của DLNT và phân tích các yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT ở các không gian khác nhau.
Nguyễn Quốc Nghi và cs [11] trong một nghiên cứu đã đề cập tới các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia các tổ chức du lịch cộng đồng của người dân tỉnh An Giang. Nghiên cứu này sử dụng mô hình Binary Logistic để kiểm định các yếu tố tác động đến quyết định tham gia trong tổ chức du lịch của người dân, trong đó xác định 5 yếu tố ảnh hưởng đó chính là trình độ học vấn, quy mô gia đình, thu nhập, vốn xã hội và làng nghề truyền thống. Trong đó, yếu tố quy mô gia đình là yếu tố tác động mạnh nhất. Tuy nhiên, nhược điểm của nghiên cứu này là chưa tiến hành kiểm định sự khác biệt về thu nhập của những hộ dân có tham gia và không tham gia vào quản lý phát triển du lịch tại địa phương.
Nguyễn Việt Hà [12] thực hiện nghiên cứu với mục đích tìm hiểu ảnh hưởng của nhận thức người dân địa phương đến sự sẵn sàng tham gia vào du lịch tình nguyện ở Sapa, Lào Cai, Việt Nam. Nghiên cứu đã xây dựng 4 giả thuyết và chứng minh được cả 4 giả thuyết nghiên cứu trên đều được chấp nhận thông qua mô hình hồi quy đa biến dưới sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 19.0 (Giả thuyết H1: Người dân nhận thức được lợi ích từ du lịch tình nguyện sẽ có xu hướng tham gia vào các hoạt động du lịch tình nguyện, H2: Người dân phụ thuộc kinh tế vào các hoạt động du lịch tình nguyện nhận thức được lợi ích của nó mang lại, H3: Người dân có thái độ tích cực với sự trao đổi văn hóa xã hội sẽ nhận thức được các lợi ích của nó mang lại, H4: Người dân nhận thức được lợi ích của du lịch tình nguyện sẽ có xu hướng có nhiều quyền lực hơn đối với hoạt động này). Tuy nhiên, nghiên cứu này tồn tại một số nhược điểm nhằm tạo “khe hở” cho các nghiên cứu sau này khi được thực hiện với cỡ mẫu khá nhỏ so với dân số của khu vực với 107 người, thực hiện ở không gian nghiên cứu nhỏ (một huyện của một tỉnh). Bên cạnh đó, tác giả không thực hiện trực tiếp cuộc phỏng vấn do vậy, chưa nhìn ra được bức tranh toàn cảnh về sự sẵn sàng tham gia của cư dân địa phương đối với hoạt động này và đặc biệt, nghiên cứu không thực hiện phỏng vấn được cho một số đối tượng khảo sát không biết chữ. Vì thế, thực hiện phỏng vấn trực tiếp sẽ loại trừ được hạn chế này.
Bùi Thị Thu Vân [29] thực hiện nghiên cứu về ý thức và sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch. Nghiên cứu này đã sử dụng kiểm định tương quan Pearson để thấy được mối quan hệ giữa ý thức và sự tham gia của người dân. Theo đó,
sau khi tiến hành điều tra và xử lý số liệu, kết quả nhận được là giữa ý thức và sự tham gia có mối quan hệ tích cực. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa chỉ ra được mức độ tác động của ý thức đến sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch.
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh [12] tiến hành nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quản lý phát triển du lịch miền núi, trường hợp điển hình tại Sapa, Lào Cai. Theo đó, lý thuyết trao đổi xã hội được sử dụng để thấy rõ được các yếu tố ảnh hưởng đến dự định tham gia của người dân. Kết quả cho thấy ảnh hưởng của yếu tố nhận thức về các yếu tố tác động tích cực và tiêu cực ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân. Bên cạnh đó, yếu tố mới là kinh nghiệm được bổ sung khi tham gia du lịch là biến mới được chứng minh có ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào du lịch trong tương lai. Nghiên cứu đã áp dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại, trong đó, kết hợp đồng thời phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng với kỹ thuật phân tích yếu tố khám phá (EFA), hồi quy đa biến và kiểm định sự khác biệt thông qua sử dụng kết quả kiểm định T- test và ANOVA nhằm chứng minh các kết quả nghiên cứu đảm bảo độ tin cậy cao trong việc nghiên cứu dự định và hành vi của CĐĐP trong quản lý phát triển du lịch. Đặc biệt, trong phân tích hồi quy (để kiểm định mối liên hệ giữa nhận thức về các tác động du lịch, kinh nghiệm tham gia du lịch và đặc điểm nhân khẩu học với dự định tham gia du lịch của CĐĐP) đã sử dụng hồi quy logistic - mới chỉ được sử dụng trong một vài nghiên cứu và hồi quy thứ bậc - chưa được sử dụng trong các nghiên cứu trước đó về chủ đề này. Nghiên cứu bắt đầu từ lý thuyết khoa học, xây dựng các thang đo, cho đến đánh giá và kiểm định thang đo. Tuy nhiên, nghiên cứu bị giới hạn bởi không gian nghiên cứu chỉ thực hiện tại một tỉnh ở Việt Nam khó nhân rộng ra thành khu vực lớn.
