sống, thanh tẩy, tái sinh nhưng đã được mở rộng thành một thế giới riêng như thế giới của con người. Trong truyền kì, cổ mẫu đêm là biểu tượng về thời gian thiêng – thời điểm lực lượng siêu nhiên hiện ra, xâm nhập vào cuộc sống con người. Tuy nhiên, ở đây, lực lượng siêu nhiên hiện ra không phải để sáng tạo như trong thần thoại mà là để phò trợ cho cuộc sống con người, để thỏa mãn giấc mộng yêu đương.
Như vậy, sự tái sinh các cổ mẫu thể hiện sự kế thừa các đặc điểm của tư duy huyền thoại, đặc biệt là đặc điểm: đồng nhất phạm trù con người và tự nhiên; đồng nhất phạm trù tự nhiên và siêu nhiên; đồng nhất phạm trù khởi đầu và nguyên nhân… Tuy nhiên, truyền kì kế thừa tư duy huyền thoại theo hướng trải nghiệm; hình thái và ý nghĩa của các cổ mẫu đã được mở rộng và trần tục hóa. Trong đó, cảm thức của con người khi trải nghiệm các cổ mẫu cũng vẫn là một phức cảm: con người vừa đồng cảm, biết ơn, gắn bó vừa sợ hãi, e dè khi đối diện với các cổ mẫu. Các cổ mẫu không chỉ góp phần khẳng định phong cách thể loại truyện truyền kì mà còn tạo được sự đồng cảm sâu sắc trong lòng độc giả.
Tiểu kết
Truyện truyền kì thể hiện sự thần thánh hóa các nhân vật dân gian bao gồm các nhân vật lịch sử và nhân vật tôn giáo, tín ngưỡng. Các nhân vật lịch sử mang những năng lực siêu nhiên như những vị thần. Họ có thể có mối giao cảm đặc biệt với thế giới tự nhiên và siêu nhiên. Sau khi mất, họ vẫn có thể phò trợ cho cuộc sống của con người. Họ tồn tại trong không gian vô tận, thời gian vĩnh hằng như các vị thần trong thần thoại. Các nhân vật tôn giáo, tín ngưỡng – xuất hiện nhiều nhất là các nhà sư, đạo sĩ – đã thay thế hình tượng cây vũ trụ trong thần thoại. Họ được cho là có nhiều năng lực đặc biệt có thể kết nối con người và thần linh, có thể giúp đỡ hoặc nhờ thần linh giúp đỡ cho con người. Bên cạnh sự thần thánh hóa các nhân vật lịch sử, tôn giáo; truyền kì còn tái sinh các cổ mẫu – các biểu tượng huyền thoại. Các cổ mẫu tiêu biểu nhất trong truyền kì là cổ mẫu thần, cổ mẫu yêu ma, cổ mẫu nước, cổ mẫu đêm. Các cổ mẫu này đã thể hiện sự mở rộng hình thái, ý nghĩa theo hướng trần tục hóa so với hình thái, ý nghĩa của nó trong thần thoại.
Sự thần thánh hóa các nhân vật dân gian, sự tái sinh các cổ mẫu cho thấy truyền kì kế thừa các đặc điểm của tư duy huyền thoại, đặc biệt là đặc điểm: đồng nhất phạm trù con người và tự nhiên; đồng nhất phạm trù tự nhiên và siêu nhiên; đồng nhất phạm trù con người và siêu nhiên; đồng nhất phạm trù khởi đầu và nguyên nhân… Tuy nhiên, truyền kì đã kế thừa theo xu hướng tôn vinh và trải nghiệm; mở rộng và trần thế hóa các nhân vật, các cổ mẫu của huyền thoại. Từ đó, các nhân vật được huyền thoại hóa, cổ mẫu được tái sinh nhưng các nhân vật, các cổ mẫu này trở nên gần gũi hơn với cuộc sống con người.
Chương 4. TRUYỀN KÌ VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI – NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN HUYỀN THOẠI (ĐỐI CHIẾU VỚI TRUYỀN KÌ
TRUNG HOA THỜI TRUNG ĐẠI)
Có thể bạn quan tâm!
- Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 13
- Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 14
- Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 15
- Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 17
- Không Gian Huyền Thoại Trong Truyền Kì Việt Nam Thời Trung Đại
- Không Gian Đồng Hiện Thực Giới Và Hư Giới
Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.
