hệ xã hội ra phạm vi quốc tế. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải chuẩn mực hóa bản thân theo các chuẩn mực quốc tế về việc đáp ứng các loại dịch vụ, đạt được cấp độ chất lượng dịch vụ ở mặt bằng chung để có thể hòa nhập vào hệ thống dịch vụ ngân hàng thống nhất trên toàn cầu.
Sự ổn định về chính trị, sự nhất quán về quan điểm, chính sách luôn hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tư vào ngân hàng. Hệ thống luật pháp hoàn thiện là cơ sở để ổn định và mở rộng kinh doanh.
Các chính sach quản lý của Ngân hàng Trung ương tác động rất lớn đến hoạt động của các NHTM. Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản pháp luật khác trực tiếp điều chỉnh hoạt động của hệ thống ngân hàng. Quy định về các loại thuế và lệ phí có thể vừa tạo ra cơ hội, nhưng cũng có thể kìm hãm sự phát triển kinh doanh của các ngân hàng.
Bộ luật Lao động và các quy chế sử dụng lao động, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương… đối với cán bộ cũng là những điều kiện mà ngân hàng phải quan tâm vì nó trực tiếp tác động đến yếu tố nguồn nhân lực của ngân hàng.
Bốn là, sự tác động của môi trường tác nghiệp
Môi trường tác nghiệp là các yếu tố xuất hiện trong một ngành sản xuất kinh doanh, quyết định tính chất và khả năng cạnh tranh trong ngành kinh doanh đó.
Việc nghiên cứu những học thuyết, mô hình về kinh tế phù hợp, kết hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi ngân hàng là cơ sở khoa học cho phép ngân hàng đưa ra được những chiến lược định hướng và hoạt động cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Michael Porter (trường Đại học Harvard, Mỹ) Mô hình năm lực lượng cạnh tranh được xem là cơ bản, toàn diện về cạnh tranh. Lý thuyết cạnh tranh của ông hiện được áp dụng rộng rãi trong phân tích và xây dựng chiến lược cạnh tranh, áp dụng ở mọi cấp độ và mọi ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, mô hình năm lực lượng cạnh tranh là nền tảng trong việc xây dựng lý thuyết này.
Có thể bạn quan tâm!
- Năng Lực Cạnh Tranh Của Hệ Thống Ngân Hàng Thương Mại
- Chỉ Tiêu Đánh Giá Năng Lực Cạnh Tranh Của Hệ Thống Ngân Hàng Thương Mại
- Chỉ Tiêu Đánh Giá Năng Lực Về Công Nghệ Thông Tin
- Kinh Nghiệm Quốc Tế Về Nâng Cao Năng Lực Cạnh Tranh Của Hệ Thống Ngân Hàng Thương Mại Trong Môi Trường Hội Nhập Kinh Tế Quốc Tế
- Cho Phép Các Tổ Chức Tài Chính Nước Ngoài Mua Cổ Phần Hạn Chế Trong Một Số Nhtm Nhà Nước
- Mô Hình Tổ Chức Điển Hình Của Các Nhtm Việt Nam
Xem toàn bộ 181 trang tài liệu này.
Sơ đồ 1.1: Mô hình năm lực lượng cạnh tranh của Michael Porter
Những người gia nhập tiềm năng
Cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại
Nhà cung cấp
Người mua
Sức mạnh của nhà cung cấp
Mối đe dọa của các đối thủ mới gia nhập
Sự đe dọa của hàng hóa, dịch vụ thay thế
Sức mạnh của người mua
Hàng hóa, dịch vụ thay thế
Nguồn: [21]
Thứ nhất, sự đe dọa từ các đối thủ mới gia nhập thị trường. Trong một thị trường mà sự gia nhập của các doanh nghiệp mới càng dễ dàng thì sự cạnh tranh càng gay gắt. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, việc gia nhập mặc dù phải đảm bảo những điều kiện tương đối nghiêm ngặt của Ngân hàng Nhà nước như yêu cầu về vốn, đội ngũ quản lý, hệ thống quản trị rủi ro,… nhưng trong điều kiện hội nhập quốc tế với cam kết mở cửa thị trường tài chính thì việc gia nhập là hoàn toàn có thể.
Các yếu tố có thể coi như rào cản đối với việc gia nhập vào lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng trong nước có thể tận dụng để bảo vệ mình trước sự gia nhập của các đối thủ mới, đó là:
- Lòng trung thành của khách hàng với những thương hiệu chính: Thương hiệu của một ngân hàng có thể xem như một rào cản đối với các ngân hàng khác khi muốn thâm nhập vào thị trường, đồng thời, cũng là một lợi thế cạnh tranh cần phát huy của ngân hàng có thương hiệu.
- Chi phí cố định cao và yêu cầu về vốn đầu tư: Việc đầu tư vào công nghệ, máy móc thiết bị - nền tảng cơ bản để phát triển sản phẩm, dịch vụ cùng
với các chi phí về hạ tầng đi kèm khiến cho việc đầu tư tốn kém chi phí đáng kể cho các ngân hàng.
- Khả năng “trả đũa” của các ngân hàng hiện tại: Đó là các giải pháp nhằm chống lại nguy cơ bị giảm thị phần, giảm lợi nhuận do sự gia nhập của đối thủ mới như giảm phí, thay đổi lãi suất, tăng cường hoạt động khuyến mại, chiêu thức lôi kéo khách hàng,…
- Sự hạn chế của luật pháp và Chính phủ: Lĩnh vực ngân hàng - tài chính nói chung là một lĩnh vực nhạy cảm, chịu sự kiểm soát rất chặt chẽ của Nhà nước. Tuy nhiên, rào cản này cũng không phải bất khả xâm phạm mà đã được nới lỏng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, sức mạnh của nhà cung cấp. Trong lĩnh vực ngân hàng, nhà cung cấp chính và có khả năng gây ra ảnh hưởng đối với ngân hàng là nhà cung cấp công nghệ. Một số nhân tố mà theo đó, nhà cung cấp công nghệ có khả năng gây sức ép với các ngân hàng như: Số lượng các nhà cung cấp công nghệ mang tính đặc thù ngày càng phát triển; khả năng thay thế công nghệ có thể xảy ra do sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật; chi phí chuyển đổi nhà cung cấp công nghệ lớn; mức độ khác biệt giữa các công nghệ ngân hàng lớn nên khả năng thay thế công nghệ khó khăn; mức độ tương quan giữa chi phí cho công nghệ đầu vào và giá bán dịch vụ đầu ra...
Thứ ba, sức mạnh của khách hàng. Trong lĩnh vực ngân hàng, một số nguyên nhân có thể đưa khách hàng trở thành người nắm giữ quyền lực đáng kể, đó là:
- Chuyển sang sử dụng các sản phẩm cạnh tranh khác là đơn giản đối với khách hàng: Khách hàng hoàn toàn có quyền lựa chọn và thay thế dịch vụ đang sử dụng tại ngân hàng này sang ngân hàng khác mà không gặp hoặc gặp rất ít khó khăn, cản trở.
- Mức độ cần thiết, quan trọng của dịch vụ với khách hàng: Mặc dù thu nhập và trình độ dân trí của người dân ngày càng cao đã làm gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ của ngân hàng, song vẫn tồn tại những quan điểm, thói quen trong một bộ phận lớn dân cư, doanh nghiệp khiến cho dịch vụ ngân hàng chưa trở thành nhu cầu thiết yếu, ví dụ như thói quen sử dụng tiền mặt trong
thanh toán... Trình độ dân trí chưa thật đồng đều, hạn chế trong tiếp xúc với công nghệ, máy móc hiện đại, tâm lý ngại sử dụng các sản phẩm mới khiến cho ngân hàng tiếp cận khách hàng khó khăn hơn.
- Khách hàng nhạy cảm với giá của dịch vụ: Chỉ cần sự thay đổi nhỏ hay sự khác biệt nhỏ về giá cả giữa các ngân hàng cũng có thể khiến khách hàng thay đổi quyết định sử dụng dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm bán lẻ mà giá cả ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích tài chính của khách hàng như tín dụng cá nhân, tiền gửi tiết kiệm. Các dịch vụ nào khách hàng càng nhạy cảm với giá càng thúc đẩy hình thức cạnh tranh bằng giá hay lãi suất giữa các ngân hàng.
- Chi phí chuyển đổi khách hàng liên quan đến chi phí của ngân hàng: Việc tập trung sản phẩm bán lẻ từ phân đoạn thị trường này sang phân đoạn thị trường khác thường làm phát sinh các chi phí liên quan: chi phí nghiên cứu thị trường, chi phí thiết kế lại sản phẩm, chi phí cho chiến lược marketing, quảng cáo mới,… Nếu mối liên quan này càng chặt chẽ chứng tỏ sức mạnh càng lớn của khách hàng.
Thứ tư, sự sẵn có của sản phẩm thay thế. Với sự hấp dẫn của thị trường tài chính cá nhân thì ngày càng có nhiều tổ chức, không chỉ có ngân hàng mà cả các tổ chức phi ngân hàng tham gia cung ứng các dịch vụ như công ty bảo hiểm, bưu điện, các quỹ, các công ty tài chính,… Điều này làm gia tăng sự sẵn có của các sản phẩm thay thế. Để sinh lợi, một cá nhân có thể lựa chọn gửi tiết kiệm hay dùng tiền để đầu tư cho chứng khoán, vàng, bất động sản… Bên cạnh đó, có thể kể đến một số nhân tố khiến cho sản phẩm thay thế trở thành mối đe dọa đối với hoạt động bán lẻ của ngân hàng: Mức giá tương đương của dịch vụ thay thế; chi phí chuyển đổi sản phẩm thấp; khách hàng không nhận thức rõ về độ khác biệt sản phẩm; thói quen tiêu dùng của khách hàng; sự thay thế công nghệ và cải tiến sản phẩm.
Thực tế, tại Việt Nam dịch vụ thay thế có tính tương tự như dịch vụ của ngân hàng là có, nhưng mức độ đa dạng và chuyên biệt không thể ngang bằng các NHTM. Vì thế lực lượng này chưa đủ mạnh để ảnh hưởng đến xu hướng sử dụng sản phẩm thay thế của khách hàng.
Thứ năm, mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng hiện tại. Sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam hiện nay đang tồn tại sự ganh đua quyết liệt dưới nhiều hình thức. Một số nhân tố thể hiện mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng hiện tại như:
- Ngày càng xuất hiện nhiều ngân hàng tham gia vào thị trường.
- Sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng không quá khác biệt do tính chất chuẩn hoá của các sản phẩm. Đồng thời, hiện nay các ngân hàng đều cung cấp gần như đầy đủ một danh mục các sản phẩm tài chính cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
- Tương ứng với sự đa dạng của các loại dịch vụ, hình thức cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng cũng rất đa dạng. Bên cạnh việc cạnh tranh bằng giá, các ngân hàng tìm nhiều phương thức để cạnh tranh với đối thủ như tạo sự khác biệt cho sản phẩm, phát triển các dịch vụ gia tăng kèm theo, đổi mới, cải tiến công nghệ, đẩy mạnh quảng cáo, cải tiến phương thức bán hàng, chú trọng quản trị thông tin khách hàng…
Phân tích theo mô hình năm lực lượng cạnh tranh của Michael Porter cung cấp một cái nhìn toàn diện về các yếu tố thuộc môi trường tác nghiệp tác động đến năng lực cạnh tranh của các NHTM. Đối với từng ngân hàng, phân tích mô hình này cho phép ngân hàng so sánh tác động của năm lực lượng cạnh tranh đối với ngân hàng mình và đối với các ngân hàng đối thủ khác. Từ đó, đánh giá được vị thế cạnh tranh của mình, lường trước được phản ứng của đối thủ trước sự tác động của lực lượng cạnh tranh.
1.2.5. Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với hệ thống ngân hàng thương mại
1.2.5.1. Tác động tích cực
a. Tạo ra nguồn vốn mới và đưa đến các thông lệ quốc tế trong hoạt động giám sát ngân hàng
Một vấn đề khá đặc trưng ở các quốc gia đang phát triển hoặc có nền kinh tế chuyển đổi là các thành viên sáng lập, cổ đông, các cơ quan chủ quản và khách hàng lớn của các ngân hàng thương mại thường có mối quan hệ rất gần gũi. Các ngân hàng nước ngoài khi tham gia hoạt động tại các thị trường của các
quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển thường không dính dáng hoặc liên quan và rất cần trọng trong việc cho vay các hoạt động có tính liên hệ mật thiết này. Một thực tế là, sự tham gia thị trường của các ngân hàng nước ngoài đã mang lại các nguồn vốn mới cho nhiều quốc gia đang phát triển đã từng trải qua các cuộc khủng hoảng và họ cũng mang đến những thông lệ quốc tế trong hoạt động giám sát ngân hàng.
b. Nguồn vốn được phân bổ hiệu quả hơn
Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng tài chính sẽ khiến cho nguồn vốn trở nên sẵn có hơn trên thị trường do tiết kiệm tư nhân sẽ gia tăng. Lãi suất được tự do hóa và trở nên thực dương tạo ra sự hấp dẫn đối với người gửi tiền tiết kiệm. Sự giao động của lãi suất cũng như tỷ suất lợi tức sẽ khiến cho vốn được phân bổ vào những nơi thực sự có nhu cầu về vốn và những nơi vốn được sử dụng một cách có hiệu quả. Điều này có nghĩa là, vốn sẽ được lưu chuyển một cách hiệu quả từ dư thừa tới nơi khan hiếm thông qua cơ chế thị trường tự do.
c. Cải thiện sự hiệu quả của hệ thống ngân hàng trong nước
Việc cho phép các ngân hàng nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước có thể góp phần cải thiện sự hiệu quả và ổn định của hệ thống ngân hàng trong nước. Điều này có được là do các ngân hàng nước ngoài tham gia vào việc cải thiện chất lượng, giá cả và cung ứng các công cụ tài chính mới cho thị trường trong nước, nâng cao các kỹ năng và trình độ quản lý cũng như tăng cường tính cạnh tranh ở thị trường trong nước.
Thêm vào đó, do các ngân hàng nước ngoài có khả năng tiếp cận tốt hơn tới các nguồn vốn ở bên ngoài, vì vậy họ có nhiều hình thức tài trợ và cho vay phù hợp hơn so với ngân hàng trong nước. Các ngân hàng nước ngoài dường như cũng nắm được danh mục đầu tư tín dụng đa dạng hóa hơn và đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi những cơn sốc hoặc thời kỳ khủng hoảng ở các quốc gia họ đến đầu tư. Sự hiện diện của các định chế tài chính nước ngoài sẽ giúp cho các định chế tài chính trong nước có cơ hội tiếp cận được với các thị trường vốn quốc tế; áp dụng các công cụ và kỹ thuật tài chính mới; cải tiến khuôn khổ giám sát và điều tiết. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng trong nước.
d. Nâng cao trình độ quản lý của các ngân hàng trong nước
Sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài sẽ là điều kiện để hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra và được thực hiện. Các ngân hàng nước ngoài sẽ thuê người bản địa có trình độ cao. Sau khi làm việc tại các ngân hàng nước ngoài, số lao động được các ngân hàng nước ngoài tuyển dụng sẽ thu nạp được kỹ năng và công nghệ ngân hàng quốc tế và có khả năng chuyển giao cho các ngân hàng trong nước khi họ quay trở lại làm việc cho các ngân hàng trong nước. Sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài cũng sẽ góp phần cải thiện trình độ quản lý tín dụng và qua đó sẽ cải thiện sự phân bổ các nguồn tín dụng cho nền kinh tế. Có nhiều quan điểm cho rằng, các ngân hàng nước ngoài có khả năng tốt hơn trong việc định giá, đánh giá rủi ro đối với các công cụ tài chính phái sinh vì họ có kinh nghiệm hơn trên thương trường quốc tế.
e. Cải thiện sự ổn định của hệ thống ngân hàng trong nước
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài có thể đáp ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế và góp phần làm cho hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn cũng như góp phần giảm các cú sốc từ bên ngoài (như khủng hoảng). Thị trường tài chính trong nước sẽ có sự ổn định hơn bởi vì các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc các ngân hàng con của họ có thể có được sự trợ giúp vốn khi cần thiết từ ngân hàng mẹ trong trường hợp bất ổn.
