Đặc Điểm Của Kinh Tế Du Lịch Ở Vùng Kinh Tế Trọng Điểm Trong Hội Nhập Quốc Tế


xã hội khác. Vùng kinh tế được đặc trưng bởi chuyên môn hóa và phát triển tổng hợp vùng.

+ Quan niệm vùng kinh tế trọng điểm

Vùng KTTĐ (hay vùng kinh tế động lực) là một trong những loại vùng kinh tế - xã hội được hình thành và phát triển ở nước ta từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX cho đến nay. Về nguyên tắc, vùng kinh tế trọng điểm phải là vùng hội tụ đầy đủ nhất các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và đóng vai trò quyết định đối với nền kinh tế cả nước.

Lãnh thổ được gọi là vùng KTTĐ phải đảm bảo được các yêu cầu chủ yếu sau đây:

+ Hội tụ đầy đủ các thế mạnh về vị trí địa lý, về tự nhiên, kinh tế - xã hội, tập trung tiềm lực mạnh về kinh tế và có khả năng hấp dẫn các nhà đầu tư.

+ Có đóng góp lớn trong cơ cấu GDP của đất nước và tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh cho cả nước cũng như hỗ trợ cho các vùng khác nếu được đầu tư thỏa đáng.

+ Có thể có được tích lũy đầu tư để tái sản xuất mở rộng, tạo nguồn thu ngân sách lớn cho Nhà nước.

+ Có khả năng thu hút các ngành mới về công nghiệp, dịch vụ để từ đó nhân rộng ra các vùng khác và cả nước.

Vùng KTTĐ bao trùm phạm vi nhiều tỉnh, thành phố. Ranh giới của nó không phải bất biến, mà có sự thay đổi theo thời gian. Số lượng cũng như phạm vi của vùng thay đổi theo yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ lịch sử. Vùng KTTĐ là đối tượng trọng điểm về đầu tư nhằm tạo ra “cú huých” cho toàn bộ nền kinh tế của cả nước.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

Như vậy, vùng kinh tế trọng điểm là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia gồm một số tỉnh, thành phố hội tụ được các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, giữ vai trò động lực, đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung của cả nước.


Kinh tế du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc trong hội nhập quốc tế - 6

Việc phát triển các vùng KTTĐ đối với nhiều quốc gia, lãnh thổ trên thế giới không còn là vấn đề mới mẻ, nó đã trở thành một xu thế mang tính khách quan trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những quốc gia, lãnh thổ có nền kinh tế đang phát triển.

Như vậy, vùng là một khái niệm được phân chia chủ yếu dựa trên yếu tố không gian lãnh thổ và địa lý kinh tế; vùng kinh tế được coi là một thực thể khách quan, tồn tại theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trong những giai đoạn nhất định; vùng KTTĐ là một vùng kinh tế có lợi thế phát triển kinh tế - xã hội vượt trội hơn so với các vùng khác, đồng thời giữ vai trò thúc đẩy kinh tế của các vùng hoặc tiểu vùng khác phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế đất nước.

+ Quan niệm kinh tế du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm trong HNQT

Từ các khái niệm trên, tác giả luận án cho rằng: Kinh tế du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm trong HNQT là một hệ thống phức hợp những mối quan hệ và hoạt động kinh tế của các chủ thể tham gia trong quá trình tổ chức sản xuất, cung ứng và tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ du lịch ở một số tỉnh/thành phố có các điều kiện và tiềm năng phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn nhằm đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho các bên tham gia và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng, của đất nước và gắn kết với khu vực cũng như thế giới.

2.1.1.2. Đặc điểm của kinh tế du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm trong hội nhập quốc tế

* Những đặc điểm chung của kinh tế du lịch trong hội nhập quốc tế

- Kinh tế du lịch có tính tổng hợp và liên kết cao.

Phát triển KTDL tức là phát triển kinh tế dựa trên các sản phẩm và dịch vụ du lịch. Để có một sản phẩm, dịch vụ du lịch tốt cần đến sự kết hợp của rất nhiều yếu tố từ điều kiện tự nhiên, môi trường, đến các điều kiện cơ sở vật


chất, văn hóa, dịch vụ. Đây là tổng hợp các yếu tố tiền đề để tạo nên chất lượng của sản phẩm và dịch vụ trong KTDL. Tính tổng hợp và liên kết của sản phẩm, dịch vụ du lịch còn được biểu hiện ở chỗ nó kết hợp các loại sản phẩm, dịch vụ do nhiều đơn vị cá nhân, tổ chức thuộc các ngành khác nhau cung cấp. Có nhiều đơn vị, tổ chức tham gia cung ứng sản phẩm du lịch khác nhau, thậm chí với một sản phẩm du lịch cũng có nhiều bộ phận tham gia phục vụ, cung ứng, nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Đặc điểm này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận tham gia phục vụ khách du lịch để tạo ra một sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Tính tổng hợp và liên kết trong KTDL còn thể hiện ở tính đa ngành trong KTDL. Phát triển KTDL tạo ra việc làm thu nhập và cho rất nhiều ngành khác như: giao thông vận tải, môi trường, thủ công mỹ nghệ, văn hóa nghệ thuật, bảo hiểm, y tế, ngành điện, nước, thực phẩm… Từ đặc điểm này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong quản lý, phát triển KTDL.

Mặt khác, tính tổng hợp và liên kết trong KTDL còn được thể hiện rõ trong sự liên hợp của các thành phần kinh tế trong hoạt động của KTDL. Thật vậy, KTDL trên thực tế không chỉ thu hút sự quan tâm đầu tư, kinh doanh của các thành phần kinh tế nhà nước mà ngày càng nhiều các thành phần kinh tế khác như: kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động trong KTDL. Các doanh nghiệp nhà nước liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia khai thác, đầu tư các nguồn lợi từ KTDL. Từ đó tạo ra bức tranh đa dạng, phong phú trong sản phẩm và dịch vụ du lịch. Chính sự đa thành phần của KTDL đã thúc đẩy cho sự ra đời của nhiều loại hình du lịch và dịch vụ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú của du khách, đem lại lợi ích rất lớn về kinh tế - xã hội. Nhưng cũng chính sự đa thành phần này sẽ tạo ra thách thức cho công tác quản lý và phát triển KTDL.


- Kinh tế du lịch có tính mùa vụ rõ rệt.

Hoạt động của KTDL luôn chịu sự tác động của các yếu tố môi trường, thời tiết, khí hậu. Không ít các địa điểm du lịch, tham quan chỉ có thể đến được vào mùa đông hoặc mùa hè, cũng có nơi khách du lịch có thể đến quanh năm. Về phía khách du lịch, họ không chỉ quan tâm tới yếu tố về thời tiết mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như công việc, tiền bạc, gia đình. Thông thường, vào các dịp lễ, khách du lịch ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới tăng so với các dịp khác. Chính những yếu tố kể trên đã tạo nên tính mùa vụ của KTDL. Tính mùa vụ ảnh hưởng rất lớn tới thu nhập của ngành Du lịch. Vào mùa cao điểm của du lịch nhu cầu việc làm trong ngành du lịch tăng cao và người dân địa phương cũng được hưởng lợi ích lớn từ những mùa này. Trong khi đó, có những dịp khách du lịch vắng khiến cho người lao động mất việc làm, giảm thu nhập. Do đó, phát triển KTDL phải tìm cách giải quyết hài hòa giữa mùa thịnh và mùa suy cũng như tìm giải pháp khai thác các sản phẩm du lịch trong những thời điểm vắng khách.

- Kinh tế du lịch có tính nhạy cảm cao, nhất là trong bối cảnh HNQT.

Kinh tế du lịch không chỉ chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên mà còn chịu ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Khách du lịch không chỉ tìm đến các địa điểm du lịch bởi sức hấp dẫn của cảnh quan, thiên nhiên, ẩm thực mà còn quan tâm tới sự ổn định ở địa phương hoặc quốc gia. Sự bất ổn chính trị ở một quốc gia hay sự xung đột ở địa phương đều có thể khiến cho khách du lịch cân nhắc khi đến tham quan.

Ngoài ra, tính nhạy cảm còn thể hiện ở việc KTDL gồm nhiều bộ phận cấu thành nên trong quá trình cung cấp dịch vụ cho du khách, nhà cung ứng cần bố trí chính xác về thời gian, có kế hoạch chu đáo, chi tiết về nội dung các hoạt động du lịch, cần kết hợp một cách rõ ràng, liên hệ chặt chẽ giữa các khâu vận chuyển khách, du ngoạn, ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí, mua sắm… Nếu một khâu nào đó không tuân thủ quy trình thì có thể gây ra hàng


loạt những phản ứng dây chuyền làm mất sự phối hợp nhịp nhàng trong cơ cấu tổ chức, ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ du lịch, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả của KTDL.

- Kinh tế du lịch có tính liên vùng và gắn bó chặt chẽ với quá trình hội nhập.

Tính liên vùng trong phát triển KTDL là xu thế chung tất yếu trong thời đại hiện nay. Tính liên vùng cho phép các địa phương trong vùng khai thác những lợi thế tương đối của nhau về tài nguyên du lịch, về hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác để phát triển KTDL, tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn đối với các bên liên quan. Từ đó có thể thu hút được các nhà đầu tư, khách du lịch đến mỗi địa phương.

Tính liên vùng còn thúc đẩy và bảo đảm sự phát triển cân đối, bền vững của vùng và các địa phương trong vùng, giảm bớt sự khác biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng nhau bảo tồn và phát huy những đặc tính riêng về môi trường tự nhiên, văn hóa và tiềm năng phát triển của vùng.

Mỗi vùng đều có những ưu thế nổi trội và những hạn chế riêng. Liên kết vùng sẽ bổ sung những khiếm khuyết do điều kiện tự nhiên đặc thù, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, mỗi địa phương. Liên kết vùng cũng tạo ra sự thống nhất trong điều hành chỉ đạo chung, tránh được những khiếm khuyết đã diễn ra phổ biến như: tranh giành nhà đầu tư, tranh giành dự án, sản phẩm trùng lặp giữa các vùng, các địa phương.

Tóm lại, KTDL là một ngành kinh tế có tính đa ngành, tổng hợp, nhạy cảm và liên kết, gắn với thị trường quốc tế. Việc nắm vững những đặc điểm cơ bản này giữ vai trò quan trọng trong việc đề ra những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp để phát triển KTDL một cách hiệu quả.

* Những đặc điểm đặc thù của kinh tế du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm trong hội nhập quốc tế.

- Kinh tế du lịch ở vùng KTTĐ tạo sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy KTDL ở các vùng khác phát triển.


Vùng KTTĐ có tiềm năng kinh tế - xã hội tương đối đa dạng, cho phép phát triển kinh tế theo hướng đa ngành. Vùng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là vùng có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, khoa học và công nghệ, đặc biệt là phát triển du lịch.

Vùng KTTĐ là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi nổi trội để phát triển KTDL như: điều kiện tự nhiên (danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, các làng nghề, các lễ hội…); các điều kiện về giao thông, trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Vùng KTTĐ cũng là nơi có nhiều cơ sở đào tạo chuyên môn chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, thu hút nhiều lao động, học sinh, sinh viên từ mọi miền của Tổ quốc, đặc biệt là từ các vùng lân cận đến học tập và làm việc. Đồng thời, nơi đây cũng tập trung nhiều các cơ sở kinh doanh du lịch như hệ thống các nhà hàng, các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn sang trọng, thu hút lao động từ các địa phương lân cận. Qua đó, giảm gánh nặng thất nghiệp cho người lao động ở các vùng khác đồng thời tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch cho cả nước.

Các vùng KTTĐ từ lâu đã được Đảng và Nhà nước xác định là vùng động lực, thúc đẩy sự phát triển của các vùng khác trên cả nước. Phát triển KTDL ở các vùng KTTĐ cũng chính là phát triển các đầu tàu, tạo ra sức lan tỏa, lôi kéo sự phát triển KTDL nói riêng và sự phát triển kinh tế nói chung ở các địa phương và vùng lân cận.

- Kinh tế du lịch ở vùng KTTĐ có sản phẩm đặc thù so với các vùng khác.

