San Lấp Các Hố Ngăn Cách: Một Không Gian Biệt Lập Chỉ Có Trong Tưởng Tượng

Điểm cuối lên mường trời của người Thái Trắng nơi này là tại Nà Hỳ (Mường Nhé, Điện Biên), đến đất giáp ranh ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Lào1. Trong lễ cúng cho tổ tiên tại gian hóng, ma nhà được bón xôi, thịt, rau chua, canh, rượu qua lỗ nhỏ đục trên vách trong hóng nhà người Thái Đen, nhưng lệ này không được người Thái Trắng Mộc Châu, Phù Yên thực hiện, với sự thiếu vắng lỗ hóng trên vách nhà sàn. Ngôi miếu thờ bà Nàng Han tại Quỳnh Nhai thường chỉ có người

Thái Trắng lui tới, người Thái Đen sống trong bản ngay dưới chân đền không hề lai vãng. Một thầy mo trong bản Thái Đen này còn kể rằng, ông có lên đền Nàng Han một lần và đêm đó về "bị bà ấy đánh, bây giờ vẫn sợ"2. Ở nhiều bản làng Thái, không có các thiết chế thờ cúng kiên cố giống như đình, đền, miếu của người Kinh, mỗi khi làm lễ xên bản thì phát quang một khoảnh ở khu vực rừng thiêng cửa áo, cạnh một gốc cây to. Tuy nhiên, ở Mộc Châu, có bản lại dựng đền (tén) thờ dành cho các phi bản phi mường, các anh hùng liệt sỹ, ma hồn các nghệ nhân của dòng lễ hội riêng trong

bản. Đền còn có một gian nhỏ bên dưới thờ cô Chín của dòng Đạo Mẫu.

Thực tế này cho thấy sự đa dạng, phong phú về văn hóa hiện diện trong những tiểu vùng Thái khác nhau. Vì lẽ đó, các thực hành văn hóa Thái cần được mô tả kèm theo thông tin cụ thể về thời gian, địa điểm, chủ thể thực hành liên quan, trong nỗ lực phá bỏ ý niệm về "một cộng đồng Thái", "một dân tộc Thái" hay cách diễn đạt về "người Thái" như một nhóm hay hệ thống văn hóa đơn nhất với các thuộc tính bất biến đã được khái quát hóa, có tính bản chất và đầy tĩnh tại. Cái nhìn "bảo tàng hóa" này sẽ khiến sự sống động, đa chiều của văn hóa Thái bị làm mờ đi, không những khiến người ta chỉ chăm chú tìm kiếm những đặc tính Thái đã được căn tính hóa mà nguy hiểm hơn, có khi còn gây thất vọng về những gì chứng kiến và nhận định đơn giản rằng, văn hóa bản địa đã biến mất không còn tồn tại. Nói theo cách của Geertz, thế giới Thái luôn chứa đầy những thứ khác biệt, "vội vã đi đến đánh giá thì hơn cả một sai lầm, nó là một tội ác" (dẫn theo [228, tr.99]. Việc tìm kiếm, tiếc nuối về một thứ bản sắc đơn nhất, "tiền định" (primordial) (Geertz, 1963) chính là sự phủ nhận, thậm chí từ chối thuộc tính biến đổi và sự đa dạng văn hóa, cũng đồng thời ngăn cản quá trình diễn giải và thông hiểu về mặt văn hóa.

5.3.2. San lấp các hố ngăn cách: một không gian biệt lập chỉ có trong tưởng tượng

Trong nhiều hình dung về văn hóa Thái, tồn tại ý niệm về bản làng Thái, người Thái sống trong những không gian xa xôi, biệt lập, gắn với rừng và núi. Những thực hành ma thuật trong cộng đồng Thái tại Sơn La lại cung cấp những câu chuyện hoàn

1 Phỏng vấn ông Việt, bản Nghe Tỏng, Quỳnh Nhai, 11/10/2020.

2 Tư liệu điền dã tại Quỳnh Nhai, 02/02/2020.

toàn khác. Nhiều lễ cúng diễn ra trong ngôi nhà sàn hoặc nhà tầng ngay giữa thị trấn, thành phố. Bè giải hạn rủi được thả tại con suối sát đường quốc lộ đông đúc, taleo treo trên cửa xếp ngôi nhà ống trong thành phố. Gói bùa hại được thầy mo mút lên trên mảnh đất tranh chấp trị giá hàng tỷ đồng. Lễ Lảu nó của thầy cúng dòng mo một trong ngôi nhà sàn được người dân livestream trên trang Facebook cá nhân với kết nối wifi tại chỗ. Trong túi khót của bà một tại Thuận Châu có một hiện vật thiêng là chiếc vòng nhựa giả ngọc trai bà mua khi đi du lịch tại Thanh Hóa. Hay chiếc gương chuyên làm bùa, bắt hồn vía của bà mo tại Mộc Châu có xuất xứ Thái Lan. Nhiều nơi, người Thái thực hành văn hóa trong sự tương tác với các nhóm dân tộc khác (Mường, Kinh, H'mông, Khơ mú), và sự tương tác, giao thoa văn hóa này diễn ra trong nhiều gia đình. Thậm chí, có những đám tang Thái, thầy mo tiễn hồn

là người Mường, và trong đám tang, thầy mo nói cả tiếng Thái lẫn tiếng Mường1.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.

Hay như tại một số bản làng Thái ở Vân Hồ, nhiều lễ cúng Thái do một thầy mo Mường đảm nhiệm. Chuyện về việc sử dụng 3 ngôn ngữ (tiếng Thái, tiếng Mường, tiếng Kinh) trong giao tiếp và cả trong khấn cúng cũng diễn ra tại một số gia đình. Nói về việc khi khấn cúng dùng cả tiếng Kinh, tiếng Thái, tiếng Mường, anh Du (thành phố Sơn La) cho biết: "Các cụ hiểu hết ấy mà, bình thường khi cúng anh vẫn

nói lẫn lộn cả, chả sao đâu, bọn anh quan niệm là các cụ biết hết hiểu hết, không về mường này thì về mường khác, tổ tiên thì không cần phiên dịch"2. Có những trường hợp người Thái bị bệnh ma hồn nhập, nhưng lại phải chờ đến khi được một thầy cúng H'mông cúng chữa trị mới khỏi. Hay trong nhiều tình huống, những người Kinh, người H'mông tìm đến với thầy mo Thái nhờ giải quyết các vấn đề khó khăn đang gặp phải. Có bà mo Thái còn bị cả ba ma hồn thầy cúng nhập, gồm một ông

Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 25

người Thái, một ông người Mường và một ông người Kinh. Mỗi khi cúng lễ hoặc chữa bệnh ma thuật cho khách hàng, sẽ có một ma nào đó nhập vào mà bản thân thầy mo và người nhà cũng không biết trước rằng, hồn ma đó thuộc dân tộc nào.

Những phân loại, định danh về 54 tộc người ở Việt Nam, kèm theo đó là những đặc trưng văn hóa và địa bàn cư trú riêng đã thiết lập hình dung về một đời sống văn hóa biệt lập Kinh ra Kinh, Thái kiểu Thái, Mường dạng Mường,... Tìm kiếm các thực hành ma thuật diễn ra trong cộng đồng Thái, tôi nhận ra rằng, không có một sự tách biệt thực sự về mặt không gian hay văn hóa tộc người. Thực tế cho thấy, không tồn tại một không gian Thái biệt lập, cũng không có một thứ ma thuật Thái của riêng người Thái hay chỉ dành cho người Thái. Tại đây, từ trong quá khứ đến hiện


1 Thông tin phỏng vấn tại thành phố Sơn La, 14/8/2018.

2 Trao đổi ngày 16/5/2019.

tại, nhiều nhóm người đã sống quần cư trong một không gian, sự tiếp xúc, trao đổi, hòa trộn văn hóa diễn ra thường ngày. Sự giao thoa về mặt văn hóa diễn ra tự nhiên như một phần tất yếu của dòng chảy lịch sử. Có những gia đình không thể định danh thuộc về tộc người nào, gọi họ là người Thái hay người Mường khi trong gia đình này, ông nội người Mường kết hôn bà người Thái, bố lấy tộc danh Mường nhưng nhiều thực hành văn hóa lại theo lệ tục Thái? Với một thầy mo Thái, khi khách hàng cần đến họ để xin bùa cho một sự biến cụ thể, câu hỏi và mối bận tâm của họ sẽ không phải người đó thuộc về dân tộc nào mà luôn là vấn đề cụ thể của họ là gì. Nói theo cách của Leach, các cá nhân tại đây chuyển dịch giữa các hệ thống văn hóa (dẫn theo Harms [98, tr.4]). Sự biệt lập, các hố ngăn cách, các hộp phân loại dân tộc hoàn toàn độc lập này chỉ tồn tại trong ý niệm và trên giấy tờ khi trên thực tế, đây là một "vùng đất giữa" và "khối pha tạp" về văn hóa. Những tương tác và giao thoa văn hóa của cư dân sống trên vùng đất Tây Bắc, những tiếp xúc văn hóa giữa người Thái với các nhóm người Kinh ở phía Nam hay người Lào ở phía Tây trong lịch sử - điều cũng đã được nói tới trong các nghiên cứu của Hickey [342: 5], Hardy [340], và trong chính các câu chuyện kể bản mường của người Thái, ở thời kì "Tạo đi tìm mường" [110] cho thấy, sự biệt lập về văn hóa thực sự chỉ có trong tưởng tượng.

5.3.3. Soi mình vào hình hài kẻ khác: ma thuật và những định kiến tâm linh về người Thái

Với nhiều người Kinh, ý niệm về sự chăm sóc tổ tiên hiển hiện qua việc coi sóc mộ phần, bàn thờ, tổ chức cúng giỗ. Ở cấp độ cộng đồng, đời sống tôn giáo tín ngưỡng hiện diện qua hệ thống đình, đền, chùa, miếu ở hầu khắp các làng quê của người Kinh. Phóng chiếu cái nhìn của nền văn hóa mình vào cộng đồng Thái, tồn tại không ít những định kiến, ngộ nhận, và cả phán xét được hình thành trong tâm thế của nhóm đa số miền xuôi phát triển và hiện đại. Điều đặc biệt là, nhiều trong số đó đã thành một thứ thiên kiến không dễ thay đổi trong tương tác về văn hóa, chẳng hạn, ý niệm hằn sâu về việc người Thái không cúng giỗ tổ tiên, bỏ mặc không chăm sóc mộ phần, không đền miếu thờ cúng thần linh,... Thêm nữa, trong bối cảnh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được nỗ lực đẩy lên thành một tín ngưỡng bản địa, truyền thống, trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Việt, thể hiện sự hiếu đạo, uống nước nhớ nguồn,… thì diện mạo về sự thờ ơ với tổ tiên của người Thái có vẻ lại là một điều bất lợi.

