Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 2


MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của Đề tài nghiên cứu

Kiểm toán đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát hành BCTC có chất lượng cao. Tuy nhiên, vụ phá sản của Tập đoàn Năng lượng Enron, một trong những tập đoàn năng lượng hàng đầu nước Mỹ năm 2001, liên quan đến sự sụp đổ của Hãng Kiểm toán hàng đầu thế giới Arthur Andersen năm 2002, sau khi Hãng này phải chịu mức án phạt nửa triệu USD, đồng thời chấp nhận phá sản do không còn uy tín trên thị trường kiểm toán, đã làm tăng lên sự lo ngại về chất lượng kiểm toán [33]. Tiếp sau sự sụp đổ của Arthur Andersen, hàng loạt các bê bối khác về chất lượng kiểm toán của các công ty kiểm toán độc lập đã được phanh phui liên quan đến việc đưa ra ý kiến không xác đáng về BCTC, như trường hợp phá sản của Tập đoàn Viễn thông Worldcom (do Arthur Andersen kiểm toán) [32] hay của Tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai nước Mỹ Kmart (do PricewaterhouseCoopers kiểm toán) [41]... Gần đây nhất vào tháng 4/2013, Ngân hàng hàng đầu thế giới Deutsche Bank, tiết lộ con số tài sản trị giá 395,5 tỉ Euro, tương đương 19% tổng tài sản trị giá 2,03 nghìn tỉ Euro của Ngân hàng này, đã bị che giấu từ năm 2008 đến nay, nhằm tạo cái nhìn sai lệch của các nhà đầu tư về rủi ro trong bảng cân đối ít hơn so với thực tế [36].

Những sai lệch trong BCTC như vậy có liên quan tới trách nhiệm của các KTV/công ty kiểm toán hay không vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi và chưa có kết luận cuối cùng. Hãng kiểm toán KPMG cũng đang phải đối mặt kiện tụng liên quan tới hai Ngân hàng JP Morgan và Bank of New York trong việc “để cho” nhà tài chính hàng đầu nước Mỹ Bernard Madoff thực hiện các phi vụ lừa đảo [38]. Mới đây vào tháng 6/2013, khối Dịch vụ Tư vấn của Hãng kiểm toán Deloitte đã phải nhận án phạt 10 triệu đôla Mỹ và phải tạm dừng hoạt động một năm do không hoàn thành đúng vai trò tư vấn độc lập đối với Ngân hàng Standard Chartered [35].

Các vụ việc liên tiếp xảy ra như vậy đã khiến lòng tin của các nhà đầu tư vào hoạt động kiểm toán với chức năng xác minh và bày tỏ ý kiến ngày càng giảm dần. Nhiều câu hỏi được đặt ra để tìm hiểu các nhân tố dẫn đến chất lượng kiểm toán đã không được đảm bảo: Nhân tố về tính độc lập, đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên


nghiệp, kinh nghiệm của kiểm toán viên, các nhân tố của công ty kiểm toán hay do các nhân tố tác động nào khác?

Tại Việt Nam, sự kiện của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết (mã chứng khoán BBT) năm 2008 đã trở thành tâm điểm của Thị trường Chứng khoán Việt Nam khi những câu chuyện lãi lỗ trên BCTC năm 2005 (do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C kiểm toán) và năm 2006 (do Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học AISC kiểm toán) gây nhiều tranh cãi. Kết quả là cổ phiếu của Công ty Bông Bạch Tuyết đã bị ngừng giao dịch và sau đó là bị hủy niêm yết vào tháng 8/2009 do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp. Liên quan đến vụ việc gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho gần 1.500 cổ đông của Công ty Bông Bạch Tuyết có phần nhiều thuộc về trách nhiệm của KTV trong việc đảm bảo độ tin cậy về tính trung thực và hợp lý của BCTC của Công ty khách hàng. UBCKNN đã quyết định xử phạt 2 công ty kiểm toán, đồng thời không chấp thuận tư cách 4 kiểm toán viên trong 2 năm do có những sai sót trọng yếu trong quá trình kiểm toán BCTC của Công ty này [39]. Các trường hợp khác liên quan đến độ tin cậy của thông tin trên các BCTC dù đã được kiểm toán như của Công ty Cổ phần Đại lý Liên hiệp Vận chuyển (mã chứng khoán GMD), Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã chứng khoán VCG), Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông (mã chứng khoán DVD)… cũng đã khiến nhiều nhà đầu tư phải gánh chịu những tổn thất kinh tế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Gần đây nhất năm 2012, UBCKNN cũng đã phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 kiểm toán viên thuộc 3 công ty kiểm toán vì có những sai phạm trọng yếu trong kiểm toán BCTC các doanh nghiệp niêm yết [42]. Thông qua các sự kiện này càng làm cho các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước như UBCKNN, Bộ Tài chính… lo ngại nhiều hơn về chất lượng kiểm toán BCTC của các doanh nghiệp niêm yết, cũng như vai trò của các công ty kiểm toán độc lập, nếu các BCTC đã được kiểm toán trở nên không đáng tin cậy.