Khác với các ngành kinh tế khác tạo ra có thể tạo ra sản phẩm thông qua các công ty, nhà máy, xí nghiệp…và có thể được trao đổi buôn bán, vận chuyển khắp nơi thì sản phẩm du lịch lại là sản phẩm “xuất khẩu tại chỗ”. Sản phẩm du lịch có thể là những sản phẩm tự nhiên như danh lam thắng cảnh, những hang động, đồi núi, biển đảo, thung lũng…do thiên nhiên tạo ra, có thể


là sản phẩm do con người sáng tạo nên như các công trình văn hóa, lịch sử, chùa, đình, miếu, mạo, các làn điệu dân ca, các làng nghề truyền thống hay sản phẩm du lịch chính là các dịch vụ du lịch…Mặc dù cũng do con người tạo ra nhưng những sản phẩm du lịch không thể cầm, nắm như các sản phẩm hàng hóa khác, nó mang tính chất là sản phẩm để khách hàng chiêm ngưỡng, tận hưởng, khám phá, học hỏi…

Ở nước ta hiện nay, tất cả các vùng KTTĐ đều là những nơi có các điểm du lịch, dịch vụ, sản phẩm du lịch nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Vùng KTTĐ phía Bắc có vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long; Vùng KTTĐ Trung Bộ có quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An; Vùng KTTĐ Nam Bộ có Thành phố Hồ Chí Minh, biển Bà Rịa - Vũng Tàu; Vùng KTTĐ vùng đồng bằng sông Cửu Long có thành phố Cần Thơ. Tất cả những nơi này đều là những địa chỉ du lịch hấp dẫn khách du lịch. Đây là những lợi thế để phát triển KTDL của vùng KTTĐ so với các vùng khác trong cả nước. Do có nhiều điều kiện hơn các vùng khác để phát triển, đặc biệt là sự ưu ái về tài nguyên du lịch nên các sản phẩm du lịch ở vùng KTTĐ được đầu tư, cải tạo, xây dựng đầy đủ và hoàn thiện hơn và mang tính đặc thù so với các vùng khác.

- Kinh tế du lịch ở vùng KTTĐ phát huy được các thế mạnh và tiềm năng của vùng trong HNQT.

Với tiềm năng về lợi thế và vai trò đầu tàu quan trọng, vùng KTTĐ có điều kiện thuận lợi để liên kết, hợp tác phát triển với các vùng, địa phương khác trong cả nước cũng như với thế giới. Chính vì vậy phát triển KTDL sẽ tận dụng được những lợi thế này của vùng KTTĐ.

Thứ nhất, KTDL sẽ phát huy được lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng KTTĐ. Như đã trình bày ở trên, vùng KTTĐ là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo lớn nhất với chất lượng tốt nhất trong cả nước. Sự tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao ở những vùng KTTĐ là điều kiện then chốt để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ trong KTDL. Mặt


khác, vùng KTTĐ cũng chính là mảnh đất màu mỡ để nguồn nhân lực chất lượng cao thể hiện khả năng, trình độ của mình. Bởi chính các điều kiện thuận lợi về tự nhiên và xã hội trong vùng KTTĐ là điều kiện quan trọng cho nguồn nhân lực phát huy hết năng lực trong mọi hoạt động kinh tế nói chung và KTDL nói riêng.

Thứ hai, KTDL sẽ phát huy được lợi thế về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật của các vùng KTTĐ. KTDL ngày càng có vị trí quan trọng, được coi là một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam. Các vùng KTTĐ là nơi được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện đặc biệt từ chính sách thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đến phát triển nguồn nhân lực và các điều kiện khác. Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển KTDL kết hợp với sự ưu ái về chính sách của Nhà nước, KTDL ở vùng KTTĐ là hoạt động lý tưởng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của vùng.

2.1.2. Các yếu tố cấu thành của kinh tế du lịch

Kinh tế du lịch là một ngành kinh tế sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ du lịch được cấu thành bởi các yếu tố: các chủ thể tham gia KTDL (cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, khách du lịch, các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch, cộng đồng dân cư tại điểm du lịch); hệ thống hạ tầng du lịch; tiềm năng về tài nguyên du lịch và các loại hình sản phẩm du lịch.

2.1.2.1. Nhóm các chủ thể tham gia trong hoạt động kinh tế du lịch

* Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch

Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại Việt Nam được chia thành ba nhóm:

Một là, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch gồm có: Chính phủ (ở cấp trung ương) và Ủy ban nhân dân các cấp (ở cấp địa phương). Các cơ quan này có chức năng quản lý nhà nước một cách tổng thể về mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội trên một địa bàn cụ thể, trong đó có du lịch,.

Xem tất cả 200 trang.

Ngày đăng: 08/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí