Kỹ năng học tập theo học chế tín chỉ của sinh viên ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân - 2


MỞ ĐẦU

1. Lý do lựa chọn đề tài luận án

Hình thức đào tạo theo tín chỉ được chính thức triển khai rộng rãi tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam từ năm 2010, tuy nhiên, tại các học viện, trường đại học CAND, hình thức đào tạo này mới chỉ được áp dụng vài năm gần đây. Với hình thức học tập này, sinh viên có quyền tự đăng ký môn học, tự quyết định kế hoạch học tập cho mình, linh hoạt học tập các môn theo khả năng, sở trường và chủ động điều chỉnh tiến độ học tập phù hợp với bản thân. Với số lượng tiết thực hành, thảo luận, seminar và bài tập nhóm lớn, đòi hỏi người học phải thực sự tích cực, nỗ lực và có những kỹ năng học tập cần thiết.

Từ khi được triển khai đến nay, học chế tín chỉ đã phát huy được tính ưu việt, bộc lộ nhiều mặt tích cực, tuy nhiên trong các học viện, trường đại học CAND, nhiều sinh viên vẫn chưa có kỹ năng học tập hiệu quả. Một số sinh viên chưa phát huy được tính chủ động và tích cực học tập, vẫn phụ thuộc vào giảng viên, thiếu các kỹ năng học tập theo HCTC như: chưa biết cách lập kế hoạch học tập, thiếu linh hoạt, chủ động trong tìm kiếm và khai thác thông tin, chưa hợp tác tốt trong làm việc nhóm, lãng phí thời gian trong giờ tự học, chưa chuẩn bị chu đáo nhiệm vụ học tập trước khi lên lớp, chưa biết cách điều chỉnh hoạt động học tập cho phù hợp… Mặt khác, hoạt động học tập của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND phải lĩnh hội nhiều kiến thức và kỹ năng đặc thù của ngành công an, phải nghiên cứu và tiếp cận nhiều tài liệu thuộc danh mục bí mật của nhà nước, môi trường học tập mang tính kỷ luật, gò bó… khiến việc học tập theo HCTC gặp nhiều khó khăn trong việc trao đổi tài liệu, tiếp cận nguồn thông tin; tiến trình học tập các môn học khó sắp xếp linh hoạt. Những thiếu sót trên đã dẫn tới một số hạn chế trong quá trình học tập theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND.

Sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND là những cán bộ công an trong tương lai, sẽ có nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, đòi hỏi họ phải phát huy


năng lực cá nhân, chủ động trong nghiên cứu, tìm tòi và hình thành các kỹ năng cần thiết, linh hoạt và có trách nhiệm với nhiệm vụ. Mặt khác, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”[21]; Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”[22], ngành Công an có nhiều thay đổi về mặt cơ cấu tổ chức nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng Bộ Công an theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Đặt trong bối cảnh chung của ngành, các học viện, trường đại học CAND cũng có nhiều thay đổi, chỉ tiêu tuyển sinh giảm mạnh, chất lượng tuyển sinh đầu vào nâng cao. Thực tế trên vừa là thuận lợi đồng thời cũng đặt ra một số khó khăn cho các học viện, trường đại học CAND trong việc tổ chức hoạt động giáo dục theo HCTC.

Kỹ năng là vấn đề cơ bản trong tâm lý học và trong thực tiễn. Kỹ năng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của con người nói chung và nâng cao hiệu quả hoạt động học tập nói riêng. Hình thành kỹ năng học tập cho sinh viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm. Việc nghiên cứu kỹ năng và ứng dụng vào các hoạt động đa dạng của con người, đặc biệt là hoạt động dạy và học luôn là đòi hỏi cấp bách, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Đặc biệt, trong học tập theo học chế tín chỉ, sinh viên phải chủ động thực hiện các hoạt động học tập, việc hình thành và phát triển các kỹ năng học tập theo học chế tín chỉ là rất cần thiết. Kỹ năng học tập theo học chế tín chỉ giúp sinh viên tiến hành các hành động học tập trôi chảy, đầy đủ, sáng tạo, phù hợp với hình thức đào tạo tín chỉ, từ đó nâng cao hiệu quả học tập, giúp sinh viên tích lũy được nhiều kiến thức và hình thành được nhiều kỹ năng nghề nghiệp trong khoảng thời gian nhất định. Đối với sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND, thời gian học tập và rèn luyện không chỉ diễn ra trên lớp mà thường xuyên diễn ra ở không gian thao trường và hoạt động thực

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 247 trang tài liệu này.


tiễn, việc phát triển KNHT theo HCTC để sinh viên có thể học mọi lúc, mọi nơi là rất cần thiết.

