Trong Lĩnh Vực Giao Thông Vận Tải Và Bưu Điện

Về thuế nông nghiệp, sau khi căn bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp, trong giai đoạn 1976-1980, mức tính thuế ở miền Bắc được giữ ổn định theo sản lượng năm 1958, với biểu thu thuế theo tỷ lệ áp dụng đối với hợp tác xã và biểu thu thuế theo lũy tiến áp dụng đối với hộ nông dân cá thể. Ở miền Nam, theo tiến độ của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, từ năm 1979 đã thống nhất áp dụng chế độ thuế đối với nông nghiệp tập thể hoá như ở miền Bắc. Kết quả là so với năm 1975, thuế nông nghiệp năm 1976 bằng 2,31 lần. Giai đoạn 1976-1980, thuế nông nghiệp bằng 1,52 lần tổng số thu của cả 10 năm 1966-1975.

Trong hoàn cảnh nguồn thu có hạn, vấn đề chi ngân sách cũng được tính toán rất chi tiết. Ngoài phần đảm bảo cho quốc phòng và an ninh, các khoản chi có tính chất tích lũy được ưu tiên hàng đầu (đặc biệt là trong xây dựng cơ bản). Nhờ đó đã góp phần tăng nhanh cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, Nhà nước cũng có chính sách phân phối vốn cho sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, đem lại những thành tựu đáng kể trong các lĩnh vực này.

b. Về tiền tệ

Do chiến thắng quá "thần tốc", nên sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, Chính phủ ta chưa có thời gian và điều kiện để chuẩn bị phát hành tiền cách mạng. Vì thế, vào ngày 9 tháng 5 năm 1975, Trung ương Cục có Chỉ thị số 03-CT/75 cho phép ở miền Nam vẫn được sử dụng các loại tiền của chế độ cũ để bảo đảm sinh hoạt bình thường. Sau đó ngày 6 tháng 6 năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra Nghị định số 4.PCT cho phép Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của chế độ cũ được hoạt động trong thời kỳ quân quản, làm ngân hàng trung ương của miền Nam. Đến ngày 14 tháng 6 năm 1975, Nghị định số 6-NĐ/75 ban hành, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được giao nhiệm vụ tổ chức việc thanh lý tài sản của các ngân hàng và tổ chức tín dụng tư nhân nhằm bảo vệ tài sản của nhà nước và người dân (Nguyễn Anh Huy, 2013, 460).

Do tình hình dần đi vào ổn định, nên đến ngày 21 tháng 9 năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra Quyết định số 12-QĐ cho phép Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành các

loại tiền Ngân hàng Việt Nam đã in từ 10 năm trước, đồng thời kê khai và thu đổi tiền của chính phủ Sài Gòn cũ. Cụ thể: từ Đà Nẵng vào Nam, cứ 1 đồng tiền cách mạng thu đổi 500 đồng tiền Sài Gòn cũ... Lúc này, hệ thống tiền giấy của Chính phủ Cách mạng lâm thời gồm 8 loại: 10 xu, 20 xu, 50 xu, 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng và 50 đồng. Về tiền đúc thì năm 1975-1976 phát hành tiền nhôm 1 xu, 2 xu và 5 xu có chữ "Ngân hàng Việt Nam".

Đến cuối năm 1975, đất nước tuy đã thống nhất nhưng tạm thời vẫn có hai chế độ tiền lưu hành song song, từ đèo Hải Vân trở ra Bắc thì dùng hệ thống tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, còn từ đèo Hải Vân trở vào thì dùng hệ thống tiền của Chính phủ Cách mạng lâm thời, với tỷ giá 1 đồng miền Bắc = 0,8 đồng miền Nam. Từ sau ngày 25 tháng 4 năm 1978, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định thống nhất tiền tệ trên cả nước. Vào ngày 3 tháng 5 năm 1978, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức phát hành tiền mới gồm các loại giấy bạc mệnh giá: 5 hào, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng và 50 đồng và tiền nhôm có các loại: 1 hào, 2 hào, 5 hào và 1 đồng. Hệ thống tiền mới này có giá trị tương đương hệ thống cũ, tức là: cứ 1 đồng tiền miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền miền Nam đổi được 1 đồng tiền mới. Từ đây, trên toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ lưu hành một hệ thống tiền tệ duy nhất. Đến năm 1980-1981 ngân hàng phát hành thêm một số loại tiền giấy mới.

