Một số đặc điểm của thơ ca dân tộc Mông thời kỳ hiện đại từ 1945 đến nay - 5


giảng thanh” rất sâu sắc và hóm hỉnh: “Không sờ không sưng/ Càng sờ càng sưng” (cuộn lanh). Với nghệ thuật sử dụng hình tượng, với cách tạo câu và chơi chữ uyển chuyển, câu đố có khả năng làm cho cuộc sống của người Mông thêm sinh động, đồng thời nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng quan sát, óc thông minh rất cần thiết cho cuộc sống.

Nhìn chung, thơ ca dân gian Mông tồn tại dưới dạng các làn điệu dân ca, tục ngữ, câu đố phong phú cả về nội dung lẫn hình thức. Đó là sự thể hiện những quan niệm về vũ trụ, quan niệm về nhân sinh, là sự cảm nhận về thiên nhiên, con người và các mối quan hệ tình cảm như tình yêu, hôn nhân, quan hệ gia đình, xã hội, lối sống và phương thức ứng xử, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Bên cạnh đó, thơ ca dân gian Mông nói chung còn thể hiện tiếng hát than thân, phản kháng những thói xấu và cái ác trong xã hội bằng một lối tư duy nghệ thuật rất đặc thù trong kết cấu và biểu hiện.

1.2.2. Thơ ca hiện đại

Văn học hiện đại các dân tộc thiểu số Việt Nam được hình thành và phát triển từ sau cách mạng tháng tám năm 1945. Nhưng, nói như vậy cũng không có nghĩa là tất cả các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có văn học hiện đại nói chung hay thơ hiện đại nói riêng, càng không dễ để có sự góp mặt vào làng thơ hiện đại Việt Nam những gương mặt nhà thơ tiêu biểu.

Tuy không có thơ ca hiện đại sớm hơn, hay nói rộng hơn, không có nền văn học thành văn sớm hơn như các dân tộc Tày, Thái, Mường, Dao … nhưng thơ ca hiện đại của dân tộc Mông cho đến nay cũng đã có được vị trí và tầm ảnh hưởng nhất định đối với nền văn học nước nhà.

Theo chúng tôi, thơ ca hiện đại dân tộc Mông xuất hiện sớm nhất là vào nửa cuối của những năm 60 của thế kỷ XX, được phổ biến chủ yếu ở các khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc và cũng chủ yếu ở Hà Giang (nơi có khoảng 200


nghìn người Mông sinh sống) và ở Lào Cai (khoảng 110 nghìn người) là những địa phương có số cư dân Mông sinh sống đông hơn cả.

Hiện cũng không biết chắc chắn những bài thơ đầu tiên của các tác giả người Mông được in năm nào nhưng theo chúng tôi, một trong những người có công đầu trong việc dịch thơ của các tác giả dân tộc Mông ra tiếng phổ thông để giới thiệu rộng rãi với bạn đọc là nhà nghiên cứu văn hoá, văn học dân gian Minh Khương (1920 - 2001). Ông đã lựa chọn và dịch thơ của một số tác giả người Mông như Giàng A Páo (Zangz A Paor), Giàng A Lử (Zangz A Lưv), Sùng A Thào (Shong A Thaox), Sùng A Giàng (Shong A Zangx)… tập hợp rồi in trong các tập “Hoa chàm nở” (Ty Văn hoá Thông tin Nghĩa Lộ, 1975), “Mặt trời hoa mây” (Ty Văn hoá Thông tin Hoàng Liên Sơn, 1978).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.

Thời gian này, xuất hiện một số bài thơ mô phỏng dân ca Mông của Hùng Đình Quí, được chính tác giả hát trên sóng của Đài Phát thanh Khu tự trị Việt Bắc, chủ yếu là thơ tuyên truyền, phục vụ cách mạng trong việc vận động bà con dân tộc Mông ở Hà Giang. Một số bài thơ ban đầu của mã A Lềnh ở Lào Cai được nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, thơ ca hiện đại dân tộc Mông được xuất hiện dưới hình thức các tập thơ in riêng của các tác giả người Mông thì phải đợi đến những năm 90 của thế kỷ XX với các tập thơ: “Người Mông nhớ Bác Hồ” (1993); “Chỉ vì quá yêu” (1998) của Hùng Đình Quí. Nhà thơ Mã A Lềnh với các tập “Bên suối Nậm Mơ” (1995), “Mã A Lềnh thơ” (2002); rồi đến các tác giả trẻ hơn như Hờ A Di và thế hệ sau này có sáng tác đôi chút thơ văn như Mã Anh Lâm, Mã Én Hằng, Hùng Thị Hiền xuất hiện trên các báo, tạp chí của các Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương và địa phương.

Một số đặc điểm của thơ ca dân tộc Mông thời kỳ hiện đại từ 1945 đến nay - 5

Thơ ca Mông xuất hiện không nhiều, không dầy dặn và phong phú như thơ ca của một số dân tộc khác như các dân tộc: Tày, Thái, Mường, Chăm … (điều này có lí do riêng của nó) nhưng thơ ca Mông cũng đã xuất hiện và phát triển,


tạo nên một mảng màu riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc Mông, trong bức tranh nhiều màu sắc rực rỡ của thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.

Nhìn vào đội ngũ các thế hệ người Mông làm thơ hôm nay, quả thật hết sức khiêm nhường nếu như so với đội ngũ làm thơ của các dân tộc thiểu số anh em khác. Cứ lấy một tiêu chí “phổ thông” nhất là hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam để khảo sát thì thấy: Số văn nghệ sĩ của người Mông chỉ có 19 người trong khi con số đó ở dân tộc Mường là 27 người, dân tộc Thái là 43 người (chúng tôi không dám so sánh với dân tộc Tày là dân tộc thiểu số có số lượng nhà văn đông hơn cả). Và nếu chỉ tính riêng những người làm thơ thì con số ấy của người Mông còn giảm đi nhiều [26].

Tuy nhiên, dân tộc Mông cũng đã góp mặt vào Hội nhà văn Việt Nam hai gương mặt nhà thơ tiêu biểu cho dân tộc mình là Mã A Lềnh (Lào Cai) và Hùng Đình Quí (Hà Giang). Bên cạnh đó còn có các nhà thơ người Mông khác là hội viên các hội văn học nghệ thuật các tỉnh và các địa phương.

Thơ ca hiện đại dân tộc Mông mang một bẳn sắc riêng như là một sự soi chiếu diện mạo tâm hồn dân tộc Mông trong những góc cạnh khác nhau của cuộc sống cùng những giá trị văn hoá tinh thần được bảo tồn và gìn giữ từ ngàn xưa và trải qua những cuộc thiên di đầy nước mắt và máu. Thơ ca dân tộc Mông nói riêng (cũng như một số thơ ca của các dân tộc thiểu số khác) có “cái độc đáo, đặc sắc riêng của nó, đặc biệt là các bài thơ làm từ tiếng dân tộc, bằng những hình ảnh hình tượng đậm đặc chất dân tộc và miền núi” [58;53].

Thơ ca hiện đại Mông, trước hết, phản ánh những nét đặc trưng về cuộc sống, thiên nhiên, con người của cộng đồng Mông. Thiên nhiên ở đây thật hùng vĩ, tươi đẹp nhưng cũng rất đỗi khắc nghiệt; con người hết sức trung thực, mộc mạc, nhưng cũng rất mạnh mẽ và phóng túng; cuộc sống ở đây đầy khó khăn, gian khổ cộng với những hủ tục lạc hậu - nhưng cũng rất phong phú, đáng yêu và giàu bản sắc.


Người Mông ở chót vót trên những đỉnh núi cao,có những nơi quanh năm mây mù bao phủ, khí hậu khắc nghiệt như là một thử thách cho sự sinh tồn: “Từ một đến hai tháng tuyết phủ trắng phau/ giống nương giống rẫy khoanh tay xếp chân co ro ngồi” (Dân ca Mông). Tuy nhiên, thiên nhiên ở đây cũng thật đẹp, thật thơ mộng: “Mùa đông mây nằm chưa trôi đi, mây mùa xuân đã sà xuống/ Ngọn núi và lưng rừng nào cũng đến mùa xuân hoa đào mới nở” (Núi mọc trong mặt gương- Mùa A Sấu). Thiên nhiên mang một dáng vẻ kiều diễm, rực rỡ đến choáng ngợp: “Mặt trời nâng hoa mây/ Bồng bềnh sáng núi đá”. Ở đó, có những con người sống như những nghệ sĩ tài hoa của núi rừng, vừa mạnh mẽ, phóng túng, vừa mộc mạc, chân thành. Những con người “hồn nhiên như chim khướu chim ri”, sống hết mình đến tận cùng yêu ghét; khi yêu thì mãnh liệt đam mê: “Nếu ta là bông tuyết trắng/ Ta xin tan dưới bàn chân nàng/ Là chàng trai rừng núi/ Ta xin tan trên thân thể nàng” (Mã A Lềnh); khi ghét thì dữ dội quyết liệt: “ Kẻ nào bụng không tốt tỏ lời từ trong quả bầu, ta sẽ bóp chết ngay từ trong trứng” (Mùa A Sấu). Từ tư thế cheo leo của núi, người Mông đã neo đậu, đã tạo nên những bến đỗ vững vàng. Cuộc sống du canh du cư đói nghèo và lạc hậu đã dần qua, người Mông đã có một cuộc sống ổn định, ngày một no ấm và hạnh phúc. Thanh âm của cuộc sống mới vang vọng trong thơ Mông hiện đại với những giai điệu ngọt ngào. Đó là những “Đồi nương ngô chín vàng/ rộn ràng từng hốc đá”, là những “Điệu khèn vui xóm núi/ Tiếng đàn môi giục lòng” (Giàng Xuân Hồ).Đảng và Bác Hồ đã đem lại cho người Mông một cuộc sống mới để người Mông “ở bền nơi, làm bền nơi” để mà “Trồng chè đầy núi/ Trồng rừng xanh rờn” (Giàng A Của).

Thơ ca hiện đại dân tộc Mông mang những đặc trưng riêng về nghệ thuật. Nhiều bài thơ mang hình thức và âm điệu của dân ca với kết cấu đối ngẫu và lối so sánh ví von trùng điệp. Thơ hiện đại Mông dường như có sự


phân chia thành những xu hướng rõ rệt; Xu hướng trung thành với hình thức và ngôn ngữ thơ mang tính truyền thống; đại diện cho xu hướng này là các tác giả: Hùng đình Quí, Mùa A Sấu, Giàng A Páo…; lối thiên về cách tân và những khám phá thể nghiệm như các tác giả: Mã A Lềnh, Giàng Xuân Hồ và đặc biệt là các tác giả trẻ như Mã Anh Lâm, Mã Én Hằng…

Cuộc sống hiện đại, sự giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các dân tộc ngày càng phát triển làm cho các dân tộc thiểu số ngày càng tiếp cận và hội nhập với cuộc sống văn minh. Theo đó, ranh giới khu biệt của bản sắc dân tộc bị mờ đi. Thơ hiện đại dân tộc Mông bước sang một giai đoạn mới. Nếu như trước đây, các tác giả người Mông, vốn đã rất ít ỏi, chủ yếu sáng tác thơ bằng tiếng dân tộc, thì ở những năm đầu của thế kỷ XXI, một lớp trí thức trẻ người Mông đã làm thơ, viết văn bằng tiếng phổ thông, bình đẳng chan hoà với các dân tộc anh em khác. Thơ của họ mang sức sống và hơi thở của cuộc sống hiện đại. Cả cách nghĩ, cách cảm, cách biểu hiện cũng đã có sự khác biệt rạch ròi vói thơ ca truyền thống: “Mùa đông về trên vòm lá/ Rụng dần những mắt thời gian/ Mùa đông chạy trên sườn núi/ Ngập ngừng cây cỏ xám dần” (Mã Anh Lâm).

Từ sau năm 1975, thơ hiện đại dân tộc Mông có sự chuyển hướng về nội dung đề tài, từ những vấn đề chung, lớn lao của dân tộc sang chiều hướng suy tư, chiêm nghiệm của mỗi cá nhân về cuộc đời. Thơ dân tộc Mông đi vào chiều sâu của trí tuệ bằng những suy nghĩ cảm nhận mang dấu ấn cá nhân rõ rệt: “Đêm thức cùng cha/ Sao khuya nhỏ giọt bên thềm/ Lặng thầm/ Cha miệt mài trang sách/ Trang sách nối dài rộng bao la…” (Mã Ngân Hà).

Ngôn ngữ hình ảnh thơ đã thoát khỏi sự ảnh hưởng nặng nề của thơ ca truyền thống dân tộc Mông để từ đó, mỗi nhà thơ tạo cho mình một giọng điêụ riêng, khó trộn lẫn, “chính điều đó đã đem lại sự khoáng đạt trong tâm hồn. Cũng chính vì như vậy những hình ảnh phong phú của ngôn ngữ dân tộc


được phát huy, ý tưởng thơ cũng được khắc sâu hơn” [66]. Thơ hiện đại Mông đã phần nào bắt nhịp và chan hoà vào dòng chảy của thơ ca đương đại. Xuất hiện ngày càng nhiều những bài thơ giàu triết lý, nhiều lớp nghĩa, mang dấu ấn rõ rệt của lý trí nhưng không vì thế mà mất đi những nét bản sắc dân tộc.

Thơ ca hiện đại Mông đã đóng góp cho thơ ca các dân tộc thiểu số nói riêng và thơ ca Việt Nam nói chung một số thành tựu không thể phủ nhận. Đó có thể là một màu sắc trên tấm hoa văn thổ cẩm của thơ ca các dân tộc thiểu số; là một giai điệu bổng trầm đầy quyến rũ trong bản hoà tấu của thơ ca hiện đại Việt Nam. Chính vì vậy mà những sáng tác của các nhà thơ Mông đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng quan trọng của Hội nhà văn và các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương. Những tên tuổi đại diện cho thơ Mông hiện đại phải kể đến là các nhà thơ Mã A Lềnh, Hùng Đình Quí. Bên cạnh đó,nhiều tác giả thơ người Mông khác như: Giàng A Páo, Mùa A Sấu, Hờ A Di… đã được công chúng yêu văn học trong cả nước phần nào biết đến và được cộng đồng người Mông ghi nhận. Thơ của họ đã trụ lại được và nảy mầm, đơm hoa, kết trái trong trái tim và lòng mến mộ của đồng bào.

Mặc dù thơ hiện đại Mông vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định: Với một đội ngũ sáng tác còn mỏng và không đồng đều; với những hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ thơ bằng tiếng phổ thông của một số tác giả; với vốn sống, vốn văn hoá và năng lực bản thân của người cầm bút, chưa thể phản ánh, biểu hiện được đầy đủ về bức tranh thiên nhiên, cuộc sống và con người của dân tộc Mông; những phong tục tập quán, đời sống tinh thần, sinh hoạt phong phú và giàu bản sắc chưa được chuyển tải vào thơ như sự thi vị vốn có của nó. Cốt cách, tâm hồn con người dân tộc Mông chưa được bộc lộ một cách toàn diện. Tuy nhiên, những gì mà thơ hiên đại dân tộc Mông đã đạt được là hết sức đáng trân trọng.Dù chỉ là những vạt nắng mong manh toả ánh trên những đỉnh non cao hùng vĩ, thơ hiện đại dân tộc Mông cũng đã giúp


chúng ta phần nào nhận ra những nét phác thảo về chân dung tinh thần của một dân tộc mà cho đến nay, vẫn đang phần nào còn là bí ẩn.

Có thể nói rằng, với tất cả những gì đã có, những thành công, thành tựu và cả hạn chế của thơ ca hiện đại dân tộc Mông, chúng ta vẫn có quyền mừng vui và phấn khởi vì sự góp mặt của thơ ca hiện đại Mông trong đời sống văn học đương đại nói chung và nền thơ Việt Nam hiện đại nói riêng.

Những nhà thơ, dù tài giỏi đến đâu, cũng không thể tạo dựng được bản sắc văn hoá cho dân tộc mình. Chỉ có bản sắc dân tộc góp phần vẽ lên diện mạo tính cách của nhà thơ; phong tục tập quán nuôi dưỡng tâm hồn họ. Hành trình của dân tộc là đôi cách để họ bay xa. Dân tộc Mông cho dù không phải là một dân tộc thiểu số xuất hiện sớm trên mảnh đất Việt Nam quần tụ hơn 50 dân tộc anh em, cũng không phải là dân tộc có may mắn để có được những điều kiện thuận lợi trong quá trình sinh tồn và phát triển. Bù lại, dân tộc Mông có một bề dày lịch sử đầy đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng từ sự khởi đầu của một “Vương quốc Miêu‟ với một nền văn minh lúa nước đến khi lưu lạc phong trần của những cuộc thiên di đến Việt Nam sống kín đáo và khiêm nhường trên các đỉnh núi cao, vẫn kiên trung một phẩm chất, một bản lĩnh mạnh mẽ đến táo bạo. Những phong tục tập quán, đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của người Mông là một kho tàng phong phú và bí ẩn, tạo nên một cốt cách Mông và được in dấu trong một nền thơ ca phong phú, từ thơ ca dân gian đến thơ ca hiện đại. Giá trị thơ ca của một dân tộc không phải chỉ được đánh giá bằng số lượng bề dày các tác phẩm, bằng đội ngũ đông đảo các nhà thơ, mà còn bằng cả những nét riêng biệt, độc đáo, đầy cá tính và bản sắc trong thơ ca của dân tộc đó. Thơ ca hiện đại Mông có sự kế thừa và phát triển từ một nền văn học dân gian phong phú; có sự sáng tạo bằng tấm lòng yêu mến thơ ca và thái độ trân trọng những giá trị văn hoá truyền thống của các nhà thơ; được nuôi dưỡng từ chiếc nôi thiên nhiên vừa hùng vĩ hoang sơ vừa thơ


mộng trữ tình, con người vừa mạnh mẽ quyết liệt vừa lãng mạn tài hoa; cuộc sống vừa khắc nghiệt vừa tràn đầy thi vị. Tất cả được chiếu rọi qua một lăng kính kì diệu là tâm hồn các nhà thơ để dệt thành những tứ thơ vừa chân thực, vừa tràn đầy cảm xúc. Đó mới chính là những nét hoa văn độc đáo và đặc sắc trên tấm “hoa văn thổ cẩm” được thêu dệt bằng đôi bàn tay khéo léo, bằng sự cần mẫn và sự sáng tạo của tất cả dân tộc thiểu số anh em, góp phần tạo nên một “nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, một nền thơ ca Việt Nam phong phú vừa truyền thống vừa hiện đại.

Xem tất cả 110 trang.

Ngày đăng: 10/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí