Mô hình kinh doanh Báo mạng tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp - 9

công bằng, những tên tuổi này đã tỏ kém hơn hẳn các trang báo mạng như VnExpress trong việc tạo ra dư luận trong cộng đồng trực tuyến.


Giá trị của tính tương tác:


Tính tương tác là một khía cạnh khác của tính diễn đàn. Khía cạnh này được phát huy ở báo mạng mạnh mẽ hơn bất kỳ một loại hình báo chí nào khác. Những độc giả trực tuyến tương tác với nhau về hai chủ đề chính: về vấn đề trong đời sống cá nhân hoặc về các vấn đề chung của xã hội.


Những vấn đề đời sống cá nhân được các báo xếp vào chuyên mục Tâm sự. Ngày càng nhiều độc giả sử dụng chuyên mục này như một kênh giao lưu với cộng đồng trực tuyến. Họ chia sẻ vấn đề của bản thân để nhận về những ý kiến từ đông đảo các độc giả khác, những người có thể đưa ra lời khuyên từ kinh nghiệm hay sự đồng cảm chứ không phải từ một vài biên tập viên của tòa soạn. Đây là một ưu thế khác biệt của báo mạng so với báo in truyền thống. Tuy nhiên trong các báo lại chỉ có VnExpress phát huy tốt ưu thế đó. Mục Tâm sự của báo đăng 8 – 10 bài mỗi ngày, kéo theo cùng số lượng như thế những bài trả lời với nội dung hàm chứa nhiều chiều ý kiến. Những tờ báo khác hầu như không có chuyên mục này hoặc có nhưng hoạt động không sôi nổi.


Phát triển chuyên mục Tâm sự hay không tùy thuộc vào chủ trương của từng tờ báo và đặc điểm độc giả của tờ báo đó. Nhiều ý kiến cho rằng những bài viết như thế không bổ ích gì nhiều và càng không đáng để quan tâm do nội dung quá thiên về tính riêng tư. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Đối với những người trong cuộc chúng mang lại giá trị lớn về tinh thần, với những người ngoài cuộc thì đây cũng có thể được xem như một kênh thông tin phản ánh cuộc sống xã hội đương thời. Còn đối với các tờ báo thì đó cũng có thể được xem như một công cụ để phát triển sự tiếp cận với khách hàng.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Các vấn đề chung của xã hội được các độc giả trao đổi với nhau qua các công cụ phục vụ cho tính diễn đàn như đã nêu trên, nhưng trong các diễn đàn mà các báo lập ra, quan hệ tương tác lại không được chú trọng. Ý kiến phản hồi chỉ có

thể đi theo luồng người viết – người đọc mà khó có thể theo luồng người đọc – người đọc. Có nghĩa là khi có một người đưa ra một bình luận, người thứ hai có thể rất đồng tình hoặc phản đối ý kiến ấy nhưng họ không thể tương tác trực tiếp với người thứ nhất để cho họ biết suy nghĩ của mình. Ở mỗi diễn đàn nhỏ như thế lại diễn ra phổ biến tình trạng những ý kiến được đưa lên với tiêu đề “Gửi anh A”, “Phản đối ý kiến của anh A”, “Đồng tình với anh A”… , nhưng thực tế người họ muốn gửi (ở đây là anh A) lại không thể biết có những phản hồi như thế (trừ khi người này vào đọc nhiều lần nữa) mà chỉ có những người thứ ba tham gia sau đó đọc được ý kiến hai bên. Các ý kiến vì thế không có sự tương tác qua lại, người ta sau khi bình luận không biết được những ý mình nêu ra được cho là đúng hay sai và có được quan tâm hay không. Điều đó thực sự rất bất cập đối với những vấn đề thời sự nóng cần các đóng góp đa chiều của dư luận.

