Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 19

b. Bưu điện

Mạng lưới bưu điện giai đoạn này được chấn chỉnh và mở rộng nhiều tuyến mới. Đến năm 1985, Việt Nam đã có 75 trung tâm bưu điện, 209,7 nghìn km đường thư và 103,1 nghìn máy điện thoại [Nguyễn Trí Dĩnh, và cộng sự, 2013, 633]. Một số công trình thông tin lớn được xây dựng như Đài Hoa Sen, cáp đồng trục Hà Nội - Hải Phòng... Năm 1983, lần đầu tiên trong lịch sử thông tin Việt Nam, ngành bưu điện đã thực hiện thành công việc liên lạc báo, thoại giữa Trung ương với địa phương. Hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của ngành bưu điện cũng được quan tâm đầu tư và phát triển đúng hướng. Mặc dù vậy, trình độ của ngành bưu điện Việt Nam vẫn hết sức lạc hậu. Điện thoại chủ yếu chỉ được dùng ở các công sở, còn gia đình rất hiếm. Có thể nói, trong giai đoạn này, lĩnh vực giao thông vận tải và bưu điện vẫn còn là điểm yếu trong nền kinh tế. Cơ sở vật chất yếu kém, cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý chưa hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Do vậy, đổi mới tư duy và cách làm trong lĩnh vực này là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế đất nước ở những giai đoạn tiếp theo.

Tóm lại: Giai đoạn 1981-1985, khi cả nước thực sự bắt tay vào xây dựng nền kinh tế - xã hội chủ nghĩa theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp thì cũng là thời điểm những hạn chế của mô hình kinh tế này bộc lộ, dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Trước tình hình đó, nhiều nhận thức mới, cách làm mới mang tính "xé rào" đã xuất hiện ở các địa phương, trong từng ngành cụ thể. Những chuyển biến từ cơ sở đã buộc các cấp lãnh đạo phải nhìn nhận, đánh giá lại tình hình và bước đầu có những thay đổi về tư duy, đường lối, chính sách phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn. Nền kinh tế chuyển dần sang nền kinh tế nhiều thành phần; kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể từng bước đã được thừa nhận về mặt thực tế; lĩnh vực lưu thông, thị trường tự do cũng đã bắt đầu từng bước được hình thành.

Từ thực tiễn, đã có những bước đi mới nhất định trong việc xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp trong một số lĩnh vực của nền kinh tế. Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tuy mới chỉ là những hiện tượng lẻ tẻ,

chưa đồng bộ và phổ biến, nhưng nó đã báo hiệu công cuộc đổi mới toàn diện trên khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội ở giai đoạn sau. Vì vậy, có thể nói giai đoạn 1981-1985 là giai đoạn có những đột phá quan trọng từ cơ sở đến trung ương, tạo tiền đề, bước đệm cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước những năm sau này.

6.3. NGUYÊN NHÂN VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM

Với mục tiêu cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, thống nhất kinh tế và bắt tay vào xây dựng nền kinh tế lớn xã hội chủ nghĩa; trong 10 năm (1976-1985), tình hình phát triển kinh tế nước ta đạt được một số kết quả nhất định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 3,56%. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân chỉ đạt 0,4% (GDP năm 1980 so với năm 1976 tăng gần 2%). Sang kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981-1985) với sự thay đổi của nhiều chủ trương chính sách, đặc biệt là trong nông nghiệp và công nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân đã tăng lên, đạt gần 6,1% (GDP năm 1985 so với năm 1981 tăng 34,4%). Nhiều công trình tương đối lớn phục vụ cho phát triển công nghiệp đã được hoàn thành góp phần phát triển thêm một bước lực lượng sản xuất. Tài sản cố định của nền kinh tế quốc dân tăng đáng kể, năm 1980 tăng 29,2% và năm 1985 tăng 105,3% so với năm 1976.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế thời kỳ này không đạt được kết quả như kỳ vọng, cũng không tương xứng với những đầu tư của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Rất nhiều chỉ tiêu trong 2 kế hoạch 5 năm đều không đạt, cụ thể: nông nghiệp bước vào khủng hoảng, công nghiệp trì trệ, giá cả bất ổn, lạm phát luôn ở mức cao; giao thương không thuận tiện; đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Sau 5 năm thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam và xây dựng nền kinh tế thống nhất trên phạm vi cả nước đến nửa đầu thập niên 1980 nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội toàn diện, trầm trọng. Cuộc khủng hoảng diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan sau đây:

6.3.1. Nguyên nhân

6.3.1.1. Nguyên nhân khách quan

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.

Xuất phát điểm đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta thấp với rất nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta bắt đầu từ một nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu, lại phải chịu nhiều hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh. Hơn nữa, trong khi chưa khắc phục được hậu quả của cuộc chiến trước thì hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc xảy ra, tiếp tục gây nên những tổn thất nghiêm trọng về người và của cho đất nước ta.

Đúng lúc khó khăn chồng chất Việt Nam lại bị Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ bao vây, cấm vận; viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũng giảm dần, sau đó bị cắt hẳn tạo nên áp lực quá lớn cho nền kinh tế. Những khủng hoảng và bất ổn trong mô hình kinh tế của Liên Xô và các nước Đông Âu cũng tác động không nhỏ tới đường lối phát triển kinh tế của Việt Nam.

Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 19

6.3.1.2. Nguyên nhân chủ quan

Nguyên nhân của những sai lầm trong công tác xây dựng và quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước đã được Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) nhận định một cách đầy đủ và chính xác trên các phương diện sau:

- Việc đánh giá cụ thể tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thiếu sót dẫn đến những sai lầm trong việc xác định mục tiêu, bước đi của chủ nghĩa xã hội, về cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa sớm được xác lập trong khi lực lượng sản xuất còn ở trình độ rất thấp và lạc hậu, không thể đáp ứng được với quan hệ sản xuất tiên tiến đó. Những bước quá độ rất căn bản và cần thiết để từng bước phát triển lực lượng sản xuất đã bị bỏ qua, thay vào đó là tư tưởng nôn nóng, muốn tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội. Về phương diện lý luận, V.I. Lênin trong tác phẩm "Bàn về cương lĩnh ruộng đất" đã cảnh báo: "Xét cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn, trong điều kiện một nền kinh tế tiểu nông mà lại đem thực hiện ngay lập tức chủ nghĩa cộng sản toàn vẹn

là hết sức sai lầm"1. Tiếc thay, chúng ta đã mắc phải sai lầm đó.



1 V.I. Lênin (2006), Toàn tập, tập 44, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 344.

- Bố trí cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, đề ra chỉ tiêu, kế hoạch quá cao về xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất, không coi trọng đúng mức việc khôi phục và sắp xếp lại nền kinh tế; thiên về xây dựng công nghiệp nặng với những công trình có quy mô lớn mà không tập trung sức giải quyết về căn bản là vấn đề lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, dẫn đến hệ quả đáng tiếc: đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp.

- Trong cải tạo xã hội chủ nghĩa có biểu hiện nóng vội, muốn xóa ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa. Cách làm thường gò ép, chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng và hiệu quả. Sau những đợt làm nóng vội lại buông lỏng quản lý. Nhiều nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về hợp tác xã, về nông dân... đã bị bỏ qua hoặc áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc trong cải tạo xã hội chủ nghĩa. Do đó, không ít công tư hợp doanh, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất tồn tại chỉ là hình thức, không có thực chất của quan hệ sản xuất mới.

- Cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp duy trì quá lâu. Cơ chế kinh tế này không sai, nhưng chỉ đúng trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định, khi hoàn cảnh thay đổi, cần có những điều chỉnh mới cho phù hợp. Nhưng trên thực tế, nhiều chính sách, thể chế đã lỗi thời lại rất chậm được thay đổi. Có một số cải tiến trong quản lý nhưng còn chắp vá, thiếu đồng bộ, không ăn khớp, cơ chế mới chưa đưa ra được nội dung, hình thức, bước đi cụ thể. Điều này được minh chứng thông qua cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền đầu thập niên 1980. Quản lý bị buông lỏng, pháp luật bị vi phạm ngày càng phổ biến.

6.3.2. Một số kinh nghiệm

Những khủng hoảng nghiêm trọng và toàn diện cũng như bước đột phá trong đổi mới tư duy bắt nguồn từ thực tiễn 10 năm phát triển kinh tế đất nước 1976-1985 cho phép chúng ta rút ra một số kinh nghiệm quan trọng sau đây:

Thứ nhất, lịch sử phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội cho thấy quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là điều kiện tiên quyết cho một hình thái kinh tế - xã hội phát triển. Trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã bỏ qua

nguyên lý này. Quan hệ sản xuất mới được xác lập đi quá xa so với trình độ của lực lượng sản xuất còn thấp kém đã dẫn đến kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Thứ hai, những khủng hoảng nghiêm trọng và toàn diện của nền kinh tế cho thấy việc xây dựng đường lối kinh tế không xuất phát từ thực tiễn mà bắt nguồn từ ý chí chủ quan sẽ gây ra hậu quả nặng nề. Do vậy xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng và hành động đúng quy luật khách quan là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Những đột phá từ cơ sở dẫn tới sự thay đổi trong tư duy và chính sách kinh tế thời kỳ 1976-1985 đã minh chứng điều này. Kết quả hiện tượng "xé rào" ở cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề lý luận và thuyết phục những ai còn hoài nghi về sự cần thiết phải đổi mới.

Thứ ba, không thể chủ quan nóng vội, đốt cháy giai đoạn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì chủ quan, nóng vội, nên chúng ta đã đặt ra mục tiêu quá cao trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam và phát triển kinh tế trên phạm vi cả nước mà không tính đến thực trạng kinh tế - xã hội hiện thời. Không thể tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội trong khi lực lượng sản xuất còn ở trình độ rất thấp kém, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế

- xã hội nghiêm trọng thời kỳ 1976-1985.

Thứ tư, việc duy trì quá lâu cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp đã gây tâm lý ỷ lại vào Nhà nước, làm hạn chế sự năng động, sáng tạo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và của người lao động; làm trầm trọng thêm tệ quan liêu, tăng hiện tượng tiêu cực trong quản lý và không tạo được động lực phát triển. Vì vậy cần đổi mới cơ chế quản lý kinh tế cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ năm, trong điều hành kinh tế cần nhạy bén với cái mới. Những sáng kiến từ địa phương luôn có ý nghĩa rất quan trọng và cần được khẩn trương nghiêu cứu một cách nghiêm túc, khách quan để đưa ra quan điểm phù hợp với thực tiễn. Chính sự chậm chạp và trì trệ trong tư duy, đường lối, chính sách phát triển kinh tế thời kỳ này đã khiến các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh... phải "phá rào" để tự cứu lấy chính mình

nhưng vẫn phải làm "chui" vì không được cấp trên công nhận. Sự chậm trễ này khiến cho tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội trở nên trầm trọng và con đường đi đến quyết định đổi mới mất nhiều thời gian hơn.

Thứ sáu, cần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại. Mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa; mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế cần phải được thực hiện trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi; bên cạnh giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, khai thác tốt các yếu tố thời đại kết hợp với sức mạnh của dân tộc.

Thứ bảy, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta còn thiếu hiểu biết và ít kinh nghiệm trong quản lý, vì thế cần chú ý tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của các nước khác vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đồng thời, phải bám sát tình hình kinh tế đất nước, để kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra những quan điểm, cách làm mới, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.


Kết chương


Thời kỳ 1976-1985 Việt Nam đứng trước một cơ hội mới để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng tiềm năng của hai miền để bổ sung cho nhau trong điều kiện thuận lợi cơ bản là có hòa bình. Tuy nhiên, do cả hai kế hoạch 5 năm 1976-1980 và 1981-1985 về cơ bản vẫn xây dựng trên nền tảng của cơ chế cũ là kế hoạch hóa tập trung, bệnh hành chính bao cấp nặng nề và kéo dài trong tất cả các khâu sản xuất, lưu thông, phân phối; do xuất phát điểm của nền kinh tế quá thấp, hậu quả chiến tranh nặng nề cùng với những sai lầm trong các chính sách tổng điều chỉnh giá - lương - tiền, đặc biệt là thất bại trong công cuộc đổi tiền tháng 9 năm 1985 khiến cho nền kinh tế - xã hội nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.

Song cũng chính từ trong cuộc khủng hoảng đó, chúng ta đã dần tìm ra bước đi, cách làm mới, từng bước giải quyết khủng hoảng. Những

bế tắc trong tư duy phát triển kinh tế từng bước được tháo gỡ bắt đầu từ Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV (tháng 9 năm 1979). Sau đó hàng loạt các Chỉ thị, Quyết định của Đảng và Chính phủ (Chỉ thị 100-CT/TW, Quyết định 25/CP, Nghị quyết 26-NQ/TW...) được ban hành đã khắc phục được một phần những khó khăn, khủng hoảng của nền kinh tế. Vì vậy có thể nói, giai đoạn 1976-1985 là giai đoạn của những chuyển biến quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Từ thực tiễn 10 năm xây dựng và phát triển kinh tế cho thấy, chúng ta không thể tư duy giản đơn, nóng vội, gò ép phát triển theo lối suy nghĩ chủ quan mà không tuân theo những quy luật kinh tế căn bản. Những giải pháp mang tính chất tình thế, chắp vá, thiếu đồng bộ không thể khắc phục được triệt để những khuyết tật của mô hình kinh tế kế hoạch hóa, tập trung đã trở nên lỗi thời và lạc hậu. Do vậy, đổi mới đường lối phát triển kinh tế là một tất yếu khách quan, xuất phát từ chính yêu cầu của thực tiễn. Cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ, sâu rộng và tuân theo quy luật kinh tế khách quan, để "cởi trói" và tạo điều kiện cho các ngành, các thành phần kinh tế phát triển.


Tài liệu tham khảo


[1] Phạm Minh Chính, Vương Quân Hoàng (2009), Kinh tế Việt Nam, thăng trầm và đột phá, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2] Trần Đức Cường (Chủ biên) (2017), Lịch sử Việt Nam, tập 14, từ năm 1975 đến năm 1986, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[3] Nguyễn Trí Dĩnh, Phạm Huy Vinh, Trần Khánh Hưng (Đồng chủ biên, 2013), Giáo trình lịch sử kinh tế, Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37,

Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 41,

Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 43,

Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[7] Nguyễn Anh Huy (2013), Lịch sử tiền tệ Việt Nam (Sơ trung và lược khảo), Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.

[8] Đặng Phong (2008), Tư duy kinh tế Việt Nam (Chặng đường gian nan và ngoạn mục: 1975-1989), Nxb. Tri thức.

[9] Đặng Phong (2008), "Phá rào" trong kinh tế vào đêm trước đổi mới, Nxb. Tri thức.

[10] Võ Văn Sen (2017), Lịch sử kinh tế Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh.

[11] Thng Tien Tat (2016), Lịch sử tiền giấy Việt Nam - Những câu chuyện chưa kể, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ.

[12] Trương Thị Tiến (1999), Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[13] Trần Văn Thọ (Chủ biên, 2000), Kinh tế Việt Nam 1955-2000 tính toán mới, phân tích mới, Nxb. Thống kê, Hà Nội.

[14] Tổng cục Thống kê, Vụ Tổng hợp và Thống kê (2000), Số liệu thống kê kinh tế - xã hội Việt Nam 1975-2000, Nxb. Thống kê.

[15] Viện nghiên cứu Tài chính - Bộ tài chính (2001), Tài chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Nxb. Tài chính.

[16] Viện kinh tế học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1990), 45 năm kinh tế Việt Nam (1945-1990), Nxb. Khoa học Xã hội Hà Nội, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

[17] Ngô Doãn Vịnh (2013), Giải thích thuật ngữ trong nghiên cứu phát triển (bối cảnh và điều kiện của Việt Nam), Nxb. Chính trị Quốc gia

- Sự thật, Hà Nội.

Ngày đăng: 16/09/2023