phương hầu như đều có xưởng rèn. Riêng tỉnh Quảng Ngãi, năm 1965- 1966, có 63 lò rèn, sản lượng trị giá 1.789.584 đồng và có 754 khung dệt, dệt được 680.400 mét vải khổ rộng và 34.300 mét vải khổ hẹp; ở tỉnh Kom Tum có 955 thợ dệt vải.
Ở vùng Nam Bộ, có nhiều nghề thủ công được khôi phục và phát triển khá, đó là các nghề: chế biến lương thực, thực phẩm, đóng ghe thuyền, làm than củi. Tại Bến Tre, nghề làm giấy đã cung cấp một phần đáng kể cho hoạt động in ấn của cách mạng; ở huyện Châu Thành có cơ sở sản xuất xà beng, sản xuất tương. Ngoài các sản phẩm dân dụng, nhiều nơi còn chú trọng sản xuất những sản phẩm phục vụ nhu cầu bảo vệ sản xuất và đời sống, đó là các loại vũ khí thô sơ như: giáo mác, cạm bẫy, hầm chông chống càn... Nhiều nơi còn sử dụng bom đạn chưa nổ của Mỹ để chế tạo mìn, thủy lôi thô sơ, góp phần bảo vệ xóm làng [Lê Mậu Hãn & cộng sự, 2013, tập 3, 275].
c. Thương nghiệp
Do chính quyền Sài Gòn thực hiện chính sách bao vây kinh tế nên lưu thông hàng hóa ở vùng giải phóng gặp nhiều khó khăn. Trong khi ở vùng địch, do thực lực kinh tế mạnh, lại nhận được nhiều viện trợ Mỹ nên hàng hóa rất dồi dào. Còn vùng giải phóng thì hàng hoá nghèo nàn, lưu thông lại không được thuận lợi. Hàng hoá ở vùng giải phóng có được là từ ba nguồn sau đây: 1) Hàng mua từ vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát; 2) Hàng do miền Bắc viện trợ; 3) Hàng tự sản xuất ở địa phương. Trong ba nguồn trên thì hàng mua từ vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát là thường xuyên và quan trọng nhất.
Các lực lượng vùng giải phóng đã có nhiều nỗ lực và áp dụng nhiều biện pháp để mở rộng thông thương giữa vùng giải phóng với vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không có những giới tuyến rõ ràng như thời kháng chiến chống Pháp, mà có những hành lang giữa hai vùng tương đối và không ổn định. Ban Kinh- Tài của lực lượng cách mạng đã tạo ra ở vùng giáp ranh những "hành lang thương mại"; tổ chức các chợ để dân hai vùng có điều kiện lưu thông trao đổi với nhau, từ đó ta có thể mua hàng hóa phục vụ cho vùng
giải phóng thuận lợi. Giữa năm 1962, Khu V có 18 cửa hàng và 9 tổ thu mua lưu động, đạt doanh số hơn 6 triệu đồng (tiền miền Nam), kinh doanh hơn 121 mặt hàng. Ở Khu VI, cũng tổ chức mậu dịch và hướng dẫn nhân dân thực hiện xây dựng các cơ sở thương nghiệp. Đến 1962, qua các cơ sở mua bán giữa hai vùng giáp ranh, Lâm Đồng mua được 200 tấn gạo, Khánh Hòa cung cấp cho cơ quan Khu được 10 tấn muối [Lê Mậu Hãn & cộng sự, 2013, 276].
d. Tài chính, tiền tệ
- Về tài chính
Trong điều kiện chiến tranh, Trung ương Cục và Mặt trận giải phóng miền Nam chủ trương mỗi đơn vị đều có một bộ phận chuyên lo kinh tế hậu cần cho mình. Theo sự chỉ đạo của Ban Kinh-Tài Trung ương, mạng lưới kinh tế - tài chính chính được lập ra ở mọi nơi, từ trung ương xuống cơ sở (huyện - xã). Hoạt động của bộ máy Kinh-Tài thời kỳ này đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, nhưng có sự phân công rõ ràng. Miền Nam do Ban Kinh-Tài Trung ương Cục trực tiếp điều hành; còn các địa phương Trị Thiên, Khu V, Khu VI do miền Bắc đảm nhiệm. Ban Kinh-Tài Trung ương Cục có vai trò to lớn trong việc tổ chức đời sống cho cán bộ, bộ đội và nhân dân vùng giải phóng. Nhiệm vụ của bộ máy này là tổ chức các đoàn thể vận động nhân dân giúp đỡ lương thực, tiền bạc cho cách mạng; đồng thời tiếp nhận các nguồn viện trợ từ miền Bắc, từ kiều bào và từ nước bạn; phân phối, tổ chức đời sống vật chất cho cán bộ và nhân dân vùng giải phóng.
Sự đóng góp của dân (gọi là đảm phụ kháng chiến), tính từ năm 1961 về trước là theo tinh thần tự nguyện, với hình thức chủ yếu là lạc quyên. Sau đó từ năm 1962, nhiều nơi vẫn gọi là lạc quyên nhưng đã có tính chất phân bổ nghĩa vụ. Đến năm 1963 thì chuyển sang hình thức đóng góp theo hoa lợi, kết hợp với tự nguyện. Mục đích đóng góp như nhau, nhưng khi triển khai thì được vận dụng linh hoạt tùy theo mỗi vùng. Ở Khu VI thì căn cứ vào thu hoạch từng gia đình để thu đảm phụ, nhưng chỉ thu của các gia đình có thu hoạch từ 50 giạ (1.000 kg) lúa trở lên. Mức thu do dân "bình nghị" kết hợp với tự nguyện. Còn ở Nam Bộ,
Có thể bạn quan tâm!
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 11
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 12
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 13
- Bối Cảnh Lịch Sử Và Đường Lối Kinh Tế
- Trong Lĩnh Vực Tài Chính, Tiền Tệ, Giá Cả
- Trong Lĩnh Vực Giao Thông Vận Tải Và Bưu Điện
Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.
thí điểm chính sách, phương pháp thu đảm phụ được thực hiện đầu tiên ở Cà Mau, Bến Tre, Mỹ Tho đạt kết quả tốt. Tại Bến Tre, thu đảm phụ năm 1964 lớn gấp 3 lần số thu tài chính năm 1961 (72.139.000 đồng so với
24.910.000 đồng); kết quả năm 1964, Bến Tre đã nộp cho Trung ương Cục và Khu 31.278.000 đồng (tiền Sài Gòn). Ngoài ta, các Khu còn ban hành, thực hiện một số chính sách thu khác - thu đảm phụ công thương nghiệp, thu xuất nhập thị, thu đảm phụ với những người có hoa lợi về thủy sản, nghề rừng, chủ đồn điền...
Trong những năm 1960-1965, đóng góp của dân chiếm vị trí quan trọng. Nhưng từ khi Mỹ chuyển sang "Chiến lược chiến tranh cục bộ", lực lượng cách mạng phát triển nhiều hơn trước, cung cấp do dân đóng góp không đủ, nên phải dựa vào viện trợ ngày càng tăng từ miền Bắc. Các tỉnh Trung Nam Bộ và Tây Nguyên đã tự lo phần lớn tài chính cho mình, nên Trung ương Cục có điều kiện tập trung chi viện nhiều hơn cho các tỉnh Đông Nam Bộ, Khu V và Khu VI. Hàng hóa miền Bắc viện trợ cho vùng giải phóng qua hai đường biển, qua cảng Sihanouk Ville (nay là Kampong Som) của Campuchia và theo đường mòn Hồ Chí Minh (đường 559). Viện trợ qua cảng Sihanouk Ville chỉ tồn tại đến đầu năm 1970, sau đó ngày 18 tháng 3 năm 1970, Mỹ giúp lực lượng đối lập đảo chính, lật độ chính phủ Sihanouk thì con đường vận chuyển - tiếp tế - viện trợ này cũng chấm dứt [Đặng Phong, 2005, tập 2, 1075].
Tại các khu giải phóng thì Khu V có mạng lưới thu mua, trao đổi hàng hóa khá phát triển. Đầu những năm 1960, địa bàn khu V được mở rộng hơn, dân vùng này tích cực chống địch và ủng hộ Quân giải phóng. Hành lang vận chuyển chiến lược được mở rộng, hàng trăm tấn vũ khí đã được vận chuyển qua hệ thống đường mòn phía Tây Khu V vào các chiến trường miền Nam, góp phần cho cách mạng miền Nam phát triển và giành thắng lợi năm 1975.
- Về tiền tệ
Trong vùng giải phóng thời kỳ này lưu thông nhiều loại tiền - tiền của chính quyền Sài Gòn, đô la, tiền Campuchia (Riel) và tiền do cách mạng phát hành. Tiền cách mạng do Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam
Việt Nam phát hành thông qua Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn ngắn từ 1964 đến 1968. Sau khi Uỷ ban chuyển thành Chính phủ Cách mạng Lâm thời của Cộng hoà miền Nam Việt Nam năm 1969 thì việc phát hành tiền giấy do Chính phủ này tiếp quản. Cộng hoà miền Nam Việt Nam phát hành tiền giấy dưới danh nghĩa "Ngân hàng Việt Nam". Các loại tiền giấy này được in với sự hậu thuẫn từ miền Bắc và vận chuyển đến những khu vực thuộc quyền kiểm soát của Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Đồng tiền do Mặt trận dân tộc giải phóng phát hành được gọi là "tiền Mặt trận"; còn tiền do Cộng hoà miền Nam Việt Nam phát hành thì gọi là "Tiền Giải phóng"1 [Thng Tien Tat, 2016, 37].
Để đáp ứng nhu cầu của vùng giải phóng theo hướng phục vụ nhiệm vụ chính trị, quân sự, kinh tế, có bộ phận được giao nhiệm vụ theo dõi âm mưu của địch để chỉ đạo tỷ giá hối đoái, định mức dự trữ tiền hợp lý để tránh tổn thất; đồng thời bố trí mạng lưới thu đổi, đường dây vận chuyển tiền an toàn, tổ chức bảo quản tiền mặt chặt chẽ, chu đáo. Hoạt động của ngân hàng, tín dụng trong vùng giải phóng cũng được triển khai phục vụ tốt yêu cầu sản xuất tự túc của các cơ quan và của nhân dân. Công tác thanh toán tiền mua hàng hoá thực hiện phổ biến qua tài khoản ngân hàng, hạn chế việc dùng tiền mặt được áp dụng tốt. Có khoảng 40% tổng doanh số hoạt động mua bán giữa các đơn vị thanh toán qua tài khoản ngân hàng [Viện nghiên cứu tài chính, 2001, 254]. Nhờ tổ chức tốt, nên mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, hoạt động tiền tệ ở vùng giải phóng đã đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu tiền tệ, tránh được mọi thiệt hại, bảo đảm an toàn gần như tuyệt đối về tiền bạc của cách mạng.
Tóm lại: Trong điều kiện chiến tranh, kinh tế vùng giải phóng được xây dựng, vận hành theo mô hình kinh tế dân tộc dân chủ nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Nông nghiệp là ngành có vị trí, vai trò quan trọng. Để phát
1 Sau khi Việt Nam thống nhất, tiền Giải phóng được thống nhất với đồng tiền miền Bắc Việt Nam vào năm 1978, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý. Tỷ giá hoán đổi với đồng tiền mới lúc đó là: 1:1 đối với đồng tiền miền Bắc và 0,8:1 đối với đồng tiền Giải phóng [Thng Tien Tat, 2016, 37].
triển nông nghiệp, đồng thời để lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của nông dân, lực lượng cách mạng đã ban hành và thực hiện những chính sách tiến bộ về ruộng đất. Các chính sách này đã góp phần phục hồi nông nghiệp, đảm bảo tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ, bộ đội và dân cư vùng giải phóng. Các lực lượng cách mạng đã có nhiều sáng tạo và rất linh hoạt trong mọi hoạt động kinh tế. Kết quả kinh tế đạt được đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong thời kỳ 20 năm này.
Kết chương
Thời kỳ 1955-1975 là một thời kỳ đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Đất nước chia làm hai miền với hai chế độ chính trị và hai mô hình xây dựng, phát triển khác nhau. Trong 20 năm này, miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa chi viện cho miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Nền kinh tế được hoạch định xây dựng, phát triển theo mô hình chung của kinh tế xã hội chủ nghĩa thời đó. Trong 10 năm đầu (1955-1965), miền Bắc triển khai thực hiện nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế (1955-1957); cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu phát triển kinh tế, văn hoá (1958-1960); thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội (1961-1965). 10 năm tiếp theo (1965-1975), miền Bắc vừa xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tiếp tục chi viện cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn; nhưng nhìn chung, nền kinh tế miền Bắc vẫn có những tiến bộ đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.
Ở miền Nam chính quyền Sài Gòn tiến hành xây dựng nền kinh tế thị trường tự do, mở cửa quan hệ rộng rãi với bên ngoài và dựa vào nguồn viện trợ chủ yếu từ nước Mỹ để phát triển. Nền kinh tế vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát chỉ ổn định trong những năm cuối thập niên 1950 sau đó gặp nhiều khó khăn và lâm dần vào khủng hoảng. Nguyên
nhân chính của tình trạng này là do tác động mạnh mẽ của chiến tranh. So với thời thực dân Pháp thống trị kinh tế có bước phát triển hơn, song vẫn căn bản là sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ, kinh tế phát triển không cân đối và phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. Nhìn bề nổi thì thấy kinh tế rất phồn vinh; nhưng đó là sự phồn vinh giả tạo, thiếu cơ sở nội tại. Nền kinh tế phát triển không ổn định và chấm dứt sự tồn tại vào thời điểm chính quyền Sài Gòn sụp đổ (ngày 30 tháng 4 năm 1975).
Tại miền Nam thời kỳ này, bên cạnh vùng kinh tế của chính quyền Sài Gòn còn có vùng kinh tế giải phóng, hình thành từ sau khi Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập (1960). Có thể nói, đây là bộ phận kinh tế dân chủ nhân dân, có nhiều nét giống với nền kinh tế mà Chính phủ và nhân dân ta đã xây dựng ở vùng tự do thời kháng chiến chống thực dân Pháp (1947-1954). Các hoạt động kinh tế trong vùng giải phóng mang nặng tính tự cung, tự cấp. Mọi hoạt động sản xuất (nông nghiệp, thủ công nghiệp) và phi sản xuất (thương nghiệp, tài chính, tiền tệ; tiếp nhận, phân phối hàng viện trợ...) đều nhằm đáp ứng nhu cầu quân sự và dân sinh trong vùng. Khi chế độ Sài Gòn sụp đổ thì vùng này mở rộng và bao trùm toàn bộ miền Nam, sau đó hoà nhập vào cả nước từ năm 1976.
Tài liệu tham khảo
[1] Bộ Thương mại và Du lịch (1992), Biên niên sự kiện ngoại thương Việt Nam (1945-1990), Hà Nội.
[2] Bộ Tài chính, Viện Nghiên cứu Tài chính (2001), Tài chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Nxb. Tài chính, Hà Nội.
[3] Phạm Minh Chính, Vương Hoàng Quân (2009), Kinh tế Việt Nam thăng trầm và đột phá, Nxb. Chính trị Quốc gia.
[4] Nguyễn Sinh Cúc (1995), Nông nghiệp Việt Nam 1945-1995, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
[5] Trần Đức Cường (Chủ biên, 2017), Lịch sử Việt Nam, tập 12, từ năm 1954 đến năm 1965, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[6] Nguyễn Trí Dĩnh & cộng sự (2013), Giáo trình Lịch sử kinh tế, Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
[7] Đảng Lao động Việt Nam (1960), Văn kiện đại hội lần thứ III của Đảng, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
[8] Trần Bá Đệ (Chủ biên) - Lê Cung (2012), Giáo trình Lịch sử Việt Nam, tập VII, 1954-1975, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[9] Phạm Thị Hồng Hà (2017), Kinh tế Việt Nam cộng hòa dưới tác
động của viện trợ Hoa Kỳ (1955-1975), Nxb. Công an Nhân dân.
[10] Đinh Quang Hải (Chủ biên, 2017), Lịch sử Việt Nam phổ thông, tập VIII, 1954-1975, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[11] Lê Mậu Hãn & cộng sự (Chủ biên, 2013), Lịch sử Việt Nam, tập IV, 1945-2005, Nxb. Giáo dục.
[12] Nguyễn Anh Huy (2013), Lịch sử tiền tệ Việt Nam (sơ truy & lược khảo), Nxb. Văn hóa - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
[13] Nguyễn Văn Nhật (Chủ biên, 2017), Lịch sử Việt Nam, tập 13, từ năm 1965 đến năm 1975, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[14] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[15] Đặng Phong (Chủ biên, 2005), Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập II, 1955-1975, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[16] Lê Quốc Sử (1998), Một số vấn đề về lịch sử kinh tế Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[17] Đào Văn Tập (Chủ biên, 1990), 45 năm kinh tế Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[18] Thng Tien Tat (2016), Lịch sử tiền giấy Việt Nam: Những câu chuyện chưa kể, Nxb Văn hoá - Văn nghệ.
[19] Nguyễn Ngọc Thanh (Chủ biên, 2013), Lịch sử kinh tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
[20] Trần Văn Thọ & cộng sự (2000), Kinh tế Việt Nam 1955-2000 (tính toán mới, phân tích mới), Nxb. Thống kê, Hà Nội.
[21] Tổng cục Thống kê (1978), Tình hình phát triển kinh tế và văn hóa miền Bắc xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1960-1975, Hà Nội.
[22] Tổng cục Thống kê (1988), Số liệu thống kê kinh tế tài chính 1955-1986, Hà Nội.
[23] Tổng cục Thống kê (1990), Việt Nam - Con số và sự kiện 1945-1989, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990.
[24] Viện kinh tế - kỹ thuật thương nghiệp (1981), 30 năm xây dựng và phát triển thương nghiệp xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1951-1981, Hà Nội.
[25] Ngô Doãn Vịnh (2013), Giải thích thuật ngữ trong nghiên cứu phát triển (Bối cảnh và điều kiện của Việt Nam), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Nội dung ôn tập
[1] Kinh tế miền Bắc giai đoạn khôi phục và cải tạo xã hội chủ nghĩa (1955-1960).
[2] Kinh tế miền Bắc giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ I (1961-1965).
[3] Kinh tế miền Bắc trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại (1965-1975).
[4] Chính sách kinh tế của chính quyền Sài Gòn (1955-1975).
[5] Kinh tế miền Nam vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát (1955-1965).