Trong Lĩnh Vực Tài Chính, Tiền Tệ Và Giá Cả

gấp 2-4 lần so với định mức lợi nhuận của kế hoạch I. Kế hoạch III: là kế hoạch sản xuất phụ, do xí nghiệp tự tổ chức làm thêm để tận dụng lao động và cải thiện thu nhập cho công nhân, không nằm trong nhiệm vụ sản xuất được giao, sản phẩm làm ra được quyền tiêu thụ trên thị trường.

Ban hành cùng ngày với quyết định 25/CP, quyết định 26/CP quy định về việc mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng nhiều hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất kinh doanh của Nhà nước. Với hai quyết định này, các xí nghiệp công nghiệp đã chủ động hơn trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tiếp cận thị trường, gắn sản xuất với tiêu dùng, tạo ra động lực tích cực trong sản xuất cho người công nhân. Chế độ ba kế hoạch thực chất đã thừa nhận sự đa dạng trong các loại hình kinh doanh, đồng thời thừa nhận sự tồn tại đa dạng các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất và đồng nghĩa với sự thừa nhận cơ sở của kinh tế thị trường.

Từ năm 1982-1985, các xí nghiệp quốc doanh đã được giao thêm quyền tự chủ và nhận được khuyến khích nhiều hơn, đồng thời Nhà nước cũng có thái độ cởi mở hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích việc tự do hóa thương mại. Kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm (1981-1985) đã có bước phát triển đều đặn, năm sau cao hơn năm trước. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1985 tăng 54,3% so với năm 1980. Đến năm 1985 toàn ngành công nghiệp đã sản xuất được 105 tỷ đồng giá trị sản lượng, tăng trên 61,3% so với năm 1976 và 57,4% so với năm 1980. Tốc độ tăng bình quân hàng năm (1981-1985) đạt 9,5%, trong đó nhóm A tăng 6,4%, nhóm B tăng 11,2%. Cơ cấu nhóm A/nhóm B trong công nghiệp năm 1980 là 37,8%/62,2%; năm 1985 chuyển dịch thành 31,4%/68,6%. Công nghiệp quốc doanh/ngoài quốc doanh năm 1980 là 60,2%/39,8% đến năm 1985 chuyển dịch thành 56,3%/43,7%. Cơ cấu công nghiệp điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh hơn các ngành công nghiệp nhẹ nên năm 1985 tỷ trọng của công nghiệp nhẹ trong giá trị tổng sản lượng công nghiệp chiếm 67,3% (so với 56,9% năm 1980).

Cũng trong thời gian này, một số công trình được xây dựng từ giai đoạn 1976-1980 đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp Việt Nam. Có thể

coi đây là kết quả của những cải tiến trong khu vực công nghiệp quốc doanh theo tinh thần Quyết định 25/CP làm cho các xí nghiệp quốc doanh trở nên năng động, sản xuất công nghiệp được "bung ra", cơ cấu công nghiệp được điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh hơn các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng.

Mặc dù có những tiến bộ đáng kể trong giai đoạn 1981-1985 nhưng nhìn chung, công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé. Năm 1985 toàn ngành công nghiệp mới thu hút được 10,7% tổng lao động xã hội mà chủ yếu là lao động thủ công, năng suất thấp. Tuy chiếm 41% giá trị tài sản cố định của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, nhưng công nghiệp chỉ tạo ra được 28,2% thu nhập quốc dân, hiệu quả sản xuất so với vốn đầu tư rất thấp. Công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Về cơ cấu kinh tế công nghiệp, thiên nhiều về công nghiệp nặng và những công trình quy mô lớn, không tập trung phát triển lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, nên kết quả là đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp. Việc duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp, quản lý nhà nước thâm nhập quản lý kinh doanh nên đã làm cho các đơn vị kinh tế nhất là các xí nghiệp quốc doanh thiếu năng động, sáng tạo; sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả. Thực tế này rất cần những đổi mới mang tính chất bước ngoặt để mở đường cho công nghiệp phát triển.

6.2.2.3. Trong lĩnh vực thương nghiệp

Sau Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 9 năm 1979), với chủ trương làm cho sản xuất "bung ra" đã phá bỏ những rào cản, mở đường cho sản xuất phát triển, hàng hóa trở nên phong phú, dồi dào hơn. Nghĩa vụ lương thực trong 5 năm (1981-1985) đã được duy trì ổn định, phần dôi ra được bán cho Nhà nước hoặc lưu thông tự do trên thị trường. Điều này làm cho lưu thông hàng hóa trong nước trở nên sôi động. Năm 1985 số điểm bán hàng của thương nghiệp quốc doanh là 13.968 điểm (1976 chỉ có 7.824 điểm) trong đó thương nghiệp bán lẻ là 11.594 và ăn uống công cộng là 2.374. Các điểm bán hàng của hợp tác xã mua bán tăng từ 10.918 điểm (1980) lên 25.928 điểm (1985). Trong đó, số điểm bán hàng ở xã hầu như không thay đổi khoảng 5.000 điểm. Còn lại là ở thành phố,

thị trấn được phát triển rất nhanh trong giai đoạn này. Tuy nhiên, do sản xuất tăng chậm nên cung - cầu hàng hóa thường bị mất cân đối. Thị trường có tổ chức chỉ nắm được dưới 50% tổng mức bán lẻ (trong đó thương nghiệp quốc doanh chỉ chiếm khoảng 30%, thậm chí dưới 30% đối với hàng nông sản), số còn lại trôi nổi trên thị trường tự do. Vì thế giá cả leo thang mất kiểm soát, lạm phát luôn ở mức cao.

Ngoại thương giai đoạn này vẫn thuộc độc quyền của Nhà nước. Hoạt động xuất nhập khẩu có bước tăng trưởng khá. So với năm 1980, năm 1985, giá trị hàng xuất khẩu tăng gần 1,8 lần, giá trị hàng nhập khẩu tăng 1,3 lần. Tỷ trọng giá trị hàng xuất khẩu/nhập khẩu tăng qua các năm: 1980 là 27,5%; 1982 là 35,7%; 1985 là 37,6%. Tuy nhiên, do sản xuất kém phát triển nên ngoại thương nhỏ yếu và thường xuyên bị thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu. Các mối quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa hoàn toàn mang tính chất nhà nước, trên cơ sở các hiệp định thương mại, nghị định thư. Bên cạnh những doanh nghiệp xuất nhập khẩu của nhà nước, từ cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 đã xuất hiện những kênh xuất nhập khẩu tư nhân rất sầm uất với những luồng hàng khá lớn. Những kênh xuất nhập khẩu này không phải là kênh chính thức nhưng cũng không phải là bất hợp pháp. Nó được thực hiện bởi những người đi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (đi học tập, công tác, xuất khẩu lao động); các thủy thủ tàu Vosco; buôn bán của những lái xe quá cảnh đi Lào, Campuchia; buôn bán qua biên giới Trung Quốc... Thực tế này làm cho lưu thông hàng hóa sôi động, nguồn hàng cung cấp trở nên phong phú hơn, đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.

6.2.2.4. Trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và giá cả

a. Về tài chính

Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 18

Bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ ba, một số chính sách, chế độ, biện pháp quản lý tài chính đã được sửa đổi bổ sung theo hướng chống quan liêu, bao cấp, tăng cường hạch toán, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm thước đo, khắc phục tư tưởng ỷ lại, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, kết hợp đúng đắn với việc tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa.

Việc huy động nguồn vốn trong nhân dân được tích cực thực hiện thông qua các chính sách: thu quốc doanh, thuế, phát hành công trái xây dựng Tổ quốc, thống nhất quản lý xổ số kiến thiết, cải tiến quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa, thực hiện phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm". Phát triển các hình thức bảo hiểm nhà nước nhằm cải thiện tình hình tài chính, góp phần ổn định và phát triển kinh tế [Viện nghiên cứu tài chính, 2001]. Việc sửa đổi, cải tiến chính sách động viên nguồn vốn trong nước như trên kết hợp với việc tranh thủ nguồn vốn nước ngoài dưới hình thức viện trợ, vay nợ đã tạo cho ngân sách nhà nước có số thu ngày càng tăng, trong đó thu trong nước bằng 13,0 lần, thu ngoài nước bằng 6,0 lần so với giai đoạn 1976-1980. Kết quả là trong giai đoạn 1981-1985 đã đưa tỷ trọng thu trong nước từ 60,8% của giai đoạn 1976-1980 lên 77,5% còn thu ngoài nước giảm tỷ trọng tương ứng từ 39,2% xuống 22,5%.

Công tác cấp phát và quản lý vốn, nhất là quản lý tài chính đối với địa phương và cơ sở được tăng cường nhằm khắc phục hiệu quả đầu tư yếu kém thời kỳ trước. Chủ trương chấn chỉnh phương hướng đầu tư: bố trí kế hoạch đồng bộ hơn để khắc phục tình trạng mất cân đối; phát huy hiệu quả các công trình mới được xây dựng; đầu tư có trọng điểm, tập trung vào những công trình then chốt, những sản phẩm mang lại tích lũy lớn để hoàn thành dứt điểm, chống phân tán, dàn đều; không xây dựng mới khi chưa sử dụng hết công suất sẵn có... Việc cấp phát và quản lý vốn xây dựng cơ bản đã từng bước được cải tiến theo hướng: chuyển từ cấp phát và thanh toán tuần kỳ, theo giai đoạn quy ước sang thanh toán theo khối lượng công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; chuyển Ngân hàng kiến thiết thuộc Bộ Tài chính thành Ngân hàng đầu tư xây dựng cơ bản trực thuộc Ngân hàng Nhà nước; dùng phương thức tín dụng trong quản lý vốn xây dựng cơ bản để thúc đẩy tăng năng suất, hạ giá thành, bảo đảm thời gian xây dựng, sớm đưa công trình vào sử dụng... [Viện nghiên cứu tài chính, 2001].

Trong giai đoạn 1981-1985, ngân sách nhà nước đã phân phối vốn cho tích lũy bằng 10,51 lần và cho tiêu dùng bằng 12,93 lần so với giai đoạn 1976-1980. Cơ cấu chi ngân sách nhà nước một mặt phản ánh chủ

trương của Nhà nước tạo vốn tự có cho xí nghiệp để đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất và bổ sung vốn lưu động, không còn hoàn toàn dựa vào vốn Ngân sách cấp phát; mặt khác phản ánh yêu cầu cấp bách phải thực hiện các chính sách chế độ của Nhà nước về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội và chính sách về tiền lương, trợ cấp để giảm bớt khó khăn về đời sống cho cán bộ công nhân viên lực lượng vũ trang trong tình hình giá cả biến động. Trong chi về tích luỹ, vốn xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng 87,55% và bằng 10,63 lần giai đoạn 1976-1980, vốn lưu động và vốn dự trữ chiếm tỷ trọng 12,5% và bằng 9,49 lần giai đoạn 1976-1980.

b. Về tiền tệ và giá cả

Trong lĩnh vực giá cả, kể từ năm 1979 đến đầu thập niên 1980, những cuộc "phá rào" về mua - bán ở một số tỉnh phía Nam đã làm hệ thống giá cũ bị rạn nứt. Giá thị trường - điều mà trước đây không được thừa nhận - giờ đã tràn vào hệ thống lưu thông phân phối có kế hoạch. Chính những chuyển động từ cơ cở, từ thực tiễn cuộc sống, từ người bán và người mua đã dẫn tới những quyết sách theo hướng tôn trọng thị trường và giá trị thị trường của Đảng và Nhà nước.

Ngày 23 tháng 6 năm 1980, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về cải cách công tác phân phối lưu thông. Nghị quyết nhận định: "Hệ thống giá cả nhà nước không còn phù hợp và gây nhiều tác động tiêu cực. Giá cả không còn dựa trên cơ sở giá trị, vì các căn cứ để xác định giá cả hàng hóa đã thay đổi nhiều trong những năm qua... Giá cả không còn làm tốt chức năng tính toán, phân phối và đòn bẩy, nó đã gây trở ngại cho sản xuất và lưu thông, làm cho ngân sách nhà nước phải bù lỗ bất hợp lý ngày càng nhiều...". Từ đó Nghị quyết đã khẳng định: "Điều chỉnh giá cả để kích thích sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, tiến tới cải cách toàn bộ hệ thống giá nhà nước theo hướng làm cho giá phản ánh đầy đủ hơn các chi phí hợp lý về sản xuất và lưu thông, đảm bảo cho người sản xuất có lợi nhuận thỏa đáng..." [Văn kiện Đảng, Toàn tập, 2005, tập 41, 155-162].

Có thể nói Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã mở ra một bước đột phá về mặt chủ trương, đường lối để tiến tới sửa đổi toàn bộ hệ thống giá cả. Tuy nhiên, phải sau 1 năm ban hành Nghị quyết 26, ngày 29 tháng 5

năm 1981, Chính phủ mới ra quyết định 220/CP điều chỉnh giá và ban hành chính sách giá bán lẻ mới. Theo đó mức giá cũ (giá cung cấp) vẫn được duy trì với 9 mặt hàng thiết yếu. Các hàng hóa còn lại áp dụng giá kinh doanh thương nghiệp (giá gần sát với giá trên thị trường). Chính phủ cũng quyết định một hệ thống giá bán lẻ chỉ đạo với mức giá thấp hơn thị trường nhưng cao hơn gấp 10-15 lần giá cung cấp. Đối với giá mua bán theo nghĩa vụ trước đây nay được thay bằng giá mua theo hợp đồng hai chiều, với mức giá gấp 5 lần so với giá thu mua theo nghĩa vụ trước đây. Giá bán tư liệu sản xuất và dịch vụ phục vụ trong nông nghiệp cũng theo hợp đồng hai chiều nhưng có phân biệt các khu vực khác nhau. Hệ thống giá bán buôn mới được áp dựng từ ngày 1 tháng 1 năm 1982, có mức giá cao gấp 5-7 lần giá cũ tùy từng mặt hàng. Mặc dù vậy, Nhà nước vẫn bảo lưu cơ chế "giá bán buôn xí nghiệp và giá bán buôn công nghiệp" đã được quyết định từ ngày 12 tháng 6 năm 1981, trong đó nhà nước giao kế hoạch sản xuất và bao tiêu sản phẩm của xí nghiệp, lãi hay lỗ ngân sách nhà nước giải quyết.

Cuộc điều chỉnh giá cả này đã làm cho hệ thống giá phù hợp hơn với chi phí sản xuất nhưng vẫn cách xa giá thị trường tự do. Hơn thế, chế độ bao cấp qua giá vẫn được bảo tồn nên không làm thay đổi cơ chế giá trong thành phần kinh tế quốc doanh. Do vậy, việc hạch toán kinh tế chỉ là hình thức và ít có tác dụng thúc đẩy sản xuất trong những năm này.

Sau điều chỉnh, giá cả trên thị trường tự do vẫn tăng nhanh (năm 1981 tăng 47,4% so với năm 1980, năm 1982 tăng 65% so với năm 1981), do đó mà hệ thống giá vừa được điều chỉnh lại trở nên lạc hậu. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6 năm 1985) đã có bước đột phá căn bản với chủ trương: dứt khoát xóa bỏ cơ chế bao cấp chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, thực hiện cơ chế một giá, xóa bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá thấp nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế - xã hội phát triển lên một bước mới.

Để thực hiện mục tiêu này, Nhà nước đã thành lập một Ban chỉ đạo chiến dịch cải cách giá, lương, tiền. Một cuộc tổng điều chỉnh giá - lương

- tiền đã được thực hiện với nội dung cụ thể: thực hiện cơ chế một giá kinh doanh, xóa bỏ hoàn toàn giá cung cấp và chế độ tem phiếu, chỉ giữ

lại sổ gạo cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng chính sách. Điều chỉnh toàn bộ hệ thống giá chỉ đạo, lấy giá lúa thị trường tháng 8 năm 1985 làm cơ sở, đưa toàn bộ mặt bằng giá chỉ đạo lên khoảng 10 lần so với trước đó. Trên cơ sở mức giá mới, tính lại tiền lương theo mức tăng của giá. Đồng thời vào tháng 9 năm 1985, Nhà nước tiến hành đổi tiền với quy định 10 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới. Nhưng mỗi người chỉ được đổi một lượng tiền nhất định, vượt quá quy định sẽ được giữ lại tại ngân hàng, sau một thời gian dài mới được rút ra. Mục đích của chính sách đổi tiền nhằm hạn chế nhu cầu tiêu dùng và cải thiện cán cân tiền tệ trong nền kinh tế, tăng khả năng chi trả của Ngân hàng lên 10 lần so với tiền tệ hiện có lúc đó để đảm bảo cho việc tăng lương, tăng giá.

Tuy nhiên, chủ trương này đã không đạt được kết quả như kỳ vọng. Trên thực tế, việc đổi tiền chủ yếu cắt giảm được lượng tiền mặt tích trữ và tiền để ngoài sổ sách của các xí nghiệp quốc doanh. Và khi nguồn này bị triệt tiêu, tình trạng thiếu tiền mặt đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của xí nghiệp, sản xuất lại có dấu hiệu đình trệ. Khắc phục tình trạng đó Chính phủ buộc phải phát hành tiền để cho các xí nghiệp vay vốn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh theo giá mới. Theo đó, lượng tiền mặt cung cấp cho lưu thông ngày càng nhiều, giá cả thị trường tăng đột biến, lạm phát tăng phi mã, tình hình lưu thông, phân phối trở nên rối ren, phức tạp. Trước khi điều chỉnh giá - lương - tiền, bình quân 1 tháng giá thị trường tăng 3-4%. Sau khi điều chỉnh, giá thị trường tự do 3 tháng cuối năm 1985 tăng bình quân tới 18,1%/tháng. Để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, cần một sự đổi mới đồng bộ, toàn diện và triệt để trong toàn bộ nền kinh tế.

6.2.2.5. Trong lĩnh vực giao thông vận tải và bưu điện

a. Giao thông vận tải

Nhiệm vụ giao thông vận tải trong kế hoạch 5 năm (1981-1985) được Đại hội lần thứ V của Đảng xác định là: "Cải tiến quản lý và tăng cường cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật và phương tiện để nâng cao năng lực Giao thông vận tải, đảm bảo tiếp nhận hàng nhập khẩu, vận chuyển

cho các vùng trọng yếu về kinh tế và quốc phòng, cho các công trình xây dựng trọng điểm của hai nước Lào và Campuchia" [Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 41, 2005, 43].

Để thực hiện nhiệm vụ này, Nhà nước dành 14,4% tổng số vốn đầu tư của nền kinh tế cho giao thông vận tải. Vì thế, lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 1981-1985 đạt được một số kết quả nhất định. Đến cuối năm 1985, toàn bộ hệ thống cầu đường trong cả nước được khôi phục về cơ bản. Quốc lộ 279 dọc theo biên giới phía Bắc đi qua 9 tỉnh đã được xây dựng, nối liền một số đường quốc lộ cũ tạo thành tuyến đường dài 980 km. 85.136 km đường bộ (chỉ tính đường ô tô có trọng tải từ 6 tấn trở lên đi được) được xây dựng. Chiều dài đường sắt đến năm 1985 là 3.183,9 km. Khôi phục và xây dựng mới nhiều cây cầu trong đó có cầu Chương Dương, Cầu Bến Thủy... giúp cho việc di chuyển từ Bắc vào Nam thuận lợi hơn. Vận tải đường thủy là một thế mạnh của Việt Nam khi nước ta có bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam và một hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch... dày đặc trên khắp cả nước. Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển năm 1985 so với năm 1981 tăng trên 71,6% (năm 1981 là 39,3 triệu tấn, năm

1985 tăng lên 53,7 triệu tấn).

Tuy được chú trọng đầu tư, song các loại hình vận tải không đem lại hiệu quả tương xứng, cơ sở vật chất của ngành giao thông vận tải giai đoạn này vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải của nhân dân. Hiệu quả vốn đầu tư của ngành giao thông vận tải rất thấp do cơ cấu đầu tư bất hợp lý giữa các loại phương tiện vận tải, do phân bổ ngân sách cho các ngành chưa tương xứng với tiềm năng. Vận tải đường thủy là một thế mạnh của Việt Nam nhưng chỉ được đầu tư 7,9% cho đường sông và 11,4% cho đường biển trên tổng số vốn đầu tư. Đường sắt được đầu tư vốn lớn nhất (chiếm 40,4%) nhưng hoạt động lại không hiệu quả. Tính đồng bộ giữa đầu tư cho phương tiện vận tải và hệ thống đường sá chưa được coi trọng. Chú trọng phương tiện kỹ thuật nhưng coi nhẹ đổi mới công nghệ và hoàn thiện các công trình vật chất.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/09/2023