c. Về giá cả

Mặt bằng mức giá thu mua nông sản phẩm được thống nhất trên phạm vi cả nước. Để khuyến khích nông nghiệp miền Nam phát triển nhà nước tiến hành thu mua nông sản của nông dân trên cơ sở định giá cao hơn mức giá ngày trước giải phóng. Đối với hàng vật tư phục vụ nông nghiệp, vẫn giữ mức giá ngày trước giải phóng và tiến hành bù lỗ (vì giá thu mua nông sản tăng lên). Sang năm 1978, nhà nước quy định chỉ tiêu thu mua theo hợp đồng khoảng 90% số nông sản chủ yếu của các hợp tác xã và nông dân, số còn lại sẽ mua theo giá vượt kế hoạch (cao hơn từ 30-50% giá trong kế hoạch). Đến năm 1979, giá thu mua nông sản được điều chỉnh tăng lên từ 30-82%. Tuy nhiên cuối những năm 1970

tình hình thu mua lương thực ngày càng khó khăn do giá thu mua thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường nên năm 1980, nhà nước thực hiện chính sách nghĩa vụ lương thực đối với các hợp tác xã (nghĩa vụ lương thực gồm có thuế và phần thu nhập mua theo hợp đồng), ngoài số nghĩa vụ, nông sản được bán theo giá thỏa thuận.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.

Đối với giá bán buôn, nhà nước thực hiện thống nhất mức giá đối với một số tư liệu sản xuất chủ yếu và điều chỉnh giá nhiều loại vật tư cho phù hợp với giá thành sản xuất trong nước và nhập khẩu. Đối với giá hàng tiêu dùng, khi mới giải phóng, giá một số mặt hàng ở miền Nam thấp hơn miền Bắc. Do vậy, nhà nước đã quy định giá bán lẻ một số mặt hàng thiết yếu: gạo, vải, đường, sữa... Năm 1976, để cân bằng giá cả mặt hàng tiêu dùng, giá bán lẻ ở miền Nam đã được điều chỉnh tăng và giảm giá bán lẻ ở miền Bắc, tiến tới thống nhất giá bán lẻ trên toàn quốc. Đến năm 1980, giá bán lẻ đã được thống nhất trong cả nước với quy định: giữ ổn định giá bán lẻ những mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vải, giấy...); thực hiện giá cung cấp và giá kinh doanh thương nghiệp đối với một số mặt hàng tiêu dùng quan trọng (xe đạp, thuốc lá, nước ngọt...); giá cao được áp dụng với những mặt hàng cao cấp (len, dạ...).

Tuy nhiên, càng ngày giá nhà nước càng cách xa giá thị trường tự do, giá bán hàng nhập trong nước thấp hơn rất nhiều so với giá vốn nhập hàng từ nước ngoài, do vậy mức bù giá trong ngân sách nhà nước càng cao. Điều này dẫn đến những hệ quả rất nặng nề: không kích thích được sản xuất, nhà nước không thu mua được sản phẩm nên không có khả năng phân phối trở lại cho người dân, ngân sách ngày càng cạn kiệt do phải bù lỗ quá nhiều, nợ nước ngoài gia tăng. Có thể nói, chính sách giá cả giai đoạn này đã trở nên lạc hậu, không đáp ứng được đòi hỏi khách quan của sự phát triển kinh tế đất nước.

Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 17

6.2.1.5. Trong lĩnh vực giao thông vận tải và bưu điện

a. Giao thông vận tải

Chiến tranh và thiên tai đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với giao thông vận tải nước ta. Ở miền Bắc, hầu hết các tuyến đường bộ

đều bị hư hỏng xuống cấp, phương tiện vận tải vừa thiếu, vừa lạc hậu; hệ thống vận tải biển và cảng biển còn nhỏ bé, kỹ thuật thô sơ; công nghiệp sửa chữa phương tiện vận tải không đáp ứng được nhu cầu. Ở miền Nam, tuy hệ thống giao thông vận tải tương đối phát triển; nhưng tập trung chủ yếu ở các đô thị, còn ở vùng nông thôn giao thông vận tải vẫn ở trạng thái tự nhiên. Phương tiện vận tải nhiều nhưng chủ yếu là của tư nhân, sân bay nhiều nhưng chủ yếu sử dụng cho quân sự.

Sau hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc hệ thống giao thông vốn đã xuống cấp nay càng hư hỏng nặng; trong khi đó ngân sách để đầu tư, duy tu, bảo dưỡng giao thông không có nhiều. Vì thế, để đảm bảo giao thông vận tải được thông suốt và liên tục phục vụ giao thương, đi lại của nhân dân hai miền, ngành giao thông vận tải đã thành lập tuyến vận tải liên hợp đường sắt và ô tô từ Hà Nội, chuyển tiếp tại Vinh sau đó vào thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều công trình giao thông và những tuyến đường bộ huyết mạch đã được tập trung sửa chữa từng bước. Trong giai đoạn 1976-1980 hơn 81.000 km đường bộ đã được xây dựng. Tuyến đường sắt Bắc Nam dài 1.730 km đã được khôi phục vào cuối tháng 12 năm 1976. Cũng trong năm này, Hội đồng Chính phủ có Nghị định thành lập Tổng cục hàng không dân dụng Việt Nam mở đường cho sự phát triển của giao thông hàng không. Nhiều chuyến bay dân dụng trong, ngoài được thiết lập và đưa vào khai thác: Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Phnôm Pênh, Lào - Hà Nội, Gia Lâm - Đà Nẵng - Plâyku... Giao thông đường sông, đường biển có bước phát triển nhất định, tuy nhiên vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng của đất nước.

b. Bưu điện

Ý thức được tầm quan trọng của lĩnh vực thông tin liên lạc nên ngay sau ngày giải phóng ngành bưu điện đã tập trung khắc phục hậu quả của chiến tranh và xây dựng kế hoạch phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của đất nước. Nghị định 390/CP ban hành ngày 2 tháng 11 năm 1979 xác định ngành bưu điện là "cơ quan thông tin liên lạc của Đảng và chính quyền các cấp", đồng thời đây cũng là một ngành "kinh tế - kỹ thuật" của nền kinh tế quốc dân. Vì được đầu tư và quan tâm phát triển nên hệ thống đường dây điện thoại và số lượng máy điện thoại tăng đều qua các năm:

năm 1977 cả nước có 63,1 nghìn km đường điện thoại, năm 1980 tăng lên là 78,2 nghìn km; tổng số đài điện thoại tăng từ 2.175 cái (năm 1976) lên 3.661 cái (năm 1980); số lượng máy điện thoại cũng tăng từ 30.328 chiếc (năm 1976) lên 90.630 chiếc (năm 1980). Số lượng bưu phẩm, bưu kiện, thư và điện chuyển tiền, điện báo, điện thoại đường dài... được chuyển đi hàng trăm nghìn lượt mỗi năm. Doanh thu năm 1976 đạt 50,6 triệu đồng đã tăng lên 146,4 triệu đồng vào năm 1980. Tuy nhiên, so với yêu cầu của nền kinh tế thì sự phát triển đó chưa theo kịp và rất cần có sự đột phá để đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phát triển của ngành bưu điện, đáp ứng những yêu cầu của nền kinh tế.

Tóm lại: trong giai đoạn 1976-1980, nền kinh tế nước ta được thống nhất, chế độ sở hữu tư liệu sản xuất xã hội chủ nghĩa đã phổ biến trên quy mô cả nước, đồng thời mô hình kế hoạch hoá tập trung, bao cấp được xác lập. Cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đến cuối giai đoạn này, nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm không đạt được: nông nghiệp bước vào khủng hoảng; công nghiệp trì trệ, nhiều xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, lãi giả lỗ thật, chất lượng sản phẩm kém, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thiếu nghiêm trọng, công nghiệp đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp; lưu thông rối loạn; lạm phát luôn tăng ở mức hai con số...

6.2.2. Giai đoạn 1981-1985

Tình trạng khủng hoảng của nền kinh tế trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai đã làm bộc lộ những khuyết tật của cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp1 đồng thời cũng làm nảy sinh những nhân tố mới để giải quyết khủng hoảng. Ở nhiều địa phương và cơ sở sản xuất xuất hiện những tìm tòi, thử nghiệm sáng tạo, vượt ra khỏi cơ chế quản lý cũ. Hiện tượng này, khi đó được gọi là "xé rào" hay


1 Cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp có những đặc điểm sau: Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh chi tiết áp đặt từ trên xuống dưới; các cơ quan hành chính can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; quan hệ hàng hóa - tiền tệ bị coi nhẹ, quan hệ hiện vật là chủ yếu, Nhà nước quản lý kinh tế thông qua chế độ "cấp phát - giao nộp"; bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều cấp trung gian.

"phá rào"1, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển. Như vậy, trong giai đoạn này, khi cuộc khủng hoảng trên diện rộng được đẩy tới đỉnh điểm cũng là lúc xuất hiện những ý tưởng, cách nghĩ, cách làm đột phá để giải quyết thực trạng, tạo tiền đề cho sự nghiệp đổi mới sau này.

6.2.2.1. Trong lĩnh vực nông nghiệp

Đứng trước tình trạng khủng hoảng của mô hình hợp tác hóa kéo theo sự khủng hoảng của nền nông nghiệp trên diện rộng, và những thành công bước đầu của công tác khoán ở một số địa phương (xã Đoàn Xá, huyện An Thụy, thành phố Hải Phòng là ví dụ tiêu biểu), Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13 tháng 1 năm 1981 trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương của Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 9 năm 1979). Chỉ thị đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ những cơ chế đang kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp nói riêng và kinh tế cả nước nói chung.

Có thể nói, Chỉ thị 100-CT/TW là bước "đột phá" đầu tiên trong phát triển nông nghiệp. Đó là sự cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Cách làm là: hợp tác xã nông nghiệp khoán sản phẩm cuối cùng cho nông dân và chỉ phụ trách 5 khâu: làm đất, thủy lợi, giống, phân bón và phòng trừ sâu bệnh; 3 khâu còn lại (cấy, chăm sóc, thu hoạch) đều do nông dân tự chịu trách nhiệm. Người nông dân từ chỗ thụ động, lao động theo sự phân công của hợp tác xã nay đã chủ động hơn trong canh tác vì, trừ phần sản lượng phải giao nộp, nông dân được hưởng toàn bộ phần sản phẩm vượt khoán. Hình thức khoán này đã phát huy tốt hơn khả năng lao động của người nông dân, tạo ra khí thế lao động sôi nổi, tận dụng được điều kiện về vốn, vật tư. Người nông dân bước đầu được "tự suy nghĩ trên mảnh ruộng của mình". Đây là bước đi đầu tiên đầy ý nghĩa trong việc thực hiện quyền dân chủ trong sản xuất, tái lập chế độ canh tác theo hộ gia đình vốn là nguyện vọng của nông dân.


1 "Phá rào", theo quan điểm của Đặng Phong là vượt qua những hàng rào về quy chế đã lỗi thời để chủ động tháo gỡ nhiều ách tắc trong cuộc sống đồng thời cũng góp phần từng bước dẹp bỏ hàng rào cản cũ kỹ để mở đường cho công cuộc Đổi mới.

Cơ chế khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động đáp ứng được yêu cầu của nông dân nên nhanh chóng được thực hiện. Nông dân chủ động đầu tư thêm công sức, vốn liếng, áp dụng khoa học, kỹ thuật để thâm canh, tăng năng suất, tăng phần sản lượng vượt khoán. Một khí thế mới trong nông thôn, nông nghiệp được khơi dậy. Theo kết quả điều tra của ngành thống kê thì sau Chỉ thị 100, mỗi vụ có trên 80% số hộ đạt và vượt khoán, riêng vụ Đông Xuân 1984-1985 có 92% số hộ vượt khoán. Năng suất thực tế đạt cao hơn từ 5-20% so với năng suất khoán của hợp tác xã. Cơ chế khoán mới đã góp phần chặn đứng xu hướng giảm sút liên tục của sản xuất nông nghiệp giai đoạn 1976-1980. Từ 1981-1985 sản xuất nông nghiệp được khôi phục và có những bước tiến quan trọng. So với giai đoạn 1976-1980, sản lượng lương thực quy ra thóc tăng 27%, năng suất lúa tăng 23,8%, diện tích cây công nghiệp hàng năm tăng 62,1%, đàn bò tăng 33,2%, đàn lợn tăng 22.1%, lương thực cung cấp cho Nhà nước tăng 2 lần. Gần 10.000 máy kéo đã được cung ứng cho nông nghiệp đưa tỷ lệ cơ giới hóa làm đất lên 25% diện tích gieo trồng. Năm 1985, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp đạt 126,9% so với năm 1980, bình quân hàng năm tăng 4,9%, cao hơn tốc độ tăng dân số; sản lượng lương thực tăng 27%, đạt 18,2 triệu tấn, bình quân đầu người đạt 304 kg (năm 1980 là 268 kg). Sản lượng bình quân giai đoạn 1981-1985 là 17 triệu tấn, tăng 3,65 triệu tấn so với giai đoạn 1976-1980. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân nói riêng và xã hội nói chung được cải thiện.

Tuy nhiên, hình thức khoán sản phẩm sau một thời gian phát huy tác dụng bắt đầu bộc lộ những nhược điểm của nó. Cơ chế khoán 100 vẫn duy trì chế độ sở hữu tập thể tư liệu sản xuất, người nông dân không được làm chủ ruộng đất nên cũng khó được hưởng hết những thành quả lao động của mình. Hình thức lao động tập thể và phân phối theo công điểm vẫn chiếm phần lớn trong cơ chế khoán 100 (5/8 khâu trong sản xuất nông nghiệp vẫn do hợp tác xã quản lý theo hình thức lao động tập thể) nên không phát huy được hết tính tích cực của người nông dân, không có sự ràng buộc chặt chẽ giữa lợi ích và trách nhiệm, không đảm bảo gắn lao động với tư liệu sản xuất, với sản phẩm cuối cùng trong toàn bộ quy trình sản xuất.

Do vậy, sau một thời gian thực hiện hình thức khoán 100, tình trạng khê đọng sản phẩm tăng lên, nông dân trả bớt ruộng, cơ sở vật chất kỹ thuật của hợp tác xã không được sử dụng tốt, thậm chí còn bị hư hỏng, mất mát. Tình trạng "dong công, phóng điểm" được khắc phục một phần trong những năm đầu thực hiện cơ chế khoán mới, giờ lại tái diễn và phổ biến ở các hợp tác xã, làm cho thu nhập của xã viên giảm. Trong nông dân có sự phân hóa giàu - nghèo... Sở dĩ có tình trạng này là bởi: một mặt do hình thức khoán sản phẩm chứa trong mình nó những thiếu sót nhất định, mặt khác do cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp cộng với sự yếu kém về tổ chức quản lý hợp tác xã cũng làm ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện khoán sản phẩm như định mức khoán không sát, phân phối thù lao chưa hợp lý. Thực tế đó đặt ra vấn đề: chế độ khoán sản phẩm cần phải được tiếp tục nghiên cứu và thay đổi ở giai đoạn sau.

6.2.2.2. Trong lĩnh vực công nghiệp

Tương tự như trong nông nghiệp, những cải cách trong lĩnh cực công nghiệp bước đầu được thực hiện sau những cuộc "phá rào" trong các xí nghiệp quốc doanh ở cơ sở (như Xí nghiệp dệt Thành Công, Thành phố Hồ Chí Minh; Xí nghiệp đánh cá Côn Đảo - Vũng Tàu...). Cơ chế tập trung, bao cấp từng bước được chuyển thành quyền chủ động sản xuất kinh doanh và tự chủ về tài chính của xí nghiệp quốc doanh thông qua Quyết định 25/CP được ban hành ngày 21 tháng 1 năm 1981 với tên gọi "Một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính cho các xí nghiệp quốc doanh". Quyết định này có thể coi là một bước đột phá quan trọng trong phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn này.

Điểm mới và nổi bật trong quyết định này là cải tiến công tác kế hoạch hóa của xí nghiệp quốc doanh theo chế độ ba kế hoạch: Kế hoạch I: là kế hoạch với các chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước, do Nhà nước quyết định và được Nhà nước đảm bảo cung cấp các yếu tố đầu vào, sản phẩm làm ra phải bán cho Nhà nước theo giá quy định. Kế hoạch II: là kế hoạch do xí nghiệp tự lo vật tư để tận dụng khai thác các năng lực sản xuất của mình, sản phẩm làm ra phải bán cho Nhà nước, nhưng giá thành được tính theo giá mua vật tư, nên lợi nhuận định mức được tăng lên

Xem tất cả 205 trang.

Ngày đăng: 16/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí