cơ sở dồn tích và sai sót trên BCTC. Theo đó, chất lượng TTKT được đánh giá cao khi hạn chế hiện tượng quản trị lợi nhuận và không có sai sót trọng yếu. Nhằm phân tích ảnh hưởng của QTCT tới chất lượng TTKT, Luận án khai thác các vấn đề về QTCT trên khía cạnh nội bộ, với ba yếu tố quan trọng là cấu trúc sở hữu, đặc điểm của HĐQT và đặc điểm của BKS. Trong đó, cấu trúc sở hữu bao gồm sở hữu Nhà nước, sở hữu tổ chức và sở hữu BGĐ; đặc điểm HĐQT bao gồm: quy mô, tính kiêm nhiệm, tính độc lập, giới tính, thâm niên, và trình độ chuyên môn kế toán, tài chính của thành viên HĐQT; đặc điểm BKS bao gồm: quy mô, giới tính, thâm niên và trình độ chuyên môn kế toán, tài chính của thành viên BKS.
Phạm vi không gian
Phạm vi không gian của Luận án là các công ty niêm yết trên trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), không bao gồm các định chế tài chính (như ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán…) vì bảng cân đối kế toán của nhóm công ty này cũng như những đặc thù trong hoạt động kinh doanh và đầu tư khác với các doanh nghiệp thông thường. Đây là hai sàn giao dịch chứng khoán lớn và có uy tín nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, các công ty niêm yết trên hai sàn này là các công ty đại chúng, với báo cáo tài chính được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán lớn của Việt Nam và trên thế giới.
Phạm vi thời gian
Phạm vi thời gian của Luận án là giai đoạn 2009-2020. Luận án không sử dụng giai đoạn trước năm 2009 là giai đoạn thị trường có nhiều bất ổn, dữ liệu biến động lớn và thiếu hụt một số chỉ tiêu quan trọng.
4. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp thu thập dữ liệu:
Luận án sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp là BCTC chưa kiểm toán và đã được kiểm toán của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX), không bao gồm các định chế tài chính (như ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán…), được cung cấp bởi Stoxplus. Bên cạnh đó, dữ liệu về quản trị được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Tài Việt (Vietstock). Dữ liệu về trình độ chuyên môn của HĐQT và BKS do tác giả thu thập từ Báo cáo thường niên của các công ty niêm yết. Các dữ liệu được kiểm tra tính lặp
và loại bỏ các quan sát bị trùng và các quan sát có giá trị bất thường (outliers). Dữ liệu được thao tác và xử lý trên phần mềm Stata 14.2.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu tác động của quản trị công ty tới chất lượng thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 1
- Nghiên cứu tác động của quản trị công ty tới chất lượng thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 2
- Tổng Quan Các Nghiên Cứu Liên Quan Tới Tác Động Của Quản Trị Công Ty Tới Chất Lượng Thông Tin Kế Toán
- Một Số Nghiên Cứu Về Ảnh Hưởng Của Quản Trị Công Ty Tới Chất Lượng Thông Tin Kế Toán
- Cơ Sở Lý Luận Về Chất Lượng Thông Tin Kế Toán
Xem toàn bộ 206 trang tài liệu này.
Phương pháp xử lý dữ liệu:
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, Luận án sử dụng phương pháp định lượng.
Để đánh giá ảnh hưởng của QTCT tới chất lượng TTKT, với biến phụ thuộc đo bằng quản trị lợi nhuận trên cơ sở dồn tích, tác giả sử dụng phương pháp hồi quy bình phương thông thường nhỏ nhất (Ordinary Least Square - OLS). Trong mô hình đánh giá ảnh hưởng của QTCT tới chất lượng TTKT, với biến phụ thuộc đo bằng sai sót trên BCTC, tác giả sử dụng phương pháp hồi quy binary logistic. Hai mô hình đều kiểm soát hiệu ứng cố định ngành và năm, kết hợp với ước lượng sai số chuẩn mạnh (robust standard errors) trong trường hợp mô hình nghiên cứu xuất hiện hiện tượng phương sai thay đổi. Ngoài ra, nhằm mô tả thực trạng chất lượng TTKT, tác giả sử dụng phương pháp thống kê mô tả trên hai khía cạnh là mức độ quản trị lợi nhuận và sai sót trên BCTC.
