Các Công Trình Nghiên Cứu Nước Ngoài Về Sự Tham Gia Của Người Dân Trong Quản Lý Phát Triển Du Lịch Nông Thôn


Thứ tư, đề xuất những giải pháp tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn.

Phạm vi về không gian

Luận án tiến hành nghiên cứu trên địa vùng Đông Bắc Việt Nam. Bao gồm 7 tỉnh (Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang và Tuyên Quang). Mẫu điều tra người dân và các cán bộ quản lý được thu thập tại các địa điểm có hoạt động DLNT.

Phạm vi về thời gian

Luận án sử dụng nguồn số liệu thứ cấp trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018. Giải pháp, kiến nghị của luận án được đề xuất đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Số liệu sơ cấp được thực hiện điều tra năm 2018.

4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

- Thứ nhất, luận án đã hoàn thiện một số vấn đề lý luận và thực tiễn về DLNT, sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT.

- Thứ hai, luận án được xem là nghiên cứu đầu tiên tiến hành xây dựng khung phân tích về sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT vùng Đông Bắc Việt Nam. Các nội dung của quá trình quản lý đều được tác giả phân tích gắn với sự tham gia của người dân.

- Thứ ba, thông qua phân tích định lượng bằng mô hình hồi quy đa biến, luận án đã chứng minh 4 yếu tố được đưa vào phân tích đều có ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT khu vực Đông Bắc. Đó là các yếu tố lợi ích có được khi tham gia vào quản lý phát triển DLNT, rào cản khi tham gia vào quản lý phát triển DLNT, quan điểm của người dân về quản lý phát triển DLNT và chính sách của Nhà nước trong quản lý phát triển DLNT được coi là nhân tố mới trong nghiên cứu này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 218 trang tài liệu này.

- Thứ tư, Cùng với vấn đề còn tồn tại và kết quả phân tích mô hình hồi quy về sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn, luận án đề xuất 02 nhóm giải pháp bao gồm nhóm giải pháp được xây dựng dựa trên kết quả phân tích mô hình nghiên cứu (04 giải pháp) và nhóm giải pháp khác (7 giải pháp) và 03 nhóm


Nghiên cứu sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn vùng Đông Bắc Việt Nam - 3

khuyến nghị nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn vùng Đông Bắc đến năm 2030, tầm nhìn năm 2035.

5. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục TLTK và phụ lục, luận án được kết cấu thành 5 chương với những nội dung chính như sau:

Chương 1: Tổng quan tài liệu nghiên cứu

Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn.

Chương 3: Phương pháp nghiên cứu.

Chương 4: Thực trạng tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn tại vùng Đông Bắc Việt Nam.

Chương 5: Giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn tại vùng Đông Bắc Việt Nam.


Chương 1

TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU


1.1. Các công trình nghiên cứu nước ngoài về sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn

Trên thế giới, các công trình nghiên cứu về DLNT nói chung và sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT nói riêng đã được nhiều tác giả quan tâm phân tích. Trong các nghiên cứu đó, lý thuyết về DLNT như khái niệm, xu hướng phát triển DLNT được trình bày khá chi tiết. Bên cạnh đó, bằng việc sử dụng phương pháp nghiên cứu khác nhau, các công trình đã chứng minh mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT ở mỗi không gian nghiên cứu khác nhau, cụ thể như sau:

1.1.1. Các công trình nghiên cứu về vai trò tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn

Nghiên cứu của Cevat Tosun và cs [140] đã đưa ra những lập luận về sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quá trình phát triển du lịch. Nghiên cứu này tập trung vào các quan điểm tích cực và phương pháp vận động để làm nổi bật những lợi ích của sự tham gia trong phát triển du lịch, từ đó thu hút sự chú ý của các học giả nghiên cứu về du lịch, những người tham gia vào quá trình phát triển du lịch. Theo đó, 7 luận cứ được xây dựng (Cộng đồng là yếu tố quan trọng trong việc phát triển du lịch; Cộng đồng tham gia đóng góp cho sự phát triển bền vững bằng nhiều cách; Sự tham gia của cộng đồng làm tăng mức độ thỏa mãn của khách du lịch; Cộng đồng giúp các chuyên gia tiếp cận các kế hoạch du lịch tốt hơn; Cộng đồng tham gia phân phối lại giữa chi phí và lợi ích phát triển du lịch; Cộng đồng giúp xác định được mức độ thỏa mãn tại địa phương; Cộng đồng tham gia giúp củng cố lại tính dân chủ) và kết quả cho thấy rằng sự tham gia của cộng đồng địa phương mang tính tích cực cho sự phát triển. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của nghiên cứu này là sự phát triển du lịch thông qua sự tham gia có thể không khả thi ở các điểm du lịch nằm trong các khu vực nông thôn hoặc nằm ngoài phạm vi các khu vực kinh tế phát triển (Nói cách khác, khu vực kinh tế kém phát triển).

Wen Jun Li [93] tiến hành đánh giá những lợi ích mà phát triển du lịch mang lại cho người dân thông qua việc nghiên cứu sự tham gia tại Khu dự trữ sinh quyển


Jiuzhaigou của Trung Quốc. Theo đó, nghiên cứu đã chứng minh được rằng việc tham gia vào quá trình phát triển du lịch tại đó mang lại lợi ích rất lớn, cụ thể như cộng đồng địa phương có tiếng nói trong lĩnh vực quản lý, nhận được thu nhập từ du lịch và quảng bá văn hóa địa phương…. Ngoài ra, nghiên cứu này đã chứng minh rằng các cư dân địa phương cảm thấy họ đã nhận được những lợi ích thỏa đáng từ phát triển du lịch và tin rằng chỉ khi tham gia vào du lịch thì lợi ích mới được phân phối hài hòa. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù người dân không tham gia vào quá trình ra quyết định song hoạt động phát triển du lịch tại đây vẫn khá thành công. Điều này xảy ra sự mâu thuẫn với các nghiên cứu hiện tại cho rằng nếu người dân địa phương muốn hưởng lợi từ du lịch thì phải tham giam vào quá trình ra quyết định trong các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ dừng lại bằng các lập luận mang tính lý thuyết, trong khi lý thuyết nền tảng cho lập luận của mình và cách thức tham gia cụ thể chưa được đề cập đến.

Tiếp đó, Tulay Cengiz và cs [70] nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng địa phương đối với sự phát triển du lịch bền vững tại Gokceada - hòn đảo lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Việc thông qua phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia cho phép cộng đồng hưởng lợi từ tác động tích cực của du lịch, đồng thời giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực. Trong khuôn khổ này, ý kiến của cộng đồng địa phương về hòn đảo du lịch này đã được kêu gọi bằng cách sử dụng phương pháp RRA (Rapid Rural Appraisal - RRA)

- một hình thức tiếp cận có sự tham gia, kết quả chỉ ra rằng du lịch có tác động tích cực đến thu nhập, việc làm, đến môi trường và xã hội, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng quản lý đó chính là chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá chủ quan, chưa đưa ra cơ sở lý thuyết nền tảng cho vấn đề nghiên cứu.

1.1.2. Các công trình nghiên cứu về nội dung và mức độ tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn

Pretty [117] nghiên cứu về các loại hình tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các mức độ mà cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch là tham gia chủ động, tham gia bị động, tham gia tư vấn, tham gia cung cấp thông tin và tham gia thực hiện chức năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, nhược


điểm của nghiên cứu này là chỉ mang tính liệt kê và chưa phân tích được loại hình mà người dân tham gia nhiều nhất.

Kế đó, Garrod [87] đã nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động lập kế hoạch và quản lý du lịch sinh thái. Bằng việc tiếp cận sự tham gia của địa phương thông qua hoạt động lập kế hoạch, nghiên cứu đã chỉ ra được những lợi ích và hạn chế khi có sự tham gia của người dân. Một số lợi ích được liệt kê như tăng hiệu quả dự án phát triển, tăng quyền lực của cộng đồng địa phương, chia sẻ chi phí đồng thời góp phần phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, việc gây áp lực với cộng đồng, tạo ra xung đột tiềm ẩn… chính là hạn chế của nghiên cứu này. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chưa đưa ra được các chỉ tiêu cụ thể để đánh giá và so sánh được lợi ích và chi phí khi có sự tham gia của cộng đồng.

Mastura Jaafar và cs [99] đã chỉ ra rằng phát triển du lịch nông thôn là chìa khóa để cải thiện kinh tế địa phương, nâng cao đời sống xã hội của người dân. Nghiên cứu này tiến hành khảo sát sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch nông thôn tại Vườn Quốc gia Kinabalu, Sabah. Việc kết hợp sử dụng cả hai phương pháp phân tích định tính và định lượng với 378 mẫu quan sát cho thấy người dân tại đây đã nhận thức được vai trò quan trọng của họ trong việc tham gia vào du lịch cũng như những lợi ích kinh tế mà tham gia vào du lịch mang lại. Bên cạnh đó, những tác động tích cực của phát triển du lịch đến đời sống của họ đã được khẳng định. Tuy nhiên, nhược điểm của nghiên cứu này là mới chỉ ra được mối quan hệ thân thiết giữa sự tham gia và phát triển du lịch nông thôn song chưa nêu được rõ những tác động cụ thể trong mối quan hệ này.

Tiếp đến, Michael M. [103] thực hiện công trình nghiên cứu về sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch nông thôn ở Tanzania, nghiên cứu trường hợp cộng đồng địa phương ở Làng Barabarani, Mto Wa Mbu, Arusha. Nghiên cứu này được xây dựng nhằm tìm hiểu ba vấn đề chính: Sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ra quyết định phát triển du lịch; Sự tham gia của cộng đồng trong việc chia sẻ lợi ích du lịch và sự đóng góp của phát triển du lịch để giảm nghèo thông qua năm câu hỏi:(1) Quan điểm của người dân về sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch nông thôn; (2) Vai trò thích hợp của người dân địa phương trong phát triển du lịch nông


thôn; (3) Người dân địa phương tham gia vào quá trình ra quyết định phát triển du lịch nông thôn như thế nào; (4) Doanh nghiệp du lịch đã xây dựng các chương trình như thế nào để chia sẻ lợi ích và (5) Quan điểm của người dân về sự đóng góp của phát triển du lịch nông thôn đối với giảm nghèo. Mặc dù chưa xây dựng được cơ sở lý thuyết của những vấn đề nghiên cứu trên, song kết quả đã thể hiện người dân địa phương mong muốn đóng một vai trò trong quá trình ra quyết định phát triển du lịch tại cộng đồng.

1.1.3. Các công trình nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn

Tosun [141] đã thực hiện nghiên cứu về những rào cản của người dân khi tham gia vào hoạt động phát triển du lịch nông thôn. Trong nghiên cứu này chỉ ra rằng, người dân sẽ bị 3 nhóm rào cản ảnh hưởng khi quyết định tham gia đó chính là rào cản hoạt động, rào cản văn hóa và rào cản về cấu trúc. Nghiên cứu đã nêu một số trở ngại có liên quan đến người dân khi tham gia vào phát triển du lịch nông thôn như cơ chế quản lý hiện tại hay thiếu sự phối hợp giữa các bên có liên quan, thiếu thông tin sẵn có tại địa phương…Nghiên cứu này đưa ra kết luận rằng sự phát triển của du lịch nông thôn khi có người dân tham gia sẽ thay đổi toàn bộ cấu trúc của sự phát triển, điều này cần có sự thống nhất rất lớn về thể chế, chính sách của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ dừng lại ở việc liệt kê các yếu tố mà chưa có sự kiểm định về mức độ tác động của các yếu tố và phân tích đến rào cản chính ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân.

Tiếp đến, Latkova and cs [91][92] nghiên cứu về thái độ của người dân khi tham gia vào du lịch nông thôn. Nghiên cứu này chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia của người dân. Theo đó, có 3 nhóm yếu tố ảnh hưởng đó chính là: (1) Nhận thức về du lịch của người dân, (2) Vai trò của rào cản khi tham gia vào du lịch,

(3) Lợi ích cá nhân nhận được từ du lịch. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chưa chỉ ra được mức độ tác động của các yếu tố đến quyết định tham gia của người dân.

Cùng với đó, Sirivongs and Tsuchiya [133] nghiên cứu về quyền và trách nhiệm khi tham gia vào hoạt động phát triển du lịch của cộng đồng. Theo đó, trách nhiệm và lợi ích mà cộng đồng có được khi tham gia vào du lịch được thể hiện qua (1) Người dân có trách nhiệm hơn với môi trường; (2) Lợi ích có được từ du lịch: (Được tham gia


các khóa đào tạo, Được tham gia vào việc ra quyết định về phát triển du lịch, Được tham gia vào các công việc có liên quan đến du lịch, Được trở thành 1 tình nguyện viên). Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê các yếu tố, chưa có sự phân tích, đánh giá về các yếu tố này. Bên cạnh đó, chưa chỉ ra được tác động tích cực và tác động tiêu cực của việc tham gia vào du lịch cộng đồng.

Bengi Ertura và cs [83] tiến hành xác định các yếu tố thúc đẩy sự tham gia của người dân vào việc phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Trong đó, nhấn mạnh rằng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng là một hướng đi đúng đắn cho phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, nghiên cứu cũng chỉ ra khó khăn lớn nhất là làm thế nào để đạt được sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan và cộng đồng trong việc lập kế hoạch, tổ chức và thực hiện. hạn chế của nghiên cứu này là mới chỉ dừng lại ở phân tích định tính (phỏng vấn sâu), chưa chỉ rõ được các yếu tố là tiền đề cho mối quan hệ giữa cộng đồng và sự phát triển du lịch nông thôn.

Nghiên cứu của Sook-Fun Fong và cs [135] đã tiến hành nghiên cứu này với mục đích kiểm tra mối quan hệ giữa sự tham gia của cộng đồng địa phương với phát triển du lịch nông thôn. Bằng việc điều tra 113 hộ dân tại một thành phố du lịch tại Kuching, Malaysia. Bốn giả thuyết được đưa ra dựa trên hiệu quả của việc tham gia của cộng đồng vào việc ra quyết định, chia sẻ kiến thức, trao quyền và bổ sung kiến thức cộng đồng. Kết quả cho thấy việc tham gia vào ra quyết định, trao quyền và bổ sung kiến thức cộng đồng là các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển DLNT bền vững. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mối quan hệ chưa thực sự tốt giữa các bên có liên quan đến du lịch làm giảm hiệu quả của việc chia sẻ kiến thức đến với cộng đồng dân cư. Đây được coi là hướng nghiên cứu sẽ được thảo luận trong thời gian tiếp theo.

Gần đây nhất, Rasoolimanesh M. S [104] đã thực hiện so sánh sự ảnh hưởng của nhận thức người dân đối với tác động của du lịch đến sự tham gia của cộng đồng và hỗ trợ phát triển du lịch trên các khu di sản thế giới ở nông thôn và thành thị (WHSs). Mô hình bình phương nhỏ nhất và mô hình phương trình cấu trúc (PLS-SEM) đã được sử dụng để thực hiện phân tích. Kết quả cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa tác động của nhận thức của người dân và sự tham gia của cộng đồng vào hỗ trợ phát triển du lịch ở


các điểm đến đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, nghiên cứu này không chỉ ra sự khác biệt giữa tác động của nhận thức tích cực đối với sự tham gia của cộng đồng địa phương và tác động gián tiếp của nhận thức tiêu cực đối với sự phát triển của du lịch. Bên cạnh đó, nghiên cứu này đã xây dựng một khung lý thuyết về du lịch đô thị và du lịch nông thôn cùng khung lý thuyết về nhận thức của người dân bằng cách so sánh nhận thức của người dân ở khu vực nông thôn và thành thị. Từ đó, gợi ý một số chính sách thiết thực đối với chính quyền địa phương nhằm phát triển du lịch ở nông thôn và thành thị.

Như vậy, qua nghiên cứu các công trình nghiên cứu nước ngoài về sự tham gia của cộng đồng người dân trong quản lý phát triển DLNT ở một số nước trên thế giới, tác giả có một số kết luận như sau:

- Các nghiên cứu đều có điểm chung là cộng đồng địa phương nhận thức được rất rõ vai trò quan trọng của việc tham gia vào quản lý phát triển du lịch của cộng đồng địa phương.

- Các nghiên cứu chủ yếu đề cập đến mối quan hệ giữa sự tham gia vào quản lý phát triển du lịch dựa trên lợi ích mà cộng đồng có được thông qua việc trao quyền và bổ sung kiến thức cho người dân.

- Bản thân người dân tham gia cũng nhận thức khá rõ quan điểm cũng như những lợi ích, khó khăn khi quyết định tham gia.

- Một số nghiên cứu đã chỉ ra được các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào quản lý phát triển du lịch nông thôn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu này còn một số hạn chế:

- Một số nghiên cứu chưa đưa được lý thuyết nền tảng cho nghiên cứu của mình;

- Nghiên cứu bị giới hạn bởi kết quả nghiên cứu do chỉ thực hiện phương pháp định tính hay chỉ thực hiện nghiên cứu trên 1 quy mô nhỏ;

- Nghiên cứu chưa chỉ ra được cụ thể những tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quản lý phát triển DLNT.

1.2. Các công trình nghiên cứu trong nước về sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn

Trong những năm qua, ở Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về DLNT và sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT. Bằng việc kết hợp sử dụng phương pháp phân tích định tính và định lượng, các nghiên cứu đã chỉ ra vai trò

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/03/2023