Những Nội Dung Đã Thống Nhất Và Khoảng Trống Cần Nghiên Cứu Trong Luận Án Về Hiệu Quả Hoạt Động Tín Dụng Của Ngân Hàng


KOLAPO,T.Fuso&AYENI,R.Kolade&OKE,M.Ojo (2012) đã nghiên cứu 5 ngân hàng lớn tại Nigeria trong giai đoạn 2000-2010 qua mô hình về đánh giá hiệu quả tín dụng dựa trên mức độ rủi ro qua các nhân tố ROA, tỷ lệ nợ xấu, nợ mất vốn, dư nợ cho vay, tổng tiền gửi, phân loại cho vay. Dựa trên các nhân tố trên tác giả đã chỉ ra sự ảnh hưởng của rủi ro tín dụng đối với hiệu quả hoạt động ngân hàng cụ thể nếu nợ xấu tăng 100% thì thì ROA sẽ giảm 6,2%, nợ mất vốn tăng 100% thì lợi nhuận giảm 0,65%, tổng dự nợ tăng 100% thì lợi nhuận tăng 9,6%. Từ đó đưa ra nhận định đối với các ngân hàng tại Nigeria muốn đạt được hiệu quả kinh doanh cao cần phải tăng cưởng khả năng phân tích tín dụng và quản lý cho vay, các cơ quan pháp luật cần phải chú ý đến sự tuân thủ của các ngân hàng trong hoạt động của mình. Việc tếp cận về hiệu quả kinh doanh ngân hàng qua các chỉ số trên sẽ giúp tác giả hoàn thiện hơn trong việc đánh giá thực trạng đối với các NHTM tại Việt Nam nói chung và khu vực Hà nội nói riêng.

Paula Hill (2009) đề cập đến sự khác nhau của hiệu quả tín dụng tiếp cận từ các chỉ số tín dụng, đề cập đến các chỉ số xếp hạng tín dụng của các cơ quan xếp hạng tín dụng có uy tín như Standards and Poor (S&P), Moody’s and Fitch. Nghiên cứu này sẽ làm cho luận án có hướng nghiên cứu mới áp dụng theo các chuẩn mực tín dụng trên thế giới. Việc nghiên cứu các chỉ số tín dụng do các cơ quan xếp hạng tín dụng uy tín sẽ là nguồn thông tin quan trọng để các ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của mình để đưa ra những cải tổ phù hợp để thích ứng với chuẩn mực của thế giới. Việc tiếp cận chất ượng tín dụng qua các chỉ số xếp hạng sẽ đánh giá được hiệu quả tổng quan về hoạt động của mỗi ngân hàng.

Felicia Omowunmi Olokoyo (2011) đưa ra các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả HĐTD qua việc nghiên cứu các hành vi cách thức cho vay tại các NHTM của Nigeria. Theo đó tác giả đã đưa ra mô hình nghiên cứu Var dựa trên nguồn dữ liệu của 89 ngân hàng trong giai đoạn 1980-2005. Với mô hình này tác giả đã đề cập đến những tác động của các biến số vĩ mô cũng như vi mô tới HĐTD, trong đó các biến số vi mô bao gồm; quy mô tín dụng, danh mục đầu tư, lãi suất, dự trữ tiền mặt bắt buộc, tỷ lệ thanh khoản. Các biến vĩ mô được nghiên cứu bao gồm; GDP và tỷ giá. Theo đó tác giả đưa ra kết luận: quy mô về tiền gửi của ngân hàng cũng như danh mục cho đầu tư cho vay sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng cho vay.

Bogdan Florin Filip (2015) đã đánh giá về chất lượng khoản vay của ngân hàng trong khuôn khổ toàn cầu hóa tại Romania và EU trong giai đoạn 2000 - 2012, tác giả đưa ra phân tích đến khái niệm về chất lượng khoản vay và nợ xấu (NPLs), phân tích mối quan hệ ngược chiều giữa chất lượng khoản vay và nợ xấu, tác giả chỉ ra rằng nợ xấu ngày càng gia tăng tại Romania từ 3.10% năm 2000 lên 14.33% năm 2011 và tại


EU là 3,8% năm 2000 lên 6% năm 2011. Qua việc phân tích mô hình tác giả chỉ ra mối tương quan giữa nợ xấu và tăng trưởng GDP, tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý cho vay của các ngân hàng.

1.1.2. Các nghiên cứu trong nước

Luận án vận dụng các quan điểm về tín dụng ngân hàng, ngân hàng thương mại của các nhà kinh tế học trên thế giới và chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời dựa trên kết quả nghiên cứu của các luận án và đề tài nghiên cứu tương tự trước đó tại Việt nam và trên thế giới. Với đề tài nghiên cứu này là một vấn đề rộng đã có một số tác giả đề cập đến qua các luận án, những công trình nghiên cứu, đề tài khoa học cấp bộ ngành và được tiếp cận dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Qua quá trình nghiên cứu, tác giả đã thu thập và chắt lọc những điểm quan trọng liên quan đến luận án qua một số nghiên cứu trong nước có liên quan đến HĐTD như sau:

Trần Thị Hồng Hạnh (1996) tác giả đã làm rõ thêm về tín dụng, chất lượng tín dụng, phân tích thực trạng HĐTD, các nhân tố ảnh hưởng cũng như các cơ chế quản lý chất lượng HĐTD của các NHTM Việt Nam giai đoạn 1990 - 1996. Việc nghiên cứu chất lượng tín dụng đóng vai trò quan trọng đối với các NHTM trong giai đoạn này khi mà nền kinh tế đang trong quá trình phát triển vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 148 trang tài liệu này.

Nguyễn Văn Hưng (2003) đã đưa ra lý luận cơ bản về quy chế bảo đảm tiền vay của NHTM, nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan đến bảo đảm tiền vay tác động đến HĐTD, tác giả đã chỉ ra cơ chế bảo đảm tiền vay, tài sản đảm bảo nhằm hạn chế rủi ro đối với ngân hàng góp phần nâng cao chất lượng tín dụng của NHTM. Nghiên cứu về quy chế đảm bảo tiền vay có tính chất quan trọng và là một nhân tố chủ yếu tác động đến hiệu quả HĐTD của ngân hàng nhằm giảm nợ xấu và chi phí dự phòng của ngân hàng.

Nguyễn Kim Anh (2004) đã đưa ra những lý luận cơ bản về nghiệp vụ tín dụng từ đó phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của nghiệp vụ tín dụng của NHTM Việt Nam như: công tác thẩm định cho vay, đánh giá tài sản đảm bảo, quản trị rủi ro tín dụng ... đây cũng là những yếu tố tác động đến hiệu quả HĐTD.

Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng của các Ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hà Nội - 3

Trần Thị Xuân Hương (2004) đã nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng của Ngân hàng thương mại trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế qua việc xây dựng các hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tín dụng thông qua thực trạng hoạt động của NHTM trong quá trình hội nhập giai đoạn 2000-2004. Tác giả đã xây dựng


nhiều chỉ tiêu đánh giá khác nhau như dư nợ cho vay, doanh số thu nợ, nợ xấu... để

phản ánh hiệu quả tín dụng ngân hàng.

Phạm Thị Bích Lương (2006) cho rằng mục đích trong hoạt động của NHTM là lợi nhuận, tác giả đã tiếp cận từ các góc độ: ngân hàng, khách hàng, xã hội trong đó hiệu quả xét về phía ngân hàng được thể hiện qua các chỉ tiêu phân tích như: ROE, ROA, chênh lệch lãi suất, các chỉ tiêu để đánh giá thu nhập, chi phí, khả năng thanh toán. Từ việc phân tích các chỉ tiêu và nhân tố ảnh hưởng tác giả đã đưa ra những hạn chế như: các ngân hàng chưa có mức độ an toàn vốn cao, quản trị rủi ro còn hạn chế, tăng trưởng tín dụng cao nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro thể hiện ở tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng, nhiều ngân hàng còn hoạt động thua lỗ, chi phí ngày một tăng. Nguyên nhân là do năng lực tài chính của các ngân hàng còn thấp vốn tự có không đảm bảo, công tác quản trị điều hành chưa bắt kịp được trong điều kiện mới, việc đầu tư trang bị còn thiếu thốn, tình hình kinh tế khó khăn nhiều doanh nghiệp phá sản không trả được nợ... Từ việc phân tích tác giả đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của NHTM Việt Nam như: nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng, nâng cao công tác quản trị, xử lý nợ, cơ cấu lại hoạt động ngân hàng theo thông lệ quốc tế, tăng cường công tác quản trị rủi ro, các ngân hàng cần chủ động có kế hoạch và định hướng kinh doanh rõ ràng trong từng thời kỳ. Với luận án này tác giả đã xây dựng chỉ tiêu phân tích, nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các NHTM nhà nước từ đó tìm ra giải pháp trong đó hiệu quả của HĐTD là nhân tố chủ yếu cấu thành nên hiệu quả kinh doanh của cả ngân hàng.

Nguyễn Thị Thu Đông (2012) nghiên cứu chất lượng tín dụng với phạm vi nghiên cứu là VCB, nghiên cứu được đặt trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình đổi mới nền kinh tế và đang thực hiện các chính sách mở cửa đối với lĩnh vực ngân hàng. Tác giả nghiên cứu chất lượng tín dụng theo hướng tiếp cận từ phía thẩm định khách hàng vay vốn thông qua hệ thống xếp hạng tín dụng được áp dụng tại hệ thống VCB và chỉ ra rằng việc phản ánh chất lượng tín dụng qua việc áp dụng hệ thống xếp hạng chấm điểm tín dụng đối với khách hàng để ra quyết định cho vay là một tất yếu của các NHTM trong thời kỳ mở cửa áp dụng theo các thông lệ quốc tế, từ đó đánh giá được thực chất hoạt động kinh doanh của khách hàng thông qua nhiều tiêu chí khác nhau nhằm hạn chế được rủi ro. Từ việc đánh giá và phân tích dữ liệu qua hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đối với danh mục khách hàng vay vốn tại VCB tác giả đã đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng tín dụng tại các NHTM như việc áp dụng quy trình cho vay, hệ thống quản trị rủi ro, chất lượng thẩm định khoản cho vay...


Nguyễn Thị Như Thủy (2015) đã nêu hiệu quả tín dụng từ góc độ ngân hàng dựa trên hai nhóm chỉ tiêu. Nhóm chỉ tiêu thứ nhất là đo lường hiệu quả tín dụng qua việc xác định hiệu quả tín dụng cuối cùng là lợi nhuận từ HĐTD thể hiện qua quy mô và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ HĐTD. Nhóm chỉ tiêu thứ hai là đo lường hiệu quả tín dụng thông qua nhóm chỉ tiêu trung gian gồm: nhóm chỉ tiêu đánh giá tín dụng chung được thể hiện qua quy mô tín dụng và chỉ tiêu phản ánh tốc độ tăng doanh số từ tín dụng, nhóm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả trực tiếp thể hiện qua tỷ lệ nợ xấu, hiệu quả sử dụng vốn, hệ số rủi ro tín dụng, hệ số thu nợ, vòng quay vốn tín dụng. Từ việc đưa ra các chỉ tiêu phân tích, tác giả nêu các nhân tố ảnh hưởng bao gồm các nhân tố bên trong và bên ngoài ngân hàng. Các nhân tố bên trong được thể hiện qua chính sách tín dụng, khả năng huy động vốn, chất lượng bộ máy tổ chức quản lý, chất lượng cán bộ tín dụng, quy trình tín dụng, kế hoạch kinh doanh ngân hàng, hệ thống thông tin tín dụng, kiểm tra kiểm soát nội bộ, công nghệ ngân hàng, uy tín của ngân hàng, danh mục khách hàng truyền thống, chất lượng quản trị rủi ro tín dụng. Các nhân tố bên ngoài gồm môi trường pháp lý, những chủ trương chính sách của NHNN và các cơ quan có thẩm quyền khác. Từ đó tác giả đưa ra các giải pháp: nâng cao hiệu quả sử dụng vốn hợp lý, xác định vòng quay vốn tín dụng phù hợp, gia tăng tài sản có và giảm bớt rủi ro tín dụng, giảm tỷ lệ nợ xấu... Luận án được tác giả nghiên cứu thực tiễn tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam và có sự so sánh với các ngân hàng khác trên địa bàn.

Lâm Chí Dũng & Phan Đình Anh (2009) sử dụng mô hình KMV- MERTON để lượng hóa rủi ro HĐTD thông qua các biến: tỷ lệ cho vay tối đa trên giá trị tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng vốn của người vay và số lần người vay sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo. Với nghiên cứu này tác giả đã lượng hóa được một phần rủi ro tín dụng dựa trên cho vay có tài sản đảm bảo, nghiên cứu này cũng rất hữu ích cho các ngân hàng vận dụng vì phần lớn khoản cho vay hiện nay là dựa trên tài sản đảm bảo, đây cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả HĐTD của ngân hàng.

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (2015) trong tài liệu hội thảo khoa học về xử lý tài sản đảm bảo trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng thực trạng và giải pháp đã có nhiều tác giả đưa ra những ý kiến về hoạt động tín dụng của các NHTM hiện nay và công tác xử lý tài sản đảm bảo, việc xử lý tài sản đảm bảo hiệu quả sẽ giúp cho các tổ chức tín dụng thu hồi được nợ xấu từ đó hoàn được dự phòng rủi ro và làm cho hiệu quả tín dụng nói riêng và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng nói chung được nâng cao.


Trong các luận án các bài nghiên cứu trên cũng có nhiều đề tài nghiên cứu xoay quanh hoạt động tín dụng như nghiên cứu về chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng, với mô hình hoạt động ngân hàng của từng quốc gia khác nhau. Dựa trên các luận án các bài viết đã được nghiên cứu, tác giả sẽ vận dụng những chính sách tín dụng gần đây để nghiên cứu đây là điểm mới vì trong giai đoạn từ 2010 đến nay nền kinh tế thế giới có nhiều suy thoái và nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề như tỷ lệ lạm phát cao đặc biệt là hoạt động ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ sau thời kỳ tăng trưởng nóng hàm chứa nhiều rủi ro, các chính sách tín dụng luôn thay đổi đòi hỏi các ngân hàng vừa tăng trưởng tín dụng bền vững nhưng cũng vừa đảm bảo được các mục tiêu chung của nền kinh tế.

1.2. Những nội dung đã thống nhất và khoảng trống cần nghiên cứu trong luận án về hiệu quả hoạt động tín dụng của ngân hàng

1.2.1. Những nội dung đã thống nhất về hiệu quả hoạt động tín dụng qua các nghiên cứu trong nước cũng như nước ngoài

Qua một số đề tài nghiên cứu trong nước cũng như thế giới gần đây có thể thấy, tín dụng là hoạt động cơ bản của ngân hàng là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối rộng, việc nghiên cứu về HĐTD đã có nhiều luận văn, luận án cũng như các công trình nghiên cứu cấp bộ ngành đề cập đến ở những khía cạnh khác nhau xoay quanh đến HĐTD. Qua các nghiên cứu trong nước cũng như nước ngoài nêu trên phần lớn các nghiên cứu có những nội dung tổng quan như sau:

Trong hoạt động ngân hàng thì tín dụng là hoạt động truyền thống chiếm tỷ trọng lớn nhất, do vậy hiệu quả trong kinh doanh chung của ngân hàng cần xét đến hiệu quả HĐTD vì nó đóng vai trò quan trọng và quyết định đến sự phát triển của mỗi ngân hàng.

Về hiệu quả tín dụng được đánh giá đo lường cả về định tính và định lượng những chỉ tiêu có thể đo đếm được có thể kể đến như: lợi nhuận, tỷ lệ nợ quá hạn, tỷ lệ an toàn vốn... những chỉ tiêu về định tính có thể kể đến như thương hiệu của ngân hàng, trình độ cán bộ nhân viên...

Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả tín dụng của ngân hàng là một phạm trù rộng và có rất nhiều các nhân tố khác nhau tác động đến hiệu quả tín dụng của một ngân hàng như: công tác quản trị rủi ro, chấm điểm xếp hạng tín dụng, quản lý tài sản đảm bảo, năng lực cán bộ ngân hàng, môi trường kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ tín dụng của ngân hàng trung ương....


Đặc biệt theo các công trình nghiên cứu ngoài nước để đảm bảo HĐTD của ngân hàng được hiệu quả các ngân hàng cần phải đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn theo các chuẩn mực quốc tế, đồng thời cần phải có các giải pháp về chiến lược, các chính sách hợp lý để phát triển.

1.2.2. Khoảng trống nghiên cứu

Qua các nghiên cứu tổng thể về hoạt động của NHTM, HĐTD, các chỉ tiêu đo lường đánh giá hiệu quả tín dụng của các tác giả và nhà khoa học đã nghiên cứu, luận án tập trung nghiên cứu hiệu quả HĐTD của các ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà nội không do nhà nước chi phối do vậy các nội dung luận án sẽ giới hạn cũng như tập trung giải quyết bao gồm:

Luận án tập trung nghiên cứu một chỉ tiêu duy nhất quan trọng nhất để đo lường đánh giá hiệu quả HĐTD là tỷ suất lợi nhuận thuần về HĐTD. Từ việc tính toán tỷ suất lợi nhận thuần từ HĐTD của ngân hàng luận án lưu ý đi sâu vào giải quyết vấn đề chi phí dự phòng đây là vấn đề trọng tâm mà các ngân hàng cần phải giải quyết hiện nay.

Nghiên cứu so sánh số liệu về thực trạng hiệu quả tín dụng của các ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà nội không do nhà nước chi phối giai đoạn 2012-2016 trong đó lấy số liệu của 05 ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà nội không do nhà nước chi phối chiếm tỷ trong chủ yếu để phân tích là: MB, TCB, VPB, SHB, MSB và có sự so sánh với VCB đây là ngân hàng TMCP do nhà nước chi phối có hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả.

Những cơ hội và thách thức đối với các Ngân hàng TMCP trên địa bàn về việc phát triển tín dụng an toàn trong bối cảnh hoạt động ngân hàng đang bộc lộ nhiều hạn chế như: nợ xấu tăng cao, công tác quản trị rủi ro yếu kém, nhiều ngân hàng bị âm vốn, các vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng ngày càng gia tăng… đồng thời có sự cạnh tranh gay gắt đối với các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Thời gian nghiên cứu của luận án gắn liền với quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn đầu triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu từ 2016-2020 của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước

Các giải pháp và khuyến nghị mà Chính phủ, NHNN cần thực hiện và hỗ trợ để các ngân hàng TMCP phát triển nâng cao được hiệu quả HĐTD từ đó làm cho hoạt động ngân hàng được an toàn và hiệu quả.


1.3. Phương pháp nghiên cứu

1.3.1. Tiếp cận vấn đề nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận về HĐTD của các ngân hàng TMCP không do nhà nước chi phối trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua tình hình kinh doanh của các Ngân hàng TMCP trên địa bàn luận án chứng minh HĐTD của mỗi ngân hàng vẫn là hoạt động quan trọng nhất đem lại lợi nhuận, bên cạnh đó HĐTD trong những năm gần đây có nhiều biến động chịu nhiều ảnh hưởng của các nhân tố tác động đặc biệt là nợ xấu cao ảnh hưởng đến chi phí dự phòng từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng và từ đó cho thấy sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả từ HĐTD.

1.3.2. Phương pháp thu thập số liệu

Nguồn số liệu tác giả sử dụng trong luận án là số liệu thứ cấp chủ yếu lấy từ: Báo cáo thường niên, báo cáo tài chính của các Ngân hàng, số liệu được thu thập trong giai đoạn 2012 – 2016 qua báo cáo đăng tải trên wedsite của từng ngân hàng. Ngoài ra tác giả sử dụng nguồn số liệu từ NHNN qua các thời kỳ, các số liệu điều tra của riêng tác giả về tình hình hoạt động của các ngân hàng TMCP trong cả nước qua thực tế kinh nghiệm trong công việc, các website về lĩnh vực tài chính ngân hàng như: cafef.vn, antt.vn....

1.3.3. Phương pháp xử lý và phân tích số liệu

Số liệu thứ cấp được thu thập, phân loại và hệ thống hóa theo năm tài chính trên cơ sở báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng TMCP không do nhà nước chi phối trên địa bàn Hà Nội.

Phương pháp thống kê mô tả: trên cơ sở thống kê số liệu thu thập được, tác giả thực hiện mô tả và diễn giải các số liệu và chỉ ra những đặc tính cơ bản nhất của nguồn số liệu thu thập được.

Phương pháp tổng hợp, phân tích kinh tế: Trên cơ sở tổng hợp, phân tích một số công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài, từ đó rút ra những vấn đề lý luận cụ thể về hiệu quả HĐTD ngân hàng.

Phương pháp nghiên cứu so sánh và phương pháp logic: nhằm phân tích đánh giá, xem xét sự tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả HĐTD dựa trên chỉ tiêu chủ yếu là lợi nhuận thuần từ HĐTD.

Phương pháp phân tích theo cấu trúc logic của các tài liệu thu thập được: dựa trên các tài liệu thu thập được, tác giả tiến hành phân tích các số liệu đặc biệt là các số liệu liên quan đến các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả HĐTD của ngân hàng như: Dư nợ cho vay, chi phí hoạt động, chi phí dự phòng, nợ xấu... từ đó rút ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả HĐTD của các Ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà nội.


KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Tín dụng là hoạt động cơ bản của ngân hàng, thu hút được nhiều sự quan tâm của các học giả, nhà nghiên cứu, ngân hàng trong nước và thế giới và đã có nhiều các quan điểm của các nhà khoa học khi nghiên cứu về hiệu quả HĐTD.

Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua đã có nhiều luận án, các công trình nghiên cứu cũng đề cập đến vấn đề này ở những góc độ khác nhau, quá trình nghiên cứu ở những giai đoạn khác nhau và phạm vi nghiên cứu cũng khác nhau. Có thể nói những đề tài nghiên cứu về HĐTD hiện nay vẫn còn là vấn đề nóng bỏng và có nhiều điểm mới đòi hỏi phải có các nghiên cứu khác phù hợp đặc biệt trong tình hình rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng ngày một tăng cao. Bên cạnh đó nghiên cứu của luận án được đặt trong bối cảnh hoạt động ngân hàng đang bộc lộ nhiều hạn chế như: nợ xấu tăng cao, công tác quản trị rủi ro yếu kém, nhiều ngân hàng bị âm vốn, các vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng ngày càng gia tăng… Luận án cũng được nghiên cứu trong giai đoạn triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của Chính Phủ và Ngân hàng nhà nước, đây chính là điểm mới trong nghiên cứu của tác giả.

Dựa trên nghiên cứu tổng quan có liên quan đến đề tài nghiên cứu của các tác giả trong nước và trên thế giới, luận án đã chỉ ra khoảng trống cả về lý luận và thực tiễn và hiệu quả HĐTD vẫn là một vấn đề lớn cần phải nghiên cứu chuyên sâu hơn trên cơ sở những hướng tiếp cận khác nhau cần tiếp tục được giải quyết.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/05/2023