5. Những đóng góp mới của Luận án Những đóng góp về mặt lý luận
Thứ nhất, Luận án đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận về chất lượng TTKT, QTCT và ảnh hưởng của QTCT tới chất lượng TTKT từ các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam. Luận án đã tổng hợp các phương pháp đo lường chất lượng TTKT. Theo đó các nghiên cứu về chất lượng TTKT được thực hiện theo hai hướng chính: một là đo lường chất lượng TTKT bằng cách xây dựng thang đo tổng hợp trên các khía cạnh về thuộc tính chung của TTKT, dựa vào dữ liệu khảo sát; hai là nghiên cứu về từng đặc điểm riêng lẻ của TTKT với hai thuộc tính cơ bản là tính trung thực và tính thích hợp, dựa vào dữ liệu thứ cấp trên BCTC và dữ liệu thị trường. Từ đó, Luận án lựa chọn hướng nghiên cứu về chất lượng TTKT theo đặc điểm riêng lẻ, với dữ liệu tài chính được thu thập từ BCTC và dữ liệu về đặc thù quản trị được thu thập từ báo cáo thường niên để đảm bảo tính khách quan và tin cậy của kết quả nghiên cứu. Luận án tập trung vào đặc điểm tính trung thực của TTKT do đây là đặc điểm cơ bản, được quy định trong Chuẩn mực kế toán Việt Nam, phù hợp với Chuẩn mực kế toán quốc tế.
Thứ hai, nhằm đo lường tính trung thực của TTKT, Luận án sử dụng cả hai thước đo quản trị lợi nhuận và sai sót trên BCTC để phản ánh về chất lượng TTKT. Cụ thể, quản trị lợi nhuận được xác định dựa trên mức độ dồn tích bất thường, sai sót trên báo cáo tài chính được xác định bằng chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán. Việc sử dụng cả hai mô hình đo lường chất lượng TTKT sẽ giúp việc nghiên cứu về chất lượng TTKT trở nên sâu sắc hơn, do quản trị lợi nhuận thể hiện mức độ can thiệp nhằm điều chỉnh thông tin trên báo cáo tài chính, cho thấy việc vi phạm tính khách quan trong ghi nhận TTKT, còn sai sót trên BCTC thể hiện BCTC được công bố tồn tại sai sót trọng yếu. Kết quả nghiên cứu vì vậy cũng trở nên đáng tin cậy hơn.
Thứ ba, để xác định sai sót trên BCTC, Luận án là công trình nghiên cứu đầu tiên bổ sung ý kiến kiểm toán bên cạnh thước đo doanh nghiệp có chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán vượt ngưỡng trọng yếu hay không. Việc công ty phải điều chỉnh lợi nhuận sau kiểm toán vượt ngưỡng trọng yếu thể hiện BCTC của công ty có sai sót, gây ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số công ty có sai sót trên BCTC nhưng không điều chỉnh báo cáo theo ý kiến của kiểm toán viên, do đó sẽ không phát sinh chênh lệch lợi nhuận ở ngưỡng trọng yếu, nhưng phải nhận ý kiến kiểm toán không phải chấp nhận toàn phần. Do vậy, Luận án mở rộng việc xác định công ty có sai sót trên BCTC là những công ty có chênh lệch lợi nhuận sau kiểm toán vượt ngưỡng trọng yếu hoặc nhận ý kiến kiểm toán không phải chấp nhận toàn phần.
Thứ tư, Luận án khai thác về quản trị công ty trên cả ba khía cạnh là cấu trúc sở hữu, đặc điểm HĐQT và đặc điểm BKS, trong khi các công trình nghiên cứu trước đó chỉ tập trung vào cấu trúc sở hữu hoặc đặc điểm của HĐQT. Mô hình QTCT có BKS là một đặc trưng của các công ty cổ phần tại Việt Nam. Do vậy, so với các nghiên cứu trước đó về tác động của QTCT tới chất lượng TTKT, các khía cạnh quản trị được khai thác đa dạng hơn. Ngoài ra, việc mở rộng dữ liệu nghiên cứu là các công ty niêm yết trong khoảng thời gian từ 2009-2020 được kỳ vọng sẽ giúp cho kết quả nghiên cứu trở nên đáng tin cậy hơn trong việc cung cấp bằng chứng thực nghiệm về ảnh hưởng của QTCT tới chất lượng TTKT.
Những đóng góp về mặt thực tiễn:
Thứ nhất, Luận án đã mô tả về thực trạng chất lượng TTKT của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đặt ra mối lo ngại về tính trung thực của TTKT được các công ty công bố thông qua BCTC, đồng thời nhận thức tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng TTKT, và QTCT được xem là một giải pháp cho vấn đề nói trên.
Thứ hai, kết quả nghiên cứu của Luận án cung cấp bằng chứng thực nghiệm về ảnh hưởng của QTCT tới chất lượng TTKT của các công ty niêm yết trên ba khía cạnh là cấu trúc sở hữu, đặc điểm của HĐQT và đặc điểm của BKS. Đó là ảnh hưởng tích cực của sở hữu Nhà nước, sở hữu tổ chức, sở hữu BGĐ lên chất lượng TTKT. Mặt khác, việc các công ty có HĐQT quy mô lớn, độc lập, thành viên HĐQT có thâm niên, có chuyên môn kế toán tài chính, sự có mặt của các thành viên nữ trong HĐQT và các thành viên BKS có thâm niên sẽ giúp gia tăng hiệu quả giám sát, đảm bảo chất lượng TTKT. Kết quả nghiên cứu là cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các chính sách về QTCT nhằm giúp các công ty nâng cao chất lượng TTKT.
6. Kết cấu của Luận án
Ngoài lời mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án bao gồm năm chương:
Chương 1: Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài
Chương 2: Cơ sở lý luận về chất lượng thông tin kế toán và tác động của quản trị công ty tới chất lượng thông tin kế toán
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu
Chương 4: Kết quả nghiên cứu về tác động quản trị công ty tới chất lượng thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chương 5: Hoàn thiện quản trị công ty nhằm nâng cao chất lượng thông tin kế toán tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. Tổng quan các nghiên cứu liên quan tới chất lượng thông tin kế toán
Nghiên cứu về CLTT kế toán là một chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực tài chính kế toán. TTKT là sản phẩm của hệ thống kế toán (Mulyani và Arum, 2016), được các bên có liên quan như cổ đông, nhà đầu tư, chủ nợ… sử dụng làm cơ sở để ra quyết định. Các thông tin kém chất lượng sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả quyết định của người sử dụng thông tin. Ví dụ nhà đầu tư khi sử dụng TTKT thiếu chính xác sẽ dẫn tới việc đánh giá sai về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có thể đưa các quyết định đầu tư bất lợi; chủ nợ sử dụng các TTKT từ doanh nghiệp thiếu trung thực trong quá trình thẩm định có thể dẫn tới sai lầm trong việc ra quyết định cho vay hoặc thu hồi nợ. CLTT kế toán thể hiện tính hữu ích của thông tin (Azar và cộng sự, 2019), cho thấy sự đáp ứng của thông tin đối với nhu cầu của người sử dụng (Mulyani và Arum, 2016). Vì vậy câu hỏi được đặt ra là TTKT như thế nào được coi là đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, hay nói cách khác CLTT kế toán cần đảm bảo các đặc điểm như thế nào?
Các nghiên cứu về CLTT kế toán được các nhà khoa học tập trung vào một số thuộc tính của TTKT như tính trung thực, thích hợp, đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu và có thể kiểm chứng được (Jonas và Banchet, 2004). Việc đề xuất các thuộc tính này của TTKT bắt nguồn từ khuôn khổ các khái niệm về TTKT ban hành bởi các tổ chức nghề nghiệp quốc tế như Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính của Hoa Kỳ (FASB), hoặc xuất phát từ quy định của nước sở tại. Vào năm 1966, Hiệp hội kế toán Mỹ (AAA) đã công bố một báo cáo về nền tảng lý thuyết của kế toán (A statement of Basic Accounting Theory) và nêu rõ rằng mục tiêu chính của lý thuyết kế toán là phải đưa ra được các thuộc tính của thông tin nhằm đảm bảo tính hữu ích đối với người sử dụng thông tin. Các đặc tính về CLTT kế toán được Hội đồng chuẩn mực kế toán Hoa Kỳ FASB đề xuất lần đầu vào năm 1980, theo đó TTKT sẽ hữu ích cho người sử dụng trong việc ra quyết định khi đảm bảo được hai thuộc tính cơ bản là tính thích hợp (relevance) và tính tin cậy (reliability), bên
cạnh các thuộc tính có liên quan là phản hồi, dự báo, kịp thời, có thể kiểm chứng, trung lập, trung thực, có thể so sánh. Sau này, Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế IASB (2001) đã đưa ra các khái niệm làm nền tảng cho việc lập và trình bày BCTC, theo đó, CLTT kế toán cần đảm bảo các đặc tính cơ bản là dễ hiểu, thích hợp, tin cậy và so sánh được. Như vậy, IASB và FASB có sự tương đồng nhất định về quan điểm, từ đó làm tiền đề cho việc hợp nhất khung khái niệm của IASB và FASB (2010), nhằm hướng tới việc phát triển một khuôn khổ khái niệm chung giữa hai tổ chức, mà trước hết là thống nhất về mục tiêu và các thuộc tính về CLTT. Theo đó CLTT kế toán được hợp nhất với chất lượng BCTC, TTKT phản ánh trên BCTC được coi là hữu ích khi đảm bảo hai thuộc tính cơ bản là thích hợp (relevance), trung thực (faithful representation). Ngoài ra, quan điểm hòa hợp của IASB và FASB (2010) còn đề cập tới các thuộc tính làm gia tăng CLTT: có thể so sánh (comparability), có thể kiểm chứng (verifiability), kịp thời (timeliness) và dễ hiểu (understandability). Tại Việt Nam, trước yêu cầu khách quan về việc xây dựng một bộ chuẩn mực kế toán chung, năm 2002, Hệ thống Chuẩn mực Kế toán Việt Nam ra đời, trong đó trước hết quy định và hướng dẫn về các nguyên tắc, các yêu cầu kế toán cơ bản. Theo đó, TTKT phải đảm bảo yêu cầu về tính trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu và có thể so sánh, trong đó tính trung thực được coi là đặc tính cơ bản của TTKT.
Từ quy định về các thuộc tính thông tin, khi nghiên cứu về CLTT kế toán, các nhà khoa học thực hiện theo hai hướng: một là, nghiên cứu CLTT kế toán tổng hợp theo các thuộc tính về thông tin, trong đó, dữ liệu thường là dữ liệu sơ cấp, thu thập thông qua khảo sát; hai là, nghiên cứu theo từng thuộc tính riêng lẻ, trong đó, dữ liệu thường là dữ liệu thứ cấp, được thu thập từ BCTC của các công ty và dữ liệu thị trường.
Đối với các nghiên cứu xây dựng thang đo tổng hợp về CLTT kế toán theo các thuộc tính thông tin:
Jonas và Banchet (2000) đã khảo sát và xây dựng thang đo tổng hợp về CLTT trên nền tảng của FASB (1980) gồm hai đặc tính quan trọng nhất là tính tin cậy và thích hợp, cùng với 11 thuộc tính có liên quan bao gồm: phản hồi, dự báo, kịp thời,
có thể kiểm chứng, trung lập, trung thực, có thể hiểu được, nhất quán, có thể so sánh,
rõ ràng và đầy đủ.
Phát triển từ mô hình được khởi xướng bởi Jonas và Banchet (2000), Beest và cộng sự (2009) đã xây dựng 21 thuộc tính cho hai đặc điểm cơ bản của CLTT kế toán FASB và IASB là thích hợp, trung thực, và ba đặc điểm bổ sung: có thể so sánh, có thể hiểu, và tính kịp thời. Sau này năm 2013, các tác giả đã phát triển mô hình nghiên cứu của mình lên 33 thuộc tính để giải thích cho năm đặc điểm nói trên.
Trong khi đó, nghiên cứu của Bukenya (2014) đo lường CLTT kế toán trong lĩnh vực công tại Uganda thông qua việc xây dựng thang đo tổng hợp gồm: tin cậy, dễ hiểu, thích hợp, chính xác và kịp thời. Thông qua dữ liệu sơ cấp thu thập từ khảo sát, nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của CLTT kế toán tới hiệu quả tài chính của khu vực công với tương quan dương.
Ngoài ra, trong nghiên cứu của Gacheru (2017) tại Kenya, tác giả đã tiến hành khảo sát 200 người trong lĩnh vực kế toán tài chính và đề xuất các biến đo lường CLTT kế toán bao gồm tính tin cậy, thích hợp và có thể so sánh. Kết quả nghiên cứu cho thấy CLTT kế toán có tác động dương tới hiệu quả của việc ra quyết định.
Kế thừa các nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, tại Việt Nam, các nhà khoa học cũng đã xây dựng các thang đo tổng hợp để đo lường chất lượng TTKT. Nguyễn Tố Tâm (2014) đã tiến hành phỏng vấn chuyên gia, xây dựng thang đo và khảo sát các cán bộ đảm nhiệm trực tiếp công tác kế toán, tài chính, kiểm soát thuộc các công ty niêm yết thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh để đo lường, đánh giá CLTT kế toán và mối liên hệ giữa tổ chức kiểm soát nội bộ với CLTT kế toán. Trong phần đánh giá về CLTT kế toán, tác giả đã xây dựng thang đo dựa trên 6 yếu tố cơ bản của TTKT, bao gồm: tính thích hợp, trung thực, xác nhận, dễ hiểu, có thể so sánh và kịp thời. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố cơ bản về CLTT kế toán đều được đánh giá tốt, ngoại trừ yếu tố kịp thời được đánh giá trên mức trung bình.
Trần Thị Thanh Tú và cộng sự (2014) đã xây dựng mô hình các nhân tố ảnh hưởng tới CLTT của các công ty niêm yết, trong đó việc đo lường CLTT dựa trên nền tảng quan điểm của các tổ chức kế toán như FASB, IASB và Hệ thống Chuẩn mực kế
toán Việt Nam, bao gồm: tính phù hợp, đáng tin cậy, trung thực và khách quan, đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu, có thể so sánh được, tính xác nhận. Bài nghiên cứu dừng lại ở việc đề xuất mô hình, tuy vậy đây có thể được coi là cơ sở để tác giả vận dụng kiểm định tại TTCK Việt Nam.
Phạm Quốc Thuần (2015) đã tổng hợp một số công trình nghiên cứu về CLTT kế toán. Bằng phương pháp phân tích, nghiên cứu đã kết luận mô hình đo lường về CLTT kế toán được công bố bởi IASB và FASB là mô hình đạt được sự đồng thuận của phần lớn nhà nghiên cứu, phù hợp với xu hướng hòa hợp và hội tụ quốc tế về chuẩn mực kế toán.
Nguyễn Trọng Nguyên (2015) đã đo lường CLTT BCTC bằng cách sử dụng thang đo 16 thuộc tính dựa trên đặc điểm chất lượng của IASB và FASB. Kết quả nghiên cứu cho thấy CLTT kế toán ở dưới mức trung bình, thậm chí có 158/195 công ty trong mẫu nghiên cứu chiếm 81,1% có chất lượng yếu kém, thể hiện chủ yếu ở hai hoạt động trình bày và công bố báo cáo.
Đối với các nghiên cứu về chất lượng thông tin kế toán theo từng đặc tính riêng lẻ: các nhà khoa học tập trung vào hai đặc tính quan trọng nhất của thông tin đó là tính trung thực và tính thích hợp (FASB và IASB, 2010)
Nghiên cứu về chất lượng thông tin kế toán gắn liền với tính trung thực của thông tin
Dựa trên khung khái niệm của các tổ chức quốc tế về kế toán, nghiên cứu của Dechow và cộng sự (1996), Beasley (1996), Jonas & Blanchet (2000), Willekens (2008) đã xây dựng cách đo lường về CLTT theo đặc điểm trung thực với ba yếu tố: tính đầy đủ (complete), trung lập (neutral), không có sai sót trọng yếu (free from material error). Nhằm đo lường CLTT kế toán, các nhà khoa học đã nghiên cứu về CLTT kế toán thông qua hai khái niệm là quản trị lợi nhuận và sai sót trên BCTC. Theo đó, TTKT được coi là trung thực khi không có hiện tượng quản trị lợi nhuận tức là thông tin đã đảm bảo trung lập, khách quan, đầy đủ; và không có các sai sót trên BCTC đồng nghĩa với việc không còn sai sót trọng yếu.
Các nghiên cứu về chất lượng thông tin kế toán trên khía cạnh quản trị lợi nhuận