Xu Hướng Phát Triển Của Báo Mạng Thế Giới 14

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2


Hoạt động kinh doanh báo mạng ở Việt Nam đã bước qua giai đoạn hình thành và đang trong giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển mới. Hoạt động cung cấp thông tin diễn ra mạnh mẽ cập nhật tin tức liên tục cho công chúng. Các tờ báo đã phân hóa thị trường khách hàng của mình thành nhiều nhóm riêng biệt với định hướng đem những giá trị thông tin chuyên sâu đến cho các nhóm độc giả. Là loại hình báo chí non trẻ nhất nhưng báo mạng đang ngày càng có những ảnh hưởng sâu rộng tới công chúng. Xét về mặt tài chính, các báo điện tử nhìn chung đã đạt được mức thu nhập khá ổn định.

Tuy nhiên hoạt động kinh doanh báo mạng vẫn còn rất sơ khai, sự sơ khai được thể hiện trong hầu hết các khâu của mô hình. Hoạt động sản xuất tin tức dựa vào việc biên tập và sao chép lại tin từ các nguồn mở quá nhiều. Hoạt động marketing bao gồm nghiên cứu thị trường và xúc tiến sản phẩm diễn ra lẻ tẻ, manh mún, thiếu chuyên nghiệp. Các nguồn lực sử dụng chưa được đầu tư sâu, trong đó nguồn lực trí tuệ vẫn kém hơn hẳn các loại hình báo chí truyền thống. Thị trường bị bỏ ngỏ nhiều, đa phần thông tin phục vụ mục đích cập nhật giải trí mà lại chưa đáp ứng được nhu cầu của nhóm độc giả cần thông tin chuyên sâu. Các mối quan hệ đối tác, quan hệ khách hàng còn sơ sài và các kênh tiếp cận với thị trường độc giả bị hạn chế do mặt bằng công nghệ trong nước vẫn thấp. Tất cả những yếu tố này hình thành nên một mô hình kinh doanh thông tin sơ khai với cơ cấu tài chính còn rất đơn giản.

Bước vào thời kỳ phát triển mới này, mô hình kinh doanh báo điện tử Việt Nam đang mang trong mình những yếu tố bất ổn lớn.

Sự bất ổn lớn nhất nằm ở khâu sản xuất ra sản phẩm tin tức, cụ thể là cách thức các tờ báo mạng coi việc sao chép như là một hoạt động nòng cốt để tạo ra nội dung cho riêng mình. Thói quen sao chép tin bài giữ lại từ giai đoạn hình thành, nay đã trở thành vấn nạn phát triển sâu rộng rất khó chấm dứt khiến cho môi trường kinh doanh trở nên lộn xộn mà tính cạnh tranh vẫn thấp. Điều này một mặt gây khó khăn cho các nhà quản lý, mặt khác tác động xấu tới chính hoạt động của các báo mạng. Khi hoạt động kinh doanh thông tin trực tuyến phát triển cao lên, chất lượng

và bản quyền nội dung tin sẽ có tác động lớn tới chính doanh thu của tờ báo. Nếu tình trạng sao chép thông tin bừa bãi vẫn tiếp diễn, hậu quả sẽ là mô hình kinh doanh báo chí bị bóp méo, khó có thể vận hành được tốt theo đúng mục tiêu ban đầu.

Sự bất ổn thứ hai nằm ở giá trị của sản phẩm thông tin. Xu hướng đưa thông tin giải trí, câu khách đang ngày càng gia tăng. Điều đó có nghĩa là nhiều tờ báo mạng đang đi theo hướng sản xuất ra các sản phẩm thông tin cấp thấp, ưu tiên số lượng hơn chất lượng. Trong khi đó những bài viết nội dung sâu sắc, có giá trị đối với nhận thức công chúng của những tên tuổi lớn trong làng báo lại không tiếp cận gần được với độc giả trực tuyến, khiến họ không biết đến hoặc không thực sự quan tâm.