Sự tham gia của các ngân hàng có uy tín, có quy mô hoạt động toàn cầu vào thị trường trong nước có thể được coi là sự nhập khẩu cơ chế quản lý cho hệ thống tài chính của quốc gia đó. Điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp một chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động dưới sự kiểm soát thống nhất theo các điều kiện của Hiệp ước Basel. Giả định, có một ngân hàng con của một ngân hàng nước ngoài (là một pháp nhân độc lập với tài sản có riêng) có hoạt động tại một quốc gia nào đó, do hiệu ứng danh tiếng nên buộc các ngân hàng mẹ sẽ phải giám sát chặt chẽ các hoạt động của ngân hàng con. Khi ngân hàng nước ngoài tham gia cung cấp một sản phẩm dịch vụ mới cho thị trường, nó buộc đội ngũ thanh tra giám sát ngân hàng ở quốc gia đó phải được nâng cấp, cải thiện để có khả năng đáp ứng được yêu cầu thanh tra theo chuẩn mực quốc tế đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.
Ngoài ra cũng cho thấy rằng, sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài cũng góp phần làm tăng tính ổn định của hệ thống ngân hàng trong nước bằng cách cho phép những khách hàng gửi tiền trong nước có thể mở tài khoản và chuyển sang gửi tại ngân hàng nước ngoài tại nước đó nếu những người gửi tiền không tin tưởng vào sự ổn định của các ngân hàng trong nước khi có khủng hoảng xảy ra, điều này sẽ giúp ổn định tổng số tiền gửi của hệ thống.
Theo kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, các ngân hàng nước ngoài quy mô lớn có chi nhánh hoặc ngân hàng con thường không “tháo chạy” trong trường hợp có khủng hoảng xảy ra tại quốc gia mà họ có chi nhánh hoặc ngân hàng con hoạt động. Rất có thể nguyên nhân chính dẫn đến việc không tháo chạy của các ngân hàng nước ngoài là vì họ đã bỏ ra một khoản vốn lớn đầu tư vào các tài sản cố định để thiết lập mạng lưới chi nhánh và để có được thị phần. Thực tế, các ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thường bền vững và ổn định hơn trong việc cung cấp tín dụng cho khách hàng sau thời kỳ khủng hoảng. Theo kết quả nghiên cứu của nhà kinh tế học Clark Et Al (2000) cho thấy, huy động vốn của các ngân hàng nước ngoài tại Argentina trong thời kỳ khủng hoảng tài chính vào giữa thập kỷ 90 tăng trưởng đáng kể và theo một nghiên cứu khác của Kraft (2002) thì các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã đóng vai trò là những nơi đầu tư an toàn cho những người gửi tiền trong thời kỳ khủng hoảng ngân hàng ở Croatia vào năm 1998.
f. Chất lượng dịch vụ tài chính tốt hơn với chi phí thấp hơn
Hầu hết các ngân hàng nước ngoài đều thực hiện cơ chế công bố thông tin minh bạch, thực hiện chế độ kế toán theo chuẩn mực quốc tế. Sự cạnh tranh cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng cũng như trong việc nhận được nguồn tài trợ hay các dịch vụ tài chính sẽ buộc các ngân hàng trong nước phải từng bước áp dụng các thông lệ quốc tế như các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhờ đó thông tin tổng thể về tình trạng hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện, thị trường tài chính trong nước sẽ hoạt động có kỷ luật hơn và có khả năng cạnh tranh cao hơn do giảm thiểu được sự bất cân xứng về mặt thông tin và qua đó giảm các hiệu ứng bất lợi như sự lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức. Kết quả là các khách hàng của ngân hàng sẽ có được các dịch vụ tài chính với chất lượng cao và chi phí thấp hơn.