery nhận định rằng “Huyền thoại tách ra từ nghi lễ đã trở thành văn học” (Vickery, 1966, tr.2). Nhiều nhân vật lịch sử đi vào truyền kì trước hết bằng sự ngưỡng mộ, kính trọng. Biểu hiện dễ thấy nhất là sự xuất hiện của các nhân vật này thường gắn liền với nghi lễ và những công trình thờ phụng. Trong Truyện yêu nữ Châu Mai, vua Lê đã đến đền Đổng Thiên Vương để mượn gươm diệt trừ yêu quái. Trong Truyện yêu nữ Châu Mai, sự xuất hiện của Đổng Thiên Vương gắn với nghi lễ hầu đồng. Thần đã nhập vào con đồng, chỉ cho vua cách diệt trừ yêu quái. Trong bài viết Đoàn Thị Điểm và “Truyền kì tân phả”, nhà nghiên cứu Bùi Thị Thiên Thai cho rằng các câu chuyện trong Truyền kì tân phả đều gắn với các công trình thờ phụng, nghi lễ thiêng liêng tồn tại đến ngày hôm nay. Truyện đền thiêng ở cửa bể gắn liền với lễ hội Loan Nương Thánh Mẫu ở huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh; Truyện người liệt nữ ở An Ấp gắn liền với lễ hội đền bà Tiết ở làng Gôi Mỹ nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh; Cuộc gặp gỡ kì lạ ở Bích Câu gắn liền với lễ hội Bích Câu đạo quán phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa – Hà Nội; Truyện nữ thần ở Vân

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022