Doanh thu du lịch tăng là do tác động mạnh bởi lượng du khách đến Khánh Hòa tăng hàng năm, đặc biệt là sự tăng mạnh lượng du khách đến từ Nga, các nước Đông Âu và Trung Quốc từ sau năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, du lịch Khánh Hòa còn quá phụ thuộc vào thị trường khách lớn từ Nga và Trung Quốc. Vì vậy, cần phải có những chiến lược dài hạn để mở rộng các thị trường khách đến từ Tây Âu và châu Mỹ quay trở lại nhằm tăng trưởng doanh thu ổn định góp phần PTBV du lịch Khánh Hòa.
Mặc dù qua số liệu báo cáo cho thấy doanh thu tăng đều ổn định hàng năm, tuy nhiên trên thực tế tại Khánh Hòa rất nhiều hoạt động mà người nước ngoài thuê người Việt Nam và núp bóng kinh doanh từ A đến Z không kiểm soát được do đó ảnh hưởng đến nguồn thu của Tỉnh. Chính vì vậy cần phải có những chính sách cụ thể để quản lý và kiểm tra chặt chẽ chống thất thoát nguồn thu và vi phạm pháp luật. Khi có cơ chế kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, các hoạt động kinh doanh đúng nghĩa, không có dấu hiệu vi phạm gian lận sẽ góp phần gia tăng nguồn thu và tăng đóng góp ngân sách cho tỉnh.
4.2.1.6. Tỷ lệ thu nhập từ du lịch
Căn cứ số liệu thống kê, GRDP toàn tỉnh và tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ du lịch được tính toán bởi bảng sau:
Bảng 4.6: GRDP Khánh Hòa và tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ du lịch giai đoạn 2011-2019
Đvt: tỷ đồng
2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | Tốc độ TTBQ (%) | |
GRDP toàn tỉnh | 35.033 | 39.811 | 44.785 | 51.040 | 54.888 | 61.231 | 68.188 | 74.874 | 86.122 | 11,90 |
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản | 4.888 | 5.554 | 5.693 | 6.151 | 6.505 | 6.990 | 7.175 | 7.186 | 9.286 | 8,35 |
Công nghiệp và xây dựng | 10.285 | 11.687 | 12.711 | 14.219 | 16.045 | 18.062 | 20.182 | 22.758 | 23.371 | 10,80 |
Dịch vụ trong đó Du lịch | 13.720 5.773 | 15.591 6.345 | 17.343 7.228 | 18.978 8.991 | 25.101 10.734 | 28.085 12.995 | 31.950 17.000 | 35.454 21.822 | 44.545 27.100 | 15,86 21,32 |
Thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm | 6.141 | 6.978 | 9.038 | 11.692 | 7.238 | 8.094 | 8.880 | 9.476 | 8.921 | 4,78 |
Tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ du lịch (%) | 16,48 | 15,94 | 16,14 | 17,62 | 19,56 | 21,22 | 24,93 | 29,14 | 31,47 |
Có thể bạn quan tâm!
- Chỉ Tiêu Đánh Giá Thực Trạng Phát Triển Bền Vững Du Lịch Khánh Hòa
- Đặc Điểm Của Du Lịch Khánh Hòa Ảnh Hưởng Đến Sự Phát Triển Bền Vững Du Lịch
- Số Ngày Lưu Trú Bình Quân Của Du Khách Giai Đoạn 2011 - 2019
- Phân Tích Hệ Số Cronbach Alpha Cho Các Thang Đo Trong Nghiên Cứu
- Tính Bền Vững Trong Phát Triển Du Lịch Dưới Góc Độ Kinh Tế
- Đánh Giá Tính Bền Vững Phát Triển Du Lịch Khánh Hòa Bằng Phương Pháp Chuyên Gia Dưới Góc Độ Xã Hội
Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.
Nguồn: Cục thống kê tỉnh Khánh Hòa, Sở du lịch tỉnh Khánh Hòa và tính toán của tác giả
89
Biểu đồ 4.6: GRDP toàn tỉnh và tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ du lịch
Từ bảng số liệu và đồ thị biểu thị GRDP Khánh Hòa và tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ du lịch giai đoạn 2011-2019 cho thấy GRDP Khánh Hòa và tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ du lịch qua các năm đều có xu hướng tăng. GRDP Khánh Hòa có tốc độ tăng bình quan là 11,9% trong khi đó thu nhập từ dịch vụ du lịch có tốc độ tăng bình quân là 21,32% nhanh hơn tốc độ tăng của GRDP. Điều này cho thấy tầm quan trọng của ngành du lịch Khánh Hòa đối với địa phương, không những tạo nguồn thu cho tỉnh mà còn giải quyết việc làm cho cộng đồng địa phương.
Tốc độ tăng trưởng bình quân thu nhập từ dịch vụ du lịch giai đoạn 2011- 2019 là 21,32%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư cho du lịch là 14,31%. Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư cho hoạt động du lịch tăng qua các năm góp phần đẩy mạnh hoạt động du lịch phát triển và đã có hiệu quả rò rệt, cụ thể là tốc độ tăng trưởng của thu nhập từ dịch vụ du lịch tăng cao hơn các lĩnh vực khác (Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 8,35%, công nghiệp và xây dựng 10,%8). Mặt khác, tỷ lệ thu nhập từ du lịch trong tổng GRDP toàn tỉnh cũng tăng đều và ổn định qua các năm (từ 16,48% năm 2011 đến 31,47% năm 2019), điều này thể hiện sự đóng góp bền vững của ngành du lịch đối với tỉnh Khánh Hòa.
Trước thực trạng hiện có, cần phải tăng cường và phát huy hiệu quả các lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng du lịch biển để duy trì ổn định và nâng cao hơn nữa thu nhập từ hoạt động du lịch tạo điều kiện thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển, tăng sự đóng góp ngân sách và giải quyết ngày càng tốt hơn việc làm cho xã hội.
4.2.1.7. Cơ sở hạ tầng du lịch
Về cơ sở lưu trú: Năm 2019 với tổng số cơ sở lưu trú du lịch là 1.082 cơ sở gồm 49.592 phòng, trong đó có 88 cơ sở từ 3-5 sao, so với năm 2011 trên địa bàn tỉnh chỉ có 503 cơ sở lưu trú, với 12.048 phòng, qua đó cho thấy với một thời gian không dài nhưng số lượng cơ sở lưu trú đã được đầu tư tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng các cơ sở lưu trú được đầu tư nâng cấp chưa đồng bộ, một số cơ sở đầu tư thiếu quy hoạch tổng thể. Mặt khác, lượng phòng lưu trú tăng lên quá nhanh đã tạo ra những sức ép nhất định về cạnh tranh giả cả, chất lượng, khả năng đáp ứng công suất phòng. Điều này đã ảnh hưởng phần nào đến tính bền vững trong phát triển du lịch dưới góc độ kinh tế.
Về dịch vụ lữ hành: trên địa bàn tỉnh năm 2019 hiện có 138 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó 118 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 20 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Số lượng hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên địa bàn tỉnh hiện nay là 1.474 người, trong đó 446 hướng dẫn viên được cấp thẻ nội địa, 1.028 hướng dẫn viên được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế (Anh: 257, Nga: 78, Pháp: 14, Đức: 05, Trung Quốc: 622, Nhật: 05, Thái: 01, Hàn: 01, song ngữ: 45). Hầu hết doanh nghiệp lữ hành là đại lý/chi nhánh của các công ty ở Sài Gòn hoặc Hà Nội. Vì vậy, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh chủ yếu là thuê lại, thiếu tính ổn định, gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh lâu dài.
Về dịch vụ vận chuyển phục vụ du lịch: doanh nghiệp không ngừng đầu tư mới phương tiện, đặc biệt là xe giường nằm và ghế ngồi đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của du khách. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 330 xe từ 16 chỗ trở lên hoạt động theo tuyến cố định đáp ứng trên 8.300 ghế, hơn 650 xe vận chuyển khách theo hợp đồng đáp ứng trên 14.000 ghế, 77 xe bus chạy các tuyến nội thị Nha Trang,
cùng với xe bus liên huyện, có thể phục vụ trên 3.700 khách mỗi lượt trên các tuyến, hơn 1.100 xe taxi (85% hoạt động tại thành phố Nha Trang), với 643 phương tiện tàu thủy nội địa chủ yếu phục vụ khách du lịch tham quan trên vịnh Nha Trang và một số điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao hơn, một số doanh nghiệp triển khai đầu tư phương tiện thủy nội địa chất lượng cao để vận chuyển khách du lịch tham quan vịnh Nha Trang, sản phẩm mới này góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Khánh Hòa. Tuy nhiên, chất lượng hệ thống vận chuyển phục vụ du lịch đặc biệt là phương tiện vận chuyển đường thủy chưa thực sự đồng bộ và đảm bảo. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến sự an toàn và thuận tiện của du khách khi tham quan vịnh Nha Trang và các điểm du lịch biển trong thời gian tới.
Về dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, nhà hàng:
Các khu vui chơi giải trí lớn không ngừng đầu tư nâng cấp các sản phẩm mới phục vụ du khách, như Khu vui chơi giải trí Vinpearl Land đã đưa biểu diễn cá heo vào phục vụ du khách, Khu du lịch Hòn Tằm đã đưa vào phục vụ dịch vụ đi bộ dưới đáy biển, tour trọn gói và thưởng thức dịch vụ, buffet trên đảo, Khu du lịch sinh thái Đảo Yến Đông Tằm đưa vào khai thác nhà hàng và Tour đảo Yến Đông Tằm, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng I-resort Nha Trang đã đưa Công viên nước khoáng I- resort vào hoạt động từ ngày 01-01-2016. Các dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao trên biển, gồm dù lượn, du lịch bằng thuyền buồm, xem sinh vật biển bằng tàu đáy kính, du lịch lặn biển.
Ngoài các chương trình đã được tổ chức tại các điểm ca nhạc, câu lạc bộ, các sân khấu nhỏ, chương trình nghệ thuật đường phố biểu diễn vào các đêm thứ bảy, chủ nhật hằng tuần để phục vụ khách du lịch, kể từ năm 2014 một số chương trình nghệ thuật tuồng, dân ca, múa rối nước, nhạc cụ dân tộc cũng đã được tổ chức tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Trung tâm văn hóa tỉnh để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá tinh thần của cộng đồng người dân và kết hợp phục vụ khách du lịch.
Các khu mua sắm lớn đáp ứng nhu cầu mua sắm cao cấp của khách du lịch trong và ngoài nước được hình thành như siêu thị BigC, Vinmart, CoopMart, Nha Trang Center, Vincom và nhiều cửa hàng trên các tuyến đường của thành phố Nha Trang.
Về tình hình thực hiện đầu tư dự án du lịch:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 210 dự án đầu tư về du lịch (trong đó có 40 dự án đã đưa vào hoạt động và 170 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư) với tổng vốn đầu tư khoảng 1.208.820 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án về vui chơi giải trí, với tổng vốn đầu tư 1.097 tỷ đồng. Khoảng 143 dự án đầu tư về cơ sở lưu trú du lịch, nghỉ dưỡng, căn hộ kết hợp Trung tâm thương mại - dịch vụ, với 1.176.721 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, với cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư của tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án về du lịch còn thiếu cân đối, có quá nhiều dự án đầu tư về dịch vụ lưu trú nhưng lại thiếu các khu mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí về đêm. Đây chính là nguyên nhân làm hạn chế khả năng chi tiêu của khách du lịch khi đến Nha Trang - Khánh Hòa.
Có thể nói rằng đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ mới tập trung đầu tư cơ sở lưu trú là chủ yếu, chưa chú trọng nhiều đến việc đầu tư đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch do đó ảnh hưởng nhiều đến việc kéo dài thời gian lưu trú của khách và kích thích sự gia tăng chi tiêu của khách du lịch.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú tại các khu vực trung tâm đã đáp ứng được nhu cầu hiện tại của du khách. Tuy nhiên việc quá chú trọng vào tiêu chí về số phòng lưu trú, căn hộ du lịch mà chưa đảm bảo hạ tầng kèm theo như mật độ xây dựng, giao thông, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý chất thải, nước thải về lâu dài sẽ gây ra các vấn đề như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương và du khách.
Trong khi đó thiếu sự đầu tư đúng mức vào các điểm du lịch, liên kết vùng du lịch, các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng kết hợp mua sắm do đó lượng du khách chỉ tập trung ở một số điểm du lịch nổi tiếng và dẫn đến tình trạng quá tải như hiện nay.
4.2.1.8. Tỷ trọng đầu tư cho ngành du lịch
Trong thời gian qua, tỉnh đã có sự đầu tư cho ngành du lịch, mức độ đầu tư tăng đều qua các năm, cụ thể tỷ trọng đầu tư cho ngành du lịch được tính bởi bảng sau:
Bảng 4.7: Tỷ trọng vốn đầu tư cho du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2011-2019
Đvt: Tỷ đồng
2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | Tốc độ TTBQ (%) | |
Tổng vốn đầu tư toàn tỉnh | 18.300 | 19.908 | 21.243 | 23.089 | 28.091 | 31.899 | 36.748 | 41.211 | 46.201 | 12,27 |
Vốn đầu tư cho ngành du lịch | 3.253 | 3.480 | 4.766 | 5.640 | 5.543 | 7.427 | 8.211 | 9.132 | 9.485 | 14,31 |
Tỷ trọng | 17,78 | 17,48 | 22,44 | 24,43 | 19,73 | 23,28 | 22,34 | 22,16 | 20,53 |
Nguồn: Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Khánh Hòa và tính toán của tác giả
Biểu đồ 4.7: Tỷ trọng vốn đầu tư cho du lịch
Thông qua bảng số liệu và đồ thị biểu thị cho thấy tốc độ tăng bình quân vốn đầu tư toàn tỉnh giai đoạn 2011-2019 là 12,27%, trong khi đó tốc độ tăng bình quân vốn đầu tư cho du lịch cao hơn với mức tăng bình quân là 14,31%. Mặc dù lượng vốn đầu tư cho du lịch có xu hướng tăng, tuy nhiên tỷ trọng vốn đầu tư cho du lịch chiếm trong tổng vốn đầu tư của tỉnh giai đoạn 2011-2019 có sự giảm nhẹ năm sau so với năm trước, thiếu ổn định liên tục qua các năm.
Có thể nói, Khánh Hòa là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch nhất cả nước, tuy nhiên việc thu hút vốn đầu tư cho lĩnh vực du lịch chưa được chú trọng nhiều. Qua thống kê cho thấy vốn đầu tư từ ngân sách cho du lịch không nhiều, chủ yếu đầu tư từ khối tư nhân đó là các tập đoàn lớn như Vingroup, Khánh
Việt, Hoàn Cầu. Như vậy để khai thác hết tiềm năng của du lịch Khánh Hòa cần phải có chính sách để thu hút ngày càng nhiều và ổn định các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế vào lĩnh vực du lịch một cách bền vững. Cần phải thu hút và đẩy mạnh hơn nữa không chỉ là nguồn vốn đầu tư cho du lịch từ ngân sách mà phải kêu gọi sự hợp tác hay xã hội hóa từ nguồn vốn đầu tư các doanh nghiệp không chỉ trong nước mà cả nước ngoài bởi du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần tăng trưởng kinh tế cho tỉnh nhà.
Thực tế hiện nay, quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư cho du lịch Khánh Hòa chủ yếu vẫn tập trung lớn vào các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, do đó cần tăng cường đầu tư song song các khu dịch vụ vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch biển đặc trưng đa dạng để tạo sức hấp dẫn cho chính nhà đầu tư và du khách đến với Nha Trang Khánh Hòa ngày càng nhiều và ổn định, tạo động lực thúc đẩy họ quay lại điểm đến và có cơ hội sử dụng các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, gia tăng chi tiêu của du khách góp phần tăng doanh thu cho du lịch, tăng thu ngân sách.
4.2.1.9. Mức độ hài lòng của du khách
Trong hệ thống chỉ tiêu đánh giá tính bền vững du lịch theo góc độ kinh tế, tác giả sử dụng chỉ tiêu Mức độ hài lòng của du khách do đó tác giả vận dụng mô hình Holsat để đo lường sự hài lòng của du khách đối với điểm đến du lịch là một công việc hết sức quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch về góc độ kinh tế, tạo nguồn thu, góp phần gia tăng việc làm cho địa phương, tái tạo môi trường du lịch bền vững.
Đầu tiên tác giả tiến hành đánh giá độ tin cậy các thang đo bằng phân tích hệ số Cronbach alpha. Đây là phương pháp quan trọng nhằm đánh giá xem các thang đo lường cho những khái niệm nghiên cứu đảm bảo độ tin cậy như thế nào. Hệ số Cronbach alpha của các thang đo khái niệm nghiên cứu lớn hơn 0,6 với tương quan biến tổng các thang đo lớn hơn 0,30 là đạt yêu cầu. Luận án tiến hành đánh giá độ tin cậy các thang đo cho 600 quan sát điều tra (bao gồm 300 khách quốc tế và 300 khách trong nước). Kết quả phân tích cho thấy hệ số Cronbach alpha của các thang đo giao động từ 0,691 đến 0,732; hệ số tương quan biến tổng đều lớn hơn 0,3. Các thang đo như vậy sẽ được đưa vào để thực hiện các phân tích tiếp theo.