Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 11

vừa xây dựng vừa phải chống chiến tranh phá hoại. Các hoạt động kinh tế cần được điều chỉnh, chuyển hướng cho phù hợp với tình hình. Khi Mỹ đánh phá thì chuyển nền kinh tế sang thời chiến; ngược lại khi hoà bình lại nhanh chóng chuyển sang khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng, phát triển. Đối với mỗi một trạng thái Đảng, Chính phủ đều có chủ trương, chính sách chỉ đạo hoạt động kinh tế phù hợp.

a. Kinh tế trong những năm 1965-1971

Chuyển hướng kinh tế (1965-1968)

Vào hai ngày 3-4 tháng 3 năm 1965, Mỹ đưa hàng trăm máy bay ra đánh phá một số địa điểm ở miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ ta đã quyết định chuyển mọi hoạt động của miền Bắc từ thời bình sang thời chiến. Nội dung của chuyển hướng kinh tế [theo Nguyễn Trí Dĩnh & cộng sự, 2013] được xác định cụ thể như sau:

1) Ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp địa phương; trong đó, đối với các xí nghiệp lớn thì chủ yếu duy trì năng lực sản xuất bằng cách bảo vệ, phân tán và sơ tán.

2) Tích cực chi viện cho miền Nam, thực hiện khẩu hiệu "tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", đồng thời cố gắng bảo đảm nhu cầu cơ bản cho đời sống nhân dân miền Bắc.

3) Tranh thủ cao nhất sự viện trợ quốc tế, chủ yếu là sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa.

4) Tăng cường tiềm lực kinh tế, tích cực đào tạo cán bộ và công nhân, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng, phát triển kinh tế sau này.

Để thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, vốn đầu tư được tăng lên; trung bình hàng năm tăng khoảng 150% so với năm 1960. Trong cơ cấu đầu tư, số vốn dành cho công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất; còn nông - lâm nghiệp được đầu tư tương đối đồng đều. Các ngành vận tải - bưu điện, thương nghiệp - cung ứng vật tư cũng được ưu tiên vốn nhiều hơn trước. Vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản có phần chững lại. Tình hình các ngành kinh tế như sau:

- Nông nghiệp: Nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế quan trọng của các địa phương. Trong giai đoạn này, hoạt động nông nghiệp phấn đấu hướng theo thực hiện các mục tiêu: "5 tấn thóc, 1 lao động làm 1 ha và 2 con lợn trên 1 ha gieo trồng". Đây là mục tiêu của nông nghiệp, nhưng cũng là mục tiêu phấn đấu của các ngành khác hướng vào phục vụ cho nông nghiệp phát triển. Trong những năm này, nông nghiệp giữ được sản lượng lúa, đẩy mạnh sản xuất hoa màu, mở rộng diện tích nhiều loại cây công nghiệp quan trọng, phát triển rừng và tăng thêm chăn nuôi gia súc... Số hợp tác xã, địa phương đạt 5 tấn thóc ngày càng tăng thêm lên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.

- Công nghiệp: Thực hiện chủ trương di chuyển các cơ sở công nghiệp, máy móc lớn từ trung ương về các địa phương để bảo vệ và duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng, phát triển mạng lưới nhà máy, xí nghiệp địa phương ở các vùng hậu phương, trung du miền núi; thực hiện phân bố lại sản xuất công nghiệp theo hướng gắn với nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, gắn công nghiệp với nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, gắn kinh tế với quốc phòng.

Nhà nước có sự đầu tư rất lớn cho phát triển kinh tế địa phương. Công nghiệp bị tổn thất nặng do chiến tranh phá hoại, nhưng nhìn chung vẫn giữ được thế phát triển cân đối với nông nghiệp. Năm 1960 tỷ trọng của công nghiệp trong giá trị tổng sản lượng quốc dân là 53,9%, đến năm 1965, con số này là 53,3%. Giá trị tổng sản lượng trong một số ngành công nghiệp (cơ khí, hoá chất, điện lực, luyện kim) vẫn tăng. Bên cạnh đó, giá trị tổng sản lượng công nghiệp quốc doanh của địa phương cũng tăng, với con số cụ thể là 39%.

Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 11

- Giao thông vận tải: Mạng lưới giao thông vận tải phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến cuối năm 1967, miền Bắc đã làm thêm được 340 km đường vòng, tránh trong hệ thống giao thông bộ; 250 bến phà và cầu qua sông; nâng cấp và làm thêm khoảng 13.000 km đường liên tỉnh, 25.700 km đường giao thông nông thôn. Số phương tiện giao thông tăng 3,5 lần so với trước chiến tranh phá hoại lần 1. Đường sắt, đường bộ, đường thủy đều tăng hơn trước. Các tuyến giao thông vận tải chiến lược chi viện cho miền Nam (đường 559, đường vận tải trên biển) được hình thành và từng bước phát triển.

- Thương mại: Trong điều kiện chiến tranh phá hoại, ngành nội phải nỗ lực trong phục vụ chiến đấu, sản xuất và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Hoạt động nội thương hướng vào hai mục tiêu lớn: 1) Phục vụ, thúc đẩy việc chuyển hướng xây dựng và phát triển kinh tế; 2) Đảm bảo các nhu cầu chiến đấu của tiền tuyến, đồng thời đảm bảo các nhu cầu cơ bản và thiết yếu của đời sống nhân dân. Hệ thống mậu dịch quốc doanh và hệ thống hợp tác xã mua bán ở cơ sở đã có nhiều cố gắng trong phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Tổng mức bán lẻ của thị trường xã hội chủ nghĩa những năm này tăng bình quân 8%/năm.

Hoạt động ngoại thương thời kỳ này chủ yếu là tiếp nhận hàng viện trợ. Trong những năm chiến tranh phá hoại, kim ngạch xuất khẩu giảm sút nhưng kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh (do viện trợ tăng). Trong các năm 1965-1967, tổng số hàng nhập khẩu bằng 2,5 lần so với 3 năm trước chiến tranh; sự chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu được bù đắp một phần lớn bằng viện trợ.

Khôi phục kinh tế (1969-1971)

Ngày 1 tháng 11 năm 1968, Mỹ (buộc phải) tuyên bố chấm dứt hoạt động ném bom đối với miền Bắc. Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đã tàn phá nặng nề kinh tế miền Bắc. Tất cả các khu công nghiệp, 6 tuyến đường sắt, 100% cầu, toàn bộ các bến cảng đường sông và đường biển, 1.600 công trình thủy lợi, 1.000 đoạn đê, 66 trong tổng số 70 nông trường quốc doanh, 300 trường học, 350 bệnh viện đã bị phá hoại. Các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Việt Trì, Vinh đều bị đánh phá; 12 thị xã, 50 thị trấn bị huỷ diệt hoàn toàn;

4.000 trong số 5.788 xã bị rải bom, trong đó có 30 xã bị huỷ diệt. Có thể nói, chiến tranh phá hoại của Mỹ gần như phá trụi toàn bộ cơ sở hạ tầng của miền Bắc và làm đảo lộn đời sống nhân dân.

Bên cạnh sự phá hoại của Mỹ thì thiếu sót trong công tác quản lý sản xuất kinh tế làm cho cả công nghiệp và nông nghiệp miền Bắc phát triển kém. Đời sống nhân dân gặp khó khăn; hàng hoá thiếu thốn nghiêm trọng; lương thực tính theo đầu người bị giảm sút. Miền Bắc trong những năm này còn gặp nhiều thiên tai; nạn lụt năm 1971 lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Vì thế, việc khôi phục và củng cố hậu phương miền Bắc trở

thành nhiệm vụ quan trọng, nặng nề và cấp bách đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trong bối cảnh như vậy, từ năm 1969, Đảng và Nhà nước ta chủ trương khôi phục nền kinh tế theo hướng ưu tiên cho nông nghiệp, đảm bảo đời sống nhân dân; xây dựng kinh tế địa phương, tăng cường giao thông vận tải và những ngành công nghiệp trọng yếu do Trung ương quản lý. Nghị quyết của Quốc hội (khoá IV) nêu phương hướng khôi phục:

1) Đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân; tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường kinh tế địa phương;

2) Đầu tư vào các ngành trọng yếu của công nghiệp do Trung ương quản lý, tăng cường giao thông vận tải;

3) Tập trung sức bảo đảm đầy đủ và kịp thời yêu cầu tăng cường sức chiến đấu cho tiền tuyến, thực hiện triệt để khẩu hiệu "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!";

4) Tích cực chuẩn bị cho những năm sau và cho khôi phục kinh tế sau chiến tranh [Lê Mậu Hãn & cộng sự, 2013, tập 4, 354].

Theo phương hướng, nhiệm vụ nêu trên, tình hình khôi phục kinh tế có những điểm đáng lưu ý sau:

- Vốn đầu tư cơ bản trong khu vực sản xuất vật chất 1969-1972 tăng gần gấp đôi những năm 1961-1965. Trong đầu tư, vốn được ưu tiên cho giao thông vận tải; còn vốn cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1/6 tổng số vốn đầu tư. Thu ngân sách gồm hai nguồn chủ yếu: trong nước và từ viện trợ, cho vay của nước ngoài. Những năm 1965-1968, thu ngân sách trong nước chiếm 38,8%; vay nợ và viện trợ nước ngoài chiếm 61,2%. Chỉ số tương ứng những năm 1969-1972 là 32,9% và 67,1%. Tốc độ phát triển kinh tế, GDP (1966-1973) tăng bình quân 1,9%/năm; thu nhập quốc dân tăng bình quân 0,4%/năm. Trong các năm 1969-1972, kinh tế quốc doanh và tập thể chiếm trên 90% trong GDP.

- Sau mấy năm khôi phục, căn bản các ngành công, nông, thủ công nghiệp... đã bằng và vượt mức năm 1965. Các xí nghiệp được khôi phục và đến khoảng giữa 1969 đã bắt đầu sản xuất bình thường. Nông nghiệp thời này phát triển theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của

Trung ương Đảng (2/1971) với nội dung căn bản là tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất lớn... Tiểu thủ công nghiệp khôi phục khá nhanh; còn thương nghiệp chủ yếu vẫn do Nhà nước độc quyền. Hệ thống chợ làng thu hẹp; các làng buôn truyền thống mai một; chế độ tem phiếu làm cho hoạt động mua bán tập trung vào các điểm cửa hàng mua bán của các hợp tác xã mua bán và mậu dịch quốc doanh.

- Nhìn chung, kinh tế - xã hội miền Bắc thời nay vẫn chưa thoát khỏi nền kinh tế sản xuất nhỏ, nông nghiệp tự cung, tự cấp và cũng chưa khắc phục được hoàn toàn hậu quả của chiến tranh. Dù năng suất và sản lượng lúa có tăng, nhưng miền Bắc vẫn thiếu gạo và hàng năm Nhà nước vẫn phải nhập khẩu lương thực [Lê Mậu Hãn & cộng sự, 2013, tập 4, 355-356].

b. Kinh tế trong những năm 1972-1975

Ngày 6 tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần 2 với quy mô lớn và cường độ đánh phá ác liệt hơn lần 1. Hầu hết các cơ sở kinh tế, thành phố, thị xã, cầu cống... bị đánh phá. Nghị quyết 20 của Trung ương Đảng đã đề ra ba nhiệm vụ cấp bách: 1) Chuyển hướng kinh tế, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt, bảo đảm sản xuất và đời sống; 2) Tăng cường quản lý Nhà nước về các mặt, quản lý kinh tế và 3) Thực hiện chính sách tiết kiệm chặt chẽ. Theo chủ trương này, các hoạt động kinh tế ở miền Bắc giống như những năm 1965-1968, trở lại trạng thái vừa xây dựng, bảo vệ vừa chống chiến tranh phá hoại và tiếp tục chi viện cho miền Nam.

Đến cuối tháng 12/1972, nhằm đập tan ý chí chống xâm lược của miền Bắc và tạo tiền đề thuận lợi cho cuộc đàm phán ở Paris, đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng lớn không quân, gồm nhiều máy bay ném bom chiến lược B52, liên tục oanh tạc Hà Nội trong 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972). Nhưng kết cục Mỹ đã thất bại thảm hại, phải chấp nhận ký Hiệp định Paris chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam vào ngày 27 tháng 1 năm 1973. Sau sự kiện này, miền Bắc lại chuyển sang thời bình, thực hiện kế hoạch 2 năm khôi phục, phát triển kinh tế (1974-1975) theo tinh thần Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành

Trung ương (khoá III). Nhiệm vụ chủ yếu của hai năm này là nhanh chóng hoàn thành hàn gắn vết thương chiến tranh; ra sức khôi phục, phát triển kinh tế, văn hoá; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa về mọi mặt, ổn định tình hình và đời sống của nhân dân; củng cố quốc phòng, chi viện cho miền Nam để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Thực hiện chủ trương của Đảng, đến cuối năm 1975, miền Bắc đã hoàn thành hàn gắn vết thương, khôi phục kinh tế với kết quả cụ thể:

- Về công nghiệp

Hầu hết các cơ sở sản xuất đã được phục hồi, một số xí nghiệp, nhà máy còn kết hợp giữa khôi phục với mở rộng quy mô. Thời gian này, có 225 xí nghiệp được xây dựng mới, đưa tổng số xí nghiệp công nghiệp ở miền Bắc lên con số 1.357. Tài sản cố định ngành công nghiệp năm 1975 đã tăng 107% so với 1965; giá trị sản lượng công nghiệp đạt 173,3% so với năm 1965. Trong năm 1975 có hai nhà máy lớn đi vào sản xuất là Nhà máy thép Gia Sàng, Nhà máy phân đạm Hà Bắc. Cơ cấu công nghiệp có biến đổi theo hướng tỷ trọng công nghiệp quốc doanh tăng từ 57% (1960) lên 72% (1975); nhóm công nghiệp nặng tăng từ 33% lên 42% trong tổng sản lượng công nghiệp trong thời gian tương ứng. Tuy vậy, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thời gian này không cao.

- Về nông nghiệp

Cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp được tăng cường. Các hợp tác xã được trang bị các loại máy bơm, máy kéo nhỏ, máy tuốt lúa, máy xay xát, máy nghiền thức ăn cho gia súc. Tính đến năm 1975, có 96% hợp tác xã vùng đồng bằng được trang bị máy móc cơ khí, máy động lực tăng 7,3 lần. Thủy lợi được chú trọng đầu tư; so với giai đoạn 1955-1957 thì giai đoạn 1972-1975 tăng 6,06 lần. Các giống lúa mới được đưa vào sản xuất, chiếm 75% vụ Đông Xuân. Giá trị sản lượng nông nghiệp năm 1975/1965 tăng 111,4%. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp được củng cố thêm một bước. Tỷ lệ số hộ nông dân vào hợp tác xã tăng từ 90,1% (1965) lên 95,2% (1975). Quy mô hợp tác xã mở rộng hơn trước,

với 199 hộ và 115 ha ruộng đất trên 1 hợp tác xã; số hợp tác xã nông nghiệp bậc cao là 88% vào năm 1975; có 1.500 trong 17.900 hợp tác xã có quy mô toàn xã.

Tuy có những chuyển biến lớn, nhưng hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp. Có một thực tế đáng buồn là hợp tác xã càng có quy mô lớn thì hiệu quả sử dụng các nguồn lực càng thấp, đời sống xã viên gặp nhiều khó khăn. Điều này thể hiện rõ, khi chi phí sản xuất tăng vọt trong những năm 1971-1975 (tăng 75%) thì thu nhập bình quân của hợp tác xã chỉ tăng 23,7%; lương thực bình quân đầu người giảm từ 304,9 kg (1961-1965) xuống còn 252,8 kg (1966-1975).

- Về giao thông vận tải

Hệ thống giao thông vận tải đến cuối năm 1975 nhìn chung đã được khôi phục và có tiến bộ nhất định. Đường bộ rải nhựa tăng 2 lần so với trước chiến tranh; năng lực giao thông vận tải qua các cảng biển, cảng sông tăng 30%; các phương tiện vận tải tăng đáng kể so với năm 1965.

- Về thương nghiệp

Ngành thương nghiệp đã có nhiều cố gắng trong phục vụ sản xuất, nắm nguồn hàng trong nước, tiếp nhận hàng viện trợ. Năm 1960, viện trợ chỉ chiếm 0,7% kim ngạch nhập khẩu thì đến giai đoạn 1971-1975 thường chiếm hơn 50% kim ngạch nhập khẩu, riêng năm 1972, mức nhập khẩu cao nhất là 68,6%. Điều này phản ánh thực tế là sự giúp đỡ to lớn của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa (Liên Xô, Trung Quốc, các nước Đông Âu) đối với Việt Nam. Về nội thương, mạng lưới phân phối hàng hoá được mở rộng, đảm bảo phân phối theo nguyên tắc "Bảo đảm nhu cầu cơ bản, kết hợp với phân phối theo lao động". Do đó, mặc dù vẫn còn khó khăn, nhưng nhìn chung đời sống nhân dân miền Bắc về cơ bản được bảo đảm và ổn định. Trong thời gian này, cần phải ghi nhận một sự đổi mới trong nhận thức của Đảng, Nhà nước ta về cơ chế quản lý kinh tế vào đầu thập niên 1970. Đó là tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (tháng 4 năm 1972) đã nêu ra chủ trương hạch toán kinh tế trong sản xuất kinh doanh. Song, do Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc nên chủ trương này đã không được thực hiện [Nguyễn Ngọc Thanh & cộng sự, 2013, 435].

5.2. KINH TẾ MIỀN NAM

5.2.1. Kinh tế vùng chính quyền Sài Gòn

5.2.1.1. Chính sách kinh tế

a. Bối cảnh lịch sử

Dưới con mắt của các chiến lược gia Mỹ thì Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược toàn cầu của họ. Vì thế, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ đã "hất cẳng Pháp", từng bước biến miền Nam thành tiền đồn chống Cộng ở khu vực châu Á. Mỹ kết hợp với tay sai người Việt xây dựng tại miền Nam một bộ máy chính quyền thân Mỹ; tiến hành đàn áp các lực lượng chống đối; "xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ"... Mỹ giúp chính quyền miền Nam xây dựng lực lượng quân sự mạnh và điều khiển lực lượng này thông qua hệ thống cố vấn để thực hiện các mục tiêu của mình. Quân đội của chính quyền Sài Gòn có xu hướng tăng nhanh trong nửa đầu thập niên 1960 (từ 223.000 năm 1960 lên 571.200 quân năm 1965). Trong những năm 1961-1973, để đối phó với cách mạng miền Nam, Mỹ đã triển khai các chiến lược: "Chiến lược chiến tranh đặc biệt" (1961-1965); "Chiến lược chiến tranh cục bộ" (1965-1968) và "Việt Nam hóa chiến tranh" (1969-1973).

Để thống trị miền Nam Việt Nam, Mỹ đã sử dụng kết hợp các công cụ chính trị, quân sự và viện trợ kinh tế. Trong đó, viện trợ là công cụ quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế miền Nam. Trong 20 năm (1954-1974), Mỹ triển khai nhiều chương trình viện trợ cho chính quyền Sài Gòn để hỗ trợ, giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế. Năm 1955, Mỹ viện trợ 320 triệu đô la cho miền Nam. Viện trợ Mỹ chủ yếu được thực hiện thông qua hai hình thức: viện trợ quân sự viện trợ kinh tế. Trong giai đoạn 1954-1964, Mỹ đã viện trợ 3.993,9 triệu đô la; giai đoạn 1969-1975, viện trợ tăng đến mức cao nhất, có năm lên đến 4 tỷ đô la. Tổng cộng từ 1969 đến 1975, Mỹ viện trợ cho chính quyền Sài Gòn là 16 tỷ, trong đó 13 tỷ là viện trợ quân sự trực tiếp, 3 tỷ là viện trợ kinh tế. Viện trợ kinh tế được xem là một công cụ để phục vụ mục đích quân sự và chính trị. Loại viện trợ này chủ yếu cung cấp hàng hóa tiêu dùng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của miền Nam. Có hai chương trình viện

Ngày đăng: 16/09/2023