Trong công trình Thi pháp của huyền thoại, nhà nghiên cứu E.M.Meletinsky nói rằng “Sáng tạo huyền thoại là một hình thức cổ xưa nhất, một kiểu ngôn ngữ biểu tượng mà theo các thuật ngữ của ngôn ngữ đó, con người đã mô hình hóa, phân loại, giải thích thế giới, xã hội và chính bản thân mình” (Meletinsky, 2004, tr.197). Ông đã phân tích huyền thoại dựa vào các yếu tố thi pháp như cốt truyện, mô típ, nhân vật, không gian, thời gian. Trong công trình Folklore và văn học viết: nghiên cứu từ góc độ “dịch chuyển không gian” trong truyện cổ tích và truyện truyền kì, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định về các đề tài, không gian, thời gian của thần thoại:
Đề tài về sự sáng tạo mà thần thoại quan tâm bao gồm nguồn gốc của các vì tinh tú, thiên thể, mặt trời, mặt trăng, các vì sao, về đất, biển, bầu trời và về sự ra đời của vũ trụ từ hỗn mang, từ những cơn địa chấn, đại hồng thủy và sự xuất hiện của loài người… Hầu hết những câu chuyện sáng thế này đều miêu tả trạng thái nguyên thủy của vũ trụ. Do đó, không gian huyền thoại là thứ không gian của khởi thủy, không gian khởi phát của tất cả các sự kiện đầu tiên (Nguyễn Thị Kim Ngân, 2017, tr.73).
Ứng dụng quan điểm của nhà nghiên cứu F.Monneyron, J.Thomas “Những huyền thoại khi chúng được hiện thực hóa trong văn học chỉ có thể được hiểu đúng nếu chúng được đặt trong một hệ thống so sánh mở rộng” (Monneyron và Thomas, 2002, tr.121), chúng tôi đã khảo sát thần thoại, truyền kì Việt Nam (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa) để tìm kiếm những yếu tố thi pháp tiêu biểu mà truyền kì đã kế thừa từ thần thoại. Chúng tôi nhận thấy truyền kì kế thừa nhiều mô típ từ thần thoại. Tiêu biểu nhất là mô típ hiển linh, mô típ biến hình, mô típ chinh phục cái chết, mô típ kết duyên kì lạ. Truyền kì cũng thể hiện không gian đồng hiện đa thế giới và không
gian đồng hiện trung tâm thần thiêng và ngoại vi thế tục. Thời gian trong truyền kì cũng là thời gian đồng hiện đồng đại và thời gian đồng hiện lịch đại.
4.1. Mô típ huyền thoại trong truyền kì Việt Nam thời trung đại
Trong công trình Mythes et littérature (Huyền thoại và văn học), các nhà nghiên cứu Durand, Monneyron, Thomas nhận định về cấu trúc của cây huyền thoại:
Rễ của cây, tất nhiên sẽ là huyền thoại. Những huyền thoại đảm bảo như một bối cảnh ổn định và định kỳ tạo thành bối cảnh của một câu chuyện văn học… Thân cây, bảo đảm sự lưu thông giữa rễ và tán lá, đại diện cho lịch sử và dòng chảy của sự kiện. Tán lá và rễ là cần thiết với sự sống của cây nhưng chúng chỉ tồn tại nếu chúng được kết nối bằng cách lưu thông, sự trung gian của nhựa cây chảy trong thân cây. Tán lá có độ dày riêng, hương vị riêng. Đó là những thành quả văn học độc đáo và đa dạng, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thế giới bên ngoài, các sự kiện, bối cảnh. Đây là một cấu trúc mở. Tuy nhiên, những chiếc lá là một phần của cây hình ảnh, chúng sẽ bị chết nếu bị tách ra (Monneyron và Thomas, 2002, tr.29, 30).
Mô típ là những thành tố văn học mang tính chất ổn định, bền vững trong tác phẩm văn học, có tính đặc trưng cho từng thể loại. Mô típ góp phần tạo nên cốt truyện của tác phẩm văn học. Các mô típ huyền thoại được kế thừa trong các tác phẩm văn học, tạo ra màu sắc huyền thoại trong tác phẩm.
Chúng tôi nhận thấy truyền kì kế thừa nhiều mô típ từ thần thoại như mô típ hiển linh, mô típ biến hình, mô típ chinh phục cái chết, mô típ kết duyên kì lạ.
Truyện truyền kì Việt Nam ra đời đánh dấu sự sáng tác một cách chủ động, sáng tạo của các nhà văn. Điều này xuất phát từ sự vận động nội tại của văn chương trong nước, sự ảnh hưởng của truyền kì Trung Hoa, nhu cầu của nhà văn và độc giả. Giữ vững các đặc trưng thể loại, truyền kì kế thừa sâu sắc các mô típ huyền thoại của văn học dân gian. Theo nhà nghiên cứu Trần Nghĩa:
Tiểu thuyết truyền kì: “truyền kì” hay “tác ý hiếu kì”, có nghĩa là sinh ra ý định viết để thỏa mãn tính tò mò của người đọc. Loại tiểu thuyết này ra đời và phát triển trên cơ sở tiểu thuyết chí quái, nhưng khác với chí quái ở chỗ tác giả truyền kì sử dụng “hư bút” một cách hoàn toàn chủ động, có ý thức. Nếu công việc chủ yếu của chí quái là biên chép, nhằm lưu lại cho đời một chuyện lạ có ý
nghĩa răn khuyên, thì công việc chủ yếu của truyền kì lại là “sáng tác”, mượn câu chuyện hiếm thấy để gửi gắm tâm sự của người cầm bút (Trần Nghĩa, 1997a, tr.14).
Thật vậy, các nhà văn truyền kì không mượn nguyên mẫu các mô típ huyền thoại mà luôn có sự cải biến cho phù hợp với ý nghĩa mà tác phẩm văn học muốn truyền tải. Vì thế, khi được tái sinh trong các tác phẩm văn học sau này, các mô típ huyền thoại luôn có sự vận động của nó. Các tác giả truyền kì “đã sử dụng một cách có ý thức cái “kì” như một chất liệu nghệ thuật, xác định vị trí và vai trò của nó trong sự sáng tạo của mình khiến cho yếu tố “kì” không cản trở mà ngược lại giúp cho nhà văn phản ánh một cách sâu sắc hơn cuộc sống” (Trần Ngọc Vương, 2007, tr.767). Nhờ đó, truyền kì vừa có màu sắc hư ảo của huyền thoại lại vừa gần gũi với cuộc sống con người.
4.1.1. Mô típ hiển linh
Theo Từ điển tiếng Việt, hiển linh là "thần thánh tỏ rò sự linh thiêng” (Hoàng Phê, 2004, tr.437). Trong thần thoại, sự linh thiêng của thần thánh được thể hiện chủ yếu qua hai hình thức. Thứ nhất, thần (bao gồm cả các vị tiên) có thể hóa thân thành sự vật, hiện tượng hoặc tác động đến các sự vật, hiện tượng mà con người có thể quan sát được. Thứ hai, thần thánh có thể hiện thân trực tiếp trước mắt con người.
Trong thần thoại Việt Nam, nhiều câu chuyện thần thoại kể về việc thần hóa thân, tác động tới các sự vật, hiện tượng. Các sự vật, hiện tượng này lại có mối quan hệ trực tiếp với con người. Trong đó, tất cả các vị thần tự nhiên có thể hóa thân hoặc tác động đến các hiện tượng tự nhiên. Nữ thần mặt trăng ngày xưa rất hung dữ, ánh sáng của thần có thể thiêu cháy người và vật ở thế gian. Anh chàng Quải đã ném cát vào mặt trăng. Từ đó, mặt trăng không dám lại gần mặt đất và trở nên hiền dịu. Tương tự vấn đề mặt trăng là hóa thân của nữ thần mặt trăng, thần thoại kể về lửa là hóa thân của nữ thần lửa, sét là sự linh hiển của thần sét, thủy triều và sóng biển là sự linh hiển của thần biển, gió và mưa là sự linh hiển của thần gió và thần mưa... Trong truyện Ông trời, mỗi lúc trời giận loài người lầm lỗi ở thế gian thì trời lại giáng xuống thiên tai, bão táp, lụt lội, hạn hán. Trong truyện Thần đất, thần đất có phép dời cát, thay núi chỉ trong chớp mắt. Trong chuyện Thần núi, khi được con người cầu xin, thần núi đã
trói con cọp hung ác vào gốc cây bằng những sợi dây vô hình để con người đến trả thù. Trong truyện Thần Cuống, thần Cuống nhớ ơn cưu mang của mẹ (là người), thường bắt cá để lên bờ cho mẹ. Truyện ông Dài, ông Cụt kể về ông Cụt (con rắn cụt đuôi được thả ở sông Tranh, sau trở thành thần sông) thường hiển linh làm đắm thuyền bè qua sông...
Bên cạnh sự hiển linh theo kiểu hóa thân hoặc tác động, các vị thần trong thần thoại Việt Nam còn hiển linh thông qua sự hiện thân một cách trực tiếp trước con người. Trong thần thoại, mỗi vị thần có một hình dáng khác nhau và thường xuyên hiện ra trước mặt con người. Thế giới của thần thoại là thế giới của thần và người. Thần Sét thường hiện ra với vẻ mặt hung dữ, nanh ác, hay quát tháo dữ dội, mình mẩy màu đen, lưng đeo trống, tay cầm một lưỡi búa đá. Thần đất thường ở chung dưới mặt đất với con người chứ không ở trên trời với nhiều vị thần khác. Thần đất thường hiện ra với hình dạng một cụ già. Thần nước, thần mưa cũng thường hóa người, đi trên cạn. Đặc biệt, trong truyện Lúa và cỏ, khi thần lúa hiện ra với vẻ mặt lam lũ (vì thần chịu khó trông coi mùa màng) thì vụ lúa đó sẽ được mùa. Khi thần hiện ra với hình dạng chỉnh tề thì mùa màng sẽ mất vì thần thờ ơ với công việc. Các thần còn đánh nhau trước mặt con người (Truyện thần Cuống), hiện ra chỉ cho những con người đầu tiên ở hạ giới cách thức làm cho trứng nở thành người để con người có thêm đồng loại (Đẻ đất đẻ nước)...
Trong thần thoại Trung Hoa, mỗi hiện tượng tự nhiên cũng tương ứng với một vị thần như sấm sét là sự linh hiển của thần sét, ánh sáng mặt trời là sự linh hiển của thần mặt trời... Đặc biệt, sau khi kiến thiết vũ trụ, thần Bàn Cổ đã hóa thân thành gió, mây, mặt trời, mặt trăng, sông suối, đất đai... Thần núi Vu Sơn sáng thường biến thành một đám mây đẹp bay trên đỉnh núi, chiều lại làm mưa. Bên cạnh sự hóa thân, tác động của thần đến các hiện tượng tự nhiên, thần còn có thể hiện thân trực tiếp trước mặt con người. Trong truyện về Phục Hy, Toại Nhân; thần sét bị con người đánh, bắt giam vào chiếc lồng sắt.
Trong thần thoại Việt Nam và Trung Hoa, các thần có thể hiển linh bằng cách hóa thân thành các hiện tượng tự nhiên hoặc tác động vào các sự vật, hiện tượng. Con người trong thần thoại có niềm tin rằng sự hiển linh của các thần sẽ tồn tại mãi mãi
cũng giống như các hiện tượng tự nhiên luôn tồn tại vĩnh cửu. Ngoài ra, các thần có thể hiện thân trực tiếp trước mặt con người trong hình dạng người. Trong thần thoại, việc hiển linh của thần thường liên quan đến việc sáng tạo và thường gắn liền với các yếu tố tự nhiên và con người khởi nguyên. Thế giới trong thần thoại là thế giới của thần và người.
Trong truyền kì Việt Nam, theo kết quả khảo sát của chúng tôi, sự hiển linh của thần xuất hiện trong 42/204 truyện. Thần có thể hóa thân thành các sự vật, hiện tượng hoặc hiện thân trước mặt con người trong hình dạng người.
Trong truyền kì Việt Nam, các vị thần của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên vẫn luôn tồn tại như thần mưa, thần sét, thần gió, thần sông, thần biển... Các thần vẫn luôn hiển linh bằng cách điều khiển các hiện tượng tự nhiên. Bên cạnh đó, truyền kì còn có nhiều vị thần khác sẵn sàng phò trợ cho cuộc sống con người. Trong Vân Cát thần nữ cổ lục, khi nữ thần từ biệt thì "hương thơm từ từ ùa tới, mây lành bốn bề hợp lại” (Trần Nghĩa, 1997b, tr.436). Sau này, nữ thần được thờ ở miếu, dân địa phương đến cầu đảo đều được báo ứng. Thần còn ngầm giúp đội quân triều đình đi đánh giặc. Trong Truyện đền thiêng ở cửa bể (Truyền kì tân phả), thần miếu rất linh thiêng, nếu thuyền bè qua lại có đến miếu lễ bái thì sẽ được thuận buồm xuôi gió, nếu không thì sẽ bị đắm xuống biển. Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu (Truyền kì mạn lục), Trọng Quỳ nghe trên không có tiếng Nhị Khanh gọi, hẹn gặp ở cửa đền. Chàng nhìn lên trời chỉ thấy một đám mây đen bay về hướng Tây Bắc. Trong Chuyện cây gạo (Truyền kì mạn lục), đạo sĩ lập đàn tràng nhờ các thần linh diệt trừ ma quái. Ngay lập tức, mây gió nổi lên đùng đùng, người đứng cách mấy thước không trông thấy nhau, dưới sông sóng tung cuồn cuộn vang trời động đất. Cuối cùng, yêu quái bị tiêu diệt.