Trên thị trường chứng khoán, BCTC của các doanh nghiệp niêm yết được quan tâm từ nhiều nhóm đối tượng khác nhau và khá phức tạp, không chỉ là các nhà quản lý doanh nghiệp, mà BCTC còn được quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư, các

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 2


chuyên gia phân tích, tư vấn đầu tư, các cơ quan quản lý. Trong các đối tượng đó, nhóm quan tâm phổ biến và nhạy cảm nhất đối với các BCTC là các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức (quĩ đầu tư, công ty đầu tư và công ty chứng khoán). Khác biệt với các loại hình doanh nghiệp khác như liên doanh, doanh nghiệp được sở hữu bởi số ít cổ đông, công ty TNHH hay doanh nghiệp tư nhân, BCTC chỉ được quan tâm từ một vài thành viên và đối tác.

BCTC là hệ thống báo cáo được lập theo chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành, phản ánh các thông tin kinh tế tài chính tổng hợp về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp. Đồng thời, số liệu trên BCTC nhiều khả năng có thể bị xuyên tạc vì lợi ích của các nhà quản lý doanh nghiệp và những người lập BCTC mà không phải vì mục đích của các nhà đầu tư. KTV và các công ty kiểm toán độc lập, với trách nhiệm xác minh độ tin cậy của các BCTC, sẽ đưa ra ý kiến về BCTC đã được kiểm toán và cho rằng BCTC không còn chứa đựng các sai sót trọng yếu, hoặc nếu có thì chúng đều đã được phát hiện và báo cáo. Khả năng đảm bảo này của KTV thể hiện chất lượng kiểm toán.

Tuy nhiên, chất lượng kiểm toán không dễ dàng đánh giá và nhận biết. Các thước đo kết quả kiểm toán có thể cho biết chất lượng dịch vụ kiểm toán nhưng lại không cho biết nhân tố nào khiến cho chất lượng đạt được như vậy và quan trọng hơn là không cho biết cơ sở để nâng cao chất lượng kiểm toán. Do đó, chỉ có thể hiểu rõ, nắm vững và kiểm soát được các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng mới giúp nhà quản lý, công ty kiểm toán xác định được phương hướng nâng cao chất lượng kiểm toán. Các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán có thể xuất hiện bên trong và bên ngoài, có thể từ phía các doanh nghiệp niêm yết (khách thể kiểm toán) trong việc thực hiện nghĩa vụ thiết lập, trình bày và công bố các BCTC, hay từ chính các KTV và các công ty kiểm toán (chủ thể kiểm toán) trong việc phát hiện và báo cáo các sai phạm trọng yếu trong các BCTC đã được kiểm toán, hay do một nhân tố nào khác. Để có cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam, cần thiết phải xác định được các nhân tố và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố, qua đó xác định nhân tố ảnh hưởng trọng tâm.


Nhiều nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán chủ yếu được thực hiện ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Úc, nơi mà các đối tượng sử dụng BCTC đã nhận thức tốt vai trò của kiểm toán đối với BCTC. Các nghiên cứu có thể đưa đến kết quả đánh giá khác nhau về mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tới chất lượng kiểm toán, tùy vào thời điểm, khu vực (quốc gia) hay đối tượng được điều tra, khảo sát. Tại Việt Nam tính đến nay, theo tìm hiểu của tác giả, chưa có nghiên cứu chính thức nào xác định các nhân tố, cũng như lượng hóa mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tới chất lượng kiểm toán BCTC nói chung và BCTC của doanh nghiệp niêm yết trên TTCK nói riêng, mặc dù vấn đề này đang nhận được quan tâm bởi không chỉ nhà quản lý, những người sử dụng dịch vụ kiểm toán, mà là của chính các kiểm toán viên, công ty kiểm toán.

Do vậy, với những lý do đã chỉ ra, đề tài “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” phản ánh tính cấp thiết, góp phần làm sáng tỏ vấn đề đang được quan tâm, đồng thời là cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp cần tập trung nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam nói riêng, cũng như chất lượng kiểm toán BCTC nói chung của các công ty kiểm toán.

2. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan Tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước

Tính đến nay, các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán là không nhiều, chủ yếu là do các nhà nghiên cứu nước ngoài thực hiện. Theo tìm hiểu của tác giả, trong nước chưa có một nghiên cứu chính thức nào về chủ đề này, mà chỉ được đề cập trong các nghiên cứu về kiểm toán BCTC và các vấn đề có liên quan.

Trong các nghiên cứu từ nước ngoài, với quan điểm chất lượng kiểm toán được hiểu là khả năng KTV phát hiện báo cáo về những sai phạm trọng yếu trong việc trình bày và công bố các BCTC của các khách hàng được kiểm toán (quan điểm của DeAgelo (1981) [80], Palmrose, Z. (1988) [95], Bradshaw (2001)

[78] và đa số các nghiên cứu khoa học về kiểm toán). Theo đó, khi đánh giá về các


nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, kết quả chỉ ra rằng, khả năng các KTV phát hiện được các sai phạm trọng yếu phụ thuộc vào nhiều nhân tố, đặc biệt là năng lực nghề nghiệp của KTV; còn khả năng báo cáo sai phạm phụ thuộc vào tính độc lập của KTV (trong đó có sức ép từ phía khách hàng được kiểm toán…) (Lam and Chang, 1994) [90].

Nhiều nghiên cứu điển hình khác ở nước ngoài về các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán được thực hiện bởi Mock & Samet (1982); Schroeder và cộng sự (1986); Sutton & Lampe (1990); Carcello và cộng sự (1992), Aldhizer và cộng sự (1995); Davis (1995); Behn và cộng sự (1997); Sucher và cộng sự (1998); Behn và cộng sự (1999); Pandit (1999); Chen và cộng sự (2001); Francis, 2004; Augus Duff, (2004); Kym Boon (2007), Kym Boon và cộng sự (2008) [28], [75], [76], [83]… cũng đưa ra các kết luận về các nhân tố riêng rẽ hoặc từng nhóm nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Trong các kết quả nghiên cứu, các nhân tố được xác định có thể mang tính kế thừa và phát triển mới, và mức độ quan trọng của các nhân tố tới chất lượng kiểm toán có thể khác nhau, tùy thuộc vào nhận thức của đối tượng mà nhà nghiên cứu thực hiện điều tra, khảo sát, cũng như địa điểm và bối cảnh thời gian của nghiên cứu.

Quan điểm từ những thập kỷ trước cho rằng, qui mô CTKT quyết định chất lượng kiểm toán. Với quan điểm đó, CTKT lớn thường cung cấp dịch vụ kiểm toán có chất lượng tốt hơn các CTKT nhỏ (Lennox, 1999) [91]; các CTKT có danh tiếng hơn sẽ cung cấp chất lượng kiểm toán tốt hơn và chất lượng kiểm toán được cho là đồng đều (như nhau) giữa các CTKT (DeAngelo, 1981) [81]; các CTKT lớn cũng thường duy trì tính độc lập hơn, do đó cung cấp chất lượng kiểm toán tốt hơn (Dopuch, 1984). Chất lượng kiểm toán còn phụ thuộc vào việc cung cấp các dịch vụ phi kiểm toán (như dịch vụ tư vấn) sẽ làm giảm tính độc lập và do đó làm giảm chất lượng kiểm toán (Healy và Ly’s, 1986, Sabri, 1993 và Chen và cộng sự, 2005) [75].

Quan điểm chất lượng kiểm toán phụ thuộc vào phí kiểm toán cũng đã được đưa ra. Các nghiên cứu theo quan điểm này cho rằng, phí kiểm toán cao sẽ tạo thêm giá trị để KTV phát hiện các lỗi quản lý hoặc các sai phạm bất thường trong BCTC (Defond và Jambalvo, 1993). Các công ty kiểm toán có nhiều khách hàng hơn sẽ thúc đẩy họ giữ gìn danh tiếng hơn và do vậy sẽ cung cấp chất lượng kiểm toán tốt


hơn (Francis và Wilson 1988, Becker và các cộng sự 1998). Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy, thị trường chứng khoán đã phản ứng tích cực hơn đối với các doanh nghiệp chuyển đổi chủ thể kiểm toán sang các công ty kiểm toán lớn (Nichols và Smith, 1983 và Eichenseher 1989, Teoh và Wong 1993, Jang và Lin 1993, Balvers và cộng sự 1988, Firth và Smith 1992, Eisenberg và Macey, 2003; Tilis 2005…)[28], [76].

Tuy nhiên, sau sự kiện sụp đổ của Tập đoàn Kiểm toán hàng đầu thế giới Arthur Andersen, một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, chất lượng kiểm toán là không đồng nhất giữa các CTKT có quy mô lớn (Libby và những người khác, 2006; Carlin, 2008,…) [76], [84] và việc đảm bảo chất lượng kiểm toán không chỉ phụ thuộc vào các nhân tố của công ty kiểm toán, mà quan trọng hơn là phụ thuộc vào chính các KTV- những người trực tiếp thực hiện các cuộc kiểm toán tại công ty khách hàng.

Trong kết quả nghiên cứu “Dimentions of audit quality” của Angus Duff, University of Paisley (2004), các nhân tố quyết định tới chất lượng kiểm toán BCTC của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK được xem xét theo khía cạnh chuyên môn (technical) và dịch vụ (service) [83]. Kết quả chỉ ra rằng, các nhân tố thuộc các KTV/nhóm kiểm toán (như tính độc lập, năng lực, kinh nghiệm) và các nhân tố thuộc về công ty kiểm toán (như danh tiếng, qui mô, khả năng đáp ứng, dịch vụ phi kiểm toán) đều có ảnh hưởng quan trọng tới chất lượng kiểm toán.

Nghiên cứu gần đây nhất về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, của Kym Boon, Đại học Macquarie (2007), “Compulsory audit tendering and audit quality evidence from Australian local government”, cùng một nghiên cứu mở rộng của Kym Boon và cộng sự Jill McKinnon và Philip Ross (2008) “Audit service quality in compulsorry audit tendering- Preparer perceptions and satisfaction” [75], [76], đã xác định 14 nhân tố thuộc về KTV và công ty kiểm toán như kinh nghiệm, khả năng chuyên sâu, ý thức, cam kết chất lượng của công ty, qui mô công ty…, đồng thời đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố này tới chất lượng kiểm toán, qua đó đưa đến một kết luận quan trọng, nếu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán được đảm bảo thì cũng đảm bảo sự hài lòng của người sử dụng đối với chất lượng kiểm toán.


Tóm lại, trong các nghiên cứu về chất lượng kiểm toán trên thế giới, các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán đã được bàn luận và đánh giá từ nhiều đối tượng khác nhau, như từ chính các kiểm toán viên (chủ thể kiểm toán), công ty khách hàng được kiểm toán (khách thể kiểm toán) hoặc từ phía những người sử dụng kết quả kiểm toán (những người quan tâm). Tuy nhiên, các nhân tố được xác định có ảnh hưởng quan trọng tới chất lượng kiểm toán có thể được phân nhóm theo 2 cách.

Cách thứ nhất, các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán được phân nhóm dựa trên các khía cạnh chuyên môn và dịch vụ của chất lượng, theo đó:

Nếu xét theo chất lượng chuyên môn (Technical Quality) gồm: (i) Danh tiếng của CTKT (Reputation); (ii) Năng lực CTKT (Capability); (iii) Độc lập (Independence); (iv) Kỹ năng của KTV/nhóm kiểm toán (Expertise); (v) Kinh nghiệm của KTV/nhóm kiểm toán (Experience).

Nếu xét theo khía cạnh chất lượng dịch vụ gồm: (i) Khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng (Responsiveness); (ii) Dịch vụ phi kiểm toán cung cấp (Non- audit service); (iii) Sự cảm thông với khách hàng (Empathy); (iv) Khả năng phục vụ khách hàng (Client service). Các tiêu chí mô tả, đo lường nhân tố cũng như mức độ ảnh hưởng của chúng tới chất lượng kiểm toán cũng được các nghiên cứu xác định và đánh giá (Angus Duff, 2004) [83] (xem thêm Phụ lục 1).

Cách thứ hai, các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán được phân nhóm dựa trên chủ thể kiểm toán, theo đó có ba nhóm nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán:

Một là, nhóm nhân tố thuộc về KTV/nhóm kiểm toán (Audit team factors), như tính độc lập, năng lực, trình độ, mức độ tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp…;

Hai là, nhóm nhân tố thuộc công ty kiểm toán (Audit firm factors), như qui mô, danh tiếng, phương tiện công cụ làm việc, chính sách và thủ tục kiểm soát…,

Ba là, nhóm nhân tố bên ngoài (Enviromental factors), như nhân tố khách hàng, môi trường pháp lý, môi trường kinh tế, xã hội, vai trò kiểm soát từ ngoài. Các tiêu chí mô tả, đo lường nhân tố, cũng như mức độ ảnh hưởng của chúng tới chất lượng kiểm toán cũng được các nghiên cứu xác định và đánh giá (Angus Duff, 2004 và (Kym Boon, Jill McKinnon và Philip Ross, 2008) [76],[83] (Chi tiết xem thêm Phụ lục 1 và Phụ lục 2).


Tại Việt Nam, nghiên cứu liên quan đến kiểm toán BCTC cũng đã được bàn luận nhiều, nhưng chủ yếu là các nghiên cứu về kiểm toán BCTC theo loại hình bộ máy kiểm toán, ví dụ, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của GS.TS. Đoàn Xuân Tiên (2008), “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty kiểm toán độc lập ở Việt Nam hiện nay”, hoặc bàn luận về qui trình kiểm toán BCTC đối với từng lĩnh vực/ngành nghề cụ thể, ví dụ Luận án tiến sĩ của Phạm Tiến Hưng (2009) “Hoàn thiện kiểm toán BCTC các công ty xây lắp của các tổ chức kiểm toán độc lập”. Riêng các nghiên cứu trong nước có liên quan đến chất lượng kiểm toán, điển hình có Đề tài khoa học cấp Bộ của GS.TS. Vương Đình Huệ (2001) “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam”, Luận án tiến sĩ của Ngô Đức Long (2002), “Những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập ở Việt Nam"; Nguyễn Thị Mỹ (2013) "Hoàn thiện kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam"; và Đề tài cấp ngành của TS. Hà Thị Ngọc Hà cùng nhóm nghiên cứu (2011), "Các giải pháp hoàn thiện, tăng cường kiểm soát chất lượng công tác kiểm toán báo cáo tài chính các đơn vị có lợi ích công chúng". Tuy nhiên, trong các nghiên cứu của các tác giả này, nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán BCTC không phải là đối tượng và mục tiêu nghiên cứu chính, mà chỉ là một phần hoặc được dùng cho các phân tích bình luận quan trọng khác liên quan, do đó các nhân tố ảnh hưởng chưa được hệ thống đầy đủ, cũng như chưa đánh giá mức độ ảnh hưởng của chúng tới chất lượng kiểm toán. Dù vậy, trong các nghiên cứu trong nước, các tác giả cũng đã nêu ra hoặc bàn luận đến các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, gồm:

Nhóm nhân tố bên ngoài: (1) Nhu cầu nền kinh tế (Đòi hỏi thị trường, Trình độ Kinh tế-xã hội); (2) Cơ chế của nền kinh tế (gồm Mục tiêu kinh tế, Chính sách kinh tế, Tổ chức quản lý chất lượng) (Ngô Đức Long, 2002);

Nhóm nhân tố thuộc KTV và CTKT gồm: Nhân tố con người (Chất lượng KTV và các cấp quản lý); Nhân tố kỹ thuật (Qui trình kiểm toán); Nhân tố quản lý; Nhân tố về điều kiện làm việc (Ngô Đức Long, 2002 và Nguyễn Thị Mỹ, 2013); Qui mô công ty kiểm toán; Mức độ chuyên sâu trong kiểm toán; Nhiệm kỳ của KTV; Giá phí kiểm toán; Phạm vi của dịch vụ phi kiểm toán; Tính cách và

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/11/2022