Khái quát lại kết quả công trình nghiên cứu trong nước về sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT có thể rút ra một số kết luận như sau:
Các nghiên cứu đã dựa trên việc sử dụng các lý thuyết nền tảng để phân tích khía cạnh khác nhau về sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý phát triển các loại du lịch nói chung và DLNT nói riêng. Từ đó, chứng minh sự tham gia của người dân chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố như trình độ học vấn, quy mô hộ gia đình, ý thức hay kinh nghiệm tham gia du lịch.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn vùng Đông Bắc Việt Nam - 1
- Nghiên cứu sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn vùng Đông Bắc Việt Nam - 2
- Các Công Trình Nghiên Cứu Nước Ngoài Về Sự Tham Gia Của Người Dân Trong Quản Lý Phát Triển Du Lịch Nông Thôn
- Mối Quan Hệ Giữa Các Bên Liên Quan Trong Quản Lý Phát Triển Dlnt
- Vai Trò Của Quản Lý Phát Triển Du Lịch Nông Thôn
- Nội Dung Tham Gia Của Người Dân Trong Quản Lý Phát Triển Du Lịch Nông Thôn
Xem toàn bộ 218 trang tài liệu này.
Bên cạnh những thành công nêu trên, các nghiên cứu trong nước gặp phải một số nhược điểm như chưa kiểm định sự khác biệt về thu nhập của những hộ dân có tham gia và không tham gia vào quản lý phát triển du lịch tại địa phương; cỡ mẫu khá nhỏ,
không gian nghiên cứu nhỏ và không thực hiện trực tiếp cuộc phỏng vấn nghiên cứu cho một số đối tượng khảo sát không biết chữ cũng như chưa chỉ ra được mức độ tác động của ý thức đến sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch.
1.3. Đánh giá chung về kết quả của các công trình khoa học đã nghiên cứu có liên quan đến luận án
Trên thế giới và ở Việt Nam trong những năm qua đã có một số công trình thực hiện nghiên cứu về sự tham gia của người dân và cộng đồng địa phương vào hoạt động quản lý phát triển DLNT, du lịch cộng đồng. Do việc nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện thời gian và không gian khác nhau nên các yếu tố trong mỗi mô hình đưa ra có thể trùng nhau hoặc không trùng nhau và từ đó, cho ra các kết quả nghiên cứu không giống nhau. Khái quát lại, có thể rút ra một số kết luận sau:
Thứ nhất, các nghiên cứu đã đề cập đến một số vấn đề lý luận và thực tiễn về sự tham gia của cộng đồng và người dân trong quản lý phát triển DLNT. Theo đó, nội hàm về DLNT, quản lý phát triển DLNT và sự tham gia của người dân vào quản lý phát triển DLNT như khái niệm, vai trò, nguyên tắc phát triển DLNT; Sự tham gia và vai trò của cộng đồng địa phương cũng như người dân được phân tích khá chi tiết và cụ thể. Đây được xem là những luận cứ khoa học quan trọng cần thiết hình thành nên lý luận cho nghiên cứu sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT vùng Đông Bắc Việt Nam.
Thứ hai, các nghiên cứu chủ yếu sử dụng mô hình phân tích nhân tố khám phá (EFA), mô hình hồi quy đa biến và hồi quy Binary Logictis. Trong đó, mô hình hồi quy đa biến và mô hình Binary Logictis đã đánh giá và chứng minh được các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào quản lý phát triển du lịch ở mỗi không gian nghiên cứu khác nhau. Theo đó, mô hình sử dụng kết hợp phương pháp phân tích nhân tố khám phá và hồi quy đa biến đã chứng minh sự phù hợp khi phân tích sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nói chung và DLNT nói riêng.
