Sự Cần Thiết Phải Phát Triển Bền Vững Du Lịch Biển Đảo Ở Nước Ta

1.2. Sự cần thiết phải phát triển bền vững du lịch biển đảo ở nước ta

Du lịch biển đảo ngày càng trở thành một xu hướng và động lực mới, với nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, với lượng khách đến tăng nhiều trong những năm qua và luôn chiếm khoảng 70% tổng khách du lịch cả nước, du lịch biển đảo hiện đang là loại hình du lịch chủ đạo, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Có thể nói, Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch biển đảo khi sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo, với những bờ cát trắng, vịnh biển hoang sơ, những hòn đảo nhiệt đới quanh năm tươi tốt. Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước có diện tích ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á. Và có tới 125 bãi biển mà hầu hết là các bãi tắm đẹp, trong đó bãi biển Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang. Về mặt hành chính, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là các địa phương có biển, với diện tích tự nhiên là 126.747 km2, dân số (năm 2010) là 37,2 triệu người, bằng 38,2% diện tích tự nhiên và 41,1% dân số cả nước.

Bên cạnh đó, lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo, nơi diễn ra du lịch biển đảo và vùng ven biển tập trung tới 7/13 di sản thế giới ở Việt Nam; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên.v.v. (Bộ VHTT và DL, 2019) [2, tr10]

Ngoài ra, từ bao đời nay, biển đảo không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống, mà còn là không gian để cộng đồng người Việt tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với những di sản văn hóa đặc sắc. Đó là hệ thống di tích lịch sử-văn hóa liên quan đến môi trường biển, hệ thống thần linh biển, những bậc tiền bối có công trong công cuộc chinh phục biển, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển...; các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa... Ðây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển đảo bền vững.

Nắm bắt thế mạnh trên, thời gian qua, nhiều khu du lịch biển tiềm năng đã được quy hoạch và đầu tư phát triển như: bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa); bãi biển Non Nước, Mỹ Khê (Đà Nẵng); vịnh Đảo Yến, vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa); bãi biển Mũi Né (Bình Thuận); bãi biển Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Việt Nam đã hình thành 3 trung tâm du lịch biển có sức hút với khách quốc tế, gồm vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Đảo Yến (Khánh Hòa) với những cơ sở lưu trú hiện đại 4-5 sao, có thể đón những đoàn khách đến nghỉ dưỡng và phát triển du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo) (Bộ VH - TT và DL, 2019) [2, tr11]

Việc phát triển mạnh mẽ của du lịch biển đảo trong những năm qua, đã mang lại cơ hội xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển nhiều địa phương trong cả nước. Song theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lớn của du lịch biển, đảo Việt Nam. Thực tế cho thấy, du lịch biển, đảo ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như:

- Dịch vụ du lịch còn thiếu, nghèo nàn;

- Sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng; an ninh trật tự và việc quản lý giá tại một số khu, điểm du lịch chưa đảm bảo; quy hoạch của nhiều bãi biển đẹp đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh.v.v.

Nhằm khắc phục những hạn chế cũng như tạo sức bật cho du lịch biển, đảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, du lịch biển sẽ trở thành động lực của kinh tế biển Việt Nam, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển và bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh (Bộ VHTT và DL, 2019) [2, tr8].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

1.3. Phát triển du lịch bền vững

1.3.1. Khái niệm

Nghiên cứu phát triển du lịch bền vững tại Đảo Yến, Khánh Hoà - 3

Phát triển du lịch bền vững và phát triển bền vững có mối quan hệ rất chặt chẽ. Trên thực tế, phát triển bền vững và phát triển du lịch bền vững đều liên quan đến môi trường. Trong du lịch, môi trường mang một hàm ý rất rộng. Đó là môi trường tự nhiên, kinh tế, văn hoá, chính trị và xã hội; là yếu tố rất quan trọng để tạo nên các

sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo. Rõ ràng, nếu không có bảo vệ môi trường thì sự phát triển sẽ suy giảm; nhưng nếu không có phát triển thì việc bảo vệ môi trường sẽ thất bại. Chính vì vậy, chúng ta cần phát triển du lịch nhưng không được làm tổn hại đến tài nguyên, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Hay nói một cách khác, du lịch bền vững phải là xu thế phát triển của ngành du lịch. Ngoài sự phát triển thân thiện với môi trường, khái niệm bền vững còn bao hàm cách tiếp cận du lịch thừa nhận vai trò của cộng đồng địa phương, phương thức đối xử với lao động và mong muốn tối đa hóa lợi ích kinh tế của du lịch cho cộng đồng địa phương. Nói cách khác, du lịch bền vững không chỉ có bảo vệ môi trường, mà còn quan tâm tới khả năng duy trì kinh tế dài hạn và công bằng xã hội. Du lịch bền vững không thể tách rời phát triển bền vững.

Vào thập niên 90 của thế kỷ XX người ta thấy rằng, du lịch, một ngành công nghiệp không khói cũng giống các ngành kinh tế khác, tạo ra nguồn lợi nhuận dồi dào nhưng lại đem đến rất nhiều những mặt hạn chế về môi trường, xã hội. Chính vì vậy, một yêu cầu tất yếu được đặt ra là cần phát triển du lịch mang tính bền vững. Vậy phát triển du lịch bền vững là gì?

Butler's (1993) cho rằng phát triển du lịch bền vững là quá trình phát triển và duy trì trong một không gian và thời gian nhất định (ở đó tồn tại cộng đồng, môi trường), thêm nữa sự phát triển sẽ không làm giảm khả năng thích ứng môi trường của con người trong khi vẫn có thể ngăn chặn những tác động tiêu cực tới sự phát triển lâu dài [17, tr6]. Đây là quan điểm đã nhận được sự đồng thuận của các tác giả khác như Murphy (1994) [22, tr10], Mowforth và Munt (1998).

Một quan điểm khác của Machado (2003) lại nhấn mạnh đến tính bền vững của các sản phẩm trong phát triển du lịch, ông cho rằng phát triển du lịch bền vững là quá trình phát triển các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch, ngành du lịch và cộng đồng địa phương mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai.

Tác giả Tosun (1998) trong nghiên cứu của mình đã đề xuất phát triển du lịch bền vững như là một trong những thành phần của phát triển du lịch và nó tạo ra những đóng góp đáng kể hoặc ít hoặc phủ nhận sự duy trì các nguyên tắc của sự

phát triển trong một thời kỳ nhất định mà không tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu và mong muốn của thế hệ tương lai [23, tr598]. Bổ sung vào quan điểm này, tác giả Hens (1998) chỉ ra rằng phát triển du lịch bền vững đòi hỏi sự quan tâm của các bên có liên quan đến việc quản lý các nguồn tài nguyên theo các cách thức khác nhau nhằm khai thác và cung cấp các sản phẩm du lịch đáp ứng các nhu cầu kinh tế, xã hội và thẩm mỹ trong khi vẫn duy trì được bản sắc văn hóa, đa dạng hệ sinh thái và bảo đảm sự sống cho thế hệ mai sau [18, tr26].

Theo John Swarbrooke (1999) lại có cái nhìn tách biệt về du lịch bền vững khi cho rằng du lịch bền vững là sự kết hợp giữa việc đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, ngành du lịch và cộng đồng sở tại mà không ảnh hưởng đến khả năng phát triển của các thế hệ tương lai đồng thời có khả năng đem lại kinh tế nhưng không được phá hủy các nguồn lực mà tương lai du lịch sẽ phụ thuộc: môi trường vật chất và các yếu tố xã hội của cộng đồng địa phương .

Theo Phạm Trung Lương (2000) trong Tài nguyên và môi trường du lịch Việt Nam đã chỉ rõ các mặt bền vững của phát triển du lịch là: Bền vững kinh tế sự phát triển ổn định lâu dài của du lịch, tạo ra nguồn thu đáng kể, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là người dân địa phương; bền vững về môi trường là việc sử dụng các tài nguyên không vượt quá khả năng tự phục hồi của nó, sao cho đáp ứng được nhu cấu phát triển hiện tại song không làm suy yếu khả năng tái tạo trong tương lai để đáp ứng được nhu cầu của thế hệ mai sau; Bền vững về xã hội là việc khai thác đáp ứng các nhu cầu phát triển du lịch hiện tại không làm tổn hại, suy thoái các giá trị văn hóa truyền thống để lại cho các thế hệ tiếp sau [7, tr34].

Tổ chức du lịch thế giới (WTO) định nghĩa: “Phát triển bền vững trong du lịch là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Sự phát triển này quan tâm đến lợi ích kinh tế, xã hội mang tính lâu dài trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương

(WTO, 2002) [24, tr20].

Theo quy định tại Khoản 14, Điều 3 Luật Du lịch Việt Nam năm 2017, Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai [11, tr18].

Như vậy, mặc dù được phát biểu theo những cách khác nhau song nhìn chung các khái niệm trên đều đề cập tới: phát triển du lịch bền vững là việc quản lý toàn bộ các thành phần cấu thành ngành du lịch đảm bảo phát triển cân bằng để có thể mang lại những kết quả có lợi về kinh tế, xã hội mang tính lâu dài mà không gây ra những tổn hại cho môi trường tự nhiên và bản sắc văn hoá của du lịch. Quá trình phát triển du lịch bền vững phải kết hợp hài hoà nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ và sản xuất và tiêu dùng du lịch, nhằm mục đích bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn và phát huy bảo sắc văn hoá dân tộc. Trong luận văn này, tác giả lấy khái niệm phát triển du lịch được quy định trong Luật Du lịch làm kim chỉ nam xuyên suốt đề tài.