Một vấn đề nữa là tốc độ phát triển chậm chạp của báo mạng. Trong nhiều năm phát triển người ta vẫn chưa thấy được sự đột phá hay sáng tạo đáng kể nào ở các tờ báo mạng. Và cho đến nay loại hình báo mạng vẫn chưa xây dựng được hình ảnh lớn trong suy nghĩ của công chúng.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

CHƯƠNG 3 – GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH KINH DOANH BÁO MẠNG TẠI VIỆT NAM‌‌


Mô hình kinh doanh Báo mạng tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp - 10

3.1. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA BÁO MẠNG


3.1.1. Xu hướng phát triển của báo mạng thế giới14


Báo mạng thay thế báo in


Báo giấy đang ngày càng trở thành một phương tiện truyền thông lỗi thời và bị thất thế so với báo điện tử ở Mỹ. Một nghiên cứu hồi tháng 3 của Hiệp Hội Báo In Hoa Kỳ (NNA) cho thấy với các tờ báo lớn và được tín nhiệm nhất ở nước Mỹ như New York Times, Washington Post, số người đọc báo qua mạng nhiều gấp 1,5

– 4 lần số người đọc báo in (New York Times: 12,8 triệu/5 triệu; Washington Post:

7.8 triệu/1.8 triệu, Los Angeles Times: 4.3 triệu/2.4 triệu). Độc giả nước này mà chủ yếu là giới trẻ đang có xu hướng sử dụng Internet làm nguồn tin chính, trong khi đó báo chí và truyền hình trung ương ngày càng ít được sử dụng. Theo một cuộc điều tra, 44% số người được hỏi trả lời họ dùng các news portal như Yahoo ít nhất 1 lần mỗi ngày, 37% sử dụng truyền hình địa phương, tiếp theo đó là truyền hình trung ương hoặc cáp và báo in (19%). Số người đọc báo in đã giảm sút mạnh kể từ khi có mặt các công nghệ mới: từ năm 1972 đến 1998 số dân từ 30-39 tuổi đọc báo in hàng ngày đã giảm từ 73 xuống 30%. Số tuổi trung bình của người đọc báo in, cũng như xem tin tức từ TV và cáp truyền hình, là 53.

Trên châu Âu và nước Úc, những nơi có ngành công nghiệp báo chí phát triến mạnh mẽ, tình hình diễn ra tương tự. Trong khi ngành báo in đang trong giai đoạn khủng hoảng, sụt giảm trầm trọng cả doanh số lẫn lợi nhuận, không ít tờ báo lớn đã phải đóng cửa hoặc chuyển hẳn sang kinh doanh phiên bản trực tuyến thì báo mạng vẫn ngày càng chứng tỏ ưu thế của mình. Đa phần dự đoán rằng báo mạng sẽ thay thế của báo in truyền thống trong khoảng 10 – 15 năm nữa.


14 Tổng hợp từ hai bài viết “Báo in Mỹ khủng hoảng, báo điện tử lên ngôi?” – Hoàng Minh,VietNamNet và “Thu phí đọc báo điện tử: bất khả thi?” – Lương Hương, ICTNews

Xu hướng tiếp nhận thông tin mới


Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là báo mạng sẽ nắm lấy vị trí thống trị trong ngành công nghiệp báo chí. Sự suy thoái của báo in mặt khác còn là minh chứng cho xu hướng tiếp nhận thông tin mới. Thông tin ngày nay không chỉ đến từ những nguồn chính thống mà còn từ rất nhiều những nguồn ngoài luồng khác. Người ta không chỉ đọc báo mà còn nhận biết tình hình xung quanh thông qua các diễn đàn, các mạng lưới xã hội với hàng triệu con người có thực, qua blog và qua các phương thức khác. Trong một bài phân tích riêng cho tờ Seattle Times, ông Merril Browns, tổng biên tập đầu tiên của MSNBC.com và hiện là một cố vấn truyền thông ở New York, đã viết: “Nói ngắn gọn, tương lai của ngành báo chí đang bị đe doạ bởi xu hướng lấy tin tức từ những nguồn tin không truyền thống, và đây là một xu hướng không thể đi ngược lại được nữa”.