Kỹ năng học tập theo học chế tín chỉ của sinh viên ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân - 2

Hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về KNHT của sinh viên và một số công trình nghiên cứu về KNHT theo HCTC. Các công trình này đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận cơ bản của kỹ năng nói chung và KNHT nói riêng, chỉ ra các biểu hiện và mức độ của KNHT, làm rõ các yếu tố ảnh hưởng tới KNHT của sinh viên. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu về KNHT theo HCTC của sinh viên các học viện, trường đại học CAND.

Do đó, nghiên cứu kỹ năng học tập theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND, đề xuất giải pháp phát triển KNHT theo HCTC cho sinh viên ở các các cơ sở đào tạo này, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là cấp thiết.

Xuất phát từ lý do trên, chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài “Kỹ năng học tập theo học chế tín chỉ của sinh viên ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân”.

2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND, đề xuất các biện pháp tâm lý sư phạm phát triển KNHT theo HCTC cho sinh viên, góp phần nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên.

Nhiệm vụ nghiên cứu

Xây dựng cơ sở lý luận nghiên cứu KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND

Khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng mức độ, biểu hiện KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND và thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND.

Đề xuất các biện pháp tâm lý - sư phạm nhằm phát triển KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND.


Tổ chức thực nghiệm tác động một số biện pháp phát triển KNHT theo HCTC cho sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND.

3. Đối tượng, khách thể, phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu

Biểu hiện và mức độ KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND; Các yếu tố ảnh hưởng đến KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND.

Khách thể nghiên cứu

Sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND.

Giảng viên, cán bộ quản lý học viên và cán bộ quản lý đào tạo tại 03 cơ sở đào tạo: Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND.

Phạm vi nghiên cứu

Về nội dung:

KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND có nhiều kỹ năng thành phần, luận án chỉ tập trung nghiên cứu các kỹ năng rất cơ bản như: kỹ năng lập kế hoạch học tập theo HCTC; kỹ năng thực hiện hoạt động học tập theo HCTC; kỹ năng điều chỉnh hoạt động học tập theo HCTC .

Về địa bàn nghiên cứu:

Nghiên cứu trên sinh viên 03 học viện, trường đại học Công an nhân dân: Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND.

Về khách thể nghiên cứu:

Nghiên cứu tổng số 503 sinh viên đại học hệ chính quy tại các Học viện, trường đại học CAND. Trong đó: 172 sinh viên Học viện An ninh nhân dân, 181sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân, 150 sinh viên Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND; 35 giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo, cán bộ quản lý học viên tại các học viện, trường đại học CAND.


4. Giả thuyết khoa học

KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND ở mức trung bình, các nhóm KNHT theo HCTC ở mức độ khác nhau, trong đó kỹ năng thực hiện hoạt động học tập theo HCTC ở mức cao nhất, kỹ năng lập kế hoạch học tập theo HCTC ở mức thấp nhất.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến KNHT theo HCTC của sinh viên. Trong đó, yếu tố tính tích cực, chủ động học tập theo học chế tín chỉ của sinh viên có ảnh hưởng nhiều nhất; cách thức tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ có ảnh hưởng ít hơn các yếu tố còn lại.

Có thể phát triển KNHT theo HCTC cho sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND bằng cách nâng cao nhận thức cho sinh viên về cách thức tổ chức các hành động học tập theo HCTC; cho sinh viên rèn luyện qua giải quyết các nhiệm vụ học tập cụ thể.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Phương pháp luận

Luận án được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về về giáo dục, đào tạo nói chung, và về học tập, kỹ năng học tập nói riêng làm cơ sở lý luận; Các quan điểm, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương về công tác giáo dục, đào tạo.

Cách tiếp cận của tâm lý học được sử dụng trong nghiên cứu luận án bao gồm:

Tiếp cận hoạt động: Các KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND được thực hiện thông qua hoạt động học tập trong và ngoài giờ lên lớp. Việc nghiên cứu KNHT này phải thông qua thực tiễn hoạt động học tập của sinh viên. Tức là nghiên cứu thông qua quan sát, nghiên cứu hành động học tập của sinh viên giải các bài tập tình huống và đánh giá kết quả hành động học tập của sinh viên.

Tiếp cận hệ thống: Nghiên cứu các KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND trong mối quan hệ tương hỗ của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như: Yếu tố tâm lý cá nhân, yếu tố


tâm lý xã hội, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, điều kiện kinh tế của xã hội…Vì vậy, việc nghiên cứu các KNHT theo HCTC của sinh viên như một hệ thống cấu trúc nhiều thành tố, mối quan hệ giữa các thành tố bằng một hệ thống phương pháp tiếp cận và phải nghiên cứu trong mối quan hệ tương hỗ của nhiều yếu tố.

Tiếp cận phát triển: Việc rèn luyện và phát triển các KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND cần đặt trong bối cảnh phát triển chung của nền kinh tế xã hội và của hệ thống giáo dục cũng như trong quá trình phấn đấu đạt mục tiêu tín chỉ hóa nền giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Mặt khác, việc rèn luyện KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND cần đặt trong bối cảnh có nhiều thay đổi của lực lượng CAND hiện nay.

Tiếp cận liên ngành: Đề tài sử dụng kiến thức của nhiều ngành tâm lý: Đào tạo sinh viên ngành công an gắn với dạy các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công an. Khi nghiên cứu KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND cần phối hợp những thành tựu của nhiều ngành khoa học, như: Tâm lý học Dạy học, Tâm lý học Sư phạm, Tâm lý học phát triển, Giáo dục học…

Phương pháp nghiên cứu

Trong phạm vi luận án, chúng tôi sử dụng hệ thống các phương pháp nghiên cứu sau:

Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa, khái quát hóa các tài liệu nhằm thu thập, khai thác các thông tin để xây dựng cơ sở lý luận của luận án.

Phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Phương pháp quan sát; phương pháp điều tra bằng bảng hỏi; phương pháp phỏng vấn sâu; phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động (thông qua giải bài tập tình huống); phương pháp thực nghiệm tác động;

Phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học: Số liệu thu được sau khảo sát thực tế được xử lý bằng chương trình SPSS dùng trong môi trường Window phiên bản 20.0.


6. Những đóng góp mới của luận án

Đóng góp về lý luận

Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần bổ sung lý luận cơ bản về KNHT, KNHT theo HCTC của sinh viên Công an nhân dân. Luận án đã nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận của Tâm lý học nói chung, Tâm lý giáo dục nói riêng. Cụ thể, kết quả nghiên cứu đã xác định 3 KNHT theo HCTC thành phần, xác định các yếu tố ảnh hưởng tới KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND. Luận án cũng đã đưa ra những đặc trưng cơ bản trong hoạt động học tập theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND.

Đóng góp về thực tiễn

Luận án làm sáng tỏ thực trạng biểu hiện và mức độ KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND; chỉ ra các mặt hạn chế của các kỹ năng đó. Các nhóm sinh viên có KNHT theo HCTC ở mức độ khác nhau và chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố đến KNHT theo HCTC của họ. Kết quả nghiên cứu thực tiễn cho thấy sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND có kỹ năng thực hiện hoạt động học tập theo HCTC ở mức cao nhất, kỹ năng lập kế hoạch học tập theo HCTC ở mức thấp nhất. Quá trình phát triển KNHT theo HCTC của sinh viên ở các học viện, trường đại học CAND chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến các yếu tố như: Động cơ học tập theo HCTC của sinh viên; hiểu biết của sinh viên về học tập theo HCTC; tính tích cực, chủ động học tập theo HCTC của sinh viên; kinh nghiệm hướng dẫn của cố vấn học tập; năng lực và phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên; cách thức tổ chức đào tạo theo HCTC; cơ sở vật chất phục vụ học tập theo HCTC.

Luận án đề xuất được một số biện pháp tâm lý sư phạm phát triển KNHT theo HCTC của sinh viên bằng việc nâng cao nhận thức cho sinh viên về cách thức tổ chức các hành động học tập theo HCTC; rèn luyện KNHT theo HCTC cho sinh viên thông qua giải quyết các nhiệm vụ học tập cụ thể. Thực nghiệm nâng cao KNHT theo HCTC ở nhóm thực nghiệm.


7. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của luận án

Luận án là tài liệu tham khảo cho đội ngũ giảng viên, cán bộ làm công tác đào tạo ở các học viện, trường đại học CAND trong quá trình đào tạo sinh viên, là tài liệu tham khảo cho sinh viên để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ học tập, rèn luyện.

Luận án cung cấp thêm cơ sở khoa học cho Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu và các lực lượng giáo dục ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân vận dụng vào thực tiễn công tác quản lý, tổ chức đào tạo nhằm phát triển KNHT theo HCTC cho sinh viên, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

8. Kết cấu của luận án

Luận án gồm: Mở đầu, 4 chương (13 tiết), kết luận và kiến nghị, danh mục tài liệu tham khảo, danh mục các công trình công bố, phụ lục.

Xem tất cả 247 trang.

Ngày đăng: 15/10/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí