Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 22

c. Thành tựu cơ bản trong các khu vực kinh tế

• Nông, lâm, ngư nghiệp

- Chính sách phát triển nông, lâm, ngư nghiệp

Tháng 4 năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý trong nông nghiệp. Từ đây, kinh tế hộ nông dân được thừa nhận, hợp tác xã giao đất khoán cho các hộ nông dân và quy định số sản phẩm phải nộp, sản lượng khoán được ổn định trong 5 năm. Các hộ nông dân chủ động kinh doanh và trở thành đơn vị kinh tế tự chủ. Nghị quyết đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục thiếu sót của chế độ khoán sản phẩm (khoán 100). Chế độ khoán mới ("khoán hộ" hay "khoán 10") được thực hiện theo định mức đơn giá, thanh toán gọn, gắn kế hoạch sản xuất và phân phối ngay từ đầu vụ. Chế độ khoán mới được nông dân nhiệt liệt hưởng ứng. Đây là một nghị quyết quan trọng, tạo ra động lực mới cho nông nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Tiếp theo Nghị quyết 10, Nghị quyết TW6 (khoá VI, tháng 3 năm 1989), Luật Đất đai (1993), Nghị quyết TW5 (khóa VII, tháng 6/1993), Luật Hợp tác xã (tháng 4 năm 1996) được ban hành. Nội dung cơ bản của các Nghị quyết, văn bản này là: 1) Khẳng định hộ là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao đất, cấp sổ đỏ, có quyền sử dụng lâu dài với năm quyền cụ thể là chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp và cho thuê;

2) Từng bước đổi mới mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu cũ; 3) Đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp. Tháng 11 năm 1998, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 06 khẳng định tầm quan trọng của kinh tế trang trại và đến tháng 2 năm 2000, Chính phủ có Nghị quyết số 03 phát triển kinh tế trang trại. Tất cả những chủ trương, chính sách trên đây đã tạo ra động lực to lớn, giúp nông, lâm, ngư nghiệp phát triển mạnh trong thời đổi mới.

- Những thành tựu chủ yếu

+ Tốc độ tăng trưởng: Trong giai đoạn 1991-2000, bình quân mỗi năm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng là 4,2%. 10 năm tiếp theo (2001-2010), khu vực này tiếp tục tăng trưởng ổn định, cung cấp nhiều sản phẩm với chất lượng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu

cầu của sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong giai đoạn này, giá trị sản xuất bình quân của nông, lâm, thủy sản tăng 5,2% (nông nghiệp tăng 4,2%; lâm nghiệp: 2,2%; thủy sản: 10%). Còn trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh và biến động về giá cả nhưng sản xuất của khu vực này vẫn đạt kết quả khả quan, tốc độ tăng bình quân 3,12%/năm [Niên giám thống kê, 2015, 9].

+ Về lương thực và chăn nuôi: Trong giai đoạn 1986-1990, sản lượng lương thực tăng bình quân là 0,8 triệu tấn/năm. Riêng năm 1989 và 1990, lương thực vượt mức 21 triệu tấn. Từ thiếu lương thực phải nhập khẩu mỗi năm gần 1 triệu tấn, năm 1990 nước ta đã xuất khẩu 1,62 triệu tấn. Sang giai đoạn 1991-2000, sản lượng lương thực quy thóc đạt 35,6 triệu tấn (năm 2000), tăng 14,1 triệu tấn so với năm 1990; bình quân trong 10 năm 1991-2000 tăng trên 1,4 triệu tấn/năm; lương thực quy thóc bình quân đầu người tăng từ 327,5 kg năm 1990 lên 458,2 kg năm 2000. Mỗi năm xuất khẩu 3-4 triệu tấn gạo, nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tiếp đến giai đoạn 2001-2010, sản lượng lương thực có hạt năm 2010 đạt gần 44,6 triệu tấn và tăng trên 10 triệu tấn so với năm 2000. Bình quân lương thực đầu người tăng từ 445 kg (năm 2000) lên 513 kg (năm 2010); xuất khẩu mỗi năm 5-6 triệu tấn gạo. Còn trong giai đoạn 2011-2015, sản lượng lương thực có hạt tăng 13,1%, bình quânmỗi năm tăng 2,5%. Đến năm 2015, năng suất lúa đạt 57,6 tạ/ha, sảnlượng lương thực có hạt đạt khoảng 50,4 triệu tấn, bình quân lương thựcđầu người đạt 549,5 kg/năm [Niên giám thống kê 2016, 450].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.

Chăn nuôi phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong giai đoạn 1991-2000, nuôi gia súc và gia cầm phát triển với tốc độ nhanh, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi năm 2000 tăng 75% so với năm 1990, bình quân tăng 5,8/năm. Trong những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều trang trại chăn nuôi với quy mô tương đối lớn. Tính đến năm 2015, đàn trâu cả nước có 2.524 nghìn con, đàn bò có 5.367,2 nghìn con, đàn lợn có 27.750,7 nghìn con, đàn gia cầm có 341,9 triệu con.

+ Về lâm nghiệp: Ngành lâm nghiệp phát triển và đạt được một số thành tựu nhất định. Trong những năm 2001-2010, sản xuất lâm nghiệp chuyển đổi dần từ khai thác sang tập trung gây dựng vốn rừng với nhiều

Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 22

chương trình, dự án trồng rừng tập trung và đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng ổn định lâu dài cho các hộ gia đình. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình trồng 5 triệu ha rừng, nhiều địa phương còn lồng ghép chương trình phát triển và bảo vệ rừng với các chương trình khác như chương trình 134, chương trình 135, chương trình 30A và các chương trình xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến năm 2015, sản lượng gỗ khai thác cả nước đạt 9.199,2m3 tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010 tổng diện tích có rừng của cả nước là 14.061,9 ha (trong đó diện tích tự nhiên là 10.175,5 ha, diện tích trồng mới là 3.886,3 ha), tỷ lệ che phủ rừng là 40,8% [Niên giám thống kê 2016, 499].

+ Về ngư nghiệp: Ngư nghiệp ngày càng thể hiện là một ngành kinh tế mũi nhọn. Sản xuất thủy sản phát triển tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu. Tính đến năm 2015, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản cả nước là 1.057,3 nghìn ha; sản lượng thủy sản đạt 6.582,1 nghìn tấn (trong đó khai thác là 3.049,9 nghìn tấn; nuôi trồng đạt 3.532,2 nghìn tấn) [Niên giám thống kê, 2016, 511-516].

Bên cạnh những thành tựu đạt được, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp trong những năm đổi mới cũng có những hạn chế:1) Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm so với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; 2) Năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam còn thấp (do chất lượng nông sản hàng hóa thấp; giá thành sản xuất còn cao so với các nước trong khu vực và nước ta còn gặp nhiều khó khăn về an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất hàng hoá vào các nước...);

3) Thu nhập từ nông nghiệp giảm, phân hóa giàu nghèo trong nông thôn diễn ra với khoảng cách ngày càng xa.

Công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng

- Sản xuất công nghiệp

Trong giai đoạn 1986-1990, việc xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp từng bước được thực hiện, với Nghị định 217/HĐBT thực hiện hạch toán độc lập, lấy thu bù chi, doanh nghiệp quốc doanh tự

chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp giai đoạn này là 6,2%/năm. Tiếp đến giai đoạn 1990-2000: công nghiệp đi dần vào thế phát triển ổn định, mức tăng hàng năm là 13,6% (khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 11,4%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 11,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,5%). Tính theo giá trị sản xuất thì qui mô sản xuất công nghiệp năm 2000 gấp 3,6 lần năm 1990 (trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước gấp trên 2,9 lần; khu vực ngoài quốc doanh gấp 2,8 lần; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gấp 7,6 lần). Những sản phẩm quan trọng phục vụ sản xuất và tiêu dùng đều tăng cả về số lượng và chất lượng. Năm 2000 sản lượng than khai thác đạt trên 10,8 triệu tấn, gấp 2,3 lần năm 1990; dầu thô 16,3 triệu tấn, gấp 6,0 lần; điện 26,6 tỷ kwh, gấp 3,0 lần; xi măng 13,3 triệu tấn, gấp 5,3 lần; thép cán 1,7 triệu tấn, gấp 16,5 lần; phân hoá học 1,3 triệu tấn, gấp 3,8 lần; giấy bìa 37,7 vạn tấn, gấp 4,8 lần; lắp ráp ti vi 1,0 triệu cái, gấp 7,2 lần; quần áo may sẵn 333,7 triệu chiếc, gấp 2,7 lần; đường mật 1,2 triệu tấn, gấp 3,6 lần; bia 728,0 triệu lít, gấp 7,7 lần.

Trong những năm 2001-2010 là giai đoạn phát triển nhanh các ngành công nghiệp có khả năng phát huy lợi thế cạnh tranh. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp và xây dựng mỗi năm là 10-10,5%. Đến năm 2010, khu vực này đã sử dụng 23-24% tổng số lao động, giá trị xuất khẩu của công nghiệp chiếm 70-75% tổng kim ngạch xuất khẩu; cơ khí chế tạo đáp ứng 40% nhu cầu trong nước; tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất xe cơ giới, máy và thiết bị đạt 60-70%. Trong giai đoạn 201-2015, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2011 tăng 6,8%; năm 2012 tăng 5,8%; năm 2013