Không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận vô vàn thông tin trên Internet bất cứ thời gian nào và ở bất cứ địa điểm nào, độc giả Tây phương đến nay đã hình thành rõ nhu cầu “cá nhân hóa” tin tức. Họ đọc tin và bình luận trên blog của mình ngay khi đọc xong, và họ cũng muốn biết rõ những giả định và thiên vị của các nhà báo khi thông báo về một sự kiện nào đó. Độc giả ngày nay thích truy cập thông tin từ blog và các mục bình luận của cộng tác viên báo chí hơn là chỉ đọc tin tức thuần tuý. Cách thức thu thập và truyền bá thông tin truyền thống đang dần trở nên lỗi thời.

Khó có thể thu phí nội dung


Bản thân ngành báo mạng cũng phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của cuộc suy thoái khi mà doanh thu quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng. Các nhà quản trị báo mạng đã một lần nữa cân nhắc việc sử dụng mô hình thu phí nội dung thay cho phương thức kinh doanh dựa quá nhiều vào quảng cáo như hiện nay.

Nhưng lịch sử và cả hoàn cảnh hiện tại cho thấy chuyện thu phí giống như một cái vòng luẩn quẩn. Biện pháp này thực ra đã được nhiều tờ báo thực hiện từ rất lâu. Ngay từ giai đoạn hình thành, các tờ báo lớn của thế giới như New York Times, Financial Times, Wall Street Journal, Forbes, Time… cũng đã yêu cầu độc giả phải

đăng ký thuê bao và trả tiền mới có thể đọc trọn vẹn các bài báo của họ trên web. Sau thời kỳ dài phát triển nhanh chóng với mô hình miễn phí nội dung, người ta lại quay trở lại với ý nghĩ bán nội dung các website báo chí. Tháng 5/2009, tờ New York Times tuyên bố có thể sẽ tiến hành thu phí trở lại đối với độc giả của một số chuyên mục trên báo điện tử của họ. Tháng 6/2009, hãng tin AP cũng sẽ giám sát chặt chẽ hơn việc sử dụng nội dung tin tức trên các báo điện tử hoặc trang tin khác. Ngày 6/8/2009, chủ tập đoàn truyền thông News Corp, Rupert Murdoch tuyên bố sẽ tiến hành thu phí nội dung đối với tất cả các báo điện tử của tập đoàn này trên khắp thế giới kể từ mùa hè năm sau.

Nhưng những tuyên bố về hướng kinh doanh mới của các tờ báo điện tử đã vấp phải sự phản đối rất mạnh của độc giả và cả các chuyên gia về báo chí - truyền thông. Hầu hết đều cho rằng đó là việc không nên làm, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. Họ cho rằng thu phí đọc báo điện tử là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp truyền thông đang bế tắc trầm trọng và đó là “biện pháp tuyệt vọng trong một thời điểm tuyệt vọng”.

Sở dĩ ý niệm này bị chỉ trích nặng nề bởi một lý do cơ bản: không ai có thể phủ nhận doanh thu từ quảng cáo lớn hơn rất nhiều so với doanh thu từ việc bán nội dung và tự đóng cửa đối với độc giả chẳng khác nào một hành động tự sát. Bên cạnh đó, như tất cả mọi nơi kết nối mạng Internet trên thế giới, người ta hiểu rằng thông tin trên web là mở và có thể sử dụng lại một cách dễ dàng. Một bài báo, bản tin có thể được xuất hiện dưới rất nhiều định dạng, hình thức khác nhau nhưng về bản chất thông tin lại giống nhau. Trong thời đại kỹ thuật số, thông tin mang đặc tính “đa nguồn gốc” và mọi thứ đều có thể bị lấy lại một cách nhanh chóng và công khai nhưng tác giả của bài báo đó lại không thể làm gì được.


3.1.2. Xu hướng hoạt động kinh doanh báo mạng Việt Nam


Xu hướng của các tờ báo mạng


Trước hết phải khẳng định báo mạng Việt Nam sẽ duy trì mô hình doanh thu miễn phí nội dung, dựa vào phí quảng cáo trong một thời gian rất dài. Cho dù không

xét đến vấn nạn đạo báo đang diễn ra tràn lan thì cho đến nay cũng chưa một tờ báo mạng nào đủ khả năng sở hữu những thông tin giá trị mà độc giả không thể tìm thấy ở những trang tin khác. Hơn nữa các nhà kinh doanh thông tin cần hiểu rằng khả năng thu phí của các khách hàng trực tuyến Việt Nam là rất thấo khi mà ngay cả những sản phẩm số phải trả tiền của nước ngoài cũng phải tỏ ra vô hiệu. Những thành viên trong cộng đồng mạng có thể bẻ khóa, chia sẻ rộng rãi các phần mềm có bản quyền của các hãng lớn trên thế giới thì họ cũng có thể phổ biến miễn phí mọi thông tin được đưa ra trên Internet. Ngoài ra việc thiết lập một hệ thống thanh toán an toàn mà thuận tiện cho các khách hàng cũng là vấn đề lớn trong tình hình thương mại điện tử còn non yếu. Với những điều kiện về chất lượng tin tức, con người và cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay, bất kỳ một mô hình kinh doanh thu phí nào cũng sẽ lập tức đổ vỡ.

Những dấu hiệu của thời kỳ phát triển mới đang hiện ra rõ ràng. Mạng Internet ngày càng phổ biến khiến thị trường truyền thông trực tuyến được mở rộng liên tục, thu hút các cơ quan báo chí truyền thống lẫn các nhà quảng cáo tham gia. Gần đây các tổ chức truyền thông lớn như Đài Truyền Hình kỹ thuật số VTC, Thông tấn xã Việt Nam đã lần lượt cho ra mắt báo điện tử cạnh tranh mạnh với những trang báo đã hình thành trước đó. Các tờ báo điện tử hàng đầu cũng không ngừng thúc đẩy hoạt động của mình. Hệ thống thông tin đang được phân hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm độc giả mục tiêu. Sự cạnh tranh giữa các cơ quan truyền thông truyền thống với các báo điện tử thuần túy, giữa luồng thông tin báo chí và thông tin ngoài báo chí đang gia tăng. Tất cả báo hiệu một giai đoạn phát triển cao hơn hẳn mà ở đó thị trường thông tin trực tuyến được phân khúc rõ rệt theo chiều sâu.

Xu hướng của cộng đồng trực tuyến


Về phía các độc giả trực tuyến, hiện nay họ đã bắt đầu than phiền về nội dung vô bổ của các trang thông tin. Phần lớn nhận ra rằng các thông tin trên mạng trùng lặp quá nhiều và bao gồm toàn những tin được giật tít ấn tượng nhằm mục đích câu khách trong khi nội dung có thể hoàn toàn chẳng liên quan. Ngay cả những

tin thời sự bạo lực, thiên tai cũng đã trở nên bão hòa. Độc giả báo mạng ngày nay cần những thông tin đem đến lợi ích cho họ nhiều hơn. Những tờ báo chú trọng chất lượng như VietNamNet hay Tuoitreonline dần lên hạng, trong khi một số trang như báo điện tử Dantri hay trang thông tin điện tử Kenh14 vốn rất thịnh hành trong thời gian đầu đến nay cũng trở nên ít phổ biến trong các cuộc điều tra độc giả.