Bên cạnh sự hóa thân hay tác động vào các hiện tượng tự nhiên, thần trong truyền kì Việt Nam còn hiện thân một cách trực tiếp trước mặt con người bằng hình dạng người hoặc hiện thân một cách gián tiếp thông qua giấc mộng. Các thần hiện thân trực tiếp trước mặt con người có thể là vì phò trợ hoặc là vì mối nhân duyên trước đó. Trong Truyện hai thần hiếu đễ (Thánh Tông di thảo), nửa đêm, thần hiện ra ở miếu báo cho chàng thư sinh biết chuyện tương lai. Trong Chuyện chức Phán sự
đền Tản Viên (Truyền kì mạn lục), thổ thần hiện lên là một ông già áo vải mũ đen, phong độ nhàn nhã, cùng với Tử Văn đi kiện ở âm phủ vì bị cướp mất đền. Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu (Truyền kì mạn lục), Nhị Khanh sau khi chết trở thành một nữ thần, nàng hiển linh để sum họp cùng chồng. Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên (Truyền kì mạn lục) kể về nàng tiên Giáng Hương giáng trần với tuổi độ 16, phấn son điểm phớt, nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần; bắt đầu cho mối nhân duyên của nàng và chàng Từ Thức. Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu (Truyền kì mạn lục), Nhị Khanh hiển linh gặp lại Trọng Quỳ để tiếp nối mối duyên còn dang dở... Bên cạnh sự hiện thân trực tiếp của thần linh, truyền kì Việt Nam còn xuất hiện sự hiện thân gián tiếp của thần linh thông qua các giấc mộng. Các thần hiển linh trong giấc mộng để phò trợ cho con người (Mộng lạ, Thần cửa Cờn (Lan Trì kiến văn lục), Giấy thuê chết (Vân nang tiểu sử), Truyện người liệt nữ ở An Ấp (Truyền kì tân phả)); nối tiếp hạnh phúc lứa đôi (Một dòng chữ lấy được gái thần (Thánh Tông di thảo))… Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, 43/118 truyện truyền kì Trung Hoa đề cập
đến sự hiển linh của thần tiên. Trong truyền kì Trung Hoa, các vị thần của tự nhiên vẫn thường được nhân vật nhắc tới như thần núi, thần sông, thần đất, thần biển... Những vị thần này hóa thân vào tự nhiên và thường xuyên hiển linh tác động tới con người. Bên cạnh đó, các vị thần còn hiện thân thành người xuất hiện trực tiếp trước con người, đặc biệt là trong giấc mơ. Thần hiện ra trong hình dạng con người, đi vào giấc mơ của nhân vật để phò trợ an yên như trong các truyện Ghi chép về chiếc gương cổ, Truyện vượn trắng và Giang tổng (Đường đại truyền kỳ), Vợ dữ hơn cọp (Liêu trai chí dị), Lấy vợ công chúa (Liêu trai chí dị)... Thần còn hiện ra để nhờ vả (Truyện linh ứng (Đường đại truyền kỳ), Tấm gương thu hình, Nam nam thành thần (Liêu trai chí dị)); để đưa nhân vật lên trời kết duyên với tiên (Con gái nhà trời (Liêu trai chí dị))...
Sự hiển linh của thần trong thần thoại gắn liền với việc sáng tạo thế giới, với các hiện tượng tự nhiên. Truyền kì mặc dù vẫn tồn tại các vị thần cai quản các hiện tượng tự nhiên nhưng đã xuất hiện nhiều vị thần mới (thường là những con người đức hạnh được suy tôn). Các vị thần thường hiển linh thông qua cách báo mộng để phò trợ cho con người, đặc biệt là thư sinh như chuyện thi cử, kết duyên... Bên cạnh đó,