trong mẫu hình của những nhà nho tài tử đa tài và đa tình. Ngọa Long cương vãn tuy chưa thực sự là một điển hình gần sát với những mẫu hình ấy trên nhiều phương diện, nhưng tác phẩm của ông có thể coi như sự manh nha cho loại hình nhân vật này - người anh hùng thời loạn - vốn có vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam. Sắc thái này có thể ít nhiều quan sát thấy ở thơ văn Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Cư Trinh và đặc biệt được cộng hưởng nhiệt liệt vào thế kỷ XVIII, với sáng tác và cả cuộc đời của những Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Hữu Chỉnh, hàng loạt thủ lĩnh của khởi nghĩa nông dân mà tiêu biểu là Nguyễn Huệ, cho đến sáng tác của cả Ngô gia văn phái, của Nguyễn Du và kết thúc trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát. Đó là “một nguồn cảm hứng mới, phát sinh từ khoảng đầu thế kỷ XVII, nối dài liên tục đến giữa thế kỷ thứ XIX, một chuỗi hình tượng bắt đầu từ hình tượng Khổng Minh trong Ngọa Long cương vãn và khép lại bởi hình ảnh một kẻ đại trượng phu „người anh hùng thư kiếm‟ trong thơ Nguyễn Công Trứ” [186, tr. 98]. Loại nhân vật văn học mới đó phản ánh một cách khá tập trung không chỉ những đặc trưng phát triển xã hội về chính trị, kinh tế, mà rõ rệt hơn nữa, trực tiếp hơn nữa, là những đặc trưng của sự phát triển lịch sử tư tưởng, sự biến đổi đời sống văn hóa tinh thần nói chung của xã hội Việt Nam giai đoạn này. Có lẽ lược thuật tiến trình “mở rộng biên độ” của hình ảnh người anh hùng thời loạn trong văn học viết thế kỷ XVIII sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn ý nghĩa của sự khởi đầu tự Đào Duy Từ.
Bắt đầu từ trường hợp Nguyễn Hữu Cầu và bài thơ Chim trong lồng - tương truyền được sáng tác khi ông đang phải chờ đợi án tử hình. Bài thơ vừa là một bản tổng kết những hoạt động của tác giả, vừa là một tuyên ngôn hành động mới - hành động hướng tới việc tạo cho riêng mình một sự nghiệp, thỏa mãn tài năng, thỏa mãn ý chí cá nhân - điều chưa từng bắt gặp trong lý tưởng chính trị và châm ngôn ứng xử của nhà nho hành đạo, cũng như không hề có sắc thái “giấu hương sắc lánh chơi ngoài cõi tục” của người ẩn sĩ. Nguyễn Hữu Chỉnh thì ký thác tâm sự vào hình ảnh Trương Lương qua bài phú nổi tiếng Trương Lưu hầu. Ông tỏ ra đặc biệt hứng thú với “ván cờ vua chúa” mà Trương Lương đã chơi. Thực chất, mô hình “ngôi đế sư mà danh cao sĩ” vượt thoát ra ngoài sự ràng buộc của những tiêu chí thông thường, ung dung tìm kiếm tự do tự tại cho chính mình, không cần phải băn khoăn gì hơn về nghĩa vụ, bổn phận hay danh lợi cũng là khát vọng của rất nhiều danh nho. Trong
cuộc đời mình, Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đã cố thử đi con đường đó, dù rằng chung cục không được may mắn. Lựa chọn vượt thoát ra ngoài khuôn sáo cũ để rồi đổi lại là một cuộc đời thăng trầm, vinh nhục, đó cũng chính là con đường mà Đặng Trần Thường, Ngô Thì Nhậm... đã chọn - “một sự lựa chọn có tính chất thời đại” [186, tr. 103]. Trong lịch sử giai đoạn này, cũng có một người đã đi con đường của người hào kiệt như mơ ước của Nguyễn Hữu Cầu và đã thành công: Nguyễn Huệ. Hình ảnh của ông được khắc họa một cách hào hùng, gây ấn tượng mạnh trong Hoàng Lê nhất thống chí. Không những thế, sự nghiệp và cuộc đời của ông đã gây cảm hứng cho những dòng thơ hào hùng viết về Từ Hải trong Truyện Kiều - một nhân vật phản nghịch, phi chính thống nhưng lại được nhìn nhận qua “con mắt xanh” của Nguyễn Du, là một “người anh hùng chân chính” với những nét đẹp mạnh mẽ và hùng tráng, mang tính khẳng định. Đó chỉ có thể là sản phẩm được sáng tạo trong một bầu không khí chung là chấp nhận sự xuất hiện của mẫu người anh hùng thời loạn như một thực tế hiển nhiên ở cả trong lịch sử tư tưởng, lịch sử chính trị lẫn trong sáng tạo văn học. Và rồi mẫu người này sẽ còn tiếp tục “cồn cào lên một cách nuối tiếc” [186, tr. 107] trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát. Ngay cả chuỗi hình tượng người chí sĩ - hào kiệt tự nhiệm trong văn chương của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và hàng loạt tác giả nhà nho cách tân khác đầu thế kỷ XX, phải chăng cũng được lấy cảm hứng và dựa trên tiền đề là mẫu hình người anh hùng thời loạn, xuất hiện lần đầu tiên trong sáng tác của Đào Duy Từ và phát triển rực rỡ trong suốt thế kỷ XVIII. Hiển nhiên, Đào Duy Từ không chỉ là người mở đường cho văn học Đàng Trong mà còn “khai sinh” ra một loại hình nhân vật mới cho văn học dân tộc.
4.3. Khởi đầu hai thể loại tự sự trường thiên (tiểu thuyết chương hồi và truyện Nôm bác học)
Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm gồm 30 hồi, soạn vào năm 22 đời chúa Minh Vương (1719) ở Đàng Trong, phản ánh khá sinh động lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVII, trong đó chủ yếu mô tả quá trình hình thành Nam - Bắc triều, đặc biệt là tả nội chiến Nam - Bắc triều trong vòng 45 năm từ 1627 đến 1672. Tác phẩm ra đời sau Hoan châu ký của
dòng họ Nguyễn Cảnh ở vùng Nghệ An (Đàng Ngoài) chừng hơn 20 năm1. Điểm chung của hai tác phẩm này là đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của Tam quốc diễn nghĩa - một trong tứ đại kỳ thư của Trung Hoa. Theo Giáo sư Trần Nghĩa, dù xét về mặt văn thể, kết cấu, nhân vật, biến cố tình huống, hay bút pháp, văn chương... Hoan Châu ký đều “đáng được nhìn nhận và đối xử trước hết như là một bộ tiểu thuyết chương hồi, với nghĩa đầy đủ của từ này” [50, tr. 28]. Đó là bộ tiểu thuyết chương hồi thuộc loại “cổ nhất” nước ta [50, tr. 7].
Như vậy, Nguyễn Khoa Chiêm không phải là người đầu tiên viết theo bút pháp của thể chương hồi; tuy nhiên, đây lại là tác phẩm đầu tiên trong văn học Việt Nam chính thức định danh thể loại ngay từ nhan đề: thể chí, diễn chí, khác với Hoan Châu ký vừa là một tiểu thuyết chương hồi, nhưng lại vừa là tập phổ ký của một dòng họ. Với việc định danh tác phẩm thuộc thể “diễn chí”, Nguyễn Khoa Chiêm đã khẳng định mình viết văn chứ không viết sử; tác phẩm thuộc về văn chương đích thực chứ không nhập vào văn học chức năng. Trong bối cảnh phần lớn nhà nho phương Đông vẫn cho rằng tiểu thuyết chỉ là những chuyện “nhai đàm hạng ngữ” “đạo thính đồ thuyết” [200] mà ta nghe được nơi đầu đường cuối xóm, chẳng quan thiết gì đến đạo đức của bậc quân tử, thì việc tự nhận mình viết văn theo thể diễn chí đã cho thấy phần nào tư tưởng khoáng đạt của Nguyễn Khoa Chiêm.
Truyện Nôm có hình thức ban đầu là những bài thơ Nôm Đường luật xâu chuỗi lại, vịnh về một nhân vật nào đó theo diễn biến cuộc đời họ (Truyện Vương Tường, Tô Công phụng sứ, Nghĩa sĩ truyện…, ra đời khoảng thế kỷ XVI, ở Đàng Ngoài). Thế kỷ XVII, truyện Nôm lục bát chính thức ra đời nhưng đều khuyết danh; chủ yếu mang tính chất tôn giáo, lịch sử như Quan Âm tống tử bản hạnh, Ông Ninh cổ truyện, Chúa Thao cổ truyện... Lúc này cũng đã có một số truyện Nôm xã hội như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Tải - Ngọc Hoa… nhưng chủ yếu ca ngợi tình vợ chồng sắt son, chứ ít khi dành sự quan tâm đặc biệt đến tình yêu đôi lứa. Thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của thể loại này với vai trò nổi bật của những truyện Nôm bác học, đa phần là hữu danh, viết về tài tử - giai nhân, mà Song Tinh Bất Dạ (còn có tên gọi khác là Truyện Song Tinh) của
1 Hoan Châu ký có thể được viết ít lâu sau năm Bính Tý thứ nhất (1696), theo Giáo sư Trần Nghĩa. Nam triều công nghiệp diễn chí ra đời năm 1719.
Có thể bạn quan tâm!
- Đào Duy Từ Và Sự Hình Thành Trung Tâm Văn Học Thuận – Quảng
- Mạc Thiên Tích, Chiêu Anh Các Và Trung Tâm Văn Học Hà Tiên
- Sáng Tạo Hình Tượng Văn Học Mới (Người Hào Kiệt, Người Anh Hùng Thời Loạn)
- Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả - Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim - 18
- Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả - Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim - 19
- Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả - Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim - 20
Xem toàn bộ 166 trang tài liệu này.
Nguyễn Hữu Hào là dấu son đầu tiên1. Tác phẩm được sáng tác chính bằng thể lục bát, mang cốt truyện tình yêu giống như đại bộ phận truyện Nôm bác học sau này: một đôi trai gái gặp gỡ, yêu nhau, thề bồi, đính ước. Tai họa bắt đầu khi Song Tinh vì từ chối kết hôn cùng con gái phò mã mà bị đẩy ra trận, còn Nhụy Châu ở nhà bị Hách Sinh mưu hại, lập danh sách tiến cung vì không chịu lấy hắn. Trên đường vào cung, nàng đã tự tử để trọn niềm chung thủy nhưng được cứu giúp. Rồi Song Tinh thắng trận trở về. Hai người đoàn tụ, hưởng hạnh phúc bền lâu.
Điều đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây là, cả hai tác giả chính thức định danh cho hai thể loại mới ở Đàng Trong, đều có xuất thân từ vùng văn hóa truyền thống Đàng Ngoài.
Nguyễn Khoa Chiêm quê gốc ở Hải Dương. Ông nội là Nguyễn Đình Thân, thuộc hạ của Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng, từng theo Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, về sau đổi sang họ Nguyễn Khoa và định cư ở huyện Hương Trà, trấn Thuận Hóa, nay là huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên. Nguyễn Khoa Chiêm xuất thân Nho học, đã từng được bổ làm Thủ hạp, ra Quảng Bình đốc suất quân sĩ đắp chiến lũy, rồi được thăng Cai hạp kiêm Tri bạ ở Chính doanh, sau được Chúa tin dùng, thăng chức Câu kê kiêm Tri bạ và cho dự bàn quân cơ… Có lẽ chính sở học, cùng với tài năng văn chương và sự trải nghiệm thực tế qua một giai đoạn lịch sử đầy biến cố đã góp phần giúp Nguyễn Khoa Chiêm viết nên một tác phẩm có giá trị cả về sử học và văn chương.
Nguyễn Hữu Hào có tổ tiên ở trang Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, theo chúa Nguyễn vào Nam, đến ông là đời thứ ba. Gia đình ông thuộc dòng dõi võ tướng nhưng có truyền thống văn học và đều là những bậc công thần của triều Nguyễn Đàng Trong. Cha ông là Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, một danh tướng cốt cán của chúa Nguyễn, rất có lòng nhân, tác giả Hoa Vân Cáo Thị nổi tiếng một thời; em trai ông là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những danh nhân “mang gươm đi mở cõi” của triều Nguyễn. Cần lưu ý rằng, Thanh - Nghệ - Tĩnh chắc hẳn phải là khu vực có một truyền thống rất lâu dài về truyện thơ nói chung và truyện Nôm nói riêng, bởi nếu không thì làm sao mà một nơi hẻo lánh, xa chỗ tập
1 Theo nguồn tư liệu hiện có, Song Tinh Bất Dạ là truyện Nôm bác học đầu tiên xuất hiện ở Đàng Trong, đồng thời cũng là truyện Nôm bác học có tên tác giả đầu tiên trong nền văn học Việt Nam. Tác phẩm ra đời vào những năm đầu của thế kỷ XVIII, trước Hoa tiên (Nguyễn Huy Tự) nửa thế kỷ, trước Truyện Kiều (Nguyễn Du) khoảng một thế kỷ và trước Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) một thế kỷ rưỡi.
trung văn hóa (Thăng Long, và sau này là Phú Xuân) lại có thể tạo ra những kiệt tác như Hoa Tiên, Truyện Kiều… để rồi biến khu vực này thành “đất thánh của bộ môn truyện trên toàn quốc” được [180, tr. 558]. Nguyễn Hữu Hào, đương nhiên, cũng được thụ hưởng bầu không khí văn hóa - văn nghệ ấy. Thực tế đó thêm một lần nữa cho thấy, sự khởi sắc và khởi tạo của văn học Đàng Trong, không thể tách rời hoàn toàn khỏi cái nôi truyền thống Đàng Ngoài - môi trường văn hóa đã khá nhuần nhuyễn với thể thơ lục bát, với những ghi chép lịch sử và kinh nghiệm tự sự hư cấu qua loạt truyện truyền kỳ - tiền đề ngôn ngữ và văn chương cho sự ra đời của truyện Nôm và tiểu thuyết chương hồi.
Vấn đề là, tại sao những nhân tài gốc Đàng Ngoài ấy, phải đợi đến cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, và phải tại mảnh đất mới Đàng Trong, mới chính thức đặt tiền đề cho hai thể loại này trong lịch sử văn chương bác học của người Việt. Đọc những tác phẩm trên, thấy rằng Nam triều công nghiệp diễn chí chịu ảnh hưởng của thoại bản Trung Hoa, từ lối mở đầu bằng hai câu đăng đối tới lối kết thúc một hồi bằng công thức: “Muốn biết việc sau thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ”, từ thủ pháp bình luận nhân vật và sự kiện kiểu “người đương thời có thơ rằng”, “người sau có thơ rằng” tới lối miêu tả nhân vật, sự kiện bằng những đoạn văn biền ngẫu. Song Tinh Bất Dạ, theo các nhà nghiên cứu, thì phỏng theo cốt truyện cuốn tiểu thuyết đô thị Định tình nhân của Trung Hoa. Vậy là, trong tiến trình tạo sinh ra thể loại mới, không thể thiếu vắng ảnh hưởng của quá trình giao lưu văn hóa với Trung Hoa. Dĩ nhiên, không phải đợi đến thế kỷ XVII - XVIII người Việt mới có sự giao lưu văn hóa - văn học với Trung Hoa. Nhưng nếu như ở Đàng Ngoài thời điểm ấy và cả các thế kỷ trước đó, mọi sự giao lưu đều mang tính chất quan phương, thông qua con đường đi sứ là chính, và các tác phẩm văn chương Trung Hoa trước khi vào Việt Nam đều được “lọc” qua con mắt của các bậc đại nho, các sứ thần túc trí đa mưu - tạm coi là những người thuộc tầng lớp trên của xã hội, thì tại xã hội Đàng Trong thuở ấy, sự giao lưu lại diễn ra ở tầng thấp hơn. Các tác phẩm văn chương Trung Hoa đến với Đàng Trong cùng bước chân lưu lạc của những người di dân Hoa Nam tỵ nạn chính trị. Có thể thấy vai trò không nhỏ của lớp người này trong việc phát triển văn hóa - văn học Đàng Trong. Một mặt, họ là những người trực tiếp đưa các sản phẩm văn hóa - văn học, cũng như chuyển tải các giá trị văn hóa - văn học của Trung Hoa đến xứ Đàng Trong. Mặt khác, việc tiếp nhận những con người với
“kinh nghiệm hải hành và truyền thống buôn bán lâu đời” ấy sẽ thúc đẩy thương nghiệp Đàng Trong phát triển. Mà hệ quả trực tiếp là sự xuất hiện của xã hội thương nghiệp - đô thị - thị dân cởi mở, năng động, linh hoạt, trái ngược hẳn với lối tư duy khép kín, giáo điều do sự chi phối của xã hội nông nghiệp - nông thôn - nông dân Đàng Ngoài. Cùng với sự xuất hiện của xã hội đô thị và tầng lớp thị dân, nhu cầu giải trí của người Việt ở phương Nam đã khác. Sự ảnh hưởng trực tiếp của tiểu thuyết tình dục Trung Hoa, cộng với nhu cầu có thực về một nền văn chương hướng đến những động thái tâm hồn của con người, thỏa mãn những trạng huống cá nhân, đã thúc đẩy dẫn đến sự hình thành của dòng văn chương tình dục ở Đàng Trong, mà truyện Nôm Song Tinh Bất Dạ là một điển hình nghệ thuật tiêu biểu. Thêm nữa, Đàng Trong là vùng đất mới, tư tưởng Nho giáo, đặc biệt là quan niệm “bỉ” tiểu thuyết chưa ăn sâu vào nhận thức của người cầm bút, dẫn đến sự ra đời sớm của thể loại tiểu thuyết chương hồi và truyện Nôm tài tử giai nhân. Có lẽ, chính vùng đất mới Đàng Trong với một cộng đồng cư dân đa sắc tộc và đời sống văn hóa đa sắc thái, bản tính con người khoáng đạt, tự do đã trở thành động lực, khiến các tác giả bộc lộ tài năng được tích lũy nhờ truyền thống Hán học Đàng Ngoài. Nói cách khác, tài năng của kẻ sĩ Bắc Hà chỉ đơm hoa kết trái trên mảnh đất khi ở đó Nho giáo chưa trở thành xiềng xích.
Tuy nhiên, sau những sáng tác tiên khởi ấy, hai thể loại này lại gần như vắng bóng trên văn đàn Đàng Trong. Nam triều công nghiệp diễn chí là tiểu thuyết chương hồi duy nhất được khai sinh tại xứ sở Đàng Trong. Thể loại truyện Nôm, dẫu đã có lúc trở lại, gây sóng gió trên dải đất Nam Bộ với tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, nhưng kỳ thực cũng phải sau Song Tinh Bất Dạ của Nguyễn Hữu Hào một thế kỷ rưỡi. Như vậy, bất kể là tiểu thuyết chương hồi (văn xuôi) hay truyện Nôm bác học (văn vần), thì sau bước khởi đầu sáng chói ở phương Nam, đều lặng lẽ dội ngược ra Bắc và tìm thấy ở đó một môi trường thuận lợi hơn để phát triển và nở rộ. Điều này có thể có một phần căn nguyên từ nhu cầu thực tế và thị hiếu văn chương của mảnh đất phương Nam (chẳng hạn sự yêu mến đặc biệt với khuynh hướng đạo lý và kiểu nhân vật trượng nghĩa khinh tài trong truyện Nôm), nhưng lý do quan trọng hơn, theo chúng tôi, lại nằm ở bản chất của thể loại. Với những thể loại trường thiên, chắc chắn đòi hỏi người viết phải có một năng lượng tri thức, vốn chữ nghĩa và trải nghiệm thực tế chí ít là trên mức thông thường.
Nói cách khác, nó chỉ có thể phát triển với một đội ngũ tác giả có đẳng cấp, một nền tảng lâu bền mà thực tế lịch sử - văn hóa Đàng Trong khi đó khó có thể đáp ứng.
Tiểu kết:
Văn học Đàng Trong, với sự xác lập lần lượt các trung tâm văn học Thuận - Quảng, Hà Tiên, Gia Định, đã từng bước đi trọn cung đường mở rộng bản đồ văn học Việt về phía Nam. Thuận - Quảng là trung tâm văn học đầu tiên được hình thành, làm nên “ngã rẽ” cho văn học Đàng Trong với vai trò “mở đường”, “dẫn lối” của Đào Duy Từ - gương mặt nhân sĩ “thiên di” từ Đàng Ngoài vào - người không chỉ “khởi đầu” và dự báo cho những dấu hiệu biệt sắc của văn học vùng mà còn trực tiếp trung chuyển những giá trị và kinh nghiệm của văn chương Đàng Ngoài, khiến cho văn học Đàng Trong ngay từ buổi đầu hình thành, đã gắn bó hữu cơ với truyền thống sáng tác của dân tộc. Tiểu vùng văn học Hà Tiên, trái lại, ghi đậm dấu ấn của lớp nhà nho Minh hương với vai trò khởi tạo và hoạt động chủ đạo của Mạc Thiên Tích cùng nhóm Chiêu Anh các. Có thể coi Chiêu Anh các là chiếc cầu nối trong tiến trình đưa các tổ chức tao đàn từ cung đình bước ra cuộc sống sôi động ngoài xã hội. Cũng từ đây, trong gần một thế kỷ phát triển văn học kể từ Đào Duy Từ, văn chương bác học đã gây được ảnh hưởng rộng rãi trong sự lan tỏa xuyên suốt từ đầu mối Thuận Quảng đến Hà Tiên. Cho đến khi trung tâm văn học Gia Định được hình thành thì văn học Hán Nôm Gia Định – Đồng Nai đã hòa nhập vào với văn học dân tộc, chính thức khép lại tiến trình xác lập bản đồ văn hóa Việt với ba trục lớn: Thăng Long - Phú Xuân - Gia Định. Và Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định đã “đóng đinh” tên tuổi mình vào vùng đất Gia Định trong lịch sử văn học dân tộc, với danh xưng được người đời trọng vọng: “Gia Định tam gia”.
Kết luận
Sau khi thực hiện công trình Văn học Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc, chúng tôi nhận thấy cần một lần nữa tái khẳng định rằng:
Văn học Đàng Trong, cơ bản vẫn là một bộ phận của văn học dân tộc, mang đầy đủ những dấu hiệu loại biệt của thời đại văn học “thứ nhất”, dù nhìn từ phương diện tác giả, nội dung phản ánh hay thể loại, ngôn ngữ.
1. Về lực lượng sáng tác, mặc dù có sự góp sức khá đa dạng của nhiều thành phần trí thức khác nhau (như tăng nhân, giáo sĩ, nhà chúa…), nhưng cơ bản, đội ngũ tác giả nhà nho vẫn là gương mặt trí thức tiêu biểu quan trọng nhất làm nên diện mạo, giá trị văn học - văn hóa vùng. Nếu như Đàng Ngoài cuối thế kỷ XVIII đã có sự hiện diện của cả ba loại hình nhà nho (nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật và nhà nho tài tử) thì Đàng Trong, với một nền học vấn kém thịnh đạt hơn, chỉ có thể có sự góp mặt của nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật. Tuy nhiên, như một sự bù khuyết cho những “chênh lệch” đó, văn học Đàng Trong lại có sự góp sức nhiệt liệt và thực tế là đã hoạt động rất hiệu quả của đội ngũ tác giả nhà nho gốc Minh hương – điều mà vùng văn chương Đàng Ngoài không bao giờ có được. Nếu như việc có cùng xuất thân Nho học với đại bộ phận tác giả Đàng Ngoài sẽ quy định những đặc tính chung cho văn học hai Đàng trên một số phương diện, góp phần kết nối, duy trì tính thống nhất của văn học dân tộc, biểu hiện cụ thể ở cả chủ đề - đề tài, hình tượng trung tâm, thể loại, ngôn ngữ, thì sự khác nhau trong thành phần nhà nho tài tử (Đàng Ngoài) và nhà nho Minh hương (Đàng Trong) sẽ đưa lại cho văn chương hai Đàng những giá trị độc đáo riêng biệt: trong khi nhà nho tài tử hướng văn chương Đàng Ngoài vào vấn đề hạnh phúc cá nhân và những tiếng nói tình cảm riêng tư mãnh liệt, làm nên “giá trị nhân văn” của cả một thế kỷ văn chương sau đó thì nhà nho Minh hương, với trình độ Hán học sâu sắc, sẽ đem đến một sắc diện đặc biệt cho văn học Đàng Trong khi được tiếp nhận trực tiếp từ truyền thống và kinh nghiệm sáng tác của nền văn chương “kiến tạo vùng”.
2. Điểm nhấn quan trọng nhất ở văn học Đàng Trong, theo chúng tôi, thuộc về phương diện thể loại. Thời kỳ này, văn học Đàng Trong vẫn tiếp tục phát triển một số thể loại truyền thống của văn học dân tộc như thơ Đường luật, phú, văn tế; tuy xét về quy mô, số lượng, chất lượng và vai trò trong bức tranh thể loại vùng thì