Cơ Sở Lý Luận Và Mô Hình Nghiên Cứu Kết Quả Hoạt Động Chuỗi Cung Ứng Dịch Vụ Du Lịch Tại Vùng Du Lịch


hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Việt Nam.

Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án: Để giải quyết được mục tiêu nghiên cứu đề ra, luận án cần thực hiện được 3 nhiệm vụ nghiên cứu:

- Nghiên cứu một số vấn đề lý luận cơ bản có liên quan đến kết quả hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch

- Phân tích và đánh giá được thực trạng kết quả chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Việt Nam

- Xác định quan điểm và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị trọng tâm nhằm nâng cao kết quả hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Việt Nam trong thời gian tới.

2.2. Câu hỏi nghiên cứu

Để khỏa lấp một số những khoảng trống nghiên cứu trong các nghiên cứu trước đây, cũng như đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, dựa trên chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, luận án nghiên cứu tập trung vào việc giải quyết 5 câu hỏi nghiên cứu sau đây:

Câu hỏi nghiên cứu 1: Những yếu tố nào phù hợp để đo lường kết quả hoạt động chuỗi cung ứng DVDL?

Câu hỏi nghiên cứu 2: Khung nghiên cứu lý thuyết nào phù hợp để đo lường kết quả hoạt động chuỗi cung ứng DVDL

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 241 trang tài liệu này.

Câu hỏi nghiên cứu số 3: Những yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả hoạt động chuỗi cung ứng DVDL?

Câu hỏi nghiên cứu 4: Chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc có kết quả hoạt động như thế nào?

Nghiên cứu chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc Việt Nam - 3

Câu hỏi nghiên cứu 5: Giải pháp nào nâng cao kết quả hoạt động chuỗi cung ứng vụ du lịch tại vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc trong thời gian tới?

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu luận án

Đối tượng nghiên cứu luận án: Các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến kết quả hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc.

Phạm vi nghiên cứu luận án: Chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch có nhiều đặc điểm đặc thù nhất định. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề về chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch


nói chung khá phức tạp. Trong luận án này, NCS chỉ đi sâu nghiên cứu thành viên tham gia chuỗi cung ứng và kết quả hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch (tập trung vào nhóm các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, các DNLH và ĐLLH – nhóm các doanh nghiệp trực tiếp tạo ra chương trình du lịch trọn gói). Đặc biệt tiến hành đo lường kết quả hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.

Phạm vi về không gian: Luận án giới hạn nghiên cứu đối các doanh nghiệp du lịch của các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Ninh.

- Phạm vi về thời gian: Cơ sở dữ liệu phân tích của luận án chủ yếu trong giai đoạn 2015 – 2019 và đề xuất giải pháp định hướng đến năm 2030.

4. Những đóng góp mới của luận án

Về lý luận

Luận án đã hệ thống hóa, làm rõ thêm những vấn đề lý luận cơ bản và xác lập khung lý luận về kết quả hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.

Luận án đã nhận diện và xây dựng mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố đến kết quả hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Luận án đã đề xuất đưa vào mô hình nghiên tổng thể: cấu hình chuỗi cung ứng, quan hệ chuỗi cung ứng, điều phối chuỗi cung ứng để đo lường ảnh hưởng của 3 yếu tố đến kết quả hoạt động chuỗi cung ứng mà các nghiên cứu trước đây chỉ đo lường đơn lẻ từng biến trong nghiên cứu chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.

Về thực tiễn

Luận án phân tích thực trạng hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch ở Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc trên các phương diện. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến kết quả hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch ở Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc và xác lập được phương trình hồi quy tuyến tính biểu diễn mối quan hệ giữa các biến. Phát hiện mới của luận án là đã chỉ ra rằng 3 biến độc lập (cấu hình chuỗi cung ứng, quan hệ chuỗi cung ứng và điều phối chuỗi cung ứng) có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động chuỗi cung ứng theo hướng thuận chiều.

Luận án đã đánh giá những thành công và hạn chế về kết quả hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc Đồng thời luận án cũng đã phân tích các nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan của những hạn chế đó.


Từ nền tảng cơ sở lý luận, kết quả phân tích nghiên cứu thực tiễn trên, luận án đã đề xuất phương hướng và quan điểm nâng cao kết quả hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; luận án đã đề xuất một số nhóm giải pháp cơ bản và nhóm giải pháp hỗ trợ đối với doanh nghiêp thành viên chuỗi cung ứng. Các giải pháp có sự liên kết đảm bảo tính thống nhất và khả thi. Đồng thời, luận án cũng đề xuất kiến nghị đối với Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Hiệp hội du lịch.

5. Kết cấu luận án

Với mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu nêu trên, nội dung chính của luận án ngoài phần Mở đầu và Kết luận được cấu trúc 5 chương như sau:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu luận án

Chương 2: Cơ sở lý luận và mô hình nghiên cứu kết quả hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng du lịch

Chương 3: Phương pháp nghiên cứu luận án

Chương 4: Phân tích và đánh giá thực trạng hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc

Chương 5: Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao kết quả hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc


CHƯƠNG 1.

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LUẬN ÁN


1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

1.1.1. Các nghiên cứu liên quan đến quản trị chuỗi cung ứng

Cho đến nay, quản trị chuỗi cung ứng được sự quan tâm và bàn luận từ nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Nghiên cứu về khung lý luận phân tích chuỗi cung ứng theo định hướng giá trị các ngành kinh doanh của các quốc gia phát triển như ở nghiên cứu của Jacques

H. Trieneken (2011). Nghiên cứu này đưa ra một khung lý luận nhằm phân tích chuỗi cung ứng của quốc gia đang phát triển được cấu thành từ ba thành tố. Thành tố đầu tiên, việc xác định trở ngại chính đối với nâng cấp chuỗi cung ứng: các hạn chế tiếp cận thị trường, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu nguồn lực và khoảng trống thể chế. Thành tố thứ hai được xác định: gia tăng giá trị, cấu trúc mạng lưới chuỗi cung ứng theo chiều ngang và theo chiều dọc và cơ chế quản lý chuỗi cung ứng. Cuối cùng, tùy chọn nâng cấp được xác định đối với lĩnh vực gia tăng giá trị, bao gồm cả việc tìm kiếm thị trường, cấu trúc mạng lưới chuỗi cung ứng và các hình thức quản lý của chuỗi cung ứng. Một phần của thành tố này là việc nhận dạng các quan hệ đối tác phù hợp nhất để nâng cấp chuỗi cung ứng. Ba thành phần của khung lý luận này được rút ra từ các trường phái lý thuyết chính về mối quan hệ giữa các công ty và từ các nghiên cứu về chuỗi cung ứng của quốc gia phát triển. Để xác định được khung lý luận về chuỗi cung ứng, quản trị chuỗi cung ứng nghiên cứu đã giới hạn điều kiện nghiên cứu thực hiện trong một sự cân bằng của chuỗi cung ứng và nghiên cứu mới chỉ tập trung vào các mối quan hệ thị trường, chưa chú trọng đến môi trường kinh doanh – một nhân tố chính quyết định đến hoạt động của chuỗi cung ứng.

Trong hầu hết các nghiên cứu, các tác giả đưa ra khái niệm chuỗi cung ứng, một số nghiên cứu cho rằng nghiên cứu chuỗi cung ứng cần đề cao việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các thành viên trong chuỗi, kết quả hoạt động chuỗi, sự hài lòng của khách hàng (Beamon, 1998; Christopher, 2016…).

Beamon (1998) đề cập đến đo lường kết quả hoạt động chuỗi theo tiếp cận từ sự tích hợp của 2 quy trình cơ bản của một chuỗi cung ứng: quy trình lập kế hoạch sản xuất, kiểm soát hàng tồn kho; quy trình phân phối và hậu cần. Với cách thức kết hợp cả phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng. Beamon (1998) đã xác định yếu tố đo lường kết quả hoạt động chuỗi cung ứng bao gồm: chi phí, sự thỏa mãn nhu cầu khách hàng, thời gian cung ứng và sự linh hoạt. Bên cạnh đó, tác giả Beamon cũng xác định 7 yếu tố ảnh hưởng đến đo lường hoạt động chuỗi cung ứng bào gồm: lịch trình sản xuất và phân phối, mức đặt hàng và tồn


kho, số lượng giai đoạn cung ứng, địa điểm của khách hàng, mối quan hệ khách hàng

– nhà cung cấp, sự khác biệt hóa sản phẩm và số lượng hàng tồn kho.

Với nghiên cứu của mình, Beamon đã giải quyết được 2 nội dung: đánh giá tập trung về các nghiên cứu mô hình chuỗi cung ứng và xác định một số các nội dung nghiên cứu cho các nghiên cứu trong tương lai về lĩnh vực chuỗi cung ứng. Cụ thể hơn, nghiên cứu này đã xem xét các mô hình và phương pháp nghiên cứu chuỗi cung ứng hiện có và các chủ đề xác định để xem xét nghiên cứu tiếp theo trong tương lai sẽ tạo điều kiện cho nâng cao kiến thức và thực hành trong lĩnh vực thiết kế và phân tích chuỗi cung ứng. Dựa trên cơ sở nghiên cứu hiện có về mô hình chuỗi cung ứng, các đề xuất đã được đưa ra cho hướng nghiên cứu trong tương lai trong bốn lĩnh vực sau: đánh giá và phát triển hoạt động chuỗi cung ứng, phát triển mô hình và các biến đo lường đối với các thang đo kết quả hoạt động chuỗi, xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến mô hình chuỗi cung ứng và phân loại các hệ thống chuỗi cung ứng để cho phép phát triển quy tắc ngón tay cái hoặc các kỹ thuật chung để hỗ trợ thiết kế và phân tích tổng thể chuỗi cung ứng.

Christopher (2011) đã đề cập đến 14 nội dung cơ bản trong cuốn sách của mình. Cuốn sách được tái xuất bản lần thứ tư vào năm 2011. Trong nội dung cuốn sách, tác giả đã đề cập đến nội dung quản lý chuỗi cung ứng liên quan đến sự thay lớn trong mối quan hệ giữa các thành viên trong chuỗi. Điển hình của mối quan hệ truyền thống là mối quan hệ giữa người mua và nhà cung cấp. Trong đó, trọng tâm của quản lý chuỗi cung ứng được tác giả đề cập đến là sự hợp tác và tin tưởng trong chuỗi. Theo quan điểm của mình, tác giả cho rằng, chuỗi cung ứng được quản lý đúng cách có nghĩa là chuỗi cung ứng có “tổng thể toàn chuỗi có thể lớn hơn tổng các phần của nó. 14 chương của cuốn sách đề cập đến các vấn đề: Chiến lược cạnh tranh, chuỗi cung ứng và logistics; Giá trị khách hàng và logistics; Đo lường chi phí logistics và kết quả vận hành chuỗi; Kết nối cung và cầu; Thiết kế chuỗi cung ứng ngược; Chiến lược quản trị thời gian; Đồng bộ chuỗi cung ứng; Sự phức tạp và chuỗi cung ứng; Quản trị kênh phân phối toàn cầu; Quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng; Kỷ nguyên mạng lưới cạnh tranh; Vượt qua rào cản để tích hợp chuỗi cung ứng; Phát triển chuỗi cung ứng bền vững; và Xu hướng của chuỗi cung ứng.

Trong nghiên cứu của mình, Srai và Gregory (2008) đã khám phá tác động của cấu hình đối với mạng lưới cung cấp chuỗi cung ứng. Theo quan điểm của các tác giả: cấu hình có thể cung cấp thông tin chi tiết về khả năng và hiệu suất của các mạng lưới cung cấp. Khỏa lấp được lỗ hổng trong các nghiên cứu trước và là căn cứ cung cấp cơ sở cho phát triển các công cụ để hỗ trợ phân tích và thiết kế.


Những phát hiện chính trong nghiên cứu của tác giả bao gồm: 1) Cấu hình mạng là rất khác nhau giữa các chuỗi cung ứng, trong đó các yếu tố cấu hình mạng cung cấp được xác định (cấu trúc bậc, hình dạng và vị trí: bao gồm các luồng thông tin, nguyên liệu chính; hoạt động của doanh nghiệp tâm điểm và quy trình sản xuất nội bộ của họ; vai trò và mối quan hệ giữa các đối tác mạng; cấu trúc, độ phức tạp và thành phần của sản phẩm); 2) Cấu hình mạng lưới cung cấp yêu cầu lập bản đồ để đánh giá tiềm năng khả năng chuyển giao của các quy trình. Trong đó đánh giá đồng cấp giữa các doanh nghiệp có ý nghĩa; các thời điểm nghiên cứu khác nhau có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá hoạt động phát triển chuỗi cung ứng; 3) Các công cụ lập bản đồ cấu hình mạng trong chuỗi cung ứng được phát triển trên thực tế có thể được áp cho việc đánh giá hoạt động chuỗi cung ứng và hiệu suất chuỗi. Các công cụ được tìm thấy trong nghiên cứu đã cung cấp những hiểu biết mới về cấu trúc của mạng lưới chuỗi cung ứng và cho phép thực hiện so sánh trên các lĩnh vực và mô hình kinh doanh thông qua việc sử dụng các phương pháp và cách trình bày phong phú; 4) Cấu hình mạng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của chuỗi cung ứng, đồng thời ảnh hưởng đến kết quả hoạt động chuỗi cung ứng; 5) Các khái niệm về khả năng tái cấu hình chuỗi cung ứng xuất hiện từ nghiên cứu được xác định qua các “tuyến đường tiềm năng” để chuyển đổi cấu hình mạng lưới; và với các yếu tố cụ thể của cấu hình có tiềm năng tái cấu hình lại khác nhau; 6) Hiệu suất và kết quả hoạt động chuỗi cung ứng không phải lúc nào cũng tương quan với quản trị quy trình chuỗi cung ứng. Trong nhiều trường hợp, các quy trình đơn giản hơn dường như hiệu quả hơn khi hưởng lợi từ sự hợp lý của cấu hình chuỗi cung ứng.