Trong quá trình phát triển của mình, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng tiếp nhận thông tin mới của thời đại. Những phân tích về tình hình gia nhập các mạng xã hội như facebook, youtube, blog và các diễn đàn cho thấy cộng đồng trực tuyến Việt cũng sẽ đón nhận những thông tin ngoài luồng ngày một nhiều hơn. Nhu cầu “cá nhân hóa” thông tin như ở các nước phương Tây có thể chưa diễn ra ngay, một phần do trình độ phát triển báo chí còn thấp, một phần do nền văn hóa còn nặng tính áp chế, nhưng những biểu hiện của xu hướng ấy thì rất rõ nét. Sự tham gia đông đảo của độc giả trên chuyên mục “Bạn đọc viết” của một vài tờ báo thể hiện rằng những người đọc không đơn thuần chỉ đọc và nhận xét, mà họ muốn lên tiếng, muốn trình bày tất cả những luận điểm riêng của mình bao gồm cả những luận điểm trái chiều một cách công khai. Và khi xét đến sự nổi lên của các blog báo chí tại thời điểm mới đây thì việc những thông tin, những vấn đề thời sự dần bị đưa lên các trang cá nhân để mổ xẻ, soi xét như những bài báo nghiệp dư sẽ không còn là điều gì xa vời.

Những năm gần đây người ta đã thấy sự bùng nổ của loại tin tức về các gương mặt nổi lên từ những cuộc thi tìm kiếm tài năng, từ các diễn đàn, mạng xã hội mà giới truyền thông gọi là các “hotgirl”, “hotboy”. Nhiều người cho rằng đấy chỉ là một thứ thị hiếu phù phiếm xuất phát từ tính tò mò quá lớn, nhưng đó không hẳn là toàn bộ vấn đề. Những nhân vật được đề cập trong những tin tức nói trên đều là những học sinh sinh viên bình thường như những người khác bỗng chốc trở nên nổi tiếng nhờ một vài ưu thế nổi bật. Giới trẻ có thể ngưỡng mộ, cũng có thể coi thường hay phản đối, cho dù với lý do gì thì sự chú ý mạnh mẽ tới cuộc sống sinh hoạt của những người này thực chất cũng phản ánh mối quan tâm lớn của lớp trẻ tới những điển hình của sự thể hiện giá trị cá nhân, mà sâu xa hơn nữa là phản ánh mong muốn được thể hiện bản thân trong mỗi người.

3.2. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ CỦA MÔ HÌNH KINH DOANH BÁO MẠNG VIỆT NAM‌

Các vấn đề của hoạt động mô hình kinh doanh báo mạng là cả một hệ thống các yếu tố có tác động qua lại lẫn nhau. Các trang báo muốn nâng cao chất lượng nội dung thì phải có sự nghiên cứu một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp về thị trường trực tuyến với những xu hướng và đặc thù của nó, đồng thời lại phải nhận thức rõ về giá trị thực sự và lâu dài của sản phẩm thông tin báo chí. Điều này chỉ có thể thực hiện khi các cơ quan báo chí có những nguồn lực trí tuệ chất lượng cao, có tiềm lực tài chính. Bản thân khả năng thu hút nhân tài cũng có được phần nhiều nhờ khả năng tài chính. Ngược lại một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, sinh lời lớn lại là một doanh nghiệp có khả năng khai thác hiệu quả tối đa các nguồn lực từ con người, các mối quan hệ hợp tác, khách hàng… Những yếu tố này, đến một giai đoạn phát triển nhất định, sẽ cùng phát huy mạnh mẽ vai trò của chúng trong mô hình kinh doanh.


3.2.1. Nhóm giải pháp ngắn hạn


Sự sơ khai trong tất cả các khâu của hoạt động kinh doanh báo mạng chủ yếu mang tính chất biểu hiện cho giai đoạn phát triển thấp của cả hoạt động kinh doanh báo mạng lẫn hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam. Còn những vấn đề lớn trong mô hình hoạt động của báo mạng mới là những vấn đề gốc phải được giải quyết trước tiên. Những vấn đề này bao gồm:

- Nạn sao chép tin tức bừa bãi – hay còn được gọi là hiện tượng “đạo báo” – trong môi trường thông tin truyền thông trực tuyến.

- Sai lầm trong định hướng giá trị sản phẩm thông tin báo chí.


- Tốc độ phát triển chậm chạp của báo mạng qua nhiều năm.


Để giải quyết ba vấn đề trên cần hai nhóm giải pháp: nhóm giải pháp tác động từ phía Nhà nước và nhóm giải pháp được thực hiện bởi chính các tờ báo mạng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/05/2022