1.3.2. Đặc điểm phát triển du lịch bền vững

Một là, phát triển du lịch bền vững là sự phát triển có kiểm soát về mặt kinh tế, đảm bảo chất lượng tăng trưởng. Đây là một trong những điểm đặc trưng của phát triển du lịch bền vững, thể hiện sự khác biệt với phát triển du lịch không bền vững. Phát triển du lịch bền vững không đặt ra mục tiêu tối đa hóa tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, đánh đổi sự ổn định và công bằng xã hội, đánh đổi tài nguyên, môi trường để lấy tốc độ tăng trưởng cao, mà duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định, phù hợp với điều kiện và an toàn nguồn lực. Nguồn lực tài nguyên du lịch, bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, không bị khai thác quá mức đến cạn kiệt hoặc phải đối mặt với nguy cơ suy giảm, xuống cấp để phục vụ mục tiêu tăng trưởng và thu lợi ích ngắn hạn. Việc khai thác nguồn khách du lịch cũng không bị áp lực phải tối đa hóa để phục vụ mục tiêu lợi nhuận mà có sự kiểm soát để tránh vượt quá sức tải của tài nguyên, môi trường và đảm bảo chất lượng phục vụ.

Hai là, phương thức phát triển hướng đến sự cân đối, hài hòa giữa các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, giữa mục tiêu, lợi ích ngắn hạn và dài hạn trong quá trình phát triển. Nếu như phát triển du lịch không bền vững chỉ chú trọng mục tiêu kinh tế, tối đa hóa lợi nhuận, thì trong phát triển du lịch bền vững, có sự cân đối các nội dung và mục tiêu phát triển, trong đó các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường đều là những trụ cột quan trọng của phát triển bền vững. Phát triển du lịch bền vững cũng bao hàm sự cân nhắc kỹ lưỡng, hợp lý giữa mục tiêu, lợi ích ngắn hạn và dài hạn để có phương án phân bổ nguồn lực và các giải pháp phù hợp trong tổ chức thực hiện, hướng đến đạt được các mục tiêu này.

Ba là, trong phát triển du lịch bền vững, bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường vừa là cơ sở, giải pháp, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Tài nguyên, môi trường du lịch là nguồn lực đầu vào, là điều kiện cần thiết cho mọi phương thức phát triển du lịch, trong đó có phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, trong khi du lịch không bền vững chỉ coi tài nguyên, môi trường du lịch là yếu tố đầu vào cần phải tận dụng, khai thác triệt để và sẵn sàng đánh đổi việc bảo vệ tài nguyên để hướng đến tối đa hóa lợi ích kinh tế, thì phát triển du lịch bền vững đặt ra yêu cầu bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, phát triển các loại tài nguyên có khả năng tái sinh, bảo vệ môi trường trong suốt quá trình phát triển.

Bốn là, phát triển du lịch bền vững đặt ra yêu cầu trách nhiệm cao và sự công bằng về lợi ích đối với các chủ thể tham gia hoạt động du lịch. Các chủ thể chính tham gia hoạt động du lịch bao gồm cơ sở kinh doanh du lịch, khách du lịch, cộng đồng bản địa nơi có hoạt động du lịch và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Yêu cầu về trách nhiệm đối với mỗi chủ thể bao gồm cả trách nhiệm về kinh tế, xã hội và môi trường, vị trí riêng và thông qua hoạt động tham gia, bằng hành vi cụ thể của mình, đều có những đóng góp, tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch.

Năm là, phát triển du lịch bền vững dựa trên các nguyên tắc phù hợp, được quán triệt xuyên suốt và tuân thủ nghiêm túc trong quá trình phát triển. Đây cũng là một đặc trưng riêng có để đạt được và duy trì sự phát triển du lịch bền vững. Trong khi phát triển du lịch không bền vững không trên cơ sở hoặc thường xuyên phá vỡ các nguyên tắc phát triển, thì phát triển du lịch bền vững luôn tuân thủ nghiêm túc

và đầy đủ các nguyên tắc - vốn cũng đã được xác định để định hướng và đảm bảo sự phát triển bền vững.

1.3.3. Mục tiêu và nguyên tắc phát triển du lịch bền vững

1.3.3.1. Mục tiêu phát triển du lịch bền vững

Theo Inskeep (1995), mục tiêu của Du lịch bền vững là: - Phát triển, gia tăng sự đóng góp của du lịch vào kinh tế và môi trường; - Cải thiện tính công bằng xã hội trong phát triển; - Cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng bản địa; - Đáp ứng cao độ nhu cầu của du khách; - Duy trì chất lượng môi trường. Như vậy, với những quan điểm trên đây thì có thể coi phát triển du lịch bền vững là một nhánh của phát triển bền vững nói chung đã được Hội nghị của Ủy ban Thế giới về Phát triển và Môi trường xác định năm 1987. Phát triển du lịch bền vững là hoạt động phát triển du lịch ở một khu vực cụ thể sao cho nội dung, hình thức và quy mô là thích hợp và bền vững theo thời gian, không làm suy thoái môi trường, không làm ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ các hoạt động phát triển khác. Ngược lại tính bền vững của hoạt động phát triển du lịch được xây dựng trên nền tảng sự thành công trong phát triển của các ngành khác, sự phát triển bền vững chung của toàn xã hội [20, tr243].

1.3.3.2. Nguyên tắc phát triển du lịch bền vững

Năm 1998 Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), đã đề ra 10 nguyên tắc để phát triển bền vững. 10 nguyên tắc này cũng được áp dụng trong vấn đề phát triển du lịch bền vững (Nguyễn Đình Hòe, 2001) [5, tr38-54].

Thứ nhất, sử dụng tài nguyên du lịch một cách bền vững. Tài nguyên du lịch gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.

Thứ hai, giảm tiêu thụ quá mức và xả thải. Các nguồn lực tài nguyên, các nguồn nguyên, nhiên liệu, chất đốt đều có giới hạn. Sự tiêu thụ quá mức tại một địa điểm sẽ dẫn đến vấn đề quá tải về môi trường, ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước đồng thời làm cạn kiệt nguồn tài nguyên vốn có. Hạn chế xả thải ra môi trường cũng là biện pháp ngăn chặn suy thoái và ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, duy trì tính đa dạng. Sự đang dạng không chỉ thể hiện trong đa dạng sinh học mà còn thể hiện qua các vấn đề văn hóa, xã hội. Tính đa dạng tạo nên sức

hút đối với du khách đồng thời là sức bật cho ngành du lịch của địa phương, tạo nên sự khác biệt, nổi bật so với những điểm đến khác. Bên cạnh đó, việc duy trì tính đa dạng phải đi đôi cùng với việc bảo tồn và gìn giữ môi trường, các yếu tố văn hóa xã hội đặc trưng của điểm đến để không bị mờ nhạt trong thời buổi các quốc gia, khu vực đều tham gia hội nhập.

Thứ tư, lồng ghép du lịch vào trong quy hoạch phát triển địa phương và quốc gia. Trong khi du lịch đang là một ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại nguồn lợi lớn tì việc quy hoạch và định hướng phát triển là không thể thiếu. Việc quy hoạch phát triển sẽ đem lại cái nhìn xa và rộng hơn cho việc phát triển, đảm bảo phát triển lâu dài, và quá trình phát triển cho các thế hệ mai sau. Điều đó, đồng nghĩa với việc đảm bảo phát triển bền vững cho cả kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ năm, hỗ trợ kinh tế địa phương. Muốn đảm bảo hài hòa các nhu cầu và quyền lợi giữa các chủ thể thì không thể không nhắc đến vấn đề kinh tế địa phương. Lồng ghép phát triển kinh tế du lịch vào phát triển kinh tế địa phương là một giải pháp tối ưu cho việc hỗ trợ kinh tế địa phương phát triển.

Thứ sáu, thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương. Cộng đồng địa phương là một phần của bộ mặt điểm đến du lịch, đóng vai trò không nhỏ trong ấn tượng của du khách về hình ảnh điểm đến. Sự tham gia của cộng đồng không chỉ thúc đẩy du lịch phát triển mà còn hỗ trợ cuộc sống của người dân địa phương.

Thứ bảy, sự tư vấn của các nhóm quyền lợi và cộng đồng. Sự hợp tác lâu dài phải dựa trên sự bình đẳng giữa các chủ thể: người làm du lịch và người dân địa phương.

Thứ tám, công tác đào tạo. Nhân lực luôn là vấn đề mà các nhà quản lý du lịch cần quan tâm. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc kinh doanh và phát triển du lịch. Vì thế mà công tác đào tạo phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Thứ chín, quảng bá du lịch có trách nhiệm. Thông tin đưa ra trong các bài quảng cáo, báo, đài tạp chí đều phải đúng với thực tế của điểm đến, tránh tình trạng gây thất vọng với du khách.

Thứ mười, thực hiện các công tác nghiên cứu. Để phát triển du lịch lâu dài và bền vững, trước tiên phải thực hiện công tác nghiên cứu, đánh giá điểm mạnh, điểm

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/11/2023