RMSEA
CHƯƠNG 1
MỞ ĐẦU
1.1 TÍNH CẤP THIẾT CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đi kèm với các vấn đề môi trường và xã hội bức xúc. Vấn đề này đòi hỏi các chủ thể kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng tham gia giải quyết. Ngành ngân hàng luôn được xem là một ngành quan trọng của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt trong xu thế hội nhập và cạnh tranh gay gắt. Các ngân hàng đóng vai trò kết nối các chủ thể của nền kinh tế và tiên phong trong thực thi các xu hướng toàn cầu như trách nhiệm xã hội (TNXH). Với bối cảnh Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, cụ thể như trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á (APEC), Khu vực mậu dịch tự do Asean (AFTA), gia nhập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra nhiều triển vọng mới kèm theo những thách thức không hề nhỏ cho hoạt động tài chính cũng như ngành ngân hàng. Ngành ngân hàng Việt Nam phát triển rất nhanh thời gian qua từ 09 ngân hàng quốc doanh năm 1991, đến năm 2018 đã có 94 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động. Do đó, việc cạnh tranh giữa các ngân hàng là tất yếu. Các hoạt động liên quan đến TNXH, giá trị thương hiệu của ngân hàng cũng diễn ra rất sôi nổi. Các NHTM đang cố gắng khai thác khía cạnh tích cực của các hoạt động TNXH để tối đa hóa lợi ích gắn liền với gia tăng giá trị thương hiệu và hiệu quả tài chính (Saeidi et al., 2015).
Thực hiện TNXH liên quan đến những thành công của doanh nghiệp trong dài hạn (Châu Thị Lệ Duyên và Huỳnh Trường Thọ, 2015). Các NHTM thực hiện các chương trình TNXH hướng tới cộng đồng dân cư và tổ chức các hoạt động tài trợ tương thích với các mục tiêu và thách thức hiện tại, tạo năng lượng để sáng tạo, đo lường kết quả hoạt động và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Chính sách môi trường, xã hội của các ngân hàng đã được chú trọng hơn như Sacombank đã phát triển Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng, chương trình hướng tới cộng đồng (Chia sẻ từ trái tim, Ươm mầm cho những ước mơ, Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã xây dựng chương trình “Gắn xã hội trong kinh doanh”, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) được Tạp chí Asiamoney vinh danh là “Ngân hàng trách nhiệm xã hội tốt nhất Việt Nam” năm 2018, Vietcombank được trao giải thưởng “Ngân hàng vì cộng đồng” năm 2017 do Hiệp hội Ngân hàng
Việt Nam bình chọn. Tuy nhiên, chưa có ngân hàng nào tham gia vào các cam kết như Nguyên tắc Xích đạo, Hiệp ước Toàn cầu... Nguyên tắc Xích đạo là chuẩn mực môi trường – xã hội tự nguyện cho các nhà đầu tư tài chính, được các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank) xây dựng để đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường và xã hội bắt buộc áp dụng với các dự án mà họ đầu tư. Hiêp ước Toàn cầu hỗ trợ các nguyên tắc hoat động của Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc qua đó nhằm cải thiện các điều kiện xã hội và môi trường cho người lao động Việt Nam, cộng đồng và hoạt động của các công ty mà họ làm việc, được tài trợ bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP). Một số nhà quản lý cho rằng TNXH đơn thuần là làm từ thiện trong khi TNXH bao gồm cả các yếu tố bên trong tổ chức, một số nhà quản lý khác cho rằng cản trở việc thực hiện TNXH là do thiếu nhân lực, tài chính cũng như kỹ thuật thực hiện (Nguyễn Đình Tài, 2010). Theo Sprinkle và Maines (2010), bất kỳ tổ chức nào cũng phải quan tâm đến các tác động môi trường và an sinh xã hội. Nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư, tổ chức chính phủ và các bên liên quan khác đều có kỳ vọng rằng các tổ chức trong đó có doanh nghiệp, ngân hàng hoạt động một cách có trách nhiệm. Trong khi nhu cầu xã hội là vậy, các ngân hàng hay doanh nghiệp cũng khó có thể từ bỏ mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của mình (Sprinkle & Maines, 2010). Vì thế việc hài hòa giữa các hoạt động TNXH và hiệu quả tài chính vừa tốt cho xã hội vừa có lợi cho các tổ chức là hoàn toàn chính đáng và cần thiết.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc miền nam Việt Nam, có dân số khoảng 17.669 ngàn người, chiếm 21% dân số toàn quốc trên diện tích 40.816 km2 (12% diện tích cả nước). Trung tâm của vùng là thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh có hoạt động tài chính diễn ra sôi động. ĐBSCL hiện có đầy đủ 31 NHTMCP đang hoạt động với 773 địa điểm có giao dịch ngân hàng. Trong quá trình hoạt động, các ngân hàng luôn đồng hành với các hoạt động từ thiện, chủ động tổ chức các hoạt động xã hội hướng tới cộng đồng, khách hàng, nhân viên... Năm 2018, Vietcombank đã đầu tư 69/170 tỷ đồng cho vùng Tây Nam Bộ nhằm phục vụ cho công tác an sinh xã hội. BIDV tổ chức đào tạo cán bộ nguồn cho khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các chiến lược kinh doanh để phát huy tối đa các lợi ích từ TNXH đang là vấn đề bức xức của các nhà quản lý (Nguyễn Đình Tài, 2010). Hoạt động của các NHTMCP vùng ĐBSCL cho thấy các nhà quản lý đã quan tâm đến TNXH, đồng thời chú trọng đến giá trị thương hiệu và hiệu quả tài chính. Vietinbank khẳng định trong Báo cáo thường niên (BCTN) năm 2018 sẽ tiếp tục thể hiện TNXH, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu. Tuy nhiên, mối
liên hệ giữa chúng vẫn chưa tìm thấy nghiên cứu nào đề cập đến. Theo Fatma et al. (2016a), mỗi ngành cần có một công cụ đo lường nhận thức của các bên liên quan của ngành đó. Thêm vào đó, rất ít bài nghiên cứu về TNXH trong bối cảnh Châu Á (Chapple & Moon, 2005; Fatma et al., 2014). So sánh với các ngành khác, ngành ngân hàng bị ảnh hưởng nhiều từ thương hiệu, danh tiếng và các thông tin bất lợi về danh tiếng sẽ dẫn đến hành động tiêu cực của các bên liên quan (Thompson & Cowton, 2004). Các ngân hàng bán lẻ chi nhiều tiền cho các chương trình TNXH để tăng cường thương hiệu (McDonald & Rundle-Thiele, 2008). Tầm quan trọng của giá trị thương hiệu trong các ngành dịch vụ là trọng yếu do các sản phẩm dịch vụ mang tính chất vô hình nên cần tăng cường lòng tin của các bên liên quan (Pérez et al., 2013).
Trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở Việt nam, để nâng cao giá trị thương hiệu, hiệu quả tài chính thông qua các chương trình TNXH của NHTMCP tại ĐBSCL, các vấn đề đặt ra để giải quyết là đo lường mức độ tác động giữa các chỉ tiêu dưới góc độ nhận thức của đối tượng bên ngoài (khách hàng) và đối tượng bên trong (nhân viên và quản lý). Các nghiên cứu trước đây thường tập trung vào số liệu thứ cấp và nhận thức TNXH còn mơ hồ. Ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế nào (Beck et al., 1999) và tiên phong trong các hoạt động TNXH (Marin et al., 2009; Truscott et al., 2009), trong khi các ngành khác thì thực thi TNXH do áp lực từ các đối tượng hữu quan bên ngoài (Decker, 2004). Ngành ngân hàng ngày càng quan tâm đến TNXH, tuy nhiên, lại rất ít nghiên cứu nhằm đo lường nhiều khía cạnh phù hợp với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Theo kết quả tổng kết lý thuyết, tác giả chưa tìm thấy nghiên cứu nào về tác động của nhận thức TNXH ở năm khía cạnh khác nhau và giá trị thương hiệu ở hai góc độ: giá trị thương hiệu dựa vào khách hàng và giá trị thương hiệu dựa vào nhân viên đến hiệu quả tài chính ngành ngân hàng. Từ những lý do trên, việc nghiên cứu “Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội, giá trị thương hiệu và hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần tại Đồng bằng sông Cửu Long” là một chủ đề mang tính cấp thiết cao.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội, giá trị thương hiệu và hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần tại đồng bằng sông Cửu Long - 1
- Nghiên cứu mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội, giá trị thương hiệu và hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần tại đồng bằng sông Cửu Long - 2
- Tóm Tắt Theo Thời Gian Của Các Định Nghĩa Về Trách Nhiệm Xã Hội Của Doanh Nghiệp
- Giá Trị Thương Hiệu Dựa Vào Khách Hàng
- Mối Quan Hệ Giữa Các Thành Phần Của Giá Trị Thương Hiệu Dựa Vào Nhân Viên.
Xem toàn bộ 237 trang tài liệu này.
Luận án kỳ vọng đóng góp về mặt lý luận cũng như thực tiễn từ việc nghiên cứu TNXH của ngành ngân hàng. Về mặt lý luận, luận án tổng kết, hệ thống hóa các nội dung liên quan đến TNXH, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ để hoàn thiện nội dung này. Thêm vào đó, luận án phát triển thang đo đo lường nhận thức TNXH ngành ngân hàng, giá trị thương hiệu dựa vào khách hàng, giá trị thương hiệu dựa vào nhân viên. Luận án trình bày tổng quan các công trình nghiên cứu thực nghiệm trong và ngoài nước chủ đề TNXH. Từ đó
từng bước hoàn thiện nguồn tài liệu tham khảo cho chủ đề TNXH ngành ngân hàng. Đồng thời thông qua nghiên cứu định tính và định lượng, luận án tìm hiểu thực trạng TNXH tại các NHTMCP, nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho nhà quản trị ngân hàng về mối quan hệ giữa nhận thức TNXH, giá trị thương hiệu và hiệu quả tài chính, từ đó đưa ra các hàm ý quản trị về mặt thực tiễn phù hợp trong bối cảnh ngành ngân hàng.
1.2 MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1.2.1 Mục tiêu chung
Luận án được thực hiện nhằm đánh giá tác động của nhận thức trách nhiệm xã hội và giá trị thương hiệu đến hiệu quả tài chính ở các ngân hàng thương mại cổ phần. Từ đó, luận án đề xuất một số hàm ý quản trị để giúp các nhà quản lý ngân hàng trong quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội nhằm tăng cường giá trị thương hiệu và hiệu quả tài chính.
1.2.2 Mục tiêu cụ thể
Để đạt được mục tiêu chung nêu trên, luận án tập trung thực hiện các mục tiêu cụ thể sau:
(1) Đo lường tác động của nhận thức trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần.
(2) Đo lường tác động của nhận thức trách nhiệm xã hội đến giá trị thương hiệu của các ngân hàng thương mại cổ phần.
(3) Đo lường tác động của nhận thức trách nhiệm xã hội và giá trị thương hiệu đến hiệu quả tài chính ở các ngân hàng thương mại cổ phần.
(4) Đề xuất một số hàm ý quản trị cho các nhà quản lý ngân hàng trong quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội nhằm tăng cường giá trị thương hiệu và hiệu quả tài chính.
1.3 CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
Với các mục tiêu nghiên cứu như trên, luận án được tiến hành nhằm trả lời các câu hỏi sau:
(1) Những khía cạnh nào của nhận thức trách nhiệm xã hội tác động đến hiệu quả tài chính của các NHTMCP?
(2) Những khía cạnh nào của nhận thức trách nhiệm xã hội tác động đến giá trị thương hiệu của các NHTMCP?
(3) Những khía cạnh của nhận thức trách nhiệm xã hội tác động trực tiếp đến hiệu quả tài chính hay gián tiếp thông qua giá trị thương hiệu?
(4) Để nâng cao giá trị thương hiệu và hiệu quả tài chính, các hàm ý quản trị nào cần thiết cho các NHTMCP nhằm xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội hợp lý và hiệu quả hơn?
1.4 PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.4.1 Giới hạn về không gian nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu về không gian là các NHTMCP đang hoạt động tại các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL.
1.4.2 Giới hạn thời gian nghiên cứu
Số liệu thứ cấp được thu thập từ năm 2011-2018. Năm 2010, Quốc hội Khóa 12 thông qua Luật mới về Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam và Luật về các tổ chức tín dụng trong phiên họp thứ 7 tại Hà Nội vào ngày 16/06/2010. Hai bộ luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2011. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước là một cơ quan ngang bộ của Chính Phủ và hoạt động như một ngân hàng trưng ương của Việt Nam. Thêm vào đó, năm 2015 là một dấu mốc quan trọng đối với ngành ngân hàng Việt Nam, bởi lẽ đây là năm cuối cùng thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, luận án sẽ tập trung nghiên cứu các NHTMCP từ năm 2011. Số liệu sơ cấp được thu thập bằng cách phỏng vấn chuyên sâu các chuyên gia làm việc trong ngành ngân hàng và phỏng vấn khách hàng và nhân viên ngân hàng bằng bảng câu hỏi từ tháng 1/2018 đến tháng 8/2018.
1.4.3 Giới hạn về đối tượng nghiên cứu và đối tượng phỏng vấn
Đối tượng nghiên cứu là mối quan hệ giữa TNXH và giá trị thương hiệu đến HQTC của các NHTMCP, trong đó giá trị thương hiệu được đánh giá là giá trị thương hiệu dựa vào khách hàng và giá trị thương hiệu dựa vào nhân viên.
Cụ thể, đối với nghiên cứu định tính: đối tượng phỏng vấn là các cá nhân có kinh nghiệm quản lý và đang giữ các vị trí quản lý khác nhau ở các NHTMCP tại ĐBSCL. Đối với nghiên cứu định lượng: đối tượng phỏng vấn là khách hàng, nhân viên, quản lý hiện đang làm việc ở các bộ phận nghiệp vụ ngân hàng của các NHTMCP tại 13 tỉnh ĐBSCL. Nhân viên ở các bộ phận hành chính như: phòng tổ chức hành chính, bộ phận phục vụ, lễ tân, bảo vệ, không là đối tượng phỏng vấn của luận án.
1.4.4 Giới hạn nội dung nghiên cứu
Nội dung nghiên cứu chính của luận án là ba khái niệm bao gồm: trách nhiệm xã hội tập trung nghiên cứu 05 khía cạnh bao gồm khách hàng, nhân viên, cổ đông, cộng đồng và pháp lý đạo đức theo lý thuyết các bên liên quan. Giá trị thương hiệu dựa vào khách hàng tập trung nghiên cứu hình ảnh thương hiệu, chất lượng cảm nhận và trung thành thương hiệu; giá trị thương hiệu dựa vào nhân viên tập trung nghiên cứu hành vi thương hiệu, sự thỏa mãn của nhân viên, dự định gắn bó của nhân viên và truyền thông tích cực; và hiệu quả tài chính tập trung nghiên cứu tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.
1.5 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu thực hiện kết hợp phương pháp định tính và định lượng. Đối tượng nghiên cứu định tính là cán bộ quản lý NHTMCP. Nghiên cứu định tính thực hiện thông qua phương pháp phân tích nội dung và phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Đối tượng nghiên cứu định lượng là nhân viên đang làm việc và khách hàng đang giao dịch của các NHTMCP. Phương pháp nghiên cứu định lượng thực hiện bằng việc thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu có được thông qua thông tin trả lời câu hỏi khảo sát và số liệu thứ cấp thu thập từ báo cáo tài chính. Tuần tự các bước công việc trong quy trình nghiên cứu của luận án được tổng kết lại như sau:
Xác định vấn đề nghiên cứu thông qua tìm hiểu thực trạng
các NHTMCP, cơ sở lý thuyết
Xây dựng các giả thuyết, mô hình lý thuyết, thiết kế
phiếu khảo sát sơ bộ
Phỏng vấn chuyên gia,
khảo sát sơ bộ
Xây dựng bộ biến đo lường các khái niệm, phiếu
khảo sát chính thức
Điều tra chính thức 356 khách hàng và
344 nhân viên
Phân tích:
+ Độ tin cậy Cronbach’s Alpha
+ Nhân tố khám phá EFA
+ Nhân tố khẳng định CFA
+ Cấu trúc tuyến tính SEM
+ Đa nhóm
+ Tác động trực tiếp – gián tiếp
Thảo luận kết quả và một số hàm ý quản trị,
kết luận, kiến nghị
Hình 1.1 Qui trình nghiên cứu
Nguồn: Tác giả đề xuất
Nghiên cứu định tính bao gồm phỏng vấn chuyên gia và phân tích nội dung các BCTN sau khi tổng kết cơ sở lý thuyết từ các nghiên cứu trước đây. Kết quả nghiên cứu định tính cho tác giả nhiều thông tin xác thực, có giá trị về tình hình thực tế TNXH, thương hiệu và kết quả tài chính để đánh giá hiệu quả tài chính. Kết hợp thực trạng và cơ sở lý thuyết để đề xuất mô hình nghiên cứu và các giả thuyết. Các biến quan sát được xây dựng dựa trên các nghiên cứu trước đây và phần đóng góp chỉnh sửa theo ý kiến của các chuyên gia. Nghiên cứu tiếp tục với phần nghiên cứu định lượng nhằm đánh giá độ tin cậy, giá trị