Đinh Văn Sơn (2019) cũng đã tiếp cận khoa học các vấn đề nghiên cứu chuỗi cung ứng. Công trình nghiên cứu đã tổng quan và hệ thống hóa một số nội dung lý luận về xây dựng mô hình nghiên cứu những khái niệm, mô hình lý thuyết về chuỗi cung ứng; phân tích một số mô hình và kinh nghiệm quốc tế. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã tiến hành khảo sát và phân tích thực trạng chuỗi cung ứng nông sản Tây Bắc với số liệu nghiên cứu từ 2013 – 2018, xác định một số vấn đề cơ bản liên quan đến chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu đối với Tây Bắc và đề xuất một số giải pháp chính sách và thực tiễn cho phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu Tây Bắc.

1.1.2. Các nghiên cứu liên quan đến chuỗi cung ứng du lịch và quản trị chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch

Nghiên cứu chuỗi cung ứng DVDL là lĩnh vực khoa học nghiên cứu về du lịch được đề xuất bởi nhiều học giả từ những năm 2000. Đề xuất này được hình thành dựa trên kết quả nghiên cứu lý luận và thực chứng hoạt động chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp du lịch, khách du lịch, chính quyền địa phương, dân cư và chính phủ


của các vùng, lãnh thổ ở các quốc gia trên thế giới. Theo Szpilko (2017), tổng quan về các công trình nghiên cứu theo các giai đoạn như sau:

Giai đoạn đầu tiên, các công trình nghiên cứu trước năm 2008, hầu hết là các bài báo nghiên cứu các khung khái niệm về chuỗi cung ứng ứng DVDL và quản trị chuỗi cung ứng DVDL. Trong giai đoạn này, chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu phần lớn, trong khi, những bài báo nghiên cứu về chuỗi cung ứng DVDL và quản trị chuỗi cung ứng DVDL còn rất ít và hạn chế (Burgess và cộng sự, 2006). Trong giai đoạn này, các nghiên cứu liên quan đến phía cung ứng DVDL của ngành Du lịch phần lớn đã đã bị bỏ quên. Việc nghiên cứu ở giai đoạn này tập trung chủ yếu và các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển sản phẩm (Zang và Murphy, 2009). Việc thiếu quan tâm đến hoạt động và mạng lưới cung cấp không phải là duy nhất đối với các hoạt động nghiên cứu du lịch, mà hầu hết các nghiên cứu của ngành dịch vụ ở giai đoạn này tập trung nhiều về nghiên cứu tiếp thị hơn là cung cấp. Do đó, trong giai đoạn này, nhiều các nghiên cứu đã tập trung cho các nội dung phát triển sản phẩm. Chỉ cải thiện hoạt động phân phối là không đủ để mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia chuỗi và toàn bộ ngành Du lịch. Ngành công nghiệp du lịch cần được phân tích từ một quan điểm, đó là, như một mạng lưới các chuỗi cung ứng du lịch (Zang và Murphy, 2009). Do vậy, cho đến rất gần đây, các nghiên cứu về chuỗi cung ứng DVDL hoặc tương đương của chúng, chẳng hạn như chuỗi giá trị du lịch hoặc chuỗi du lịch xuất hiện với các nhiều các nghiên cứu (Yilmaz và Bititci, 2006).

Giai đoạn thứ hai, từ năm 2008 đến nay, số lượng các bài báo nghiên cứu về quản trị chuỗi cung ứng DVDL đã tăng lên nhanh chóng. Một trong những nghiên cứu nền tảng được thừa nhận và vận dụng rộng rãi đó là nghiên cứu của Tapper và Font (2004). Tiếp theo là các nghiên cứu ứng dụng được phân tích kỹ hơn, sâu hơn về quản trị chuỗi cung ứng DVDL.

Tại Việt Nam, những nghiên cứu về chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch chủ yếu là các bài báo liên quan đến Luận án Tiến sỹ của Trần Thị Huyền Trang (2017): Nghiên cứu mối quan hệ hợp tác giữa các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng du lịch; Bàn về chuỗi cung ứng trong hoạt động du lịch; Các yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa công ty du lịch và các nhà cung cấp; Chuỗi cung ứng du lịch và bài học kinh nghiệm cho ngành du lịch Việt nam; Mối quan hệ hợp tác giữa công ty lữ hành và các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng du lịch của tác giả Trần Thị Huyền Trang. Tác giả Trần Thị Huyền Trang (2017) thực hiện luận án tiến sỹ: Các yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác của công ty lữ hành với các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng du lịch. Đây là một công trình nghiên cứu với tiếp cận nghiên cứu từ


góc độ quản lý về chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, tác giả Trang đã tiến hành đánh giá mối quan hệ hợp tác giữa công ty lữ hành và các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng du lịch. Đây cũng là một trong những tài liệu tham khảo vô cùng hữu ích đối với tác giả luận án, vì thực tế các công trình nghiên cứu về chuỗi cung ứng DVDL tại Việt Nam hiện còn đang hạn chế và chưa thực sự phổ biến.

Sau khi tổng quan các công trình, có thể thấy liên quan đến chuỗi cung ứng DVDL đã có 11 lĩnh vực đã được nghiên cứu sau: quản lý môi trường và khả năng duy trì, phát triển bền vững, tiếp thị, chuỗi cung ứng dịch vụ - tích hợp và điều phối, hậu cần và dịch vụ hậu cần du lịch, du lịch và các cơ quan quản lý, quản lý du lịch, hợp tác đại lý du lịch, các kỳ nghỉ trọn gói, thương mại điện tử và công nghiệp khách sạn, điểm đến du lịch và biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu về chuỗi cung ứng DVDL tiếp cận dưới góc độ cả vi mô và vĩ mô; sử dụng các phương pháp nghiên cứu đa dạng và phong phú (Szpilko, 2017).

Trong đó, một số nghiên cứu trong lĩnh vực chuỗi cung ứng DVDL và quản trị chuỗi cung ứng DVDL.

Mandal và Dubey (2020), nghiên cứu ảnh hưởng của việc áp dụng công nghệ thông tin trong du lịch và định hướng quản lý rủi ro tác động đến kết quả hoạt động chuỗi cung ứng DVDL. Nghiên cứu đã đánh giá ảnh hưởng của công nghệ thông tin và quản trị rủi ro đối với khả năng thích ứng, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng du lịch và ảnh hưởng đến hiệu suất chuỗi cung ứng DVDL bền vững. Nghiên cứu đã tiến hành với 302 mẫu từ các khách sạn và doanh nghiệp lữ hành và được phân tích bằng cách sử dụng mô hình phương trình cấu trúc trong AMOS. Nghiên cứu cũng đánh giá tính bất biến của mô hình đặt ra ở các khách sạn và công ty du lịch. Kết quả của nghiên cứu có một số ý nghĩa đối với các nhà quản lý du lịch. Nghiên cứu đã đưa ra kiến nghị quan trọng với nhà quản lý chuỗi cung ứng DVDL cần tập trung vào việc phát triển cấu trúc cơ sở hạ tầng du lịch để có thể hỗ trợ phát triển khả năng thích nghi và khả năng phục hồi bởi với nghiên cứu của nhóm tác giả, sự phát triển của khả năng thích nghi và khả năng phục hồi là rất quan trọng đối với đảm bảo chuỗi cung ứng DVDL bền vững. Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhóm tác giả cũng cho rằng các khách sạn nên tập trung đào tạo nhân viên về các chiến lược quản trị rủi ro. Còn các doanh nghiệp lữ hành thì phải tăng cường hợp tác với các đối tác của mình để cùng phát triển các chiến lược quản trị rủi ro nhằm đảm bảo kết quả hoạt động chuỗi cung ứng bền vững. Cũng với nghiên cứu của mình, các tác giả còn chỉ ra khả năng thích nghi của chuỗi cung ứng có ảnh hưởng tích cực đến khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Do đó, các nhà quản trị chuỗi cung ứng DVDL cần phải đưa ra khóa học đào tạo cho các nhóm nhân viên của doanh nghiệp để nhận thức được tầm quan trọng

Xem tất cả 241 trang.

Ngày đăng: 30/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí