Mô hình chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước ở Việt Nam - 2


những kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Đi sâu nghiên cứu, có thể thấy, nhiều nguyên nhân dẫn đến những yếu kém nêu trên còn chưa được khắc phục, nên tái cơ cấu DNCVNN không đạt mục tiêu đề ra. Một trong những nguyên nhân đó là mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong các DNCVNN hiện nay còn chưa hoàn thiện, hoạt động chưa hiệu quả và chưa thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước trên các mặt: Thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNCVNN; trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, chủ sở hữu nhà nước phê duyệt và giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các quy định về công tác tổ chức - cán bộ tại doanh nghiệp. Chức năng quản lý nhà nước về DNCVNN còn hạn chế nhất là thể chế quản lý DNCVNN chưa đủ sức kích thích doanh nghiệp bảo toàn và sử dụng vốn nhà nước hiệu quả; cơ chế giao quyền tự chủ và kiểm soát cho các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước còn nhiều cấp trung gian, không rõ ràng, thiếu phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng đối với hậu quả hoạt động của DNCVNN…

Từ năm 2001, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên gần 20 năm sau, chủ trương này chưa thực hiện được hoàn toàn việc tách bạch chức năng chủ sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, mới cơ bản được thực hiện bằng việc thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào năm 2018, vẫn còn DNCVNN trực thuộc một số bộ ngành (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính) và địa phương (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh); một trong những nguyên nhân của sự chậm trễ đó là quyết tâm chính trị và lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong quản lý DNCVNN. Đến khi lựa chọn mô hình chủ sở hữu mới cơ bản tập trung thống nhất (mô hình Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập


năm 2018) thì hoạt động của mô hình này đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cả chủ quan và khách quan như chậm chễ, lúng túng trong ra quyết định đầu tư, xây dựng chiến lược phát triển, thiếu nguồn nhân lực điều hành doanh nghiệp, tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn diễn ra chậm…, nếu không có những điều chỉnh kịp thời mô hình chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNCVNN thì sự thất bại trong quản lý nhà nước đối với DNCVNN sẽ lại diễn ra. Bên cạnh đó, những vấn đề lý luận, luận cứ khoa học của mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN chưa được đề cập, nghiên cứu thấu đáo về mô hình được xác lập trên cơ sở khoa học nào; những nhân tố ảnh hưởng đến mô hình chủ sở hữu nhà nước; những kinh nghiệm quốc tế để rút ra bài học cho Việt Nam khi lựa chọn mô hình chủ sơ hữu nhà nước phù hợp với thực tiễn về quy mô, sứ mệnh của DNCVNN ở Việt Nam cho từng giai đoạn cụ thể.

Bối cảnh nêu trên, đặt ra yêu cầu cấp bách phải nghiên cứu toàn diện cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN ở nước ta hiện nay để đưa ra những quan điểm, giải pháp hoàn thiện mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với DNCVNN và hiệu quả hoạt động của DNCVNN nhất là giai đoạn từ nay đến 2030, tạo sự đột phá trong cơ cấu lại, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp có vốn nhà nước. Đó là lý do luận án: “Mô hình chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước ở Việt Nam” được lựa chọn để nghiên cứu trong luận án này.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

2.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của luận án là làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN; trên cơ sở đó phân tích, đánh giá thực trạng mô hình chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước ở Việt Nam trong thời gian qua, đề xuất quan điểm và giải pháp hoàn thiện mô hình chủ


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 191 trang tài liệu này.

sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước của Việt Nam từ nay đến 2030.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Mô hình chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước ở Việt Nam - 2

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận án dự kiến phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, phân tích và hệ thống hóa, bổ sung làm sáng tỏ một số vấn đề cơ sở lý luận về mô hình chủ sở hữu nhà nước;

Thứ hai, nghiên cứu kinh nghiệm về mô hình chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước của một số nước trên thế giới, làm rõ những mặt được và hạn chế, nguyên nhân của hạn chế của từng mô hình và rút ra bài học kinh nghiệm;

Thứ ba, phân tích, đánh giá thực trạng mô hình chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian qua, rút ra những ưu điểm, hạn chế;

Thứ tư, đề xuất quan điểm, giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện mô hình chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước ở Việt Nam từ nay đến năm 2030.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu luận án

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là mô hình chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước tại Việt Nam. Tập trung vào cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước là cơ quan, tổ chức được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Về nội dung nghiên cứu: Luận án sẽ tập trung nghiên cứu mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN từ nay đến năm 2030 trên các nội dung: Mô hình tổ chức, thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước và cơ chế phối hợp, con người vận hành tổ chức bộ máy để thực hiện quyền của chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiệu quả nhất.

Về phạm vi doanh nghiệp có vốn nhà nước: Phần vốn nhà nước trong DNCVNN là rất khác nhau, đa dạng, từ 100% vốn nhà nước đến nhỏ 100% vốn.


Trong phạm vi của luận án sẽ tập trung nghiên cứu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có phần vốn nhà nước chi phối (trên 50% vốn nhà nước).

Về không gian nghiên cứu: luận án nghiên cứu chủ yếu là các cơ quan chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN hiện nay: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành và địa phương.

Về thời gian nghiên cứu: Thời gian nghiên cứu mô hình chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước được thực hiện từ 1995 đến nay. Các giải pháp và khuyến nghị được đề xuất cho giai đoạn từ nay đến 2030. Về số liệu DNCVNN từ 2012 đến 2020. Quá trình nghiên cứu có đề cập và tham khảo tài liệu trước năm 2012 và sau năm 2020 để phục vụ cho công tác so sánh, đánh giá.

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

4.1. Cơ sở lý luận và phương pháp luận

Luận án nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam liên quan đến cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNCVNN, kết hợp với các tri thức hiện đại của khoa học quản lý và kinh tế học, có tính đến đặc thù của DNCVNN tại Việt Nam. Đồng thời kế thừa có phê phán những thành tựu khoa học đã đạt được trong các công trình khoa học đã công bố.

Luận án sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử và duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Khi xem xét các sự vật, hiện tượng đặt trong mối quan hệ tác động qua lại nhau và thường xuyên vận động. Quá trình nghiên cứu luận án tiến hành dựa trên các luận điểm cơ bản khung lý thuyết về tổ chức bộ máy, tổ chức bộ máy của doanh nghiệp, quỹ đầu tư. Quản lý nhà nước đối với DNCVNN tại Việt Nam sử dụng trong luận án được xây dựng trên nền tảng khoa học quản lý kinh tế.


4.2. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu luận án

4.2.1 Cách tiếp cận và khung phân tích

Phương pháp tiếp cận: Tiếp cận mô hình chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đặt trong khung khổ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế Việt Nam.

Hình 1.1. Khung phân tích

Nghiên cứu lý luận về chủ sở hữu, tổ

chức về mô hình tổ chức chủ sở hữu

Khảo sát, thu thập

thông tin, số liệu, tổng hợp, phân tích, đánh giá

Khung lý thuyết về mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN


Các mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN

Phân tích, đánh giá thực trạng mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN tại VN

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN

Bài học kinh nghiệm

Đánh giá các mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN

Đề xuất giải pháp, kiến nghị


4.2.1 Phương pháp thu thập thông tin và xử lý số liệu

Số liệu được sử dụng trong luận án bao gồm cả số liệu thứ cấp và số liệu sơ cấp.

Thu thập số liệu thứ cấp: Các số liệu thứ cấp được khai thác qua các kênh như: Thu thập dữ liệu thứ cấp từ các xuất bản phẩm đã có, các công trình khoa học đã được công bố, các báo cáo hàng năm về tình hình hoạt động DNCVNN


của Bộ Tài chính, thông tin số liệu thống kê từ các báo cáo của các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan có liên quan của Trung ương Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước, các tác phẩm khoa học, sách giáo khoa, tạp chí chuyên ngành, bài viết của các chuyên gia nghiên cứu về hoạt động DNCVNN, qua báo chí, qua internet, đài, truyền hình, các Đề án, tọa đàm, hội thảo khoa học liên quan đến luận án …Tuy nhiên, nghiên cứu sinh sẽ xử lý, phân tích lại các số liệu thứ cấp cho phù hợp với mục đích nghiên cứu của luận án.

Thu thập số liệu sơ cấp: Sử dụng trong luận án chủ yếu được tiến hành thu thập thông quan việc điều tra xã hội học bằng cách phỏng vấn một số Lãnh đạo DNCVNN, chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà quản lý chuyên sâu về DNCVNN (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, một số chuyên gia, nhà khoa học). Thu thập từ điều tra chọn mẫu với hai đối tương (thông qua bảng hỏi): doanh nghiệp và chuyên gia.

Phương pháp xử lý dữ liệu: Sử dụng, phân tích, xử lý số liệu điều tra; tổng hợp dữ liệu thứ cấp theo chuyên đề. Thu thập thông tin và kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, đánh giá, phân tích.

Phương pháp xử lý và phân tích thông tin, số liệu: Cách thức tiến hành lấy thông tin là sự kết hợp giữa việc tự lấy phiếu, lấy phiếu thông qua gửi email, trao đổi điện thoại, thảo luận với chuyên gia về số liệu và thông tin trao đổi. Sau khi thu thập, các thông tin được tiến hành phân loại, xử lý tổng hợp lựa chọn, sắp xếp thành các bảng số liệu để đưa vào sử dụng trong luận án.

Phương pháp điều tra, khảo sát: Tiến hành điều tra, khảo sát, cụ thể: Điều tra bằng bảng hỏi (phụ lục 2) đối với một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tiến hành khảo sát thực tế hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đánh giá thực trạng, tổng hợp các vấn đề hạn chế, tồn tại của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện mô hình chủ sở hữu nhà nước tại


doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Các số liệu sơ cấp sử dụng trong luận án chủ yếu được tiến hành thu thập thông quan việc điều tra xã hội học, giúp luận án có được thông tin chính xác, mang tính hệ thống, các nhận định xác thực nhằm đưa ra các giải pháp khả thi trong thực tiễn.

Phương pháp chuyên gia: Phỏng vấn và điều tra dưới hình thức bảng hỏi (phụ lục 2) với các nhà quản lý, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực QLNN đối với các DNCVNN nhằm thấy được kết quả, tồn tại, hạn chế trong công tác QLNN đối với mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN cũng như nguyên nhân của tồn tại, hạn chế. Qua đó tổng hợp ý kiến để đưa ra các giải pháp hoàn thiện mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN giai đoạn từ nay đến 2030.

Phương pháp tổng hợp, khái quát hóa, thống kê, so sánh: Luận án thực hiện phương pháp tổng hợp, khái quát trên cơ sở các số liệu thu thập, điều tra được từ các công trình nghiên cứu, các tài liệu, tư liệu đã có, kết hợp với phân tích các số liệu thống kê, các báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, tọa đàm, hội thảo khoa học, kết hợp với tổng kết, khái quát các hoạt động thực tiễn thông qua kinh nghiệm cá nhân của NCS, từ đó phân tích, đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp hoàn thiện mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN.

5. Đóng góp mới của luận án

Thứ nhất, luận án đã làm rõ thêm khái niệm DNCVNN, củng cố thêm khung lý thuyết về mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN như định hình mô hình chủ sở hữu nhà nước có hai loại hình (tổ chức hành chính nhà nước và dưới dạng doanh nghiệp). Thiết lập mô hình gồm cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, nguồn lực thực hiện xác định mục tiêu thiết lập mô hình, các nhân tố ảnh hưởng và đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình.

Thứ hai, từ khung lý thuyết được xây dựng, luận án giúp cho việc nhận dạng các mô hình chủ sở hữu nhà nước ở trong nước cũng như trên thế giới thuộc loại mô hình nào, dựa vào kinh nghiệm quốc tế rút ra bài học kinh nghiệm để xây


dựng tiêu chí, nguyên tắc để lựa chọn được mô hình cho phù hợp; .

Thứ ba, luận án đã đi sâu nghiên cứu, phân tích đánh giá xác định vị trí, sứ mệnh, quy mô, đóng góp của DNCVNN đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Để từ đó định hình cho việc áp dụng mô hình chủ sở hữu nhà nước cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Thứ tư, luận án cũng chỉ ra những điểm hợp lý, chưa hợp lý và nguyên nhân tồn tại hạn chế của mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN ở Việt Nam hiện nay để đề xuất quan điểm, giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN từ nay đến năm 2030 như: (1) Hoàn thiện mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (2) Hoàn thiện mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN của các bộ ngành, địa phương. Nhằm thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới, cơ cấu lại DNCVNN.

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án

Về lý luận, luận án góp phần bổ sung thêm nhận thức về mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN. Những phân tích, luận giải về khái niệm, nội dung, mục tiêu, những nhân tố ảnh hưởng đến mô hình chủ sở hữu nhà nước góp phần tạo lập luận cứ khoa học cho các nghiên cứu cụ thể về mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về thực tiễn, những vấn đề luận án đề cập, giải quyết góp phần thiết thực vào việc luận giải, đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện mô hình chủ sở hữu nhà nước tại DNCVNN ở Việt Nam trong những năm tới. Luận án được hoàn thành sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho Trung ương Đảng, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp có vốn nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học; cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho quá trình đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả DNCVNN từ nay đến 2030. Đồng thời, luận án cung cấp tài liệu hữu ích cho đào tạo sau đại học

Xem tất cả 191 trang.

Ngày đăng: 19/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí