đường từ trung ương đến các tỉnh, còn từ tỉnh về huyện, từ huyện xuống xã thì kém hơn hẳn miền Bắc. Có nhiều huyện, xã không có đường ô tô đi tới.
+ Đường sắt: Miền Nam chỉ có một tuyến đường sắt duy nhất đi từ Sài Gòn ra Huế, còn các tuyến khác đã ngừng hoạt động từ thời kháng chiến chống Pháp. Ngay tuyến Sài Gòn - Huế cũng hoạt động thất thường. Khối lượng vận chuyển không lớn, so với miền Bắc thì thấp hơn nhiều lần. Từ năm 1960 trở đi số km sử dụng, số hành khách, hàng hóa, số đầu máy, toa xe và nhân viên đều giảm sút. Đến tháng 4 năm 1975 thực tế chỉ còn 2 đoạn đường sắt vẫn hoạt động là Sài Gòn - Biên Hòa và Đà Nẵng - Huế, tổng chiều dài 160 km.
+ Đường thủy: Miền Nam có tổng chiều dài kênh rạch gần 5 ngàn km (4.784 km năm 1974); có nhiều cảng quốc tế là Sài Gòn, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn; có nhiều cửa biển thuận lợi cho vận tải trong nước và quốc tế. Riêng số tàu thuyền gắn máy có đăng ký từ 1960 đến 1971 tăng 25 lần về số lượng và gần 20 lần về trọng tải. Vận tải viễn dương, mỗi năm có khoảng 2 ngàn chuyến xuất nhập các cảng miền Nam, số hàng vận chuyển khoảng 13-14 triệu tấn, trong đó xuất nhập với Mỹ chiếm một nửa. Sài Gòn là trung tâm hàng hải quốc tế, mà còn là một cảng sông lớn, là trung tâm của những tuyến đường thủy khắp miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Nếu vận tải đường bộ giải quyết đại bộ phận nhu cầu vận chuyển hành khách thì vận tải thủy giải quyết đại bộ phận nhu cầu hàng hóa. Hầu hết hàng xuất nhập khẩu đều đi qua đường hàng hải.
+ Đường hàng không: Phát triển rất mạnh, do ở miền Nam, đường bộ, đường sắt không an toàn, nên rất nhiều tuyến phải sử dụng đường hàng không. Năm 1961, miền Nam cải tạo 10 sân bay có thể sử dụng máy bay hiện đại, trong đó có hai sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Tổng số sân bay trên toàn bộ miền Nam là 172, trong đó có 60 sân bay dân sự, có 12 tuyến bay quốc tế.
Diễn biến tình hình chính trị và quân sự có ảnh hưởng nhiều đến vận tải hàng không. Trong những năm 1965-1966, số chuyến bay tăng gấp đôi, hành khách tăng gấp 5 lần và liên tục tăng sau đó. Nhưng từ năm 1972
bắt đầu giảm và đến 1974 thì giảm xuống mức tương đương năm 1957. Chính quyền Sài Gòn có chính sách khuyến khích vận tải hàng không thông qua hệ thống giá cước. Cước hàng không chỉ xấp xỉ bằng giá vé ô tô trên những tuyến đường dài, tạo điều kiện cho các sỹ quan và binh lính thăm gia đình. Giá vé hàng không rẻ là do nhà nước bù lỗ. Đường bay nội chỉ có một hãng duy nhất là Hàng không Việt Nam (Air Vietnam). Đây là hãng hàng không thuộc loại công ty hợp doanh (93,75% cổ phần nhà nước; 6,25% của công ty Air France).
- Bưu chính, viễn thông
Đây là một trong các lĩnh vực phát triển mạnh của Miền Nam vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Từ 1965, điện thoại tư nhân tăng nhanh: vào năm 1965, vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát có 23.377 chiếc. Đến năm 1971, số máy tăng lên 38.133 chiếc. Miền Nam có hệ thống viễn liên, hệ thống dây cáp ngầm chạy dưới biển, trung tâm đặt tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Số trạm phát thanh tăng lên nhiều lần: năm 1956 là 74 thì đến năm 1971 là 330 trạm. Đặc biệt thời kỳ này, vô tuyến truyền hình (tivi) đã khá phát triển. Tính đến cuối thập niên 1960, máy vô tuyến truyền hình đã trở thành phổ biến ở các đô thị lớn của miền Nam và bắt đầu phát triển về các vùng nông thôn.
d. Thương mại
- Ngoại thương
Có thể bạn quan tâm!
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 10
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 11
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 12
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 14
- Bối Cảnh Lịch Sử Và Đường Lối Kinh Tế
- Trong Lĩnh Vực Tài Chính, Tiền Tệ, Giá Cả
Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.
+ Nhập khẩu: Là nguồn sống chính của nền kinh tế miền Nam; nhập khẩu cung cấp phần lớn các điều kiện cho sản xuất. Tổng giá trị nhập khẩu trong 20 năm là 10 tỷ đô la, nhập chủ yếu diễn ra trong giai đoạn 1965-1975, chiếm tới 3/4 (7.549,8 triệu đô la). Nguồn hàng nhập từ Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất (30-40%); tiếp theo là Nhật Bản (10-20%). Trong những năm 1957-1964, các loại hàng nhập khẩu quan trọng là: dầu hỏa, dược phẩm, sắt thép, máy móc, phân bón, đường sữa... Giai đoạn này, chính quyền Sài Gòn đang hi vọng có thể phát triển cả công nghiệp và nông nghiệp để canh tân đất nước, nên máy móc, kim loại, phân bón được chú ý nhập khẩu. Nhưng từ năm 1965 đến 1972, lúa gạo là mặt hàng được ưu tiên, đứng đầu bảng của hàng nhập; tiếp đến là máy móc,
xe cộ. Máy móc, phụ tùng thay thế nhập vào chủ yếu để phục vụ cho sinh hoạt. Trong cơ cấu hàng nhập khẩu, lớn nhất là hàng tiêu dùng, sau đó là các sản phẩm trung gian, từ chế phẩm; những sản phẩm có tính đầu tư trực tiếp chiếm tỷ lệ thấp.
+ Xuất khẩu: Có khối lượng khả quan giai đoạn đầu, sau đó giảm sút ngày càng nghiêm trọng. Trong 10 năm đầu xuất 603,8 triệu đô la, đáp ứng được 25,4% nhập khẩu; đến 10 năm sau tình trạng sa sút nghiêm trọng hơn, chỉ đạt 393,1 triệu đô la, mỗi năm chỉ xuất được 39 triệu đô la, đáp ứng được 5,2% của nhập khẩu. Nguồn trang trải đáp ứng cho nhập khẩu căn bản dựa vào viện trợ của Mỹ và một số nước khác (Nhật, Pháp...). Hàng xuất khẩu chủ yếu là cao su (của tư bản Pháp), thường chiếm từ 2/3 đến 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong những năm đầu (1955-1960), miền Nam vẫn trao đổi hàng hóa với miền Bắc, nhưng sau đó thì chấm dứt. Đến thập niên 1970, Nguyễn Văn Thiệu muốn tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới nên có chủ trương nối lại giao thương với miền Bắc.
- Nội thương
Nhìn chung, nội thương miền Nam có sự phát triển nhất định; nhưng không mạnh như ngoại thương và chủ yếu tập trung ở các đô thị, ven đường giao thông. Hoạt động nội thương có những đặc điểm đáng lưu ý sau:
+ Sự sầm uất của nội thương gắn liền với cường độ của chiến tranh; thị trường nội địa có sự tham gia của một yếu tố bất thường là quân đội; mạng lưới thương mại dày đặc và hoạt động rất lộn xộn.
+ Nội thương gắn liền với viện trợ ồ ạt các hàng tiêu dùng đã được chế tạo sẵn ở nước ngoài (chủ yếu là Mỹ). Thị trường và sự sầm uất của nội thương tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và có các trục đường giao thông.
+ Người Hoa là lực lượng chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống thương nghiệp. Thương nhân Việt Nam phần lớn nắm thương nghiệp bán lẻ. Hệ thống thương nghiệp phương Tây chưa có vai trò gì đáng kể ở miền Nam.
+ Tuy tập trung ở đô thị, các tuyến đường giao thông quan trọng; nhưng các cơ sở kinh doanh hầu hết đều có những quan hệ chân rết, lan tỏa tới các vùng sâu, vùng xa, từ nông thôn đến vùng rừng núi.
+ Do tính chất của thị trường, do quan hệ cung cầu, phương pháp và phong cách của thương nghiệp miền Nam rất khác với miền Bắc.
e. Tài chính, tiền tệ
- Tài chính công
+ Trong những năm 1956-1975, tài chính công miền Nam có biến động. Trong đó, 1955-1958, ngân sách tương đối ổn định, có chút bội thu; nhưng từ 1959, bắt đầu thiếu hụt dưới 1%. Từ năm 1965 trở đi, thiếu hụt ngân sách tăng lên và đặc biệt nghiêm trọng vào những năm cao điểm của cuộc "chiến tranh cục bộ", thiếu khoảng 40%. Tính đến năm 1972, viện trợ và thuế quan chiếm phần quan trọng nhất trong thu ngân sách. Từ 1973, do có những cố gắng tối đa trong cải cách hệ thống tài chính, đặc biệt là tìm những nguồn thu mới, nên nguồn thu từ thuế bắt đầu chiếm tỷ lệ cao hơn so với viện trợ.
+ Cơ cấu chi: Chi cho quân sự, chính trị, kinh tế... trong đó, quốc phòng luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất (50%). Chi dân sự, chi cho Bộ Nội vụ luôn lớn hơn nhiều so với Bộ Canh nông, Cải cách điền địa, Bộ Công chánh. Thời kỳ 1961-1964, tổng chi trung bình của ngân sách cho các chương trình phát triển là 11%. Sang thời kỳ 1965-1968, tỷ lệ này là 8%; trong những năm 1969-1971, tỷ lệ này chỉ còn 7%. Hầu hết tài chính quốc gia được sử dụng cho những chi phí không phát triển, khoảng 80% chi lương bổng cho công chức và quân nhân.
+ Giải quyết thâm hụt ngân sách: Ngân sách thường thiếu hụt do phải chi phí nhiều. Để giải quyết vấn đề thiếu hụt ngân sách, ngoài việc xin thêm viện trợ, chính quyền Sài Gòn thường giải quyết bằng cách đi vay tiền của Ngân hàng Quốc gia Sài Gòn và các ngân hàng khác (Ngân hàng thương mại, ngân hàng tư nhân) thông qua hệ thống công khố phiếu. Từ giữa năm 1966, chính quyền Sài Gòn còn tiến hành cải cách tiền tệ theo các cách thức: 1) Cho phá giá đồng tiền; 2) Bán vàng và ngoại tệ; 3) Đẩy mạnh nhập khẩu hàng tiêu dùng.
- Ngân hàng, tiền tệ
Ngày 1 tháng 1 năm 1955, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và Viện Hối đoái được thành lập; đồng tiền mới được phát hành. Từ ngày 30 tháng 9 năm 1955, đình chỉ lưu thông đồng Đông Dương và tiến hành đổi tiền. Trong 2 năm 1962-1963, lượng tiền tăng 13-14% nhưng lạm phát chỉ 3% và 6%; năm 1964, khối lượng tiền tăng lên 23%, lạm phát chỉ 6%. Năm 1965, khối lượng tiền tăng tới 74%; lạm phát chỉ tăng 35%. Trong những năm 1960-1970, khối lượng tiền tệ tăng gấp 10 lần, mức độ lạm phát tăng 8 lần. Tuy lạm phát tăng, song đời sống của người dân không quá căng thẳng; do thu nhập của dân cư tăng cao hơn mức lạm phát.
Thời kỳ này, ở miền Nam có tổng số 32 ngân hàng thương mại; trong đó có 18 ngân hàng của người Việt, 14 ngân hàng nước ngoài. Đến thời điểm năm 1973, 6 ngân hàng bị thua lỗ, 26 làm ăn có lãi. Đứng đầu là ngân hàng Việt Nam Thương tín, với số lãi 4 tỷ đồng. Do nền kinh tế gắt chặt với thị trường thế giới nên thị trường tiền tệ miền Nam là một thị trường rất năng động. Khi Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập thì đồng tiền miền Nam cũng thoát ly khỏi sự lệ thuộc vào đồng Franc và từ đây lệ thuộc đồng đô la Mỹ.
Tỷ giá hối đoái của tiền tệ có sự biến động và khá phức tạp. Năm 1955, vào thời điểm lập Ngân hàng Quốc Gia và thực hiện đổi tiền, 1 đô la Mỹ có tỷ giá quy đổi bằng 35 đồng tiền miền Nam. Về sau, tiền miền Nam nhiều lần mất giá so với đồng đô la Mỹ (do tác động của chiến tranh và khó khăn kinh tế). Để giải quyết tình hình khó khăn, chính quyền Sài Gòn cho áp dụng chế độ nhiều tỷ giá1. Thực chất, đây là sự phá giá tiền miền Nam ở những mức độ khác nhau.
* Sau 20 năm xây dựng và phát triển, kinh tế miền Nam vùng chính quyền Sài Gòn có những ưu điểm và hạn chế sau đây:
1 Chẳng hạn, theo quy định ngày 7 tháng 6 năm 1971, tỷ giá chính thức là 118 đồng/1 đô la; trong khi đó tỷ giá nhập khẩu bằng ngoại tệ được định giá là 400 đồng/1 đô la, còn tỷ giá nhập khẩu theo chương trình viện trợ thương mại là 275 đồng/1 đô la. Tỷ giá chính thức chỉ còn áp dụng trong một số ít các nghiệp vụ như: chuyển ngân cho du học sinh, thanh toán cho công chức đi công vụ ở nước ngoài...
- Về ưu điểm: Trong đời sống kinh tế đã xuất hiện một số nhân tố sản xuất kinh doanh tư bản chủ nghĩa; đã hình thành cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh khá tốt (so với miền Bắc và nhiều nước trong khu vực). Đó là hệ thống giao thông - đường bộ, đường thủy, đường hàng không với trang thiết bị hiện đại; hệ thống kho tàng, bến bãi, hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông... đáp ứng tốt cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở vùng này đã hình thành một đội ngũ những người kinh doanh, quản lý, những người thợ có trình độ cao, có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường tự do, với nền kinh tế mở cửa, gắn kết với các nước phát triển cao trong khu vực và trên thế giới.
- Về hạn chế: Nhìn chung, nền kinh tế vẫn phổ biến là nền sản xuất nhỏ. Cơ cấu kinh tế mang tính chất của một nền kinh tế dịch vụ (năm 1974, nông nghiệp: 35,6%; công nghiệp: 9,2%, còn lại là dịch vụ). Tuy dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhưng đó không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển, bởi đây chủ yếu chỉ là dịch vụ thương mại và dịch vụ tiêu dùng dựa trên nguồn viện trợ dồi dào do Mỹ cung cấp. Trong khi đó thì sản xuất tăng chậm, nông nghiệp vốn là thế mạnh nhưng từ năm 1965 trở đi sản xuất không đủ tiêu dùng, phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu. Công nghiệp chiếm vị trí khiêm tốn trong cơ cấu, giá trị kinh tế và thụt lùi so với nhiều nước trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GDP thấp: năm 1974, GDP chỉ tăng gấp 1,51 lần so với năm 1955; bình quân tăng 5%/năm [Trần Văn Thọ, 2000, 136]. GDP bình quân đầu người năm 1974 chỉ tăng thêm hơn 0,45 lần, bình quân chỉ tăng có 2%/năm.
5.2.2. Kinh tế vùng giải phóng
Vùng giải phóng hình thành sau sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (tháng 12 năm 1960). Dân số, diện tích vùng này biến động theo tình hình chiến sự. Vào đầu năm 1965, vùng giải phóng chiếm khoảng 3/4 đất đai và 4/5 dân số toàn miền Nam. Nhưng vào cuối thập niên 1960, phạm vi đất đai và dân số vùng này thu hẹp hơn so với trước đó. Đại hội của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (đầu 1962) đã thông qua Cương lĩnh chính trị, các chính sách lớn liên quan đến các hoạt động vùng giải phóng.
5.2.2.1. Chính sách kinh tế
a. Giải quyết vấn đề ruộng đất
Do đa số dân trong vùng giải phóng là nông dân, nên giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mặt trận Dân tộc giải phóng đã triển khai các chính sách liên quan đến ruộng đất:
- Giữ nguyên số ruộng đất cách mạng đã cấp cho nông dân thời kháng chiến chống Pháp. Lấy ruộng đất của ngụy quân, ngụy quyền trong vùng giải phóng chia cho nông dân. Cuối năm 1963, nông dân đã được cách mạng chia lại khoảng 1.200.000 ha [Lâm Quang Huyên, 1985, 101]. Với địa chủ không phải là tay sai gian ác của địch thì thừa nhận họ có quyền thu hoa lợi, nhưng phải giảm địa tô cho tá điền. Đối với ruộng đất vắng chủ thì tạm giao cho nông dân sản xuất, hưởng hoa lợi. Nếu địa chủ trở về xin quyền thu tô thì họ phải chịu những điều kiện giảm tô, giữ nguyên canh và có đóng góp nhất định cho cách mạng.
- Thực hiện giảm tô, bảo đảm quyền sở hữu ruộng đất hoang cho những người có công khai phá; bảo hộ quyền sở hữu chính đáng với ruộng đất đã chia; tịch thu ruộng đất của đế quốc Mỹ và tay sai chia cho nông dân nghèo thiếu đất; chia lại công điền cho công bằng hợp lý; mua lại ruộng đất thừa của điền chủ theo quy định rồi chia cho nông dân không có hoặc thiếu ruộng đất.
b. Một số chính sách kinh tế khác
Bên cạnh các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam còn thực hiện các chính sách liên quan đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Đó là:
1) Bãi bỏ độc quyền kinh tế của đế quốc Mỹ và tay sai; xây dựng nền kinh tế, tài chính độc lập tự chủ phục vụ quốc kế dân sinh.
2) Tịch thu tài sản của đế quốc Mỹ và bọn tay sai; giúp đỡ công thương gia phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; khuyến khích công nghệ, tiểu công nghệ và phát triển kỹ nghệ, tích cực bảo vệ hàng nội.
3) Bãi bỏ thuế sản xuất, hạn chế hoặc đình chỉ nhập hàng hóa trong nước sản xuất được, giảm thuế nhập cảng nguyên liệu máy móc...
5.2.2.2. Đặc điểm tình hình kinh tế
Các chính sách mà Mặt trận Dân tộc giải phóng triển khai ở vùng giải phóng đã tác động, ảnh hưởng quan trọng đến kinh tế vùng này.
a. Nông nghiệp
Trong các vùng giải phóng, nông nghiệp có vị trí đặc biệt. Ở các vùng Khu V, Khu VI, Khu VII, việc tăng gia sản xuất tự cấp tự túc rất quan trọng vì đây là những vùng kinh tế hết sức khó khăn. Tại Khu V, nông nghiệp đã thu được thành tựu đáng kể. Các Khu VI, VII cuối 1962 sản xuất dần được phục hồi; ở một số địa phương, bà con nông dân thừa lương thực đã mang vào vùng địch trao đổi lấy các nhu yếu phẩm khác. Ở miền Tây Nam Bộ, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, chính quyền cách mạng tổ chức nạo vét kênh rạch, khai hoang, phục hóa vùng chua phèn nên sản xuất thuận lợi. Đến tháng 6 năm 1963, Nam Bộ khai hoang được 276.000 ha, các địa phương thực hiện tăng vụ, sản xuất khá nhiều hoa màu. Nhìn chung, Nam Bộ sản xuất thừa thóc, đời sống nhân dân khá cao, có nhiều nơi, đời sống còn khá hơn cả vùng địch.
Từ năm 1960, bộ đội và các cơ quan tổ chức sản xuất tự túc lương thực. Trước đây, các cơ quan và đơn vị quân đội chưa phát triển nên hoàn toàn dựa vào dân. Nhưng từ 1960 trở đi, số quân đội, cán bộ các cơ quan ngày càng đông, nếu chỉ dựa vào dân thì không đủ. Vì thế, năm 1963, Trung ương Cục chủ trương các cơ quan, bộ đội phải tổ chức sản xuất lương thực, chăn nuôi để tự túc một phần, giảm bớt sự đóng góp của dân. Theo đó, tại các vùng giải phóng, nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện chế độ dùng 1/3 thời gian hoặc 1/3 số cán bộ để sản xuất; các đơn vị quân đội thì cử một trung đội thuộc biên chế đại đội mình chuyên lo sản xuất, v.v... Do nỗ lực cố gắng và với nhiều cách làm linh hoạt, nên nhiều đơn vị, cơ quan vùng giải phóng đã đảm bảo tự túc, còn có cả phần dự trữ nữa.
b. Thủ công nghiệp
Nhiều nghề thủ công bị mai một trong những năm 1954-1959; nhưng từ năm 1960 trở đi được khôi phục. Nhiều nghề được phục hồi và phát triển khá ở một số địa phương, tiêu biểu là rèn và dệt vải. Các địa