Mô hình kinh doanh Báo mạng tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp - 9


Nhìn chung tính tương tác cao hay thấp tuỳ thuộc vào cách điều hành của Ban Biên tập và vào độc giả của báo. Chỉ khi tờ báo thiết lập mạng tương tác thì độc giả mới có điều kiện tham gia; ngược lại số lượng độc giả nói chung và mức độ quan tâm đến tính tương tác của họ nói riêng lại là yếu tố nòng cốt để thúc đẩy mạng lưới ấy phát triển. Bỏ qua những yếu tố xuất phát từ phía độc giả vẫn có thể thấy các báo điện tử Việt Nam vẫn còn kém khi xây dựng tính tương tác. Ở các trang báo nước ngoài mục bình luận được thiết kế gần như một diễn đàn thực sự. Dưới mỗi comment luôn đặt các chức năng trả lời trực tiếp cho comment đó và sau đó sẽ có thông báo tương ứng về tài khoản của người đã comment; bên cạnh đó là chức năng cộng, trừ điểm tùy theo nội dung của comment mang nghĩa tiêu cực hay tích cực. Các nhà điều hành những website này thậm chí còn lập ra những phụ trang riêng chỉ để đăng tải, xếp hạng bình luận với những chức năng phức tạp mà họ coi đó là một xã hội riêng của các độc giả do chính tờ báo thiết lập và quản lý.


(3) Giá trị của tính tích hợp:


Một số báo chất lượng cao gồm Tuoitreonline, Thanhnienonline và VietNamNet khai thác tính tích hợp khá tốt bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bài viết, clip thực tế, các đoạn âm thanh và hình ảnh minh họa trong mỗi tin bài. Trên

trang Tuoitreonline gần như mọi bài viết đều đi kèm phiên bản bài nói. Chuyên mục Blog Radio của VietNamNet còn đặt tất cả các tập tin âm thanh thu giọng đọc truyền cảm trong mỗi bài blog, biến các bài blog thành một dạng kênh Radio như những kênh radio được yêu thích một thời. Phần lớn số còn lại thực hiện kết hợp không tốt được như hai báo này.


Tính tích hợp còn được khai thác ở việc đăng tải tập hợp các tranh ảnh hay các đoạn clip mang tình thời sự. Những năm gần đây các trang báo điện tử rất thành công khi đăng lên website của mình một loạt clip ghi lại những hình ảnh bạo lực và gian lận trong học đường, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm... Rất nhiều trong số đó đã làm chấn động cộng đồng mạng và nhanh chóng làm dấy lên làn sóng dư luận mạnh mẽ, tác động lớn đến hành vi và nhận thức của tất cả mọi người. Đó là những hiệu quả người ta chưa từng thấy ở loại hình báo in truyền thống mà các báo điện tử đã đạt được và đang phát triển nó lên mức độ ngày càng cao.


(4) Giá trị của tính thư viện


Nếu tính diễn đàn là lợi thế lớn nhất của báo mạng thì tính thư viện lại là đặc tính được tận dụng nhất trong cộng đồng trực tuyến. Theo báo cáo do hãng nghiên cứu thị trường Cimigo thực hiện vào cuối năm 2009, thu thập tin tức là hoạt động phổ biến nhất trên Internet với hơn 90% sử dụng các công cụ tìm kiếm và thường xuyên đọc tin trực tuyến. Cuộc điều tra một nhóm khoảng 100 sinh viên đại học trong phạm vi Hà Nội do tác giả thực hiện cũng cho thấy 98% những sinh viên này thường xuyên sử dụng thông tin trên Internet, chủ yếu từ các bài báo mạng, để phục vụ cho các bài tập trong chương trình học của mình.


Tuy nhiên điều tra đối với nhóm người đã đi làm lại cho kết quả ngược lại. Đa số nhóm người này không sử dụng báo mạng như một thư viện trực tuyến. Để phục vụ cho công việc, họ vẫn tìm thông tin qua phương tiện truyền thống là thư viện và sách báo giấy. Những dữ liệu trên Internet mà họ sử dụng lại phần lớn nằm ở các diễn đàn chuyên ngành hay các báo điện tử nước ngoài.

Điều này cũng chứng minh cho thực tế là nội dung tin bài của các tờ báo mạng chưa chuyên sâu và chưa có nhiều bài có giá trị nội dung cao. Những trang báo điện tử Việt Nam vẫn thiếu đi những bản báo cáo, tổng kết hay bài phân tích hay với đầy đủ các dẫn chứng cần thiết, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên ngành.


Các giá trị khác


Giao diện của các trang báo Việt Nam bị phần lớn độc giả cho rằng cần được cải thiện. Cũng trong cuộc khảo sát do tác giả thực hiện, khoảng 60% đánh giá thấp về hình thức của các trang báo trực tuyến, phần còn lại trả lời rằng họ chỉ quan tâm đến nội dung tin và trong đó có một số rất ít (chiếm khoảng 5%) thấy giao diện của báo mạng Việt Nam ở mức bình thường. Nhưng 5% độc giả này đồng thời cũng thuộc nhóm những người ít sử dụng Internet và chỉ đọc một vài báo như VietNamNet hay các trang thông tin điện tử thuộc khối doanh nghiệp.


Theo nguyên tắc trình bày website, mỗi trang hiển thị chỉ được đặt tối đa 4 banner tránh gây phản cảm cho người đọc. Nhưng vì doanh thu quảng cáo mà hầu hết các tờ báo mạng Việt Nam đều vi phạm nguyên tắc này. Mỗi trang hiển thị chứa ít nhất 8 banner, trang VnExpress chứa đến 10 – 12 banner. Đa số các banner đều không đẹp mắtt, đồng thời sự vụn vặt lộn xộn của các banner làm giảm giá trị hình thức của các trang báo mạng đi rất nhiều. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ như VietNamNet, vietnamweek.net thì cả cách phối màu, bố cục của các website báo chí nhìn chung cũng không tạo được thiện cảm cho người xem.


2.3.4. Độc giả mục tiêu


Muốn giá trị của tin tức được đánh giá cao thì các tờ báo càng cần phải phân hóa mạnh hệ thống tin tức của mình để nhắm đến đúng các khách hàng mục tiêu. Sự phân hóa ấy đang diễn ra rất sôi nổi ở hai tờ VietNamNet và VnExpress.


VietNamNet thiết lập hệ thống phụ trang phân theo tính chất của tin tức bao gồm các trang tintuconline, vietnamweek, TVVietNamNet và Blog VietNamNet. Trang Tintuconline có giao diện thô sơ, tập hợp các loại tin bài phản ánh tình hình

xã hội chủ yếu nhằm giải trí (phân biệt với loại tin thời sự trong trang chính) và cũng thu hút được lượng lớn độc giả, thể hiện qua lượng phản hồi đông đảo và ổn định trên mỗi tin bài. Phụ chương Blog VietNamNet đặt trang đại diện ở facebook chuyên cập nhật loại bài blog mang tính nghệ thuật hay các truyện ngắn, truyện dài kỳ do chính độc giả viết, đánh vào nhu cầu giãi bày tâm tình của giới trẻ thu hút. Blog Radio đang thu hút đông đảo sự quan tâm của độc giả, cả về số tin bài đóng góp, lượng độc giả thường xuyên lẫn lượng phản hồi. Bên cạnh Tintuconline và Blog Radio, phụ trang Vietnamweek là nơi tập hợp hầu hết các bài bình luận, phân tích đòi hỏi sự suy ngẫm sâu của người đọc. Nội dung các bài viết thường được các độc giả đánh giá cao, chủ yếu là những người thuộc tầng lớp tri thức trung tuổi luôn yêu cầu khắt khe về chất lượng bài viết; giao diện trang này cũng được thiết kế hết sức trang nhã. Mặc dù ít thu hút đám đông nhưng Vietnamweek thực sự là một trang báo chất lượng và đầy tiềm năng, đặc biệt là trong tình hình độc giả bắt đầu thấy mệt mỏi với những thông tin hời hợt lộn xộn như hiện nay. Gần đây nhất VietNamNet cho ra đời phụ trang TV VietNamNet chuyên đăng tải các clip thời sự. Tuy nhiên trang này vẫn đang trong quá trình xây dựng, giao diện lẫn hệ thống tin bài vẫn còn nghèo nàn và rất lộn xộn.


Vnexpress lại có cách xây dựng hệ thống phụ trang khác. Luôn giữ chủ trương là một trang tin nhanh, tờ báo này phân khúc thị trường độc giả theo chủ đề tin tức mà họ quan tâm. Các phụ trang gồm Autonet chuyên về xe hơi và xe máy, Sohoa viết về công nghệ số và Ngoisao.net chuyên cập nhật tin tức về giới showbiz Việt Nam và thế giới. Tuy cách phân khúc thị trường rất rõ ràng như vậy nhưng những trang này lại chưa được độc giả đánh giá cao và cũng không chiếm được sự quan tâm đặc biệt của các độc giả mục tiêu. Các tin bài, giống các trang tin điện tử, được cóp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau rất nhiều. Thậm chí trang Ngoisao.net bị rất nhiều độc giả trực tuyến đánh giá thấp do thường đăng những tin tức phù phiếm, hời hợt xung quanh đời sống riêng tư của các ngôi sao trong làng giải trí Việt Nam.


Ngoài hệ thống phụ trang hay chuyên mục của các báo lớn còn tồn tại một bộ phận nhỏ các báo chuyên sâu nhắm đến một nhóm độc giả mục tiêu riêng như báo bongda.com phục vụ những người yêu bóng đá, báo dautu.vn, vneconomy.com

nhắm đến các doanh nhân, những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, hoahoctroonline nhắm đến các đối tượng là các học sinh sinh viên... Tuy vậy các báo này nhìn chung không thực sự nổi bật và thực tế cũng không hoàn toàn thu hút các độc giả mục tiêu (ngoại trừ trang bongda.com rất phổ biến trong khu vực những người yêu bóng đá). Nhiều khi biên tập viên các website này còn phải lấy lại tin bài từ các chuyên mục tương ứng trong các tờ báo lớn. Nguyên nhân của tình trạng kém hiệu quả ấy xuất phát từ thực tế là các website báo chuyên sâu đều chỉ là phiên bản trực tuyến của báo in. Báo giấy của những báo này đều hoạt động rất hiệu quả nhưng họ lại chưa thực sự đầu tư sâu vào mô hình kinh doanh trực tuyến của mình.


Như vậy thị trường thông tin báo chí trực tuyến bị bỏ ngỏ rất nhiều ở các mảng chuyên sâu. Trong khi đó tiềm năng của những mảng này là rất lớn. Sự quan tâm mạnh mẽ của độc giả đối với các chuyên trang tin tức như CafeF, Vietstock, Kenh14, Afamily hay các diễn đàn như Vietphotoshop, Webtretho, Saga và các diễn đàn của của các hội nhóm khác chứng tỏ rằng nhu cầu tin tức chuyên biệt của các cộng đồng trực tuyến đó là rất lớn. Nhu cầu ấy hoàn toàn vẫn chưa được lấp đầy. Một vài trang tin như Kenh14 ban đầu rất thu hút độc giả, nhưng đến nay đang dần bị đầu đánh giá thấp do sự hời hợt, kém chuyên nghiệp của những tin tức đưa ra. Xét cho cùng những trang tin này cũng không đủ khả năng để cung cấp những tin bài chuyên sâu, bởi lẽ họ không có được đội ngũ các nhà báo, các chuyên gia và cách tổ chức chuyên nghiệp như ở các tòa soạn báo chính thống.


2.3.5. Cơ cấu tài chính


Chi phí


Theo thông tin lấy từ các nhà báo hoạt động trong các cơ quan báo chí11, mức thu nhập của các phóng viên, biên tập viên của các tờ báo mạng như VnExpress vào khoảng 5 – 10 triệu/ người/ tháng. Mức chi phí cho nhân lực này thấp hơn các cơ quan báo in vốn thường là 7 – 12 triệu/ người/ tháng; thậm chí thu nhập của một phóng viên giỏi có khoảng 2 – 3 năm kinh nghiệm ở báo Tuổi Trẻ còn



11 Điều tra do tác giả thực hiện

có thể lên đến 20 – 30 triệu/ tháng. Sự chênh lệch này là hợp lý khi mà công sức các phóng viên, biên tập viên báo điện tử bỏ ra cho các bài báo thường thấp hơn so với các nhà báo hoạt động ở các cơ quan báo chí truyền thống.


Doanh thu


Về cơ cấu doanh thu, tất cả các báo mạng ở Việt Nam đều hoạt động theo mô hình miễn phí nội dung, miễn đăng ký người truy cập và hoạt động bằng doanh thu quảng cáo. Phí quảng cáo gồm cả phí tổ chức sự kiện chiếm toàn bộ cơ cấu doanh thu của các báo trực tuyến. Dựa vào bảng báo giá quảng cáo (năm 2009) và số lượng banner trên các trang có thể ước tính nguồn thu từ banner của các tờ VietNamNet, VnExpress đạt gần 4 tỷ/tháng. Nguồn thu từ các hoạt động tổ chức sự

kiện cũng tương đối lớn với tần suất khoảng 5 - 10 sự kiện/năm, trị giá mỗi hợp đồng trên dưới 300 triệu12. Như vậy ước tính doanh thu của mỗi tờ báo điện tử thuộc nhóm đầu đạt khoảng 50 tỷ/năm – mức doanh thu này tương đương doanh thu của tờ báo in Tiền Phong (một tờ báo có tiếng trong nhóm các báo in) và một số đài truyền hình địa phương như đài Hải Phòng13. Hơn nữa như đã biết, mô hình kinh doanh báo điện tử mức chi phí thấp hơn rất nhiều so với báo in và càng thấp hơn so với báo hình. Những tờ báo điện tử khác có thể có doanh thu thấp hơn nhưng nhìn chung có thể nói lợi nhuận của các báo điện tử ở Việt Nam tương đối cao.


2.3.6. Các yếu tố khác


Quan hệ khách hàng. Các báo sử dụng các hòm mail đặt trực tiếp tại trang chủ của website thuận tiện cho việc gửi thư thắc mắc hoặc gửi bài vở của độc giả. Tuy nhiên những báo lớn dường như chú trọng đến việc nhận thư đóng góp ý kiến về chính tờ báo hơn là việc tiếp nhận bài vở của các độc giả. Tại các báo điện tử nhỏ như Nguoilaodong hay các phụ trang ít độc giả như Vietnamweek, việc gửi bài được khuyến khích bằng cách thiết kê các hộp gửi bài riêng, phân biệt hẳn với mục thư từ góp ý, trong đó đề rõ chức năng gửi bài vở cộng tác kèm theo những lời cảm ơn tự động rất nhã nhặn của các báo này.


12 Nguồn: điều tra do tác giả thực hiện

13 Báo chí truyền thông Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập – PGS.TS Đinh Văn Hường, 2008

Kênh phân phối. Phương tiện truy cập phổ biến nhất của báo mạng Việt Nam vẫn là các máy tính cá nhân đặt tại gia đình hay cơ quan có kết nối Internet băng thông rộng. Các phương thức cao cấp hơn đang được sử dụng ngày càng phổ biến. Tại các trường đại học, các cơ quan lớn hay đến nay hầu như đều đã lắp đặt mạng wifi. Các báo điện tử Việt Nam hiện nay đang nối tiếp nhau cho ra mắt phiên bản dành cho điện thoại di động: VietNamNet vào ngày 6/12/2009, VietnamPlus vào 11/1/2010 và gần đây nhất là Dantri vào ngày 16/3/2010.


Các trang báo mạng nhóm đầu cũng đồng thời là những báo năng động nhất trong việc mở rộng tiếp xúc với cộng đồng trực tuyến. Ngoài sự hỗ trợ của công nghệ, hai trang VietNamNet và VnExpress thường xuyên đặt các đường link liên kết đặt tại các diễn đàn và các trang thông tin điện tử được nhiều người truy cập. Một vài trang như Tuoitreonline, Thanhnienonline gần đây đã tích hợp chức năng kết nối với các mạng xã hội twitter, facebook, blog… dưới mỗi tin bài. Những công cụ liên kết cấp cao vẫn còn ít được sử dụng, nhưng đó là những dấu hiệu cho sự thích ứng dần với công nghệ mạng của báo chí.


Đối tác chìa khóa. Sự kết hợp giữa các cơ quan báo điện tử với các loại hình báo chí khác đến nay vẫn chưa mạnh. Ngoại trừ các clip phóng sự của VietNamNet được phát khá nhiều trên các chương trình của VTV thì sự hợp tác với các đài truyền hình của các báo mạng không hê rõ nét. Ngay trong chương trình điểm báo phát sóng hàng ngày trên VTV1, các báo mạng cũng không được đề cập nhiều. Điều này là dễ hiểu khi các đài truyền hình cần những thông tin thời sự chọn lọc thực sự có chất lượng cao trong khi các báo điện tử phần lớn mới chỉ đưa tin nhanh.


Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây của các website thuộc các cơ quan truyền thông lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC..., người ta có thể thấy được xu hướng hình thành các tập đoàn báo chí mà trong đó báo mạng đóng một vai trò quan trọng đang manh nha trong giới truyền thông Việt Nam.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/05/2022