tăng 5,9%; năm 2014 tăng 7,6% và năm 2015 tăng 9,8%. Tốc độ tăng hàng năm của công nghiệp là 7,2% (trong đó ngành khai khoáng tăng 2,7%; chế biến, chế tạo tăng 8,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,8%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,7%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng cao trong 5 năm 2011-2015. Đó là: Điện thoại di động tăng bình quân 44,8%/năm; ô tô lắp ráp tăng 12,08%/năm; điện phát ra tăng 11,48%/năm; đường kính tăng 10,15%/năm; phân hóa học tăng 9,31%; quần áo mặc thường tăng 8,43%/năm. Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Dầu thô

khai thác tăng 4,54%/năm; xi măng tăng 3,9%/năm; than sạch giảm 1,54%. Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở hoàn thành trong giai đoạn 2011-2014 đạt 342,2 triệu m2, trong đó diện tích nhà ở chung cư 11,8 triệu m2, chiếm 3,4%; nhà ở riêng lẻ đạt 330,4 triệu m2, chiếm 96,6%.

Như vậy, sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp nước ta tăng trưởng cao và đóng góp lớn vào sự tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong cơ cấu GDP ngày càng tăng; cơ cấu ngành công nghiệp cũng có sự chuyển biến tích cực: tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, giảm dần tỷ trọng của công nghiệp khai thác; tăng dần tỷ trọng các ngành có hàm lượng khoa học và công nghệ cao; tăng tỷ trọng lao động công nghiệp trong tổng lao động xã hội; gắn sự phát triển công nghiệp của đất nước với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Tuy vậy, công nghiệp nước ta về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật còn lạc hậu. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trên thị trường quốc tế còn thấp do năng suất, chất lượng thấp, chi phí sản xuất ở nước ta còn cao; công nghệ lạc hậu, kiểu cách, mẫu mã hàng hóa còn đơn điệu...

- Xây dựng cơ sở hạ tầng

Xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những lĩnh vực được quan tâm trong thời kỳ đổi mới. Lĩnh vực này phát triển khá mạnh và có những thành tựu lớn, đáng ghi nhận. Hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong 30 năm đổi mới, nước ta đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp nhiều hệ thống quốc lộ: trục Bắc - Nam, hệ thống quốc lộ hướng tâm, hệ thống đường vành đai biên giới phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Một số tuyến quốc lộ nối với các cửa khẩu quốc tế, cảng biển, cảng hàng không đã hoàn thành và đưa vào khai thác: Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh

- Trung Lương; Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; các cầu đường bộ lớn được xây dựng: cầu Bãi Cháy, cầu Bính, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Cần Thơ; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Tân Vũ,

nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài; thủy điện Lai Châu; nhà máy lọc dầu Nghi Sơn... Một số cảng biển, cảng sông và hàng không cũng được cải tạo, mở rộng hoặc xây dựng mới như cảng biển Hải Phòng, Cái Lân, Nghi Sơn, Cửa Lò, Tiên Sa, Dung Quất; nhà ga T1 và đường băng 1B sân bay quốc tế Nội Bài, nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất; một số sân bay được nâng cấp: Phú Bài, Liên Khương, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột...

Hạ tầng năng lượng cũng có sự phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các nhà máy thủy điện, nhiệt điện được xây dựng như: Thủy điện Sơn La, thủy điện Đồng Nai 3, nhiệt điện Cẩm Phả 2, thủy điện sông Tranh 2. Đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam hoàn thành năm 1994 đã truyền tải nguồn điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Trong khoảng 10 năm (2001-2010), hơn 13.361 MW công suất nguồn điện, khoảng 86 nghìn km đường dây và 63.500 MVA công suất các trạm biến áp lưới truyền tải và phân phối trung cao áp đã được đầu tư mới và đưa vào khai thác đưa tổng công suất đạt 21.500 MV. Hệ thống năng lượng được phát triển theo hướng đa dạng hóa nguồn cung cấp, từ chỗ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thủy năng sang cơ cấu nguồn đa dạng gồm năng lượng than, dầu khí, thủy năng và các dạng năng lượng khác. Việc đầu tư các công trình khai thác, vận chuyển, chế biến dầu, khí đã làm giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là ở các thành phố lớn. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới. Mô hình khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ hơn về hạ tầng góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các loại hạ tầng khác (thông tin và truyền thông, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng các khu công nghiệp, bưu chính viễn thông, tài chính - tiền tệ, v.v...) cũng được quan tâm và có những thành tựu đáng ghi nhận.

Nhìn chung, trong thời kỳ đổi mới, cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế - xã hội nước ta có những tiến bộ đáng kể. Tuy vậy, mặc dù được tập trung đầu tư nhưng do điểm xuất phát thấp, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên hệ thống hạ tầng vẫn còn lạc hậu, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hạ tầng khu đô thị thiếu đồng bộ, kém chất lượng và quá tải. Chất lượng dịch vụ còn thấp, chi phí cao làm xấu đi môi trường đầu tư, hạn chế năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế. Kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển chưa đồng đều, nhất là ở các tỉnh miền núi và đồng bằng sông Cửu Long; việc huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước gặp khó khăn (vì hiệu quả đầu tư chưa cao).

Dịch vụ

Dịch vụ1 là một trong ba khu vực của nền kinh tế ngày càng có vai trò quan trọng đối với kinh tế - xã hội nước ta. Sang thời kỳ đổi mới, khu vực này phát triển ngày càng đa dạng với sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới và trình độ phát triển từng bước được nâng lên. Đóng góp của dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng gia tăng. Giai đoạn 1991-1995, dịch vụ có mức tăng trưởng khá nhanh, đạt 8,6%/năm; giai đoạn 1996-2000 tốc độ tuy đã chậm lại song cũng đạt 5,7%/năm. Sang giai đoạn 2001-2010 tốc độ tăng 7,3%/năm và giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,3%/năm; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,50% năm 2015. Dưới đây là tình hình một số lĩnh vực dịch vụ nước ta trong thời kỳ này:

- Dịch vụ thương mại

Dịch vụ thương mại có sự phát triển mạnh. Trong dịch vụ thương mại thì thị trường nội địa có tiềm năng lớn, có sức hấp dẫn đối với nhiều nước trong khu vực và quốc tế. Sức hấp dẫn này được tạo ra bởi Việt Nam có dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, tăng trưởng kinh tế ở mức


1 Dịch vụ là khái niệm dùng để chỉ các ngành kinh tế mà quá trình sản xuất của nó không tạo ra hàng hoá thông thường, nhưng lại tạo ra hàng hoá đặc biệt bằng cách đáp ứng nhu cầu của con người (ngoài các nhu cầu về hàng hoá do công nghiệp và nông nghiệp cung cấp) và cùng tham gia đồng thời vào quá trình sản xuất, kinh doanh của các ngành kinh tế [Lê Hữu Nghĩa và Lê Danh Vĩnh, 2006, 277].

khá cao, thu nhập bình quân đầu người tăng dần, tỷ lệ tiêu dùng cao, nhu cầu và khả năng mua sắm lớn.

Hệ thống thương mại hiện đại nước ta dù ra đời muộn; nhưng lại phát triển khá nhanh. Ba loại hình tiêu biểu cho kinh doanh hiện đại là trung tâm thương mại, siêu thị và các cửa hàng tiện lợi. Sau khi gia nhập WTO, siêu thị và trung tâm thương mại tăng trưởng đều đặn với mức tăng trung bình là 10,7%/năm (siêu thị) và 11,34% (trung tâm thương mại). Trong thời gian từ năm 2008 đến 2016, số siêu thị tăng từ 385 lên 869, trung tâm thương mại tăng từ 72 lên 170 trung tâm. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hạ tầng thương mại bán lẻ Việt Nam đang được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại. Nếu tính đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2016, cả nước có 8.513 chợ được xếp hạng, giảm 1,7% so với năm 2015; 869 siêu thị, tăng 7%; 170 trung tâm thương mại, tăng 4,9%...

Từ sau năm 1986, tổng mức bán lẻ trên thị trường nội địa tăng mạnh. Nguyên nhân cơ bản là do sự đổi mới cơ chế kinh tế, đời sống dân cư tăng mạnh, sức mua hàng hóa tăng nhanh. Trong thời kỳ 1991-1995, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân trên 30%/năm; thời kỳ 1996-2000 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á nên tổng mức bán lẻ tăng chậm, đạt bình quân 11,6%/năm. Đến thời kỳ 2001-2005 tốc độ tăng bình quân đạt 18%/năm. Đặc biệt, sau khi nước ta gia nhập WTO (2007) đến năm 2016, giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng từ 746,2 nghìn tỷ đồng lên 3.568,1 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trung bình cả giai đoạn là 19%/năm.

- Dịch vụ tài chính ngân hàng

Vào cuối những năm 1980, hệ thống ngân hàng một cấp được chuyển thành hệ thống ngân hàng hai cấp với việc thành lập bốn ngân hàng thương mại Nhà nước. Việc ban hành hai Pháp lệnh về ngân hàng năm 1990 đã dẫn tới sự thành lập các ngân hàng thương mại cổ phần, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các văn phòng đại diện và các ngân hàng liên doanh. Các pháp lệnh về ngân hàng được nâng cấp thành Luật ngân hàng năm 1997, sau đó được sửa đổi vào các năm 2003 và 2004 đã bổ sung các quy tắc, quy định mang định hướng thị trường hơn đối với hoạt động và quản lý hệ thống ngân hàng.

Ngày đăng: 16/09/2023