Nội Dung Hiến Pháp Hiện Hành Malaysia 2.3.4.1. Khái Quát Chung

khẩn cấp nên đã đi đến sửa đổi Hiến pháp lần thứ nhất. Điều này có thể thấy rõ từ các sửa đổi được thực hiện cho Phần XI của Hiến pháp, bao gồm các Điều từ 149 đến 151, liên quan đến pháp luật chống lật đổ và hành động gây phương hại đến trật tự công cộng. Điều 149 quy định về việc tạo ra đạo luật của Nghị viện, trước các mối đe dọa lật đổ Liên bang, điều này đã gây trở ngại cho việc thực hiện quyền con người được liệt kê trong Điều 5, 9, 10 và 13 liên quan đến quyền tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình, tài sản, và được tự do khỏi sự giam giữ bất hợp pháp. Những quyền con người quan trọng này bị hạn chế và tước bỏ, điều đó mở đường cho việc tạo ra Đạo luật An ninh Nội bộ khét tiếng năm 1960, vẫn còn hiệu lực cho đến 52 năm sau đó, khi nó được thay thế bởi luật Vi phạm An ninh (Các biện pháp đặc biệt), Đạo luật 2012 và Đạo luật chống khủng bố năm 2015.

Trước đây trong quy định Điều 150, để tuyên bố khẩn cấp, cần đưa ra hai viện Quốc hội để quyết định nhằm đảm bảo tính nhanh chóng và thuận tiện. Sau khi được triệu tập, Nghị viện phải phê chuẩn nghị quyết cho trường hợp khẩn cấp, nghị quyết sẽ không thể tự động hết hiệu lực sau hai tháng kể từ ngày ban hành. Trong trường hợp Quốc hội không họp bàn thời điểm đó, thì Yang di-Pertuan Agong có thể ban hành các sắc lệnh khẩn cấp sẽ hết hiệu lực sau 15 ngày. Tuy nhiên, các điều khoản đã được sửa đổi để loại bỏ sự cần thiết phải có sự chấp thuận của quốc hội. Thay vào đó, bất kỳ tuyên bố hoặc sắc lệnh khẩn cấp nào bây giờ sẽ có hiệu lực cho đến khi Quốc hội bãi bỏ nó. Từ chỗ cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội để duy trì tình trạng khẩn cấp, giờ Quốc hội chỉ còn quyền kết thúc lệnh khẩn cấp. Chính sự thay đổi này đã dẫn đến hệ quả về sau là đình chỉ hoạt động Nghị viện năm 1969.

Trong khi hầu hết các sửa đổi hiến pháp khác được thực hiện vào năm 1960 chủ yếu mang tính chất hành chính. Ví dụ, sửa đổi các Điều 122, 125 và 138, dẫn đến việc bãi bỏ Ủy ban Dịch vụ Pháp lý và Tư pháp (JLSC), cho đến nay, chịu trách nhiệm về việc đưa ra tất cả các khuyến nghị liên quan đến các vấn đề tư pháp.

Ngoài ra, quyền khởi xướng các thủ tục tố tụng đối với các thẩm phán đã được chuyển từ JLSC sang Agong theo lời khuyên của thủ tướng, điều đó làm suy giảm nghiêm trọng sự độc lập của tư pháp. Những hậu quả từ động thái này tạo điều kiện cho việc sa

thải Chủ tịch Tòa án liên bang Salleh Abbas và hai thẩm phán khác của Tòa án Tối cao, gây ra một cuộc khủng hoảng tư pháp quốc gia chưa từng có.

Ngoài tư pháp, việc sửa đổi Điều 145 cũng có tác dụng thay đổi vị trí của luật sư từ một người làm việc độc lập trở thành thành viên của chính phủ và họ phải trả lời trực tiếp trước Nghị viện. Các luật sư có thể dễ dàng bị sa thải bất cứ lúc nào và gặp nhiều áp lực khi thực hiện công việc của mình [81].

Quyền con người trong thời điểm này tại Malaysia trở nên rất khó khăn và hạn chế, đặc biệt là bầu cử. Dân chúng suy giảm niềm tin, và để làm dịu đi tình hình cử tri, Chính phủ đã đầu tư vào một chương trình phát triển nông thôn quy mô lớn. Mặt khác, họ tìm cách kiềm chế việc thực hiện quyền con người của những ai không phải là người Malay bằng hai cách: thứ nhất, quyền con người bị hạn chế ở mức tối thiểu với những ai không phải người Malay; thứ hai, thay đổi hệ thống bầu cử nhằm hạn chế những ai không phải người Malay đi bầu cử bằng mọi cách.

2.3.3.3. Hiến pháp sửa đổi giai đoạn 1963 – 1969

Về bối cảnh lịch sử:

Hiến pháp đã trải qua một cuộc đại tu lớn khác. Đạo luật Malaysia 1963 được đưa ra để phù hợp với những thay đổi về cấu trúc của đất nước với việc bổ sung Sabah, Sarawak và Singapore. Liên bang Malaysia được mở rộng và đổi tên. Nhưng việc sát nhập chưa được bao lâu, vào ngày 9/8/1965, Singapore đã tách khỏi Liên bang. Trong giai đoạn đó, giữa Malaysia và Indonesia cũng có những mâu thuẫn nhất định do ảnh hưởng của hai cực “chiến tranh lạnh”. Bên cạnh áp lực mâu thuẫn chủng tộc đến từ những người Malaysia theo chủ nghĩa dân tộc cũng như các phần tử cánh tả thân cộng sản. Những bối cảnh ngặt nghèo đó đã thúc ép Malaysia cần thay đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.

Về cơ cấu và nội dung:

Điều chỉnh 45 điều và 4 mục nhỏ. Nội dung chủ yếu là các vấn đề liên quan đến chính quyền địa phương, bộ máy tổ chức khi Singapore ra khỏi liên bang [81]

Lịch sử và xu hướng phát triển của hiến pháp các nước Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á - 9

2.3.3.4. Hiến pháp sửa đổi giai đoạn 1969 – 1973

Về bối cảnh lịch sử:

Mở đầu cho bối cảnh lịch sử đầy bão táp là cuộc bạo loạn chủng tộc ngày 13/5/1969. Căng thẳng đã gia tăng trong những năm 1969 trước cuộc tổng tuyển cử, dẫn đến bùng phát bạo lực giáo phái. Những gì diễn ra vào ngày 13/5 sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử là ngày “ô nhục” của Malaysia, được Tunku mô tả là một vụ phun trào chính trị và xã hội của độ lớn đầu tiên, một khoảnh khắc đen tối khi máu chảy trên đường phố, hàng trăm người thiệt mạng trong cuộc bạo loạn giáo phái. Hiến pháp Malaysia được sửa đổi ngay lập tức nhằm cải thiện tình hình.

Về cơ cấu và nội dung:

Hiến pháp tập trung sửa đổi các vấn đề nhạy cảm của phe Hồi giáo, 7 điều đã được thay đổi bao gồm tự do ngôn luận, hội họp và hiệp hội, đặc quyền của Quốc hội, ngôn ngữ quốc gia, và việc mở rộng phạm vi của Điều 153 liên quan đến việc bảo vệ vị trí đặc biệt của người Hồi giáo là người Mã Lai. Những sửa đổi này đã được tăng cường hơn nữa bởi các đạo luật khác, chẳng hạn như Đạo luật Đại học 1971, cấm sinh viên đại học tham gia các hoạt động chính trị, và Đạo luật Bí mật 1972, đưa ra một hệ thống các vấn đề bị coi là bí mật và không được phép phổ biến công khai.

Năm 1973, một dự luật sửa đổi Hiến pháp lớn khác đã được thực hiện chủ yếu ở lĩnh vực bầu cử. Giới hạn Hiến pháp đối với ty lệ người từ nông thôn đã được nới lỏng từ 15% lên 33%, sau đó, quy định đã bị bãi bỏ hoàn toàn.

2.3.3.5. Hiến pháp giai đoạn 1973 – 1994

Về bối cảnh lịch sử:

Những sửa đổi được thực hiện vào năm 1983 và 1984 liên quan đến vai trò lập pháp của những người cai trị. Năm 1981, Mahathir Mohamad nhậm chức Thủ tướng, ông bắt đầu cuộc đối đầu đầu tiên với hoàng gia Malay năm 1983 về các cuộc bạo loạn trước đây. Cuộc đối thoại đã đưa ra nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ trong Hiến pháp cần được sửa đổi.

Về cơ cấu:

Từ năm 1973 đến 1985, Hiến pháp đã được sửa đổi thêm 11 lần, bao gồm nhiều sửa đổi đối với các khoản trợ cấp cho các tiểu bang, thắt chặt hơn nữa luật bầu cử, cho phép chính phủ có thêm quyền lực và giới thiệu đồng ringgit là tiền tệ quốc gia.

Về nội dung:

Trước đó, những người cai trị được hưởng quyền miễn trừ pháp lý, một điều khoản đã bị lạm dụng để trốn tránh trách nhiệm hiệu quả. Đến đầu những năm 1980, hành vi của những người cầm quyền ngày càng bị nghi ngờ trong các diễn ngôn công khai, đặc biệt là liên quan đến sai lầm tài chính, lãng phí quỹ công, tham gia vào kinh doanh bất hợp pháp. Trước bối cảnh đó, Mahathir quyết định làm sáng tỏ tình hình bằng cách đưa ra Dự luật Hiến pháp (Sửa đổi) năm 1983.

Trong số 43 điều được sửa đổi, quyền lực của những người đứng đầu đã bị giới hạn lại. Ngoài ra, Mahathir cũng đề xuất chuyển quyền lực để tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ Agong sang tay Thủ tướng. Điều 121 cũng là một trong điểm sửa đổi đáng chú ý trong Hiến pháp 1988. Những sửa đổi bao gồm loại bỏ quyền lực chung của Tòa án tối cao để tiến hành đánh giá tư pháp, trao quyền cho Tổng chưởng lý để xác định tòa án cho các vụ án được xét xử, và tạo ra một ranh giới giữa tòa án dân sự và tòa án Shari’ah, đồng thời nâng vị trí của tòa Shari’ah ngang bằng với tòa dân sự thường, dẫn đến hai hệ thống tòa án song song, điều đặc biệt khó khăn khi xét xử các vụ án vừa có yếu tố Hồi giáo, vừa có yếu tố hình sự và những người không liên quan đến Hồi giáo. Đặc biệt Điều 121 (1A) với điều kiện Tòa án tối cao “sẽ không có thẩm quyền đối với bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của tòa án Shari’ah” [32, 356] đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn về thẩm quyền hai tòa.

Năm 1994, Hiến pháp đã được sửa đổi lần nữa để bãi bỏ quyền lực của Agong trì hoãn một dự luật bằng cách trả lại cho Quốc hội. Các điều khoản tương tự cũng được mở rộng cho các cơ quan lập pháp tiểu bang, khiến vai trò của hoàng gia Malay như một cơ chế kiểm tra và cân bằng bị loại bỏ. Đồng thời, thay đổi những yếu tố mang tính biểu tượng trong tư pháp như đổi gọi chính thức thành Chánh án và Tòa án tối cao là Tòa án Liên bang, cũng như đưa ra bộ quy tắc đạo đức chuẩn cho các Thẩm phán.

Hiến pháp được sửa đổi thêm 16 lần nữa, lần cuối cùng là vào năm 2009. Hầu hết các thay đổi trong giai đoạn này là vấn đề hành chính.

2.3.3.6. Hiến pháp năm 2003 và Hiến pháp 2010

Về bối cảnh lịch sử:

Với những thay đổi không ngừng của thế giới: quyền con người, chủ nghĩa hiến pháp,… cùng những thay đổi trong nội bộ quốc gia, Hiến pháp Malaysia đã được thay đổi để bắt kịp với xu thế chung của thời đại và những biến trong trong đời sống tình hình chính trị trong nước.

Về cơ cấu:

Hiến pháp vẫn giữ nguyên 183 điều và 15 chương với nội dung bao quát các lĩnh vực: thể chế nhà nước, quyền con người, tài chính, liên bang và tiểu bang,…

Về nội dung:

Hiến pháp đã tăng cường quyền con người và quy định rõ hơn các chức năng, quyền hạn của bộ máy nhà nước. Điều này sẽ được phân tích kỹ dưới đây.

2.3.4. Nội dung Hiến pháp hiện hành Malaysia 2.3.4.1. Khái quát chung

Hiến pháp hiện hành của Malaysia là Hiến pháp sửa đổi năm 2010 với các điểm đáng chú ý. Hiến pháp Liên bang có 183 Điều cùng với 13 phụ lục. Mỗi phụ lục là sự cụ thể hóa các điều khoản nhằm hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan thi hành cũng như người dân về các vấn đề được nêu trong Hiến pháp.

Cơ cấu gồm Lời nói đầu và các chương: Chương 1 - Các tiểu bang, tôn giáo và luật liên bang, Chương 2 - Tự do cơ bản, Chương 3 - Quyền công dân, Chương 4 - Liên bang, Chương 5 – Liên bang, Chương 6 - Mối quan hệ giữa liên bang và tiểu bang, Chương 7 - Điều khoản tài chính, Chương 8 - Bầu cử, Chương 9 - Tư pháp, Chương 10 - Dịch vụ công cộng, Chương 11 - Quyền hạn đặc biệt chống lại sức mạnh lật đổ và khẩn cấp, Chương 12 – Các quy định riêng biệt, Chương 13 – Các trường hợp tạm thời, Chương 14 - Ngoại lệ đối với quyền của các vị vua và Chương 15 - Thủ tục tố tụng của Yang di- Pertuan Agong và những người cai trị.

Về dung lượng và mức độ chi tiết: Hiến pháp Malaysia được đánh giá là bản Hiến pháp có độ dài đáng kể, các điều khoản quy định khá chi tiết và có bảng phụ lục chi tiết để tham khảo. Khi thay đổi hay bổ sung thêm điều khoản, Hiến pháp Malaysia vẫn giữ nguyên số thứ tự của điều khoản trước đó, cho dù nó đã bị bãi bỏ. Điều đó khiến Hiến pháp trở nên dễ cập nhật, tra cứu hơn.

2.3.4.2. Lời nói đầu

Hiến pháp Malaysia không có lời mở đầu giống như Hiến pháp Indonesia. Ngay từ những trang đầu tiên Hiến pháp Malaysia đã đi vào Chương 1 và những điều khoản đầu tiên. Điều này có thể lý giải được bởi lẽ Malaysia từng chịu ảnh hưởng của pháp luật Anh, có thể việc không có Lời mở đầu của Hiến pháp là do ảnh hưởng của phong cách Hiến pháp bất thành văn của Anh. Ngoài ra, các quy định của Hiến pháp Malaysia về sau rất chi tiết và cụ thể, các vấn đề như tôn giáo hay mục tiêu Nhà nước, được đề cập ngay trong lời nói đầu trong Hiến pháp Indonesia đều được các điều khoản sau đó trong các chương của Hiến pháp Malaysia. Do đó, việc Hiến pháp Malaysia không có Lời nói đầu không phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến ý nghĩa và giá trị của Hiến pháp Malaysia hiện hành.

2.3.4.3. Chế độ nhà nước

Giống như đã phân tích ở trên, có thể do ảnh hưởng của Hiến pháp bất thành văn và phong cách Hiến pháp các quốc gia tư sản, Hiến pháp hiện hành Malaysia tập trung làm rõ hai mảng: tổ chức quyền lực Nhà nước và quyền cơ bản của công dân. Hiến pháp Malaysia có quy định chung về vấn đề tôn giáo. Theo đó, Hiến pháp ghi nhận “Hồi giáo là tôn giáo liên bang”, và các tôn giáo khác vẫn được tự do thực hành cũng như phát triển. (Khoản 3, Điều 1). Tuy vậy, cách giải thích và nhìn nhận vấn đề “tôn giáo liên bang” này có nhiều mâu thuẫn và đánh giá khác nhau về vị trí, vai trò của Hồi giáo trong Hiến pháp. Chủ yếu là hai luồng ý kiến trái ngược nhau: (1) Hồi giáo mang tính chất nghi lễ, hình thức; và (2) Hồi giáo là cả lối sống, cách thực hiện, triển khai trên thực tế. Cụ thể hai luồng ý kiến này sẽ được phân tích kỹ trong mục thực tiễn thi hành Hiến pháp Malaysia dưới đây.

2.3.4.4.Nhân quyền

Nhìn lại hầu hết các bản Hiến pháp đã qua trong lịch sử Malaysia, có thể thấy, gần như quyền con người trong bất kỳ bản Hiến pháp nào cũng đều bị hạn chế ở một mức độ nào đó. Do nhiều lý do, chủ yếu là do những biến động chính trị, sự bạo loạn và những cuộc chiến đẫm máu. Nguyên nhân chính là bởi xung đột sắc tộc và đối nghịch tư tưởng của những nhóm người khác nhau, điều dễ xảy ra ở các quốc gia đã sắc tộc và tôn giáo như Malaysia. Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình,… được xem là những quyền dễ bị can thiệp bởi nhà nước Malaysia nhất trong số các quyền cơ bản của con người. Nhưng cùng với thời gian, sự đi lên và trỗi dậy mạnh mẽ của vấn đề nhân quyền trên thế gới, Hiến pháp Malaysia đã có xu hướng tôn trọng và đề cao quyền con người hơn. Cụ thể có thể thấy qua một số biểu hiện:

(1) Ngay ở khoản 1, Điều 8, Hiến pháp Malaysia quy định: “Mọi người đều bỉnh đẳng trước pháp luật, và được pháp luật bảo vệ như nhau.” Việc công nhân sự bình đẳng và không phân biệt đối xử với bất kỳ ai trước pháp luật trong Hiến pháp là điều quan trọng và là cơ sở để công dân được bảo vệ và tôn trọng quyền của mình một cách đúng nghĩa.

(2) Không chỉ vậy, số lượng quyền con người có xu hướng tăng trong từng lần thay đổi Hiến pháp và được quy định riêng trong một chương (Chương 2), được đẩy lên vị trí những chương đầu tiên trong Hiến pháp cho thấy sự quan tâm và nhìn nhận của cơ quan lập pháp và Nhà nước đối với một trong những giá trị nhân bản của nhân loại.

(3) Như đã đề cập trước đó, Hiến pháp liên bang quy định rất rõ quy trình sửa đổi các quy định trong Hiến pháp. Và việc sửa đổi các vấn đề liên quan đến quyền con người được xếp vào các vấn đề đặc biệt, cần có sự tham khảo và điều trần ngặt nghèo, nghiêm khắc hơn. Cụ thể là ngoài tỷ lệ 2/3 nghị sĩ đồng ý trong phiên điều trần thứ 2 và thứ 3, thì việc điều chỉnh quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp còn phải được sự đồng ý của Hội đồng tiểu vương hoặc hai bang quan trọng nhất của Malaysia là Tiểu vương bang Sabah và Sarawak [110].

2.3.4.5. Chính thể và bộ máy nhà nước

Về chính thể, Hiến pháp quy định chính thể của nhà nước Malaysia là quân chủ liên bang. Điều này được thể hiện thông qua sự hiện diện của Quốc vương Malaysia và sự thừa nhận Hồi giáo là tôn giáo liên bang của Malaysia.

Tuy nhiên, không giống như các quốc gia theo hình thức chính thể quân chủ trong khu vực (Brunei, Campuchia, Thái Lan), bên cạnh Quốc vương Malaysia còn có thiết chế đặc biệt mang tên “Majlis Raja – Raja” (tạm dịch là Hội đồng tiểu vương). Hội đồng tiểu vương bao gồm những người đứng đầu về tôn giáo và tiếp quản chức vụ theo việc kế truyền. Đồng thời, khi so sánh Quốc vương của Malaysia và Quốc vương của Brunei, có thể thấy Quốc vương Malaysia thẩm quyền bị hạn chế hơn Brunei. Việc chọn lựa Quốc vương dựa trên sự nhất trí của Hội đồng tiểu vương. Về mặt thế quyền, Quốc vương Malaysia là nguyên thủ tối cao có Phó Quốc Vương giúp việc và hỗ trợ.

Quyền hành pháp theo Hiến pháp là được “trao cho Quốc vương” nhưng trên thực tế thì nằm trong tay của Chính phủ. Bất cứ quyết định nào của Quốc vương đều phải dựa trên sự tư ván và đồng ý của Chính phủ.

Quyền lập pháp được trao cho Nghị viện. Hạ nghị viện có nhiệm kỳ 5 năm và Thượng viện có nhiệm kỳ 3 năm. Quốc Vương đứng đầu trên danh nghĩa Nghị viện, còn thẩm quyền thực sự thuộc về hai viện.

Quyền tư pháp của Nhà nước quân chủ Malaysia được trao cho hệ thống tòa án. Tòa cấp cao nhất là Tòa án liên bang có thẩm quyền xem xét các vấn đè liên quan đến các bang, các quyết định trong vụ án của tòa cấp dưới, tính hợp hiến của các dự luật do Nghị viện trình lên,…Như vậy, khác với Indonesia, Malaysia không có Tòa Hiến pháp riêng, nhưng bù lại Tòa án tối cao liên bang có quyền xem xét tính hợp hiến. Ngoài ra, ở Malaysia còn tồn tại Tòa Shari’ah chuyên xét xử các vấn đề liên quan đến đạo Hồi. Và tòa án thường không được nhúng tay vào (kể cả Tòa tối cao liên bang).

Về vấn đề tam quyền phân lập, trong Hiến pháp Malaysia, không nhắc đến cụ thể vấn đề “tam quyền phân lập”, nhưng thông qua việc nhìn nhận tổ chức bộ máy nhà nước có thể thấy, việc phân chia quyền lực quyền lực của ba nhánh lập pháp – hành pháp – tư pháp khá rõ ràng và cụ thể.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/02/2023