Nghiên cứu phát triển du lịch bền vững tại Đảo Yến, Khánh Hoà - 2

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp và sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, tăng cường hiểu biết và nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Bên cạnh sự phát triển rất nhanh của “ngành công nghiệp không khói” thì ngành du lịch cũng có những tác động tiêu cực đến môi trường tại các khu du lịch, các tệ nạn xã hội liên quan đến du lịch ngày càng gia tăng. Điều đó đã trở thành mối lo ngại lớn của các nhà chức trách, của mọi người dân trên thế giới, thúc dục những người làm du lịch phải tìm hướng đi mới cho mình đó là phát triển du lịch một cách bền vững.

Việt Nam là một đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với hệ thống cảnh quan thiên nhiên độc đáo, nhiều bãi biển đẹp, hang động kỳ bí, cùng với nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và lễ hội đặc sắc mang nhiều giá trị lịch sử văn hoá, tâm linh của dân tộc. Cùng với nguồn tiềm năng phong phú, trong những năm gần đây Việt Nam đã có nhiều chính sách, giải pháp thích hợp nhằm phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Đặc biệt, hiện nay, du lịch biển đảo đã tạo được sự thu hút mạnh mẽ với du khách và là loại hình du lịch đang được nước ta quan tâm, chú trọng, ưu tiên phát triển. Thúc đẩy du lịch biển đảo phát triển được coi là hướng đột phá trong những năm tới của Việt Nam. Trong“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 - tầm nhìn 2030” của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ thúc đẩy du lịch biển đảo phát triển được coi là hướng đột phá trong mười năm tới của Việt Nam [14, tr4].

Như một món quà mà tạo hoá đã ban tặng cho con người, với các đảo và quần thể đảo lớn nhỏ ở vịnh Nha Trang, Đảo Yến đã trở thành một trong những hòn đảo đẹp nhất ở Việt Nam và được nhiều du khách yêu thích. Đảo Yến mang vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ vĩ với những bãi biển độc đáo, những vách đá cheo leo, hiểm trở, nơi làm tổ của chim yến, cũng như mang đậm giá trị văn hoá lịch sử, gắn liền với sự

hình thành và phát triển của ngành nuôi yến, cách sản xuất đặc sản yến sào nổi tiếng và có giá trị của Khánh Hoà. Tất cả những điều đó đã mang lại nhiều giá trị và tiềm năng du lịch, là một điểm đến hấp dẫn, mang lại những cảm giác thú vị, độc đáo cho du khách. Do đó, đảo Yến đã được nhiều công ty du lịch quan tâm, đặc biệt công ty Sanest Tourist, Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa đã đưa vào khai thác tour du lịch Đảo Yến, giúp du khách có thể khám phá vẻ đẹp biển đảo của xứ trầm hương, vừa được tận mắt và thưởng thức những sản vật từ những tổ yến cheo leo trên vách đá. Chính những vẻ đẹp mà thiên nhiên ưu đãi đã thu hút một lượng du khách trong và ngoài nước hàng năm tới Đảo yến ngày một tăng. Trong giai đoạn 2014-2018, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân của Đảo Yến là 38,2%/năm và doanh thu du lịch tăng trưởng bình quân ở mức 32,91%/năm. Riêng năm 2018, tổng số lượt khách đến với Đảo Yến là 8.287 lượt và doanh thu du lịch đạt 8,13 tỷ đồng [13, tr1-4].

Tuy vậy, việc phát triển du lịch tại Đảo Yến trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập như: Chưa khái thác hết tiềm năng du lịch trên đảo; vấn đề bảo vệ môi trường du lịch còn hạn chế; cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch tại đây chưa nhiều; ...Chính vì vậy, để bảo tồn và phát huy các giá trị mà thiên nhiên ban tặng cho Đảo Yến như là một báu vật của tật hóa, phát triển du lịch Đảo Yến xứng tầm với tiềm năng sẵn có, trong thời gian tới chính quyền và nhân dân Đảo Yến nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung rất cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để thực hiện phát triển bền vững du lịch của vùng đất giàu tiềm năng này. Xuất phát từ lý do trên đây, tác giả đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu phát triển du lịch bền vững tại Đảo Yến, Khánh Hoà” làm luận văn thạc sĩ của mình.

2. Mục đích của đề tài

Mục đích của đề tài là đánh giá thực trạng phát triển du lịch tại Đảo Yến trong thời gian qua, đồng thời định hướng du lịch tại Đảo Yến phát triển lâu dài, bền vững về kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường.

3. Nhiệm vụ của đề tài

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

Để đạt được mục đích trên, đề tài đặt ra những nhiệm vụ sau:

- Hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về phát triển du lịch bền vững.