Thứ ba, dưới những góc nhìn khác nhau, các nghiên cứu đều chỉ ra được sự tham gia được coi là đối số quan trọng trong sự phát triển của du lịch. Theo đó, khi có sự tham gia của người dân và cộng đồng địa phương vào hoạt động quản lý phát triển du lịch, dịch vụ du lịch được cung cấp với chi phí thấp hơn, giá trị tạo ra cho cộng đồng tham gia nhiều hơn với trách nhiệm cao hơn…
Thứ tư, các nghiên cứu đã chỉ ra được khá nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch, đặc biệt là lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, sự chuyển biến về nhận thức của cá nhân, các yếu tố thuộc về đặc điểm nhân khẩu học như trình độ học vấn, quy mô hộ gia đình,… hoặc rào cản khi tham gia vào hoạt động du lịch cũng là yếu tố cản trở cho sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nói chung và DLNT nói riêng.
1.4. Những khoảng trống cần tiếp tục nghiên cứu
DLNT có tiềm năng phát triển mạnh tại vùng Đông Bắc với khả năng làm tăng thu nhập cho hộ gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của khu vực. Tuy vậy, loại hình này chưa thực sự được quan tâm nhiều bởi chính quyền địa phương và các nhà hoạch định chính sách.
Ngoài ra, sự tham gia của người dân vào quản lý phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu trong khi những nghiên cứu về sự tham gia của người dân vào quản lý phát triển DLNT còn hạn chế. Các nghiên cứu được thực hiện nếu có chỉ dừng lại ở nghiên cứu mang tính chất lý thuyết, định tính được kết luận từ tổng quan tài liệu mà chưa có sự đánh giá qua thực tế của điểm nghiên cứu. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về du lịch nông thôn được thực hiện song chưa mang tính chất bao quát và toàn diện mà chỉ tập trung tại một khâu trong hoạt động quản lý phát triển du lịch nông thôn.
Nghiên cứu trước đây thường phân tích sâu yếu tố nhận thức về lợi ích và rào cản cũng như quan điểm của người dân đối với sự tham gia của họ trong quản lý phát triển DLNT mà chưa tập trung phân tích yếu tố khách quan – song có ảnh hưởng khá lớn đến việc tham gia của người dân. Đó là yếu tố chính sách Nhà nước. Trong khi, nhóm yếu tố này được xem là rất quan trọng bởi quan điểm, định hướng của Nhà nước có vai trò dẫn dắt, định hướng sự phát triển DLNT ở các nhóm khu vực và địa phương khác nhau. Do vậy, đây được xem là sự thiếu hụt của các nghiên cứu trước đây đối với lĩnh vực du lịch nói chung và DLNT nói riêng.
Với quan điểm phân tích sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT như một quá trình. Theo tầm hiểu biết của tác giả, việc nghiên cứu quá trình phát triển DLNT từ lập kế hoạch phát triển DLNT; Xây dựng cơ cấu tổ chức quản lý DLNT; Tổ chức thực hiện các hoạt động DLNT; Xúc tiến & Quảng bá và Kiểm soát DLNT chưa
được tác giả nào quan tâm phân tích và đây được xem là kẽ hở lớn cho việc hoàn thiện khung lý luận và thực tiễn về sự tham gia của người dân trong phát triển DLNT vùng Đông Bắc Việt Nam.
Trên cơ sở tiếp thu thành quả từ những nghiên cứu trước đây, tác giả sẽ tập trung giải quyết các vấn đề chưa được làm rõ để có một cái nhìn tổng quát, toàn diện nhất về sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT vùng Đông Bắc Việt Nam, thông qua việc sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và mô hình hồi quy đa biến nhằm hoàn thiện mục tiêu nghiên cứu của luận án đã đề ra và giải quyết được một phần thiếu sót của những nghiên cứu trước đây.
Tóm tắt chương 1
Chương 1 đã tổng quan được 13 công trình nghiên cứu trên thế giới và 04 công trình ở Việt Nam có liên quan đến DLNT và sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT. Các công trình nghiên cứu thông qua việc sử dụng kết hợp phương pháp định tính, định lượng với không gian và thời gian nghiên cứu khác nhau đã nêu bật được vai trò, mức độ và xu hướng phát triển DLNT. Từ đó, luận án rút ra một số đánh giá chung và chỉ ra “khoảng trống”của các nghiên cứu trước đây. Kế thừa lý luận được phân tích ở trên, luận án tiến hành nghiên cứu sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT ở khu vực Đông Bắc thông qua phân tích nội dung tham gia của người dân ở các khía cạnh lập kế hoạch phát triển DLNT; Xây dựng cơ cấu tổ chức quản lý DLNT; Tổ chức thực hiện các hoạt động DLNT; Xúc tiến & Quảng bá và Kiểm soát DLNT song song với việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của họ bao gồm lợi ích khi tham gia DLNT, rào cản khi tham gia DLNT; quan điểm của người dân về quyết định tham gia DLNT và một yếu tố mới được đưa vào phân tích tại khu vực Đông Bắc là chính sách của Nhà nước.
Chương 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN TRONG QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN
2.1. Cơ sở lý luận về sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn
2.1.1. Khái quát chung về du lịch nông thôn
2.1.1.1. Khái niệm du lịch nông thôn
Khái niệm du lịch
Ngày nay, du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến. Đối với một số quốc gia, du lịch là nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất trong ngoại thương. Tại các quốc gia khác, du lịch là một trong ba ngành hàng đầu và du lịch hiện đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, du lịch là một hiện tượng kinh tế - xã hội phức tạp và trong quá trình phát triển, nội dung của nó không ngừng được mở rộng và ngày càng thêm phong phú, do vậy, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về du lịch.
Theo đó, có thể liệt kê một số khái niệm tiêu biểu về du lịch như sau:
Michael Coltman [103] đưa ra khái niệm về du lịch: “Du lịch là sự kết hợp và tương tác của bốn nhóm yếu tố trong quá trình phục vụ du khách bao gồm khách du lịch, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, dân cư sở tại và chính quyền địa phương nơi đón khách du lịch”.
Robert W.McIntosh và cs [134]có quan điểm rằng: “Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ nảy sinh từ tác động qua lại giữa khách du lịch, nhà cung ứng, chính quyền và cộng đồng chủ nhà trong quá trình thu hút và đón tiếp khách du lịch”.
Luật Du lịch (2017) [31] khẳng định: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.
Tổ chức du lịch thế giới (WTO) năm 1995 đưa ra thuật ngữ: “Du lịch là các hoạt động của con người liên quan đến việc dịch chuyển tạm thời của con người đến một điểm đến nào đó bên ngoài nơi mà họ sống và làm việc thường xuyên cho mục đích giải trí,và các mục đích khác.
Như vậy, du lịch được tiếp cận với những quan điểm khác nhau, tuy nhiên đều có điểm chung về thời gian, sự di chuyển trong quá trình tạo ra hoạt động du lịch và đề cập đến các bên tham gia. Theo đó, với cách tiếp cận của luận án, tác giả sử dụng khái niệm của Robert W. McIntosh & cs [49] với quan điểm cho rằng du lịch là sự tổng hợp các mối quan hệ của các bên tham gia vào hoạt động thu hút và đón tiếp khách du lịch, nhằm phục vụ các nhu cầu thiết yếu của khách du lịch.
Khái niệm du lịch nông thôn a, Khái niệm về nông thôn
Quan niệm nông thôn hay vùng nông thôn được thể hiện khác nhau ở mỗi quốc gia vì điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên khác nhau. Đến nay, khái niệm nông thôn chưa được thống nhất ở các tác giả khác nhau do từng mục đích nghiên cứu.
Trên thế giới, khu vực nông thôn được nhiều quốc gia nhìn nhận là khu vực phát triển chậm hơn so với khu đô thị. R. Okech [21]đã nêu những đặc điểm để nhận biết khu vực nông thôn là các khu định cư nhỏ, mật độ dân số thấp, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, dựa trên xã hội truyền thống. Ở nước ta, khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế về mức sống và đang được xã hội quan tâm phát triển.
Ở góc độ đời sống cá nhân của mỗi người, nông thôn là nơi sinh sống lâu đời của nhân dân ta, là quê hương, gốc gác, cội nguồn của phần lớn chúng ta. Trong điều kiện hiện nay, nông thôn đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn là nơi có diện tích rộng lớn nhất của lãnh thổ và là nơi sinh sống của đa số người dân nước ta.
Khái niệm nông thôn được tiếp cận dưới sự so sánh giữa nông thôn và đô thị.
Theo đó:
Từ điển Tiếng việt của Viện ngôn ngữ học (1994) đưa ra khái niệm về nông thôn chính là khu vực tập trung dân cư chủ yếu bằng nghề nông [10].
Từ điển Bách khoa- NXB Bách khoa Matxcova (1986) định nghĩa đô thị là khu vực dân cư làm nghề ngoài nông nghiệp [10].
Hai khái niệm trên phân biệt nông thôn và đô thị theo đặc trưng nghề nghiệp, nhưng điều này là chưa đủ. Hai khu vực này còn khác nhau về tự nhiên, kinh tế, xã hội. Trong đó, nông thôn là vùng không gian rộng lớn, cư dân chủ yếu làm nông nghiệp và nhận thu nhập chính từ nông nghiệp.