Thực tế các thực hành ma thuật Thái cho thấy những điều ngược lại về các định kiến này. Cách người Thái thờ cúng tổ tiên, chăm sóc mồ mả người chết, ứng xử với thần linh,... là dựa trên những ý niệm đã được kiến tạo trong hệ thống thế giới quan của họ. Những bằng chứng về sự tham gia của tổ tiên trong đời sống Thái hiển lộ rõ trong các thực hành ma thuật. Lỗ hóng trên vách nhà sàn dành để bón cho tổ tiên ăn khi trong nhà có lễ cúng, tục lệ pạt tông (cúng ma nhà) 10 ngày một lần trong ngôi nhà của người Thái Đen, tục cài tạy họ, vật bản mệnh của các thành viên trong dòng họ phía trên mái nhà, phía trên bàn thờ tổ tiên ở người Thái Trắng Quỳnh Nhai, các thao tác ma thuật chăm sóc đời sống cho ma tổ tiên trong tang ma cùng các nghi lễ liên quan tới đời sống của ma tổ tiên trên mường trời, các hình thức lễ dành riêng mời ma tổ tiên ăn, phù trợ cho con cháu trong các nghi lễ vòng đời người,... cung cấp một ý niệm khác về cách người Thái bận tâm tới tổ tiên của mình. Hệ thống văn hóa Thái quy định về sự ngủ yên của các phi. Vì lẽ đó, hóng thờ không được phép thường xuyên dọn dẹp, ngôi mộ ngoài rừng ma phải để mặc cây cối um tùm và hạn chế việc ra thăm mộ. Với người Thái, mối bận tâm về thế giới tổ tiên là thường trực, song cách họ thờ cúng tổ tiên không tương đồng với người Kinh. Phi và người có đời sống và thế giới riêng, mọi tương tác cần hết sức thận trọng, đầy đủ thủ tục (lời thưa, đồ lễ thích hợp), cũng như trong nhiều trường hợp, cần sự đảm bảo của những người có năng lực và thẩm quyền tâm linh (thầy mo). Như vậy, các thực hành ma thuật cung cấp các cứ liệu sâu và thuyết phục rằng, cần có những diễn giải cẩn trọng hơn về những thực hành văn hóa của cộng đồng khác - không phải chỉ căn cứ vào những biểu hiện bề mặt, bên ngoài, hay dựa theo mô hình chuẩn của dân tộc khác để có những so sánh, định giá và đánh giá các thực hành văn hóa Thái.

Ngoài ra, đời sống tín ngưỡng Thái vẫn luôn được xem là thuần khiết, khi xét trên bề mặt, từ trong quá khứ tới hiện tại, chưa có loại hình tôn giáo tín ngưỡng nào có thể xâm nhập được. Sự tìm đến và thất bại trong việc tham gia vào thế giới tâm linh Thái của Tin Lành hay Phật giáo tại một số nơi càng xác tín cho sự nguyên khiết này. Nhưng từ điểm nhìn nghiên cứu ma thuật, có thể thấy, người Thái không hề có sự từ chối quyết liệt hay chủ động phòng bị với các thực hành tôn giáo đến từ bên ngoài. Thực tế ở một số nơi, thời gian gần đây đã xuất hiện những không gian tâm linh với sự hiện diện đa dạng các đối tượng thờ cúng khác Thái. Như tại điện thờ của bà mo Song (Mộc Châu), trên ban thờ hiện diện một dãy các pho tượng của Phật Bà Quan Âm, tượng Thái Thượng Lão Quân, tượng Đức Mẹ Maria, Mẫu

Thượng Ngàn, bên cạnh đó là ảnh thờ của tổ tiên đã mất. Hay như trong ngôi đền Linh Sơn Thủy Từ của người Thái Trắng tại Quỳnh Nhai, tấm bài vị ghi dòng chữ thờ thần núi, thần nước1 được đặt sát cạnh ba pho tượng Phật và pho tượng Bác Hồ, hai bên là hai tấm bài vị thờ các anh hùng liệt sỹ và những ma hồn lưu lạc2.

Tuy nhiên, tại các không gian thờ cúng này, lời cúng của các thầy mo Thái vẫn hướng chủ yếu đến hệ thống các phi đã được kiến tạo trong tâm linh Thái. Sự hiện diện của các pho tượng ngoại sinh trong đền/ điện thờ gần như vắng bóng trong văn bản cúng khi mo giao tiếp tại đây. Điều này có nghĩa, thầy mo không hề nới thêm ranh giới của các mường tâm linh hay bổ sung thêm các không gian hay đối tượng cần giao tiếp. Sự xuất hiện của một số "phi mới" - chẳng hạn "Hồ Chí Minh"3 hay "Phật Thánh Cha Mẹ"4 chỉ dừng lại ở việc nhắc tên, và hoàn toàn không có các tương tác cụ thể riêng với các chủ thể tâm linh mới này. Tình hình ở ngôi chùa bản Vặt tại Mộc Châu cũng diễn ra tương tự. Một ngôi chùa nằm giữa bản Thái, được Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép từ giữa thế kỉ XIX (trước năm 1875) rằng, "khi ấy chùa Chiền Viện đã là một kiến trúc Phật giáo lớn ở miền núi Tây Bắc". Tư liệu khảo cổ cho thấy trong chùa có hàng trăm pho tượng

Phật. Hiện nay, chỉ còn lại nền chùa và một số cột trụ, mảng tường đá. Dân bản cho biết, chỉ có người Kinh ngoài thị trấn thường vào chùa trong ngày rằm, mùng một, đầu và cuối năm âm lịch. Người Thái không tới chùa thắp hương mà chỉ đến vào ngày 29 hoặc 30 âm lịch hàng năm, dự lễ do thầy mo của bản thực hiện. Những thông tin từ thầy mo này cho thấy, việc làm lễ tại nền chùa cổ được ông tiến hành với bài cúng mời các phi bản phi mường ăn và phù trợ cho cuộc sống an lành của bản, theo đúng lời cúng và nghi thức cúng bản mường của người Thái.



1Tấm bài vị bên trái ghi: "Phục vi kính tiên thần linh Sơn thần", bên phải: "Phục vi kính tiên thần linh Thủy thần". Trên mái, bức hoành phi gian giữa chép câu "Từ quang phổ chiếu", bức bên trái: "Sơn thần tối linh", bên phải là dòng chữ "Thủy thần tối linh".

2Nguyên văn hai câu: "Cung tiến người địa phương có công và vong hồn lưu lạc"; "Cung tiến các anh linh

anh hùng liệt sỹ".

3 Nguồn: "Bài cúng Đền Linh Sơn Thủy Từ" được chính thức sử dụng trong lễ cúng tại đền từ thời điểm 16/01/2013, tr.5.

4 Cụm từ thường xuất hiện trong bài khấn của bà mo Song (Mộc Châu) (xem thêm Phụ lục 13. Lễ cúng chuộc vía cho bà góa).

Tiểu kết Chương 5


Trong Chương 5, luận án bàn luận về các vấn đề trong nghiên cứu ma thuật (nói chung) và ma thuật Thái (nói riêng) từ quan điểm tiếp cận bối cảnh đặc thù. Phần viết trong chương cho thấy, những quan điểm diễn giải về ma thuật luôn chịu sự chi phối từ bối cảnh tác động đến điểm nhìn của người nghiên cứu. Đó có thể là những ảnh hưởng từ quan điểm tiếp cận về văn hóa nói chung, tôn giáo tín ngưỡng nói riêng (quan điểm tiếp cận tiến hóa luận đơn tuyến hay tương đối văn hóa), hoặc tùy thuộc vào mục đích trong sử dụng ma thuật nhằm minh chứng cho một quan điểm cụ thể. Những nghiên cứu về ma thuật trong nhân học phương Tây hay ở Việt Nam đều cho thấy, sự đổi dòng trong quan niệm về ma thuật sẽ quyết định đến cách ma thuật được mô tả, định giá, và trong nhiều thời điểm, ảnh hưởng đến cách con người can thiệp vào việc cho phép hoặc cấm đoán việc duy trì các thực hành này.

Với ma thuật Thái, cách nhìn nhận (của cả nhà nghiên cứu, người quản lý, người dân) và việc duy trì các thực hành chịu tác động từ các chính sách về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhà nước trong một số giai đoạn cụ thể, đặc biệt là các pháp lệnh hạn chế tôn giáo tín ngưỡng (giai đoạn 1954 - 1992), chính sách bài trừ mê tín dị đoan (thời kỳ 1977 - 1980) hay xu hướng khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người (từ năm 1998). Những cuộc đổi dòng về mặt nhận thức đã dẫn đến những biến đổi, xáo trộn lớn trong các thực hành ma thuật. Sự thay đổi mạnh mẽ từ cuối những năm 1990 về kinh tế, cơ sở hạ tầng, mạng lưới thông tin, các chiều tương tác,… thêm chất xúc tác cho nhiều thực hành ma thuật hồi sinh, cũng như thúc đẩy sự ra đời của không ít các hình thức ma thuật mới.

Từ quan điểm tiếp cận bối cảnh đặc thù, ma thuật Thái được đặt trong bối cảnh tâm linh, văn hóa, nghi lễ Thái cụ thể, và trong bối cảnh xã hội Thái với nhiều chiều tương tác, có thể nhận diện về nhiều vấn đề của đời sống Thái. Ma thuật giúp hé lộ về phương thức tri nhận thế giới của người Thái, cũng như cách người Thái thích ứng với những thay đổi trong đời sống xã hội. Các thực hành ma thuật cũng gợi dẫn sự tái diễn giải giải định kiến về nhiều các ý niệm đã được định hình về cộng đồng Thái và về văn hóa Thái. Những vấn đề được trình bày trong chương 5 cho thấy sự cần thiết của tiếp cận ma thuật trong bối cảnh của chính nền văn hóa nơi ma thuật được sinh ra, để có thể tránh những định kiến sẵn có, hướng đến các chiều kích diễn giải khác về thực hành ma thuật.

KẾT LUẬN


Qua bốn chương viết, luận án đã nhận diện về các thực hành ma thuật Thái và cách các thực hành này hiện diện trong đời sống văn hóa của người Thái tại Sơn La. Vận dụng quan điểm lý thuyết trong tiếp cận bối cảnh đặc thù, ma thuật Thái được luận án soi chiếu trong hệ thống vũ trụ quan Thái (Chương 2), trong các tình huống người Thái dùng ma thuật để tương tác với phi (Chương 3), trong các bối cảnh xã hội nơi ma thuật được sử dụng như một giải pháp cần thiết, hữu ích, thậm chí là duy nhất (Chương 4). Chương 5 dành để bàn luận về vấn đề bối cảnh trong diễn giải ma thuật, cũng như các chiều kích nghĩa mà hướng tiếp cận bối cảnh đặc thù có thể mang lại cho các thực hành này.

Có thể nói, hệ thống vũ trụ quan Thái đã xác lập về một mối liên kết vô hình giữa các thế lực siêu linh, giữa cái siêu linh với con người - một mối quan hệ và sự nối kết mang tính gần gũi, gắn bó, hiểu biết lẫn nhau, có tính chia sẻ và đầy xúc cảm. Trong hệ thống vũ trụ được xác định gồm côn (người) và phi (cái siêu linh) này, ma thuật là một phương tiện sử dụng hiển nhiên, hợp lý, bởi nếu không có ma thuật, người không thể tương tác với phi. Đặt trong hệ thống vũ trụ quan tộc người Thái xem phi (thần, ma, hồn) là chìa khóa, thực hành ma thuật là sự lựa chọn hợp lý duy nhất để người Thái có thể tương tác với cái siêu linh mang tên phi, hướng đến việc tác động và làm thay đổi thế giới của các phi theo mong muốn của con người. Ma thuật Thái cho thấy một nỗ lực "kiểm soát tình hình một cách trực tiếp" đầy lí trí của người Thái, là cách người Thái "kết nối trực tiếp với thế giới siêu nhiên và mang lại kết thúc như mong muốn" [376, tr.138]. Như thế, ma thuật Thái không phải là các hành vi bất thường, đặc biệt theo kiểu 'làm phép' nhằm hướng tới các kết quả kì diệu, khác thường. Các hành vi ma thuật với định danh sửa hồn (pành khuần), làm vía (phúc khoăn), trừ ma (hệt phi)… là gần gũi và quen thuộc, cần thiết và hữu ích, xuất hiện đan xen với các hoạt động thường ngày trong cuộc sống của con người, diễn ra trong nhiều khía cạnh của đời sống Thái. Nhìn từ hệ thống vũ trụ quan Thái, thực hành ma thuật cho thấy cách người Thái tri nhận về thế giới, trong đó, thực thể người và các thực thể phi nhân không phân tách mà đều có linh hồn, có tương tác, hình thành nên một hệ thống giao tiếp Thái về phần hồn. Trên thực tế, phi trở thành một thành viên trong cấu trúc xã hội Thái, chi phối cách nhìn, cách nghĩ, cách làm của người Thái.

Xuất phát từ mối bận tâm mang tên phi, các hình thức ma thuật xoay quanh trục trung tâm này được luận án phân loại thành hai nhóm chính gồm 1- Ma thuật

tương tác với khuân và 2- Ma thuật tương tác với các loại phi. Từ đây, có thể nhận diện một hệ thống các thao tác hành vi, hiện vật, đồ lễ, người thực hành, lời nói được lựa chọn phù hợp với từng đối tượng phi và bối cảnh cần giao tiếp, nhằm đạt tới hiệu quả cao nhất của quá trình tương tác. Tương tác với phi, ma thuật Thái nổi bật về đặc trưng giao tiếp với vai trò trọng tâm của Lời, và việc thực hiện các phép tương đồng (analog) có tính thuyết phục, gợi dẫn, với sự tham gia của người thực hành có thẩm quyền (thầy mo), một hệ thống các vật biểu tượng (dây, vòng, lưới, áo, trứng,…), các hành vi (đọc chú, thổi, chém,…) đã được gán nghĩa trong văn hóa Thái. Từ đây, có thể thấy một cơ chế nghĩa của ma thuật được vận hành mà trong đó, phương thức tư duy ma thuật được thực hiện bởi "vũ trụ biểu tượng" Thái - một khung ma trận của toàn thể các ý nghĩa đã được chia sẻ trong cộng đồng. Phương thức tư duy này đặt ra yêu cầu về việc diễn giải ma thuật trong bối cảnh văn hóa Thái, sự nhúng chìm các thực hành ma thuật trong đúng bối cảnh văn hóa nơi ma thuật sinh ra. Mọi sự diễn giải tách rời khỏi bối cảnh (về văn hóa, nghi lễ, tình huống), hoặc không xuất phát từ điểm nhìn của người trong cuộc đều dễ dẫn đến nguy cơ của những đánh giá chủ quan, thiếu thận trọng, thậm chí là những hiểu lầm về mặt văn hóa.

Đặt để các thực hành ma thuật Thái trong nhiều bối cảnh xã hội cụ thể còn giúp khám phá sâu hơn về các chiều kích nghĩa của ma thuật với đời sống của con người. Những câu chuyện trong Chương 4 cung cấp minh chứng cho thấy sự tham gia của ma thuật trong nhiều tình huống - từ giải quyết vấn đề cho các cá nhân đến xử lý khủng hoảng cộng đồng, từ chữa bệnh đến làm ăn kinh tế, tương tác văn hóa tộc người,… Sự hiện diện của ma thuật trong nhiều khía cạnh của đời sống không chỉ cho thấy vai trò, ý nghĩa của các thực hành này mà từ ma thuật, còn có thể khám phá những bộn bề trong hiện tại của đời sống Thái. Ma thuật phô diễn một bức tranh đời sống động với nhiều mảng màu và nhiều góc khuất. Một đời sống Thái trong các chiều tương tác đa dạng, với sự mở rộng các ranh giới (cả ranh giới vật lý lẫn ranh giới văn hóa) khiến dẫn đến nhiều những biến động, biến đổi cả trong tâm thức lẫn trong các thực hành văn hóa. Với riêng ma thuật, sự mô phỏng, gá lắp, tạo mới diễn ra liên tục, nương theo những nhu cầu và những biến đổi của đời sống con người. Đây là minh chứng rõ rệt nhất cho thuộc tính kiến tạo của các thực hành ma thuật. Ma thuật không phải là các thực hành cổ xưa, bất biến, thuộc về cơ tầng văn hóa sâu dày nhất của một cộng đồng hay một nền văn hóa. Ma thuật là các thực hành gắn với đời sống con người, đã và đang tiếp tục được kiến tạo để có thể thích ứng và giúp con người thích ứng trong những bối cảnh thường xuyên đổi thay.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2023