Nghiên cứu phát triển du lịch bền vững tại Đảo Yến, Khánh Hoà - 2

- Phân tích thực trạng phát triển du lịch tại Đảo Yến, Khánh Hòa trong giai đoạn 2014-2018, tìm ra những mặt hạn chế và nguyên nhân.

- Đề xuất các giải pháp nhằm định hướng du lịch Đảo Yến phát triển lâu dài, bền vững về kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường.

4. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài chỉ tập trung nghiên cứu, đánh giá về tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, thực trạng phát triển du lịch của Đảo Yến, Khánh Hòa. Trên cơ sở đó sẽ phân tích tiềm năng và đánh giá thực trạng phát triển du lịch của Đảo Yến. Đề xuất định hướng và giải pháp phát triển du lịch cho Đảo Yến trong tương lai để đảm báo phát triển bền vững.

5. Phạm vi nghiên cứu

- Không gian nghiên cứu: Đề tài luận văn chủ yếu tập trung nghiên cứu trên địa bàn tại Đảo Yến, Khánh Hòa.

- Thời gian nghiên cứu: Số liệu nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018.

Triển khai tiến hành công tác khảo sát điều tra nghiên cứu thực địa từ tháng 3/2019 đến tháng 5/2019

6. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau đã được sử dụng:

- Phương pháp thống kê, so sánh, tổng hợp số liệu từ hoạt động du lịch của Đảo Yến trong thời gian vừa qua thông qua số liệu, báo cáo của các sở, ban ngành có liên quan. Thông qua số liệu này, tác giả có thể khái quát về các vấn đề và có cái nhìn tổng quát hơn về nội dung nghiên cứu.

- Phương pháp chuyên gia: Phương pháp này tác giả dùng để thảo luận nhóm với các chuyên gia để hoàn chỉnh bảng câu hỏi thiết kế để sử dụng bảng hỏi này tiến hành khảo sát, phỏng vấn khách du lịch, dân cư địa phương và các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn Đảo Yến. Dựa vào những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững được tổng hợp từ các công trình nghiên cứu trước làm cơ sở để tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Tác giả đã tham vấn các chuyên gia có nhiều kinh

nghiệm trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, bao gồm:

+ 1 cán bộ lãnh đạo Sở du lịch tỉnh Khánh Hòa

+ 1 lãnh đạo sở Giao thông vận tải, thành viên Ban chỉ đạo phát triển du lịch Khánh Hòa.

+ 3 lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch liên quan đến du lịch Đảo Yến.

Danh sách các chuyên gia được thể hiện tại phụ lục 01 của luận văn.

Ngoài ra, thông qua thảo luận nhóm giúp tác giả có nhiều cơ sở hơn trong việc xử lý các nội dung liên quan đến vấn đề phát triển du lịch bền vững.

Thời gian tham vấn ý kiến chuyên gia là tháng 12 năm 2018.

- Phương pháp điều tra xã hội học: Sử dụng bảng hỏi để tiến hành khảo sát, điều tra khách du lịch, dân cư địa phương và các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn Đảo Yến.

+ Về xây dựng bảng câu hỏi khảo sát:

Bảng câu hỏi khảo sát được xây dựng trên cơ sở lý luận về nội dung và các tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững, dựa trên kinh nghiệm của những nguyên cứu trước đó, tham vấn ý kiến của các chuyên gia và ý kiến của giáo viên hướng dẫn khoa học. Phiếu khảo sát được kết cấu thành 3 phần cơ bản:

Phần 1: Những thông tin cơ bản của đối tượng được khảo sát

Phần 2: Ý kiến đánh giá về công tác phát triển du lịch bền vững tại Đảo Yến Phần 3: Những ý kiến đóng góp để phát triển du lịch bền vững tại Đảo Yến

trong thời gian tới

Nội dung cụ thể của phiếu khảo sát được trình bày tại phụ lục 02 của luận văn.

+ Về số lượng mẫu và thời gian khảo sát:

Trên cơ sở số liệu báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa về số lượng các cơ sở kinh doanh du lịch và khách du lịch đến với Đảo Yến, tác giả lấy mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên với số lượng mẫu cụ thể như sau:

Cơ sở kinh doanh du lịch: 50 cơ sở Khách du lịch: 100 khách du lịch

Thời gian tiến hành khảo sát từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2019. Tác giả là người trực tiếp đi khảo sát và phiếu khảo sát sẽ được phát tận tay các đối tượng. Chính vì vậy tỷ lệ phiếu thu về là tuyệt đối với 50 phiếu từ cơ sở kinh doanh du lịch và 100 phiếu từ khách du lịch.

Sau khi thu phiếu khảo sát, tác giả sử dụng phần mềm Microsolf Excel 2010 để nhập, phân tích và tổng hợp số liệu.

7. Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, phần nội dung chính của luận văn bao gồm 3 chương.

Chương 1: Cơ sở lí luận về phát triển du lịch bền vững

Chương 2: Thực trạng phát triển du lịch bền vững tại Đảo Yến, Khánh Hòa

Chương 3: Các giải pháp nhằm phát triển du lịch bền vững tại Đảo Yến, Khánh Hòa

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG

1.1. Một số khái niệm có liên quan tới vấn đề nghiên cứu

1.1.1. Khái niệm du lịch

Năm 1963, với mục đích quốc tế hoá, tại hội nghị Liên Hợp Quốc về du lịch họp tai Roma, các chuyên gia đã đưa ra định nghĩa về du lịch như sau: “Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của các cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hoà bình. Nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ. Định nghĩa này là cơ sở cho định nghĩa du khách đã được Liên minh quốc tế các tổ chức du lịch chính thức, tiền thân của Tổ chức du lịch thế giới thông qua.” [5, tr12]

Tổ chức Du lịch thế giới WTO định nghĩa: “Du lịch là một hoạt động di chuyển vì mục đích giải trí, tiêu khiển và tổ chức các dịch vụ xung quanh hoạt động này. Người đi du lịch là người đi ra khỏi nơi mình cư trú một quãng đường tối thiểu là 80 km trong khoảng thời gian hơn 24 giờ với mục đích giải trí tiêu khiển”. [5, tr12]

Theo Luật du lịch năm 2005 của Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định. [10, tr8]

Khái niệm này được bổ sung sửa đổi trong Luật Du lịch Việt Nam năm 2017 như sau: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”. [11, tr9]

Từ các định nghĩa trên cho ta thấy du lịch là một hoạt động liên quan đến một cá nhân, một nhóm hay một tổ chức đi ra khỏi nơi cư trú thường xuyên của họ bằng các cuộc hành trình ngắn ngày hoặc dài ngày ở một nơi khác với mục đích chủ yếu không phải là kiếm lời. Quá trình đi du lịch của họ được gắn với các hoạt động kinh tế, các mối quan hệ, hiện tượng ở nơi họ đến.

1.1.2. Khái niệm phát triển bền vững

Vấn đề phát triển bền vững được Ngân hàng thế giới (WB) đề cập lần đầu tiên vào năm 1987 như sau"...Sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm nguy hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai". Quan điểm này chủ yếu nhấn mạnh đến khía cạnh sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm môi trường sống của con người trong quá trình phát triển của con người, nhưng chưa đề cập đến vấn đề xã hội (Gôdian và Hecdue, 1988) [5, tr24].

Nội hàm về phát triển bền vững được tái khẳng định ở Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002: "Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên) (Ngô Thắng Lợi, 2000) [6, tr22]. Mối quan hệ này được biểu hiện qua hình vẽ sau:


Bền vững

kinh tế

Phát triển

bền vững

Bền vững

xã hội

Bền vững môi trường

Hình 1.1. Mối quan hệ giữa các yếu tố trong phát triển bền vững

(Nguồn: Ngô Thắng Lợi, 2000) [6, tr22].

Cụ thể như sau:

Bền vững về mặt kinh tế chính là việc phát triển kinh tế nhanh và ổn định trong một thời gian dài. Tăng trưởng nhanh chưa chắc đã có được phát triển bền vững về mặt kinh tế. Vì thế chúng ta phải luôn duy trì một tốc độ tăng trưởng ổn định hợp lý và lâu dài không nên chỉ chú trọng và nhấn mạnh vào tăng trưởng kinh tế nhanh.

Bền vững về mặt môi trường là ở đó con người có cuộc sống chất lượng cao dựa trên nền tảng sinh thái bền vững.

Bền vững về xã hội: Tính bền vững đó phải mang tính nhân văn hay nói một cách khác là phải đem lại phúc lợi và chia sẻ công bằng cho mọi cá nhân trong xã hội. Phát triển phải được gắn liền với một xã hội ổn định, hoà bình, mở rộng và nâng cao năng lực lựa chọn cho mọi người cùng với đó là việc nâng cao sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển.

Quan niệm về phát triển bền vững dần được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội và có tính tất yếu. Tư duy về phát triển bền vững bắt đầu từ việc nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và tiếp đó là nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội. Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc được tổ chức ở Rio de Janeiro đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI, theo đó, phát triển bền vững được xác định là: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”.

Về nguyên tắc, phát triển bền vững là quá trình vận hành đồng thời ba bình diện phát triển: kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hoá đa dạng và môi trường được trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững. Do vậy, hệ thống hoàn chỉnh các nguyên tắc đạo đức cho phát triển bền vững bao gồm các nguyên tắc phát triển bền vững trong cả “ba thế chân kiềng” kinh tế, xã hội, môi trường.

Cho tới nay, quan niệm về phát triển bền vững trên bình diện quốc tế có được sự thống nhất chung và mục tiêu để thực hiện phát triển bền vững trở thành mục tiêu thiên niên kỷ.

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 09/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí